Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/02/2020

Covid-19 để lại dấu ấn trong sinh hoạt xã hội Việt Nam ?

Nguyễn Nam - Nguyễn Thị Huyền

Khẩu với chả trang !

Nguyễn Nam, VNTB, 14/02/2020

Tính đến trung tuần tháng 2/2020, khẩu trang y tế tiếp tục khan hiếm. Báo chí đưa tin ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) đang bắt đầu sử dụng xen kẽ khẩu trang vải với khẩu trang y tế.

mask1

Câu hỏi đặt ra : Hơn 2,5 triệu khẩu trang y tế sản xuất mỗi ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh được bán đi đâu ?

Báo cáo của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh về khẩu trang y tế cho biết năng lực sản xuất của 20 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trên địa bàn là 2.532.000 cái/ngày. Trong đó, cung cấp cho bệnh viện 241.500 cái/ngày, nhà thuốc 364.000 cái/ngày. Lượng cung cấp cho các tỉnh, thành, hệ thống siêu thị, đại lý bán hàng… 1.926.500 cái/ngày.

Tuy nhiên hiện tại thì người dân không thể mua được khẩu trang y tế. Ngay cả hiệu thuốc trong các bệnh viện cũng không bán lẻ khẩu trang y tế cho thân nhân đang chăm nuôi bệnh. Lý do khách quan chung là không có đủ nguồn cung cho ngay cả nhân viên y tế, nói gì đến việc bán lẻ khẩu trang y tế cho người nuôi bệnh.

Báo Tuổi Trẻ ngày 13/2 đưa tin, "Ăn vội bữa cơm trưa, các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh tất bật người cắt, người may khẩu trang trong bối cảnh thị trường đang khan hiếm khẩu trang do người dân lo sợ dịch bệnh do virus corona chủng mới".

Bài báo viết, "Với những vật dụng đơn giản và dễ tìm như giấy ăn, vải thun dệt, dây thun, một chiếc máy may mini và khoảng 1 phút, các nhân viên y tế ở đây đã cho ra đời 1 chiếc khẩu trang dùng cho cá nhân. Những chiếc khẩu trang tự may này vẫn có thể dùng được trong bệnh viện, ở những nơi ít người, không yêu cầu cao về vô khuẩn để hạn chế giọt bắn" (1).

Bài báo cho thấy một thực tế là ở ngay tại thành phố luôn tự hào được cho là đóng góp nguồn ngân sách lớn nhất cho quốc gia, và ngay tại bệnh viện sản lớn nhất miền Nam, khẩu trang y tế tối thiểu cho nhân viên y tế cũng đang thiếu thốn thì chuyện phòng, chống dịch sẽ ngày càng rất khó khăn. Điều này cho thấy vừa qua chỉ riêng cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất đã xuất ra nước ngoài (chủ yếu sang Trung Quốc) theo công bố là 36 tấn khẩu trang y tế (tương đương khoảng 16 triệu khẩu trang), là một quyết định nặng về yêu cầu chính trị của nhà chức trách, kể cả khi viện dẫn lý do nhân đạo.

Theo nhà chức trách công bố, đến ngày 13/2, Thành phố Hồ Chí Minh có 2.227 người nhập cảnh đang cách ly tại nhà ; 27 người nhập cảnh được cách ly tập trung. Riêng người tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 (nCoV) đang có 18 trường hợp được cách ly tập trung, 11 trường hợp cách ly tại nhà. Số ca bị nhiễm Covid-19 là 3.

Trước thực trạng khan hiếm khẩu trang y tế ngay cả trong các bệnh viện, thì việc đảm bảo khẩu trang y tế cho 2.227 người nhập cảnh đang cách ly tại nhà, và những người thân đang cùng chung nhà này là khó thể bảo đảm về mặt an toàn phòng dịch lây lan. Trong bối cảnh đó, với thời gian ủ bệnh là 14 ngày, nếu vài hôm nữa học sinh trên toàn quốc sẽ đi học trở lại, thì không ai dám chắc việc bảo đảm về nguồn dịch sẽ không lây lan.

Yêu cầu về khẩu trang y tế đang rất cần thiết khi nguồn dịch bệnh cho thấy không phải dễ kiểm soát.

"Hải quan Lào Cai cũng đã làm thủ tục cho hàng trăm xe hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu qua cửa khẩu, tuy nhiên do thiếu công nhân bốc xếp nên việc thông quan vẫn còn chậm" – bản tin trên VTV ngày 12/2 cho biết như vậy (2). Thông quan càng chậm trong khi mậu biên đang mở ngay trong mùa dịch, có nghĩa nguồn lây nhiễm sẽ khó kiểm soát hơn, đặc biệt là khẩu trang y tế để giúp giảm thiểu nguồn lây dịch bệnh lại đang phải sử dụng hết sức dè sẻn vì thiếu thốn.

Một lưu ý khác, báo cáo nhanh của Bộ Lao động – thương binh và xã hội ngày 13/2 cho biết đến thời điểm này có 5.112 lao động người Trung Quốc đang được cách ly, theo dõi ở 41 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Báo cáo nêu chi tiết trong số 5.112 lao động này, có 248 người đã vào Việt Nam 14 ngày ; trên 1.000 người vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10-14 ngày và gần 3.800 người vào Việt Nam dưới 10 ngày. Ở những điểm cách ly này nếu khẩu trang y tế không đáp ứng đầy đủ, thì hệ lụy sắp tới đây quả là chất chồng thêm âu lo.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 14/02/2020

(1) https://tuoitre.vn/bac-si-nhan-vien-benh-vien-tu-du-may-khau-trang-chong-dich/20200213134145921.htm

(2) https://vtv.vn/kinh-te/thuc-day-thong-quan-hang-hoa-voi-trung-quoc/20200212185242328.htm

*****************

Cách ly điều trị có nghĩa là gì ?

Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 13/02/2020

‘Cách ly điều trị’ có nghĩa là bệnh nhân đó được điều trị trong môi trường cách ly với môi trường chung của các phòng bệnh trong bệnh viện. Như vậy, nếu chỉ là ‘nghi mắc bệnh’ thì chắc chắn không ai áp dụng biện pháp ‘cách ly điều trị’.

mask2

Vắn tắt như trên là nhằm để thắc mắc về thông tin đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Trong bài "Tỉnh biên giới Lào Cai phòng chống nCoV ra sao ?", đăng ngày 09/02/2020 (1), có đoạn : "Được biết, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai hiện có 27 trường hợp đang được cách ly điều trị".

Con số 27 trường hợp đang được cách ly điều trị đó cần được hiểu đúng là như thế nào ?

Vấn đề khác liên quan đến chuyện một ông phó giám đốc sở giáo dục ở thành phố Hồ Chí Minh, đã ‘đánh tiếng’ với báo chí việc mở lại trường học từ ngày 17/02.

Tin tức đăng trên tờ Tiền Phong hôm 11/02 tường thuật buổi ra mắt Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là trung tâm điều hành giáo dục thông minh đầu tiên của cả nước. Trong bản tin có những chi tiết đáng lưu ý (2) :

Thứ nhất, ông Nguyễn Thiện Nhân thông báo Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang 322 người là cán bộ, giáo viên, học sinh… trở về từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc. "Dân số Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 10% cả nước nhưng người trong ngành giáo dục từ vùng dịch trở về chỉ chiếm 3%", ông Nhân cho hay.

Thứ hai, báo Tiền Phong ghi nhận bên lề buổi ra mắt, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, "với tình hình hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tuần tới, học sinh đi học lại là phù hợp. Bởi, các trường đã chuẩn bị kỹ, bản thân học sinh cũng đã tiếp cận nhiều thông tin về phòng chống dịch".

Chưa ghi nhận ý kiến của ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về chuyện đề xuất ‘đi học lại’ đó.

Băn khoăn đặt ra, trong tổng số "322 người là cán bộ, giáo viên, học sinh… trở về từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc", có bao nhiêu là cán bộ, bao nhiêu là giáo viên, và những học sinh trường nào ở Thành phố Hồ Chí Minh đã từ vùng dịch Vũ Hán trở về ? 322 người đó đã qua đủ thời gian tối thiểu 14 ngày cách ly hay chưa ? Liệu họ có tiếp xúc với cộng đồng trước khi cách ly ?

Tôi cho rằng một lần nữa chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ngần ngại vào khả năng phòng, chống dịch virus đến từ Trung Quốc. Cả hai lần ra quyết định cho học sinh nghỉ học đều được ký văn bản bởi giám đốc Lê Hồng Sơn, và phó giám đốc Nguyễn Văn Hiếu đóng vai trò thế thân thăm dò dư luận, qua các tuyên bố kiểu như ‘cần chung sống với dịch’, ‘học sinh đi học lại là phù hợp’.

Ông Nguyễn Văn Hiếu đã dùng từ ‘dự kiến’, tức là nếu không có gì thay đổi thì ngành giáo dục thành phố lại đưa 2 triệu học sinh Thành phố Hồ Chí Minh vào nơi nguy hiểm. Nói nguy hiểm vì trường học dù có khử trùng cỡ nào cũng không an toàn.

Học sinh ý thức giữ gìn kém, môi trường sinh hoạt tập trung, lăn lộn vui chơi, ăn uống cùng nhau suốt ngày. Nào ai kiểm được từng đứa trẻ thời gian vừa rồi có xê dịch ở những nơi có người Trung Quốc hay người từng nhiễm dịch lui tới hay không ? Ngay cả bậc phụ huynh và cả giáo viên cũng không biết thời gian qua có từng tiếp xúc với "322 người là cán bộ, giáo viên, học sinh… trở về từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc" hay không ?

Tôi nhớ lúc dịch virus Vũ Hán mới tràn sang Việt Nam, có ông quan chức ngành y từng trả lời báo giới về việc có nên cho trẻ đi học lại. Ông khẳng định : "Chúng ta có những dấu hiệu rất lạc quan, đó là tỷ lệ trẻ em mắc bệnh rất thấp. Bệnh nhân nhiễm bệnh ở độ tuổi nhỏ gần như không có, mà chỉ tập trung ở những người lớn đã có bệnh nặng, bệnh nền sẵn".

Ông quan chức lạc quan tếu quá. Em bé ba tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhiễm bệnh hôm rồi là "thế hệ thứ ba" lây virus Corona đấy. Tức, bà của em bị nhiễm qua người khác, rồi em nhiễm qua bà. Nếu so với tổng 15 ca nhiễm tại Việt Nam tính tới lúc này thì tỷ lệ ấy không hề thấp.

Cho tới lúc này thì tôi hoàn toàn chia sẻ với cách đặt vấn đề trên trang Việt Nam Thời Báo là khi EVFTA ký kết, thì nhân quyền không phải chuyện xa xôi của chính trị đa nguyên, mà nhân quyền đơn giản là quyền phải được biết của người dân trong bảo vệ tính mạng của chính cá nhân mình.

Trung Quốc vừa qua bùng phát dịch giết chết đã trên cả ngàn người cũng vì quyền được biết, quyền được nói của người dân đã bị giới hạn theo ý chí của đảng cộng sản.

Việt Nam cần phải trông gương đó mà sửa mình.

Nguyễn Thị Huyền

Nguồn : VNTB, 13/02/2020

(1) https://www.moh.gov.vn/web/guest/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/tinh-bien-gioi-lao-cai-phong-chong-ncov-ra-sao- ?

(2) https://www.tienphong.vn/giao-duc/nganh-giao-duc-tphcm-co-hon-300-nguoi-tro-ve-tu-vung-dich-corona-1518457.tpo

*******************

Quyền được biết

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 13/02/2020

‘Nhân quyền’ lâu nay thường được hiểu nghiêng về yếu tố chính trị. Với tôi, nhân quyền hiện tại rất đơn giản, đó là quyền cần được biết sự thật về ngành y tế Việt Nam trước dịch virus Corona (tên gọi mới là Covid-19) đến từ Trung Quốc.

mask3

"Nếu xảy ra dịch Corona tại Việt Nam, thì… sẽ chết như rạ !" Bác sĩ chuyên khoa I, Nguyễn Thị Mỹ Hương, Khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Mỹ Phước Becamex, cảnh báo như vậy trong một chia sẻ ngày 12/2.

Theo bác sĩ Mỹ Hương, có 4 lý do đưa đến nhận xét ở trên : Trước tiên, lúc bình thường ở bệnh viện công đã quá tải. Khi có dịch xảy ra, nhân viên y tế sẽ khó thể nào kham nỗi nên nhiều khả năng việc bệnh nhân bị bỏ mặc. Thứ hai, chỉ có một số bệnh viện tuyến trung ương có đủ phương tiện hồi sức khi có bệnh nhân nhiễm Coronavirus nặng bị suy hô hấp, như ECMO (Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể, tức máy hỗ trợ phổi nhân tạo). Vậy thì làm sao cứu nổi tất cả bệnh nhân bệnh nặng khi dịch xảy ra ?

Thứ ba, bệnh viện dã chiến hay các khu cách ly tạm thời khi có dịch xảy ra vẫn còn nhiều điều lo ngại. Vì khi xây bệnh viện dã chiến hay khu cách lý cho 1.000 người, xây thì nhanh, những tìm đâu ra bác sĩ, điều dưỡng phục vụ ? Còn trang thiết bị y tế, phòng xét nghiệm ? Còn nhân viên vệ sinh ? Còn chuyện phục vụ ăn uống, chăm sóc cho bệnh nhân vì bị cách lý, không có thân nhân ?

Thứ tư, và có lẽ đây cũng chưa phải là lo ngại cuối, hiện tại các bệnh viện đều thiếu trầm trọng bộ đồ bảo vệ khi chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm. Khi dịch xảy ra, lấy đâu ra đồ bảo hộ cho nhân viên y tế ?

"Nhà nước Việt Nam một mặc kêu gọi nhân dân phòng chống dịch, một mặt mở cửa tự do cho người Trung Quốc là đối tượng nguy cơ cao vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nguy cơ Việt Nam trở thành vùng dịch như Vũ Hán là có khả năng xảy ra. Xin đừng chủ quan !". Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương khuyến cáo.

Liên quan đến ‘quyền được biết’, trong một chia sẻ từ Sài Gòn, nhà báo Thu Hiền nói rằng bà cần ngành y tế của thành phố Hồ Chí Minh nói rõ là có bao nhiêu người đến từ Trung Quốc đang trong diện cách ly, và cách ly ở đâu ? Hiện tại tin tức về vấn đề này qua báo chí còn rất chung chung của việc trấn an.

Theo nhà báo Thu Hiền, trên báo Thanh Niên điện tử phát hành đầu giờ chiều ngày 12/2 có bài viết cho hay, "1.024 người đang được theo dõi là những người đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bệnh Covid-19 chứ không phải từ vùng dịch Vũ Hán hay Trung Quốc đại lục".

Bài báo có chi tiết, "Trao đổi với Thanh Niên sáng 12.2, ông Đỗ Đình Thiện, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, giải thích 1.024 người này không phải từ vùng dịch Vũ Hán hay các thành phố ở Trung Quốc đại lục. Đây là những người nước ngoài, đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh Covid-19 do virus Corona gây ra" (1).

Chi tiết "Đây là những người nước ngoài, đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh Covid-19 do virus Corona gây ra" theo trích dẫn trên báo Thanh Niên, liệu có phải là 1.024 người này đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ (không tính Trung Quốc đại lục) ? Nếu vậy thì có phải người Việt từ nước ngoài về Việt Nam để ăn Tết và chưa về lại Mỹ chẳng hạn, tất cả đều trong tình trạng ‘được theo dõi’ y tế ?

Nghi vấn ở trên có thể tìm thấy phần nào câu trả lời trên trang web của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (2).

Theo đó, tính đến 8g30 ngày 12/2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, "Số người nhập cảnh được theo dõi : 2.588 trong đó số đang cách ly tại nhà là 2.521 người. Số đang cách ly tập trung là 30 người. 37 ca đã kết thúc theo dõi" ; "Giám sát việc cách ly người từ Trung Quốc nhập cảnh tại Thành phố tại công ty Pouyen (Bình Tân). Tại khu cách ly của Công ty Pouyuen có 86 người cách ly (trong đó có 79 người Trung Quốc, 06 người Đài Loan, 01 người Việt Nam). Tính từ thời điểm cách ly đến nay (thời gian đã cách ly được 13 ngày), chưa có người nào ghi nhận triệu chứng bất thường".

Báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh không chi tiết về con số 2.521 người đang cách ly tại nhà – ngoại trừ về 86 người ở Công ty Pouyuen, là người quốc tịch nào, đến từ đâu ? Nếu xảy ra dịch bệnh trong số người đang cách ly này, thì người dân phải ứng phó ra sao, vì trên thực tế người dân không hề nhận được cảnh báo liên quan về khả năng phòng ngừa trong tiếp xúc với các nơi được gọi là ‘cách ly tại nhà’.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 13/02/2020

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/thuc-hu-chuyen-quan-binh-tan-cach-ly-1024-nguoi-den-tu-vung-dich-covid-19-1181866.html

(2) http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/phong-chong-dich-benh/tinh-hinh-dich-benh-ncov-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-cap-nhat-08g-ngay-12022020-c2-24357.aspx

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Nguyễn Thị Huyền
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)