Đồng Tâm, Phạm Chí Dũng liệu có ‘gây khó’ cho EVFTA ?
Khánh An, VOA, 19/01/2020
Ngay trước thềm phiên họp mang tính quyết định về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) diễn ra vào ngày 21/1, có thể thấy rõ nỗ lực dàn xếp nhằm "trấn an" các nghị viên Châu Âu của giới hữu trách Việt Nam trước những làn sóng chống lại việc thông qua hiệp định này vì những lo ngại về nhân quyền, quyền của người lao động tại Việt Nam.
EVFTA được xem là hiệp định "tham vọng nhất" giữa Châu Âu và Việt Nam.
Việt Nam khẳng định "bảo vệ nhân quyền"
"Tôi khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam và các Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong lá thứ gửi cho Chủ tịch Bernd Lange của Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu (EP) ngày 6/1 mà VOA đọc được.
Một tuần sau, ngày 13/1, Đại sứ Việt Nam tại Brussels – ông Vũ Anh Quang – lại có thư gửi ông Bernd Lange, tiếp tục khẳng định về chính sách "bảo vệ và cổ xúy cho tất cả các quyền tự do căn bản và nhân quyền" tại Việt Nam, đồng thời giải trình trường hợp bắt giữ nhà báo độc lập-blogger Phạm Chí Dũng.
Theo giải trình này, nhà báo Phạm Chí Dũng bị "tạm giữ" vì đã "thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam mà không đăng ký theo luật pháp Việt Nam, sử dụng mạng xã hội để viết, xuyên tạc và truyền bá tin giả về các chính sách và luật pháp Việt Nam nhằm kích động và gây rối an ninh công cộng, gây hoang mang và lo lắng trong nhân dân và sự ổn định xã hội".
Trước khi bị bắt vào ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập được biết tiếng với những bài phân tích, bình luận về tình hình thời sự Việt Nam. Ông cũng là một blogger của VOA và nhiều cơ quan truyền thông khác trong nhiều năm qua.
Trong lá thư mà VOA đọc được, Đại sứ Vũ Anh Quang, sau khi giải trình về trường hợp bắt ông Phạm Chí Dũng, tiếp tục dẫn chứng về "quyền tự do ngôn luận và báo chí" của Việt Nam trên giấy tờ, tức các quy định trong Hiến pháp và các bộ Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Tiếp cận Thông tin…, và trên thực tế thông qua thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), nói rằng "Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất về báo chí, thông tin truyền thông, mạng xã hội và cơ sở hạ tầng Internet".
Tiếp tục minh chứng cho luận điểm này, ông Quang đưa ra số liệu của năm 2019, cho biết Việt Nam hiện có "857 cơ quan báo chí, 1.510 trang báo điện tử và 18.000 nhà báo, hơn 64 triệu người dùng internet và 75 triệu tài khoản Facebook" và sự hiện diện của đại diện các hãng thông tấn lớn nhất trên thế giới như Reuters, AP, AFP, Kyodo…
Thả tù nhân chính trị
Một nguồn tin liên lạc trực tiếp với một số nghị viên Châu Âu cho VOA biết nhóm đàm phán EP vừa có cuộc họp cuối cùng về EVFTA và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Châu Âu và Việt Nam) trước khi diễn ra phiên họp mang tính quyết định trong vài ngày tới (21/1). Mục tiêu của cuộc họp là để thảo luận những lá thư trao đổi giữa Ủy ban của EP với giới hữu trách Việt Nam vừa qua.
Cùng thời điểm, truyền thông Việt Nam cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng có chuyến "thăm và làm việc" tại EP từ ngày 13-16/1. Theo đó, quan chức này đã gặp những nhân vật quan trọng của EP, Chủ tịch Bernd Lange của INTA và 12 nghị sĩ thuộc các đảng chính trị chủ chốt trong EP.
Tại cuộc họp, ông Sơn tiếp tục nhấn mạnh đến "ý nghĩa và tầm quan trọng của hai Hiệp định EVFTA-EVIPA trong thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế - thương mại giữa Việt Nam – EU" và hứa sẽ "thực thi đầy đủ" các cam kết của các hiệp định, theo tường thuật của VTV.
Trong khi đó, nguồn tin của VOA bổ sung thêm rằng tại cuộc họp, việc thả một số tù nhân chính trị cũng đã được công bố nhưng không có danh sách cụ thể của các tù nhân.
Xem xét sửa đổi Luật Hình sự
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe tin rằng đại diện của Việt Nam tuyên bố Bộ luật hình sự sẽ được xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi không có chi tiết, cũng như các cam kết bằng văn bản", nguồn tin trên cho VOA biết.
Bộ Luật Hình sự vốn là một trong những "rào cản" trong nỗ lực vận động thông qua EVFTA từ phía Việt Nam.
Hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế trong thời gian qua liên tục gửi kiến nghị, kêu gọi EP hoãn thông qua hai hiệp định với Việt Nam, cáo buộc "Nhà nước Việt Nam dùng bộ luật hình sự khắc nghiệt để hình sự hóa việc chỉ trích chính quyền", một kiến nghị hồi tháng 11 vừa qua nêu rõ.
Các tổ chức quốc tế cho rằng hai hiệp định giữa EU và Việt Nam hoàn toàn "không đưa ra cam kết cụ thể nào về nhân quyền từ phía Việt Nam ngoài những điều sơ sài trong chương trình phát triển bền vững của EVFTA" và cũng "không đưa ra thời khóa biểu ràng buộc hay hình phạt nào nếu không tuân thủ" các cam kết.
Các tổ chức này kêu gọi EP phải đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi bộ Luật Hình sự và thể hiện thiện chí cải thiện nhân quyền bằng cách thả hết các tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Việt Nam, chấm dứt sách nhiễu những người bất đồng chính kiến hay thực thi quyền tự do tôn giáo, công nhận các nghiệp đoàn lao động độc lập, thông báo công khai thời gian điều chỉnh Luật An ninh mạng theo tiêu chuẩn quốc tế và một số yêu cầu khác.
Từ "bàn tay bẩn" đến nỗ lực "xoa dịu"
Về phía Việt Nam, ngoài nỗ lực vận động trực tiếp, trên "mặt trận" truyền thông cũng liên tục xuất hiện những bài viết song song với mỗi động thái trong nước và quốc tế có thể gây bất lợi cho việc thông qua EVFTA/EVIPA.
Đơn cử, ngay sau khi 48 tổ chức quốc tế và trong nước gửi kiến nghị lên các lãnh đạo EP hồi cuối tháng Chín kêu gọi hoãn thông qua hai hiệp định, báo Công an có ngay bài viết gọi các tổ chức này là "bàn tay bẩn" đang nỗ lực "chống phá, cản trở EVFTA" qua việc "đổi trắng thay đen", "xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam", trong khi trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam có bài viết nói rằng Việt Nam đang "từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế để phù hợp với cam kết về lao động" theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mặt khác, theo nguồn tin cung cấp cho VOA, ngoài việc giải trình và "chịu trách nhiệm hoàn toàn" về vụ bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam còn cung cấp cho EP một danh sách 22 văn kiện cho thấy việc cải cách Bộ Luật Lao động sẽ được thông qua vào tháng 10 năm nay.
Các nghị viên Châu Âu và thành viên của Ủy ban Nhân quyền của EP (DROI) cũng sẽ được mời tham gia vào Đối thoại Nhân quyền nhằm giải tỏa những lo ngại của họ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, nguồn tin của VOA cho biết.
Những động thái "xoa dịu" trên từ phía Việt Nam có vẻ như cũng làm cho các lãnh đạo Châu Âu "nhẹ nhõm" phần nào, theo nhận định của nguồn tin VOA, mặc dù trên thực tế, sự kiện xảy ra ở Đồng Tâm gần đây đang chứng tỏ "tính thiếu khả tín của Việt Nam".
Đồng Tâm có "gây khó" cho EVFTA ?
Theo lịch trình, phiên họp tại INTA để bỏ phiếu cho các khuyến nghị về EVFTA sẽ diễn ra vào 10 giờ sáng 21/1. Sau đó, nếu các khuyến nghị này tiếp tục được thông qua trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu vào tháng Hai, thì EVFTA sẽ chính thức đi vào hiệu lực một tháng sau đó.
Kể từ khi diễn ra vụ bố ráp tại Đồng Tâm khiến cho ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – "thủ lĩnh tinh thần" của dân làng – thiệt mạng cùng với 3 công an hôm 9/1, nhiều tổ chức xã hội và một số nghị viên Châu Âu kêu gọi EP nên xem xét lại việc thông qua hiệp định này.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A – người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam – liên tục cảnh báo về hậu quả của vụ này lên "số phận" của hiệp định mà Hà Nội đã ra sức vận động gần chục năm qua.
"Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm), Phúc (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), Trọng (Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng), nếu EU hoãn hay không thông qua EVFTA thì đó là CHIẾN CÔNG VANG DỘI CỦA CÁC VỊ !", Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết trên trang Facebook cá nhân hôm 15/1.
Hiện trên mạng xã hội cũng xuất hiện kêu gọi biểu tình trước Nghị viện Châu Âu tại Bỉ vào ngày 21/1, đúng lúc diễn ra phiên họp mang tính chất quyết định tại INTA, để chống lại việc thông qua hiệp định này.
EVFTA được xem là hiệp định "tham vọng nhất" giữa Châu Âu và Việt Nam. Nếu các thủ tục hoàn tất và chính thức có hiệu lực, hiệp định ước tính sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Trong khi đó, GDP của EU sẽ hưởng lợi thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.
Khánh An
Nguồn : VOA, 19/01/2020
*******************
Đồng Tâm là một thảm họa cho đảng cộng sản Việt Nam
Nguyễn Văn Vui, VNTB, 18/01/2020
Đồng Tâm là một thảm họa. Trước tiên là cho gia đình cụ Lê Đình Kình và những người nông dân dũng cảm khác ở Đồng Tâm : gia đình tang tóc, thương vong, tù tội oan ức, chỉ hai tuần trước ngày Tết linh thiêng. Cửa nhà thì tan hoang, ruộng đồng mất trắng và tương lai của họ và con cháu họ dưới chế độ này là vô cùng đen tối.
Đại diện ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu , bà Catherine Ashton (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12/08/2014.Reuters/Kham
Nhưng nhìn rộng ra thì Đồng Tâm là một thảm họa lớn, vô cùng nhức nhối, có khả năng gây hệ quả nghiêm trọng lâu dài cho nhóm cầm quyền cộng sản tại Việt Nam. Trong suốt cả quá trình từ lúc tính toán lập mưu, rồi lên (đại) kế hoạch, thực hiện cuộc trấn áp, sau đó đến khâu xử lý khủng hoảng, chống trả làn sóng phản biện phẫn nộ ào ạt của nhân dân trong và ngoài nước… nhóm cầm quyền cộng sản đã giẫm đạp từ bãi phân bò này qua bãi phân bò khác mà không chừa một bãi nào. Nói một cách khác, trong vụ Đồng Tâm chúng đã phạm tất cả các lỗi có thể phạm được, những lỗi vô cùng thô thiển và ấu trĩ, làm cho mọi người không ai tin nổi vào mắt mình.
Thứ nhất, quyết định đem cả 3.000 ngàn quân tinh nhuệ, trang bị vũ khí hiện đại, về tấn công một làng quê nằm sát nách Hà Nội, lúc 3-4 giờ sáng để giết một cụ già (đã từng bị công an đánh gãy xương đùi trong một cuộc đàn áp khác trước đây 2 năm), chỉ hai tuần trước ngày Tết cổ truyền, và nhất là chỉ 12 ngày trước khi Ủy ban INTA (Committee on International Trade) họp tại Bruxelles, quyết định này là một lỗi hệ thống.
Ngoài việc đánh giá nhẹ yếu tố vô cùng thất nhân tâm của những hành động côn đồ giết chóc trong lúc toàn dân đang sửa soạn đón Tết, nhóm cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng đã phơi bày tất cả sự đần độn khó tưởng tượng của chúng trước những hậu quả về mặt ngoại giao quốc tế – một mặt trận mà trong thời "chống Mỹ cứu nước" chúng đã từng vênh váo biết chừng nào, ai còn nhớ không !?
Những kẻ ra quyết định đánh úp dân Đồng Tâm ngày 9/1. đã quên đi (hoặc quá ngu xuẩn nên chẳng hề biết) rằng Ủy ban INTA sẽ họp ngày 20/01. tại Bruxelles. INTA là Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến việc thiết lập, thực thi và giám sát chính sách thương mại chung của EU và các mối quan hệ kinh tế đối ngoại. Vào thời điểm nói trên, INTA sẽ họp để bỏ phiếu về khuyến nghị cho buổi họp khoán đại tháng 2 sắp tới của Nghị viện Châu Âu, có nên thông qua hoặc từ chối Hiệp định thương mại EVFTA hay không.
EVFTA là hiệp định thương mại lớn giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam, mà biết bao quan chức Hà Nội đã trầy da tróc vẩy đàm phán suốt 9 năm qua mới xong. Khác với các hiệp định thương mại thông thường, hiệp định EVFTA là một hiệp định thương mại "sâu sắc", vì nó không chỉ đòi hỏi những cải tổ về mậu dịch hàng hoá, mà còn bao gồm cải tổ ở các lãnh vực khác, đặc biệt là bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền lao động và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh cuộc đàn áp thô bạo và thô bỉ tại Đồng Tâm vừa rồi, người ta khó có thể tưởng tượng được là INTA sẽ bỏ phiếu thuận cho EVFTA !
Thứ hai, việc nhà cầm quyền đã ra 3 phiên bản chính thức khác nhau chỉ trong vòng 5 ngày để thông tin về vụ đàn áp đẫm máu Đồng Tâm, đó là một thảm họa lớn về quan hệ công chúng (mà nhiều người quen tiếng Anh hoặc tiếng Đức gọi là PR disaster hay PR-Katastrophe) : Sáng sớm ngày 9/1. khi mà các vết cháy và vết máu trên làng Hoành ở Đồng Tâm vẫn chưa lạnh, thì trang nhà của Bộ Công an đã chỉnh chệ có ngay một bản thông báo (làm khung chỉ đạo cho báo chí lề phải và đám dư luận viên), cho rằng vừa có một số "đối tượng chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn khiến ba cán bộ chiến sĩ công an hy sinh…".
Nghĩa là dân làng ra tận sân bay (cách làng 3 km), lúc 3 giờ sáng, để gây sự với lực lượng xây dựng hàng rào, cũng đang làm việc lúc… 3 giờ sáng (?) Liền tức thì, nội dung láo lếu này được sư đoàn 10.000 dư luận viên cộng sản bù lu bù loa trên mạng , nhưng đã gặp phải phản pháo rát mặt từ người dân khắp nơi.
Thấy không ổn, Bộ Công an giao cho Tô Ân Xô, Thiếu tướng, Chánh Văn phòng, kiêm Phát ngôn viên Bộ ra tuyên bố rằng : Chuyện không xảy ra ở công trường xây dựng sân bay Miếu Môn, công an trấn áp làng Hoành vì ‘tổ công tác đi vào làng‘ thì bị tấn công bằng ‘lựu đạn, bom xăng, dao phóng‘, khiến ‘ba cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh‘. Tuyên bố mới này như một cây gậy to thọc vào cổ họng của đám dư luận viên phe nhà, làm chúng cứ ấp a ấp úng rất tội nghiệp. Phản pháo từ nhân dân vẫn tiếp tục rát mặt.
Thấy cũng chưa ổn, Bộ Công an lại cử Lương Tam Quang, Trung tướng, một trong nửa tá Thứ trưởng công an, mới được thăng quan hồi tháng 8 năm ngoái, ra tuyên bố : Không có "tổ công tác" nào đi vào làng Hoành mà ngược lại, làng Hoành bị các "tổ công tác" bao vây bởi rất nhiều "chốt". Cuộc tấn công vào làng Hoành xảy ra vì "chốt 16" bị "ném lựu đạn", khiến "lực lượng chức năng phải tiến hành các biện pháp cần thiết".
Ngoài ra, "ba cán bộ, chiến sĩ công an" không phải thiệt mạng do hầm chông, "lựu đạn, bom xăng, dao phóng", mà cả ba bị chết do cùng té xuống "hố kỹ thuật" sâu bốn mét. À ha ! Thì ra cả 3 sĩ quan công an (1 thượng tá, 1 trung úy và 1 thiếu úy) đã tử vong không do tác động của các phần tử ngoan cố phản loạn, mà do tự… trượt chân (!)
Tới đây thì màn PR đã coi như thất bại thê thảm vì nó đã chẳng đáng tin cậy (vì quá lươn lẹo và láo khoét), chẳng tránh được các rắc rối (nó gợi ra thêm nhiều thắc mắc hơn nữa do cách lý giải phi lý) và nó cũng chẳng xây dựng được một hình ảnh tốt đẹp nào cho cái nhà nước đang muốn được quảng cáo (trái lại là đằng khác).
Không những thất bại, màn PR của nhà nước cộng sản Việt Nam đã bước thêm một bước để trở thành một màn hài lố bịch khi Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Chủ tịch nước nhanh chóng truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 viên công an thiệt mạng và khi Đảng ủy công an trung ương tổ chức "lễ phát động học tập gương hy sinh của các chiến sĩ… làm tấm gương cho toàn lực lượng công an trong công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Các phẩm bình châm biếm nhức nhối sau đó trên mạng xã hội là hậu quả không thể tránh và không thể trách được : "Tổ chức học tập nhưng để sót… anh hùng" (Trân Văn), "hèn với giặc, ác với dân", "Giá như chính quyền cũng hiền như trên biển !" (Nguyễn Hùng), "được huy chương vì đánh dân thay vì đánh giặc"…
Thông tin tuyên truyền mà gian dối và lố bịch thì thế nào cũng bị ép-phê ngược.
Thứ ba, vụ Đồng Tâm là một thảm họa cho cho người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Năm nay 76 tuổi và vừa bị đột quỵ năm ngoái, Nguyễn Phú Trọng đang từ từ chuẩn bị khăn gói lên làm thái thượng hoàng. Nhìn lại nhiệm kỳ Tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng từ năm 2016 (trong đó có gần 2 năm kiêm chức chủ tịch nước), phe nịnh thần chắc chắn sẽ ngợi ca tít trời xanh các thành tích của người đốt lò vĩ đại này, với kết quả sáng giá là "mây đen đã phủ lên kinh tế toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam".
Về chuyện lò củi của Nguyễn Phú Trọng, tuy đã đốt được mấy đám rơm rạ như Đinh La Thăng, Vũ Nhôm (Phan Văn Anh Vũ), Út Trọc (Đinh Ngọc Hệ)… nhưng cái thân cây to tổ bố là "đồng chí X" (Nguyễn Tấn Dũng) cùng bộ sậu, đã từng làm mưa làm gió trong suốt quãng thời gian 10 năm ngồi trên ghế Thủ tướng, thì người đốt lò Nguyễn Phú Trọng vẫn chạy vòng vòng khiêng không nổi vô lò.
Riêng về chuyện "mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam" thì công ty tài chính quốc tế Bloomberg cho hay rằng, kinh tế Việt Nam thực ra chỉ "trông tốt trên báo cáo" mà thôi. Nhiều chuyên gia kinh tế độc lập phân tích cho thấy rằng, nguồn thu chính vẫn là kinh doanh bất động sản, nhưng nay đất đai ngày càng trở nên khan hiếm. Các ngân hàng Việt Nam thì đang đối diện với nợ xấu. Gần một nửa các ngân hàng địa phương không thể đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu 8%. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân bị cản đường bởi các nhóm lợi ích gắn liền với các quan chức, còn nhân lực trẻ của Việt Nam thì không được đào tạo bài bản để có tay nghề cao.
Nhìn tổng thể thì nhiệm kỳ Tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng sẽ được người dân nhớ đến sau này qua 3 mốc chính :
Thứ nhất là vụ Formosa tàn phá môi trường hàng loạt các tỉnh duyên hải miền Trung năm 2016 (mà trong thời cao điểm gây ô nhiễm của nhà máy này thì Nguyễn Phú Trọng dẫn đoàn tùy tùng tới tham quan, tay bắt mặt mừng với đám tham quan địa phương chung quanh Võ Kim Cự và ban giám đốc nhà máy).
Thứ hai là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ thủ đô Berlin, Cộng hòa liên bang Đức năm 2017, đưa đến một cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao Đức-Việt Nam. Quốc gia lớn nhất trong Liên Hiệp Châu Âu này đã "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam và trục xuất nhiều nhân viên ngoại giao cộng sản Việt Nam.
Và thứ ba là vụ đem đại binh ngày 9/1/ vừa qua về đánh lén dân Đồng Tâm lúc rạng sáng và giết chết lãnh tụ nông dân của họ – một cụ già 84 tuổi, ngồi xe lăn.
Nếu chính Nguyễn Phú Trọng là kẻ chu mưu, ra lệnh đánh Đồng Tâm thì đó đã là một thảm họa cho người có quyền lực nhất Việt Nam hiện nay rồi.
Nhưng nếu kẻ chủ mưu vụ đàn áp dân Đồng Tâm không phải là Nguyễn Phú Trọng, mà là một trong những tay em năng nổ dưới trướng của Trọng, như Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm, Nguyễn Đức Chung hay thậm chí là Đoàn Duy Khương (Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội), thì vụ Đồng Tâm sẽ còn là một thảm họa lớn hơn nữa cho người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam : Nếu kịch bản này là đúng, thì Nguyễn Phú Trọng đang đối đầu với tình trạng "trên bảo dưới không nghe", thậm chí là "không ai bảo ai nghe được cả".
Lật qua lật lại, nhìn theo cách nào đi nữa, thì vụ Đồng Tâm vẫn là một thảm họa cho đảng cầm quyền cộng sản tại Việt Nam.
Nguyễn Văn Vui
Nguồn : VNTB, 18/01/2020
Ghi chú :
**********************
Vụ Đồng Tâm : Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bị Châu Âu "tra hỏi"
Hoàng Trung, thoibao.de, 17/01/2020
Vụ Công an Việt nam với người đứng đầu là Bộ Trưởng Tô Lâm, đưa quân tấn công người dân Đồng Tâm sáng sớm ngày 9/1/2020 đang gây ra chấn động không chỉ trong nước mà đã lan ra trên phạm vi quốc tế. Thế giới văn minh không thể chấp nhận khi nhà cầm quyền Việt nam sử dụng súng đạn để trấn áp, bắn chết người dân khi họ đang ngủ.
Điều mong manh là hiện nay nghị viện Châu Âu chỉ còn 1 phiên họp cuối cùng trước khi bầu cử lại, nhưng xảy ra vụ Đồng Tâm thì rất là nghiêm trọng và các nghị sĩ tại đây đang được cung cấp thông tin chi tiết về việc Công an Việt nam bắn giết người dân vô tội vạ trong đêm tối.
Phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu mới cho biết rằng tổ chức này "quan ngại" về hành động "dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng" ở Đồng Tâm, đồng thời tiết lộ đã "đề nghị" gặp quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam.
Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng ngày 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, "đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Antonio Tajani
Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân", bà Battu-Henriksson nói thêm.
Vụ việc này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam sắp tới. Liên Hiệp Châu Âu kỳ vọng chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào".
Nữ phát ngôn viên không cho biết phản ứng của ông Dũng sau khi EU, một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bày tỏ lo ngại về vụ việc gây chết chóc, mà nhiều nguồn tin nói là xảy ra vào lúc sáng sớm với lực lượng an ninh hùng hậu, khiến ít nhất 4 người tử vong.
Bà Battu-Henriksson cho hay thêm rằng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam đã "đề nghị" có "cuộc gặp cụ thể với Thứ trưởng Bộ Công an", đồng thời sẽ "tiếp tục theo dõi tình hình".
Cuối năm ngoái, nhân ngày Nhân quyền Thế giới, Trưởng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu ở Hà Nội đã ra thông cáo, trong đó tuyên bố rằng "EU cam kết mạnh mẽ với việc bảo vệ các nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam và trên toàn thế giới".
"EU và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các vấn đề chính trị và an ninh, những thách thức toàn cầu, thương mại và phát triển", thông cáo đăng ngày 11/12/2019 có đoạn. "Tôn trọng quyền con người là một phần cơ bản trong các mối quan hệ của EU với các nước đối tác và các thể chế quốc tế".
Chính quyền Hà Nội từng cho biết rằng EU là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Giữa năm ngoái, sau nhiều năm đàm phán, quốc gia nằm ở Đông Nam Á và Liên Hiệp Châu Âu đã ký Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư mà hai phía nói rằng "sẽ đặt một cột mốc trong quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên". Hiện xuất hiện một lời kêu gọi biểu tình trước Nghị viện Châu Âu ở Bỉ ngày 21/1, đúng ngày Ủy ban Thương mại Quốc tế của cơ quan lập pháp này được cho là "nhóm họp để quyết định xem có phê chuẩn các điều khoản của EVFTA hay không".
Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ có vòng bỏ phiếu then chốt đối với EVFTA vào tuần tới. Ngày 11/1 từ Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng nói :
"FTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA hiện là tâm điểm trong quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam thời gian hiện nay, phục vụ lợi ích thiết thực của cả hai bên, chính vì vậy đều được cả hai bên nỗ lực để cùng đến đích".
Ông Hùng nhận định từ Đức, nước chủ chốt của EU : "Nghị viện Châu Âu đang xem xét và liệu việc phê chuẩn hai Hiệp định có kịp diễn ra vào đầu năm 2019 hay không".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A từng được cho xuất ngoại ngắn để dự phiên điều trần tại Nghị viện Châu Âu hồi/10/2018 liên quan việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA nói :
"Chỉ có điều chưa rõ khi nào họ ký và cá nhân tôi cho rằng sau khi ký, việc phê chuẩn ít có khả năng xảy ra trước tháng 5/2019 – thời điểm Quốc hội Châu Âu bầu ra một nghị viện mới. Thủ tục phê chuẩn của Quốc hội Châu Âu có thể sẽ phải kéo ra thêm một đến hai năm nữa".
"Một lý do duy nhất là vì Quốc hội Châu Âu chỉ còn một phiên họp nữa thôi trước khi bầu một nghị viện mới, mà trong một thời gian ngắn thế họ không thể làm xong thủ tục phê chuẩn EVFTA".
"Chúng ta chưa biết chính kiến của Quốc hội Châu Âu mới sẽ như thế nào ? Một Quốc hội Châu Âu mới sẽ còn rất nhiều việc phải làm, việc thông qua EVFTA trong năm 2019 không phải là ưu tiên của họ".
Trước khi xảy ra vụ Đồng Tâm Hiện hai bên EU và Việt Nam đã có những tiếp xúc cao cấp.
Hôm 7/1, hai hôm trước khi xảy ra vụ Đồng Tâm thì bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) đã có mặt tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam và được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón tiếp.
Báo Việt Nam trích lời bà Kim Ngân bày tỏ mong muốn Nghị viện Châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng "khẳng định Việt Nam luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách kinh tế và doanh nghiệp Châu Âu để Hiệp định được triển khai một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên".
Hôm 08/1, bà Heidi Hautala có cuộc gặp với thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Nhắc lại trước khi xảy ra vụ Đồng Tâm, thì Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi Hội đồng Châu Âu hoãn phê duyệt EVFTA "cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền", HRW cho hay hôm 10/1.
Vào tháng 9/2018, 32 thành viên của Nghị viện Châu Âu đã ký một bức thư ngỏ bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam liên tục đàn áp về nhân quyền và kêu gọi nước này cải thiện tình hình trước bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào về thỏa thuận EVFTA.
"Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cần gửi một thông điệp rõ ràng rằng EVFTA không thể được thông qua cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết các vấn đề nhân quyền", ông Keith Sifton được trích lời trong thông cáo của HRW.
Sự kiện Bộ Công an được chỉ đạo, tấn công tàn sát dã man một cụ già lão thành cách mạng trên 84 tuổi đời với gần 60 năm tuổi Đảng tại Đồng Tâm đang reo rắc lòng căm thù chế độ lên hàng triệu người dân Việt trong và ngoài nước cũng như quốc tế.
Và ngay sau khi bắn chết được Đảng viên lão thành Lê Đình Kình, thì ông Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã rất vui mừng, ngay lập tức khen tặng huân chương chiến công hạng nhất cho 3 Công an bị chết vì đàn áp người dân Đồng Tâm – điều này là bằng chứng rõ nhất về các thủ đoạn thấp hèn, tàn ác của Đảng cộng sản Việt nam, họ sẵn sàng ra tay sát hại nhân dân, kể cả những người đồng chí trung kiên nhất.
Hoàng Trung (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 17/01/2020
***********************
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Nghị viện Châu Âu, thúc đẩy việc thông qua EVFTA
RFA, 17/01/2020
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vừa có chuyến thăm và làm việc tại Nghị viện Châu Âu từ ngày 13 đến 16/1 để thúc giục Nghị viện Châu Âu sớm thông qua Hiệp định Tự do Thương mại Châu Âu Việt Nam (EVFTA).
Hình minh họa. Đại diện Thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom (trái), Bộ trưởng Môi trường kinh doanh và doanh nghiệp Rumani Stefan Radu Oprea (giữa và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (phải) ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019 AFP
Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong chuyến thăm này, ông Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Heidi Hautala và Dimitrios Papadimoulis, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) Bernd Lange, và 12 nghị sĩ thuộc các đảng chính trị lớn tham gia Nghị viện Châu Âu bao gồm đảng Nhân dân Châu Âu, đảng Dân chủ Xã hội, Châu Âu Đổi mới, đảng Xanh, đảng Cải cách và Bảo thủ Châu Âu.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết, tại cuộc gặp, ông Sơn khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các lãnh đạo ở Nghị viện và các cơ quan của EU để thực hiện các cam kết được đưa ra trong EVFTA, đảm bảo sớm thông qua hiệp định.
EVFTA được hai bên ký kết tại Hà Nội vào tháng 6 năm ngoái.
Chuyến thăm của ông Bùi Thanh Sơn đến Nghị viện Châu Âu diễn ra vào khi Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu đang chuẩn bị bỏ phiếu cho các khuyến nghị do báo cáo viên về EVFTA với Việt Nam đưa ra trước đó. Việc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 21/1 tới.
Theo dự kiến, vào tháng 2 năm nay, sẽ có cuộc bỏ phiếu về các khuyến nghị và chấp thuận tại phiên họp của Nghị viện.
Nếu được Nghị viện Châu Âu chấp thuận, Hiệp định Thương mại (FTA) sẽ đi vào hiệu lực một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau quá trình thủ tục về pháp lý đã kết thúc. Hiệp định Bảo hộ đầu tư - IPA (một phần trong EVFTA) hiện vẫn còn cần phải được tất cả các quốc gia thuộc EU thông qua. Quá trình này có thể kéo dài đến 3 năm.