Bộ Giáo dục đã ‘khi dễ’ Bộ Chính trị
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 15/02/2020
Nếu không ‘khi dễ’ thì tại sao Bộ Giáo dục dám nói rằng "Chỉ cho học sinh đi học trở lại khi có biện pháp phòng chống virus corona". Nên nhớ, trước đó từ cuối tháng 1/2019, Thường trực Ban bí thư, ông Trần Quốc Vượng đã ban hành chỉ thị qua Công văn số 79-CV/TW, về việc "Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch".
Bộ trưởng Giáo dục đề nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 2 để phòng dịch Covid-19
‘Người đứng đầu cấp ủy’
Toàn văn ở phần yêu cầu nói trên của Thường trực Ban bí thư như sau : "2. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch ; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị ; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân ; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm tại chỗ : Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ ; kinh phí tại chỗ ; nhân lực tại chỗ".
Người đứng đầu cấp ủy ở các sở giáo dục địa phương thường là giám đốc những sở này. Hiện tại ở Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang khuyết Bí thư trong cơ cấu Đảng ủy bộ do Bí thư Lê Hải An ‘đột tử’ vào giữa tháng 10/2019. Ông Nguyễn Quốc Hải, phó Bí thư Thường trực Đảng ủy đang giữ trách nhiệm là người đứng đầu cấp ủy.
Nói một cách khác, Bộ trưởng Nhạ không chịu trách nhiệm về trực tiếp chỉ đạo trong vấn đề dịch bệnh này ở ngành giáo dục, nên thiên hạ có ‘réo chửi’, xin gọi đúng tên người được đảng quy định.
Từ yêu cầu mang tính nhiệm vụ được đảng giao phó qua Công văn 79-CV/TW, ngày 29/1/2020, cho thấy về nguyên tắc tất cả "người đứng đầu cấp ủy" phải quán triệt thực thi, không thể nào có chuyện co giãn kiểu nước đôi như "Chỉ cho học sinh đi học trở lại khi có biện pháp phòng chống virus corona". Bằng không, hóa ra là suốt nửa tháng qua, những người đứng đầu cấp ủy trong ngành giáo dục đã không trực tiếp chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch nên giờ đây về trách nhiệm, họ đã cố tìm những địa chỉ khác nhau để lẫn tránh trách nhiệm mà đảng đã phân công.
Nhìn rộng hơn, ‘người đứng đầu cấp ủy’ ở đây còn là các Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy. Tuy nhiên hai tuần lễ vừa qua trong vấn đề liên quan đến chuyện học trò sẽ trở lại học đường ra sao, khi dịch bệnh đến từ Trung Quốc vẫn còn quá nhiều thông tin khó xác tín về độ tin cậy, thì chưa thấy bất kỳ Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy nào bày tỏ chính kiến. Cũng khó trách các vị là ‘người đứng đầu cấp ủy’, vì ngay cả người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam cũng chọn sự im lặng.
Nghe theo lệnh của ai ?
Trong một diễn biến khác, người viết nghĩ rằng chính phủ cần mạnh dạn trong các quyết sách thay vì phải phụ thuộc vào các vị trí chức danh thuần ý nghĩa đảng, kiểu như ‘người đứng đầu cấp ủy’.
Sáng ngày 14/2 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Báo chí đã trích dẫn phát biểu của phó thủ tướng Vũ Đức Đam : "Ngày 11/2, tôi đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại. Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại.
Trước hết, nhất thiết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo trường học, lớp học thật sự an toàn. Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà phải hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh an tâm. Chưa làm được cho phụ huynh và học sinh an tâm thì chưa nên cho đi học trở lại ngay.
Đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thực sự an toàn. An toàn cả dưới giác độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh. An toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học.
Những việc liên quan tới đông đảo người dân thì ngoài yếu tố chuyên môn phải đặc biệt lưu ý tới sự đồng thuận của nhân dân. Vì thế, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Dù thế nào thì cũng phải tiếp tục thực hiện thật tốt công tác chống dịch, công tác đảm bảo an toàn trong trường học và đặc biệt là phải tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện các biện pháp chống dịch nói chung và việc trở lại trường của học sinh nói riêng".
Người viết nhất trí với quan điểm chỉ đạo của phó thủ tướng Vũ Đức Đam, song lại không đồng tình với cách xử trí của ông Đam. Ông đã không đưa ra quyết định mang tính cảnh cáo nào khi phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện đúng theo chỉ đạo này mà vẫn để cho các tỉnh, thành và nhiều đại học ‘khai trường’ trở lại.
Ông Vũ Đức Đam trong tư cách phó thủ tướng phụ trách toàn diện Bộ Y tế, ông phải chịu mọi trách nhiệm về sức khỏe học đường trước quyết định ở một số địa phương đã thông báo sẽ ‘khai trường’ trở lại từ 17/2.
Và trong cụ thể trường hợp liên quan đến ‘khai trường’ như kể trên, các vị ở Ban bí thư cần chứng tỏ thực lực quản trị ngay trong chính nội bộ đảng của mình, qua việc cần ‘trị’ những ‘người đứng đầu cấp ủy’ đã tắc trách nhiệm vụ mà đảng phân công.
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 15/02/2020
*******************
Phụ huynh : ‘Nơi đi học lại, nơi không, tôi hoang mang quá !’
Khánh An, VOA, 15/02/2020
Quyết định cho học sinh đi học lại vào ngày 17/2 hay không hiện đã được đẩy xuống địa phương, sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ này quyết định "lùi thời điểm kết thúc năm học", nhưng không cho biết rõ chi tiết thời gian lùi là tới khi nào và kế hoạch cụ thể ra sao.
Nhiều phụ huynh nói sẽ tự cho con nghỉ học ở nhà nếu trường học quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2/2020.
Phát biểu đầu tiên của người đứng đầu Bộ Giáo dục được đưa ra trong buổi họp tại tỉnh Đồng Tháp vào ngày 14/2, sau khi công luận bùng nổ tranh luận về việc có nên đưa con em trở lại trường học vào tuần tới hay không, giữa lúc diễn biến dịch bệnh gây chết người do chủng virus corona mới (Covid-19) gây ra tại Trung Quốc và trên thế giới chưa được khống chế.
Tự cho con nghỉ học
Việt Nam tính đến ngày 14/2 đã có 16 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona, trong đó có một bé gái 3 tháng tuổi bị lây nhiễm từ bà ngoại, người trước đó đã bị lây nhiễm bệnh từ con gái trở về từ Trung Quốc.
"Tôi sẽ tiếp tục cho con nghỉ học, không đến trường", nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một phụ huynh ở Hà Nội cho VOA biết quyết định của ông trước khi thành phố này ra thông báo cho phép học sinh nghỉ học thêm một tuần, tức là đến hết ngày 23/2.
"Nếu để trẻ em đến trường sớm thì khả năng bùng lên một đợt dịch bệnh lớn sẽ rất nguy hiểm. Hệ thống y tế của Việt Nam lúc bình thường đã là quá tải rồi. Nếu dịch bệnh bùng lên thì sẽ không thể chống chọi nổi", ông Thắng nói thêm và đề nghị Bộ Giáo dục xem xét cho học sinh cả nước tiếp tục nghỉ học trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Cùng lựa chọn tự cho phép con nghỉ học ở nhà, bà Trịnh Kim Tiến, một phụ huynh ở Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh đã quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2, nói với VOA :
"Mình đặt sức khỏe con mình lên hàng đầu nên mình quyết định sẽ cho con nghỉ học cho đến khi nhìn thấy dịch bệnh không còn ở mức độ đe dọa quá lớn như hiện nay".
Một khảo sát nhỏ do VOA Tiếng Việt đưa ra vào tối 14/2 để lấy ý kiến của độc giả về vấn đề này, chỉ trong vòng 1 giờ, đã có hơn 6.100/7.200 người chọn "Đề nghị cho con nghỉ học tiếp", chưa đầy 1.000 người chọn "Ủng hộ cho con đi học lại".
"Một trẻ nhỏ nhiễm bệnh sẽ lây lan cả nhà nhiễm bệnh ! Lúc đó thiệt hại lớn cỡ nào cho gia đình và cho xã hội ! Chừng nào chưa hết dịch sẽ không bao giờ cho con đi học !", độc giả Minh Thiện đưa ý kiến với VOA.
Hầu hết các độc giả khác đều bày tỏ quan điểm rằng họ sẵn sàng chấp nhận cho con ngay cả học chậm lại một năm còn hơn là mạo hiểm sức khỏe và tính mạng của con em và gia đình.
Không nên ‘đẩy quả bóng trách nhiệm’
Ngày 13/2, Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam gửi ra công văn yêu cầu các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã khử trùng trường học.
Tại buổi họp ngày 14/2, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các địa phương "cân nhắc rất kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại" trước tình hình dịch Covid-19 được cho là "tiếp tục có diễn biến phức tạp".
Việc đẩy xuống cho từng địa phương tự quyết định chuyện đi học lại của học sinh càng khiến nhiều phụ huynh thêm hoang mang, lo lắng.
Bà Tiến nói với VOA : "Mỗi tỉnh thành ra quyết định riêng, gây ra tâm lý bất ổn cho các phụ huynh. Nơi không được nghỉ nhìn vào nơi được cho nghỉ và sinh ra tâm lý lo lắng, thấp thỏm", bà Trịnh Kim Tiến – một phụ huynh ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ với VOA.
Theo bà, quyết định cho nghỉ hay đi học trở lại trong mùa dịch bệnh này nên là của Bộ Giáo dục chứ không nên để cho Sở Giáo dục địa phương tự quyết định.
"Bộ Giáo dục phải có trách nhiệm lãnh đạo, đưa ra những quyết định quan trọng, không thể đẩy quả bóng về cho địa phương quyết định được, bởi vì tình hình dịch này được thông báo là dịch khẩn cấp trong cả nước, nên việc quyết định nghỉ hay đi học phải là ở cấp bộ", bà Tiến nói thêm.
Cần giải pháp đồng bộ
Tính đến tối 14/2, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch virus corona của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có 44 tỉnh thành quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2, trong khi một số ít tỉnh thành đã quyết cho học sinh nghỉ thêm, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…
Theo thăm dò và quan sát của VOA, quyết định được cho là "lẻ tẻ" của một số ít địa phương cho phép học sinh tiếp tục nghỉ học đang nhận được sự ủng hộ của rất nhiều phụ huynh.
"Theo cá nhân tôi, đó là một quyết định đúng", nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói với VOA. "Bởi vì cách đây vài tuần, khi corona đang ở Vũ Hán thì mình đã cho học sinh nghỉ học. Vậy cớ làm sao bây giờ corona đã xuất hiện tại Việt Nam thì lại bắt học sinh đi học ?", nhà báo từ Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi.
Theo ông Danh, "việc cho nghỉ học hay không là phải thống nhất trên cả nước, bởi vì các kỳ thi tiếp theo như kỳ thi trung học phổ thông hoặc các kỳ thi khác ở Việt Nam đều thi chung, trong cùng một ngày. Vậy khi các em học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có tới 10 triệu dân, mà đồng loạt nghỉ học trong khi các tỉnh thành khác vẫn đi học bình thường, thì sắp tới những kỳ thi quốc gia chung cũng sẽ phải chờ nhau mà thi thôi. Thành ra việc quyết định cho học sinh nghỉ học hay không phải là trên toàn quốc, phải thống nhất".
Hiện trên mạng xã hội có khá nhiều ý kiến đóng góp giải pháp cho Bộ Giáo dục trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Một trong những ý kiến nhận được nhiều sự ủng hộ là cho phép học sinh nghỉ học vào thời điểm này, như một hình thức nghỉ hè sớm, và thay vào đó sẽ đi học bù lại vào mùa hè.
Trong khi đó, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng lại cho rằng Bộ Giáo dục nên linh hoạt trong tình huống này bằng cách sử dụng các phương tiện hiện có như truyền hình, internet… để giáo dục từ xa, đồng thời cho phép học sinh sinh hoạt theo từng cụm dân cư nhỏ để có thể vẫn kiểm soát được dịch bệnh mà không gây xáo trộn lớn cho chương trình học chung của các em.
Việt Nam được xem là một trong những nước có nguy cơ bùng phát dịch cao vì là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, trung tâm xuất phát dịch Covid-19, với rất nhiều liên lạc giao thương qua lại giữa hai nước.
Mặc dù nhiều biện pháp hạn chế đi lại đã được đưa ra, trong đó có việc đóng một số cửa khẩu, nhưng nhiều tỉnh thành của Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đối phó với nguy cơ bùng phát dịch từ hàng nghìn công nhân Trung Quốc quay trở lại làm việc sau Tết.
Một báo cáo mới của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cho biết tính đến ngày 11/2, Việt Nam đang phải "theo dõi chặt chẽ" hơn 5.000 lao động Trung Quốc trong số khoảng 7.600 công nhân từ quốc gia láng giềng trở lại Việt Nam làm việc.
Khánh An
Nguồn : VOA, 15/02/2020
**********************
Học trò có thể đến trường học ở mùa dịch, nếu…
Mai Lan, VNTB, 14/02/2020
Đang có đồn đoán về một ‘chỉ đạo ngầm’ nào đó về chuyện cần nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động trong đời sống xã hội ở Việt Nam như trước ngày 1/2/2020 ; tức trước lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về công bố dịch virus Corona tại Việt Nam. Dự kiến học trò bắt đầu trở lại trường học từ 17/2 là khởi đầu đó (?).
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đưa ra khuyến cáo "học sinh có thể trở lại trường học bình thường".
Nhắc lại, thông tin về một ‘chỉ đạo ngầm’ chỉ là dạng tin tức hành lang, khó thể kiểm chứng.
Vài ngày gần đây trong chuyện phòng chống dịch lây lan đến từ Trung Quốc, trên báo chí bắt đầu ít nhắc đến thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, mà chủ yếu là đưa tin về các phát ngôn trấn an của thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ông Tuyên hiện là phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Ông Tuyên là người thay mặt Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và đào tạo để hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở trường học. Theo đó, tại các tỉnh chưa xuất hiện dịch corona, sau khi triển khai công tác tiêu trùng, khử độc và hướng dẫn tốt cho các giáo viên, học sinh thực hiện tốt việc phòng bệnh, vệ sinh môi trường theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thì học sinh có thể trở lại trường học bình thường.
Ông Đỗ Xuân Tuyên chính là người có phát ngôn mà báo chí vừa đăng hôm 13/2 : "Trong thời gian tới, nếu không có bệnh nhân mới và việc kiểm soát thực hiện tốt, Việt Nam sẽ công bố hết dịch".
Lý lịch của ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết ông sinh năm 1966, tốt nghiệp Học viện Quân y và từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong ngành y tế tại địa phương : phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hưng Yên ; Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hưng Yên. Sau đó, ông giữ chức phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên rồi Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên ; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên.
Lý lịch của ông Nguyễn Thanh Long đầy đặn hơn về nghiệp vụ y tế. Ông Long sinh năm 1966, tốt nghiệp thạc sĩ y khoa chuyên ngành truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội năm 1995. Ông bảo vệ tiến sĩ y khoa vào năm 2003 và phó giáo sư y học năm 2009 ; giáo sư y học năm 2013. Từ năm 1995 đến 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005 là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS. Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008 ông Long là Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS. Sau đó ông nắm giữ chức Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS đến tháng 11/2018. Từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2018, ông là ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Sau hơn một năm giữ cương vị phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Long được Thủ tướng điều động về lại Bộ Y tế ngay khi xảy ra dịch virus Corona bắt đầu lây lan sang Việt Nam. Ông Long được cho là người đã đưa ra tham vấn với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc việc cần công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra.
Trở lại với chuyện thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đưa ra khuyến cáo "học sinh có thể trở lại trường học bình thường".
Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng (Thành phố Hồ Chí Minh), thì học sinh có thể trở lại trường học ở thời điểm hiện tại, với những điều kiện cụ thể như sau :
"Đầu tiên là việc quản lý sức khỏe học sinh : nên có người tiến hành đo thân nhiệt các em trước khi vào trường, nếu học bán trú thì buổi trưa đo lần nữa, em nào sốt hay nhận thấy có ho, sổ mũi thì cách ly tại phòng y tế và yêu cầu phụ huynh đón về, nghỉ học để tự cách ly ở nhà.
Phụ huynh cũng nên tự giác, nếu thấy con mình bệnh thì cho em nghỉ, cung cấp cho nhà trường giấy bác sĩ để trường biết em bệnh gì. Các trẻ vừa về từ vùng dịch, ví dụ đi du lịch Trung Quốc, cần được cách ly tại nhà đủ 14 ngày. Việc trẻ có bệnh phải ở nhà để không lây cho bạn bè là cần thiết trong mọi hoàn cảnh, không phải chỉ mùa dịch mới cần làm. Giáo viên có bệnh cũng phải nghỉ, tự cách ly.
Biện pháp tiếp theo là giữ trường học thông thoáng, sạch sẽ. Sau khi tan học, trường lớp cần được vệ sinh cẩn thận, lau chùi các bề mặt. Ngoài ra, cũng như khuyến cáo chung là môi trường có nóng, ẩm, thông thoáng làm giảm nguy cơ lây lan của virus corona mới, vì vậy nếu được thay vì đóng kín cửa và dùng máy lạnh, hãy mở cửa các lớp học cho thoáng, tốt nhất là có thêm quạt. Nếu kẹt quá vẫn dùng máy lạnh thì tốt nhất khoảng 28-29 độ. Không nên để trẻ ngồi quá sát nhau, nên cách từ 1 m trở lên.
Bên cạnh đó không thể quên chuyện rửa tay. Không cần thiết đi ‘săn’ nước rửa tay khô, mà nhà trường nên trang bị thêm vòi nước và xà bông, thứ tốt hơn trong việc rửa tay phòng bệnh. Đa số trẻ đã được dạy cho cách rửa tay đúng trong các mùa bệnh khác như các đợt tay chân miệng, tuy nhiên cần tập huấn lại cho trẻ nhớ, giáo viên nhắc trẻ thường xuyên.
Điều cuối cùng là giáo viên và phụ huynh nên nhắc nhở trẻ tránh những hành động như ôm, vật lộn trong giờ ra chơi. Để an toàn hơn, giờ ra chơi trẻ không nên ở lại trong lớp mà phải ra ngoài sân trường thoáng mát, có nắng gió. Nhà trường nên đặt thêm nhiều thùng rác để những trẻ mà cha mẹ lo quá, yêu cầu mang khẩu trang có thể vứt đúng chỗ".
Một bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng (cơ quan ngôn luận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết : "Qua ghi nhận thực tế, nhà vệ sinh trường học cũng là công trình có kết quả khảo sát thực tế – theo cách nói vui của nhiều hiệu trưởng – là "ảo" nhất so với các hạng mục khác như phòng học, thư viện, nhà thi đấu, phòng chức năng.
Bởi mỗi đợt thanh tra, kiểm tra vệ sinh của các đơn vị y tế đều được thông báo trước cụ thể ngày, giờ, trường có thể chủ động lên kế hoạch nâng cấp "cấp tốc" trong vài giờ. Cho nên, cũng nhà vệ sinh đó nhưng buổi sáng đoàn đến kiểm tra sạch sẽ, tươm tất thì cuối giờ học buổi chiều sẽ mang dung mạo khác do quá tải tần suất sử dụng của học sinh. Vì vậy, kết quả đánh giá sẽ không toàn diện" (1).
Câu hỏi đặt ra : nếu trong trường hợp có lời kêu gọi phụ huynh hãy đồng lòng ‘bãi khóa’ để bảo vệ sức khỏe con em ở mùa dịch virus đến từ Trung Quốc vẫn đang đe dọa, thì đó có phải đối mặt với những hệ lụy của bộ luật hình sự ?
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 14/02/2020
(1) https://www.sggp.org.vn/nang-chat-luong-nha-ve-sinh-truong-hoc-565841.html
*********************
Hãy chấm dứt những phát biểu hàng hai
Nguyễn Nam, VNTB, 15/02/2020
Lâu nay trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, người ta vẫn nói rằng Việt Nam có chính sách ‘đu dây’ trong đối ngoại. Tư duy ‘đu dây’/ ‘hàng hai’ này cần chấm dứt trong quản trị quốc gia lúc dịch bệnh đe dọa như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã không đưa ra quyết định cuối cùng là có để học trò đi học trở lại ngay trong mùa dịch virus corona hay không ?
"Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành và các địa phương, tuy nhiên qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, tại từng địa phương. Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời như trên vào ngày 14/2 với báo chí, trong chuyến công tác của ông đi kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong trường học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, người từng vỗ ngực tự xưng là ‘Tư lệnh ngành’ đã không đưa ra quyết định cuối cùng là có để học trò đi học trở lại ngay trong mùa dịch virus corona hay không ?
Nôm na, khi ra chốn sa trường, vị tư lệnh này sẽ thói quen ‘chỉ tay năm ngón’, kiểu : Ừ, tùy, thích thì cứ bắn, hay ngại thì chui xuống hầm núp. Quốc gia là trọng, tính mạng là vốn quý. Bởi, ‘dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh’. Mạnh Tử bên Tàu đã nói vậy mà…
Sáng 14/2, phó thủ tướng Vũ Đức Đam – người đang giữ vị trí tương đương quyền Bộ trưởng Y tế, cũng đi ‘hàng hai’ khi ông chỉ đưa ra khuyến cáo mang tính chia xẻ cá nhân hơn là một quyết sách của người đứng đầu : "Nếu chưa làm được cho phụ huynh an tâm thì chưa nên cho đi học".
Luật Trẻ em quy định trẻ em về "Quyền sống" : "Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển" – Điều 12. Bất kỳ một quyết định nào lúc này về việc đưa trẻ trở lại học đường mà không thể tin chắc sẽ bảo vệ được "quyền sống" của trẻ, thì quyết định đó là vi phạm pháp luật. Không thể chấp nhận một ‘hàng hai’ nào ở đây như lối ởm ờ phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, và cả của phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Xem ra nhiều quan chức ở Việt Nam hiện nay ‘ăn đứt’ Tôn Thọ Tường hồi nào đã phải phân vân khi :
"Ai về nhắn với Chu Công Cẩn,
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng".
Với bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và cả ngài phó thủ tướng, những phát biểu như hiện tại sẽ ‘lưỡng toàn’ cả người đứng đầu chính phủ lẫn vị Tổng – Chủ.
Những mỹ từ như hô khẩu hiệu mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói với báo chí : "Các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết", cho thấy ngay trong bộ máy công quyền, cần mạnh dạn tuyển chọn những bộ trưởng biết quyết đoán, không lẩn tránh trách nhiệm, không dựa dẫm vào ‘cấp ủy’ nào đó ở Ban bí thư, Bộ Chính trị.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 15/02/2020
********************
Cần kiểm điểm các địa phương đã để trẻ em không được đến trường
Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 15/02/2020
Tại sao phải kiểm điểm ư ? Đơn giản thôi, vì một khi những người đứng đầu cấp ủy ở địa phương đã đồng ý cho việc mở cửa lại trường học, thì họ tất hiểu mình đang làm đúng theo chỉ đạo của đảng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo gửi các địa phương nói rằng nếu đã đảm bảo được các biện pháp phòng, chống dịch thì có thể cho học sinh đi học trở lại.
Nói có sách. Trong một chỉ đạo ở văn bản được ban hành ngày 29/1 mà những đảng viên được phổ biến ở cấp chi bộ, là Thường trực Ban bí thư yêu cầu những người đứng đầu cấp ủy phải ở vị trí đầu sóng ngọn gió trong việc chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh virus corona mà tên gọi mới là Covid-19.
Yêu cầu như trên có nghĩa sinh mệnh chính trị của họ đang đặt trong canh bạc này, ở bối cảnh toàn đảng đang bước vào mùa đại hội cấp cơ sở để đầu năm 2021 là đại hội toàn quốc.
Do đó phải cân nhắc lắm rồi nên những người đứng đầu cấp ủy ở các địa phương, mới dũng cảm đưa đến quyết định cho học sinh quay trở lại học đường để tiếp tục học sau kỳ nghỉ quá dài dịp Tết nguyên đán. Gọi là ‘dũng cảm’ vì cho đến lúc này diễn biến của dịch bệnh vẫn phức tạp. Ngay cả ở thành phố Hồ Chí Minh mặc dù chỉ có 3 ca bệnh về virus corona phải chữa trị ở bệnh viện, song vẫn đang tiếp tục xây dựng bệnh viện dã chiến để đón nhận các ca ‘nghi nhiễm’ dự kiến sẽ lên con số đơn vị hàng ngàn – hiện tại bệnh viện dã chiến ở Củ Chi mới đón có ‘8 ca nghi nhiễm’.
Ở đây cũng là chuyện mách có chứng, bởi hôm 13/2 phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo gửi các địa phương nói rằng nếu đã đảm bảo được các biện pháp phòng, chống dịch thì có thể cho học sinh đi học trở lại. Thậm chí ở cấp bộ còn đưa ra ý kiến là học sinh và giáo viên khi đến trường, lớp đều không cần sử dụng đến khẩu trang.
Thế nhưng trong toàn bộ câu chuyện về đi học lại ở mùa dịch đang cho thấy một lỗ hổng rất lớn mà Ban bí thư cần phải giải quyết, đó là thiếu sự đồng bộ giữa các người đứng đầu cấp ủy ở các bộ, ngành liên quan.
Ví dụ như người đứng đầu cấp ủy Bộ Y tế là phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong một khuyến cáo mà ông đưa ra hôm sáng 14/2, cho thấy dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra chiều hướng phức tạp, và theo ý kiến cá nhân của ông là các trường, lớp nên tiếp tục dừng hoạt động.
Trong trường hợp có những ý kiến khác nhau của "Người đứng đầu cấp ủy", thì về nguyên tắc, ý kiến quyết định cuối cùng sẽ là Tổng bí thư. Tuy nhiên suốt nửa tháng đi qua kể từ lúc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố dịch virus corona ở Việt Nam, không ai nghe thấy một ý kiến chỉ đạo nào ở tầm người đứng đầu đảng.
Đồ rằng ngay ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang dè chừng nghe ngóng hiện tình từ người đứng đầu đảng cộng sản Trung Quốc, về sự thật của chuyện dịch bệnh bắt nguồn từ phòng thí nghiệm nào đó ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 15/02/2020
**********************
Khảo sát lâm sàng nào để đưa ra kết luận về trường học ở mùa dịch ?
Triệu Tử Long, VNTB, 13/02/2020
Dựa vào đâu mà đưa ra các con số là : đóng cửa lớp học nếu có hai trẻ mắc bệnh trong vòng 7 ngày ; đóng cửa trường học khi có hai lớp học bị mắc bệnh (!?)
Cho đến nay phía Bộ Y tế chưa đưa ra nhận xét nào về định lượng/định tính về ‘2 trẻ mắc bệnh trong vòng 7 ngày’, và ‘hơn 2 lớp học có trẻ mắc bệnh’ thì mới đóng cửa trường học tạm thời.
Cuối giờ chiều ngày 12/2 trên báo Thanh Niên có bài "Dịch bệnh Covid-19 ở mức độ nào thì đóng cửa tạm thời trường học, lớp học ?" (1).
Bài viết thực hiện qua việc chuyển tải nội dung từ công văn ngày 12/2, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, có công văn gửi Sở Giáo dục đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, dịch Covid-19.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ thực hiện đóng cửa tạm thời lớp học khi lớp học có trên 2 trẻ mắc bệnh trong vòng 7 ngày và kết quả khảo sát dịch tễ cho thấy có khả năng lây lan giữa các trẻ mắc bệnh theo đề xuất của cơ quan y tế.
Chỉ thực hiện đóng cửa trường học tạm thời khi có hơn 2 lớp học có trẻ mắc bệnh và kết quả khảo sát dịch tễ cho thấy có khả năng lây lan giữa các lớp học trên cơ sở đề xuất của cơ quan y tế, được sự thống nhất của lãnh đạo ngành và chấp thuận của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Không rõ bản tin trên tờ Thanh Niên có nhầm lẫn gì không, vì cho đến nay phía Bộ Y tế chưa đưa ra nhận xét nào về định lượng/định tính về ‘2 trẻ mắc bệnh trong vòng 7 ngày’, và ‘hơn 2 lớp học có trẻ mắc bệnh’ thì mới đóng cửa trường học tạm thời.
Đến nay, cơ quan y tế Việt Nam vẫn xác nhận thời gian ủ bệnh là 14 ngày đối với những người nghi nhiễm nCoV ; nguồn lây là qua dịch tiết đường hô hấp với khoảng cách tiếp xúc an toàn về lý thuyết là từ 2 mét. Nếu căn cứ vào những quy định hiện hành này cho thấy định lượng/ định tính như Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra song không viện dẫn được các khảo sát dịch tễ sẽ gây hoang mang trong dư luận ở mùa dịch virus đến từ Trung Quốc.
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 13/02/2020