Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/02/2020

Tương lai họ Tập tùy thuộc vào Cô Vi, phải tìm gấp thuốc chữa

Nhiều tác giả

Làm thế nào Corona đe dọa "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình

David Ignatius, VNTB, 13/02/2020

Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận bất thành văn với người dân Trung Quốc : Hãy cho tôi toàn quyền kiểm soát và tôi sẽ giải quyết các vấn đề của Trung Quốc và biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu.

Trước khi virus corona bùng phát, thỏa thuận ngầm này dường như hoạt động tốt.

Dịch bệnh bắt đầu ở Vũ Hán vào tháng 12 đã xâm nhập vào cấu trúc xã hội của Trung Quốc.

covid1

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 28/1 tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: WSJ

Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành chủ tịch năm 2013, nó đã trở thành thách thức nghiêm trọng nhất và là mối đe dọa tiềm năng lớn nhất đối với lãnh đạo Trung Quốc, sau thảm hoạ Quảng trường Thiên An Môn.

Các cơ chế kiểm soát của nhà nước công an trị có thể khiến người dân sợ hãi, nhưng chúng không hiệu quả trong việc điều trị căn bệnh này – thương vong ngẫu nhiên là sự tấn công niềm tin của dân chúng vào các nhà lãnh đạo của đất nước.

Nguy cơ virus cuối cùng sẽ giảm khi vòng biểu đồ nhiễm trùng tăng lên, và sau đó giảm dần. 

Một câu hỏi thú vị cho các nhà phân tích Trung Quốc là, sau cùng, những sự cố chính trị mà corona để lại là gì. Sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và chiến lược kiểm soát xã hội toàn diện của Tập tỏ ra dễ bị lỗi. Làm thế nào ông định hình lại hình ảnh của mình với phiên bản chính trị định trước và lấy lại niềm tin ?

"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một thách thức lớn đối với Tập Cận Bình", Christopher K. Johnson, cựu viên CIA tại Trung Quốc, hiện là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

Với kinh nghiệm của Tập, Johnson dự đoán Tập có thể đi trước với những bước đi thông minh, nhưng ông cũng dẫn ra một số yếu tố có thể làm phức tạp sự phục hồi này.

Bản thân virus vẫn là một bí ẩn. Các chuyên gia dự đoán rằng số lượng các trường hợp mới sẽ sớm giảm, nhưng nếu không có giảm thì sao ? Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ nỗ lực bảo vệ nền kinh tế bằng cách buộc quay trở lại làm việc và gây ra một bệnh truyền nhiễm mới, hoặc nếu dịch bệnh tiếp tục vào mùa hè ?

Tập Cận Bình đã phải nhờ Đại tướng Quân đội Trung Quốc và nhóm chỉ huy an ninh khác giúp đỡ, nhưng Johnson nhận thấy một số gợi ý rằng quân đội đã phàn nàn về việc làm sáng tỏ tình trạng hỗn loạn đã bị ngăn chặn bởi một quyết định chính trị tồi tệ, làm bùng nổ dịch vào tháng 12.

Một khả năng khủng khiếp khác là dịch bệnh có thể lan rộng trong các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Vì lý do an ninh, các quan chức cấp cao có xu hướng sống và làm việc trong các khu vực được bảo vệ. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc xui xẻo, thì cách phân cụm và tập trung hóa như vậy có thể biến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thành một vật thí nghiệm.

Vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất là sự ổn định chính trị và xã hội, vốn luôn là mối quan tâm của Bộ Chính trị và các quan chức cấp cao.

Hiện tại, Bộ Chính trị Trung Quốc chắc chắn sẽ hỗ trợ Tập Cận Bình và tuân theo các quy tắc của chế độ độc tài. Nhưng thực tế trong quá khứ đã chỉ ra rằng sau khi cuộc khủng hoảng đã qua, Bộ Chính trị sẽ bước vào giai đoạn đánh giá hoạt động của hệ thống.

Sự củng cố quyền lực tàn nhẫn của Tập Cận Bình đã khiến ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ Mao Trạch Đông, nhưng ông cũng dễ bị chỉ trích vì đã vượt qua Mao Trạch Đông.

Tập Cận Bình xây dựng một mạng lưới kiểm soát thông qua cung cấp điểm tín dụng xã hội cho công dân, và giúp đàn áp bất đồng chính kiến. Ông đã phá vỡ mô hình lãnh đạo tập thể đã thắng thế kể từ cái chết của Mao Trạch Đông, và thay vào đó ủng hộ điều hành độc đoán.

Vai trò chính là thương hiệu của Tập Cận Bình.

Khi người dân Trung Quốc thắc mắc vấn đề corona, chắc chắn họ sẽ nghi ngờ vai trò của Tập, người thực hiện chuyến phiêu lưu ngắn ở Bắc Kinh vào thứ Hai này, được cho là ở "chiến tuyến" của dịch bệnh, đeo mặt nạ và đùa giỡn với cư dân

"Đây là một giai đoạn đặc biệt, vì vậy chúng tôi sẽ không bắt tay".

Tập cũng phải đối mặt với các vấn đề khác.

Tập đã không tìm ra cách nào để trấn áp các cuộc biểu tình dân chủ của Hồng Kông, bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái. Sau đó, vào tháng 1, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã giành chiến thắng áp đảo, trực tiếp thách thức Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình cũng có một vấn đề khó chịu với Nhà Trắng.

Tổng thống Trump đang nán lại các chính sách về Trung Quốc, nhóm thuế quan, và sau đó hủy bỏ một phần thuế quan, và trong bất kỳ công bố nào, Tổng thống Trump cũng ca ngợi "Tập Cận Bình là bạn của tôi", nhưng những hành động tiếp theo làm suy yếu Trung Quốc.

Ngay cả các quan chức Nhà Trắng gần đây đã thảo luận về việc Bắc Kinh sở hữu "Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia" của Vũ Hán, với ý tưởng corona đã trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm vũ khí sinh học.

Tập Cận Bình đã giảng về cái mà ông gọi là "giấc mơ Trung Hoa", sự trỗi dậy của quốc gia. Và chúng sẽ thấy các nhà lãnh đạo độc đoán này đối mặt với những khó khăn nhất như thế nào trong những cơn ác mộng này.

David Ignatius

Nguyên tác : How the coronavirus threatens Xi’s ‘Chinese dream’, The Washington Post, 12/02/2020

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 13/02/2020

*******************

Virus corona : Covid-19 đe dọa phá hủy chính trị, kinh tế Trung Quốc

John Sudworth, BBC, 12/02/2020

Vào buổi sáng lạnh giá ở Bắc Kinh, trên một đoạn đường tẻ nhạt ở sông Thông Huệ, người ta thấy một người cô đơn viết chữ khổng lồ lên tuyết.

covid01



Bác sĩ Lý Văn Lượng đã cố gắng cảnh báo các nhà chức trách về loại virus mới và đã chết sau khi bị nó xâm nhập

Thông điệp nhắc về một bác sĩ vừa qua đời : "Tạm biệt Lý Văn Lượng !".

Tác giả dòng chữ dùng cả thân mình để vẽ thành dấu chấm than trong câu viết.

Năm tuần trước đó, bác sĩ Lý Văn Lượng (1986/2020) đã bị cảnh sát phạt vì tìm cảnh cảnh báo cho đồng nghiệp về nguy hiểm của một loại virus mới, lạ tại bệnh viện của ông, ở Vũ Hán.

Rồi chính ông dính virus và chết. Các hình chụp dòng tưởng niệm tuyết đã lan nhanh trên mạng internet Trung Quốc, chụp lại khoảnh khắc cả nước sốc và giận dữ.

Vẫn còn nhiều điều ta chưa biết về Covid-19, tên chính thức hiện nay của virus.

Trước khi nó lây nhiễm con người đầu tiên, có lẽ nó đã ẩn bên trong sinh hóa của một loài động vật nào đó mà hiện không rõ.

Con vật này, có thể bị nhiễm sau khi virus bắt nguồn từ một con dơi, được cho là đã được giữ tại một chợ ở Vũ Hán, nơi buôn động vật trái phép.

Ngoài giả thiết này, giới khoa học vẫn còn đang cố gắng định vị và không thể nói gì chắc chắn.

Nhưng có một điều chắc chắn : Sau hơn một tháng phát hiện, Covid-19 đã làm lung lay gốc rễ xã hội và chính trị Trung Quốc.

Nó đã bộc lộ giới hạn của một hệ thống chính trị mà tại đây, kiểm soát xã hội mới là giá trị cao nhất. Nó đục vỡ rào cản kiểm duyệt bằng cơn bão buồn đau và phẫn uất.

Kết quả sắp tới phụ thuộc vào những câu hỏi mà chẳng ai biết trả lời : liệu chính phủ có thể kiểm soát bệnh dịch, và sẽ mất bao lâu ?

Trên thế giới, dư luận có vẻ cũng không biết nên làm gì với số ca nhỏ được phát hiện tại nước họ.

Tình cảm công chúng có thể ngả nghiêng, từ sợ hãi sang chủ quan.

Bằng chứng từ Trung Quốc có lẽ cho hay rằng cả hai phản ứng trên đều sai.

Cúm mùa đúng là có tỉ lệ tử vong thấp, khoảng 1% nhưng vẫn xấu vì ảnh hưởng nhiều người toàn cầu.

Số người chết vì cúm mỗi năm vẫn lên tới hàng trăm ngàn người.

Các ước đoán ban đầu cho rằng virus mới ít nhất sẽ gây tử vong bằng cúm - vì thế chúng ta đang phải cố gắng ngăn không cho nó biến thành đại dịch toàn cầu.

Nhưng lại còn một ước tính mới cho rằng nó còn ghê hơn thế, sẽ giết 1% những ai bị nhiễm.

Với từng cá nhân, rủi ro lây nhiễm vẫn tương đối nhỏ. Tất nhiên cần lưu tâm rằng mọi ước đoán chỉ mang tính trung bình ; người già, người ốm sẽ nguy nan hơn.

Tuy nhiên, trải nghiệm hiện nay của Trung Quốc đề ra hai việc.

Thứ nhất, nó hé lộ viễn cảnh đáng sợ khi hệ thống y tế đối diện với tình trạng lây nhiễm lan nhanh và rộng.

Thứ hai, nó cho ta thấy tầm quan trọng của thái độ phải rất xem trọng việc kiểm soát lây lan các loại virus mới.

Đa số chuyên gia đồng tình rằng cách hay nhất dựa vào minh bạch, niềm tin, có thông tin tốt, và hành động phù hợp, kịp thời của chính phủ.

Nhưng trong một hệ thống độc đoán, với kiểm duyệt gắt và nhấn mạnh vào ổn định chính trị, minh bạch và niềm tin thật khó kiếm.

Có nhiều bằng chứng rằng giới chức ban đầu đã bỏ qua tín hiệu cảnh báo.

Đến cuối tháng 12, nhân viên y tế ở Vũ Hán bắt đầu lưu ý triệu chứng lạ, gắn với mua bán động vật hoang dã trái phép.

Ngày 30/12, bác sĩ Lý Văn Lượng đăng lo ngại trong một nhóm chat riêng, khuyên đồng nghiệp cẩn thận.

Vài ngày sau, công an mời ông lên, bắt ký đơn thú tội.

Tivi nhà nước còn đưa tin tám người ở Vũ Hán bị điều tra vì "đưa tin đồn".

Thực ra nhà chức trách đã biết về vụ lây lan. Vì một ngày sau khi bác sĩ Lý đăng tin, chính Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một ngày sau nữa, nguồn nghi ngờ, cái chợ, đã bị đóng cửa.

Nhưng nhà chức trách đã hầu như không làm gì để bảo vệ dân.

Tại cuộc họp chính trị hàng năm ở Vũ Hán, lãnh đạo không nói về virus.

Ủy ban Y tế Quốc gia thì tiếp tục nói số lượng lây nhiễm chỉ hạn chế, và không có bằng chứng bệnh này có thể lây từ người sang người.

Ngày 18/1, Vũ Hán cho tổ chức dạ tiệc khổng lồ với 40.000 gia đình.

Hai ngày sau, Trung Quốc xác nhận đã xảy ra lây lan từ người sang người.

Khi chính quyền đóng cửa thành phố Vũ Hán ngày 23/1, đã quá muộn.

Tới lúc đó, dường như 5 triệu dân đã rời Vũ Hán để đi nghỉ ăn Tết.

So sánh với Chernobyl

Một số người bắt đầu gọi đây là Chernobyl của Trung Quốc.

Sự so sánh về thất bại thông báo tin xấu cho cấp trên, và động cơ đặt quyền lợi ngắn hạn về ổn định trước an toàn công chúng, có vẻ rõ ràng.

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng đã khiến quần chúng phẫn nộ, đến mức giới kiểm duyệt Trung Quốc dường như không chắc nên xóa cái gì, cho phép cái gì.

Biết tình cảm dân chúng, Đảng bắt đầu ca ngợi bác sĩ Lý Văn Lượng, gọi ông là anh hùng dân tộc.

Trong lịch sử, các cuộc chiến, nạn đói và bệnh tật từng lay đổ các vương triều. Chuyện này khiến các nhà cai trị hiện nay có trí nhớ lịch sử rõ rệt về nguy hiểm của khủng hoảng bất ngờ.

Họ cũng sẽ hiểu Chernobyl đã làm gì với tính chính danh của Đảng cộng sản ở Liên Xô ngày đó.

Một dấu hiệu gợi ý rằng lãnh đạo nhận rõ rủi ro hiện nay, chính là vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuần này, lần đầu tiên từ khi có khủng hoảng, ông Tập đã ra ngoài phố gặp nhân viên y tế, thăm một bệnh viện và một trung tâm kiểm soát virus ở Bắc Kinh.

Ngược lại, Thủ tướng Lý Khắc Cường được cử tới tận Vũ Hán, được phong làm trưởng nhóm lãnh đạo đối phó bệnh dịch.

Một số nhà quan sát nhận định ông Tập có lẽ khôn ngoan khi đóng vai trò là giao phó trách nhiệm công tác.

Một nhà quan sát cho rằng ông Tập "rõ ràng lo ngại khủng hoảng có thể làm ông sa cơ, vì thế ông đưa cấp dưới ra làm gương mặt công chúng đại diện cho phản ứng của Đảng".

Cũng có dấu hiệu bộ máy kiểm duyệt tăng cường công suất, và ông Tập ra lệnh giới chức "thắt chặt kiểm soát truyền thông mạng".

Có một số dấu hiệu là các biện pháp cách ly nghiêm ngặt có thể có tác dụng. Ngoài tỉnh Hồ Bắc thì con số các ca nhiễm mới mỗi ngày đang giảm.

Nhưng với nhu cầu tái khởi động nền kinh tế, đã đóng băng cả tuần qua, Trung Quốc chỉ mới chầm chậm quay lại làm việc.

Trung Quốc khẳng định họ đang chiến đấu trên đà thắng, đã học được kinh nghiệm.

Các câu hỏi về thất bại hệ thống bị bác bỏ, gọi đó là thiên kiến của ngoại quốc.

Nhưng tầm mức của thảm họa có thể đe dọa thế giới này đã bộc lộ điều quan trọng.

Hàng ngàn người mất người thân, hàng triệu người đang bị cách ly, và các doanh nghiệp chịu thiệt hại tài chính, đã hỏi những câu hỏi khó.

John Sudworth

Nguồn : BBC, 12/02/2020

******************

Liệu Trung Quốc đã ăn cắp bằng sáng chế thuốc chữa Covid-19 ?

Đinh Yên Thảo, RFA, 12/02/2020

Trong thông cáo được Viện Virus học Vũ Hán vừa đưa ra trong ngày 4/2 tuần qua, giới y tế Vũ Hán cho biết đã phối hợp cùng các cơ quan khoa học quốc gia và quân đội Trung Quốc đồng nghiên cứu thành công và đã đệ đơn cầu chứng bằng sáng chế loại thuốc đặc trị cúm Cororavirus từ hai tuần trước. Chỉ sau đôi tuần sau khi phát hiện ra cơn đại dịch vẫn còn đang hoành hành và gây chết người hàng ngày tại Hoa lục như hiện nay, dù vẫn chưa có khả năng cung cấp đủ khẩu trang cho người dân của mình, Trung Quốc đã nhanh chóng "nghiên cứu thành công" được thuốc chữa bịnh. Liệu có phải vậy ?

covid2

Hình minh họa. Mẫu thử virus corona Covid19 - Reuters

Câu chuyện quay lại cùng bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Mỹ. Đó là một người đàn ông 35 tuổi tại tiểu bang Washington, quay về Mỹ từ Vũ Hán, nơi xuất phát cơn đại dịch bên Trung Quốc. Nhập viện hôm 19/1 và bị phát hiện đã nhiễm virus, bệnh tình của anh có vẻ nguy cập hơn sau bảy ngày. Các bác sĩ chữa trị tại bệnh viện Providence Medical Center đã xin phép Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) được tiêm tĩnh mạch thuốc Remdesivir cho bệnh nhân. Một ngày sau khi tiêm thì bệnh nhân hồi phục và bốn ngày sau hết còn sốt cao. Bệnh nhân này đã được xuất viện và đang được cách ly tại nhà để giới chức y tế tiếp tục theo dõi.

Remdesivir là loại thuốc đang còn trong vòng thử nghiệm của hãng dược phẩm Gilead Sciences của Mỹ tại California, hãng chuyên nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc kháng virus để chữa trị HIV, viêm gan C cùng một số loại cúm dịch bệnh. Gilead Sciences thoạt đầu đã nghiên cứu tiền dược phẩm Remdesivir cho việc chữa trị Ebola sáu năm trước. Ứng dụng cùng các hoạt chất tương tự đã được hãng Gilead nộp bằng sáng chế và cầu chứng toàn cầu, kể cả tại Trung Quốc hồi 2016, tuy nhiên hồ sơ của họ vẫn chưa được thông qua tại Trung Quốc. Đến nay thì Remdesivir vẫn chưa được cơ quan y tế liên bang chấp thuận hay cấp giấy phép do các tiêu chuẩn an toàn gắt gao của Hoa Kỳ. Khi dịch nCov xảy ra, Remdesivir cho thấy có những tác dụng chữa trị khá tích cực với nCov trên súc vật. Theo đề nghị từ nhóm bác sĩ chữa trị và được FDA xem xét chấp thuận, nó được sử dụng lần đầu tiên với người, trong trường hợp khẩn cấp và đặc biệt với bệnh nhân tại Washington nói trên.

Khoa học đòi hỏi thời gian và sự chính xác nên chỉ một ca bệnh đầu tiên khó lòng xác định mức độ an toàn và hiệu nghiệm của thuốc. Dù vậy việc chữa trị này đã mang lại một tín hiệu lạc quan trong việc nghiên cứu thành công loại thuốc chữa nCov được sớm có mặt trên thị trường. Các bác sĩ tại bệnh viện Providence, hãng Gilead cùng các cơ quan y tế, viện đại học Mỹ và thế giới đều hy vọng Remdesivir sẽ mở đường cho việc sẽ có thuốc đặc trị dịch cúm nCov hiện nay.

Phối hợp cùng các cơ quan y tế liên bang Hoa Kỳ như FDA, CDC, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Gilead Sciences đã đề nghị giúp đỡ và mở rộng việc chữa trị thực nghiệm cho một số bệnh nhân giới hạn tại Vũ Hán và Bắc Kinh. Các liều thuốc Remdesivir đã được đưa sang Trung Quốc và cung cấp cho các bệnh viện địa phương.

Tuy nhiên chỉ một tuần sau khi các tin tức cho biết bệnh nhân tại Mỹ được chữa trị thành công và hãng Gilead đã bắt đầu chuyển thuốc sang Trung Quốc, cũng như đang phối hợp với giới chức y tế địa phương để chữa trị cho các bệnh nhân thì Viện Virus học Vũ Hán đưa ra thông cáo cho biết rằng họ đã "sáng chế" ra Remdesivir và cầu chứng để "bảo vệ quyền lợi quốc gia theo thủ tục quốc tế" như nói trên.

Họ cũng nói thêm rằng, dù vậy nhưng Trung Quốc sẽ "tạm thời không áp dụng tác quyền sáng chế của mình nếu các hãng dược phẩm ngoại quốc sẵn sàng đóng góp vào việc ngăn chặn cơn dịch". Có thể Trung Quốc lo ngại rằng sẽ tái diễn trường hợp như hãng Abbott Laboratories đã từng rút các thuốc chữa bệnh của mình ra khỏi Đông Nam Á sau khi bị Thái Lan xâm phạm đến các bằng sáng chế liên quan đến thuốc chữa trị HIV hồi 2006/2007.

Có những điểm tương tự bằng sáng chế của mình nhưng Gilead Sciences thận trọng từ chối bình luận về việc này vì cho rằng họ đã cầu chứng bằng sáng chế từ hơn ba năm trước trên khắp thế giới và tại Trung Quốc, chưa biết chính xác Viện Virus học Vũ Hán cầu chứng Remdesivir như thế nào vì thông thường những hồ sơ này chỉ được công bố sau khoảng 12 đến 18 tháng tại Trung Quốc. Bất luận thế nào thì Gilead vẫn tin rằng họ đã sở hữu bằng sáng chế căn bản về loại thuốc này và việc tranh chấp, nếu có xảy ra trong tương lai, chỉ đến khi Gilead biết chính xác Trung Quốc đã vi phạm điều gì. Còn mục tiêu lớn nhất hiện nay của họ là giúp cho cộng đồng y tế thế giới chống lại cơn dịch nCoV.

Những bằng sáng chế của các hãng Mỹ hay nước ngoài nộp tại Trung Quốc nhằm có thể được cấp giấy phép cho các thương phẩm của mình được bảo vệ và tiêu thụ tại thị trường này thường bị giữ lại rất lâu, đủ thời gian cho các hãng của Trung Quốc ăn cắp công nghệ hay bí mật của họ để tạo ra những sản phẩm, kỹ thuật tự cho là của mình. Thậm chí nhái theo đó để cầu chứng tay trên những bằng sáng chế.

Năm 2012, hãng Apple đã thua kiện tại Trung Quốc khi hãng Xinton Tiandi tại đây cầu chứng nhãn hiệu IPHONE cho túi xách và vỏ điện thoại của mình. Apple đã nộp đơn cho thương hiệu của mình năm 2002, nhưng không được chấp thuận cho đến năm 2013. Các tòa án Trung Quốc phán xét rằng Xinton Tiandi đã cầu chứng năm 2007, trước khi những iPhone đầu tiên vào thị trường Trung Quốc năm 2009 nên không thể xem thương hiệu iPhone là đã được cầu chứng độc quyền tại Trung Quốc trước đó.

Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO đặt văn phòng tại Geneva, Thụy Sĩ thì trong năm 2018, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Trung Quốc đã nhận đơn xin bằng sáng chế nội địa đến 1,54 triệu hồ sơ, dẫn đầu thế giới và cao hơn cả ba quốc gia theo sau là Mỹ, Nhật, Nam Hàn cùng Châu Âu cộng lại. Con số này không chứng tỏ sự tài ba hay trí tuệ của Trung Quốc mà cho thấy không biết có bao nhiêu sáng chế hay sản phẩm, kỹ thuật của thế giới có thể đã bị nhái hay đánh cắp rồi cầu chứng lại riêng trong nội địa. Bởi khi nộp ra nước ngoài thì chỉ còn lại khoảng hơn 60 ngàn hồ sơ, thấp hơn nhiều lần so với Mỹ và là một tỉ lệ rất thấp so với hàng triệu hồ sơ nội địa nói trên. Vì Trung Quốc hiểu rằng họ sẽ phải đối diện với phán quyết của tòa quốc tế nếu vi phạm tác quyền, thay vì dựa vào các tòa án trong nước luôn tiếp tay cho việc ăn cắp bản quyền của thế giới.

Câu chuyện bằng sáng chế thuốc Remdesivir này đã một lần nữa cho cộng đồng thế giới thấy được rủi ro các tài sản sở hữu trí tuệ của mình sẽ bị chiếm đoạt rất cao tại Trung Quốc ra sao. Đó là nguy cơ mà chính phủ Hoa Kỳ hiểu rõ và đã đưa vào các nghị sự trong cuộc thương chiến vừa qua. Trong cuộc họp với các thống đốc tiểu bang vài ngày trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng tái cảnh báo về nguy cơ bị Trung Quốc đánh cắp các bí mật thương mại và quốc phòng khi làm ăn với nước này. Tuy nhiên công bố về thỏa thuận được ký kết giai đoạn một giữa hai quốc gia hồi tháng Một vừa qua dường như chưa nhắc đến việc Trung Quốc cam kết sẽ bảo vệ tác quyền tài sản trí tuệ và từ bỏ việc buộc các hãng Mỹ phải chuyển giao công nghệ ra sao, ngoài việc Trung Quốc chỉ hứa sẽ mua thêm 200 tỉ hàng hóa trong vòng hai năm tới.

Sự trỗi dậy của một Trung Quốc ngày nay cũng một phần nhờ vào việc đánh cắp từ các phát minh, sáng chế, cho đến công nghệ, bí quyết của thế giới trong nhiều lãnh vực. Tìm ra thuốc chữa trị dịch bệnh nCoV đã có những tia hy vọng nhưng việc đối phó với virus Trung Quốc lắm thủ đoạn xem ra còn nhiều thách đố và không ít việc phải làm trong tương lai.

Đinh Yên Thảo

Nguồn : RFA, 12/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Ignatius, John Sudworth, Đinh Yên Thảo
Read 714 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)