Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/08/2019

‘Lực lượng ngư dân tự vệ’ của Việt Nam giờ này ra nông nỗi nào ?

Thường Sơn

Chính thể độc tài ở Việt Nam lấy gì để đối phó với ‘vùng xám’ của chính thể độc trị ở Trung Quốc ?

tuve1

'Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động' (vè dân gian)

"Vùng xám", hay còn được gọi là những hành động "dưới ngưỡng chiến tranh", là chiến thuật không sử dụng hải quân mà thay bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình tiến hành các hoạt động trên biển nhưng không vượt qua một giới hạn nào đó để không kéo theo phản ứng quá mạnh từ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài loại hình tàu hải giám và tàu dân quân biển, tàu thương mại dân sự cũng là một thành phần nằm trong chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc.

Một tổng kết của giới nghiên cứu cho biết vào năm 2014, loại hình tàu thương mại dân sự cũng đã xuất hiện trong vụ giàn khoan HD-981, để cùng với các tàu hải giám tham gia trực tiếp chặn đường ngăn cản các tàu kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Có ít nhất 3 tàu thương mại quốc doanh Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam. Theo dõi đường đi của các con tàu cho thấy chúng phối hợp với nhau, cũng như phối hợp với các tàu Trung Quốc khác trên thực địa.

tuve2

Dân quân biển xã Tam Quang huấn luyện bắn súng AR15. Ảnh: T.A

Nhưng cho tới nay, kế hoạch "đóng tàu sắt" của Việt Nam để đối phó với tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc đã gần như phá sản, hoàn toàn trái ngược lại với hình ảnh hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Quốc được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông và còn xông thẳng vào vùng hải phận Việt Nam trước cơn "ngủ ngày" của Hải quân và Cảnh sát biển nước Việt.

Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại. Bị giới ngân hàng chỉ biết "còn đảng còn tiền" bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn.

Những hứa hẹn của chính phủ "cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt" từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải.

Vào năm 2016, bất chấp Nghị định 67 của Chính phủ Việt Nam về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời mà được kỳ vọng sẽ "giúp ngư dân thực hiện giấc mơ đóng tàu to, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày", đã có đến vài chục tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung - trị giá hàng trăm chục tỷ đồng - vừa đóng mới và đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, phải nằm bờ. Còn một số cơ sở đóng tàu lại "qua cầu rút ván" khi xảy ra hậu quả đó. Thậm chí một trong những doanh nghiệp đóng tàu có nhiều dấu hiệu gian dối như thế lại thuộc… Bộ Công an.

Vào khoảng thời gian hàng đàn tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính, ngư dân Việt không chỉ bị hành hạ bởi kẻ cướp bên ngoài mà còn bởi ‘nội xâm’ bên trong : theo quy định mới trong Luật Thủy sản 2017 và Công văn số 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25 tháng 3 năm 2019, tàu cá có chiều dài dưới 15 m không được ra vùng biển xa bờ, mà chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý. Quy định ‘hành là chính’ này đã khiến hàng ngàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không thể ra khơi, chủ tàu phải chịu lỗ, còn ngư dân thì mất việc.

Kết luận thật đắng chát : Lực lượng ngư dân tự vệ của Việt Nam không chỉ phải chịu rủi ro nguy hiểm từ "tàu không rõ quốc tịch", mà còn bị chính những người cùng quốc tịch lừa gạt một cách không thể nhẫn tâm hơn.

Ngay cả thời gian gần đây khi Việt Nam có một chút nhúc nhích từ tư thế "đu dây" sang "dựa Mỹ đối Trung", một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.

Từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào án ngữ ở Biển Đông năm 2014 khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt phải chịu cảnh nằm bờ treo niêu, cho tới nay lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn không có động tác thực chất và hiệu quả nào để hộ tống ngư dân ra khơi - như cách người Philippines và người Nhật đã làm đúng thiên chức "quân với dân như cá với nước.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 05/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)