Việt Nam, 2019 nCoV và những chuyện chưa ai chỉ giùm
Trân Văn, VOA, 12/02/2020
Chưa biết đến khi nào thảm họa có tính toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019 nCoV) gây ra sẽ bị chặn đứng. Tuy nhiên sinh hoạt và tương lai của một quốc gia không chỉ có chuyện đối phó với dịch. Cũng vì vậy, cần phải ngẫm nghĩ nhiều hơn về năng lực của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam khi có những dấu hiệu cho thấy các hệ thống này đột nhiên tê liệt trước rất nhiều vấn đề vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của họ…
Chưa biết đến khi nào thảm họa có tính toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019 nCoV) gây ra sẽ bị chặn đứng. Hình minh họa.
***
Trung Quốc vừa thông báo, thay vì mở lại các cửa khẩu phụ, các chợ nằm dọc biên giới Trung–Việt để Việt Nam có thể đưa hàng hóa sang lãnh thổ Trung Quốc từ 10 tháng 2 thì họ sẽ tiếp tục khóa cho đến cuối tháng này (1). Tuy thông báo ấy đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu gia đình nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên, miền Trung lún sâu hơn vào tình thế tuyệt vọng nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn ngậm tăm.
Việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát cả nhập cảng lẫn lưu thông hàng hóa trên thị trường để ngăn ngừa 2019 nCoV lây lan rộng hơn đã đẩy hàng triệu gia đình nông dân ở Việt Nam đến chỗ đối diện với nguy cơ phá sản. Vốn liếng do tích lũy nhiều năm mới có hay do vay mượn để nuôi thủy sản, để trồng mít, xoài, sầu riêng, dưa hấu, thanh long xuất sang Trung Quốc đã cũng như đang thối rữa vì không có đầu ra, kể cả khi giá bán nhiều loại nông sản đã rớt từ 6.000 đồng/ký xuống 500 đồng/ký như dưa hấu (2) !
Cho đến giờ, chỉ có một số cá nhân, một số nhóm và một số doanh nghiệp tổ chức các đợt vận động vận chuyển – phân phối nông sản bị ứ đọng để cứu nông dân (3), còn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn im hơi lặng tiếng. Trừ vài cán bộ xã như ông Vũ Quang Huy - Chủ tịch xã Ia Mlá, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai – loan báo quyết định miễn tiền bơm nước cho nông dân, không có bất kỳ viên chức hữu trách nào ở những cấp cao hơn cho biết sẽ làm gì để hỗ trợ nông dân !
Tương tự, người ta chỉ thấy các viên chức hữu trách xuất hiện – đưa ra những tuyên bố có tính biểu diễn về tinh thần trách nhiệm trong phòng - chống nCoV chứ không thấy bất kỳ viên chức hữu trách nào chứng tỏ họ đủ ý thức và khả năng đề ra các giải pháp ứng phó với những thảm họa khác mà tầm vóc, mức độ nguy hiểm cho kinh tế - xã hội Việt Nam không hề thua kém 2019 nCoV. Ví dụ : Phạm vi xâm nhập của nước mặn vào kênh, rạch, ruộng đồng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long giờ đã là 100 cây số (4) !
Ngay cả trong phòng – chống 2019 nCoV, các tuyên bố, cách ứng xử của những viên chức hữu trách cũng hết sức kỳ quái, khó hiểu. Chẳng hạn bất kể Trung Quốc đã chính thức thông báo với WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) về sự nguy hiểm của dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019 nCoV gây ra, Bộ Y tế Việt Nam vẫn dõng dạc khẳng định : Corona là bệnh lây lan hạn chế (5). Nếu hệ thống truyền thông chính thức tuân thủ yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông, "phải kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chức năng khi khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài" (6) thì làm sao nâng cao nhận thức phòng – chống dịch ?
Khi Bộ Y tế loan báo khuyến nghị của WHO, không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với người không bị bệnh (7) và Bộ Thông tin và truyền thông từng yêu cầu phải xử lý tất cả các cá nhân, cơ quan "cung cấp thông tin sai lạc, gây hoang mang, lo lắng trong xã hội" thì có "xử lý" Thủ tướng và Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội vì đã vạch ra viễn cảnh toàn dân phải đeo khẩu trang để phòng bệnh và dân chúng ở các thành phố lớn và khu vực biên giới phải mang khẩu trang trước hay không (8) ?
Tương tự, nếu đã tổ chức cách ly những tài xế vận chuyển nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đủ 14 ngày như một giải pháp để ngăn ngừa 2019 nCoV lây lan (9), tại sao lại cho phép ngành đường sắt vận hành hệ thống tàu liên vận Việt – Trung và ngành hàng không thực hiện các chuyến bay chở hàng đến Trung Quốc mà không đòi hỏi cách ly những người điều khiển các phương tiện giao thông cho đủ 14 ngày mà chỉ nhắc nhở "phải đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn" (10) ?
Qua một số ví dụ như vừa kể, dường như vấn đề quan trọng nhất, đáng bận tâm nhất không đơn thuần là diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019 nCoV tại Việt Nam sẽ như thế nào mà là các viên chức hữu trách có đủ trí tuệ, bản lĩnh và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có đủ khả năng ứng phó hữu hiện với các thảm họa, những tình huống khẩn cấp đe dọa quốc gia, dân tộc nhằm hạn chế thiệt hại, biến nguy thành an hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/02/2020
Chú thích :
(3) https://baotainguyenmoitruong.vn/nong-san-be-tac-vi-dich-corona/298806.html
(4) https://tuoitre.vn/giam-thiet-hai-do-xam-nhap-man-dbscl-mot-thach-thuc-lon/20200209083752088.htm
(5) https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bo-y-te-corona-la-benh-lay-lan-han-che-4060948-v.html
(9) https://plo.vn/xa-hoi/nuoc-mat-cua-nhung-tai-xe-xe-container-truoc-gio-cach-ly-888568.html
(10) https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/thu-tuong-cho-phep-giao-nhan-hang-hoa-tai-cua-khau-chay-tau-lien-van-bay-cho-hang-nhung-phai-tuyet-doi-an-toan-131239.html
*****************
Virus corona (CoVid-19) : Cơ hội để thay đổi ?
Chiến Thành, RFA, 12/02/2020
Đối phó với dịch CoVid-19, dân Trung Quốc "tam thoái" (bỏ đi ba thứ) để tự cứu bản thân và gia đình. Ở Việt Nam, "nhạt đảng, khô đoàn, xa chính trị" rồi ra cũng có thể trở thành cao trào như "ba thoái". Nhưng khi đại dịch và đại lễ chập làm một, tiếng chuông cảnh báo được gióng lên, phản bác lại nền chính trị thủ dâm hạ đẳng.
Hình minh họa. Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đưa bệnh nhân vào bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Vũ Hán hôm 25/1/2020 AFP
Ngày 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loan báo là dịch bệnh do virus corona mới gây ra, được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái, nay được chính thức đặt tên là "CoVid-19" . Tổ chức này cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại (11/2), có 42.708 ca lây nhiễm tại Trung Quốc với 1.017 người thiệt mạng. Trong khi đó 393 ca lây nhiễm khác được xác nhận tại 24 nước trên toàn thế giới với một người thiệt mạng bên ngoài Trung Quốc là ở Philippines.
"Tam thoái" để tự cứu
Giới phân tích cho rằng, hiện nay Tập Cận Bình đang phải đương đầu với cả bệnh dịch lẫn tình hình chính trị trong nước. Tại bài viết "Lãnh đạo Trung Quốc chiến đấu trên hai mặt trận – virus và chính trị – tờ Wall Street Journal (ngày 3/2) nhận định, ông Tập đang đối diện với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp, đó là cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Với các chỉ trích cho đến nay về suy thoái kinh tế, cuộc chiến thương mại với Mỹ và biểu tình dân chủ Hong Kong, ông Tập chủ yếu đổ lỗi cho "các thế lực thù địch nước ngoài".
Nhưng với dịch CoVid-19 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và ông Tập khó có thể đổ lỗi bệnh dịch cho một thế lực thù địch nước ngoài nào đó. Từ các thành phố lớn đến các quận huyện, nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy an nguy của họ và gia đình bị đe dọa trực tiếp. Mối lo của họ tạo ra một cuộc khủng hoảng đánh vào tâm điểm những tuyên bố lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập, cũng như hệ thống độc tài toàn trị mà ông đi tiên phong và cổ động như một mô hình cho thế giới noi theo.
Mối lo, và sự giận dữ của dân Trung Quốc bùng nổ lớn trước tin cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng bị chính phủ tìm cách bưng bít, sau khi đã bưng bít tin tức về virus corona khi nó mới bộc phát. Bác sĩ Lý Văn Lượng, qua đời lúc 34 tuổi, vì bị nhiễm bệnh khi làm việc tại bệnh viện Vũ Hán, chính là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về nguy cơ virus corona, do đó anh bị Công an triệu tập, rồi bị bắt vì tội "đưa ra những bình luận sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".
Cái chết của người bác sĩ Trung Quốc tìm cách cảnh báo về sự bùng phát của virus corona mà không thành, đã gây ra sự phẫn nộ và đau buồn công khai trên toàn đại lục. Đi cùng với đau buồn và giận dữ là sự mất niềm tin vào chính quyền, hạt mầm của những bất đồng chính kiến. Cơ quan kiểm duyệt chính phủ Trung Quốc hiện đang cố lấp liếm để chống lại những ý kiến phản đối.
Thật bất ngờ khi biết rằng, từ khi dịch bệnh mất kiểm soát, người dân Trung Quốc ồ ạt thực thi "tam thoái" để tự cứu mình. Từ đầu mùa dịch đến nay, một số lượng lớn người dân Đại lục đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyên bố "tam thoái", rút khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của Đảng cộng sản Trung Quốc và các tổ chức liên quan, với niềm tin, chỉ có rời xa khỏi Đảng cộng sản Trung Quốc mới có thể bảo toàn tính mạng và bình an cho mình.
Dịch bệnh Vũ Hán cũng làm nhiều người dân thức tỉnh. Ngày 27/1, một người công nhân ở Vũ Hán đã đặt cho mình một bút danh "Muốn sống", tuyên bố rút khỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản. Anh nói, đã hai ngày kể từ khi anh ấy bị sốt, ho và tiêu chảy, đi bệnh viện cũng không tìm được bác sĩ, đành phải mua chút thuốc trong một hiệu thuốc. Anh không biết mình có đang mắc phải căn bệnh truyền nhiễm đang lưu hành hay không.
Anh đã nhìn thấy có rất nhiều bệnh nhân đau khổ giày vò, không được bác sĩ điều trị, anh không cam tâm cứ như vậy mà chết đi. Anh từng nghe người thân nói, rút khỏi đảng, đoàn, đội là có thể bảo đảm an toàn, chi tiết về người thân cũng không dám nói trên điện thoại. Anh không thể truy cập Internet ở nhà, vì thế anh đã gọi điện cho bạn cùng lớp, nhờ họ giúp anh tuyên bố rút khỏi đoàn trên trang web của "Epoch Times".
Cháu Dương Dương, người tỉnh Hồ Bắc, tuyên bố rút khỏi đội thiếu niên tiền phong, viết : "Dịch bệnh này ở Hồ Bắc, Trung Quốc là do thiên tai và nhân họa gây ra ! Vì thành tích, đám quan chức che giấu tình hình thực tế, xem mạng người như cỏ rác ! Trong thời điểm quan trọng còn ca múa mừng cảnh thái bình mỗi ngày, nói suông nghe thật êm tai. Hành vi của Đảng cộng sản Trung Quốc thật buồn nôn ! Trời chu đất diệt Đảng cộng sản Trung Quốc !"
Một nền chính trị thủ dâm
Mấy ngày nay, cộng đồng mạng ở ta ồn ào về bài viết "Ngạo nghễ Việt Nam", dẫn câu minh họa : "Bay thẳng vào tâm dịch để đón 30 công dân của mình về nước chăm sóc. Chỉ có thể là Việt Nam !" Tút này tới giờ có lẽ đã đạt tới vài vạn reactions với hàng chục ngàn chia sẻ. Tại đó, tiếng cười chua chát, mỉa mai không ít, nhưng đáng buồn hơn là có rất nhiều "những trái tim bốc lửa" hay "những cái like" rất đỗi tự hào. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ ta sẽ thấy, đó chủ yếu là một lượng lớn các like ảo. Một tút FB có tới chục ngàn lượt chia sẻ, nhưng chỉ có vài chục comments ít ỏi. Điều đó cho thấy một phong trào thủ dâm tập thể có chủ đích của nhiều bên, với sự đạo diễn mà ai cũng biết đó là ai. (Ban Văn hóa Tư tưởng là người lãnh đạo các "bò đỏ" ấy !).
Hình minh họa. Người phụ nữ được đưa về Việt Nam từ Vũ Hán bế một em bé khi đến sân bay Vân Đồn hôm 10/2/2020 AFP
"Thủ dâm" kiểu nói trên dĩ nhiên thấp kém hơn tuyên bố "tự sướng" của Nguyễn Phú Trọng ngày 20/1 : "Hiếm có đảng cầm quyền nào trên thế giới được dân tin yêu như Đảng ta". Tuyên bố này của ông Trọng được đưa ra vào thời điểm công luận vẫn chưa ngớt chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam về hành động được cho là "thất nhân tâm" khi thực hiện cuộc đột kích vào làng Đồng Tâm khiến cho "thủ lĩnh tinh thần" của người dân làng – ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – và 3 công an thiệt mạng vào ngày 9/1, ngay thời điểm sát Tết Nguyên Đán. Trở lại với "pros and cons" của cái tút nói trên, dư luận đòi hỏi chính quyền làm rõ những điều dưới đây :
i) Các nước đã di tản công dân bằng đường hàng không từ hơn tháng nay. Riêng Bắc Triều Tiên, do có nguồn tin đặc biệt, đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc cả tháng, trước khi dịch bệnh được công bố. Tại sao giờ này Việt Nam mới làm ? ii) Đi kèm với chuyến bay di tản này là đợt chuyển hàng hóa viện trợ của Việt Nam tới Vũ Hán. Và có thể đó mới là lí do chính của chuyến bay. Ấy vậy nhưng khi chính quyền Trung Quốc cảm ơn sự giúp đỡ quốc tế, đã "quên hẳn" nhắc đến Việt Nam.
iii) Số lượng người Việt học tập, lao động ở Vũ Hán là bao nhiêu ? Nghe nói số sinh viên còn kẹt lại ở đấy lên đến con số vài ba trăm. Vậy tại sao chuyến bay lại chỉ mang về chưa đầy 30 người ? iv) Trong số những người được chở về, ảnh chụp lưu niệm chỉ là 26. Vậy những người không hiện diện là những ai, tại sao họ vắng mặt ? v) Diễn đàn Sinh viên Việt Nam ở Trung Quốc có một tút nói về việc họ không đủ tiền để "được" đón về. Cái giá được đón như phản ánh là 1.000 USD. Thực hư việc này như thế nào ?
Lại nữa, Thủ tướng hô hào "chống dịch như chống giặc", nhưng khi người dân muốn mua khẩu trang và thuốc sát trùng thì tiếc thay, các mặt hàng này không những lên giá cao gấp nhiều lần, mà tự nhiên thấy "đồng loạt bốc hơi" khỏi các quầy hàng trong mọi hiệu thuốc ngay giữa thủ đô Hà Nội. Giới chức Việt Nam buộc phải xác định việc găm hàng và đội giá hàng là phạm pháp, nhưng có thật là họ bất lực trong việc chặn các nhà thuốc tuồn khẩu trang ra ngoài cho dân buôn, thay vì phục vụ nhu cầu phòng chống dịch ?
Theo báo Thanh Niên, trong hai ngày 8 và 9/2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã bắt giữ 2 vụ xuất lậu khẩu trang y tế sang Trung Quốc, thu giữ hàng vạn chiếc. Vào tối ngày 8/2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cũng bắt giữ một vụ khác đang vận chuyển 7.500 khẩu trang y tế sang Trung Quốc. Bộ Công thương cũng cho biết từ ngày 31/1 đến ngày 9/2, Bộ này đã xử lý hơn 3.500 vụ vi phạm tại các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên cả nước.
Nếu một trận dịch quy mô như Vũ Hán xảy ra ở Việt Nam, người dân có thể tin những gì báo chí chính quyền nói và tin vào những trấn an theo cách như giới chức các tỉnh miền Trung từng đi tắm biển và rủ nhau ăn mực hồi vụ khủng hoảng Formosa ? Ấy vậy nhưng lực lượng dư luận viên vẫn ra sức "nâng bi" chế độ, kể cả khi sự an toàn sức khỏe và thậm chí sinh mạng của mình lẫn người thân đặt may rủi vào niềm tin "mọi việc đã có đảng và nhà nước lo" ? Vậy xin hỏi có gì đáng để "Ngạo nghễ" hay "Tự hào lắm, Việt Nam ơi" ?
Chiến Thành
Nguồn : RFA, 12/02/2020
Mời tham khảo thêm tại :
- VOA, ngày 12/2/2020 : Mỹ tăng cường rà soát các cửa khẩu giữa mùa dịch corona
- https://www.wsj.com/articles/chinas-leader-wages-a-war-on-two-frontsviral-and-political-11581116451
- https://www.facebook.com/haivl.com/photos/a.384077014974098/4326520040729756/