Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/05/2017

Donald Trump hố nặng khi sa thải Giám đốc FBI để bịt miệng

RFI tiếng Việt

Donald Trump gây áp lực buộc cựu giám đốc FBI im lặng (RFI, 13/05/2017)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày càng lún sâu vào bê bối chính trị với vụ sa thải giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang FBI, hôm thứ Ba, 09/05/2017.

fbi1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp cựu ngoại trưởng Henry Kissinger tại Nhà Trắng, ngày10/05/2017. Cũng trong cuộc gặp này, ông Trump giải thích với báo giới lý do sa thải giám đốc FBIREUTERS/Kevin Lamarque

Các thông điệp mà ông Trump liên tiếp đưa ra sau đó để bào chữa hay để đe dọa càng khiến công chúng nhớ đến vụ bê bối Watergate, đã dẫn đến sự ra đi của tổng thống Nixon. Hôm qua 12/05, Donald Trump tung một Twitter ngầm ý là cuộc nói chuyện với cựu lãnh đạo FBI có thể đã bị ghi lén, để gây áp lực buộc ông James Comey phải im lặng.

Hành động nói trên không khác đổ thêm dầu vào lửa, thông tín viên Gregoire Pourtier tường trình từ New York,

"Thái độ của tổng thống Donald Trump trong tuần lễ vừa qua càng ngày càng nhắc người ta nhớ đến cựu tổng thống Richard Nixon. Thật khó mà không so sánh giữa vụ sa thải giám đốc FBI James Comey hôm thứ Ba, với vụ cách chức người phụ trách điều tra bê bối Watergate hồi 1973. 

Hôm thứ Tư, Donald Trump thậm chí còn chụp hình chung không chút ngượng ngùng với Henry Kissingger, viên ngoại trưởng gây nhiều tranh cãi của tổng thống Nixon. Hôm qua, ông Trump còn hàm ý cho biết là có thể các cuộc nói chuyện với cựu giám đốc FBI đã bị ghi âm. Một thói quen kỳ quặc từng buộc Nixon phải trả giá đắt, với việc từ chức tổng thống. 

Thông điệp mới trên Tweeter trong đó Donald Trump đe dọa cựu giám đốc FBI đã mở ra một mặt trận mới chống lại Nhà Trắng.

Có thể thấy, ngay cả khi đã có sẵn một nghi án lơ lửng trên đầu, với cuộc điều tra về khả năng Nga can dự giúp ông Trump đắc cử, tổng thống Mỹ mỗi ngày lại tự đâm thêm một chiếc gai vào chân mình. Tối hôm qua, Dick Durbin, một chính trị gia Dân Chủ kỳ cựu, thậm chí còn cho rằng việc sa thải giám đốc FBI có thể coi như một hành động ngăn cản tư pháp, bởi Donald Trump cũng thừa nhận đã trách cứ nguyên giám đốc FBI về các điều tra trong vụ này. Thượng nghị sĩ Dân Chủ cho biết thêm là các thông điệp đe dọa được che đậy trên Twitter nhắm vào James Comey có thể đã phạm luật Hoa Kỳ. 

Nếu như vẫn còn khó hình dung về việc khởi sự một thủ tục phế truất Donald Trump trong hiện tại, do việc đảng Cộng Hòa đang kiểm soát đa số tại Hạ Viện, nhưng một kịch bản như vậy đã bắt đầu được báo chí nói đến nhiều. Năm 1974, tổng thống Nixon đã chọn con đường từ chức, hơn là phải chịu hình thức hạ nhục tột cùng này".

********************

Quốc hội Mỹ ủng hộ điều tra độc lập nghi án Nga thao túng bầu cử Mỹ (RFI, 12/05/2017)

fbi2

Quyền giám đốc FBI Andrew McCabe điều trần trước Ủy ban Tình báo của Thượng Viện, Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/05/2017. REUTERS/Eric Thayer

Ngày 11/05/2017, ngay sau khi giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) bị tổng thống cách chức, Quốc hội Hoa Kỳ khẳng định hoàn toàn ủng hộ cơ quan này điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Điều trần trước Thượng Viện, quyền giám đốc FBI cho biết cuộc điều tra hiện không bị trở ngại.

Tại Thượng Viện, người đứng đầu ủy ban Tình Báo, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Richard Burr, và thượng nghị sĩ Dân Chủ Mark Warner đều ca ngợi ông James Comey, vị giám đốc vừa bị sả thải. Họ cũng hứa hẹn sẽ tích cực tiếp tục cuộc điều tra riêng của Thượng Viện trong nghi án này.

Theo các nhà quan sát, việc cách chức giám đốc FBI là một nỗ lực mới của Nhà Trắng nhằm ngăn cản cuộc điều tra đang được tiến hành. Một nguồn tin Quốc hội Mỹ hôm 10/05 cho biết ông James Comey trước khi bị cách chức, đã yêu cầu chính quyền tăng cường phương tiện cho cuộc điều tra. Trong khi đó, ngày 11/05, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, tổng thống Donald Trump thừa nhận đã ba lần chất vấn giám đốc FBI James Comey xem liệu chính ông có bị điều tra hay không.

Điều trần trước Thượng Viện ngày 11/05, quyền giám đốc FBI Andrew McCabe bảo đảm là cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục cuộc điều tra, bất chấp các áp lực chính trị. Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York,

"Cuộc điều trần của ông Andrew McCabe chắc chắn không làm cho tổng thống Trump hài lòng. Bởi vì, gần như trong tất cả những điểm nhạy cảm nhất, tóm lại về những vấn đề mà ông chấp nhận giải trình, quyền giám đốc FBI đều nói ngược lại Nhà Trắng. 

Phải chăng James Comey đã không còn được các nhân viên tin tưởng ? Không đúng ! Ông ấy đã được ủng hộ rộng rãi, và hiện nay vẫn như vậy. McCabe nhấn mạnh đến "sự rất kính trọng" của ông đối với cựu giám đốc. 

Theo các kết quả điều tra, liệu các thông đồng giữa phía Nga và những người thân cận với Donald Trump chỉ là chuyện vụn vặt ? Không đúng ! Có những thông tin quan trọng được tìm thấy, và nếu như không thể công bố có bao nhiêu nhân viên điều tra được huy động, thì FBI rất xem trọng, và chắc chắn sẽ không để vụ việc này bị chôn vùi.

Quyền giám đốc cơ quan điều tra liên bang bảo đảm là "cuộc điều tra vẫn tiếp tục, bất kể tình hình có thay đổi". Ông khẳng định "cần phải nói rõ, không ai có thể ngăn cản các nhân viên FBI làm công việc của mình. Đó là bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ Hiến Pháp". 

Andrew McCabe cho biết là hiện tại FBI không bị gây sức ép, nhưng sau đó, ông tuyên bố sẽ báo với Thượng Viện, nếu bị áp lực về chính trị. Quyền giám đốc FBI nhấn mạnh là ông sẽ không thông báo với Nhà Trắng về cuộc điều tra đang tiến hành. 

Khi sa thải giám đốc FBI, chắc chắn tổng thống Mỹ đã hy vọng giải quyết được một vấn đề, thế nhưng ngược lại Donald Trump đã gây thêm một vấn đề mới, và đặc biệt là củng cố thêm những nghi ngờ đối với chính phủ Mỹ".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)