Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/01/2020

"Đẩy lùi ranh giới"- Sự trỗi dậy của việc xuất bản sách cấm tại Việt Nam

Adam Bemma

Nhà xuất bản Tự do xuất bản và phát hành những cuốn sách mà Chính phủ Việt Nam không muốn công dân của mình đọc.

phathanh1

Nhà xuất bản Tự do vừa xuất bản hai cuốn sách mới nhất của tác giả bất đồng chính kiến Phạm Đoàn Trang : Chính trị bình dân và Phản kháng phi bạo lực. [Adam Bemma / Al Jazeera]

Bên trong một căn phòng chật chội ở một địa điểm bí mật và tạm thời ở miền Bắc Việt Nam, một máy in quay tít, phun ra những tờ giấy in kín chữ.

Từng cọc sách gọn gàng được xếp chồng lên nhau trên những chiếc bàn gần đó và một người đàn ông đeo mặt nạ phòng độc đặt xếp giấy vào một chiếc máy cắt và đóng bìa.

"Sự ẩm ướt trong căn phòng đã khiến nhiều trang giấy bị nhàu. Đây không phải là điều tốt", tổng biên tập của Nhà Xuất bản Tự do, nói khi ông mở một cuốn sách mới in.

Ở Việt Nam, cũng như ở Liên Xô cũ, những ấn phẩm như vậy được gọi là Samizdat – in và phát hành sách cấm – và bị chính phủ cấm vì bị coi là "hoạt động chống nhà nước". Theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, bất kỳ ai liên quan đến in và phát hành sách cấm đều có nguy cơ bị phạt tù 20 năm. Biên tập viên của Nhà xuất bản Tự do không muốn chia sẻ tên của họ.

Nhà xuất bản này được thành lập vào tháng 2 năm ngoái tại thành phố Hồ Chí Minh bởi một nhóm người bất đồng chính kiến như là một thách thức trực tiếp đối với sự kiểm soát của chính phủ trong ngành công nghiệp này và đưa tác phẩm không hư cấu của các nhà văn bất đồng chính kiến tới độc giả trong nước.

"Mọi nhà in ở Việt Nam đều bị chính phủ kiểm soát. Chúng tôi phải mua máy in riêng để làm điều đó", theo Trần Hà, thành viên sáng lập của Nhà Xuất bản Tự do, người yêu cầu chúng tôi sử dụng nickname để bảo vệ danh tính của họ.

Ngay sau khi nội dung được thiết lập, Hà phải chuyển nó từ thành phố lớn nhất Việt Nam đến một địa điểm không được tiết lộ do nỗ lực từ công an muốn đóng cửa nhà in và bắt giữ họ.

"Chúng tôi không thể ở bất cứ đâu trong một thời gian dài hoặc công việc của chúng tôi có thể bị tiết lộ. Nếu chúng tôi bị phát hiện ra thì cả cộng đồng cũng sẽ gặp rủi ro", Hà nói thêm.

"Nguy hiểm và mất mát"

Chính phủ từ lâu đã kiểm duyệt và kiểm soát các ngành công nghiệp truyền thông và xuất bản và áp đặt các hạn chế chặt chẽ đối với họ.

Luật Xuất bản nghiêm cấm "tuyên truyền chống lại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", "truyền bá tư tưởng phản động" và "tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, quân đội, quốc phòng, kinh tế, hoặc quan hệ đối ngoại".

phathanh2

Một cuốn sách do Nhà xuất bản Tự do Việt Nam phát hành có độc giả chủ yếu đến từ các vùng xa xôi và nghèo khó của đất nước [Adam Bemma / Al Jazeera]

Nhà xuất bản Tự do đã xuất bản 11 cuốn sách của tám tác giả trong năm qua về các chủ đề nhạy cảm về chính trị bao gồm vai trò của Trung Quốc tại Việt Nam và luật pháp gây tranh cãi về các Khu kinh tế đặc biệt. Nó cũng đã phát hành một cuốn sổ tay pháp lý cho các nhà hoạt động bị bỏ tù.

Đây là nơi in và phát hành sách cấm đầu tiên tại Việt Nam ra mắt trang web và trang Facebook.

"Chúng tôi có hàng chục ngàn độc giả bất chấp sự đàn áp của cảnh sát và sự kiểm duyệt của nhà nước", Hà nói. "Nhiều người trong số họ là thành viên của Đảng cộng sản".

Không có cách nào để xác minh những tuyên bố này, nhưng vào tháng 10, chính quyền Việt Nam đã đàn áp Nhà xuất bản Tự do, mạng lưới phân phối và độc giả của nó.

Vào tháng 11, hai tổ chức Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt sự đe dọa và quấy rối đối với mọi người hoặc liên quan đến các hoạt động của nhà xuất bản hoặc cố gắng để có được các bản sao của các cuốn sách thuộc loại sách cấm.

"Bằng cách in sách họ có thể làm cho thông tin độc lập trông chuyên nghiệp và hợp pháp cho độc giả. Nếu (độc giả) có thể cầm nó trong tay thì họ tin tưởng nó hơn", theo Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam.

Theo nhóm chiến dịch về Việt Nam của Ân xá Quốc tế, cảnh sát đã thẩm vấn gần 100 người vì sở hữu hoặc đọc sách được in bởi Nhà xuất bản Tự do.

"Họ biết mức độ nguy hiểm và tai hại [xuất bản Samizdat] đối với chế độ của họ", Trịnh Hữu Long, một nhà hoạt động dân chủ và đồng sáng lập của Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam nói.

"Bằng cách in sách, họ có thể làm cho thông tin độc lập trở nên chuyên nghiệp và hợp pháp đối với độc giả. Nếu họ có thể cầm nó trong tay, họ sẽ tin tưởng nó hơn. Nó có giá trị", ông Long nói.

Mạng lưới bí mật

Đi dọc các con đường sách nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, rất dễ tìm và mua các bản sao của văn học phương Tây và Việt Nam bị chính phủ cấm kể từ khi thống nhất năm 1975. Trong khi một số sách bất hợp pháp được nhập lậu vào Việt Nam, hầu hết đều được sao chụp phiên bản gốc.

Nhưng việc tìm sách Samizdat do chính các tác giả Việt Nam viết tại Việt Nam rất khó khăn nên các nhà hoạt động tự do báo chí đã bắt đầu một mạng lưới hỗ trợ để giúp Nhà xuất bản Tự do hoạt động.

Những người ủng hộ giúp vận chuyển sách trong nước. Độc giả trên khắp Việt Nam đặt hàng và quyết định địa điểm để nhận sách được giao – giống như đặt thức ăn trực tuyến.

"Rất nhiều sách phân phối theo kiểu này bị gặp khó khăn bởi cảnh sát thường giả vờ làm người muốn đọc sách và muốn mua. Chúng đặt mua trực tuyến và hẹn thời gian cùng địa điểm để nhận sách", Hà nói.

"Đã có hai nhân viên của chúng tôi bị bắt và một người bị buộc phải thú nhận".

Nhà xuất bản Tự Do đã bắt đầu phân phối các phiên bản sách điện tử của những cuốn sách phổ biến nhất để giúp trả chi phí sản xuất các bản sách in giấy.

"Đẩy lùi ranh giới"

Nguyễn Quang A, 73 tuổi, đã thách thức kiểm duyệt nhà nước trong thư viện riêng (SOS Squared Library) của ông trong 20 năm qua. Ông đã xuất bản hàng chục cuốn sách bị cấm ở dạng sách in và sách điện tử và là nguồn cảm hứng đằng sau hoạt động in và phát hành sách cấm của Nhà xuất bản Tự do.

"Tôi đã từ bỏ việc in sách giấy", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói. "Mục tiêu của tôi không phải là một anh hùng chiến đấu chống lại hệ thống kiểm duyệt tham nhũng. Đơn giản là để thảo luận về ý tưởng".

Hà cho biết những phản hồi mà độc giả Việt Nam dành cho Nhà xuất bản Tự do phản ánh người dân đói khát thông tin và muốn biết nhiều hơn về chính sách công ở Việt Nam.

"Tôi nghĩ Nhà xuất bản Tự do đang vượt qua các ranh giới", Đinh Thảo, một nhà hoạt động 28 tuổi sống ở Hà Nội nói. "Trước đây, các nhà xuất bản [Samizdat] thích in sách dịch, nhưng bây giờ họ xuất bản sách của các tác giả Việt Nam trong nước. Đây là những loại sách tôi muốn đọc".

Các bản sao bán chạy nhất của tác giả bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, cuốn sách mới nhất "Chính trị của Một nhà nước cảnh sát" và "Phản kháng phi bạo lực" của Nhà Xuất bản Tự do.

Trong khi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã tiếp tục vào tháng thứ tám, sách về chủ đề này rất khan hiếm bằng tiếng Việt. Sản phẩm tới của Nhà Xuất bản Tự do sẽ soi rọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hồng Kông và những cuộc diễn ra bên trong Việt Nam vào tháng 6 năm 2018 – cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

"Chúng tôi đã có rất nhiều sự quan tâm của độc giả Việt Nam về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông", ông Nguyễn Quang A nói. "Độc giả của chúng tôi đến từ một số khu vực xa xôi và nghèo nhất của đất nước".

Adam Bemma

Nguyên tác : 'Pushing boundaries' : The rise of Samizdat publishing in Vietnam, Aljazeera, 14/01/2020

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 18/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Adam Bemma
Read 533 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)