Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/01/2020

Chủ quyền Hoàng Sa : không quên và kiên trì đòi lại

Nhiều tác giả

Khi chủ quyền mờ nhạt trong nhân tâm

Hữu Sự, VNTB, 19/01/2020

Chủ quyền bị đe doạ, nhân tâm đang bị chia rẽ. Đó là tất cả những gì có thể cảm nhận được trong năm Canh Tý.

hoangsa1

Huyện Hoàng Sa phát động xây dựng công trình Thư viện Hoàng Sa

Báo Tuổi Trẻ Online đưa tin, 18/1/2020, bên bờ biển Đà Nẵng, chính quyền huyện Hoàng Sa phát động xây dựng công trình Thư viện Hoàng Sa. Buổi lễ diễn ra đúng dịp tưởng niệm 46 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép (19/1/1974 – 19/1/2020) nhằm nhắc nhở mỗi người hôm nay và cả mai sau : Hoàng Sa là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam.

‘Không được quên Hoàng Sa’, cái điều mà rất nhiều người từng bị trấn áp khi nhắc đến vào năm 2007, thời điểm lần đầu tiên sau năm 1975 diễn ra cuộc biểu tình vì chủ quyền quốc gia.

Bị hành hung và bắt giữ, đó là những gì mà người biểu tình hô vang ‘Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam’ phải đối diện.

Thời điểm đó, chỉ những ai bị coi là ‘phản động’ mới dám nhắc đến chân lý ‘Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam’. Một dãy ngữ nhạy cảm, gây ám ảnh chính quyền và bộ máy an ninh quốc gia.

Hơn 10 năm sau, những ngữ từ nhạy cảm dần xuất hiện trong sách báo, nghiên cứu và trong các lần tưởng niệm. 

Báo Tuổi Trẻ Online ngày 18/01 chỉ thẳng ra, rằng ‘tưởng niệm 46 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép’ bởi vì bối cảnh chủ quyền trên biển tiếp tục bị đe dọa và uy hiếp bởi Bắc Kinh. Khi vào những ngày đầu thang 1/2020, đã có ít nhất 4 hải cảnh được phát hiện ở thềm lục địa mở rộng phía nam của Việt Nam.

Nhưng khác với không khí rầm rộ và trào dâng sự căm phẫn hành động ngang ngược của Trung Quốc vào năm 2007, 2011, 2012, 2014. Năm 2019 và đầu những năm 2020 chứng kiến một không khí lạnh nhạt…

Avatar với biểu tượng Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa đã không còn xuất hiện nhiều, thậm chí vào đầu năm 2020 chỉ thấy màu đen của tang thương, đỏ của máu gắn liền với hình ảnh cụ ông Lê Đình Kình (Đồng Tâm) tràn ngập trên Facebook.

Chủ quyền bị đe dọa, nhân tâm đang bị chia rẽ. Đó là tất cả những gì có thể cảm nhận được trong năm Canh Tý.

Năm Canh Tý cũng là năm mà Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, thu lại hết đất Nam Việt cũ, chấm dứt giai đoạn cai trị của triều phương Bắc lên đất Việt kéo dài 246 năm. Nhưng để làm được điều đó, ngoài dòng dõi Trưng Vương, Hai Bà Trưng ‘có tướng dũng lược, căm giận Tô Định chính lệnh hà khắc tàn ngược tụ họp người các bộ, hăng hái dấy đội quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng’. Nếu không có thần dân hưởng ứng, thì sẽ không bao giờ có tên Hai Bà Trưng.

Một quan điểm cốt lõi, xuyên suốt trong tiến trình lịch sử Việt Nam ngoan cường chính là lòng dân phải đoàn kết trong ngoài như một, thì thế đứng quốc gia mới thực sự vững vàng, chủ quyền đất nước mới được gìn giữ trọn vẹn.

Báo Nhân Dân ngày 23/01/2018 cũng trích dẫn quan điểm "thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận thì nước nhà hưng thịnh, việc gì cũng thành công". Vậy, hoàn cảnh, tình thế hiện nay nếu nhìn thẳng vào sẽ là thế gì, vận gì, và thành bại ra sao. Sao chỉ thấy màu tang tóc, máu thịt và sự phẫn nộ.

Nhường câu trả lời lại cho những ai đã gây nên nạn cảnh này !

Hữu Sự

Nguồn : VNTB, 19/01/2020

********************

Nhân ngày 17 tháng giêng, nói về trách nhiệm làm mất Hoàng Sa

Trương Nhân Tuấn, 17/01/2020

Trong hai ngày, từ 17 đến 19 tháng giêng năm 1974, Trung Quốc đem quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

mat1

Bản đồ vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh minh họa

Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam từ thời vua Gia long triều nhà Nguyễn, với những thủ tục phù hợp với tập quán quốc tế thời đó. Các đời vua tiếp theo, như Minh mạng, đã dựng bia, trồng cây trên các đảo hoang khác thuộc HS để mở rộng bờ cõi. Đến thời thuộc Pháp, nhà nước bảo hộ đã tuyên bố trước cộng đồng quốc tế, sáp nhập Hoàng Sa vào Việt Nam, chiếu theo thủ tục đưa một vùng dất của đế quốc Đại Nam vào trách nhiệm bảo hộ của Pháp, chiếu theo các điều ước của hiệp ước 1874.

Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc từ ngày 19 tháng giêng năm 1974. Luật sư Hoàng Duy Hùng ở Houston (TX) cho rằng trách nhiệm việc làm mất Hoàng Sa là thuộc về Việt Nam Cộng Hòa.

Ý kiến của luật sư Hùng có nhiều điều không đúng, về pháp lý cũng như thực tế và đạo đức làm người.

Thứ nhứt, về trách nhiệm. Nguyên tắc về trách nhiệm trong công cuộc "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia thuộc về toàn dân, trong đó chính phủ là pháp nhân đại diện.

Nếu nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có quan niệm Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, thì bất kỳ người dân nào, nam hay bắc, sinh ra vào thời điểm đó, đều có trách nhiệm như nhau trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ Hoàng Sa.

Thứ hai, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa công nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa và hải phận hai quần đảo này của Trung Quốc, thông qua công hàm 14 tháng 9 năm 1958.

Tuyên bố công nhận chủ quyền này có giá trị pháp lý ràng buộc hay không, ta phải qui chiếu qua tập quán và công pháp quốc tế (về hiệu lực ràng buộc của các tuyên bố đơn phương).

Nếu công hàm 1958 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có giá trị pháp lý ràng buộc. Thì hành vi chiếm HS của Trung Quốc là một hành vi "giải phóng một vùng lãnh thổ của Trung Quốc bị Việt Nam Cộng Hòa xâm chiếm bất hợp pháp".

Trong trường hợp này trách nhiệm "mất" Hoàng Sa thuộc về Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đơn giản vì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã "nhìn nhận" lãnh thổ đó thuộc Trung Quốc.

Thứ ba, nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa hải quân ra nghênh chiến, chống lại quân xâm lược Trung Quốc.

Quân Việt Nam Cộng Hòa quân yếu thế cô. Hải quân tàu bè không đủ xăng dầu và đạn dược. Không quân cũng gặp khó khăn cùng một lý do.

Trong khi áp lực của quân miền Bắc đè nặng trên các mặt trận ở các tỉnh thành. Không quân Việt Nam Cộng Hòa không thể ra Hoàng Sa can thiệp vì xăng dầu phải tiết kiệm. Tình hình là quân Việt Nam Cộng Hòa đề phòng quân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đánh úp.

Tức là, trận Hoàng Sa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đứng chung một chiến tuyến với Trung Quốc. Nhờ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa làm áp lực trên khắp các mặt trận đất liền, Việt Nam Cộng Hòa cô đơn tứ bề thọ địch, bó tay phải bỏ Hoàng Sa.

Trường hợp này, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một bên hỗ trợ cho Trung Quốc. Mất Hoàng Sa là trách nhiệm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nếu thực thể chính trị này tuyên bố họ là người Việt.

Thứ tư, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng "hiến tặng" Trung Quốc một món quà pháp lý có giá trị lớn lao : "giữ thái độ im lặng trước sự xâm lược của Trung Quốc".

Theo công pháp quốc tế, sự im lặng của một quốc gia trước một vấn đề bắt buộc quốc gia đó phải lên tiếng, được hiểu như là sự "đồng thuận".

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã im lặng trước hành vi xâm lược Hoàng Sa của Trung Quốc.

Hoàng Sa thế hệ tương lai Việt Nam nếu không lấy lại được, bằng phương tiện pháp lý, là trách nhiệm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay có trách nhiệm liên đới làm mất Hoàng Sa. vì nhà nước này là nhà nước tiếp nối Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Luật sư Hoàng Duy Hùng, với tư cách là một người biết luật, tức người biết đúng sai, biết phải quấy, đã đổ trách nhiệm làm mất Hoàng Sa cho một thực thể đã không còn hiện hữu. Việt Nam Cộng Hòa đã "chêt", không thể lên tiếng để tự biện hộ. Đây là một hành vi vô đạo đức của một người hành nghề luật sư, một thái độ hèn mạt không đáng giá một xu của một kẻ "hàng thần lơ láo". Sự nghiệp chính trị của LS Hoàng Duy Hùng xem như phá sản.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 17/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn, Hữu Sự
Read 666 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)