Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/02/2020

Khống chế tư tưởng ở Trung Quốc và Việt Nam

Nguyễn Hoàng Quân

Đại dịch Vũ Hán đã khiến nhiều người giận dữ với cách bưng bít thông tin, khống chế dư luận bằng bạo lực của chính quyền Trung Quốc. Ngay khi mới xảy ra dịch, một bác sĩ tại Vũ Hán là Li Wenliang đã cố gắng nhắn tin trong một group chat với các bạn học trường y về tình trạng lây nhiễm tại đây. Ngay trong đêm hôm đó, Cơ quan Y tế địa phương đã khiển trách bác sĩ Li vì việc chia sẻ thông tin như vậy. Ba ngày sau, công an địa phương đã yêu cầu bác sĩ này viết bản thú nhận rằng hành vi chia sẻ tin nhắn này là một hành vi vi phạm luật pháp [1].

khongche1

Hình minh họa. Hình chụp hôm 16/5/2013 : sinh viên Nguyễn Phương Uyên (thứ hai bên phải) và Đinh Nguyên Kha (giữa) tại một phiên tòa ở tỉnh Long An. AFP

Thói quen che giấu thông tin

Đặc biệt, công an thành phố Vũ Hán đã phát lệnh truy tố tổng cộng 8 bác sĩ vì đã truyền đi thông điệp về dịch bệnh, trong khi nhà chức trách đang muốn giấu [2].

Nhiều người cảm thấy bất bình, vì việc thông tin sự thật về bệnh dịch sao lại là "hành vi vi phạm pháp luật" ? Điều đó cho thấy sự không bình thường của việc thi hành luật pháp ở đất nước này.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất mà Trung Quốc có cách hành xử như vậy.

Bắt bớ và cầm tù

Vào đầu tháng 11 năm 2019, cơ quan công an Trung Quốc đã bắt giữ và bỏ tù 6 tháng một sinh viên Trung Quốc đang theo học bên Mỹ tên là Luo Daiqing vì hành vi anh ta có đưa một số tấm hình biếm hoạ về chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Twitter lúc anh ta còn đang ở Mỹ [3].

Ngày 15/10/2019, nhà chức trách Trung Quốc cũng câu lưu một nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ gốc Hoa tên là Zhan Wang. Chuyên gia này đang nghiên cứu khí tượng học tại Học Viện Khí tượng Phần Lan (Finnish Meteorological Institute). Nhà chức trách Trung Quốc cáo buộc nhà nghiên cứu khí tượng học này "âm mưu lật đổ chế độ", tuy nhiên họ lại không chính thức thừa nhận hoặc cung cấp bất cứ bằng chứng nào về hành vi này của Zhan Wang [4]. Truyền thông Trung Quốc mô tả rằng anh này muốn kêu gọi độc lập cho vùng Mãn Châu Lý. Hiện nay Zhan Wang đang đối mặt với khả năng ngồi tù 10 năm [5]. Đây chỉ là một vài ví dụ cho các hành động này từ phía Trung Quốc.

khongche2

Hình minh họa. Tranh biếm họa về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tự do cho Hong Kong và Tân Cương Rebel Pepper

Một Báo cáo với tựa đề "Những cản trở đối với sự ưu tú : Tự do học thuật và sự tìm kiếm các đại học đẳng cấp thế giới của Trung Quốc" do tổ chức Scholars at Risk thực hiện từ/12/2017 đến tháng 6/2019 đã cho biết nhiều điều [6].

Tất cả các cơ sở nghiên cứu, đào tạo dù ở Trung Quốc lục địa, Hong Kong hay Macao đều bị chính phủ Trung Quốc "quản lý" gắt gao. Và không có chuyện tự do học thuật hay tự do ngôn luận ở đây. Thậm chí, chỉ cần đụng tới những đề tài "nhạy cảm" hay "cấm kị" như "Sự kiện Thiên An Môn" hay đụng tới các vấn đề mà lãnh đạo Trung Quốc cho là "không được phép" thì sinh viên đó rất có thể đối mặt với bắt bớ, giam cầm và tù đày.

Đặc biệt, các sinh viên Trung Quốc gốc Tây Tạng, Tân Cương hay Nội Mông… luôn bị theo dõi chặt chẽ. Bất cứ nghiên cứu hay hành động của các sinh viên này luôn bị áp đặt, thậm chí là cưỡng bức, đe dọa.

Đó là đối với các sinh viên học tập và nghiên cứu dưới quyền quản lý trực tiếp của chính quyền Trung Quốc đã đành. Các sinh viên Trung Quốc theo học ở nước ngoài cũng không phải là ngoại lệ. Một Báo cáo của Trung tâm Willson với tựa đề "Một nghiên cứu sơ bộ về sự can thiệp và ảnh hưởng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào các hoạt động của giáo dục sau đại học ở Hoa Kỳ" [7] đã cho biết họ đã phát hiện dựa trên bằng chứng về việc một số nhân viên ngoại giao và sinh viên Trung Quốc đã xâm phạm tới quyền tự do học thuật và an toàn cá nhân, trong khi những quyền này được pháp luật Hoa Kỳ bảo vệ.

Khống chế tư tưởng ở Việt Nam

Việt Nam có hệ thống chính trị tương tự như Trung Quốc, cho nên "ông thầy" có bài gì thì "học trò" có bài đó. Trong cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam", Đặng Phong đã mô tả cách thức mà hệ thống chính trị Việt Nam "nhồi sọ" toàn bộ các cán bộ, công chức và người dân. Nếu là cán bộ, công chức thì gần như 100% sẽ phải trở thành đảng viên của Đảng cộng sản. Từ khi chuẩn bị trở thành đảng viên, người đó sẽ phải học lớp cảm tình đảng, rồi khi thành đảng viên lại phải học nghị quyết hàng năm. Muốn giữ chức vụ cao hơn thì phải đi học trung cấp chính trị, rồi cao hơn nữa là cao cấp chính trị. Tiếng là đi học các hệ khác nhau như vậy, nhưng nội dung chẳng có gì khác nhau, và cũng chẳng có gì gọi là học thuật ở đây. Việc cứ tụng đi tụng lại chừng đó mớ lý thuyết giáo điều khiến nó "ám thị" và tạo thành thói quen tư duy cho cán bộ, công chức chung một bài.

Còn đối với các trường đại học hoặc các cơ quan khác thì cơ quan đảng luôn luôn quyết định những vấn đề quan trọng nhất. Cách đây vài năm, mâu thuẫn giành chức chủ tịch Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khiến ông Nguyễn Đăng Trừng bất bình bởi vì kết quả các luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bỏ phiếu cho ông, nhưng cơ quan đảng là Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh can thiệp không công nhận kết quả này, yêu cầu cuộc bỏ phiếu chọn người khác. Mặc dù, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh là một tổ chức hoàn toàn độc lập, không hề nằm trong thẩm quyền quản lý của Thành uỷ.

khongche3

Tranh biếm họa về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và tự do báo chí ở Việt Nam Rebel Pepper

Ở Việt Nam, cơ quan đảng sẽ thay mặt tất cả, kể cả toà án để quyết định mọi việc. Vụ tranh chấp cổ đông tại trường Đại học Hoa Sen là một trường hợp như vậy. Tranh chấp kéo dài nhiều năm giữa các cổ đông của nhà trường. Cuối cùng, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng "ra tay" chuyển đổi từ nhóm cổ đông này sang nhóm cổ đông khác theo quyết định của ông ta, thay vì toà án, cho dù đây là một trường đại học tư thục.

Ở mỗi trường đại học, bên cạnh cơ quan đảng còn có ít nhất một nhân viên an ninh phụ trách. Nhân viên an ninh này theo dõi về "văn hóa tư tưởng". Nếu thấy có vấn đề gì về tư tưởng hơi lạ sẽ bị coi là "chống phá chế độ" và cơ quan an ninh sẽ ra tay ngay. Nhưng nếu trong trường có tham nhũng, hủ hóa, thậm chí là kiện cáo nhau… an ninh lại mặc kệ. Nhiều vụ bắt giữ bỏ tù các sinh viên đã xảy ra, như vụ bắt giữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên hay Đinh Nguyên Kha dù họ bị kết tội với những tội danh và bằng chứng hết sức mơ hồ giống như bên Trung Quốc "lật đổ chính quyền nhân dân". Những sinh viên bé nhỏ không một tấc sắt, sao có thể lật đổ được một chính thể có cả công an, quân đội trong tay ?

Vụ bắt giữ Luật sư Lê Công Định cũng là một vụ mâu thuẫn chính trị giữa các phe nhóm hay còn gọi là "Ba - Tư đại chiến" nhưng đã được thổi phồng thành một "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân". Một luật sư như Lê Công Định, không có vũ khí, không có tiền bạc, không có người, lấy đâu mà lật đổ chính quyền ngoài dăm ba bài viết phản biện đăng đâu đó.

Ngay trong đại dịch virus Vũ Hán này, nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở Việt Nam cũng bị "mời lên làm việc" khi họ chỉ đưa thông tin về bệnh dịch như những lời cảnh báo cá nhân [8].

Kết luận

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây tờ báo Người quan sát đã có bài viết với tựa đề : "Thế giới phải trả giá cho sự cai trị độc đoán ở Trung Quốc" [9]. Bài báo đó có chi tiết đáng lưu ý khi mô tả : "Các nhà độc tài thường đưa ra những quyết định tồi tệ bởi họ không nhận được thông tin chính xác : Khi áp chế những tiếng nói độc lập, họ chỉ nhận được lời tâng bốc và tin tức tốt đẹp từ những người xung quanh".

Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trong một thể chế tương tự nhau nên cách hành xử cũng tương tự nhau. Và để dễ bề cai trị, họ đã thực hiện chính sách "khống chế tư tưởng". Điều này đi ngược lại cách quản lý ở một đất nước văn minh. Không có sự tự do học thuật và tư tưởng thì làm gì có sáng tạo và phát triển. Và vì thế, người dân cứ mãi nằm trong vòng luẩn quẩn của u mê và nghèo đói.

Nguyễn Hoàng Quân

Nguồn : RFA, 03/02/2020


[1] https://www.nytimes.com/2020/02/01/world/asia/china-coronavirus.html

[2] http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200130-virus-corona-tòa-án-trung-quốc-8-bác-sĩ

[3] https://www.axios.com/china-arrests-university-minnesota-twitter-e495cf47-d895-4014-9ac8-8dc76aa6004d.html

[4] https://www.scholarsatrisk.org/report/2019-10-15-finnish-meteorological-institute/

[5] https://www.scholarsatrisk.org/report/2019-10-15-finnish-meteorological-institute/

[6] https://www.scholarsatrisk.org/wp-content/uploads/2019/09/Scholars-at-Risk-Obstacles-to-Excellence_EN.pdf

[7] https://www.wilsoncenter.org/sites/default/files/prc_political_influence_full_report.pdf

[8] https://tuoitre.vn/ngo-thanh-van-dam-vinh-hung-cat-phuong-bi-moi-len-do-thong-tin-sai-ve-virus-corona-20200131224114352.htm

[9] http://nghiencuuquocte.org/2020/02/02/the-gioi-tra-gia-cai-tri-doc-doan-o-trung-quoc/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hoàng Quân
Read 618 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)