Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/01/2020

Phải trả lại ruộng đất cho nông dân !

Nguyễn Thị Huyền - Lynn Huỳnh

Không nên đánh tráo khái niệm ‘sử dụng đất’ và ‘quyền sử dụng đất’

Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 15/01/2020

Do đánh tráo khái niệm ‘sử dụng đất’ và ‘quyền sử dụng đất’ nên thời gian vừa qua chúng ta tiếp tục loay hoay với những Thủ Thiêm, Cồn Dầu, Lộc Hưng… và mới đây là Đồng Tâm.

quyen1

Ông Đoàn Văn Vươn được hàng xóm láng giềng và người thân ở Hải Phòng đón chào như người hùng sau khi được đặc xá trở về ngày 31/8/2015.

Cá nhân tôi cho rằng diễn biến dự án Miếu Môn ở khu vực xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội là hệ lụy của một quy hoạch treo.

Trong các văn bản pháp luật, không có quy định về khái niệm quy hoạch treo là gì, nhưng có thể hiểu quy hoạch treo, hay quy hoạch sử dụng đất treo, là phần diện tích đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra văn bản xác định, hoặc ghi trong kế hoạch sử dụng đất cho một hoặc nhiều mục đích khác nhau. Đồng thời cũng đã có công bố sẽ thu hồi để thực hiện kế hoạch nhưng không thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch thì gọi là quy hoạch treo.

Để thực hiện các quy hoạch đã duyệt, người ta cụ thể hóa bằng các dự án, tiểu dự án. Nếu dự án đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho đầu tư vào khu vực phù hợp với quy hoạch của địa phương. Bên cạnh đó Chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện xong các thủ tục đầu tư như : được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, đã có Quyết định thu hồi đất để triển khai dự án… nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai dự án hoặc chỉ làm qua loa, đình trệ trong suốt 3 năm, thì được gọi là "dự án treo".

Hậu quả của quy hoạch treo là gì ? Dễ thấy nhất là đổ máu, mất sinh mạng, mất cả niềm tin vào chính sách pháp luật như ở vụ Đồng Tâm hôm 9-1-2020. Còn nói chung bằng ngôn từ lý thuyết, thì các quy hoạch treo, dự án treo gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của chính quyền, đời sống của nhân dân và làm chậm tốc độ phát triển kinh tế xã hội.

Các quy hoạch treo làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội vì không phát triển theo như định hướng, không bắt kịp hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất… Làm đảo lộn luôn các vấn đề xã hội, thiếu hụt cơ sở hạ tầng công cộng như trường học, y tế… Và quan trọng hơn cả là dân cư sống trong vùng có quy hoạch treo thường chịu thiếu thốn cơ sở vật chất, kế hoạch định hướng lâu dài bị đảo lộn. An sinh của người dân ở những nơi ‘treo’ này, không khác mấy so ‘tù treo’ trong bản án hình sự.

Đọc tới đây, chắc sẽ có ý kiến rằng giờ làm gì còn vụ ‘treo’ kiểu ấy nữa. Theo Khoản 8, Điều 49, Luật Đất đai 2013, đã sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định như sau : Diện tích đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện đã công cố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc chuyển mục đích sử dụng, mà hết 3 năm không có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng, thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Như vậy, có thể hiểu, đất quy hoạch treo là những phần đất sau 3 năm mà không thực hiện và cũng không có kế hoạch điều chỉnh hay hủy bỏ quy hoạch, thì gọi là đất quy hoạch treo. Do đó, khi sắp đến hạn 3 năm, chỉ cần làm mỗi động tác nhỏ nhỏ về mặt pháp lý – kiểu như xây dựng hàng rào trên phần đất nào đó của dự án chẳng hạn, thì xem như mọi chuyện không gì thay đổi.

Tôi cho rằng trước tiên nên sửa đổi chuyện quyền sở hữu trong đất đai theo hướng giao quyền sở hữu đất cho gia đình, cá nhân. Đây là quyền sở hữu đất gắn liền với nhà ở. Còn về đất đai nông nghiệp kiểu như đạo luật "Người cày có ruộng" của chế độ Việt Nam cộng hòa trước đây, chúng ta cũng nên xem xét về quyền tư hữu đất đai nông nghiệp theo mức hạn điền nào đó. Xin nhấn mạnh, ở đây họ có quyền ‘sở hữu đất’, chứ không phải là quyền sử dụng đất như giấy tờ hành chính của Luật Đất đai quy định.

Ngoài ra, nếu vì lẽ gì đó mà chần chừ vẫn muốn ‘treo’ các quyền dân sự, thì cần sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng đất đai có thể thu hồi, nhưng tài sản đã đầu tư trên đất thì không thể tịch thu như ở vụ vườn rau Lộc Hưng chẳng hạn. Bởi vì Hiến pháp quy định Nhà nước không quốc hữu hóa bất kỳ tài sản nào hình thành hợp pháp.

Còn nếu nhìn một cách bài bản để hy vọng sớm tìm ra được con đường đi đến đích chủ nghĩa xã hội, tránh việc tiếp tục chắp vá, tôi cho rằng cần mạnh dạn xử lý đúng bản chất, quy định về đất đai theo nguyên lý tài sản và cuộc sống đòi hỏi, không nên đánh tráo khái niệm giữa việc ‘sử dụng đất’ và ‘quyền sử dụng đất’.

Đã đến lúc phải thừa nhận quyền sở hữu đất trong Hiến pháp nếu không muốn loạn luật. Sau đó, soạn thảo lại Luật Đất đai, chứ không nên sửa chữa lặt vặt, trong khi lại bỏ qua vấn đề cốt yếu của quản lý đất đai. Đây là yêu cầu, là đòi hỏi của cuộc sống nếu như Đảng và Nhà nước thật sự là của Dân, và vì Dân.

Nguyễn Thị Huyền

Nguồn : VNTB, 15/01/2020

*****************

Nông dân luôn cần có đất để mưu sinh

Lynn Huỳnh, VNTB, 15/01/2020

Vì hiểu nông dân luôn cần đất để mưu sinh, nên ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 có luật "Người cày có ruộng". Ngày ban hành luật này được coi là ngày nghỉ lễ toàn miền Nam dưới thời Đệ nhị Cộng hòa.

quyen2

Trái phiếu cải cách điền dịa năm 1970 của Việt Nam Cộng Hòa

Miền Nam Việt Nam đã thực hiện chính sách tư hữu hóa ruộng đất cho các tá điền qua công cuộc cải cách điền địa do tổng thống Ngô Đình Diệm thực hiện trong những năm 1955-1963.

Ở bên kia bờ Bến Hải, qua các tư liệu được nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in ấn và phát hành, cho thấy việc thấu hiểu nông dân luôn cần có đất để mưu sinh, đã được người đứng đầu Đảng là ông Hồ Chí Minh huấn thị trong nhiều phát biểu.

Tuy nhiên có sự khác biệt gần như đối lập trong cách hiểu "Người cày có ruộng" giữa chính thể Việt Nam Cộng Hòa với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự khác biệt đó có thể tìm thấy qua các vụ người nông dân bị mất đất đai nông nghiệp với lý do "Quy hoạch – Thu hồi đất" trên toàn quốc từ sau tháng tư, 1975.

Tư hữu hóa điền địa cho nông dân

Ở miền Nam trước 1975, "tá điền" là cách gọi chỉ người nông dân.

Xin điểm nhanh về cuộc cải cách điền địa của Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa (1955-1963). Đây là cuộc cải cách nhằm phân phối lại điền địa trong khuôn khổ chương trình "Cải cách nông nghiệp" và "Phát triển nông thôn". Cuộc cải cách ruộng đất này do tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm thi hành. Vào thời điểm đó, ở Việt Nam Cộng Hòa tình hình đất đai được ghi nhận sở hữu đất đai chênh lệch quá lớn : 2.5% đại điền chủ sở hữu tổng số 45% đất đai, trong khi đó 73% tiểu điền chủ chỉ sở hữu 15% đất đai.

Lúc đó mức tô, thuế mà các điền chủ đặt ra rất cao từ 40-60%. Việc thuê mướn giữa chủ đất và tá điền không có hợp đồng cụ thể, dẫn đến thua thiệt lớn có thể đến với tá điền bất cứ lúc nào. Đứng trước tình hình đó, tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ dụ 3 đạo luật chính đó là : Dụ về quy định mức thu tô, cho thuê đất giảm xuống còn 10-25% (Dụ số 2- 8/1/1955). Dụ về bắt buộc phải có khế ước, hợp đồng cho thuê đất giữa chủ điền và tá điền (Dụ số 7- 5/2/1955). Dụ về truất hữu đất đai (Dụ số 57- 22/10/1956).

Theo đó, các điền chủ chỉ còn sở hữu tối đa là 100 ha điền địa và 15 ha hương điền (đất hương hoả). Số điền địa còn lại, chính phủ sẽ trưng thu mua lại. Chính phủ tạm ứng ngân sách 10% trả trước cho điền chủ, 90% còn lại trả bằng trái phiếu trong 12 năm với lãi suất là 5%/1 năm. Số đất đai chính phủ thu được từ việc truất hữu này phân phối bán trả góp lại cho tá điền, mỗi tá điền được bán tối đa 5 ha, cũng trong vòng 12 năm bằng ngang giá mua của các chủ điền, tuy nhiên nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất, tá điền chỉ phải trả 3% lãi suất mà thôi.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng đã ra quy định các đối tượng được ưu tiên mua điền địa, theo thứ tự ưu tiên là các tá điền đã tá canh từ 2 năm trở lên, gồm : cựu chiến binh, dân di cư từ miền Bắc, người thất nghiệp. Kết quả tính cho đến năm 1958, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện thành công chính sách tư hữu điền địa cho các tá điền. Khoảng trên 50% số tá điền đã có ruộng, số tá điền còn lại được lập các khế ước thuê đất với mức thuế rẻ.

quyen3

Tem kỷ niệm năm thứ ba (Luật người cày có ruộng" phát hành ngày 26/03/1973

Cuộc cải cách ruộng đất do tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thi hành, với chính sách "Người cày có ruộng" được lưỡng viện Quốc hội lúc bấy giờ chuẩn y vào tháng 9 năm 1967. Tuy nhiên do vấp phản ứng từ những dân biểu là điền chủ sợ sẽ bị mất đất, nên mãi đến ngày 26 tháng 3 năm 1970, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mới có thể ký sắc lệnh 003/60 tại Cần Thơ, ban hành đạo luật Người cày có ruộng.

Nội dung chính của đạo luật là số đất đai trực canh các điền chủ được sở hữu tối đa là 15 ha đối với Nam phần, 5 ha đối với Trung phần và Cao nguyên.

Luật Người cày có ruộng không áp dụng đối với ruộng đất của các tổ chức tôn giáo, và ruộng đất hương hỏa gia đình của người dân. Mục tiêu của việc cải cách này là cấp miễn phí 1,5 triệu hecta ruộng lúa cho 80 vạn hộ nông dân, đồng thời cấp giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất cho nông dân. Người nhận đất theo quy định chương trình Người cày có ruộng thì không được sang nhượng, hay bán lại thửa đất đó trong vòng 15 năm.

Ngoài ra chính sách ruộng đất còn có ba điểm mới đem vào thực hành : Địa chủ không có quyền bắt tá điền nộp địa tô thuộc những năm trước. Nông dân lãnh ruộng do Việt Cộng cấp cũng được miễn thuế trong một thời gian. Nông dân lãnh ruộng do Việt Cộng cấp sẽ được nhận bằng khoán để chính thức sở hữu số ruộng đó. Tính đến năm 1973 thì hơn một triệu ha ruộng đã được chuyển sang quyền sở hữu của hơn 850.000 tá điền.

Và sau tháng tư năm 1975 kéo dài đến hiện nay, con số một triệu mẫu ruộng đó cho hơn 850 ngàn tá điền, tất cả đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước, và đây chính là nguyên do dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại kéo dài khi nhà nước thực hiện việc "quy hoạch – thu hồi".

Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào – Mai sau thực hiện chương trình : Việt Nam nông dã tất canh kỳ điền

Thử tìm hiểu người cày có ruộng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa qua bài viết "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân, nông nghiệp và nông thôn", tác giả Nguyễn Minh Đức, Phòng Tuyên truyền, Giáo dục của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đăng ngày 1010/2019 (1).

Bài viết có những đoạn như sau (trích) : "Sau khi trở về Tổ quốc năm 1941, Bác viết bài thơ lục bát "Dân cày" đăng trên báo Cứu quốc (ngày 01/08/1941), lời thơ thống thiết, kêu gọi "Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào… Mai sau thực hiện chương trình : Việt Nam nông dã tất canh kỳ điền" (nghĩa là theo chương trình Việt Minh, nông dân ai cũng có ruộng cày)".

"Tháng 01/1953, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ : "Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc". Xác định vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong cách mạng, Người cho rằng chỉ lo "cơm ăn, áo mặc" cho họ thì chưa đủ, mà phải nâng cao dân trí cho họ, như thế họ mới được hưởng trọn vẹn độc lập, tự do. Người xem đói và rét đều là giặc, phải diệt giặc đói, diệt giặc dốt, bởi vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Quan trọng hơn, việc mang lại quyền lợi ruộng đất cho nông dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định là một trong hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Khi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất – kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhắc nhở : Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc sản xuất nông nghiệp làm gốc, làm chính. Tiến lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nền sản xuất nhỏ, 90% dân số là nông dân, thực chất đây là một cuộc cách mạng nông dân, lực lượng nòng cốt là liên minh công – nông, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo : "Nông dân ta đông người nhất, kinh tế nông nghiệp quan trọng nhất ; nông dân ta đã anh hùng trong cách mạng, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất, thì trong cuộc cách mạng biến đổi nông nghiệp từ thấp lên cao này nông dân ta cũng phải là anh hùng"…

Như vậy xem ra "Người cày có ruộng" ở đây là ruộng của Hợp tác xã, của tập đoàn nhà nước, chứ không phải là của riêng tá điền như miền Nam Việt Nam Cộng Hòa.

Ruộng của Hợp tác xã thì sao ? Câu hỏi này có thể tìm câu trả lời qua bài viết "Bác với gạo làng Tám" (2), được ghi nguồn là "Trích Bác Hồ với nông dân Hà Nội. Hội Nông dân – Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội".

Bài trích đó có đoạn thể hiện dạng ghi chép như sau (trích) :

"Khoảng quá trưa, đại diện Mễ Trì đang báo cáo kinh nghiệm thì Bác đến. Bác mặc bộ quần áo ka ki đã bạc màu, đi dép cao su đen, nhanh nhẹn bước vào trong đình. Mọi người ào đứng dậy toan chạy đến gần Bác, thì Bác đã vẫy tay ra hiệu cho ngồi xuống và giữ trật tự. Bằng một giọng ấm áp, Bác nói :

– Chú nào đại diện cho xã ở đây ?

Đồng chí Nguyễn Thanh Lương đừng gần đó vội thưa : – Dạ thưa Bác, cháu ạ !

Bác nắm tay Lương hỏi tiếp :

– Chú làm gì ?

– Thưa Bác cháu là Phó Bí thư Chi bộ, phụ trách Nông hội ạ !

– Chú bao nhiêu tuổi rồi ?

– Thưa Bác, cháu 19 tuổi ạ.

Bác âu yếm cười : Mười chín tuổi, trẻ quá !

Được Bác khen, Lương lúng túng cứ đứng ngây bên Bác, nghe Bác nói chuyện với Hội nghị :

– Thưa các cụ, các đồng chí, thay mặt Đảng và Chính phủ, tôi gửi lời thăm hỏi đến đồng bào nông dân ngoại thành đang cố gắng chống hạn. Hôm nay tôi đến thăm xã Mễ Trì vì được báo cáo đồng bào xã này đã có công chống hạn, vì chi bộ, chi đoàn, nông hội, phụ nữ, các chiến sĩ thi đua, các lão nông đã cố gắng.

Xã Mễ Trì làm được tốt, các xã khác chưa làm được vậy. Vì sao ? Sau khi nói về lực lượng của nông dân ngoại thành đông đảo, có truyền thống chống Pháp, lại có nòng cốt mạnh mẽ, nhưng việc chống hạnh chưa tốt vì còn có tư tưởng sai lệch. Phải chống hạn ngay trong tư tưởng. Đó là vì thiếu quyết tâm, thiếu đoàn kết, thiếu tư tưởng lâu dài. Thấy hạn thì bỏ ruộng đi buôn. Vậy thử hỏi có tiền mà không có gạo thì có ăn được tiền không ? Nếu ai cũng bỏ ruộng đi buôn cả thì dù có ngồi trên đống vàng cũng không có gì ăn… Nhân dân ta phải bám lấy ruộng là chính. Nông nghiệp là chính. Phải thấy xa, đừng chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà quên lợi sau (…).

Bây giờ đổ giọt mồ hôi

Sau này gạo trắng đầy nồi cơm thơm.

Cuối cùng Bác nhắc : Đồng bào hãy giữ tiếng cho ngoại thành của Thủ đô, ngoại thành cũng là Thủ đô, mà thủ là đầu, phải đi đầu, phải kiểu mẫu chống hạn thắng lợi. Bác trao cho xã Mễ Trì 3 chiếc huy hiệu của Bác để tặng cho ai có thành tích xuất sắc nhất trong chống hạn".

(hết trích)

Thay lời kết

Nếu các lời trích dẫn mang tính huấn thị ở trên đúng là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ mới xét riêng đoạn : "Đồng bào hãy giữ tiếng cho ngoại thành của Thủ đô, ngoại thành cũng là Thủ đô, mà thủ là đầu, phải đi đầu", thì qua vụ việc vừa xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức của thành phố đồng thời cũng là thủ đô Hà Nội, cho thấy di ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không được các thế hệ lãnh đạo chính trị về sau tôn trọng thực hiện.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 15/01/2020 

(1)http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=1286&sitepageid=425#sthash.P83irG8m.dpbs

(2)https://dost-dongnai.gov.vn/Pages/kechuyenvebac-noidung.aspx?NewsID=551&TopicID=2&CoLookup=1

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thị Huyền, Lynn Huỳnh
Read 834 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)