Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/02/2020

Lãnh đạo Việt Nam và bài học trong quan hệ với Trung Quốc

Diễm Thi

Bài học cho Việt Nam

Ngày 17/02/1979, Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 16/03/1979.

quanhe1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. AFP

Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, sau đó tuyên bố Trung Quốc đã đạt được chiến thắng về chính trị và chiến thắng chung cuộc, đồng thời khẳng định quân Trung Quốc "đã có thể tiến thẳng tới Hà Nội nếu muốn".

Phía Việt Nam cũng khẳng định đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Phải mất hơn 10 năm sau, năm 1991, quan hệ ngoại giao hai nước Việt-Trung mới chính thức được bình thường hóa.

Ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử hơn 30 năm tại Việt Nam, nhận định rằng học thuyết đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Marx-Lenin hoàn toàn phá sản sau cuộc chiến này, bởi chủ nghĩa Marx-Lenin nhấn mạnh đấu tranh giai cấp giữa hai hệ thống đối lập là tư bản và cộng sản. Cuộc chiến tranh biên giới lại là cuộc chiến giữa đồng chí với đồng chí. Ông nói thêm về mối quan hệ hai nước sau chiến tranh :

"Từ khi Việt Nam và Trung Quốc trở lại quan hệ bình thường do những cam kết của lãnh đạo cao cấp hai bên thì chính phủ Việt Nam dường như muốn quên đi quá khứ đau buồn đó để hướng tới tương lai. Nhưng Trung Quốc thì họ không quên, hàng năm họ vẫn tưởng niệm cuộc chiến tranh mà họ gọi là ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Chúng ta muốn quên đi cũng không được vì cuộc chiến này để lại cho hai nước quá nhiều hệ quả cho đến hôm nay mặc dù đã bình thường hóa quan hệ.

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc để lại cho Việt Nam một bài học rất lớn mà Nhà nước cần phải thấm nhuần. Tức là "không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi của quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn mà thôi". Đó là điều Việt Nam phải nhớ nằm lòng".

Dù cuộc chiến qua đi đã 41 năm, hai nước đã bình thường hóa quan hệ với phương châm 4 tốt : Láng giềng tốt - bạn bè tốt - đồng chí tốt - đối tác tốt và 16 chữ vàng : Láng giềng hữu nghị - Hợp tác toàn diện - Ổn định lâu dài - Hướng tới tương lai, nhưng mối quan hệ giữa hai nước vẫn bất bình đẳng. Việt Nam vẫn thua thiệt rất nhiều so với Trung Quốc do lệ thuộc về kinh tế, mắc mứu về chính trị, nhất là tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Dường như Trung Quốc không thực sự coi Việt Nam là bạn, mà luôn khống chế Việt Nam, coi Việt Nam là một nước chư hầu của mình.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông nhận định :

"Vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ Việt Trung bây giờ là Biển Đông. Trung Quốc đã có rất nhiều hành động như năm 2011 thì cắt cáp, năm 2014 thì đặt giàn khoan, năm 2019 thì cho tàu thăm dò dầu khí vào quấy nhiễu 113 ngày. Hành động của phía Việt Nam thì khác nhau tùy từng giai đoạn. Nếu năm 2014 rất mạnh mẽ, quyết liệt thì năm 2019 lại nhẹ nhàng, hòa hoãn. Năm 2017, trước sức ép của Trung Quốc, Việt nam yêu cầu Repsol phải rút khỏi khu vực Cá rồng đỏ.

Như vậy nếu nói về kinh tế thì rõ ràng Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc là khá nhiều".

Theo ông Đinh Kim Phúc, mối quan hệ bất bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn xảy ra vì Việt Nam vẫn còn ảo tưởng rằng hai nước có chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc không phải là xã hội chủ nghĩa, và trên thế giới hiện nay cũng không có một quốc gia nào là xã hội chủ nghĩa (kể cả Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cuba) mà họ xây dựng cái màu sắc xã hội chủ nghĩa đó theo hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia theo quyền lợi chiến lược của họ mà thôi, chứ không theo nguyên tắc của chủ nghĩa Marx-Lenin đã đề ra.

Mãi là quan hệ bất bình đẳng

quanhe2

Những nhà hoạt động mang tấm biểu ngữ phản đối Trung Quốc nhân lễ kỷ niệm 37 năm cuộc chiến Biên giới 17/2/1979, ở Hà Nội hôm 17/2/2016 - AFP

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trải qua rất nhiều thăng trầm từ hàng ngàn năm qua do Trung Quốc luôn muốn xâm chiếm Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định mối quan hệ hai nước đi từ chiến tranh đến hữu hảo - nhún nhường - nhẫn nhục. Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng đây là điều bình thường của tất cả các quốc gia trong khu vực chứ không chỉ riêng Việt Nam. Ông phân tích :

"Vì trải qua thời gian chiến tranh, nên dù mang tiếng là bình thường hóa nhưng phải mất một thời gian dài quan hệ hai nước mới được cải thiện.

Đến bây giờ thì quan hệ hai nước đã có những mặt được cải thiện rất nhiều nhưng có sự nhún nhường, nhẫn nhục.

Nhún nhường thì đương nhiên, cũng dễ hiểu vì Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc, là láng giềng của Trung Quốc mà lại nhỏ hơn, yếu hơn Trung Quốc rất nhiều. Nói cho cùng thì không chỉ Việt Nam mà những quốc gia khác trong khu vực Đông nam Á cũng đều cần lợi ích từ Trung Quốc và đương nhiên cũng phải có sự nhún nhường nhất định".

Năm 1979, Trung Quốc tuyên bố muốn ‘dạy cho Việt Nam một bài học’ nên đem quân đánh Việt Nam. Bây giờ Trung Quốc lại muốn xâm chiến Biển Đông. Vậy liệu Trung Quốc cho dạy cho Việt Nam bài học nào nữa hay không ?

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt thì những khúc mắc, xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục xảy ra bởi mặc dù phía Việt Nam luôn khẳng định quan điểm bất biến là chủ quyền không thay đổi, bằng mọi cách phải bảo vệ chủ quyền cũng như muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không muốn phá vỡ tình hữu hảo với Trung Quốc.

Nhưng phía Trung Quốc lại luôn khẳng định Biển Đông là lợi ích cốt lõi và luôn muốn thực hiện trong thực tế đường lưỡi bò họ tự vẽ ra.

Ông Đinh Kim Phúc khẳng định bất cứ một chế độ nào khác xuất hiện ở Trung Quốc, kể cả nền cộng hòa, thì âm mưu bá quyền nước lớn cũng không bao giờ thay đổi. Tham vọng này không chỉ của Đảng cộng sản Trung Quốc mà đã có từ thời Nhà Thanh. Tham vọng tiến về phía Nam là bản chất của Nhà nước Đại Hán từ ngàn xưa. Ông kết luận :

"Trung Quốc chỉ thừa hưởng những gì mà chế độ phong kiến để lại mà chưa thực hiện được. Chiến lược bá quyền của nhà nước phương Bắc là thâm căn cố đế".

Hành xử của Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ Hà Nội trong mối quan hệ với Trung Quốc khiến nhiều người cho rằng những bài học lịch sử nhãn tiền vẫn chưa khiến giới lãnh đạo Việt Nam thức tỉnh trước ‘chiến lược bá quyền’ của Trung Quốc như lời nhà nghiên cứu lịch sử và Biển Đông Đinh Kim Phúc vừa nhận định.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 10/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 550 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)