Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/02/2020

Corona kéo lùi chỉ tiêu tăng trưởng ?

Quang Thành

Tập Cận Bình chỉ đạo giới quan chức nước này phải nỗ lực hết sức để duy trì trật tự kinh tế, xã hội. Tránh gây ra hoảng loạn, dẫn đến thảm hoạ thứ cấp.

Chỉ đạo với các quan chức cấp cao diễn ra vào hồi đầu tháng này, theo Reuters.

Reuters đưa tin, Tập cũng đã cảnh báo các quan chức vào ngày 3/2 rằng nỗ lực ngăn chặn corona chủng mới, đang đe dọa nền kinh tế.

corona1

Dây chuyền sản xuất linh kiện siêu vi tính của hãng Foxconn tại Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch coronavirus - Ảnh minh họa 

Tập đang cân bằng dập tắt dịch bệnh với việc bảo vệ một nền kinh tế đang phát triển chậm nhất trong gần ba thập kỷ.

Trong bài phát biểu, Tập thừa nhận dịch bệnh, đã giết chết hơn 1.500 người và lây nhiễm hơn 66.000 người, ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ. 

Dù thế, Trung Quốc vẫn phải tuân thủ các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội trong năm nay, Tập tuyên bố trong bài phát biểu.

Giải pháp đề ra là tăng hỗ trợ tài chính, như ưu đãi lãi suất và điều khoản cho vay, và lôi kéo người lao động trong các ngành công nghiệp chính trở lại làm việc.

Trong động thái mới nhất, ngày 18/2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo hạ lãi suất với các khoản vay trung hạn (MLF) trị giá 28,65 đô la cho các tổ chức tài chính. Mức lãi mới sẽ là 3,15%, giảm từ 3,25% trước đây.

Quan liêu và độc đoán tạo ra khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng. Và Tập đang đối diện với chân ghế chính trị lung lay của mình.

Bấy lâu nay, Tập Cận Bình luôn tự tin sẽ thiết lập một hệ thống kiểm soát xã hội nghiêm ngặt mà xã hội buộc phải chấp nhận. Thành tựu kinh tế, giảm hộ đói nghèo, tăng tầng lớp trung lưu trong xã hội là đối sách của chính quyền Bắc Kinh. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, và chưa có một dự báo khoa học nào cho thấy thời điểm kết thúc, thì những dự trù của Tập sẽ sớm phá sản trong tương lai, bao gồm cả chiến lược thành tựu Made in China 2025.

Các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ phá sản, theo VnExpress.

"Công ty của Wu Hai có 12 triệu nhân dân tệ (1,7 triệu đô la), chỉ đủ tồn tại 2 tháng khi không thể mở cửa vì dịch bệnh bùng phát".

Khi Trung Quốc đứng trước thử thách của chế độ, chính quyền độc đoán thì Việt Nam cũng gián tiếp đứng trước những hệ luỵ không hề nhỏ.

Thâm hụt thương mại Việt – Trung kéo dài hàng thập niên qua biến cơn bệnh của Trung Quốc trở thành căn bệnh của Việt Nam. Nếu Trung Quốc hắt xì hơi, thì Việt Nam sẽ chịu những cơn nhảy mũi.

Ngành du lịch Việt Nam cũng giống Trung Quốc đang điêu đứng. Đối với một số tỉnh thành tỷ trọng ngành dịch vụ lớn trong hệ số tăng trưởng thì corona gián tiếp làm giảm chỉ số tăng trưởng trong năm nay. Đó là nguyên nhân giải thích vì sao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Quảng Ninh rút kinh nghiệm vụ không cho tàu Aidavita nhập cảnh. Chỉ đạo phòng tránh dịch nhưng "tránh để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút du lịch".

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đang tìm các đối sách để giữ vững mục tiêu tăng trưởng. Ông Thủ tướng ra chỉ đạo khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển kinh tế xã hội phù hợp diễn biến dịch Covid-19.

Thế nhưng giữa chỉ đạo và thực tế là cực kỳ khó khăn. Một phần thâm hụt thương mại Việt – Trung năm 2019 đã lên đến trên 30 tỷ đô la. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nằm trong nhóm hàng nông sản, nhóm hàng gia công (vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện),… thế nhưng nhóm hàng chủ lực này lại giảm.

"Xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ đạt 3,16 tỷ USD, giảm tới 24,2% so với cùng kỳ năm trước ; nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) chỉ đạt 3,81 tỷ USD, giảm 10,4%… Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chỉ tăng 7,6%, đạt 5,59 tỷ USD", thống kê Tổng cục Hải quan 2019.

Trong khi nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 29,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Chỉ thông qua sản xuất khẩu trang phòng dịch corona, cũng bộc lộ thực trạng nêu trên, khi "vải lọc kháng khuẩn, phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc".

Việt Nam có thể trông cậy vào EVFTA thay đổi hiện trạng thương mại Việt – Trung. Vấn đề nằm ở điểm, EVFTA phải đến tháng 5 mới được đưa ra Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn, trong khi dự báo chu kỳ bắt đầu giảm tác hại của virus lần này, dựa trên vắc-xin cần thiết có thời điểm trên 1 năm.

Thông quan cửa khẩu dường như là cứu cánh có hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm hiện nay.

Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tăng cường chỉ đạo không bàn lùi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thì điều này rất khó thành hiện thực, trong bối cảnh phức tạp của tình hình dịch bệnh và đình trệ sản xuất trong nước. Không thể duy trì tăng trưởng bằng cách thoát ly thực tế và bằng nghị quyết trước khi có dịch.

Quang Thành

Nguồn : VNTB, 18/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quang Thành
Read 459 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)