Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/02/2020

Philippines trở mặt : thế chiến lược Biển Đông hứa hẹn nhiều thay đổi

Nhiều tác giả

Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc đe dọa sự ổn định ở Thái Bình Dương

RFA, 13/02/2020

Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và đang làm suy yếu sự ổn định tại khu vực này.

phi001

Đô đốc Philip Davidson tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12/02/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình c-span.org

Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tuyên bố như vừa nêu trong một bài phát biểu tại Sydney vào hôm thứ Năm, ngày 13/2, nhân chuyến thăm nước đồng minh Australia và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Reuters, trong cùng ngày dẫn lời của Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hoàn toàn phản đối chính sách của Trung Quốc ở Thái Bình Dương vì "yêu sách chủ quyền quá mức, ngọai giao bẫy nợ, vi phạm các hiệp định quốc tế, trộm cắp sở hữu trí tuệ quốc tế, đe dọa quân sự và tham nhũng trắng trợn".

Đô đốc Philip Davidson, trong bài diễn văn còn nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm phương cách để kiểm soát về thương mại, tài chính, truyền thông, chính trị và luôn cả cách sống tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc được cải thiện hồi tháng 1 năm 2020 qua việc ký kết một thỏa thuận thương mại giữa hai nước sau cuộc thương chiến kéo dài 18 tháng gây tác động đến sự tăng trưởng toàn cầu.

Tuyên bố của Đô đốc Philip Davidson hôm thứ Năm ở Sydney được cho là có khả năng gây căng thẳng với Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Australia chưa có phản ứng tức thời nào trước những phát biểu mang tính chỉ trích của giới chức quân sự hàng đầu Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson.

Trước đó, Trung Quốc từng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc về hành vi hung hăng và dụ dỗ các nền kinh tế nhỏ vướng vào "bẫy nợ" của Bắc Kinh.

Trung Quốc được nói đã tích cực hơn trong việc khai thác khu vực Thái Bình Dương giàu tài nguyên trong những năm gần đây, qua việc tìm cách mở rộng ảnh hưởng bằng viện trợ và khuyến khích các nước tránh xa quan hệ ngoại giao với Đài Loan, mà Trung Quốc gọi là lãnh thổ thuộc Hoa Lục, không phải là một quốc gia.

Đặc biệt, những động thái ngày càng gia tăng khẳng định chủ quyền gần trọn Biển Đông của Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại của Hoa Kỳ ở khu vực biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với Trung Quốc bao gồm Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam.

*******************

Ngưng thỏa thuận quân sự Mỹ - Philippines : Trump nói "tiết kiệm" được nhiều tiền

Minh Anh, RFI, 13/02/2020

Sau khi Philippines thông báo hủy Thỏa Thuận Thăm Viếng Quân Sự (VFA) với Hoa Kỳ, chính quyền Donald Trump và giới quân sự Mỹ đã có những phản ứng trái ngược nhau.

phi01

Tổng thống Duterte và ngoại trưởng Mỹ Pompeo tại một căn cứ không quân ở Manila ngày 28/02/2019. Reuters

Trả lời báo chí ngày 12/02/2020 về thông báo của Manila hủy thỏa thuận quân sự giữa Philippines với Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ tuyên bố thỏa thuận này "thật sự chưa bao giờ làm ông phải bận tâm đến". Nguyên thủ Mỹ còn nói thêm rằng "nếu ông ấy muốn như thế, thì tôi sao cũng được. Không thành vấn đề, điều này có thể giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều tiền".

Trước đó, đại sứ Mỹ tại Manila bày tỏ quan ngại, cho rằng xem quyết định này là "nghiêm trọng". Một quan điểm cũng được giới quân sự đồng chia sẻ. Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, trả lời hãng tin AFP ngày 13/02/2020, đánh giá thông báo hủy thỏa thuận quân sự với Philippines có thể gây khó khăn cho cuộc chiến chống khủng bố.

Đô đốc Mỹ hy vọng Manila xem xét lại quyết định chấm dứt "Thỏa Thuận Thăm Viếng Quân Sự", được ký kết vào năm 1998. Thỏa thuận này tạo một khuôn khổ pháp lý cho phép lính Mỹ đồn trú tại Philippines và tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.

Kể từ khi lên cầm quyền năm 2016, tổng thống Rodrigo Duterte không ngừng đe dọa chấm dứt liên minh quân sự với Mỹ để nghiêng về phía Nga và Trung Quốc.

Minh Anh

*********************

Philippines hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ, cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông

Anh Vũ, RFI, 12/02/2020

Sau nhiều lần đe dọa, cuối cùng, hôm 11/02/2019, chính quyền của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng quân sự (Visiting Forces Agreement - VFA) với Hoa Kỳ. Giới chuyên gia lo ngại việc Philippines khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ không chỉ làm rạn vỡ mối quan hệ liên minh Mỹ-Philippines mà còn có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng quân sự hóa Biển Đông.

phi1

Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận với quân đội Philippines tại tỉnh Zambal. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/04/2019. Reuters/Eloisa Lopez

Người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, hôm qua giải thích, tổng thống Duterte quyết định hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự với Mỹ để cho phép Philippines độc lập hơn trong quan hệ với các quốc gia khác và "tổng thống sẽ không xem xét bất cứ đề xuất nào đến từ chính phủ Mỹ nhằm cứu vãn VFA".

Việc nguyên thủ Philippines đơn phương hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ có thể làm suy giảm các lợi ích của Washington tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc đang gia tăng. Bên cạnh đó, quyết định này cũng hạn chế sự tiếp cận của Philippines đối với các hoạt động huấn luyện và đào tạo của Mỹ trong việc đối phó với Hồi giáo cực đoan, thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa an ninh hàng hải khác.

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines đã tồn tại từ lâu, được ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ chung (Mutual Defense Treaty-MDT) được ký vào năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement -EDCA) đạt được năm 2014 với chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama.

VFA được ký vào năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999. Thỏa thuận tạo cho quân đội Hoa Kỳ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo… Có khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.

Thỏa thuận VFA ra đời trong bối cảnh Philippines đang phải đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc trên các vấn đề chủ quyền biển đảo trong khi mà các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines đã đóng cửa và ít nhiều đã có tác dụng hữu hiệu bảo đảm an ninh cho Philippines từ đó đến nay.

Quan hệ giữa Mỹ và Philippines dưới thời ông Duterte liên tục xuống cấp khi mà Washington thường xuyên chỉ trích chiến dịch chống ma túy của nước này. Tổng thống Rodrigo Duterte thường chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ, tỏ ra sẵn sàng ngả sang với Trung Quốc hay Nga, bất chấp mối quan hệ lịch sử chặt chẽ của quân đội Philippines với đối tác Hoa Kỳ.

Hơn ai hết, tổng thống Duterte hiểu rõ rằng, một khi Hiệp định VFA bị hủy bỏ, Philippines lại là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Chính ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin mới đây cũng đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines. Đó là chưa kể, quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có nguy cơ trở nên lạnh nhạt.

Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách sửa đổi, thậm chí hủy bỏ nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ chung hay Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng cũng như ngừng các hoạt động tập trận, huấn luyện chung với quân đội Philippines.

Nhiều quan chức Philippines cũng cảnh báo, việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng hàng đầu với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông - vùng biển vốn đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Sự hiện diện quân sự Mỹ ngăn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Theo nhận định của trang tin The Diplomat, việc hủy thỏa thuận VFA sẽ đưa mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines trở lại trạng thái của đầu thập kỷ 1990. Đó là một mối liên minh không có sự hiện diện của quân sự của Mỹ. Nhật báo Philippines, Manila Times, hôm qua bình luận : "Chúng ta hãy nhớ rằng sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung Quốc đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, đó là nơi mà quân đội Philippines và Mỹ vẫn dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của chúng ta quá yếu để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào các dải đá ngầm đó".

Đề cập đến quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Philippines, các chuyên gia quân sự và hàng hải ở Philippines đều có chung nhận định, Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi nhất khi mối quan hệ Mỹ-Phi đổ vỡ. Tại Philippines, giới quan sát đều nhận thấy thỏa thuận VFA với Hoa Kỳ đã từng có tác dụng ngăn chặn Trung Quốc gia tăng xây dựng các công trình quân sự hóa các bãi cạn ở vùng Biển Tây Philippines từ năm 2016.

Philippines để mất VFA, Trung Quốc sẽ có cơ hội trở lại với những toan tính của họ từ lâu về các bãi cạn của Philippines. Trong phiên điều trần của Thượng viện Philippines tuần trước, ông Locsin cảnh báo rằng việc bãi bỏ thỏa thuận an ninh với Washington sẽ làm suy yếu an ninh của Philippines và thúc đẩy sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đang tranh chấp.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong tuyến đường thủy chiến lược này đã được coi là một đối trọng quan trọng với Trung Quốc, nước đã tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

Đòn mạnh vào quan hệ liên minh của Mỹ ở Châu Á

Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự chấm dứt còn làm phức tạp thêm cho mối quan hệ Mỹ - Phi. Washington, trong thời gian qua, duy trì được mối quan hệ đồng minh với Manila không hề dễ dàng, giờ không còn VFA là một đòn đánh mạnh vào quan hệ liên minh truyền thống của Mỹ ở Châu Á từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhất là vào lúc mà Hoa Kỳ đang tập trung cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực với các cường quốc như Trung Quốc và Nga.

Với Manila, không có thỏa thuận VFA, nguồn lực bảo đảm an ninh cho Philippines bị giảm đáng kể trong khi mà tiềm lực quân sự của nước này vẫn còn rất hạn chế và mối đe dọa của Trung Quốc là có thực.

Trong Châu Á Thái Bình Dương nhìn chung, mối quan hệ liên minh Phi-Mỹ rạn nứt sẽ làm tăng thêm mối lo ngại mất cân bằng trong vùng giữa lúc Mỹ đang cố gắng làm tròn vai trò kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Tất nhiên Philippines vẫn chỉ là một nước mà mối quan hệ đồng minh với Mỹ không thể được coi là ưu tiên như với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng việc bị một đồng minh quay lưng khiến cho các hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực trở nên mất độ tin cậy và điều đó có ý nghĩa rất lớn cho những toan tính và tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.

The Manila Times, số ra hôm 11/02 nhấn mạnh : Mối liên minh quốc phòng giữa Philippines và Mỹ từ nhiều thập kỷ qua là cơ sở cho sự ổn định không chỉ riêng với Philippines mà còn cả với các láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 12/02/2020

*********************

Philippines muốn 'gần Trung, xa Mỹ'

BBC, 12/02/2020

Philippines chính thức báo với Mỹ rằng họ đang hủy bỏ một hiệp ước an ninh cho phép quân đội Mỹ huấn luyện và tham gia các cuộc tập trận chung ở Philippines.

phi2

Hiệp ước an ninh vừa bị hủy bỏ cho phép quân đội Mỹ huấn luyện và tham gia các cuộc tập trận chung ở Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ lâu đã đe dọa sẽ rời xa đồng minh lâu năm là Mỹ và tập trung vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines viết trên Twitter rằng thông báo chính thức về việc này đã được đưa ra, liên quan đến Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự, được ký kết năm 1988.

Thông báo này bắt đầu giai đoạn 180 ngày cho tới khi thỏa thuận hết hiệu lực.

Mỹ nói động thái này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ giữa hai nước.

Tháng trước, Tổng thống Rodrigo Duterte cảnh báo rằng ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận nói trên sau khi Mỹ thu hồi visa du lịch cấp cho một đồng minh chính trị.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau về vai trò tương lai của quân đội Hoa Kỳ tại Philippines kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2016.

Theo Inquirer, kể từ năm 2016, ông Duterte đã nhiều lần ám chỉ sẽ cắt đứt quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ và theo đuổi quan hệ với các nước không phải là đồng minh truyền thống như Trung Quốc và Nga.

Nhà lãnh đạo Philippines đã công khai bày tỏ sự thất vọng đối với chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến các phát biểu của một số quan chức Mỹ phản đối cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông ta.

Sự bất hòa hiện tại đã được khơi mào khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết trừng phạt các quan chức Philippines liên quan đến cuộc chiến ma túy và việc giam giữ Thượng nghị sĩ bất đồng chính kiến Leila De Lima.

Ông Duterte đã ra lệnh chấm dứt hiệp ước quân sự sau khi Hoa Kỳ hủy bỏ thị thực của Thượng nghị sĩ trung thành Ronald "Bato" Muff Dela Rosa, người cũng lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông Duterte.

Nguồn : BBC, 12/02/2020

****************

Manila hủy Hiệp ước cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại Philippines

Trọng Thành, RFI, 11/02/2020

Chính quyền của ông Duterte vừa đưa ra một quyết định có ảnh hưởng hệ trọng đến quan hệ Mỹ-Philippines. Manila thông báo khởi động thủ tục hủy bỏ Hiệp ước Thăm viếng quân sự với Mỹ. Nhiều người lo ngại chính sách của tổng thống Duterte cắt đứt quan hệ hợp tác quân sự với Washington sẽ làm suy yếu khả năng tự vệ của Philippines tại Biển Đông, trước đà bành trướng Trung Quốc.

phi3

Toàn cảnh khu doanh trại của thủy quân lục chiến Mỹ trong cuộc tập trận bắn đạn thật Mỹ-Philippines ở Capas, tỉnh Tarlac, phía bắc Manila. Ảnh tư liệu chụp ngày 10/10/2016. TED ALJIBE / AFP

Theo AFP, Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay cho biết đã gửi đến sứ quán Mỹ tại Manila thông báo về việc hủy bỏ Hiệp ước Thăm viếng quân sự với Mỹ (Visiting Forces Agreement - VFA). Thỏa thuận ký năm 1998 cho phép Mỹ đưa các đơn vị quân đội qua Philippines để tham gia tập trận chung hay giúp đỡ chống khủng bố. Hiệp Ước sẽ chính thức hết hiệu lực trong vòng 180 ngày, từ kể hôm nay.

Chính quyền Philippines, kể từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống năm 2016, liên tục đe dọa sẽ hủy bỏ Hiệp ước Thăm viếng quân sự nói trên, và liên minh quân sự nói chung với Washington, để nghiêng về phía Nga và Trung Quốc, gần đây nhất là vào hồi tháng 1/2020, để trả đũa lại việc Mỹ hủy thị thực nhập cảnh đối với cựu lãnh đạo cảnh sát quốc gia Ronaldo Dela Rosa, hiện đang đảm nhiệm cương vị thượng nghị sĩ. Chính quyền Duterte coi việc Hoa Kỳ trừng phạt cựu lãnh đạo cảnh sát nói trên là một hành động trừng phạt nhắm vào cuộc chiến chống nạn buôn lậu ma túy, do chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chủ trương. Cuộc chiến đẫm máu chống buôn lậu ma túy bị nhiều tổ chức quốc tế lên án xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Hiệp ước Thăm viếng quân sự với Mỹ (VFA) gây phân hóa sâu sắc xã hội Philippines. Một bộ phận cánh tả và nhiều thành phần dân tộc chủ nghĩa lên án một hiệp ước dành nhiều biệt đãi cho các quân nhân Mỹ, bị cáo buộc phạm tội ác. Ngược lại, những người ủng hộ VFA cho rằng việc hủy bỏ hiệp ước làm tổn hại đến khả năng tự vệ của quần đảo, và gây khó khăn cho các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế các tham vọng của chính quyền Trung Quốc tại Biển Đông.

Phản ứng lại quyết định của Manila, sứ quán Hoa Kỳ tại Philippines ra thông cáo nhấn mạnh : "Đây là một quyết định nghiêm trọng để lại những hệ quả quan trọng cho liên minh giữa Hoa Kỳ và Philippines", nhưng đồng thời khẳng định phía Mỹ "sẽ xem xét cẩn trọng về phương thức tốt nhất để thúc đẩy các lợi ích chung của chúng ta". Việc hủy bỏ Hiệp Ước VFA để ngỏ cánh cửa cho các thương lượng mới giữa Manila và Washington trong lãnh vực hợp tác quốc phòng.

Trên thực tế, Mỹ và Philippines gắn bó với những quan hệ liên minh lâu đời, không dễ một sớm một chiều hủy bỏ. Năm 1951, Washington và Manila ký kết một Hiệp ước phòng thủ chung, theo đó, hai bên có nghĩa vụ bảo vệ nhau, nếu một trong hai nước bị xâm lăng.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 11/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Anh Vũ, BBC tiếng Việt, Trọng Thành
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)