Công khai thông tin khi chính quyển cố ‘bịt miệng’ vụ Đồng Tâm !
Phạm Đoan Trang, RFA, 11/02/2020
Nhóm "Hành Động Vì Đồng Tâm" do một số nhà báo, nhà hoạt động, nạn nhân mất đất… tại Việt Nam thành lập vừa ra bản báo cáo thứ hai về vụ công an tấn công Đồng Tâm rạng sáng ngáy 9 tháng 1 năm 2020. RFA phỏng vấn chị Phạm Đoan Trang, người viết bản báo cáo này.
Bìa bản Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm. NXB Tự Do
Diễm Thi : Xin chị cho biết mục đích của chị và các đồng sự khi đưa ra bản cáo lần hai về vụ tấn công Đồng Tâm ?
Phạm Đoan Trang : Báo cáo này cũng như báo cáo trước nhằm chia sẻ và thúc đẩy những thông tin. Chúng ta biết là với mọi chính quyền độc tài thì thông tin, sự hiểu biết, sự nhận thức của dân chúng là điều họ không chấp nhận được vì đó là tử huyệt của chế độ.
Trong lịch sử cầm quyền, đảng cộng sản rất nhiều lần gây sức ép, gây ra nhiều vụ đàn áp đẫm máu nhưng rồi đều đi vào quên lãng. Gần như là giết người diệt khẩu, không để lại thông tin, không lưu trữ gì cả.
Đến lúc chúng ta không thể chấp nhận như thế được nữa. Những người bị trị phải chống lại giai cấp thống trị. Họ bịt miệng thì chúng ta phải tìm cách công khai thông tin và lưu trữ, làm sao để những vết nhơ đó không thể xóa đi được. Chúng tôi muốn có thể làm đến cùng việc này. Trước mắt chưa thể đem lại công lý cho người dân Đồng Tâm ngay thì phải làm sao phổ biến thông tin rộng rãi đến cho người dân Việt Nam cũng như ra nước ngoài.
Diễm Thi : Điều khiến chị bận tâm nhất trong việc thu thập thông tin để viết báo cáo là gì ạ ?
Phạm Đoan Trang : Cũng như những nhà báo khác, chúng tôi phải có rất nhiều nguồn tin. Điều khó khăn khi làm báo cáo này là làm sao để bảo vệ nguồn tin, làm sao để bảo vệ an toàn cho các nhân chứng. Đó là điều tôi đau đầu nhất. Phải làm sao để vừa có độ tin cậy cao trong báo cáo lại vừa bảo vệ được các nhân chứng và để làm sao công an không thể dựa vào chi tiết đó để bắt thêm người và đàn áp thêm.
Diễm Thi : Cho đến hôm nay, chị có được thông tin nào mới nhất về số lượng người bị bắt ở Đồng Tâm cũng như thông tin anh Lê Đình Chức bị cho là đã chết ?
Phạm Đoan Trang : Chúng tôi cũng không có được thông tin về tình trạng hiện nay của anh Lê Đình Chức. Nhưng ngay cả việc chúng ta không có một thông tin gì cũng là một thông tin. Nó nói lên được sự bưng bít của chính quyền, sự biệt giam, bịt miệng có nguy cơ họ thực hiện việc giết người diệt khẩu. Tôi nghĩ đó là một chi tiết cần lưu ý.
Số người bị bắt hôm đó ít nhất là 22 người. Trong những ngày sau đó tiếp tục bắt bớ thêm. Có những người đã phải bỏ trốn. Tình trạng của bà con ở Đồng Tâm cho đến giờ phút này vẫn không yên. Công an vẫn tiếp tục quấy phá, đe dọa, khủng bố…
Số người bị bắt cập nhật lúc này có thể lên đến 27 người. Họ còn sống hay đã chết, bị đánh đập thương tật nặng đến mức nào không ai biết cả. Công an đã giấu tuyệt đối. Đó cũng là một thông tin quan trọng.
Diễm Thi : Báo cáo đề cập đến những khuyến nghị. Bên chị đã nhận được phản hồi gì từ cộng đồng quốc tế chưa ạ ?
Phạm Đoan Trang : Hiện giờ chúng tôi cũng như chưa nhận được phản hồi cụ thể nào từ cộng đồng quốc tế. Chúng tôi chỉ biết sơ bộ là họ quan tâm đến vụ việc này và sẽ đề cập đến khả năng xin được tiến hành điều tra độc lập. Việc điều tra độc lập ở Việt Nam do quốc tế tiến hành rất khó vì phải xin phép chính phủ Việt Nam. Phía Việt Nam thì sẽ từ chối. Tôi nghĩ họ biết vậy nhưng sớm muộn gì cũng sẽ đề nghĩ chính phủ Việt Nam cho được điều tra độc lập.
Diễm Thi : Theo chị, sau vụ Đồng Tâm, người dân Việt Nam hiểu thêm điều gì về đảng cầm quyền ?
Điều chúng ta rút ra được sau vụ Đồng Tâm là những kinh nghiệm cay đắng. Tôi tin rằng sau vụ này, giới đấu tranh, phản biện ở Việt Nam hay những người xưa nay vẫn tin vào khả năng tự đổi mới của đảng cộng sản sẽ thay đổi. Họ hết hy vọng vào khả năng đổi mới của đảng cộng sản, khả năng đối thoại ôn hòa…tức là không còn hy vọng gì vào tính chính danh của đảng cầm quyền nữa.
Vụ này là tiền lệ rất xấu cho vụ công an tiếp tục dùng bạo lực khủng bố trong các cuộc tranh chấp đất tiếp theo. Đương nhiên người dân sẽ cảnh giác hơn, không phải như dân Đồng Tâm tin vào những lời hứa của lãnh đạo từ năm 2017. Đến phút cuối vẫn tin rằng công an sẽ không dám bắt, không dám đánh dân đâu. Niềm tin đó đã sụp đổ hoàn toàn, vấn đề là chúng ta có thể làm gì khi niềm tin sụp đổ như vậy ?
Sự bế tắc với người dân ở đây là đối thoại ôn hòa không được vì đảng cộng sản không quen kiểu đó, dùng bạo lực thì cũng không thể, họ chưa biết tìm giải pháp nào.
Diễm Thi : Còn về phía chính quyền, chị có thấy tín hiệu nào về sự thay đổi trong cách hành xử không ?
Phạm Đoan Trang : Tôi không tin chính quyền Việt Nam rút ra được bài học gì trong vụ Đồng Tâm cả, bởi cho đến giờ phút này tôi vẫn không thấy một dấu hiệu nào thiện ý từ chính quyền. Họ không nhìn lại mình, kiểm điểm lại xem có gì sai để sửa sai.
Hôm nay là ngày 11/2, những tờ báo như Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân vẫn tiếp tục viết bài tấn công những người đã ủng hộ Đồng Tâm, tấn công những nhà đấu tranh, những người hoạt động cho dân chủ nhân quyền đã lên tiếng và đứng về phía người dân Đồng Tâm.
Tức là bằng mọi cách họ vẫn nhồi sọ dân chúng để cho rằng vụ cướp của giết người này là đúng, là chính đáng. Tôi không thấy dấu hiệu nào của sự phục thiện về phía chính quyền cả, nên tôi tin rằng họ chẳng rút ra bài học nào cả. Nếu có thì sẽ là làm sao để những vụ sau họ xử lý dứt điểm hơn, kiểu như đã giết thì giết hết, không để sót nhân chứng.
Diễm Thi : Với số người bị bắt lên tới 27 người mà chúng ta chưa có tin tức gì về họ, nhóm Hành động vì Đồng Tâm sẽ làm gì để giúp họ ?
Phạm Đoan Trang : Chúng tôi tiếp tục làm mọi cách để công khai thông tin, lưu trữ thông tin và đưa vụ việc ra trước ánh sáng. Đó là việc lâu dài. Việc trước mắt, sống còn của tất cả chúng ta là tìm cách bảo vệ những người còn sống, bởi việc 22 người trong số 27 người bị bắt mà bị truy tố về tội giết người với mức án cao nhất có thể lên đến tử hình. Chúng ta phải làm sao bảo vệ họ khỏi án tử hình.
Diễm Thi : Theo chị, mục đích của chính quyền trong việc đưa những người dân Đồng Tâm lên truyền hình thú tội là gì ?
Phạm Đoan Trang : Tôi cho rằng những lời thú tội của người dân Đồng Tâm được phát trên truyền hình vào ngày 13 tháng 1 là lý lẽ mạnh nhất để tòa án dựa vào kết tội họ. Công an Việt Nam trình độ kém, không điều tra được nên chỉ còn cách ép cung, rồi dùng chính lời cung đó làm bằng chứng kết tội. Chúng ta cũng biết đó là kết quả của sự tra tấn đến mức khủng khiếp, kết quả của sự bức cung như chúng ta thấy diện mạo ông Lê Đình Công trên truyền hình. Tôi nghĩ chuyện họ nhận tội trong tình trạng đó không có gì lạ.
Diễm Thi : Theo chị, vì sao chính quyền không thay đổi quy định về sở hữu đất đai để tránh những vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm qua ?
Phạm Đoan Trang : Tôi cho rằng chính quyền cộng sản như Việt Nam hay Trung Quốc không bao giờ thay đổi hiến pháp để sửa lại quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, bởi đó là nguồn gốc sức mạnh của họ. Họ dứt khoát phải kiểm soát cho được đất đai, tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát xã hội dân sự, kiểm soát truyền thông. Họ không bao giờ sửa hiến pháp để tư nhân hóa đất đai. Nếu tư hóa đất đai sẽ kéo theo những vấn đề mà nhà nước không kiểm soát được, chẳng hạn như những tranh chấp đất đai từ trước đến nay, từ thời cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản… Như thế về nguyên tắc thì hệ thống tư pháp, hành chính Việt Nam không đủ năng lực giải quyết.
Chừng nào chế độ cộng sản này còn tồn tại thì chừng đó hiến pháp không thay đổi.
Diễm Thi : Cám ơn chị đã dành thời gian cho RFA.
Đọc online : https://nhaxuatbantudo.com/3d-flip-book/canh-dong-senh/
*****************
Bác bỏ báo công an, giới hoạt động khẳng định vụ Đồng Tâm là ‘tội ác’
VOA, 11/02/2020
Hai nhà hoạt động Nguyễn Quang A và Trịnh Bá Phương hôm 11/2 nhấn mạnh với VOA rằng cuộc đột kích hồi tháng trước của cảnh sát Việt Nam vào Đồng Tâm, một xã thuộc Hà Nội, là "tội ác rất lớn".
Nhóm các nhà hoạt động, trí thức gửi đơn tố giác vụ ông Lê Đình Kình bị giết, 21/1/2020
Họ kêu gọi phải có các nhà điều tra và các nhà báo độc lập vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc, hoặc ít ra là gây sức ép để chính quyền Việt Nam công bố sự thật.
Các ý kiến của hai nhà hoạt động được đưa ra ít giờ sau khi báo Công An Nhân Dân thuộc chính quyền đăng bài viết dài thể hiện quan điểm rằng công an không đàn áp người dân Đồng Tâm, một số người địa phương đã sai khi "chống người thi hành công vụ", và việc các nhà hoạt động "phát tán" thông tin về vụ Đồng Tâm là hành động "chống phá".
Tranh chấp đất sát với sân bay Miếu Môn giữa người dân Đồng Tâm, với chính quyền trở nên gay gắt từ năm 2017 cho đến đỉnh điểm là cuộc đột kích hôm 9/1.
Trong vụ này, thủ lĩnh nông dân Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị thiệt mạng khi cảnh sát cơ động đột kích trước lúc trời sáng vào nhà ông và nhà của các con cháu ở xung quanh.
Ba viên cảnh sát cũng chết trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc các con cháu ông Kình ném bom cháy vào 3 người này khi họ rơi xuống một "giếng trời" trong quá trình diễn ra cuộc đột kích.
Đáp lại luận điểm đăng trên báo Công An Nhân Dân hôm 11/2 cho rằng "các đối tượng chống phá" đã vu cáo là chính quyền chỉ đạo công an "đàn áp" người Đồng Tâm nhằm "cướp đất", cả tiến sĩ Nguyễn Quang A lẫn nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đều cho rằng việc điều động cả nghìn lính cảnh sát cơ động tấn công vào Đồng Tâm trong đêm khuya là trái luật của chính Việt Nam.
Ông Phương nói rõ hơn với VOA :
"Thực chất vụ đàn áp hôm 9/1 là một tội ác. Đó là một cuộc đàn áp đẫm máu đã diễn ra tại Đồng Tâm. Có thể nói rằng chính quyền là lực lượng đã bất chấp luật pháp cũng như bất chấp tất cả các công ước quốc tế để tấn công người dân vô phép tắc".
Cả ông Phương và tiến sĩ Quang A cùng nhiều nhà hoạt động khác mới đây đều đã tới thăm và chia buồn với gia đình của ông Lê Đình Kình, qua đó, họ được nhìn tận mắt hiện trường cuộc tấn công.
Từ những quan sát của mình, các nhà hoạt động khẳng định rằng các bằng chứng cho thấy ông Kình đã bị cảnh sát "giết hại", trong khi đó, ngược lại, cái chết của 3 viên cảnh sát là câu chuyện do phía công an "dựng lên" mà không có mấy bằng chứng thuyết phục.
Tiến sĩ Quang A nói với VOA :
"Chúng tôi đã đến tận nơi, tôi xem cái giếng trời ấy, cách xa nhà cụ Kình. Lên trên tầng thượng nhà cụ Kình không thể đi sang chỗ đó bởi vì nó cách 6, 7 mét. Nếu 3 người cùng chết ở đấy, bị thiêu ở đấy thì phải có dấu vết gì chứ. Chúng tôi không thấy dấu vết gì cả".
Nhiều người dân tin rằng ông Lê Đình Kình là nạn nhân trong vụ đột kích 9/1 (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)
Về cáo buộc là gia đình ông Kình đã phạm tội chống trả người thi hành công vụ mà báo Công An Nhân Dân đưa ra, ông Trịnh Bá Phương chỉ ra một thực tế trái ngược.
Với những gì tận mắt thấy và dẫn thông tin từ nhân chứng ở địa phương, nhà hoạt động này nói phía công an lên đến cả nghìn người, bao vây và tập trung đánh vào nhà ông Lê Đình Kình và con trai ông là Lê Đình Chức, chỉ gồm khoảng 30 người.
Trong hoàn cảnh như vậy, những người dân không thể chống trả. Ông Phương cung cấp thêm các chi tiết :
"Lực lượng cảnh sát rất đông. Họ dùng súng bắn rất nhiều vào nhà, cũng như là lựu đạn hơi cay. Tất cả bằng chứng ở hiện trường cho thấy không hề có sự phản kháng. Có chăng thì có sự tự vệ rất là yếu ớt ở trong nhà thôi. Không ai có thể phản kháng lại hay gây thương tích cho phía công an cả. Hầu hết những người trong nhà đều bị ngạt khói lựu đạn hơi cay, và nhiều người bị bắn chứ không chỉ duy nhất một mình cụ Kình".
Hơn một tháng trôi qua kể từ cuộc đột kích với hậu quả 4 người chết, nhiều người bị bắt bớ, theo quan sát của VOA, giới hoạt động và dư luận vẫn chưa dừng đặt câu hỏi về tình huống dẫn đến những cái chết "đau xót", "đáng tiếc" đó.
Đại diện cấp cao của Bộ Công an đã vài lần đưa ra thông tin, song giới hoạt động và quan sát nhanh chóng chỉ ra những chi tiết tiền hậu bất nhất, thiếu thuyết phục.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đề nghị rằng phải có các nhà điều tra, phân tích độc lập được phép làm rõ vụ việc để công chúng được biết. Ông Quang A nói :
"Nhiều chuyên gia, những người có khả năng điều tra độc lập, những nhà báo điều tra, những chuyên gia về hình sự, những chuyên gia về vũ khí có thể độc lập đến đấy. Và họ có một tiếng nói riêng của họ. Hoặc thậm chí có thể có cả chuyên gia nước ngoài nữa được đến chẳng hạn. Thì những báo cáo, điều tra độc lập đấy nó sẽ gây sức ép, và nó sẽ là cái tương phản với cái ‘điều tra’ của đội ngũ chính thức, và có thể vén bức màn bí ẩn của 4 cái chết này".
Một đoạn trong bài viết mới đây của báo Công An Nhân Dân lặp lại lời buộc tội mà Bộ Công an và báo chí Việt Nam nhiều lần đưa ra trong một tháng qua, đó là giới hoạt động và những người ủng hộ ông Kình đã có hành vi "chống phá" khi lan truyền hình ảnh, thông tin "không chính thống" về vụ việc.
Chấn động nhất là việc ông Trịnh Bá Phương cùng các nhà hoạt động chia sẻ các đoạn video cho thấy ông Lê Đình Kình bị bắn chết "một cách dã man", và vợ ông, bà Dư Thị Thành, kể bị công an tra tấn, sau đó bà "kêu cứu" với cộng đồng trong và ngoài nước.
Thư kêu cứu của bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) gửi cho Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Ông Phương cho VOA biết vì việc làm này, ông đã bị phía công an, chính quyền hăm dọa nhiều lần. Mặc dù vậy, điều đó không làm ông run sợ, ông nói :
"Cho dù họ có đe dọa hay xử án tù tôi, kể cả họ có kề súng bắn vào đầu tôi như bắn vào cụ Kình, tôi cũng không bao giờ yên lặng trước tội ác này vì vụ này rất nghiêm trọng. Hôm nay nó diễn ra với gia đình cụ Kình, ngày mai nó có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào khác, trong tương lai nó có thể diễn ra với chính gia đình tôi. Chính vì thế tôi thấy rằng đây là trách nhiệm tôi phải tố cáo tội ác này ra công luận".
Bên cạnh việc chia sẻ thông tin từ người dân trong cuộc về vụ Đồng Tâm, giới hoạt động cũng đã soạn ra bản "Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm" có độ dài 64 trang, được gửi đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nghị sĩ ở Mỹ, Châu Âu.
Đánh dấu tròn 1 tháng xảy ra vụ đột kích chết chóc này, mới đây nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đưa ra dự đoán rằng chính quyền Việt Nam "đang muốn đem vụ việc ra xử càng nhanh càng tốt, để dẹp yên dư luận", thậm chí có thể dẫn đến ít nhất là "một án tử hình".
Cùng suy nghĩ với tiến sĩ Quang A và ông Trịnh Bá Phương, bà Đoan Trang kêu gọi công chúng phổ biến bản báo cáo nhằm mục đích thúc đẩy điều tra độc lập.
"Chỉ có điều tra độc lập mới hy vọng bảo vệ được sinh mạng mong manh của những người dân đang bị biệt giam chờ tòa án (của công an) xử tội", bà Trang viết trên Facebook cá nhân có hơn 65.000 người theo dõi hôm 10/2.
******************
Gia đình ký giả Lê Hà của Tiếng Dân Tivi bị truy sát (RFA, 11/02/2020)
Vào ngày 8/2 vừa qua, gia đình ký giả Lê Hà, nhà báo độc lập, chủ bút kênh Tiếng Dân Tivi, một kênh Youtube độc lập lên tiếng đòi quyền lợi cho người dân, vừa bị truy sát khiến mẹ và vợ ông phải nhập viện điều trị.
Bà Ma Thị Thơ - vợ phóng viên Lê Hà hiện đang nằm viện điều trị. Nguồn : Facebook ông Lê Hà
Cố tình hay vô ý ?
Trả lời Đài Châu Á Tự Do từ phòng bệnh của vợ mình - bà Ma Thị Thơ, phóng viên Lê Hà cho biết sự việc bắt đầu vào trưa ngày 8/2, khi ông Hà được hàng xóm mời qua nhà ăn trưa và chơi cờ. Trong lúc ông và người hàng xóm chơi cờ, thì những người đứng xem có đưa ý kiến, hai bên có lời qua tiếng lại và sự việc được đẩy lên cao trào. Sự việc sau đó được ông kể tiếp như sau :
"Vào lúc 1h30 trưa, trong khoảng 20 phút thì xâm nhập tư gia tôi, tấn công tôi rồi đâm má tôi. Sau đó vào nhà truy sát tôi, tôi phản kháng không lại, có những hàng xóm hỗ trợ khống chế hung thủ. Khi khống chế ở mức độ tôi nghĩ là thành công thì tôi chạy trốn để giữ tính mạng. Hung thủ theo những người khống chế về nhà nhưng sau đó lại tiếp tục cầm 2 tay 2 dao đến nhà truy sát lần 2 thì bã xã tôi bị truy sát. Công an thành phố Tuyên Quang đã kịp thời bắt giữ hung thủ".
Nói rõ hơn về tình trạng người thân hiện tại, nhà báo tự Do Lê Hà cho biết mẹ ông tuy đã qua nguy kịch nhưng vợ ông vẫn còn trong tình trạng rất nặng. Mặc dù bà Thơ –vợ ông đã bắt đầu tỉnh lại nhưng tâm lý bị kích động mạnh.
Theo ông Hà, thì kẻ tấn công ông và gia đình là một người hàng xóm gần nhà, tên Đàm Văn Dương sinh năm 1962, trú quán tại thôn 23 xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Quyên Quang. Nhận xét về ông Dương, ký giả Lê Hà cho rằng :
Công an áp giải người tấn công gia đình ông Lê Hà. Nguồn : Facebook ông Lê Hà
"Hung thủ theo mình thì là người cục tính, không kiểm soát hoặc có thâm thù gì sau tất cả những việc này, nhưng đây chỉ là chủ quan cá nhân của tôi. Tôi rất buồn hung thủ là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, với tư cách công dân, hàng xóm, người dân Việt với nhau nhưng ra tay quá dã man, tàn bạo như vậy. Hơn nữa hung thủ này là dân oan thủy điện Tuyên Quang, mà tôi là người đứng ra bảo vệ chính sách những người dân oan này rất nhiều. Trong đó, chính gia đình hung thủ cũng từng được tôi bảo vệ".
Ký giả Lê Hà được biết đến như người luôn đứng lên bảo vệ người dân bị trưng thu đất để xây thủy điện Chiêm Hóa-Tuyên Quang nhưng không được đền bù thỏa đáng trong nhiều năm qua.
Nói về việc mình đã làm cho người dân Tuyên Quang và kể về vụ truy sát gia đình ông vào ngày 8/2, ký giả Lê Hà không khỏi đau buồn, ông cho biết :
"Về thể chất gia đình tôi đau thương nhưng tôi nghĩ về tinh thần tôi rất thương cho người thân gia đình hung thủ gây ra vụ án cho gia đình tôi".
Án hình sự
Đem sự việc của gia đình ký giả Lê Hà hỏi Luật sư Lê Đình Việt, người hỗ trợ pháp lý cho gia đình nhà báo độc lập Lê Hà, chúng tôi được ông cho hay :
"Hiện tại Cơ quan điều tra Công an thành phố Tuyên Quang đang xác minh chứ chưa điều tra vụ án vì quá trình điều tra bắt đầu từ thời điểm khởi tố vụ án nhưng hiện tại chưa có quyết định khởi tố vụ án. Theo phán đoán của tôi chắc 1, 2 ngày nữa sẽ có quyết định khởi tố vụ án. Còn hồ sơ vụ án chưa thể sao chụp được. Theo quy định Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, người bào chữa hay người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, người bị hại, kể cả bị cáo có thể tiếp xúc với hồ sơ vụ án sau khi có kết luận điều tra khi quá trình điều tra kết thúc, cơ quan điều tra ra kết luận. Trong giai đoạn trước và trong quá trình điều tra thì chúng tôi không được tiếp cận hồ sơ vụ án. Tôi tham gia với tư cách người bảo vệ quyền lợi cho anh Hà, mẹ anh Hà và vợ anh Hà thì sẽ có mặt trong các buổi lấy lời khai để giám sát việc thực hiện đúng các thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật".
Bên cạnh đó, Luật sư Lê Đình Việt cũng nhận định rằng tính chất vụ thảm sát đối với gia đình ký giả Lê Hà không hề đơn giản, ông giải thích :
"Vụ việc xảy ra với gia đình anh Lê Hà có dấu hiệu của việc giết người mặc dù trong vụ thảm sát vừa rồi chưa ai chết mà chỉ có bị thương. Nhưng người tấn công nhằm mục đích chính là anh Lê Hà. Trong quá trình tìm và tấn công anh Lê Hà có hai người bị thương là mẹ anh Lê Hà bị đâm, cả anh Lê Hà cũng bị thương và đang điều trị ở bệnh viện. Tuy nhiên người bị thương nặng nhất là vợ anh Hà bị 3 nhát chém : một vào đầu, một vào vai trái và một vào cánh tay trái. Vết thương ở đầu khá nghiêm trọng".
Luật sư Việt nhận định rằng qua lời trình bày cũng như tiếp xúc với cơ quan điều tra, ông khẳng định rằng đây là vụ án giết người không thành. Tuy nhiên, khung hình phạt đối với hành vi của người tấn công thì còn phải chờ ông tiếp xúc với hồ sơ vụ án, xem lời trình bày các bên mới xác định được mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm pháp luật mà người tấn công gây.
Để rộng đường dư luận, RFA đã gọi cho Công an Tuyên Quang để hỏi về tiến trình điều tra vụ truy sát gia đình ký giả Lê Hà, nhưng chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời từ người trực ban :
"Cái này phải gặp trực tiếp thôi chứ em không nắm được đâu".
Ba ngày sau khi vụ truy sát xảy ra, ông Lê Hà nói rằng, ông chỉ hy vọng tỉnh Tuyên Quang sẽ giải quyết đến nơi đến chốn vụ án này để bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích của người dân mà đương cử là trường hợp của gia đình ông.