Chính thức vào cuộc đua ghế Tổng bí thư
Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 03/02/2020
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trên cương vị là một đảng viên đảng cộng sản, tôi mong muốn được chia sẻ đôi điều về Quy định 214 này của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Thứ nhứt, Hiến pháp 2013 ở Điều 4 có quy định cụ thể về 3 điều khoản theo thứ tự như sau :
1. Đảng cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Tôi có đọc tóm lược về Quy định 214 và đọc chi tiết văn bản Quy định 90 ký ngày 4/8/2017 mà Quy định 214 thay thế, ở cả hai văn bản này đều không thấy quyền của người dân ở đâu trong chọn lựa ai sẽ là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội. Ngay cả đảng viên ‘không cấp hàm’ như tôi, cũng không được quyền về một lá phiếu lựa chọn cho người sẽ đứng đầu đảng của mình.
Thứ hai, theo những gì báo chí đăng tải thì ở Quy định 214 có quá nhiều yêu cầu mang tính sáo rỗng, thần thánh hóa một cá nhân sẽ là tổng bí thư.
"Tổng bí thư phải có trình độ cao về lý luận chính trị ; có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước… Đồng thời, có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, và quyết đoán ; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc. Có năng lực lãnh đạo, điều hành BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt".
Đoạn trích ở trên của Quy định 214, nếu thực sự chọn lựa được một đồng chí đảng viên hội đủ các tiêu chuẩn như vậy, tôi tin rằng Việt Nam sẽ không còn Đảng cộng sản Việt Nam hiện diện nữa. Nhận xét này của tôi không phải là tự diễn biến hay suy thoái chính trị, mà đó chỉ là muốn nhắc lại lời cảm thán của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở lần góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" (1).
Thời điểm góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, tôi vẫn còn nhớ có đồng chí đảng viên đã cho rằng : "Đất nước ta đang hừng hực khí thế trên con đường đổi mới. Nhân dân đang rất kỳ vọng vào lần sửa đổi Hiến pháp này, kỳ vọng vào các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị Đại biểu cho lợi ích của nhân dân sẽ sáng suốt quyết định vì tiền đồ chung của cả Dân tộc.
Hậu thế sẽ ca ngợi hay chê trách Kỳ họp thứ 6-Quốc hội khóa XIII ? Việt Nam sẽ đuổi kịp các nước trong khu vực và thế giới hay tụt hậu ngày càng xa ? Điều đó phụ thuộc rất lớn vào quyết định của các đồng chí. Tôi vẫn nghĩ, đất nước mình luôn được ca ngợi là rừng vàng biển bạc, con người cần cù thông minh, học sinh thi quốc tế lần nào cũng ẵm giải về chẳng kém ai, tình hình chính trị thì ổn định hơn hẳn các nước đa đảng khác, chính quyền thì của dân-do dân-vì dân, nhất là lại được lãnh đạo bởi Đảng cộng sản quang vinh, được soi rọi bởi chủ nghĩa Mác ưu việt nhất thế giới hiện nay, thế thì chúng ta hãy mạnh dạn đề ra mục tiêu sau 10 năm nữa sẽ phát triển hơn Thái Lan, 20 năm nữa sẽ phát triển hơn Hàn Quốc, 30 năm nữa sẽ vượt Nhật Bản.
Nước Nhật không hề có các ưu thế như vừa kể trên của ta, vậy mà sau 30 năm họ đã vươn lên từ đống đổ nát sau chiến tranh, trở thành cường quốc trên thế giới, cả Hàn Quốc cũng vậy. Thế thì còn có lý do gì mà chúng ta lại không thể làm được như họ ? Nhân dân đang mong lắm, anh linh tổ tiên đang mong lắm, con cháu chúng ta đang mong lắm !".
Tính từ cột mốc 2013, thời điểm góp ý sửa đổi Hiến pháp, tính đến nay cũng bảy năm. Chính phủ cũng đã trải qua hai đời thủ tướng, song đến nay thì mọi chuyện vẫn không gì thay đổi, vẫn đúng như nhận xét của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".
Thứ ba, nếu những gì tôi đề cập ở phần thứ hai là mang tính duy ý chí cá nhân, thì thử hỏi ngay lúc này, khi dịch bệnh đang dầu sôi lửa bỏng, các đồng chí trong Bộ Chính trị đang làm gì ? Tôi thật sự thất vọng khi diễn biến dịch cúm Vũ Hán ngày càng thêm trầm trọng suốt từ đầu năm đến nay, song đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị vẫn bình tĩnh để ngồi lại bàn chuyện soạn thảo về các tiêu chuẩn cho các chức danh thuộc ‘tứ trụ’.
Tôi chưa được nghe một tuyên bố nào về chuyện dịch bệnh từ đồng chí Nguyễn Phú Trọng, trong khi đó đồng chí lại đặt bút ký một quy định để cho rằng tiêu chuẩn của chức danh tổng bí thư phải là "có trình độ cao về lý luận chính trị ; có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước… Đồng thời, có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, và quyết đoán ; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc".
Nếu đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực sự thỏa mãn các yêu cầu mà chính đồng chí đặt ra, tôi tin là không phải đợi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban bố tình trạng khẩn cấp dịch virus Corona/Vũ Hán, mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Chủ tịch nước, đảm trách việc "Công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước" về dịch virus Corona/Vũ Hán, theo đúng quy định tại Điều 88.5, Hiến pháp 2013.
Đàng này, đồng chí Tổng bí thư đã không làm theo quyền hạn và trách nhiệm được Hiến định, mà trên cương vị người đứng đầu đảng cộng sản, đồng chí vẫn cho thực hiện buổi lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng ngay trong lúc dịch bệnh đang lan nhanh với khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt là trong môi trường khán phòng có sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, tức máy lạnh.
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 03/02/2020
*******************
Việt Nam : Trước Đại hội Đảng 13, tiêu chuẩn mới cho chức Tổng bí thư ‘được hạ bớt’
BBC tiếng Việt, 03/02/2020
Đảng cộng sản Việt Nam vừa mới công bố toàn văn Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cao cấp.
Ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đang là các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam
Văn bản nêu các yêu cầu với những chức danh cao nhất Việt Nam, gồm cả Tứ Trụ (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội).
Chỉ mới hai năm trước, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký một văn bản tương tự gọi là Quy định 90, công bố tháng 8/2017.
Hai năm sau, Quy định 214 ra đời, có cùng nội dung là về về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Có gì khác biệt trong hai văn bản quan trọng này ?
Quanh vị trí cao nhất, quan trọng nhất Việt Nam, chức vụ Tổng bí thư Đảng cộng sản, người ta thấy yêu cầu có một số khác biệt, qua ngôn ngữ hai văn bản năm 2017 và 2020.
Quy định 214 thêm chữ mới "quy tụ" :
Tổng bí thư là "trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Quy định năm 2017 yêu cầu Tổng bí thư "có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng".
Nhưng sang năm 2020, Tổng bí thư chỉ cần có "kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…"
Năm 2017, yêu cầu Tổng bí thư "phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài".
Cụm từ này đã được bỏ đi. Thay vào đó, yêu cầu cho Tổng bí thư năm 2020 thêm chữ mới là có "tư duy nhạy bén", và chữ mới nữa là "bình tĩnh".
Cụ thể toàn văn câu liên quan trong Quy định 214 năm 2020 là "Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán ; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc".
Năm 2017, yêu cầu Tổng bí thư "có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm".
Năm 2020, bỏ đi chữ "chỉ đạo", thay bằng chữ "lãnh đạo" : "Có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt".
'Hoàn thành tốt' áp dụng cho cả bốn chức cao nhất
Có lẽ quan trọng nhất, năm 2017, yêu cầu Tổng bí thư "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Năm 2020, đã hạ xuống còn "hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Ông Trần Quốc Vượng đang được xem là một ứng viên hàng đầu cho chức Tổng bí thư
Việc hạ thấp yêu cầu này áp dụng cho cả Tứ Trụ.
Tức là, so với quy định cũ ban hành năm 2017, quy định 2020 chỉ yêu cầu "hoàn thành tốt nhiệm vụ", thay vì "hoàn thành xuất sắc" đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước.
Các văn bản công bố gần đây cho thấy ý tưởng hợp nhất hai chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư của Đảng Cộng sản không được đưa vào ngôn ngữ chính thức.
Ý tưởng 'nhất thể hóa' này được nêu ra sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm luôn chức Chủ tịch nước sau khi chủ tịch Trần Đại Quang từ trần.
Tuy nhiên, cho đến nay, các chức vụ này vẫn là riêng rẽ và sẽ tiếp tục như vậy ở kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam 13, dự kiến vào đầu 2021.
Gần đây, trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Đại học Queensland, Úc cho hay hiện có ba ứng cử viên nổi lên cho vị trí Tổng bí thư là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng câu hỏi lớn nhất mang tính quyết định đến việc lựa chọn là liệu đảng cộng sản có tiếp tục theo đuổi việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước như hiện tại, hay quay về với mô hình 'tứ trụ' truyền thống.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Theo ông, Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam và Hiến pháp Việt Nam vẫn có quy định riêng cho chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nên dù một người đảm nhận hai chức vụ thì đây vẫn là hai chức vụ riêng rẽ trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Còn nếu giữ mô hình truyền thống thì có nghĩa là cần bốn vị trí 'tứ trụ' do bốn ủy viên bộ chính trị khác nhau đảm nhiệm, cho các chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Dù ai nắm các chức vụ này, nhu cầu cải cách thể chế, các sức ép về môi trường, y tế, biến đổi khí hậu, bộ máy cồng kềnh, quan hệ Mỹ - Trung với lãnh đạo Việt Nam sẽ vẫn còn đó, thậm chí còn tăng độ nóng.
Nguồn : BBC, 03/02/2020
***********************
90 năm Đảng cộng sản Việt Nam : Cơ sở pháp lý nào để 'tồn tại và cầm quyền' ?
Quốc Phương, BBC, 02/02/25020
Đảng cộng sản Việt Nam, đảng cầm quyền tại quốc gia có trên 95 triệu dân từ trước đến nay vẫn viện dẫn hai lý do chính để biện minh cho tính chính danh, đó là công lao 'giải phóng dân tộc' trong lịch sử qua chiến tranh và vai trò, vị thế lãnh đạo của đảng đã được ghi trong chính các bản hiến pháp do chính nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo lập ra.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội, hôm 23/10/2018
Nay trong dịp Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước đang đánh dấu 90 năm thành lập đảng này (03/2/1930-03/2/2020), một luật sư từ Sài Gòn đề cập việc liệu đây có là dịp để Việt Nam ban hành luật về Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và luật về các đảng phái, trong đó có đảng chỉnh trị, ở Việt Nam nói riêng.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 02/02/2020 từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nói :
"Vấn đề này đã được rất là nhiều người đặt ra rồi và thực ra mà nói, Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) cho đến nay vẫn viện dẫn hai vấn đề. Một, đó là một quá trình lịch sử, công lao trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc và họ mặc nhiên xem sự thành công đó là một tính chính danh đặt lên trên toàn thể xã hội là Đảng cộng sản đương nhiên có quyền lãnh đạo đối với đất nước và xã hội Việt Nam.
"Và vấn đề thứ hai là trong các bản Hiến pháp mà Việt Nam, dưới thời của chế độ cộng sản, chẳng hạn như bản Hiến pháp trước đó và bản Hiến pháp năm 2013, cũng tại điều 4 quy định là Đảng cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo độc tôn đối với đất nước và xã hội Việt Nam.
"Họ dựa trên vấn đề lịch sử và cơ sở hiến pháp đó để nói rằng sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là hợp pháp và chính danh, tuy nhiên vấn đề đặt ngược lại là cũng không có bất kỳ quy định Hiến pháp nào cấm một đảng chính trị khác được tổ chức và thành lập.
"Vậy thì vấn đề được đặt ra là Đảng cộng sản Việt Nam cũng không có một quy định cụ thể nào trong vấn đề về Hiến pháp luôn, cũng như về vấn đề về luật pháp cho vai trò lãnh đạo của họ".
Cơ sở pháp lý nào ?
Giải thích thêm về quan điểm của mình, Luật sư Lê Công Định đưa ra một ví dụ liên quan luật lập Hội đến nay chưa được ban hành và bình luận thêm về điều 4 Hiến pháp của Việt Nam, ông nói :
Các chính khách và lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong một sự kiện bỏ phiếu hôm 23/10/2018 tại Quốc hội
"Ví dụ, cho đến nay Quốc hội Việt Nam vẫn tìm cách trì hoãn Luật về lập Hội, để dựa trên đó bảo rằng là do không có luật, cho nên các hội độc lập không được quyền thành lập.
"Vậy thì người ta cũng đặt ra một câu hỏi đương nhiên là không có luật như vậy và đặc biệt là không có luật về đảng Cộng sản, về các đảng phái chính trị, vậy thì cơ sở pháp lý nào mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục thứ nhất là tồn tại và thứ hai là lãnh đạo đất nước này ?
"Tất nhiên là họ luôn luôn biện minh cho tính chính danh và sự hợp pháp đó bằng điều 4 Hiến pháp. Nhưng mà nếu chúng ta đọc kỹ điều 4 Hiến pháp, thì quy định đó hoàn toàn không nói về vấn đề tổ chức và thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
"Chỉ nói một cách rất tổng quát là Đảng cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo, như vậy có sự mặc nhiên thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, điều đó không thuyết phục là bởi vì đó là một Hiến pháp do chính Đảng cộng sản Việt Nam tự soạn thảo và đưa ra Quốc hội, mà Quốc hội cũng được kiểm soát của đảng Cộng sản.
"Cho nên là tính chính danh và hợp pháp đó là một câu hỏi rất là lớn và cho đến nay người ta vẫn luôn luôn hỏi là dựa trên cơ sở pháp lý nào, một đạo luật nào, một bộ luật nào quy định về việc thành lập và hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam ?"
Cần làm gì để "chính danh" ?
Cũng trong dịp nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam đánh dấu 90 năm thành lập đảng chính trị mà đang cầm quyền này, nhìn rộng ra các vẫn đề tính hợp pháp, tính chính danh của không chỉ đảng này mà còn của nhà nước, chính quyền do Đảng cộng sản lãnh đạo, Luật sư Lê Công Định đề cập điều mà ông tin là nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam cần phải làm để đáp ứng các câu hỏi được đặt ra lâu nay :
"Chắc chắn là họ phải sửa đổi Hiến pháp và luật bầu cử, trong đó trao quyền bầu cử một cách thực sự cho người dân một cách dân chủ và người dân thực sự có quy lựa chọn thể chế chính trị nào mà họ muốn, cũng như là lựa chọn một đảng phái nào lên cầm quyền.
"Chứ không phải có sự áp đặt rồi bảo rằng đó là ý nguyện của người dân ! Và người dân tuy không có phương tiện nào để có thể phản kháng lại điều đó, nhưng họ chắc chắn một điều là không thể tâm phục, khẩu phục.
"Cho nên trở lại câu hỏi đặt ra thì tôi nghĩ vấn đề trên hết vẫn là sửa đổi Hiến pháp, thậm chí ban hành Hiến pháp mới và trước khi làm điều đó, phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để cho người dân thể hiện quyền phúc quyết của mình trong việc lựa chọn thể chế chính trị, cũng như là đảng nào sẽ là đảng có thể cầm quyền qua những cuộc bầu cử", nguyên Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi trở thành một tù nhân chính trị, nói với BBC từ Sài Gòn.
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/2/1930 tại hải ngoại, ở Hong Kong, phần lãnh thổ vào thời điểm diễn ra sự kiện này, là thuộc địa tại Trung Quốc của Vương quốc Anh.
Các tài liệu cho hay, đảng này đã giành được chính quyền tại Việt Nam qua sự kiện 'cướp chính quyền' từ tay của một chính quyền dân sự tại Việt Nam đang tồn tại ngay trước đó, trong bối cảnh 'Nhật - Pháp bắn nhau', vào ngày 19/8/1945 ở Hà Nội, và vào ngày 2/9 cùng năm, chính quyền do lãnh tụ và người sáng lập đảng này, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên bố Việt Nam độc lập và ra mắt chính phủ lâm thời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trước đó, cũng có tài liệu cho hay đã có một chính quyền tồn tại trước đó tuyên bố Việt Nam độc lập, dẫn đến việc có thể các sự kiện lịch sử và bản chất của chúng cần được các giới nghiên cứu hiện nay và tương lai khảo cứu thêm, ít nhất về mặt khoa học và tìm hiểu sự thật lịch sử.
Trải qua các biến cố lịch sử, chính trị, chiến tranh từ các mốc dấu thời gian 1946, 1954 và cho tới ngày 30/4/1975, Đảng cộng sản Việt Nam, dưới các tên gọi khác nhau mà có thời là đảng Lao động Việt Nam, đã cầm quyền từ một phần lãnh thổ, tiến tới cầm quyền tuyệt đối, độc tôn trên toàn bộ lãnh thổ đã được thống nhất hai miền thông qua hành động chiến tranh.
Từ ngày 21/9/1977 tới nay, Việt Nam thống nhất dưới tên gọi nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là thành viên của Liên Hiệp quốc. Tới nay, Việt Nam là quốc gia thành viên hoặc thành viên ký kết của nhiều thiết chế, định chế hoặc các công ước, hiệp ước quốc tế hay khu vực v.v... trên nhiều lĩnh vực và phương diện.
Ngày 03/2/2020, nhà nước và đảng Cộng sản cầm quyền đánh dấu tròn 90 năm thành lập của đảng Cộng sản, trong lúc, đảng tiếp tục bày tỏ, thể hiện những viễn kiến, dự định và kế hoạch để tiếp tục sự lãnh đạo độc tôn và duy nhất một đảng phái đối với toàn xã hội, cộng đồng, quốc gia và dân tộc cho tới tương lai chưa thể xác định.
Điều 4 trong Hiến pháp của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phiên bản năm 2013, trong phần quy định về Thể chế Chính trị, quy định và nêu rõ :
"Đảng cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
"Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
"Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 02/02/2020
*******************
Có gì mới trong tiêu chuẩn chức danh Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ?
RFA, 03/02/2020
Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 2/1 ban hành Quy định 214-QĐ-TW về tiêu chuẩn chức danh Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và tiêu chí đánh giá cán bộ cao cấp.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, họp phiên thứ 17 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tại Hà Nội hôm 15/1/2020. Courtesy chinhphu.vn
Văn bản vừa nêu được cho biết dài gấp rưỡi văn bản tương tự được ban hành vào năm 2017 : Quy định số 90. Quy định mới có những sửa đổi bổ sung theo hướng được nói là cụ thể hơn cho những chức danh cao nhất Việt Nam, gồm cả ‘tứ trụ’ là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, và một số trường hợp khác thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.v.v…
Theo giải thích trên trang thông tin của Đảng cộng sản Việt Nam, Quy định 90/2017 là văn bản đầu tiên của Đảng về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp cao được công khai. Với lần sửa đổi này, Quy định 214/2020 không chỉ công khai mà còn là chi tiết, toàn diện về nội dung này.
Chung chung, không định rõ được !
Ở tiêu chuẩn chung về chính trị, ngoài yêu cầu tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân ; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Quy định 214 còn bổ sung yêu cầu tuyệt đối trung thành với "đường lối đổi mới của Đảng" và kiên quyết "bảo vệ nền tảng tư tưởng".
Trả lời RFA hôm 3/2/2020 liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định :
"Tôi thấy chẳng có gì khác cả, tất cả những tiêu chuẩn ấy cũng chỉ là vớ vẩn, tại vì nêu ra những tiêu chuẩn rồi không biết thế nào để đánh giá. Ví dụ nói trung thành với Mác lê thì thế nào là trung thành ? Lấy gì để đo đạt. Cho rằng phải làm được việc này việc kia thì tôi cho rằng không đúng, không hay ho gì cả ? Đúng ra là phải ra tranh cử, để cho đại hội xem xét bầu chọn. Chứ đưa ra hành cục tiêu chuẩn mà không có gì để đánh giá thì tất cả những tiêu chuẩn ấy chỉ có tính cách lòe bịp, chẳng có tác dụng gì cả".
Trong Quy định 214, ở chức danh Tổng bí thư, có bổ sung cụm từ "cán bộ chủ chốt" thành tiêu chuẩn : "Có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, khi trao đổi với RFA hôm 3/2 liên quan vấn đề này, nói :
"Về các tiêu chuẩn của chức danh tổng bí thư thì tôi có đọc qua các tiêu chuẩn mới nhất mà Đảng cộng sản Việt Nam mới đưa ra, thì tôi thấy nó không có gì thay đổi, ngoài khái niệm ‘các bộ chủ chốt’. Thì có là chủ chốt hay không thì cũng giống như các khái niệm mà trước đây họ tự đặt ra là cán bộ khung, cán bộ nguồn… rồi bây giờ là cán bộ chủ chốt… thì tôi thấy đó chỉ là hình thức thôi chứ không có gì thay đổi về cả hai ý chính là về kỹ trị và đức trị".
Cán bộ chủ chốt theo quy định 214, được hiểu là năm chức danh gồm Thường trực Ban Bí thư đứng cùng "tứ trụ". Trong đó Thường trực Ban Bí thư - chức danh thuần túy Đảng - chỉ cần "có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trong toàn Đảng".
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, về kỹ trị thì tiêu chuẩn đảng đưa ra không có gì mang tính chất khoa học, mà chỉ là những từ ngữ mơ hồ, lâm vào phép ngụy biện lợi dụng chữ nghĩa. Còn về đức trị theo ông, chỉ xoay quanh những tiêu chuẩn về đạo đức lối sống, khiêm tốn, có năng lực… cũng chỉ là những khái niệm mơ hồ, chung chung. Ông nói tiếp :
"Ngoài những cái đó, nó biến những người trong diện được vô bộ chính trị hay tứ trụ, như là những nhà tu hành, ép xác, khổ hạnh… điều đó nếu nhìn ở góc độ đạo đức học thì tôi cho rằng đó là đạo đức giả. Còn nhìn theo chủ nghĩa thực tế thì tôi cho rằng điều đó không có thật. Bởi vì đã là con người thì ai cũng mong được sống sung sướng hạnh phúc, cho dù ở chức vụ cao nhất thì cái mong muốn được sống đầy đủ về vật chất là rất bình thường, rất con người. Điều đó để nói rằng họ không nhìn chính bản thân họ là những con người bình thường, nên họ trở nên bất thường trong việc đưa ra những tiêu chuẩn mới. "
Có hạ tiêu chuẩn ?
Theo Quy định 90 trước đây, với cán bộ thuộc diện trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ở vị trí công tác trước đó họ phải hoàn thành "xuất sắc" nhiệm vụ. Nay theo quy định 214, "Tốt" là đủ, không nhất thiết "xuất sắc" (!).
Lý do được giải thích trong quy định 214 là khi bầu ai "xuất sắc" giống như một sự vinh danh của tập thể cho nỗ lực của cá nhân đó trong năm và nhiều trường hợp người đứng đầu tổ chức khiêm tốn, chỉ tự nhận "tốt" và nhường "xuất sắc" cho anh em cấp dưới, qua đó bình bầu thi đua cuối năm thực chất hơn (!).
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định :
"Ông tổng bí thư muốn nắm toàn quyền trong tay, một mình ổng thao túng mọi chuyện. Tôi cho rằng, đưa ra những tiêu chuẩn như thế là tụt hậu, là phản động, chẳng hay ho gì cả. Người ta ca ngợi thế này thế kia, nhưng tôi thấy tất cả những điều họ đưa ra mới đây chỉ là những chuyện với vẩn".
Ở chức vụ Tổng bí thư Đảng cộng sản, là vị trí cao nhất, quan trọng nhất Việt Nam, cũng có một số khác biệt so với năm 2017. Cụ thể, Tổng bí thư là ‘trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Ở điểm này, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định thêm :
"Về ý này, nó thể hiện một điều rất rõ là sự bế tắc về đường lối, về nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi vì nó rơi vô phép ngụy biện là nhấn mạnh trọng âm, bây giờ bảo người tổng bí thư là trung tâm đoàn kết, có uy tín cao, theo tôi, một là có uy tín, hai là không, chứ không có chuyện uy tín cao thấp, hay uy tín vừa… mà uy tín là lời nói có thuyết phục, có được tin tưởng của đông đảo đảng viên hay không thôi ? Mà điều này là bất khả đối với Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt thời gian qua, đặt biệt là vừa rồi, cái chết của ông Lê Đình Kình, là một tác nhân đả kích rất mạnh vào tầng lớp đảng viên tất cả các cấp".
Việc cho rằng tổng bí thư là một trung tâm đoàn kết, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, đó chỉ là sáo ngữ… lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung, chưa bao giờ họ đoàn kết, những cuộc thanh trừng diễn ra khốc liệt, những cuộc khủng bố đỏ diễn ra rất là ghê gớm… nhưng họ vẫn thành công, đó là do nhiều yếu tố chứ không phải do họ đoàn kết. Do đó theo ông, những ý nghĩa đó là sáo rỗng, thể hiện sự bế tắc của Đảng cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn : RFA, 03/02/2020