Vào ngày 09/01/2020, một cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát xoay quanh một cuộc tranh chấp đất đai kéo dài ở làng Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, đã khiến ba sĩ quan cảnh sát và một dân làng thiệt mạng, cùng một người dân khác bị thương. Đây là vụ tranh chấp đất đai gây tổn thất nhân mạng nhiều nhất ở Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời cho thấy rõ thực trạng tranh chấp đất đai đang trở thành một nguồn xung đột xã hội lớn ở Việt Nam.
Thôn Hoành - xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức những ngày còn là "điểm nóng"
Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định rằng đất đai "là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Quy định pháp lý này cùng với tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo và không nhất quán của nhiều chính quyền địa phương đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các tranh chấp đất đai nảy sinh, đặc biệt là ở những nơi các sự kiện lịch sử tạo ra sự mơ hồ về quyền sử dụng đất qua thời gian.
Trong trường hợp của Đồng Tâm, tranh chấp diễn ra xoay quanh một khu đất nằm sát một đường băng quân sự mà chính phủ muốn thu hồi để bàn giao cho Viettel, một tập đoàn do quân đội quản lý, để xây dựng một cơ sở sản xuất. Các quan chức cho rằng lô đất này là đất quốc phòng từ năm 1968 và chính dân làng đã chiếm giữ đất trái phép. Tuy nhiên, những người biểu tình nói rằng khu đất này nằm ngoài khu vực đất quốc phòng và là một phần đất nông nghiệp được họ canh tác từ ít nhất những năm 1980, đồng thời họ đã trả tiền sử dụng đất và thuế đầy đủ cho nhà nước.
Chính phủ đã lên án phản ứng bạo lực của người biểu tình và cáo buộc họ là "tội phạm", phải bị xử lý nghiêm khắc bởi luật pháp. Do những dân làng có liên quan đã bị khởi tố tội giết người, và việc thủ lĩnh của nhóm chống đối đã thiệt mạng trong vụ việc, tranh chấp nhiều khả năng sẽ lắng xuống và chính phủ có thể giải quyết được cuộc tranh chấp theo các điều kiện của mình. Tuy nhiên, do bản chất của chế độ đất đai tại Việt Nam, các tranh chấp tương tự vẫn có thể sẽ tiếp tục nảy sinh ở những nơi khác, đặt ra một thách thức đáng kể cho Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ.
Tranh chấp đất đai từ lâu đã là một nguồn cơn lớn gây xung đột xã hội ở Việt Nam. Ngoài tranh chấp về quyền sở hữu đất như ở Đồng Tâm, tranh chấp về tiền bồi thường cho những người dân bị thu hồi đất cũng rất phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, tham nhũng làm cho tình hình tồi tệ hơn, khi các quan chức tham nhũng thông đồng với các nhà đầu tư để tự ý thu hồi đất của người dân với giá bồi thường thấp, sau đó giao cho các nhà đầu tư, những người sẽ bán lại đất với giá cao hơn nhiều. Ngay cả trong các dự án công cho mục đích phát triển quốc gia, số tiền bồi thường thấp cho chủ sở hữu đất cũng tạo ra bất bình. Việc nhiều nhóm chủ đất tập trung biểu tình đông người trước văn phòng các cơ quan trung ương để đòi công lý từ lâu đã trở thành một cảnh tượng phổ biến ở Hà Nội.
Để giải quyết vấn đề này, một số chuyên gia và nhà hoạt động đã kêu gọi nhà nước công nhận quyền tư hữu đất đai. Tuy nhiên, bất chấp các cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 2013, Quốc hội, do lo ngại về hậu quả chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia của đề xuất này, đã quyết định giữ nguyên chế độ sở hữu tập thể đối với đất đai.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ nhận thức rõ rủi ro tranh chấp đất đai có thể bùng phát gây bất ổn, và đã cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp khác. Ví dụ, Luật Đất đai năm 2013 quy định rằng đối với các dự án thương mại, chính quyền địa phương sẽ không còn đứng ra thu hồi đất từ người dân thay mặt cho nhà đầu tư. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ phải đàm phán trực tiếp với chủ sở hữu đất để xác định giá đất và chi phí bồi thường. Mặc dù quy định mới này đã làm giảm số lượng tranh chấp đất đai liên quan đến các nhà đầu tư tư nhân, nhưng nó cũng góp phần vào việc làm tăng giá đất trong những năm gần đây. Trong khi đó, tranh chấp đất đai liên quan đến các dự án công vẫn tiếp tục tồn tại và trở nên phổ biến hơn, một phần do chính phủ cố gắng giữ giá bồi thường thấp. Dù các chính quyền địa phương đều cập nhật bảng giá đất thuộc quyền quản lý của mình theo định kỳ, vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa giá đất theo quy định của nhà nước và giá thị trường. Do đó, nhiều khả năng các tranh chấp đất đai liên quan đến các dự án công hoặc các dự án mà trong đó chính quyền thay mặt các doanh nghiệp nhà nước đứng ra thu hồi đất như vụ Đồng Tâm sẽ còn tiếp diễn.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, để tránh bị vướng vào các tranh chấp đất đai tiềm tàng, họ thường chọn thuê đất trong các khu công nghiệp nơi đất đã được thu hồi và giải phóng mặt bằng bởi các nhà phát triển khu công nghiệp. Đối với các dự án bên ngoài khu công nghiệp, các nhà đầu tư, chủ yếu là các nhà phát triển bất động sản, thường chọn mua đất sạch và đủ pháp lý từ các nhà đầu tư khác thay vì tham gia đàm phán trực tiếp với cư dân địa phương. Trong các trường hợp khác, họ thành lập một liên doanh với một đối tác địa phương, bên sẽ chịu trách nhiệm lấy đất cho dự án. Sau khi liên doanh đã có đất, nhà đầu tư nước ngoài có thể thu xếp mua lại cổ phần của đối tác địa phương để sở hữu toàn bộ lô đất.
Như vậy, tranh chấp đất đai tương tự như vụ Đồng Tâm nhìn chung không xảy ra với nhà đầu tư nước ngoài và sẽ ít ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thay vào đó, đây phần lớn là một vấn đề chính trị chủ yếu tác động tới vị thế của Đảng và chính phủ.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/01/2020
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.