Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/08/2019

Căng thẳng Biển Đông càng đẩy Việt Nam về phía Mỹ

Lê Hồng Hiệp

Gây áp lực để buộc Việt Nam phải lùi bước trong việc khai thác dầu khí, đó là chiến lược quen thuộc của Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược này đã có hiệu quả vào năm ngoái, khi Việt Nam buộc phải yêu cầu công ty Tây Ban Nha Repsol ngưng dự án thăm dò khí đốt tại bãi Tư Chính, cho dù khu vực này nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

cang1

Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019. AMTI (CSIS)

Nhưng vào đầu tháng 7 vừa qua, khi Bắc Kinh điều một tàu khảo sát cùng nhiều tàu hải cảnh đến quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí cũng tại khu vực bãi Tư Chính, Hà Nội, sau nhiều ngày kín đáo phản đối Bắc Kinh, cuối cùng đã phải công khai lên án hành động của Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu các tàu của Trung Quốc phải rút ngay khỏi vùng biển Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc gây cản trở hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trên Biển Đông. Căng thẳng mới ở vùng Biển Đông càng đẩy Việt Nam xích gần lại Hoa Kỳ, đồng thời sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC. Đó là nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ngiên cứu Đông Nam Á, Singapore.

RFI : Kính chào tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Trước hết, theo anh, vì sao Trung Quốc lại có hành động như vậy trong lúc này ?

Lê Hồng Hiệp : Thực ra những hành động của Trung Quốc như ta vừa thấy trong thời gian qua cũng không hoàn toàn là mới. Có lẽ một trong những lý do chính đó là tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, như họ đã từng làm trước đây. Chúng ta phải liên hệ điều này đến phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Trong phán quyết đó, Tòa Trọng Tài đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc dựa trên "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò), đồng thời quyết định rằng các thực thể ở quần đảo Trường Sa không có các vùng biển riêng, không có các vùng đặc quyền kinh tế riêng. Vì vậy mà các hành động của Trung Quốc gây hấn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể là với dụng ý qua đó có thể bác bỏ các phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Điểm thứ ba cũng có thể có liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Qua trường hợp này, Trung Quốc muốn gây sức ép với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam có dấu hiệu ngày càng thân thiết hơn với Mỹ và được Mỹ ưu ái trong các quan hệ về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quốc phòng. Có thể đó là một lời cảnh báo với Việt Nam rằng Trung Quốc có thể có các công cụ để gây khó khăn cho Việt Nam, nếu như Việt Nam không hợp tác, hay là không duy trì quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.

cang2

Tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đang sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính - Ảnh minh họa 

Cũng có thể có một lý do khác, đấy là họ muốn gởi các thông điệp đến các nước đối tác của Việt Nam, đặc biệt là trong vùng biển mà họ đang gây rối đang có sự tham gia của các công ty, các nhà thầu của Nhật Bản, Nga, Ấn Độ hay Mỹ. Có thể là họ tìm cách gây rối trong các vùng biển của Việt Nam để cảnh báo các quốc gia kia là không được hợp tác với Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Điều này cũng liên quan đến một yêu sách của Trung Quốc trong đàm phán về COC, đó là cấm các công ty dầu khí của các nước bên ngoài khu vực tham gia khai thác tài nguyên ở Biển Đông, nếu không có sự chấp thuận của tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc.

RFI : Năm ngoái, khi Trung Quốc có hành động gây áp lực tương tự, Việt Nam đã phải lùi bước, yêu cầu một công ty Tây Ban Nha ngừng dự án thăm dò dầu khí. Lần này, Việt Nam có thái độ được coi là cứng rắn hơn. Anh lý giải thế nào về thái độ này ?

Lê Hồng Hiệp : Thứ nhất là Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của mình theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tại vì những vùng biển này, những khu vực này, Việt Nam đã khai thác tài nguyên, kiểm soát từ một thời gian rất lâu rồi. Bây giờ, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, thì Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển này. Nếu Việt Nam mềm yếu, tạo thành những tiền lệ cho Trung Quốc lấn lướt, thì sau này sẽ rất khó mà bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình.

Các vùng biển này, đặc biệt là các lợi ích từ dầu khí cũng như thủy sản, có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, bên cạnh các lợi ích về an ninh. Chính vì vậy mà Việt Nam cần phải cương quyết bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai, cũng có thể là Việt Nam cảm nhận vị thế của mình đã có sự cải thiện so với trước đây, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng mâu thuẫn và Mỹ đang có những hành động kềm chế sự trỗi dậy của của Trung Quốc, gây khó khăn cho Trung Quốc. Việt Nam thấy là Trung Quốc có thể sẽ phải kềm chế hoặc không sẵn sàng thúc đẩy căng thẳng lên cao hơn, khi căng thẳng như vậy có thể gặp phản ứng mạnh từ các đối tác của Việt Nam, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Như chúng ta thấy, trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam rất là mạnh mẽ. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các đối tác của Việt Nam, như Ấn Độ, Nhật Bản và đặc biệt là Liên Bang Nga. Những điều này giúp cho Việt Nam có sự tự tin hơn.

Thứ ba là trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2020, Việt Nam sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN và cũng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam sẽ có vị thế ngoại giao tốt hơn, có thể chủ động đưa các vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN hoặc có thể tác động vào các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để đưa ra một quan điểm có lợi cho Việt Nam chẳng hạn.

Cũng có thể là Việt Nam nay có một năng lực biển càng ngày càng mạnh, có các tàu thuyền có thể đối phó với các hoạt động của tàu Trung Quốc.

Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng, các báo cáo về các hoạt động của Trung Quốc đã có hơn một tháng nay, nhưng Việt Nam mới có các phản ứng mạnh trong khoảng 2 tuần nay thôi. Có thể là sau một thời gian cân nhắc, tính toán và có sự tham khảo với các đối tác, Việt Nam cảm thấy sự tự tin và sự hậu thuẫn của các đối tác được đảm bảo, cho nên mới tung ra các biện pháp chính trị, ngoại giao để chống lại áp lực của Trung Quốc.

RFI : Theo anh thì sự kiện này có sẽ đẩy Việt Nam đi xa khỏi vòng tay của Trung Quốc và xích gần Hoa Kỳ hơn ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi cho rằng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là một trong những lý do chủ yếu khiến cho Việt Nam tìm cách thúc đẩy quan hệ với các cường quốc chủ chốt, trong đó có Hoa Kỳ, trong suốt thời gian qua. Nếu không có tranh chấp Biển Đông, nếu không có những áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam có thể sẽ dè dặt hơn và không có nhiều động lực để tăng cường quan hệ, đặc biệt là về mặt quân sự, chiến lược với các đối tác này.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng, càng lấn lướt trên Biển Đông, Việt Nam còn có lợi ích trong việc tăng cường quan hệ với các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ. Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là chất xúc tác chủ yếu kéo Việt Nam và Hoa Kỳ lại gần với nhau hơn trong thời gian qua, cũng như trong thời gian sắp tới.

RFI : Căng thẳng hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ?

Lê Hồng Hiệp : Hành động của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán, vì thứ nhất, nó làm mất lòng tin, hay suy giảm lòng tin giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, với Trung Quốc ; thứ hai là tạo ra căng thẳng, mà trong bối cảnh căng thẳng thì đàm phán bao giờ cũng khó khăn hơn so với không khí hữu nghị giữa hai bên ; và thứ ba nó cũng cho thấy là Trung Quốc muốn áp đặt một số yêu sách của họ, ví dụ như cấm các công ty dầu khí của các nước ngoài khu vực tham gia khai thác, thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đông, nếu không có sự đồng ý của các bên còn lại, trong đó có Trung Quốc. Rõ ràng là những hành động của Trung Quốc đã thể hiện hàm ý đó cho tới lúc này. Nếu như tình trạng này kéo dài, tôi tin là đàm phán về COC sẽ gặp thách thức trong thời gian tới, có thể sẽ không đạt được mục tiêu là hoàn thành trong 3 năm, tức là vào năm 2021, như thủ tướng Trung Quốc đã đề ra.

Thanh Phương

 

Nguồn : RFI, 05/08/2019

Chính thể độc tài ở Việt Nam lấy gì để đối phó với ‘vùng xám’ của chính thể độc trị ở Trung Quốc ?

11111111111111111111

'Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động' (vè dân gian)

"Vùng xám", hay còn được gọi là những hành động "dưới ngưỡng chiến tranh", là chiến thuật không sử dụng hải quân mà thay bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình tiến hành các hoạt động trên biển nhưng không vượt qua một giới hạn nào đó để không kéo theo phản ứng quá mạnh từ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài loại hình tàu hải giám và tàu dân quân biển, tàu thương mại dân sự cũng là một thành phần nằm trong chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc.

Một tổng kết của giới nghiên cứu cho biết vào năm 2014, loại hình tàu thương mại dân sự cũng đã xuất hiện trong vụ giàn khoan HD-981, để cùng với các tàu hải giám tham gia trực tiếp chặn đường ngăn cản các tàu kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Có ít nhất 3 tàu thương mại quốc doanh Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam. Theo dõi đường đi của các con tàu cho thấy chúng phối hợp với nhau, cũng như phối hợp với các tàu Trung Quốc khác trên thực địa.

222222222222222222

Dân quân biển xã Tam Quang huấn luyện bắn súng AR15. Ảnh: T.A

Nhưng cho tới nay, kế hoạch "đóng tàu sắt" của Việt Nam để đối phó với tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc đã gần như phá sản, hoàn toàn trái ngược lại với hình ảnh hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Quốc được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông và còn xông thẳng vào vùng hải phận Việt Nam trước cơn "ngủ ngày" của Hải quân và Cảnh sát biển nước Việt.

Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại. Bị giới ngân hàng chỉ biết "còn đảng còn tiền" bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn.

Những hứa hẹn của chính phủ "cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt" từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải.

Vào năm 2016, bất chấp Nghị định 67 của Chính phủ Việt Nam về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời mà được kỳ vọng sẽ "giúp ngư dân thực hiện giấc mơ đóng tàu to, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày", đã có đến vài chục tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung - trị giá hàng trăm chục tỷ đồng - vừa đóng mới và đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, phải nằm bờ. Còn một số cơ sở đóng tàu lại "qua cầu rút ván" khi xảy ra hậu quả đó. Thậm chí một trong những doanh nghiệp đóng tàu có nhiều dấu hiệu gian dối như thế lại thuộc… Bộ Công an.

Vào khoảng thời gian hàng đàn tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính, ngư dân Việt không chỉ bị hành hạ bởi kẻ cướp bên ngoài mà còn bởi ‘nội xâm’ bên trong : theo quy định mới trong Luật Thủy sản 2017 và Công văn số 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25 tháng 3 năm 2019, tàu cá có chiều dài dưới 15 m không được ra vùng biển xa bờ, mà chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý. Quy định ‘hành là chính’ này đã khiến hàng ngàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không thể ra khơi, chủ tàu phải chịu lỗ, còn ngư dân thì mất việc.

Kết luận thật đắng chát : Lực lượng ngư dân tự vệ của Việt Nam không chỉ phải chịu rủi ro nguy hiểm từ "tàu không rõ quốc tịch", mà còn bị chính những người cùng quốc tịch lừa gạt một cách không thể nhẫn tâm hơn.

Ngay cả thời gian gần đây khi Việt Nam có một chút nhúc nhích từ tư thế "đu dây" sang "dựa Mỹ đối Trung", một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.

Từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào án ngữ ở Biển Đông năm 2014 khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt phải chịu cảnh nằm bờ treo niêu, cho tới nay lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn không có động tác thực chất và hiệu quả nào để hộ tống ngư dân ra khơi - như cách người Philippines và người Nhật đã làm đúng thiên chức "quân với dân như cá với nước.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 05/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 547 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)