Trump bị yêu cầu giao nộp bằng chứng về Comey (BBC, 15/05/2017)
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang yêu cầu Tổng thống Donald Trump cung cấp đoạn ghi âm các cuộc đối thoại với giám đốc FBI vừa bị cách chức, James Comey.
Tổng thống Trump đột nhiên sa thải giám đốc FBI James Comey vào tuần trước
Lãnh đạo Đảng Dân Chủ trong Thượng viện Charles Schumer cảnh cáo việc hủy hoại các đoạn ghi âm là vi phạm pháp luật.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Lindsey Graham nói rằng Nhà Trắng cần "làm sáng tỏ" về sự tồn tại của các đoạn ghi âm.
Những lời bình luận này được đưa ra sau khi ông Trump đăng trên Twitter, đưa ra một lời đe dọa mỏng manh cho cựu giám đốc FBI.
Ông Trump cảnh cáo ông Comey không được trao đổi với truyền thông vào tuần trước, nói rằng ông Comey nên "hi vọng là không đoạn ghi âm nào" giữa các cuộc đối thoại của họ.
Ông Schumer cũng cảnh báo rằng các thượng nghị sĩ Dân Chủ sẽ từ chối bầu vị trí giám đốc FBI mới cho đến khi có một công tố viên đặc biệt được bổ nhiệm điều tra các buộc can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm ngoái.
FBI đang điều tra các cáo buộc về sự cấu kết giữa Moscow và chiến dịch tranh cử của Trump.
Ông Trump phủ nhận các cáo buộc cấu kết và nói ông Comey đã cam đoan rằng ông Trump không bị điều tra. Ông nói ông sa thải ông Comey vì ông ta không làm tốt.
Các quan chức Đảng Dân Chủ, tuy nhiên, cáo buộc Tổng thống Trump đã đuổi việc ông Comey để cản trở cuộc điều tra.
Thượng nghị sĩ Charles Schumer (trái) và Lindsey Graham yêu cầu các đoạn ghi âm phải được giao nộp
Ông Schumer nói với CNN rằng nếu các đoạn ghi âm này tồn tại "tổng thống phải giao nộp ngay lập tức. Việc phá hủy chúng sẽ là vi phạm pháp luật".
"Nếu không có đoạn ghi âm nào, ông Trump nên xin lỗi ông Comey và toàn thể người dân Mỹ vì đã lừa dối họ".
Thượng nghĩ sĩ Graham nói với NBC rằng dòng tin trên Twitter của ông Trump là "không phù hợp" và yêu cầu tổng thống nên "tránh ra và để cuộc điều tra được tiếp tục".
Trong khi đó ông Trump nói ông sẽ công bố người thay thế ông Comey trong tuần này.
Mười một người được cân nhắc cho vị trí này, cần được thượng viện thông qua.
*******************
Mỹ : Hậu quả gián tiếp của các sắc lệnh cấm nhập cư (RFI, 15/05/2017)
Một người nhập cư Sri Lanka tại San Diego, California. Ảnh chụp ngày 9/04/2017. REUTERS/Sandy Huffaker
Một tòa phúc thẩm ở miền tây Hoa Kỳ, ngày hôm nay, 15/05/2017, xem xét sắc lệnh chống nhập cư của chính quyền Donald Trump nhắm vào công dân của sáu nước Hồi Giáo. Các văn bản cho đến lúc này vẫn bị tư pháp ngăn chặn, nhưng đã và đang gây ra một hệ quả tiêu cực : Người nhập cư bất hợp pháp bị bạo hành nhưng không dám đi khai báo nữa vì sợ bị trục xuất.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio gửi về bài tường trình :
"Bầu không khí trong các cộng đồng người Châu Mỹ Latinh và Hồi Giáo tại Hoa Kỳ không còn như trước nữa. Hội Đồng Quan Hệ Mỹ-Hồi Giáo, một tổ chức có thế lực tại Hoa Kỳ đã nói đến hiện tượng này trong thư liên lạc với các thành viên, tình hình đã xấu đi kể từ khi các sắc lệnhh về nhập cư được công bố, cho dù các văn bản này đã bị tư pháp chặn lại.
Cảnh sát cũng ghi nhận sự thay đổi này, cụ thể là tại nhiều thành phố lớn, số các vụ phạm trọng tội và khinh tội đã giảm khoảng 12% kể từ tháng Giêng.
Vậy tình trạng này liên quan gì đến các sắc lệnh về nhập cư ? Tại Houston, Texas và Los Angeles ở California, số các vụ bạo hành giảm ở các khu vực đông dân nhập cư. Cảnh sát cho rằng trên thực tế, các nạn nhân không đi khai báo và cũng không ra làm chứng nữa. Chưa có gì chứng minh được nhận định này, thế nhưng rất đông nạn nhân là những người không có giấy tờ lưu trú hợp pháp và họ không muốn bị trục xuất sau khi gặp cảnh sát để khai báo.
Thống đốc bang Texas vừa cho thông qua một văn bản cấm các thành phố trong bang này tiếp đón và trở thành cứ địa của người nhập cư bất hợp pháp. Cảnh sát và các tổ chức bảo vệ người nhập cư lo ngại về biện pháp này."
RFI tiếng Việt
*********************
Ít người Mỹ ủng hộ vụ sa thải giám đốc FBI (VOA, 14/05/2017)
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy lượng người Mỹ phản đối việc Tổng thống Donald Trump sa thải giám đốc FBI James Comey chiếm số đông hơn.
Người biểu tình phản đối việc Tổng thống Trump sa thải Giám đốc FBI Comey, 10/5/2017
Theo khảo sát của New York Times/Wall Street Journal trong những ngày gần đây, chỉ có 29% số những người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc ông Trump sa thải ông Comey. Ông Comey ở thời điểm đó đã là giám đốc Cục Điều tra Liên bang được 4 năm trong nhiệm kỳ 10 năm. Trong khi đó, 38% phản đối. Những người còn lại nói họ không nắm rõ nên không có ý kiến.
Nhưng trong số những người theo dõi sát sao tin về vụ sa thải bất ngờ ông Comey, 53% nói rằng họ phản đối và 33% ủng hộ.
Ông Trump đã sa thải ông Comey hôm thứ Ba, lúc đầu nói rằng ông chấp nhận các khuyến nghị từ Tổng Chưởng lý Jeff Sessions và vị phó của ông là Rod Rosenstein, đề xuất rằng ông Comey đáng bị bãi nhiệm vì vai trò của ông hồi năm ngoái trong cuộc điều tra về đối thủ tranh cử tổng thống của ông Trump bên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton và cung cách bà quản lý tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia trên máy chủ email cá nhân của bà.
Nhưng đến cuối tuần, ông Trump nói rằng ông tự đi đến quyết định sa thải ông Comey bất chấp các lời khuyến nghị và ông đã nghĩ đến "chuyện liên quan đến Nga" khi ông quyết định sa thải ông Comey. Cựu giám đốc của FBI đã chỉ đạo cục của ông điều tra về kết luận của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và có thể có sự thông đồng giữa các phụ tá tranh cử của ông Trump và các quan chức Nga.
**********************
Tillerson tự tin về quan hệ với Trump (VOA, 14/05/2017)
Ông Tillerson và ông Trump tại lễ nhậm chức ngoại trưởng, 2/1/2017
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói ông không lo lắng về vị thế của mình với Tổng thống Donald Trump sau vụ ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey.
Ông Tillerson nói với chương trình Meet the Press (Gặp gỡ Báo chí) của đài NBC News hôm Chủ nhật : "Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với tổng thống. Tôi hiểu những mục tiêu của ông là gì. Khi tôi không rõ về những mục tiêu của ông, chúng tôi thảo luận về điều đó".
Ông Tillerson phát biểu như vậy vào lúc ông Trump chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống. Hôm thứ Sáu, ông lên đường đi Ả-rập Xê-út để hội đàm với Quốc vương Salman, và tới Israel để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bàn về những bất ổn và các mối đe dọa an ninh đang diễn ra ở khu vực Trung Đông nhiều bất ổn. Sau đó, ông Trump sẽ thăm Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican, tiếp đến sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới tại NATO cũng như tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế G7.
Ông Tillerson nói : "Tôi tận tâm giúp Tổng thống đạt được các mục tiêu của ông, giúp ông thành công. Và tôi hiểu rằng hàng ngày tôi phải giành được sự tin tưởng của ông về cách tôi giải quyết những vấn đề đó cũng như cách tôi tiến hành các hoạt động của Bộ Ngoại giao nhất quán với đường hướng ông lãnh đạo đất nước".
Thứ Ba tuần trước, ông Trump đã sa thải ông Comey khỏi chức giám đốc Cục Điều tra Liên bang.
Ông Tillerson nói cuộc tranh luận chính trị ở Washington về vụ sa thải ông Comey không ảnh hưởng đến ông và mối quan hệ của ông với ông Trump.
***********************
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hủy bỏ họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng (RFI, 14/05/2017)
Bà Sarah Huckabee Sanders, một trong hai phát ngôn viên Nhà Trắng. Ảnh chụp ngày 11/05/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Việc tổng thống Donald Trump bất ngờ cách chức giám đốc FBI James Comey và những lời giải thích đầy mâu thuẫn của Nhà Trắng đã tạo nên một con bão truyền thông tại Mỹ. Tức giận với các phóng viên, ngày 12/05/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết tin nhắn đe dọa chấm dứt truyền thống họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng. Hôm 13/05, trong một buổi phỏng vấn truyền hình, Donald Trump khẳng định ý muốn trên, cho rằng truyền thông thù ghét ông
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier cho biết thêm chi tiết :
Tuần qua, các phát ngôn viên của Nhà Trắng ngày nào cũng phải ê chề chịu trận trước các các nhà báo. Vì thế, Donald Trump cho biết phải chống trả "các tin giả". Theo ông, các phương tiện truyền thông không hiểu gì về việc ông làm và dành thời gian để "vạch lá tìm sâu".
Đối với Donald Trump, giải pháp chống lại có thể là hủy bỏ các buổi hỏi/đáp theo truyền thống với báo chí, như ông viết trên mạng Tweeter hôm thứ Sáu.
Không chỉ viết trên mạng xã hội, tổng thống đã phát triển ý này trên truyền hình ngày thứ Bảy 13/05. Theo ông, các phóng viên rất thích gây gổ, họ chỉ tập trung vào một số chủ đề và có thể giật một tít lớn khi ông mới chỉ nói một vài từ, chưa hết cả câu.
Ông Trump nói : "Đơn giản là chúng ta hủy bỏ các buổi họp báo. Trừ khi tôi muốn họp báo hai tuần 1 lần, và chính tôi làm việc đó, còn thì hủy bỏ hết. Tôi nghĩ rằng đây là một ý hay. Ở đó, tôi thấy có sự thù hằn không tới mức thể tin được. Sarah Huckabee là một phụ nữ trẻ duyên dáng, còn Sean Spicer là một người tuyệt vời, rất đáng mến."
Hai phát ngôn viên trên chắc chắc sẽ hài lòng khi thấy ông chủ khen họ đáng mến. Nhưng Donald Trump lại chẳng nhắc gì đến năng lực của hai người này và tỏ ra không dứt khoát về tương lai của họ. Nhất là Donald Trump không thực sự bênh vực họ khi giải thích rằng, bản thân ông cũng rất năng động nên có nhiều ý tưởng xuất sắc nảy ra trong đầu, vì thế họ rất khó theo kịp ông.
Đối với Donald Trump, các phóng viên có thể sẽ phải tự bằng lòng với các bản thông cáo khi làm việc, trong khi chờ đợi các buổi họp báo được tổng thống tổ chức 15 ngày 1 lần.
Cho dù thường được coi là mang tính chất "màu mè" hơn là thực chất, các phát biểu của ông Trump lại rất ăn khách. Ông Donald Trump không ngại nhắc lại rằng lượng khán giả xem các buổi họp báo của ông trên truyền hình cao ở mức lịch sử.
Liên quan tới chức giám đốc FBI, theo AFP, hôm qua tổng thống Donald Trump cho biết muốn nhanh chóng bổ nhiệm một người vào chức vụ này.
Thùy Dương