Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/08/2019

Đáp trả phóng sự "Mặt trái của truyền thông mạng xã hội" của VTV

Cao Nguyên

Các nhà hoạt động đáp trả phóng sự "Mặt trái của truyền thông mạng xã hội" của VTV

"Tôi thách thức các tổ Đảng, các báo đài cũng như VTV - Đài truyền hình Việt Nam chỉ ra bất kỳ một chi tiết nào từ các bài viết hay trả lời phỏng vấn của tôi sai sự thật, có nghĩa là xuyên tạc hay là kích động" - Đó là khẳng định của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng sau khi Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phát phóng sự dài hơn 30 phút mang tên "Đối diện : Mặt trái của truyền thông mạng xã hội".

daptra1

Hình minh họa. Người biểu tình phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hà Nội ngày 1/5/2016 - AFP

Không chỉ có nhà báo Phạm Chí Dũng bị nêu dích danh trong phóng sự này, còn có nhiều nhà hoạt động xã hội khác bị cáo buộc là sử dụng mạng xã hội để kích động biểu tình, xuyên tạc hay đưa tin giả nhằm tiến tới "xoá bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản, lật đổ Chính quyền nhân dân".

Cáo buộc "kích động biểu tình"

Chương trình "Đối Mặt" được phát sóng lần đầu vào lúc 8 giờ 10 phút tối 30/7/2019 trên kênh VTV1 do nhà báo Đức Hoàng dẫn chương trình đã gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua, mặc dù đài đã khéo kéo làm mờ mặt những người được nói đến nhưng không khó để nhận ra những nhà bất đồng chính kiến được đề cập.

Phóng sự được làm theo phương cách phỏng vấn một chiều các quan chức chính quyền như Bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận, Phó cục trưởng Cục an ninh mạng, Phó chủ nhiệm ban đối ngoại Quốc Hội, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công An… và 2 người dân nhưng tuyệt nhiên không cho quyền những "đối tượng" bị cáo buộc kích động lên tiếng nói.

Một người bị VTV1 đưa hình ảnh cá nhân vào phóng sự trên nhưng làm mờ nội dung băng rôn đang cầm và gạch chéo đỏ là nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh. Bà là người từng nhiều lần tham gia biểu tình chống Trung Quốc và đang điều hành một quỹ để giúp đỡ cho thân nhân các tù nhân lương tâm Việt Nam.

Giọng của phát thanh viên bình luận khi đưa hình ảnh của bà Thúy Hạnh : "Những thông điệp đầy kích động, xuyên tạc, bóp méo sự thật này trên mạng xã hội đã khiến không ít người dân tin theo và từ đó thực hiện các hành vi gây rối, vi phạm pháp luật".

daptra2

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh và nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông Courtesy of FB

Bà Hạnh, từ Hà Nội cho hay :

"Đầu tiên, tôi thấy rằng họ rất hèn khi đưa hình ảnh rõ mặt tôi nhưng cái biểu ngữ của tôi có thông điệp chống Trung Quốc thì họ lại làm mờ đi.

Họ đã cố tình bóp méo sự thật để bôi nhọ chúng tôi.

Thứ hai là họ đổi trắng thay đen, lươn lẹo, dối trá nên không đáng chấp".

Không những thế, phóng sự lần này của đài truyền hình quốc gia còn gạch chéo đỏ lên gương mặt của linh mục Nguyễn Đình Thục, người từng dẫn đầu đoàn Giáo dân Song Ngọc, Nghệ An đi nộp đơn khiếu kiện công ty Formosa, yêu cầu phải bồi thường thiệt hại và trả lại biển sạch cho người dân.

Ông nói với phóng viên RFA qua điện thoại như sau :

"Cái trò bịa đặt vu khống là nghề của họ, bản chất của cộng sản là dối trá.

Không phải bây giờ mà trước đây đã rất nhiều lần họ vu khống, không chỉ riêng tôi mà còn tất cả những ai đấu tranh cho quyền lợi của người dân hay là cho công lý sự thật, hoặc bất cứ một ai làm điều gì đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người Cộng sản thì đều bị như vậy.

Nên tôi cảm thấy việc này cũng bình thường lắm !"

Về cáo buộc muốn "xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, lật đổ chính quyền nhân dân" bà Thúy Hạnh cho hay : "Họ thừa biết là cuộc biểu tình của chúng tôi vào lúc này là chưa thể thực hiện được điều ấy nhưng vẫn cố tình vu khống.

Cũng có thể để họ có chút sợ hãi chăng ? !

Nhưng rõ ràng là một sự vu khống trắng trợn !"

Còn linh mục Nguyễn Đình Thục thì thừa nhận, dù không ưa gì chế độ Cộng sản hiện nay vì nó đem lại nhiều bất công trong xã hội tuy nhiên những vụ việc mà ông giúp người dân đi đưa đơn khiếu kiện hay biểu tình phản đối công ty Formosa đều không nhằm mục đích "lật đổ chính quyền".

Cáo buộc "tung tin giả"

Một khía cạnh của "mặt trái mạng xã hội" được VTV chỉ ra là, một số Facebooker có tầm ảnh hưởng "liên tục viết bài cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lí để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẻ xã hội, thực hiện diễn biến hoà bình, đòi lật đổ chế độ".

Đi kèm những lời bình luận trên là hình ảnh trang Facebook cá nhân của một số nhà báo độc lập nổi bật hiện nay như Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, anh Thái Văn Đường hay nhà báo Lê Trung Khoa từ Berlin, Đức.

daptra3

Nhà báo Phạm Chí Dũng trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc năm 2014 ở thành phố Hồ Chí Minh - Courtesy of FB

Đáp trả lại cáo buộc này, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết sẽ để ngỏ khả năng kiện đài VTV ra tòa.

"Đây không phải là lần đầu tiên VTV đề cập đến tôi. Trước đây, một số lần họ cũng dùng những từ ngữ như xuyên tạc, kích động, nói xấu… Nhưng vấn đề tôi muốn nói là tất cả những lần báo chí nhà nước, cũng như VTV hay hệ thống Tuyên giáo đề cập tới tôi thì họ đều không chứng minh được bất kỳ một chi tiết nào về việc nói xấu, kích động hay xuyên tạc, ở đây có thể hiểu là nói sai sự thật.

Tôi thách thức các tổ đảng, các báo đài cũng như VTV - Đài truyền hình Việt Nam (Truyền hình Việt Nam) chỉ ra bất kỳ một chi tiết nào từ các bài viết hay trả lời phỏng vấn của tôi sai sự thật, có nghĩa là xuyên tạc hay là kích động.

Nếu như họ không chứng minh câu nói nào sai sự thật thì chính là họ đã vu khống tôi. Do vậy, tôi có thể kiện họ, tất nhiên là ở Việt Nam chứ không phải là án quốc tế. Tôi biết một khi ra tòa Việt Nam là rất khó khăn nhưng vẫn có thể tôi sẽ kiện họ ra tòa về việc này trong những năm sau chứ chưa nhất thiết là ngay tại thời điểm này".

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ Thời Báo, người theo sát và liên tục cập nhật thông tin nóng hỏi về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ bắt cóc đưa về Việt Nam khẳng định với RFA :

"Từ trước đến nay, khi đăng bất kỳ bản tin nào về vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa ra thì chúng tôi đều có dẫn nguồn kiểm chứng. Mọi người có thể tự truy cập vào các trang web đó để tự kiểm chứng.

Ở Việt Nam, truyền thông trong nước với hơn 800 tờ báo và các đài truyền hình đều nằm dưới sự quản lý và giám sát của đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy họ chỉ đưa thông tin phục vụ cho Đảng Cộng sản chứ không phải phục vụ cho nhân dân.

Những thông tin mà chúng tôi đưa ra là rất mới và lạ đối với người dân trong nước, kể cả một số người Việt Nam ở nước ngoài. Đó có thể là nguyên nhân mà chúng tôi bị cáo buộc là đưa tin giả nhưng thực tế thế thông tin của chúng tôi đều có nguồn gốc và kiểm chứng.

Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Việt Nam đánh giá rất cao giá trị thông tin mà chúng tôi đưa ra hiện nay đã tiếp cận được rất nhiều người. Việc họ dùng VTV1 là cơ quan truyền thông lớn nhất của Việt Nam để đưa chúng tôi lên như vậy vô hình chung lại để cho càng nhiều người Việt Nam biết đến chúng tôi".

Một điều nữa là họ đưa hình ảnh trang cá nhân của tôi lên trên phóng sự và dùng gạch chéo đỏ. Đó là một cách làm thường thấy của lực lượng dư luận viên, nó cũng khẳng định thêm về chất lượng truyền thông của Đài truyền hình Việt Nam các cơ quan tuyên truyền của đảng đã đã xuống cấp một cách rất nghiêm trọng".

Sau những thông tin dồn dập về ông Trịnh Xuân Thanh được chủ bút thoibao.de đăng tải, ông Khoa vẫn chưa được cấp hộ chiếu Việt Nam bị hết hạn và còn có người nhắn tin dọa giết và giờ là "Đối Mặt".

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do nhiều lần gọi điện thoại cho nhà báo Đỗ Đức Hoàng, người lên kịch bản và dẫn chương trình của phóng sự nêu trên nhưng không có người bắt máy.

Phóng sự VTV liên quan gì tới tình hình ở Bãi Tư Chính ?

Báo chí trong nước nhiều ngày qua liên tục đưa tin với nội dung lên án hành vi của các tàu thăm dò dầu khí Bắc Kinh đang xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam. Điều đó khiến nhiều người quan sát chính trị cho rằng Hà Nội đang muốn "bật đèn xanh" cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc như vụ giàn khoan HD 981 diễn ra 5 năm trước.

Tuy nhiên, phóng sự được làm công phu gần đây lại cáo buộc người biểu tình "nhận tiền để thực hiện hành vi gây rối". Giải thích về hiện tượng này, ông Lê Trung Khoa nhận xét :

"Tôi thấy hai sự việc trên có thể liên quan tới nhau. Thông tin về vụ việc Bãi Tư Chính đầu tiên được các đài quốc tế như VOA, RFA và nhiều trang báo độc lập khác ở nước ngoài đưa tin từ rất sớm. Sau đó, một thời gian rất dài truyền thông Việt Nam hoàn toàn im lặng cho đến khi sự việc đã quá nóng rồi thì Việt Nam mới có phát biểu dè dặt và chỉ nói rằng là tàu nước ngoài mà thôi.

Dường như có sức ép nào đó trong đảng, trong các cơ quan cầm quyền trong nước họ không thể chịu đựng được sự im lặng như vậy vì sự xâm phạm chủ quyền biển đảo của Trung Quốc là rất trắng trợn.

Cộng với việc ngay sau đó bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo rằng nước lớn như Trung Quốc bắt nạt nước nhỏ như Việt Nam, thì khi đấy báo chí trong nước mới được phép đưa thông tin này một cách thoải mái hơn.

Điều thứ hai là trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam được chia thành nhiều trường phái khác nhau. Có thể có những người muốn mở rộng hợp tác với các nước phương tây hoặc Mỹ. Quân đội Mỹ cho tàu sân bay vào cảng Đà Nẵng trong thời gian vừa qua. Đó thể hiện sự xích lại về phía Mỹ.

Ngược lại ở phía Bắc thì có thể thấy ông Nguyễn Phú Trọng và những người theo phe ông ta có thể nói rằng thuộc phe thủ cựu thì họ vẫn rất thân thiết với Trung Quốc, vẫn cử cán bộ sang Trung Quốc để học tập, vẫn có những hiệp định ký với nhau một cách rất mờ ám mà không biết cụ thể hợp tác đó là những gì, có lợi hay là có hại cho đất nước.

Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng trong nước hiện nay có những sự giằng co với nhau giữa thời kỳ có thể nói nhập ngoạng. Đó có thể lý giải vì sao khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam mà Việt Nam lại không phản ứng ngay".

Nhà báo Phạm Chí Dũng lại cho rằng phóng sự của VTV lần này làm xấu hình ảnh của đảng Cộng sản trong mắt Hoa Kỳ :

"Hai việc đó khá mâu thuẫn với nhau vì rõ ràng là vào thời điểm này khi chính quyền Việt Nam đang rất cô độc trên trường quốc tế, gần như không có bất kỳ một quốc gia nào ủng hộ Việt Nam, chỉ có Mỹ lên tiếng một cách gián tiếp thôi.

Thế thì chính quyền Việt Nam hiện nay đang rất cần sự hỗ trợ không chỉ của cộng đồng quốc tế mà từ dân chúng trong nước. Nhưng thực ra người dân đã bị chính quyền "bỏ quên" từ lâu rồi, không những bỏ quên mà trong những lần đấu tranh tự phát như là biểu tình chống Trung Quốc trước đây đều bị chính quyền đàn áp dã man.

Bây giờ người dân chán rồi và cho rằng nếu đảng và Nhà nước muốn lo thì cứ lo và họ không đi biểu tình nữa.

Chính quyền đang cần có biểu tình hoặc là sự biểu thị gì đó từ dân chúng. Trong khi đó, những kênh báo đảng như là đài Truyền hình Việt Nam lên tiếng cáo buộc những tiếng nói bất đồng như thế này thì rất mâu thuẫn ăn với ý muốn của đảng hiện nay là là kêu gọi dân chúng ủng hộ đảng.

Mặt khác, tôi còn có thể hiểu ra một ý kiến khác là hiện nay tình hình ngân sách đang rất khó khăn, cho nên đài Truyền hình Việt Nam cần phải dựng ra một chương trình gọi là đối diện để kiếm tiền.

Cũng giống như là công an, an ninh của Bộ công an và công an các tỉnh thành rất hay theo dõi những người bất đồng chính kiến, và mỗi người bất đồng chính kiến hay là mỗi tổ chức xã hội dân sự đều là một dự án của họ và đều lấy tiền từ ngân sách. Tôi hiểu rất có thể là đài Truyền hình Việt Nam - VTV cũng đang muốn kiếm tiền từ dự án đấu tranh với các quan điểm luận điểm bị coi là phản động.

Cần phải nói thêm một điều nữa là Nguyễn Phú Trọng đã hồi phục sức khỏe, rất có thể sẽ tiến hành một chuyến đi Hoa Kỳ gặp tổng thống Trump vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10.

Trong bối cảnh Việt Nam đang rất đơn độc trong vụ việc Bãi Tư Chính thì việc VTV có một chương trình Đối Diện đề cập luôn cả các đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA và RFA, nói rằng những đài này xuyên tạc thì chính VTV đang phá đám chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian sắp tới.

Việc đài Truyền hình Việt Nam tự nhiên lại đưa ra một chương trình mà tôi cho là là rất trái khoáy như thế này chỉ làm xấu đi hình ảnh của Nguyễn Phú Trọng và và tổn thương nghiêm trọng đến quan hệ Việt - Mỹ đang trên đà có một chút phục hồi".

Trước đây, không chỉ đài Truyền hình Việt Nam - VTV mà còn rất nhiều tờ báo nhà nước Việt Nam đăng tải các phóng sự hay bài viết với luận điểm tương tự, họ cho rằng những người dân nhận tiền từ 300 ngàn đến 500 ngàn đồng để đi biểu tình.

Hoặc cáo buộc "có bàn tay" của đảng Việt Tân đứng sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hay phản đối luật Đặc khu, đồng thời cảnh báo người dân và khách du lịch không được tham gia "tụ tập đồng

Phóng sự lần này của VTV được tung ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm đài Truyền hình Việt Nam hôm 10/7 và cho rằng đài này phải thể hiện giá trị cốt lỗi là "đấu tranh lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, tin độc".

Đài truyền hình VTV trong quá khứ từng bị chính quyền Việt Nam phạt nhiều lần vì phát tán tin sai sự thật. Hồi tháng 5/2016, phóng sự "Chổi quét rau" của đài này bị tố là dàn dựng một số cảnh quay, bị Cục phát thanh truyền hình ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng và phải cải chính xin lỗi.

Trước đó, vào tháng 12/2014, VTV cũng bị phạt 2 lần tổng cộng 14 triệu vì đưa thông tin sai sự thật.

Các bản tin thời sự của đài VTV về những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và kết án nhiều năm qua cũng bị các những người bất đồng chính kiến cáo buộc là đưa thông tin một chiều, dàn dựng.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 03/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)