Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào ngày 09/01/2020, một cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát xoay quanh một cuộc tranh chấp đất đai kéo dài ở làng Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, đã khiến ba sĩ quan cảnh sát và một dân làng thiệt mạng, cùng một người dân khác bị thương. Đây là vụ tranh chấp đất đai gây tổn thất nhân mạng nhiều nhất ở Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời cho thấy rõ thực trạng tranh chấp đất đai đang trở thành một nguồn xung đột xã hội lớn ở Việt Nam.

tranhchap1

Thôn Hoành - xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức những ngày còn là "điểm nóng"

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định rằng đất đai "là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Quy định pháp lý này cùng với tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo và không nhất quán của nhiều chính quyền địa phương đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các tranh chấp đất đai nảy sinh, đặc biệt là ở những nơi các sự kiện lịch sử tạo ra sự mơ hồ về quyền sử dụng đất qua thời gian.

Trong trường hợp của Đồng Tâm, tranh chấp diễn ra xoay quanh một khu đất nằm sát một đường băng quân sự mà chính phủ muốn thu hồi để bàn giao cho Viettel, một tập đoàn do quân đội quản lý, để xây dựng một cơ sở sản xuất. Các quan chức cho rằng lô đất này là đất quốc phòng từ năm 1968 và chính dân làng đã chiếm giữ đất trái phép. Tuy nhiên, những người biểu tình nói rằng khu đất này nằm ngoài khu vực đất quốc phòng và là một phần đất nông nghiệp được họ canh tác từ ít nhất những năm 1980, đồng thời họ đã trả tiền sử dụng đất và thuế đầy đủ cho nhà nước.

Chính phủ đã lên án phản ứng bạo lực của người biểu tình và cáo buộc họ là "tội phạm", phải bị xử lý nghiêm khắc bởi luật pháp. Do những dân làng có liên quan đã bị khởi tố tội giết người, và việc thủ lĩnh của nhóm chống đối đã thiệt mạng trong vụ việc, tranh chấp nhiều khả năng sẽ lắng xuống và chính phủ có thể giải quyết được cuộc tranh chấp theo các điều kiện của mình. Tuy nhiên, do bản chất của chế độ đất đai tại Việt Nam, các tranh chấp tương tự vẫn có thể sẽ tiếp tục nảy sinh ở những nơi khác, đặt ra một thách thức đáng kể cho Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ.

Tranh chấp đất đai từ lâu đã là một nguồn cơn lớn gây xung đột xã hội ở Việt Nam. Ngoài tranh chấp về quyền sở hữu đất như ở Đồng Tâm, tranh chấp về tiền bồi thường cho những người dân bị thu hồi đất cũng rất phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, tham nhũng làm cho tình hình tồi tệ hơn, khi các quan chức tham nhũng thông đồng với các nhà đầu tư để tự ý thu hồi đất của người dân với giá bồi thường thấp, sau đó giao cho các nhà đầu tư, những người sẽ bán lại đất với giá cao hơn nhiều. Ngay cả trong các dự án công cho mục đích phát triển quốc gia, số tiền bồi thường thấp cho chủ sở hữu đất cũng tạo ra bất bình. Việc nhiều nhóm chủ đất tập trung biểu tình đông người trước văn phòng các cơ quan trung ương để đòi công lý từ lâu đã trở thành một cảnh tượng phổ biến ở Hà Nội.

Để giải quyết vấn đề này, một số chuyên gia và nhà hoạt động đã kêu gọi nhà nước công nhận quyền tư hữu đất đai. Tuy nhiên, bất chấp các cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 2013, Quốc hội, do lo ngại về hậu quả chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia của đề xuất này, đã quyết định giữ nguyên chế độ sở hữu tập thể đối với đất đai.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ nhận thức rõ rủi ro tranh chấp đất đai có thể bùng phát gây bất ổn, và đã cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp khác. Ví dụ, Luật Đất đai năm 2013 quy định rằng đối với các dự án thương mại, chính quyền địa phương sẽ không còn đứng ra thu hồi đất từ người dân thay mặt cho nhà đầu tư. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ phải đàm phán trực tiếp với chủ sở hữu đất để xác định giá đất và chi phí bồi thường. Mặc dù quy định mới này đã làm giảm số lượng tranh chấp đất đai liên quan đến các nhà đầu tư tư nhân, nhưng nó cũng góp phần vào việc làm tăng giá đất trong những năm gần đây. Trong khi đó, tranh chấp đất đai liên quan đến các dự án công vẫn tiếp tục tồn tại và trở nên phổ biến hơn, một phần do chính phủ cố gắng giữ giá bồi thường thấp. Dù các chính quyền địa phương đều cập nhật bảng giá đất thuộc quyền quản lý của mình theo định kỳ, vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa giá đất theo quy định của nhà nước và giá thị trường. Do đó, nhiều khả năng các tranh chấp đất đai liên quan đến các dự án công hoặc các dự án mà trong đó chính quyền thay mặt các doanh nghiệp nhà nước đứng ra thu hồi đất như vụ Đồng Tâm sẽ còn tiếp diễn.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, để tránh bị vướng vào các tranh chấp đất đai tiềm tàng, họ thường chọn thuê đất trong các khu công nghiệp nơi đất đã được thu hồi và giải phóng mặt bằng bởi các nhà phát triển khu công nghiệp. Đối với các dự án bên ngoài khu công nghiệp, các nhà đầu tư, chủ yếu là các nhà phát triển bất động sản, thường chọn mua đất sạch và đủ pháp lý từ các nhà đầu tư khác thay vì tham gia đàm phán trực tiếp với cư dân địa phương. Trong các trường hợp khác, họ thành lập một liên doanh với một đối tác địa phương, bên sẽ chịu trách nhiệm lấy đất cho dự án. Sau khi liên doanh đã có đất, nhà đầu tư nước ngoài có thể thu xếp mua lại cổ phần của đối tác địa phương để sở hữu toàn bộ lô đất.

Như vậy, tranh chấp đất đai tương tự như vụ Đồng Tâm nhìn chung không xảy ra với nhà đầu tư nước ngoài và sẽ ít ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thay vào đó, đây phần lớn là một vấn đề chính trị chủ yếu tác động tới vị thế của Đảng và chính phủ.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/01/2020

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.

Published in Diễn đàn

Vào ngày 4 tháng 1 năm 2020, trong kỳ họp lần thứ 42 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt – Lào, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký năm hợp đồng mua từ tập đoàn Phongsubthavy và tập đoàn Chealun Sekong của Lào 1,5 tỷ kWh điện mỗi năm trong hai năm, bắt đầu từ năm 2021. Thỏa thuận này, trong khi minh họa cho tầm nhìn của chính phủ Lào về việc biến đất nước này thành "bình ắc quy của Đông Nam Á", cũng đồng thời cho thấy những thách thức về an ninh năng lượng cũng như thế lưỡng nan của Việt Nam trong việc đối phó với kế hoạch xây dựng hàng loạt các đập thủy điện trên sông Mê Kông của Lào.

mekong1

Thế khó của Việt Nam trước các đập thủy điện trên sông Mê Kông của Lào

Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện ngày càng nghiêm trọng trong những năm tới, ước tính sẽ lên mức 3,7 tỷ kWh vào năm 2021 và gần 10 tỷ kWh vào năm 2022. Ngoài nguyên nhân nhu cầu tăng do tăng trưởng kinh tế, một số yếu tố khác cũng đã góp phần dẫn tới sự thiếu hụt này.

Thứ nhất, trong số 60 nhà máy điện lớn đang được xây dựng, 35 dự án với tổng công suất 39.000 MW đang phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ từ một đến năm năm. Việc Quốc hội Việt Nam hồi năm 2016 thông qua việc dừng kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng dẫn đến những thay đổi bất ngờ trong quy hoạch phát triển nguồn điện của cả nước.

Thứ hai, các dự án mới đang gặp khó khăn vì chính phủ không còn cấp bảo lãnh tín dụng cho các nhà máy điện. Do đó, các nhà phát triển điện lớn của Việt Nam như EVN, PetroVietnam và Vinacomin hiện phải dựa vào các khoản vay thương mại tốn kém hơn để tài trợ cho các dự án của mình. Do đó, thu xếp tài chính cho các dự án mới mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.

Thứ ba, do chất lượng không khí suy giảm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như việc chính phủ nhấn mạnh hơn vào năng lượng tái tạo đã khiến Việt Nam tìm cách giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than tuy rẻ nhưng gây ô nhiễm, hiện chiếm khoảng 41% tổng sản lượng điện của Việt Nam. Các nguồn năng lượng sạch hơn, như các nhà máy điện khí hay các trang trại điện mặt trời và điện gió, hiện được ưu tiên trở thành các nguồn điện thay thế.

Tuy nhiên, các nhà máy điện khí rất tốn kém và Việt Nam chưa có các kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để phục vụ cho các nhà máy như vậy. Trong khi đó, mặc dù các trang trại điện gió và điện mặt trời xây dựng nhanh hơn nhưng công suất của chúng khá hạn chế. Dù Việt Nam hiện là nước đi đầu về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, tổng công suất của 82 trang trại điện mặt trời đang hoạt động tới cuối tháng 6 năm 2019 chỉ là 4.464MW, chiếm 8,28% tổng sản lượng điện của cả nước. Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo mới trong tương lai sẽ phải đối mặt với thách thức do mức giá mua điện mà chính phủ phê duyệt thấp hơn cũng như việc Việt Nam chậm nâng cấp hệ thống truyền tải điện nhằm hấp thụ lượng điện bổ sung từ các dự án này.

Để giải quyết tình trạng thiếu điện trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, đặc biệt là Lào. Tuy nhiên, lựa chọn này đặt ra cho Việt Nam một vấn đề nan giải trong cách đối phó với các kế hoạch của Lào nhằm xây dựng thêm các đập thủy điện trên sông Mê Kông và các phụ lưu. Do lo ngại về tác động môi trường đối với đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam từ lâu đã phản đối kế hoạch của Lào nhằm xây dựng ít nhất 9 đập thủy điện lớn dọc theo con sông này. Mặc dù hai nước có mối quan hệ thân thiết, cho đến nay Việt Nam vẫn không thể thuyết phục được Lào xem xét lại kế hoạch của mình.

Sự kiên định của Lào, nay cộng với tình trạng thiếu điện ngày càng tăng của Việt Nam, dường như đã khiến Hà Nội dần cân nhắc một cách tiếp cận mới. Ví dụ, vào tháng 6 năm 2019, PV Power, một công ty con của PetroVietnam, đã tổ chức một cuộc hội thảo để thảo luận việc tham gia vào dự án đập thủy điện Luang Prabang trên sông Mê Kông. PV Power được cho là đang nắm giữ 38% cổ phần của dự án. Một số chuyên gia cho rằng do Việt Nam không thể ngăn cản Lào xây dựng các con đập, sẽ là một điều khôn ngoan nếu Việt Nam tham gia vào các dự án này để kiểm soát việc thiết kế và vận hành các con đập nhằm giảm thiểu tác động môi trường lên đồng bằng sông Cửu Long. Cách tiếp cận này mang tính thực dụng và có lẽ là giải pháp tốt nhất đối với Việt Nam vào lúc này, nhưng nó cũng không hoàn hảo. Việt Nam không thể tham gia vào tất cả các dự án và việc tham gia vào bất kỳ dự án nào trong số đó cũng sẽ làm suy yếu lập luận của Việt Nam khi phản đối các dự án tương tự ở Lào và các nước khác.

Về lâu dài, Việt Nam cần tự giải quyết các vấn đề của mình để đảm bảo một nguồn cung điện bền vững, giá cả phải chăng và thân thiện hơn với môi trường để phục vụ sự phát triển của đất nước. Ngay cả khi Việt Nam tham gia vào một số dự án xây dựng đập thủy điện ở Lào, chúng ta vẫn cần tiếp tục phản đối việc xây dựng các con đập mới trên sông Mê Kông. Trong trường hợp Lào quyết định tiến hành xây dựng các đập mới, chúng ta cần phải yêu cầu Lào lựa chọn các thiết kế đập và công nghệ thủy điện phù hợp để giảm thiểu tác động môi trường. Xét cho cùng, đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng đối với an ninh lương thực của không chỉ Việt Nam mà còn của cả khu vực.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Commentary.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/01/2020

Published in Diễn đàn

Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ. Nhìn lại 25 năm qua, hai bên đã đạt được những bước tiến trong quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những dè dặt từ cả hai phía. Đâu là cơ hội sắp tới cho hai nước, khả năng nâng cấp quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược trong thời gian tới ra sao ? Và liệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đến thăm Mỹ vào năm tới ? Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore về vấn đề này. Trước hết, nhận định về mối quan hệ hai nước trong 25 năm qua, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho biết :

vietmy1

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Tổng Bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 27/2/2019 trước Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn AFP - Hình minh họa.

Trong 25 năm qua kể từ Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ song phương nhìn chung phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, trụ cột là kinh tế. Cho tới nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ngoài EU. Mỹ cũng đang trở thành nhà đầu tư ngày càng quan trọng đối với Việt Nam. Mỹ cũng là nguồn cung cấp nhiều công nghệ cho Việt Nam thông qua các công ty đa quốc gia có nguồn gốc từ Mỹ. Trong lĩnh vực trao đổi về du lịch và giáo dục đào tạo cũng có những bước phát triển. Bên cạnh đó, hai nước cũng có những bước đi trong việc hợp tác chiến lược và quốc phòng. Nhìn tổng thể, tôi thấy vẫn có khía cạnh, lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ có thể làm được nhiều hơn, thúc đẩy nhiều hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, chiến lược.

vietmy2

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao ở Hà Nội hôm 5/8/1995 AP - Hình minh họa.

Nếu nhìn lại thì chúng ta thấy là trong thời điểm 1995 khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ thì động lực lớn nhất của Việt Nam là kinh tế, phá vỡ thế bị bao vây, cô lập. Trong lĩnh vực kinh tế, có lẽ Việt Nam rất muốn khai phá thị trường Mỹ để phục vụ công cuộc mở cửa về kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn ban đầu tương đối khó khăn kể từ năm 1986. Sau khi khai thông được với Mỹ thì xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh. Quan hệ với Mỹ cũng mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO sau này.

25 năm trước thì kinh tế là động lực chính. Lúc này, dù kinh tế vẫn rất quan trọng và là trụ cột trong quan hệ song phương, nhưng động lực lớn hơn, theo tôi, là lĩnh vực quốc phòng. Năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã ký thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Cho tới nay, hai bên đang cân nhắc việc nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Một khi nâng lên thành đối tác chiến lược thì các hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, chiến lược sẽ được chú trọng hơn. Tôi cho rằng đây là một điều tốt cho cả hai nước Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang cần củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác an ninh ở khu vực.

Để cân bằng lại mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cũng cần quan hệ với Mỹ để chống lại sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, cho đến nay dù hai bên có những động lực lớn như vậy, nhưng các bước tiến triển trong hợp tác an ninh, quốc phòng tương đối dè dặt. Vì vậy, tôi cho rằng đây cũng là một lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có thể tập trung phát triển trong thời gian tới một khi các trở ngại dần dần được tháo gỡ.

RFA : Ông nói đến những dè dặt, vậy những dè dặt này là gì và đến từ phía nào ?

Lê Hồng Hiệp : Theo tôi, sự dè dặt này đến nhiều hơn từ phía Việt Nam. Tất nhiên cũng có những vấn đề từ phía Mỹ nữa. Tôi nghĩ là do Việt Nam phải giữ được thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Chính vì vậy, Việt Nam dường như e sợ là nếu phát triển quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng quá nhanh, quá xa, thì có thể làm mất cân bằng chiến lược với Mỹ và Trung Quốc, và có thể tạo ra những lý do để Trung Quốc có cớ để gia tăng sức ép lên Việt Nam, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông. Chính vì vậy, Việt Nam một mặt muốn tăng cường quan hệ với Mỹ. Mặt khác lại muốn thực hiện các bước đi này với tốc độ vừa phải, khiến các lãnh đạo Việt Nam thoải mái, yên tâm, ngăn ngừa triển vọng là Việt Nam bị mắc kẹt trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra còn có một lý do khác cũng tương đối quan trọng nhưng đang giảm dần vai trò. Đó là sự khác biệt về ý thức hệ. Trong thời gian dài, một số thành phần trong Đảng cộng sản Việt Nam vẫn coi Mỹ là một mối đe dọa không phải đối với an ninh quốc gia, mà đối với an ninh của chế độ. Vẫn có lập luận về diễn biến hòa bình từ các "thế lực thù địch". Nhiều người vẫn hiểu đó là đến từ Hoa Kỳ.

vietmy3

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Nhà Trắng hôm 25/7/2013 AFP - Hình minh họa.

Năm 2013, sau khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Mỹ, Việt Nam muốn Hoa Kỳ đưa vào tuyên bố chung một câu là hai bên sẽ tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Hàm ý là Mỹ sẽ không can thiệp vào hệ thống chính trị của Việt Nam và lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Kể từ đó, câu này thường xuyên được lặp đi lặp lại trong các tuyên bố chung giữa hai bên. Nó xoa dịu phần nào những nỗi lo từ phía các lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đấy, nó vẫn còn có tác động nhất định về nhận thức của Việt Nam về Mỹ cũng như về các đường hướng, tốc độ phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới.

RFA : Đảng cộng sản Việt Nam hiện vẫn duy trì chính sách "đối tác" và "đối tượng" trong quan hệ với các nước, trong đó "đối tượng" là nói về các "thế lực thù địch". Theo ông, Việt Nam coi Mỹ là "đối tác" hay "đối tượng". Chúng ta hiểu thế nào về chính sách này trong mối quan hệ giữa hai nước ?

Lê Hồng Hiệp : Cặp phạm trù "đối tác" và "đối tượng" được áp dụng cho tất cả các mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác, không chỉ với Mỹ mà còn có thể cả với Trung Quốc, Nga và EU. Tại vì trong quan hệ song phương, luôn tồn tại hai mặt. Một mặt là những điểm đồng về lợi ích, mặt khác là những khác biệt. Khi có những điểm đồng thì Việt Nam sẽ coi nước đấy là đối tác hợp tác. Khi có những điểm khác biệt thì Việt Nam sẽ coi nước đây là "đối tượng" để đấu tranh.

Trong quan hệ với Mỹ cũng vậy, có những điểm đồng như là lợi ích về mặt chiến lược, kinh tế. Có những khác biệt như về ý thức hệ, giá trị, nhân quyền. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn duy trì cách tiếp cận này. Điều quan trọng là cái nào lớn hơn, vai trò của "đối tác" lớn hơn hay "đối tượng lớn hơn".

Trong quan hệ của Việt Nam với Mỹ thì khía cạnh "đối tác" càng ngày càng lớn hơn, trong khi khía cạnh "đối tượng" càng ngày càng giảm đi. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa hai mặt này sẽ thay đổi theo thời gian. Có thể có lúc tăng mặt này, lúc tăng mặt kia. Tuy nhiên, theo tôi, xu hướng trong tương lai sự song trùng về mặt lợi ích của hai bên, hay nói cách khác là vai trò của Mỹ như một đối tác hợp tác của Việt Nam sẽ tăng lên, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn cả trong tính toán chiến lược của Việt Nam. Nó sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng phát triển, đặc biệt trên lĩnh vực an ninh chiến lược.

RFA : Đã có nhiều dự đoán về việc nâng cấp quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược vào năm nay khi có thông tin về chuyến đi của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, nhưng không thành. Ông đánh giá thế nào về khả năng một chuyến thăm như vậy vào năm tới, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Tổng thống tới ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi cũng được tin là chuyến thăm dự kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tới Mỹ) sẽ diễn ra trong mùa hè vừa rồi. Tuy nhiên, do sự cố sức khỏe của ông Trọng, nên chuyến đi không được thực hiện. Có thể là chuyến đi vẫn trong kế hoạch nhưng người ta vẫn chưa xác định được thời điểm nào là phù hợp để thực hiện chuyến đi, tại vì vấn đề sức khỏe của ông Trọng chưa được giải quyết hoàn toàn. Chuyến đi Mỹ thì dài mà chuyến bay lâu nên người ta không muốn xảy ra rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh mà Việt Nam chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng vào đầu năm 2021. Ưu tiên về mặt đối nội sẽ cao hơn về mặt đối ngoại.

vietmy4

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng hôm 10/11/2017 AP - Hình minh họa.

Tương tự như vậy, bên phía Hoa Kỳ, năm tới cũng là năm bầu cử và lịch trình của ông Trump cũng sẽ rất bận rộn. Vì vậy, những mối quan tâm đối với các vấn đề đối ngoại, trong đó có quan hệ với Việt Nam sẽ giảm xuống. Chính vì vậy mà khả năng diễn ra chuyến thăm của ông Trọng trong năm 2020 vẫn còn nhưng thấp hơn.

Năm tới Việt Nam sẽ là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Sẽ có những cuộc họp trong khuôn khổ của ASEAN và các đối tác diễn ra ở Việt Nam. Nếu phía Mỹ muốn và Việt Nam sẵn sàng thì cũng có khả năng ông Trump sẽ sang thăm Việt Nam để dự các cuộc họp liên quan đến ASEAN và đồng thời thăm song phương Việt Nam. Đồng thời đó cũng là dịp phù hợp để thúc đẩy quan hệ song phương.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là khả năng này còn hạn chế. Ông Trump đã từng thăm Việt Nam năm 2017. Về mặt nguyên tắc ngoại giao có đi có lại, các lãnh đạo Việt Nam nên thăm Hoa Kỳ. Ít khi xảy ra trường hợp Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam hai lần liên tục như vậy.

RFA : Theo ông, vấn đề nhân quyền sẽ đóng vai trò thế nào trong quan hệ hai nước trong thời gian tới ?

Lê Hồng Hiệp : Lâu nay vấn đề nhân quyền trong quan hệ Việt Nam có xu hướng cản trở quan hệ song phương. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận là từ phía Mỹ có sự không nhất quán. Một mặt, phía chính quyền thường xuyên thúc đẩy quan hệ, và có xu hướng xem nhẹ vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, phía Quốc hội lại nhấn mạnh hơn tới vấn đề nhân quyền. Cho nên vấn đề nhân quyền có tác động tới đâu trong quan hệ song phương còn tùy thuộc nhiều hơn vào tiếng nói của Quốc hội.

vietmy5

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Hà Nội hôm 20/11/2019 AP - Hình minh họa.

Dưới thời của ông Trump, chúng ta thấy là tiếng nói của Quốc hội vẫn còn nhưng có vẻ suy yếu đi so với trước đây. Có thể là điều này xuất phát từ việc chính quyền Trump coi trọng hợp tác kinh tế nhiều hơn. Trong khi đấy, bên phía Quốc hội có nhận thức là Việt Nam có vai trò ngày một lớn trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ không những về thương mại đầu tư, mà còn về quan hệ chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh lưỡng đảng ở Quốc hội muốn kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề chiến lược. Họ nhìn thấy vai trò của Việt Nam trong tính toán đó. Có lẽ đây là nhân tố khiến cho phía Nhà Trắng và Quốc hội dường như đã giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền trong quan hệ song phương. Chính vì vậy, tôi nghĩ là trong giai đoạn này và sắp tới, nếu chiến lược của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục được duy trì thì có lẽ vấn đề nhân quyền sẽ tiếp tục bị xem nhẹ trong quan hệ hai nước. Vì vậy sẽ có bớt đi một rào cản trong quan hệ hai nước.

RFA : Về quan hệ kinh tế, Tổng thống Trump từng gọi Việt Nam là nước lạm dụng Mỹ tồi tệ nhất. Việt Nam xuất siêu mỗi năm khoảng hơn 20 tỷ đô là vào thị trường Mỹ. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào tới quan hệ hai nước sắp tới ? Việt Nam đã làm gì để giải quyết vấn đề này ?

Lê Hồng Hiệp : Chính quyền Trump không chỉ đe dọa Việt Nam mà còn cả các đối tác khác, bao gồm cả đồng minh của Mỹ. Chính vì vậy, chúng ta phải thấy là Việt Nam không bị tách ra một chỗ để o ép. Đây là chiến lược chung của Mỹ để làm sao thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ và mang lại nhiều việc làm cho người lao động Mỹ.

Việt Nam là nước xuất siêu sang Mỹ, nên chúng ta cũng thấy dễ hiểu tại sao Mỹ gây áp lực lên Việt Nam, yêu cầu Việt Nam giải quyết các mối quan tâm của Mỹ. Tôi cho rằng, các hành động của Mỹ trong đó có việc liệt Việt Nam vào danh sách phải theo dõi các nước thao túng tiền tệ, hay ông Trump gọi Việt Nam là nước lạm dụng Mỹ tồi tệ nhất, có thể nằm trong chiến lược ấy, để gây sức ép lên Việt Nam, khiến Việt Nam phải có những bước đi nhượng bộ cho Mỹ.

Chúng ta thấy là thời gian qua, Việt Nam cũng tích cực giải quyết những quan ngại của Mỹ, đặc biệt là về vấn đề xuất siêu. Chúng ta thấy là Việt Nam đã nhập nông sản của Mỹ nhiều hơn, hoặc nhập khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ cho các nhà máy điện. Các biện pháp này giúp làm giảm thâm hụt của Mỹ. Cũng có thể có khả năng Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ, mặc dù điều này vẫn đang được đàm phán. Theo tôi, các biện pháp của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian tới là nhằm tạo sức ép lên Việt Nam, tạo lợi thế đàm phán cho Mỹ với Việt Nam. Thực tâm tôi không nghĩ Mỹ muốn trừng phạt Việt Nam hay muốn làm Việt Nam suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ muốn Việt Nam ngày càng mạnh lên, có tiếng nói và vai trò độc lập trong khu vực để giúp Mỹ đối trọng lại với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề ở Biển Đông.

RFA : Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn

Nguồn : RFA, 26/12/2019

Published in Diễn đàn

Việt Nam công bố phiên bản thứ tư của Sách trắng Quốc phòng vào ngày 25 tháng 11 năm 2019. So với phiên bản thứ ba công bố năm 2009, sách trắng "Quốc phòng Việt Nam 2019" cung cấp các thông tin chi tiết và cập nhật hơn về nhận thức của Việt Nam về môi trường an ninh toàn cầu và khu vực, chính sách quốc phòng, và các lực lượng quốc phòng của Việt Nam. Tuy nhiên, về chính sách quốc phòng, sách trắng không tiết lộ bất kỳ thay đổi đáng kể nào, ngoại trừ một điều chỉnh nhỏ đối với chính sách "ba không" nổi tiếng lâu nay, đó là không tham gia liên minh quân sự, không cho phép thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, và không đi với nước này chống nước kia.

sachtrang1

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam phiên bản thứ tư được công bố vào ngày 25/11/2019.

Cụ thể, sách trắng viết rằng "Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Việc bổ sung nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực rõ ràng là nhằm làm nổi bật bản chất phòng thủ và hòa bình của chính sách quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang liên tục nỗ lực nâng cao năng lực quân sự của mình. Đồng thời, nguyên tắc này cũng có thể nhằm góp phần nhấn mạnh tính phi pháp của các hành vi gây hấn ở Biển Đông, nơi Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực và sự cưỡng ép ngày càng tăng, kể cả các lời đe dọa sử dụng vũ lực, từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, sự thay đổi này là không thực sự cần thiết và hữu ích trong việc giải thích các khía cạnh quan trọng khác của chính sách quốc phòng Việt Nam.

Thứ nhất, sau Thế chiến II, nguyên tắc không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi như là một nguyên tắc nền tảng của quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các bản hiến chương của Liên Hợp Quốc và ASEAN. Do đó, việc bổ sung một nguyên tắc phổ quát như vậy vào "chính sách ba không" mang tính đặc thù của Việt Nam là không hoàn toàn cần thiết.

Một mặt, "chính sách ba không" bản thân nó đã hàm ý tính chất hòa bình và phòng thủ của chính sách quốc phòng Việt Nam. Mặt khác, trong khi ba nguyên tắc của chính sách ba không đều liên quan đến cam kết trung lập, không liên kết của Việt Nam, thì nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực lại không như vậy. Vì thế, việc bổ sung nguyên tắc mới này làm loãng thông điệp chính về tính chất không liên kết của chính sách quốc phòng Việt Nam được nêu bật trong "chính sách ba không" ban đầu.

Thứ hai, nguyên tắc mới có xu hướng tạo ra sự hiểu lầm về chính sách quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là khi đoạn nói về nguyên tắc này không đi kèm với các ngữ cảnh và giải thích phù hợp. Điều này đã khiến một số nhà bình luận cho rằng nguyên tắc mới này mâu thuẫn với mục đích của chương trình hiện đại hóa quân đội cũng như nhiệm vụ bao trùm của các lực lượng quốc phòng Việt Nam, đó là bảo vệ đất nước, kể cả bằng cách sử dụng vũ lực khi cần thiết. Dường như dự kiến trước sự hiểu lầm này, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vinh đã làm rõ trong buổi công bố sách trắng rằng "nếu đất nước có chiến tranh, chúng ta buộc lòng phải cầm súng thì cũng là vì hòa bình".

Như vậy, dù việc đưa nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực vào sách trắng có thể giúp nhấn mạnh hơn nữa bản chất hòa bình và phòng vệ của quốc phòng Việt Nam, nhưng nguyên tắc này nên được tách ra và không nên được gắn kèm với "chính sách ba không". Hơn nữa, cần cung cấp ngữ cảnh liên quan đến nguyên tắc này để tránh gây ra những sự hiểu lầm không cần thiết.

Ngoài các vấn đề nêu trên, nhìn chung sách trắng quốc phòng 2019 là một ấn phẩm đáng hoan nghênh, mang lại sự rõ ràng và minh bạch hơn cho chính sách quốc phòng của Việt Nam. Việc Việt Nam tiếp tục giữ cam kết đối với "chính sách ba không" cũng rất đáng chú ý, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang gây ra áp lực ngày càng tăng đối với Việt Nam ở Biển Đông trong năm năm qua.

Từ năm 2014, khi việc Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu khổng lồ ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ song phương, đã có một cuộc tranh luận giữa các chiến lược gia Việt Nam về việc liệu chính sách ba không có còn phù hợp và Việt Nam có nên tăng cường hơn nữa quan hệ chiến lược với các cường quốc để cân bằng lại áp lực từ Trung Quốc hay không. Việc Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện chính sách ba không cho thấy Hà Nội vẫn coi trọng vai trò của nó trong việc giải thích chính sách quốc phòng của mình với thế giới.

Hơn nữa, ngay cả khi Hà Nội tiếp tục theo đuổi "chính trị liên minh", hay những nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng chưa tới mức hình thành các liên minh chính thức, mang tính ràng buộc với các đối tác quan trọng, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thận trọng trong những nỗ lực như vậy nhằm tránh bị coi là đã từ bỏ "chính sách ba không" và chọn phe trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/12/2019

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.

Published in Diễn đàn

Vào ngày 24 tháng 9 năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã thông báo hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế rộng rãi cho tám đoạn của dự án Đường cao tốc Bắc – Nam, vốn sẽ được xây dựng theo mô hình Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT). Quan trọng hơn, Bộ đã quyết định loại các nhà đầu tư nước ngoài, thay vào đó sẽ tổ chức mời sơ tuyển mới với những tiêu chí thấp hơn chỉ dành cho các nhà đầu tư trong nước vào năm sau.

nhanto1

Một nửa trong số khoảng sáu mươi nhà đầu tư đã gửi hồ sơ sơ tuyển đến từ Trung Quốc, làm tăng triển vọng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ giành được hầu hết các hợp đồng BOT này.

Dù quyết định này sẽ làm chậm tiến độ thực hiện dự án quan trọng này nhưng nó nhìn chung đã được công chúng Việt Nam hoan nghênh. Một số nhà bình luận thậm chí còn cho rằng đây có lẽ là "quyết định tốt nhất" từ trước tới nay của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thế, người đã đối mặt với nhiều chỉ trích về năng lực cũng như tình trạng tham nhũng tràn lan trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc dường như là một nhân tố chính dẫn tới quyết định này cũng như thái độ ủng hộ của công chúng Việt Nam. Một nửa trong số khoảng sáu mươi nhà đầu tư đã gửi hồ sơ sơ tuyển đến từ Trung Quốc, làm tăng triển vọng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ giành được hầu hết các hợp đồng BOT này. Điều này đã tạo cảm giác bất an trong số các quan chức cũng như công chúng Việt Nam.

Thứ nhất, các nhà thầu Trung Quốc có uy tín rất thấp ở Việt Nam. Họ nổi tiếng vì thường chậm tiến độ, đội vốn và có chất lượng xây dựng kém ở nhiều dự án khác nhau, bên cạnh những vấn đề khác. Tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội, được tài trợ bởi các khoản vay từ Trung Quốc và được xây dựng bởi một nhà thầu Trung Quốc, là một ví dụ điển hình. Dự án ban đầu được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2013, nhưng đến tháng 10 năm 2019, ngày hoàn thành của dự án vẫn còn mù mịt. Chi phí dự án cũng đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 377 triệu đô la Mỹ lên mức 771 triệu đô la. Đã có một vài tai nạn xảy ra trong quá trình xây dựng và hồ sơ an toàn đáng ngờ của dự án hiện đang là một trong những vấn đề chính khiến dự án chưa được nghiệm thu để đưa vào hoạt động.

Thứ hai, đã có những lo ngại cho rằng nếu được xây dựng và vận hành bởi các nhà đầu tư Trung Quốc, các dự án BOT này sẽ gây ra sự bất mãn trong nhiều người Việt Nam nếu xét tình cảm chống Trung Quốc đang ở mức cao của người dân. Các dự án BOT tại Việt Nam đã vấp phải nhiều cuộc biểu tình phản đối trong những năm gần đây, chủ yếu là do vấn đề lệ phí hoặc điểm đặt các trạm thu phí bất hợp lý. Tình trạng này, cộng với yếu tố Trung Quốc, có thể khiến dự án trở thành một mục tiêu mới của các cuộc biểu tình phản đối của công chúng, tạo ra các điểm nóng chính trị tiềm tàng mà chính phủ Việt Nam không muốn gặp phải.

Cuối cùng, với việc Trung Quốc tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế và địa chiến lược thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng quốc tế như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, giới chức Việt Nam dường như thấy cần phải cảnh giác trước sự tham gia của các nhà đầu tư Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những dự án có tác động an ninh quốc gia quan trọng như Đường cao tốc Bắc – Nam. Việc Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông kể từ đầu tháng 7 tới nay càng làm tăng thêm mối lo ngại của Hà Nội về việc cho phép các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu dự án.

Việc hủy bỏ sơ tuyển đấu thầu cho dự án làm nổi bật vấn đề nan giải của Việt Nam trong việc khắc phục nút thắt cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi chống lại những ảnh hưởng kinh tế và an ninh không mong muốn từ Trung Quốc. Vì Việt Nam cần nguồn vốn tư nhân và chuyên môn kỹ thuật để xây dựng dự án một cách kịp thời và hiệu quả, việc dành riêng dự án cho các nhà đầu tư trong nước khiến tính hợp lý về mặt kinh tế của quyết định này bị nghi ngờ.

Mặc dù các công ty Việt Nam không thiếu chuyên môn kỹ thuật, việc đảm bảo đủ nguồn vốn để tài trợ cho việc xây dựng dự án là cả một vấn đề. Trong số mười một đoạn của dự án, chỉ có ba đoạn được xây dựng bởi ngân sách nhà nước, tám đoạn còn lại sẽ dựa vào nguồn vốn tư nhân. Hầu hết các công ty xây dựng của Việt Nam không có đủ vốn để tham gia xây dựng thậm chí cả các đoạn ngắn nhất của dự án, vốn có tổng chi phí dự kiến khoảng 4,3 tỷ đô la. Việc đi vay từ các ngân hàng địa phương sẽ khó khăn do các ngân hàng không mặn mà với các dự án cơ sở hạ tầng BOT, chủ yếu là do tính hiệu quả thấp và các tai tiếng gắn liền với các dự án tương tự đã đi vào hoạt động. Nếu các nhà đầu tư Trung Quốc và các nước khác được phép tham gia đấu thầu dự án, tự mình hoặc liên danh với các nhà đầu tư trong nước, thì Việt Nam sẽ dễ giải quyết bài toán nguồn vốn hơn nhiều.

Câu chuyện về dự án Đường cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam là một ví dụ minh họa cho vấn đề nan giải của các nước đang phát triển trong việc cân bằng giữa nhu cầu phát triển và các mối quan tâm an ninh, đặc biệt là trong việc xem xét các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc. Trong khi nhiều quốc gia đã chọn phát triển, Việt Nam đã ưu tiên an ninh hơn, như đã thấy trong trường hợp dự án này cũng như việc triển khai mạng 5G, theo đó Hà Nội đã loại trừ Huawei.

Với tình trạng thiếu vốn, hậu quả trước mắt từ quyết định của Việt Nam sẽ là sự chậm trễ trong việc triển khai dự án. Nhưng với tình trạng hiện tại của quan hệ Việt – Trung, các lựa chọn của Việt Nam là rất hạn chế. Các nhà hoạch định chính sách nhạy cảm về an ninh của Việt Nam dường như tin rằng cho dù phí tổn kinh tế tiềm tàng là gì thì trong ứng xử với Trung Quốc, "chậm mà chắc" bao giờ cũng là cách tiếp cận tốt hơn.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/10/2019

Lê Hồng Hiệp là Nghiên cứu viên chính tại Viện ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore.

Phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận tại hội thảo "Vietnam Forum 2019 : Vietnam’s Business Environment Amidst Global Uncertainties" sẽ được tổ chức vào ngày 01/11/2019.

Published in Diễn đàn

Giới thiệu

Tới Trung Quốc và Việt Nam và người ta sẽ nhận thấy một khác biệt lớn trong cách hai nước ứng xử với Internet nói chung và truyền thông xã hội nói riêng : Trong khi các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây như YouTube và Facebook bị chặn ở Trung Quốc, chúng lại rất phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ, theo Statista, số người dùng Facebook tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 45,3 triệu người trong năm 2019, tăng từ mức 41,7 triệu người vào năm 2017. Việt Nam xếp thứ bảy trong số các quốc gia có số lượng người dùng Facebook lớn nhất thế giới tính đến tháng 7/2019, và có tỷ lệ người tích cực dùng mạng xã hội lên tới 64%.

mang1

Bài viết này tìm hiểu các yếu tố kinh tế và chính trị hình thành nên cách tiếp cận tương đối cởi mở của Việt Nam với truyền thông xã hội. Bài viết lập luận rằng thị trường nhỏ hơn và khả năng công nghệ thấp hơn đã khiến Việt Nam không thể học theo chiến lược của Trung Quốc là chặn các mạng xã hội quốc tế để phát triển các nền tảng thay thế trong nước. Một số cơ quan chính phủ cũng nhận thấy truyền thông xã hội là một công cụ hữu ích để tiếp cận người dân trong nước để thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền thông tin, trong khi các phe nhóm chính trị cũng muốn sử dụng truyền thông xã hội để theo đuổi các mục đích riêng của mình. Do đó, chính phủ Việt Nam dường như chấp nhận "chung sống" với các mạng xã hội phương Tây và thay vào đó buộc chúng tuân thủ các quy định của mình hơn là cấm đoán hoàn toàn.

Bài viết bắt đầu với một tóm tắt tổng quan về tình hình kiểm duyệt Internet tại Việt Nam, sau đó phân tích các yếu tố kinh tế và chính trị khiến chính phủ Việt Nam không muốn đưa các mạng xã hội quốc tế vào danh sách đen của mình. Sau đó, bài viết xem xét cách chính phủ Việt Nam đối phó với những ảnh hưởng không mong muốn từ các mạng xã hội phương Tây trước khi đưa ra một số nhận xét về triển vọng tương lai của chúng ở Việt Nam.

Kiểm duyệt Internet ở Việt Nam

Việt Nam kết nối với Internet vào ngày 19 tháng 11 năm 1997 sau những tranh luận kéo dài trong giới lãnh đạo cao nhất về những ưu và nhược điểm của nó. Mặc dù những cân nhắc thực dụng về tầm quan trọng của Internet đối với phát triển kinh tế xã hội và khoa học công nghệ đã thắng thế, nhưng làm thế nào để đối phó với những tác hại tiềm tàng của Internet vẫn là một mối quan tâm lớn của Đảng cộng sản Việt Nam.

Khi Internet được giới thiệu cho các nhà lãnh đạo Việt Nam vào những năm 1990, một trong những mối lo lắng trước mắt của họ là các nội dung độc hại trên mạng như tài liệu khiêu dâm sẽ gây ra tình trạng suy đồi đạo đức và các vấn đề xã hội cho đất nước. Vào tháng 12 năm 1996, để thuyết phục giới lãnh đạo cao nhất mở cửa đất nước cho Internet, các quan chức đã phải trực tiếp trình diễn cho các Ủy viên Trung ương Đảng thấy rằng họ có thể sử dụng tường lửa để chặn các trang web khiêu dâm một cách hiệu quả [1]. Tuy nhiên, một mối lo lắng lớn hơn đối với lãnh đạo Đảng là Internet sẽ tạo điều kiện cho việc tuyên truyền chống nhà nước và làm suy yếu sự độc quyền thông tin của chế độ. Các quan chức bảo thủ của Đảng lo lắng rằng một xã hội kết nối nhiều hơn với luồng thông tin tự do hơn cuối cùng sẽ làm xói mòn sự cầm quyền của Đảng.

Do đó, các nhà chức trách Việt Nam đã duy trì một số biện pháp kiểm duyệt nhằm ngăn chặn các hậu quả không mong muốn, đặc biệt là bằng cách chặn các trang web "độc hại". Cho đến nay, việc kiểm duyệt dường như mang tính chính trị nhiều hơn, tập trung vào các trang web đăng các thông tin chống chế độ hoặc thông tin nhạy cảm, gây bất lợi cho vị thế chính trị của chính phủ. Ví dụ, tại thời điểm tháng 9 năm 2019, trong khi hầu hết các trang web khiêu dâm vẫn có thể truy cập thoải mái tại Việt Nam, nhiều trang web tin tức quốc tế cung cấp dịch vụ tiếng Việt, như BBC, VOA, RFI và RFA, vẫn bị chặn. Các nền tảng blog như WordPress và Blogspot, vốn phổ biến trong giới hoạt động chính trị và các nhà phê bình chính phủ, cũng bị tường lửa. Một số trang web độc lập, do tư nhân điều hành có các bài viết hoặc phân tích được coi là thù địch với chế độ, như Dân Luận, Luật Khoa và Boxitvn, cũng bị chặn. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt dường như không nhất quán đối với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet, một số trang web hoặc nền tảng bị chặn vẫn có thể truy cập được bởi một số người dùng.

Do đó, các mạng xã hội quốc tế như Facebook và YouTube dường như là mục tiêu khả dĩ của các nhà kiểm duyệt Việt Nam, nhất là khi nhiều nhà hoạt động chính trị và các nhóm chống chính phủ chuyển sang dùng các mạng xã hội phổ biến sau khi trang web hoặc blog của họ bị chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách đen. Thật vậy, khoảng năm 2008 – 2010, khi Facebook vẫn còn mới mẻ đối với hầu hết người dùng Việt Nam, mạng này đã bị chặn trong một thời gian ngắn. Tại thời điểm tháng 9 năm 2019, hầu hết các mạng xã hội quốc tế, bao gồm Facebook, YouTube, Twitter, Pinterest và Instagram, vẫn có thể truy cập dễ dàng tại Việt Nam.

mang2

Nếu xét chính sách kiểm duyệt Internet của Đảng cộng sản Việt Nam và các vấn đề mà các truyền thông xã hội quốc tế có thể gây ra cho an ninh chế độ, một câu hỏi đặt ra là tại sao lại có một sự "khoan dung" như vậy ? Điều gì khiến giới chức Việt Nam không chặn các nền tảng này ? Và điều đó có đồng nghĩa với việc Đảng cộng sản Việt Nam có xu hướng tự do và cởi mở hơn so với ĐCS Trung Quốc hay không ? Phần tiếp theo sẽ tìm cách giải đáp các câu hỏi này.

Tại sao Việt Nam không chặn các mạng xã hội phương Tây ?

Hệ thống chính trị độc đảng của Việt Nam khiến nó nhạy cảm với sự lan truyền thông tin qua phương tiện truyền thông xã hội. Nỗ lực chặn Facebook của Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối những năm 2000 là một ví dụ cho thấy sự không thoải mái của Đảng trước sức mạnh của truyền thông xã hội nói chung và Facebook nói riêng. Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ quan tâm đến việc kiểm soát thông tin. Để duy trì sự cầm quyền của mình, Đảng cũng cần chú ý đến các yếu tố kinh tế và chính trị khác liên quan đến tính chính danh và uy tín quốc tế của mình, như hiệu quả kinh tế của đất nước, tình cảm, tâm tư của người dân, và thái độ của các đối tác quan trọng đối với chính sách đối nội của mình. Đây là nơi mà Đảng phải đối mặt với thế lưỡng nan : Làm thế nào để giải quyết một cách tốt nhất những thách thức mà truyền thông xã hội đặt ra cho sự cầm quyền của Đảng mà không khiến các nhà đầu tư quốc tế sợ hãi, làm những người dân ngày càng am hiểu Internet giận dữ, hay khiến các nước khác để ý tới các chính sách trong nước của mình ?

Rõ ràng, Đảng cộng sản Việt Nam nhận ra rằng hầu như không thể hoặc không nên áp dụng phương pháp của Trung Quốc, đó là cấm các mạng xã hội quốc tế để tạo điều kiện cho sự phát triển của các mạng thay thế trong nước. Trước tiên, phát triển mạng xã hội dường như không phải là một mảng kinh doanh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trung Quốc là một thị trường rộng lớn với 1,4 tỷ dân và các công ty truyền thông xã hội của họ có thể thoải mái dựa vào thị trường nội địa để phát triển kinh doanh. Ngược lại, thị trường Việt Nam chỉ có 96 triệu dân, khiến nó trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các dịch vụ truyền thông xã hội trong nước. Trong khi đó, cạnh tranh với những người khổng lồ ở thị trường nước ngoài sẽ là một nhiệm vụ không khả thi : chẳng hạn, Google không thể phát triển dịch vụ Google Plus để cạnh tranh với Facebook, và thậm chí các mạng xã hội lớn của Trung Quốc như WeChat, Weibo và QQ vẫn chưa thành công trong việc mở rộng ra nước ngoài.

Mặc dù có thể lập luận rằng một thị trường 96 triệu dân không phải là nhỏ, nhưng khả năng công nghệ kém phát triển hơn của Việt Nam là một trở ngại khác. Ví dụ, vào cuối những năm 2000, khi Facebook vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam và phải đối mặt với lệnh cấm tạm thời, các công ty Việt Nam đã không thể nắm bắt cơ hội để phát triển các lựa chọn thay thế trong nước do thiếu khả năng về công nghệ. Gần đây, khi khả năng công nghệ đã được cải thiện, một thách thức lớn khác vẫn còn, đó là làm sao để giành được người dùng khỏi tay Facebook và các đối thủ nước ngoài hiện hữu. Lý do này, cùng với các quy định khắt khe đối với việc vận hành mạng xã hội, có thể là yếu tố cơ bản khiến ngay cả VNG, công ty sở hữu một ứng dụng nhắn tin phổ biến có lượng người dùng lớn – một lợi thế rõ ràng để phát triển mạng xã hội – cũng không mặn mà với mảng kinh doanh này. Từ năm 2007 đến 2017, có hơn 300 giấy phép được cấp cho các mạng xã hội trong nước, nhưng rất ít mạng hoạt động tích cực và không mạng nào có thể thách thức sự thống trị của các mạng xã hội phương Tây. Điều này nói lên thực tế rằng việc phát triển mạng xã hội trong nước là một mảng kinh doanh rủi ro và không hấp dẫn đối với các công ty Việt Nam.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam cũng nhận thấy không nên chặn các mạng xã hội phương Tây vì các lý do ngoại giao lẫn thực tiễn. Một mặt, việc chặn các mạng xã hội quốc tế sẽ tạo ra một hình ảnh tiêu cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và thu hút sự chỉ trích từ không chỉ các nhà hoạt động nhân quyền mà còn cả các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, nước chủ nhà của các công ty truyền thông xã hội lớn và là quốc gia mà Việt Nam đang muốn tăng cường quan hệ.

Mặt khác, một số cơ quan và chính trị gia Việt Nam dường như cũng nhận thấy mạng xã hội là một kênh hữu ích để thúc đẩy các sứ mệnh hoặc mục tiêu cá nhân của mình. Ví dụ, Văn phòng Chính phủ là một cơ quan tiên phong trong số các cơ quan nhà nước sử dụng truyền thông xã hội để kết nối với người dân. Trang Facebook của Văn phòng Chính phủ, được thành lập vào tháng 10 năm 2015 và thu hút 290.000 người theo dõi tính đến tháng 9 năm 2019, tỏ ra là một kênh hiệu quả để chính phủ phổ biến thông tin chính thức và chống lại tin giả. Trong khi đó, một số nhóm chính trị dường như cũng đang sử dụng các mạng xã hội để theo đuổi các mục tiêu chính trị của mình, đặc biệt là trong thời gian trước thềm các sự kiện chính trị lớn như Đại hội Đảng. Trước đây, các nền tảng WordPress và Blogspot thường được sử dụng cho mục đích này. Ví dụ, trước Đại hội Đảng lần thứ 11 vào đầu năm 2016, các blog chính trị như Chân dung quyền lực và Quan làm báo đã đăng nhiều bài viết được cho là dựa trên thông tin nội bộ, đôi khi không thể kiểm chứng được, vạch trần các hoạt động tham nhũng, sai phạm hoặc các bê bối đời tư của một số quan chức. Điều này tương tự như các chiến dịch bôi nhọ các đối thủ chính trị diễn ra ở các quốc gia khác trong thời gian chuẩn bị bầu cử. Tuy nhiên, những blog này đã nhanh chóng bị chặn. Vì Facebook không bị chặn và có cơ chế bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nó trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn đối với các nhà hoạt động và blogger chính trị. Một số Facebooker chính trị, như Trương Huy San, Nguyễn Thanh Hiếu và Lê Nguyên Hương Trà, tỏ ra nhanh hơn các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc đưa tin tức. Một số thông tin mà họ cung cấp cũng thường không có trên báo chí chính thống. Điều này làm nảy sinh những nghi ngờ rằng một số thông tin nội bộ, thậm chí là các tài liệu mật, đã được cung cấp cho họ một cách có chủ đích bởi những nhân vật đằng sau, những người nhận thấy các nền tảng truyền thông xã hội là một công cụ hữu ích và tiện dụng cần được duy trì để phục vụ các mục đích chính trị của mình.

Việt Nam đối phó với các ảnh hưởng không mong muốn của mạng xã hội như thế nào ?

Do việc chặn các mạng xã hội phương Tây là điều không đáng mong muốn lẫn không khả thi, Việt Nam đã áp dụng một cách tiếp cận hai hướng nhằm đối phó với những ảnh hưởng "tiêu cực" của mạng xã hội. Một mặt, chính quyền Việt Nam tìm cách chống lại các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội bằng cách triển khai một đơn vị mạng được gọi một cách không chính thức là Lực lượng 47. Đơn vị này được cho là thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 2016 theo Chỉ thị 47 của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lực lượng này, được cho là có tới 10.000 người vào thời điểm tháng 12 năm 2017, là một công cụ quan trọng giúp Đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ duy trì một môi trường Internet "lành mạnh" và bảo vệ chế độ trước các thông tin độc hại. Cụ thể, các thành viên của lực lượng được tổ chức lỏng lẻo này sẽ giúp truyền bá các thông tin "tích cực" và chống lại các quan điểm tiêu cực và tin tức giả, đặc biệt là những quan điểm thù địch với "cách mạng Việt Nam". Các nhiệm vụ của Lực lượng 47 có thể bao gồm từ thu thập thông tin trên mạng xã hội, đến tham gia các cuộc tranh luận chống lại các quan điểm tiêu cực, cho đến báo cáo các trang web hoặc tài khoản mạng xã hội lan truyền các tin tức giả hoặc thông tin bất lợi.

Trong một nỗ lực liên quan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiết lộ rằng Bộ đã thành lập một trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, có khả năng theo dõi liên tục khoảng 100 triệu thông tin tiếng Việt được tạo ra công khai mỗi ngày trên Internet. Dường như trung tâm này đang sử dụng các công cụ theo dõi mạng xã hội (social listening), giúp Bộ xác định được các xu hướng thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin độc hại, bất hợp pháp hoặc có tác động tới trật tự xã hội và an ninh chế độ.

Mặt khác, chính quyền Việt Nam cũng làm việc với các công ty truyền thông xã hội nước ngoài để đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam về mạng xã hội. Đạo luật quan trọng nhất điều chỉnh các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam là Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019. Điều 26 của luật quy định rằng theo yêu cầu của các cơ quan hữu quan, các mạng xã hội phải cung cấp các thông tin tài khoản người dùng nhất định cho các cơ quan này ; chặn và loại bỏ một số loại thông tin được coi là có hại cho trật tự công cộng và an ninh chế độ ; và từ chối cung cấp dịch vụ cho các cá nhân và tổ chức công bố các thông tin có hại cho trật tự công cộng và an ninh chế độ. Họ cũng phải đặt máy chủ tại Việt Nam để lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam và thiết lập các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu nền tảng này thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài). Mặc dù một số quy định này còn gây tranh cãi, Bộ Thông tin và truyền thông đã gây áp lực buộc các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook và Google, phải tuân thủ.

Đối mặt với những áp lực này, Facebook và Google đã cố gắng tuân thủ một cách có chọn lọc. Cụ thể, trong khi họ không đặt máy chủ hoặc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam (một phần do một nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng vẫn chưa được ban hành), họ ngày càng tuân thủ các yêu cầu kiểm soát thông tin của Bộ Thông tin và truyền thông. Ví dụ, trong Báo cáo Minh bạch của mình, Google cho biết trong một trường hợp, khi bị Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu xóa hơn 3.000 video YouTube chủ yếu chỉ trích Đảng cộng sản và các quan chức chính phủ, Google đã tuân thủ bằng cách chặn người dùng tại Việt Nam xem các video này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, Google đã từ chối các yêu cầu Bộ. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiết lộ rằng hiện tại Facebook đang đáp ứng 70 đến 75% số yêu cầu của chính phủ Việt Nam, so với khoảng 30% trước đó, trong khi YouTube của Google hiện thực hiện 80-85% các yêu cầu của chính phủ, tăng từ mức 60% một năm trước đó.

Chính quyền Việt Nam cũng có kế hoạch đánh thuế các công ty này đối với số doanh thu mà họ tạo ra tại Việt Nam. Theo một số ước tính, hai gã khổng lồ truyền thông xã hội này chiếm khoảng 2/3 thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa thu được bất kỳ khoản thuế nào trực tiếp từ hai công ty này. Những áp lực như vậy có thể khuyến khích hai công ty tuân thủ các yêu cầu kiểm soát thông tin của Việt Nam nhằm tránh những thách thức pháp lý lớn hơn. Chính quyền Việt Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp ngừng chạy các chiến dịch quảng cáo trên YouTube nếu Google không thể đảm bảo rằng quảng cáo của họ sẽ không được hiển thị trên các "clip bẩn". Chính sách này có thể khuyến khích Google cũng như các mạng xã hội quốc tế khác tuân thủ các chính sách của chính phủ nếu không muốn đối mặt nguy cơ mất doanh thu từ các khách hàng hiện có.

Kết luận

Sự thống trị của các mạng xã hội phương Tây ở Việt Nam đặt ra cho Đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ những thách thức đáng kể đối với việc kiểm soát thông tin nói chung và Internet nói riêng. Tuy nhiên, những cân nhắc chính trị và kinh tế khác nhau khiến cho việc chặn các mạng xã hội này ở Việt Nam trở nên không khả thi hoặc không đáng mong muốn. Do đó, Đảng cộng sản Việt Nam đã "thỏa hiệp" với sự thống trị của các mạng xã hội này, và thay vào đó họ cố gắng tận dụng các mặt tích cực trong khi tìm cách hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn mà chúng gây ra.

Để giảm bớt ảnh hưởng của các mạng xã hội phương Tây, chính phủ Việt Nam hiện đang khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp trong nước phát triển các lựa chọn thay thế. Đồng thời, một số công ty Việt Nam, đặc biệt là những công ty trong ngành quảng cáo trực tuyến, cũng quan tâm hơn đến việc phát triển mạng xã hội trong nước để tăng doanh thu quảng cáo. Điều này đã dẫn tới sự ra đời của một số mạng xã hội trong nước đáng chú ý trong năm 2019, bao gồm VCNet của Ban Tuyên giáo Trung ương, Gapo của Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo, và Lotus của VCCorp. Mặc dù vẫn còn quá sớm để biết các mạng này có thành công hay không, nhưng sự áp đảo của các mạng xã hội phương Tây như Facebook và YouTube sẽ là một thách thức lớn đối với họ. Ngay cả khi các mạng trong nước có thể đứng vững và mở rộng thị phần của mình thì các mạng xã hội phương Tây vẫn sẽ là những người chơi chính trên thị trường trong nhiều năm tới, tương tự là những thách thức đối với Đảng cộng sản Việt Nam và hệ thống tuyên truyền của nó.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/09/2019

[1] Huy Đức, Bên thắng cuộc (Tập 2), (Saigon, Boston, Los Angeles, New York : OsinBook, 2012), tr. 330.

Published in Diễn đàn

Gây áp lực để buộc Việt Nam phải lùi bước trong việc khai thác dầu khí, đó là chiến lược quen thuộc của Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược này đã có hiệu quả vào năm ngoái, khi Việt Nam buộc phải yêu cầu công ty Tây Ban Nha Repsol ngưng dự án thăm dò khí đốt tại bãi Tư Chính, cho dù khu vực này nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

cang1

Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019. AMTI (CSIS)

Nhưng vào đầu tháng 7 vừa qua, khi Bắc Kinh điều một tàu khảo sát cùng nhiều tàu hải cảnh đến quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí cũng tại khu vực bãi Tư Chính, Hà Nội, sau nhiều ngày kín đáo phản đối Bắc Kinh, cuối cùng đã phải công khai lên án hành động của Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu các tàu của Trung Quốc phải rút ngay khỏi vùng biển Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc gây cản trở hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trên Biển Đông. Căng thẳng mới ở vùng Biển Đông càng đẩy Việt Nam xích gần lại Hoa Kỳ, đồng thời sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC. Đó là nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ngiên cứu Đông Nam Á, Singapore.

RFI : Kính chào tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Trước hết, theo anh, vì sao Trung Quốc lại có hành động như vậy trong lúc này ?

Lê Hồng Hiệp : Thực ra những hành động của Trung Quốc như ta vừa thấy trong thời gian qua cũng không hoàn toàn là mới. Có lẽ một trong những lý do chính đó là tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, như họ đã từng làm trước đây. Chúng ta phải liên hệ điều này đến phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Trong phán quyết đó, Tòa Trọng Tài đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc dựa trên "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò), đồng thời quyết định rằng các thực thể ở quần đảo Trường Sa không có các vùng biển riêng, không có các vùng đặc quyền kinh tế riêng. Vì vậy mà các hành động của Trung Quốc gây hấn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể là với dụng ý qua đó có thể bác bỏ các phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Điểm thứ ba cũng có thể có liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Qua trường hợp này, Trung Quốc muốn gây sức ép với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam có dấu hiệu ngày càng thân thiết hơn với Mỹ và được Mỹ ưu ái trong các quan hệ về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quốc phòng. Có thể đó là một lời cảnh báo với Việt Nam rằng Trung Quốc có thể có các công cụ để gây khó khăn cho Việt Nam, nếu như Việt Nam không hợp tác, hay là không duy trì quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.

cang2

Tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đang sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính - Ảnh minh họa 

Cũng có thể có một lý do khác, đấy là họ muốn gởi các thông điệp đến các nước đối tác của Việt Nam, đặc biệt là trong vùng biển mà họ đang gây rối đang có sự tham gia của các công ty, các nhà thầu của Nhật Bản, Nga, Ấn Độ hay Mỹ. Có thể là họ tìm cách gây rối trong các vùng biển của Việt Nam để cảnh báo các quốc gia kia là không được hợp tác với Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Điều này cũng liên quan đến một yêu sách của Trung Quốc trong đàm phán về COC, đó là cấm các công ty dầu khí của các nước bên ngoài khu vực tham gia khai thác tài nguyên ở Biển Đông, nếu không có sự chấp thuận của tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc.

RFI : Năm ngoái, khi Trung Quốc có hành động gây áp lực tương tự, Việt Nam đã phải lùi bước, yêu cầu một công ty Tây Ban Nha ngừng dự án thăm dò dầu khí. Lần này, Việt Nam có thái độ được coi là cứng rắn hơn. Anh lý giải thế nào về thái độ này ?

Lê Hồng Hiệp : Thứ nhất là Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của mình theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tại vì những vùng biển này, những khu vực này, Việt Nam đã khai thác tài nguyên, kiểm soát từ một thời gian rất lâu rồi. Bây giờ, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, thì Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển này. Nếu Việt Nam mềm yếu, tạo thành những tiền lệ cho Trung Quốc lấn lướt, thì sau này sẽ rất khó mà bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình.

Các vùng biển này, đặc biệt là các lợi ích từ dầu khí cũng như thủy sản, có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, bên cạnh các lợi ích về an ninh. Chính vì vậy mà Việt Nam cần phải cương quyết bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai, cũng có thể là Việt Nam cảm nhận vị thế của mình đã có sự cải thiện so với trước đây, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng mâu thuẫn và Mỹ đang có những hành động kềm chế sự trỗi dậy của của Trung Quốc, gây khó khăn cho Trung Quốc. Việt Nam thấy là Trung Quốc có thể sẽ phải kềm chế hoặc không sẵn sàng thúc đẩy căng thẳng lên cao hơn, khi căng thẳng như vậy có thể gặp phản ứng mạnh từ các đối tác của Việt Nam, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Như chúng ta thấy, trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam rất là mạnh mẽ. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các đối tác của Việt Nam, như Ấn Độ, Nhật Bản và đặc biệt là Liên Bang Nga. Những điều này giúp cho Việt Nam có sự tự tin hơn.

Thứ ba là trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2020, Việt Nam sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN và cũng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam sẽ có vị thế ngoại giao tốt hơn, có thể chủ động đưa các vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN hoặc có thể tác động vào các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để đưa ra một quan điểm có lợi cho Việt Nam chẳng hạn.

Cũng có thể là Việt Nam nay có một năng lực biển càng ngày càng mạnh, có các tàu thuyền có thể đối phó với các hoạt động của tàu Trung Quốc.

Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng, các báo cáo về các hoạt động của Trung Quốc đã có hơn một tháng nay, nhưng Việt Nam mới có các phản ứng mạnh trong khoảng 2 tuần nay thôi. Có thể là sau một thời gian cân nhắc, tính toán và có sự tham khảo với các đối tác, Việt Nam cảm thấy sự tự tin và sự hậu thuẫn của các đối tác được đảm bảo, cho nên mới tung ra các biện pháp chính trị, ngoại giao để chống lại áp lực của Trung Quốc.

RFI : Theo anh thì sự kiện này có sẽ đẩy Việt Nam đi xa khỏi vòng tay của Trung Quốc và xích gần Hoa Kỳ hơn ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi cho rằng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là một trong những lý do chủ yếu khiến cho Việt Nam tìm cách thúc đẩy quan hệ với các cường quốc chủ chốt, trong đó có Hoa Kỳ, trong suốt thời gian qua. Nếu không có tranh chấp Biển Đông, nếu không có những áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam có thể sẽ dè dặt hơn và không có nhiều động lực để tăng cường quan hệ, đặc biệt là về mặt quân sự, chiến lược với các đối tác này.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng, càng lấn lướt trên Biển Đông, Việt Nam còn có lợi ích trong việc tăng cường quan hệ với các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ. Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là chất xúc tác chủ yếu kéo Việt Nam và Hoa Kỳ lại gần với nhau hơn trong thời gian qua, cũng như trong thời gian sắp tới.

RFI : Căng thẳng hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ?

Lê Hồng Hiệp : Hành động của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán, vì thứ nhất, nó làm mất lòng tin, hay suy giảm lòng tin giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, với Trung Quốc ; thứ hai là tạo ra căng thẳng, mà trong bối cảnh căng thẳng thì đàm phán bao giờ cũng khó khăn hơn so với không khí hữu nghị giữa hai bên ; và thứ ba nó cũng cho thấy là Trung Quốc muốn áp đặt một số yêu sách của họ, ví dụ như cấm các công ty dầu khí của các nước ngoài khu vực tham gia khai thác, thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đông, nếu không có sự đồng ý của các bên còn lại, trong đó có Trung Quốc. Rõ ràng là những hành động của Trung Quốc đã thể hiện hàm ý đó cho tới lúc này. Nếu như tình trạng này kéo dài, tôi tin là đàm phán về COC sẽ gặp thách thức trong thời gian tới, có thể sẽ không đạt được mục tiêu là hoàn thành trong 3 năm, tức là vào năm 2021, như thủ tướng Trung Quốc đã đề ra.

Thanh Phương

 

Nguồn : RFI, 05/08/2019

Chính thể độc tài ở Việt Nam lấy gì để đối phó với ‘vùng xám’ của chính thể độc trị ở Trung Quốc ?

11111111111111111111

'Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động' (vè dân gian)

"Vùng xám", hay còn được gọi là những hành động "dưới ngưỡng chiến tranh", là chiến thuật không sử dụng hải quân mà thay bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình tiến hành các hoạt động trên biển nhưng không vượt qua một giới hạn nào đó để không kéo theo phản ứng quá mạnh từ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài loại hình tàu hải giám và tàu dân quân biển, tàu thương mại dân sự cũng là một thành phần nằm trong chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc.

Một tổng kết của giới nghiên cứu cho biết vào năm 2014, loại hình tàu thương mại dân sự cũng đã xuất hiện trong vụ giàn khoan HD-981, để cùng với các tàu hải giám tham gia trực tiếp chặn đường ngăn cản các tàu kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Có ít nhất 3 tàu thương mại quốc doanh Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam. Theo dõi đường đi của các con tàu cho thấy chúng phối hợp với nhau, cũng như phối hợp với các tàu Trung Quốc khác trên thực địa.

222222222222222222

Dân quân biển xã Tam Quang huấn luyện bắn súng AR15. Ảnh: T.A

Nhưng cho tới nay, kế hoạch "đóng tàu sắt" của Việt Nam để đối phó với tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc đã gần như phá sản, hoàn toàn trái ngược lại với hình ảnh hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Quốc được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông và còn xông thẳng vào vùng hải phận Việt Nam trước cơn "ngủ ngày" của Hải quân và Cảnh sát biển nước Việt.

Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại. Bị giới ngân hàng chỉ biết "còn đảng còn tiền" bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn.

Những hứa hẹn của chính phủ "cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt" từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải.

Vào năm 2016, bất chấp Nghị định 67 của Chính phủ Việt Nam về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời mà được kỳ vọng sẽ "giúp ngư dân thực hiện giấc mơ đóng tàu to, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày", đã có đến vài chục tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung - trị giá hàng trăm chục tỷ đồng - vừa đóng mới và đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, phải nằm bờ. Còn một số cơ sở đóng tàu lại "qua cầu rút ván" khi xảy ra hậu quả đó. Thậm chí một trong những doanh nghiệp đóng tàu có nhiều dấu hiệu gian dối như thế lại thuộc… Bộ Công an.

Vào khoảng thời gian hàng đàn tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính, ngư dân Việt không chỉ bị hành hạ bởi kẻ cướp bên ngoài mà còn bởi ‘nội xâm’ bên trong : theo quy định mới trong Luật Thủy sản 2017 và Công văn số 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25 tháng 3 năm 2019, tàu cá có chiều dài dưới 15 m không được ra vùng biển xa bờ, mà chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý. Quy định ‘hành là chính’ này đã khiến hàng ngàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không thể ra khơi, chủ tàu phải chịu lỗ, còn ngư dân thì mất việc.

Kết luận thật đắng chát : Lực lượng ngư dân tự vệ của Việt Nam không chỉ phải chịu rủi ro nguy hiểm từ "tàu không rõ quốc tịch", mà còn bị chính những người cùng quốc tịch lừa gạt một cách không thể nhẫn tâm hơn.

Ngay cả thời gian gần đây khi Việt Nam có một chút nhúc nhích từ tư thế "đu dây" sang "dựa Mỹ đối Trung", một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.

Từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào án ngữ ở Biển Đông năm 2014 khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt phải chịu cảnh nằm bờ treo niêu, cho tới nay lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn không có động tác thực chất và hiệu quả nào để hộ tống ngư dân ra khơi - như cách người Philippines và người Nhật đã làm đúng thiên chức "quân với dân như cá với nước.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 05/08/2019

Published in Diễn đàn

Vành đai kinh tế Trung Quốc - Đông Nam Á là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative, BRI) được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013. Trục đường này nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến Singapore bằng đường sắt, song song là tuyến đường cao tốc có thể được khai trương vào năm 2021.

Bắc Kinh khẳng định Sáng kiến Vành đai và Con đường không cạnh tranh với những dự án địa phương. Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á tham gia dự án hoặc phải gồng mình gánh nợ như Lào, hoặc mời thêm công ty Nhật Bản tham gia như Thái Lan, hoặc đàm phán lại để giảm chi phí như Malaysia.

dechung1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường, chụp ảnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 26/04/2019. Reuters/Jason Lee

Việt Nam có liên hệ như thế nào với dự án đầy tham vọng của Trung Quốc ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore.

RFI : Thưa tiến sĩ, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang Bắc Kinh dự diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) diễn ra trong ba ngày 25 đến 27/04/2019. Việt Nam có tham gia dự án do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng không ?

Lê Hồng Hiệp : Chúng ta đều biết Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo một số ước tính, như của Trung Tâm Cơ Sở Hạ Tầng Toàn cầu, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2040 là khoảng 605 tỉ đô la Mỹ.

Đây là một con số rất lớn ! Nếu huy động các nguồn lực trong nước, kể cả khi Việt Nam huy động từ các nguồn lực tư nhân thông qua các dự án đối tác công-tư chẳng hạn, con số này cũng rất là khổng lồ. Chính vì vậy, Việt Nam phải tìm cách khai thác các nguồn vốn từ nước ngoài, đặc biệt là thông qua các nguồn vốn ODA chẳng hạn.

Trong bối cảnh đó, Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc cũng là một nguồn vốn tiềm năng mà Việt Nam có thể tìm hiểu, cân nhắc để có thể khai thác nếu nó phù hợp. Chính vì vậy, Việt Nam tỏ ý ủng hộ về mặt ngoại giao sáng kiến này. Ví dụ cách đây hai năm, chủ tịch nước Việt Nam, lúc đó là ông Trần Đại Quang tham dự diễn đàn hợp tác Vành Đai và Con Đường lần thứ nhất ở Bắc Kinh. Năm nay (2019), ông Nguyễn Xuân Phúc thay mặt phía Việt Nam tham dự diễn đàn lần thứ hai.

Tuy nhiên, trên thực tế, để vay được những khoản vay của Trung Quốc, có rất nhiều vấn đề mà Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo. Chính vì vậy, kể từ năm 2013, thời điểm mà Trung Quốc phát động sáng kiến này, vẫn chưa có dự án nào đáng kể, chính thức được coi là dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường này được triển khai ở Việt Nam, mặc dù Việt Nam vẫn có những khoản vay nhất định từ các nguồn của Trung Quốc và một số dự án hợp tác cơ sở hạ tầng thì vẫn được tiến hành giữa hai bên.

RFI : Có một số thông tin cho rằng tuyến đường cao mới ở Việt Nam có các khoản vay từ Trung Quốc. Thông tin này có đúng không ?

Lê Hồng Hiệp : Theo tôi, dự án đường cao tốc Bắc-Nam hiện nay vẫn chưa được triển khai. Một số thông tin cho rằng một vài công ty của Trung Quốc, trong đó có tập đoàn Thái Bình Dương, ngỏ ý quan tâm, muốn hợp tác hoặc muốn tham gia vào việc xây dựng tuyến đường này.

Tuy nhiên, theo tôi hiểu thì vẫn chưa có những thỏa thuận cuối cùng. Ngay phía Việt Nam cũng chưa có kế hoạch rõ ràng cho việc xây dựng tuyến đường này, ví dụ nguồn vốn từ đâu, những bên tham gia chắc chắn cũng chưa được xác định, hồ sơ mời thầu cũng chưa được mở. Chính vì vậy, cho tới lúc này, khả năng các nhà thầu Trung Quốc, hay là việc chính phủ Việt Nam có vay vốn từ phía Trung Quốc cho dự án này không, hiện vẫn chưa được xác nhận rõ ràng.

RFI : Trong chuyến thăm Hà Nội của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản Ghi Nhớ về việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Xin tiến sĩ giải thích thêm về nội dung bản ghi nhớ này ?

Lê Hồng Hiệp : Thực ra, khuôn khổ của "Hai hành lang-Một vành đai", Việt Nam và Trung Quốc đã "thống nhất thực hiện" từ cách đây khá lâu, nếu tôi nhớ không nhầm là từ năm 2004. Cho tới nay, hoạt động hợp tác trong khuôn khổ hành lang Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng và hành lang Nam Ninh-Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa có những kết quả cụ thể.

Trong bối cảnh đó, khi thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, có lẽ phía Trung Quốc nhân tiện làm sống lại ý tưởng này và cũng gắn nó với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây cũng là một cách cho thấy : "À, Việt Nam cũng ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường này của Trung Quốc".

Tuy nhiên, như chúng ta thấy, kể từ tháng 11/2017 tới nay, chưa có những triển khai thực chất nhằm kết nối hai khuôn khổ này với nhau. Bản thân Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc cũng chưa thấy có tiến triển đáng kể nào ở Việt Nam.

RFI : Đâu là những bất lợi và thuận lợi nếu Việt Nam tham gia vào dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ?

Lê Hồng Hiệp : Có lẽ thuận lợi là Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, các khoản vay của Trung Quốc không hề rẻ, cũng không hề dễ dàng, thường đi kèm rất nhiều điều kiện, ví dụ phải sử dụng các nhà thầu Trung Quốc, mua trang thiết bị từ phía Trung Quốc để phục vụ các dự án đó. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Việt Nam tại vì Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vay vốn từ Trung Quốc. Chúng ta biết có những giai đoạn, Trung Quốc chiếm đến 90% các hợp đồng xây dựng EPC, tức là thiết kế, mua sắm và xây lắp, ở Việt Nam.

Những dự án đó gây ra rất nhiều tai tiếng, ví dụ trễ tiến độ, đội vốn, công nghệ thiết bị không hiện đại, lạc hậu, gây ra chi phí bảo dưỡng lớn ; các nhà thầu Trung Quốc thuê lao động phổ thông mang từ Trung Quốc sang, gây ra những vấn đề ở địa phương chẳng hạn. Gần đây nhất, báo chí cũng đề cập nhiều đến dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông). Vì vậy, tôi nghĩ là những nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cũng thận trọng với các khoản vay của Trung Quốc.

Đó là chưa kể đến bối cảnh tranh chấp Biển Đông hiện tại. Khi Việt Nam vay của Trung Quốc, nó sẽ gây ra những ràng buộc, trở ngại khiến Việt Nam không thể mạnh mẽ có phản ứng với Trung Quốc trên Biển Đông nếu xảy ra căng thẳng. Vì vậy, nó cũng là một khía cạnh chiến lược mà Việt Nam sẽ phải cân nhắc khi muốn tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường này, hay cụ thể là vay vốn từ phía Trung Quốc.

RFI : Nhân đang nói về Việt Nam và Biển Đông, trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Biển Đông đóng vai trò như thế nào ?

Lê Hồng Hiệp : Thực ra, dự án Vành đai và Con đường là một phần trong tham vọng của Trung Quốc để khuếch trương ảnh hưởng ra toàn cầu trong bối cảnh Trung Quốc liên tục trỗi dậy trong mấy thập niên vừa qua. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, nó không ảnh hưởng nhiều lắm tại vì nó không có các dự án được thực hiện ở khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, riêng đối với Việt Nam, nếu như Việt Nam hay các nước có tranh chấp khác với Trung Quốc ở Biển Đông như Philippines, Malaysia chẳng hạn, vay các khoản vay lớn của Trung Quốc, và đặc biệt nếu như sau này họ không khả năng trả nợ, họ sẽ bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính vì vậy, các nước này, trong đó có Việt Nam, có thể là sẽ phải chấp nhận các thỏa thuận bất lợi cho họ trong vấn đề Biển Đông. Đấy là điều có lẽ Việt Nam muốn tránh.

Tuy nhiên cũng có những nước khác có thể ưu tiên vấn đề kinh tế hơn so với vấn đề Biển Đông, như ở Malaysia. Mặc dù có những phản ứng, nhưng gần đây chính quyền ông Mahathir lại tiếp tục những dự án hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.

Đối với Việt Nam, tôi nghĩ rằng cho tới lúc này, Việt Nam vẫn rất thận trọng, tại vì có lẽ khác với Philippines và Malaysia, vấn đề Biển Đông đối với Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn, có thể nói là rất trọng đại đối với tương lai, đối với chủ quyền của Việt Nam. Cho nên bên cạnh lý do kinh tế, Việt Nam còn có lý do về chính trị và địa chiến lược để cân nhắc và thận trọng trước những khoản vay của Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường này.

RFI : Vừa rồi anh có nhắc tới chính phủ Malaysia, họ đã nối lại để tiếp tục tham gia dự án Vành đai và Con đường. Trên thực tế, họ đã đàm phán thành công giảm 1/3 chi phí. Ngoài ra, trên thế giới còn có trường hợp Trung Quốc mua cảng Hambantota của Sri Lanka, cảng Piraeus của Hy Lạp, những trường hợp này có giúp Việt Nam lấy làm kinh nghiệm thực tế không ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi nghĩ đó đều là những bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam nếu Việt Nam thực sự muốn tham gia vào Sáng kiến này, cũng như vay những khoản vay của Trung Quốc.

Thứ nhất, dự án đường sắt bờ biển phía đông của Malaysia chẳng hạn, chính quyền của ông Mahathir đã đàm phán lại và đã giảm được khoảng 1/3 tổng chi phí. Điều này cho thấy phía Trung Quốc đã kê giá lên rất cao. Đương nhiên, trong trường hợp của Malaysia, khoản vay bị đội lên cao như vậy còn do chính quyền của ông Najib, có thể có tình trạng tham nhũng, qua đó, các nhà thầu Trung Quốc hoặc chính phủ Trung Quốc có thể phải chi trả một số khoản không chính thức cho các quan chức Malaysia chẳng hạn. Đó là cáo buộc đối với chính phủ trước đây.

Và điều này cũng có thể xảy ra ở những quốc gia nơi có tình trạng tham nhũng phổ biến, như ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chỉ có sự minh bạch mới có thể giúp Việt Nam tham gia hiệu quả vào Sáng kiến này để giảm được tình trạng tham nhũng, cũng như là lãng phí trong các dự án để làm sao các khoản vay được đúng giá trị và không tạo ra những gánh nặng nợ nần cho thế hệ tương lai.

Trường hợp cảng Hambantota cũng là một ví dụ điển hình cho thấy rằng Trung Quốc có thể sử dụng các khoản vay này để biến nó thành một "bẫy nợ", thông qua các khoản vay đó, kiểm soát hoặc gây bất lợi cho chính phủ đi vay để mà biến các dự án đấy thành tài sản của Trung Quốc, thì tạo ra một tiền lệ với hệ lụy rất nghiêm trọng đối với các nước đi vay. Chính vì vậy, Việt Nam cũng cân nhắc, cần thận trọng để không rơi vào tình cảnh như chính phủ Sri Lanka thông qua dự án Hambantota.

RFI tiếng Việt xin trân thành cảm ơn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Singapore.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 20/05/2019

Published in Diễn đàn

Nồng ấm Nhật-Trung chỉ là nhất thời.

Cuối tháng 10/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Hai bên đã nói nhiều về sự hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai. Cũng trong tháng 10/2018, tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông gửi tín hiệu chào mừng thân thiện đến tàu chở trực thăng Kaga của Nhật, khi hai bên gặp nhau.

nhatviet1

Đoàn Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe dẫn đầu đang hội đàm với Trung Quốc tại Bắc Kinh. 26/10/2018. AFP

Có phải quan hệ Nhật Trung đang thực sự nồng ấm, và Bắc Kinh sẽ tiếp cận hồ sơ Biển Đông một cách mềm mỏng hơn ?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Singapore nói với Kính Hòa đài RFA rằng đây chỉ là một giai đoạn nhất thời.

Lê Hồng Hiệp : Chúng ta cần nhìn vào bối cảnh chung của khu vực cũng như mối quan hệ Trung Quốc Nhật Bản. Trong thời gian biến động vừa qua, đặc biệt là xuất phát từ Hoa Kỳ, giảm cam kết của mình với các đồng minh truyền thống, trong đó có Nhật Bản. Đồng thời ông Trump cũng tiến hành những biện pháp thương mại đối với Trung Quốc, tạo ra những bất định trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản và Trung Quốc có nhu cầu cải thiện quan hệ với nhau, để giảm sự bất định trong quan hệ của mình với Hoa Kỳ.

Cụ thể thì Nhật Bản muốn có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc để cải thiện môi trường an ninh, đồng thời đề phòng Hoa Kỳ giảm bớt sự đảm bảo an ninh đối với Nhật Bản. Trong trường hợp đó, quan hệ tốt hơn với Trung Quốc bảo vệ tốt hơn lợi ích an ninh của mình.

Trong bối cảnh tương tự Trung Quốc muốn có quan hệ tốt hơn với Nhật Bản để giảm sức ép từ Hoa Kỳ về kinh tế thương mạ và an ninh.

Vì vậy trong thời gian qua chúng ta thấy những nổ lực cải thiện quan hệ song phương. Trước cuộc gặp Tập Cận Bình Abe vừa rồi thì trong tháng Năm cũng có một cuộc gặp giữa hai người tại một diễn đàn khác.

Trong bối cảnh đó chúng ta thấy dường như quan hệ Trung Quốc Nhật Bản có sự cải thiện, có sự nồng ấm trở lại.

Tuy nhiên nhìn chung quan hệ lịch sử giữa hai nước thì thấy có những giai đoạn nóng lạnh khác nhau, diễn ra theo sự tính toán của hai bên cũng như sự tác động của bối cảnh khu vực. Nhưng thông thường thì những giai đoạn đấy không kéo dài. Trong thời gian qua dường như quan hệ Trung Quốc Nhật Bản đang đi vào pha tích cực, pha cải thiện.

Tuy nhiên ta chưa rõ sự cải thiện này kéo dài bao lâu, và theo quan điểm của tôi thì đây là sự cải thiện nhất thời, không có xu hướng kéo dài do sự mâu thuẫn lợi ích hai bên vẫn còn tồn tại tương đối sâu sắc và nhất quán. Ví dụ như sự lo ngại về an ninh của Nhật Bản trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trước sự xác quyết ngày càng lớn của Trung Quốc trên các vùng biển. Hay mâu thuẫn lịch sử hai bên có từ thời thế chiến thứ hai. Hay tranh chấp quần đảo Senkaku (hay là Điếu Ngư.) Những vấn đề này nó vẫn là thách thức rất lớn cho quan hệ song phương, vì vậy về lâu dài tôi cho là quan hệ hai bên khó cải thiện một cách căn bản.

Việc hai tàu Trung Quốc gặp tàu chở trực thăng của Nhật chỉ là sự kiện "một lần", tức là không thuyết phục và cho chúng ta khẳng định quan hệ giữa hai bên đã cải thiện. Có thể là Trưng Quốc nhân sự gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo muốn gửi một thông điệp để khẳng định thiện chí của Trung Quốc trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Nhưng mà tôi cho rằng cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không thay đổi lợi ích của họ trên Biển Đông. Vì vậy mà những tính toán của hai bên vẫn có thể dẫn tới sự căng thẳng.

Kính Hòa : Ngay cả trong nhất thời thì liệu Trung Quốc có áp dụng một phương cách mềm mại hơn ở Biển Đông ? Đối với những quốc gia như Việt Nam chẳng hạn ?

Lê Hồng Hiệp : Theo tôi thì chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông là tương đối nhất quán. Họ tìm cách xác lập sự kiểm soát trên thực tế, bên cạnh đó là duy trì các yêu sách các đảo trên Biển Đông. Từng thời điểm có thể họ điều chỉnh sách lược, nhưng lâu dài thì không.

Trong bối cảnh hiện nay có thể Trung Quốc điều chỉnh sách lược mềm mại hơn, nhưng tôi nghĩ là chuyện này không nhất thiết xuất phát từ quan hệ Trung Quốc Nhật Bản mà nó rộng lớn hơn với những yếu tố khác, chẳng hạn như Trung Quốc muốn có một giai đoạn lắng dịu hơn ở Biển Đông để giảm bớt các sức ép từ phía Hoa Kỳ chẳng hạn, hay là để tỏ thiện chí của mình trong việc hoàn thiện bộ qui tắc ứng xử với các nước ASEAN, hoặc là làm hình ảnh mình mềm mại hơn, gây ảnh hưởng tích cực hơn với bên ngoài, trong khi mà Hoa Kỳ nhấn mạnh sự đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhưng theo tôi sự điều chỉnh đó chỉ mang tính cách nhất thời. Tôi nghĩ họ không thay đổi, họ sẽ vẫn duy trì sức ép đối với Việt Nam để duy trì sự áp đảo trên Biển Đông.

Kính Hòa : Việt Nam sẽ phải có thái độ như thế nào trước những sự thay đổi dù là nhất thời, và trong nhiều sự bất định hiện nay ?

Lê Hồng Hiệp : Theo tôi thì lợi ích của Việt Nam trước mắt là duy trì sự nguyên trạng trên Biển Đông, duy trì hòa bình ổn định để phát triển kinh tế. Thành ra nếu có một sự hòa dịu nhất định, vẫn đảm bảo những lợi ích hàng hải của Việt Nam thì sẽ được Việt Nam hoan nghênh.

Tuy nhiên như tôi đã nói tính toán về mặt chiến lược của Trung Quốc về lâu dài không thay đổi nên Việt Nam vẫn phải cảnh giác đối với những thủ đoạn mà Trung Quốc vẫn có thể tung ra bất cứ lúc nào.

Kính Hòa : Trước đây trong một lần trao đổi, ông có nói Việt Nam Nhật Bản là những đồng minh tự nhiên, hiện nay ông vẫn thấy điều đó về lâu dài ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi vẫn giữ nguyên nhận định đó. Tôi thấy sự song trùng về lợi ích hai bên về chiến lược trong hồ sơ Biển Đông ngày càng sâu sắc hơn, sẽ thúc đẩy hai bên xích lại gần nhau hơn.

Nhật Bản và Việt Nam ngoài các lợi ích về kinh tế, giao lưu văn hóa, còn có một lợi ích chung cơ bản là làm sao đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, làm sao bảo vệ được lơi ích của mình trong khu vực. Tôi nghĩ rằng sự chia sẽ nhận thức về sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp tục chi phối các tính toán của Nhật Bản và Việt Nam.

Thời gian qua Nhật Bản hổ trợ nổ lực hiện đại hóa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, với các tàu tuần tra. Nhật cũng ủng hộ những quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ngược lại Việt Nam ủng hộ vai trò trong an ninh khu vực của Nhật Bản, muốn Nhật duy trì không những sự hiện diện về kinh tế mà còn an ninh quốc phòng nữa. Về lâu dài hay trước mắt, những điều đó sẽ giúp cho quan hệ chiến lược Việt Nam Nhật Bản. Hai nước vẫn là đồng minh tự nhiên của nhau, ít nhất trên hồ sơ Biển Đông.

Kính Hòa : Ông có thông tin gì về bộ qui tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như khả năng nó thành hiện thực và thực thi một cách nghiêm chỉnh ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi không nắm rõ tiến trình thực hiện bộ qui tắc này giữa Trung Quốc và ASEAN, nhưng tôi hiểu là hai bên có những nổ lực để có kết quả trong thời gian sắp tới.

Tuy vậy có những khúc mắc mà hai bên cần giải quyết như là phạm vi áp dụng, hay là tính chất ràng buộc pháp lý của bộ qui tắc ứng xử ở mức độ nào. Tuy nhiên theo ôi biết là hai bên đang tích cực để có kết quả cụ thể trong tương lai gần.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 08/11/2018

Published in Diễn đàn

Việc ông Trọng kiêm nhiệm chủ tịch nước có thể chỉ là một giải pháp tạm thời, và hiện còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam sẽ đi theo mô hình giống như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Đó là nhận định chung của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 22/10/2018.

chutich1

Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước trước các đại biểu quốc hội ngày 23/10/2018. Reuters

Ngày 23/10/2018, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được các đại biểu quốc hội Việt Nam, với tỷ lệ phiếu lên tới 99,97%, bầu làm chủ tịch nước, thay thế cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, vừa qua đời tháng trước. Kết quả này không có gì là bất ngờ vì ông Trọng là ứng cử viên duy nhất, được Trung ương đảng "nhất trí" đề cử.

Ngay sau khi được bầu, ông Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước và như vậy, kể từ nay ông sẽ đại diện Việt Nam tiếp các đoàn lãnh đạo nước ngoài và công du các nước với tư cách nguyên thủ quốc gia.

Việc "nhất thể hóa" hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước đã gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Có những người sợ rằng việc tập trung quyền lực của hai chiếc ghế vào tay một người sẽ dẫn đến chuyên quyền, độc đoán. Những người khác thì nhấn mạnh đến cái lợi của việc một người nắm hai chức đó là giảm được chi phí của Nhà nước, tránh những phiền toái về lễ tân khi tổng bí thư công du nước ngoài.

RFI : Thưa anh Lê Hồng Hiệp, với việc nắm luôn chức chủ tịch nước, phải chăng là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thật sự thắng thế, làm chủ hoàn toàn sân khấu chính trị Việt Nam ?

Lê Hồng Hiệp : Có một thực tế là trước Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 01/2016, dường như có hai nhóm chính cạnh tranh với nhau, một nhóm do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, còn nhóm kia là do cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Tuy nhiên, sau Đại hội 12, với việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghỉ hưu, hiện tại, bên trong bộ máy Đảng cộng sản Việt Nam, quyền lực rất là tập trung và hầu như không còn tồn tại các phe nhóm đối lập hay tìm cách tranh giành quyền lực với nhóm của ông Nguyễn Phú Trọng.

Chính vì vậy mà việc bầu ông Nguyễn Phú Trọng lên làm chủ tịch nước không phải là một bước ngoặt trong cuộc đấu đá phe phái trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, mà dường như là một sự kiện khẳng định sự áp đảo của quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng như là của những người thân tín. Trước mắt, dường như đây là một giải pháp tạm thời và điều này có nghĩa là trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về sự cân bằng quyền lực trong nội bộ, ví dụ nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ chức vụ này đến cuối nhiệm kỳ và người kế nhiệm ông Trọng cũng nắm giữ hai chức vụ đó, dường như cấu trúc quyền lực sẽ tiếp tục sự tập trung.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quay lại cấu trúc 4 người bên trong ban lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, với nhiều cực quyền lực hơn, thì nó sẽ dẫn tới khả năng là tranh giành quyền lực trong nội bộ có thể sẽ quay trở lại.

RFI : Việt Nam là một nước theo chế độ độc đảng, việc một lãnh đạo đảng nay nắm luôn chức chủ tịch nước có lợi gì, có hại gì về đối ngoại cũng như đối nội của Việt Nam ?

Lê Hồng Hiệp : Trước tiên cũng cần xác định dù là độc đảng hay một người nắm nhiều chức vụ, tất cả cuối cùng cũng sẽ quay lại việc ai là người cụ thể ở đây. Tốt hay xấu là phụ thuộc rất nhiều tính cách, chính sách, tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo cụ thể đó. Việc lãnh đạo đảng cầm quyền làm nguyên thủ quốc gia thì có lợi và cũng có thể là có hại. Cho nên trong thời gian đã có nhiều tranh luận và bản thân Đảng cộng sản Việt Nam, theo như tôi hiểu, cũng chưa nhất trí hoàn toàn về việc để cho một người nắm hai chức vụ này, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ 13 vào năm 2021, mặc dù trước mắt, dường như bên trong họ có sự đồng thuận về việc để cho ông Trọng nắm giữ hai chức vụ này, ít nhất là cho tới Đại hội đảng lần thứ 13.

Về cái lợi, khi mà cấu trúc quyền lực có sự tập trung cao, cơ chế hoạch định chính sách sẽ có hiệu quả hơn, các mâu thuẫn đấu đá trong nội bộ sẽ giảm bớt. Vì vậy, bộ máy chính trị, đặc biệt là cấp ra quyết định có thể hiệu quả hơn. Nó có thể giúp làm giảm các chi phí so với việc duy trì hai người ở hai vị trí khác nhau, với hai bộ máy khác nhau. Bên cạnh đó, về mặt lễ tân ngoại giao thì cũng giảm bớt những phiền toái so với việc ông Trọng chỉ là tổng bí thư chứ không phải nguyên thủ quốc gia.

Đấy là những mặt lợi coi như là trước mắt. Còn những mặt hại thì chúng ta cũng cần chờ xem, vì như tôi nói ở trên, nó phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân nhà lãnh đạo đấy, họ sẽ làm gì, tư duy như thế nào, có phục vụ cho lợi ích quốc gia và dân tộc hay chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ.

Nếu có sự tập trung quyền lực mà nhà lãnh đạo có bước đi sai lầm, mà quyền lực của họ không được kiểm soát hiệu quả, thì có thể dẫn tới những chính sách sai lầm, đưa cả đất nước đi vào tai họa. Mà không chỉ tai họa cho đất nước mà còn là tai họa cho chính đảng cầm quyền.

RFI : Ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật bị xem là bảo thủ, thân Trung Quốc. Như vậy với việc ông nắm cả hai chức vụ, chính sách ngoại giao của Việt Nam có sẽ thay đổi ?

Lê Hồng Hiệp : Sẽ không có nhiều thay đổi, chính sách của Việt Nam sẽ được duy trì như lâu nay. Chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan về quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng trong cương vị lãnh đạo đảng. Bất kỳ lãnh đạo đảng nào, nhiệm vụ hàng đầu của người ấy chính là duy trì được sự tồn vong của đảng ấy. Thêm một bước nữa là duy trì được quyền lực của đảng trong bộ máy chính trị của đất nước. Trong một vị trí như vậy, xu hướng bảo thủ, thận trọng để bảo vệ sự tồn vong về quyền lực của đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Từ đấy, chúng ta có thể lý giải vì sao bất cứ nhà lãnh đạo nào của Việt Nam từ trước đến nay ở vị trí tổng bí thư thì thông thường có xu hướng bảo thủ.

Đi kèm với xu hướng bảo thủ là xu hướng thân Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc dẫu sao cũng là đồng minh về mặt ý thức hệ của Việt Nam và như vậy thì vai trò, vị trí của chính trị gia đấy quy định xu hướng, chính sách của người đó, khác với vị trí thủ tướng. Thủ tướng ở Việt Nam lâu nay thông thường có xu hướng cởi mở, cải cách và tự do hơn một chút, đó là do chức năng của thủ tướng là thúc đẩy các chính sách kinh tế, xã hội. Để thực hiện các yêu cầu này thì yêu cầu người đó phải có tư duy đổi mới, cải cách nhiều hơn, chính vì vậy mà họ ít bảo thủ hơn so với vị trí tổng bí thư.

Nói một cách công bằng thì trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cải cách về kinh tế, chính trị, xã hội. Về chính sách đối ngoại thì cũng không hẳn là quỵ lụy đối với Trung Quốc, mà thực tế đã có những bước đi tương đối cứng rắn đối với Trung Quốc. Nếu không có sự đồng thuận của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nghĩ là đã không thực hiện được (những chính sách đó).

Chính vì vậy mà tôi cho rằng trong thời gian tới, việc ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ cả hai chức sẽ không có những tác động đáng kể về mặt chính sách đối ngoại và đối nội của Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc.

RFI : Như vậy hãy còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam sẽ đi theo mô hình Trung Quốc ?

Lê Hồng Hiệp : Vâng, tôi nghĩ là hiện còn tương đối là quá sớm để khẳng định xu thế trong tương lai, ít nhất là trong những phát biểu gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, ông cũng nói rằng đây là một giải pháp tạm thời, trong bối cảnh chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời đột ngột và ông được đề cử để nắm chức vụ ấy.

Điều này cho thấy là bản thân ông Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo khác của đảng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên hợp nhất hai chức vụ này hay không và quan trọng hơn là có nên kéo dài sự dàn xếp hiện tại đối với ông Trọng hay không ? Tức là sau Đại hội lần thứ 13 năm 2021, liệu người kế nhiệm ông Trọng có sẽ nắm hai chức vụ này hay không. Tôi nghĩ điều này thể hiện sự thận trọng của bản thân ông Trọng cũng như các lãnh đạo khác, do những mặt trái của những dàn xếp này, như tôi đề cập ở trên. Đồng thời, nền chính trị Việt Nam lâu nay có truyền thống đa nguyên hơn và cởi mở hơn Trung Quốc.

Chính vì vậy, việc thay đổi cấu trúc quyền lực hiện tại, cũng như cách thức vận hành của ban lãnh đạo cấp cao, tôi nghĩ là cần có một thời gian nhất định. Từ giờ đến Đại hội 13, người ta sẽ đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của việc tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước, để xem có nên tiếp tục duy trì sau Đại hội 13 hay không. Nếu họ muốn duy trì (cơ cấu này), ai sẽ là người được lựa chọn để thay thế ông Trọng ? Cả hai vấn đề đều chưa có lời giải ở thời điểm này. Tôi nghĩ là họ sẽ cần có thời gian hơn để quyết định và như vậy câu hỏi Việt Nam có sẽ theo mô hình của Trung Quốc hay không thì có lẽ cũng cần thời gian để kiểm chứng.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 29/10/2018

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2