Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/02/2020

Tình trạng phân tầng xã hội hai cực ở Việt Nam hiện nay

Đỗ Thiên Kính

Tóm tắt : Tình trạng bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội Việt Nam về tài sản chỗ ở (trị giá chỗ ở chính, kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác) đang thể hiện sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam. Một cực là tầng lớp cao (thượng lưu) có tài sản chỗ ở chính nhiều hơn so với cực kia - các tầng lớp còn lại. Đồng thời, bài viết đã lý giải rằng mô hình phân tầng xã hội có dạng "kim tự tháp" với tầng lớp trung lưu còn nhỏ bé, đã tạo nên mô hình phân tầng xã hội hai cực trong thời kỳ đổi mới. Tác giả dự đoán rằng đến khi Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa và trở thành nước công nghiệp thì cấu trúc xã hội sẽ có tầng lớp trung lưu đông đảo và tình trạng phân tầng hai cực hiện nay sẽ thay đổi và bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội sẽ giảm đi.

1. Giới thiệu

Từ năm 1968 đến 1983, những xu hướng biến đổi trong xã hội nước Mỹ đã dẫn tới sự phân cực về thu nhập trong thời kỳ này (Persell, 1987 : 211).

Những xu hướng như trên rất có thể dẫn chúng ta đến xã hội hai cực. Trong đó, người nghèo và phụ nữ không phải da trắng sẽ tạo thành một giai cấp ở dưới, còn người giàu và nam giới da trắng sẽ thống trị từ trên xuống. Kết quả rất có thể là sự phân cực ngày càng tăng ở tất cả mọi khía cạnh của xã hội. Điều này được phản ánh trong mọi thứ từ các sản phẩm tiêu dùng, đến nhà ở, chăm sóc sức khỏe và xuất hiện sự khác biệt về văn hóa giai cấp. Chúng ta cũng có thể lường trước sự va chạm và xung đột giữa các nhóm xã hội.

(Persell, 1987 : 214)

Ở Việt Nam, bức tranh tổng quan về bất bình đẳng nói chung trong thời kỳ đổi mới cho thấy khoảng cách giữa các nhóm hộ từ giàu đến nghèo ngày càng doãng ra và bất bình đẳng đang gia tăng. Cụ thể, qua 7 cuộc Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam các năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014 đã cho biết hệ số chênh lệch về thu nhập bình quân 1 người 1 tháng giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất lần lượt tăng lên qua 7 lần Khảo sát mức sống (12 năm) tương ứng như sau : 8,1 lần 8,3 lần 8,4 lần 8,9 lần 9,2 lần 9,4 lần 9,7 lần (Tổng cục Thống kê, 2016 : 19, 303). Tình trạng bất bình đẳng xã hội đang gia tăng cũng thường xuất hiện qua báo chí, những người quản lý xã hội và các học giả ở Việt Nam. Phân tích các bộ số liệu Khảo sát mức sống, tác giả Đỗ Thiên Kính đã đưa ra nhận định khái quát về bất bình đẳng qua 20 năm đổi mới (1992-2012) :

Quá trình bất bình đẳng tăng lên ở Việt Nam […] đã thể hiện thành sự phân cực xã hội. Một cực là nhóm giàu có mức sống cao nhất, cực kia là các nhóm còn lại (trong đó nhóm nghèo là thấp nhất). Như vậy, có thể nhận định rằng sự bất bình đẳng hiện nay ở Việt Nam có xu hướng phân hóa thành hai cực (tương phản) giàu nghèo về mức sống (sự phân cực về mức sống). Đây là nhận định mới và tổng kết khái quát về xu hướng bất bình đẳng mức sống ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

(Đỗ Thiên Kính, 2018 : 170)

Tình trạng bất bình đẳng mức sống ở Việt Nam là hiện tượng biểu hiện trên bề mặt xã hội, mà bản chất của nó là do cấu trúc phân tầng xã hội quy định : "Sở dĩ như vậy, bởi vì bất bình đẳng trong hệ thống phân tầng xã hội thuộc về cấu trúc xã hội, nó nằm ở tầng bên dưới quy định hiện tượng phân hóa giàu nghèo trên bề mặt cuộc sống (Đỗ Thiên Kính, 2018 : 45). Như thế, bất bình đẳng mức sống có nguồn gốc sâu sa từ phân tầng xã hội. Vậy, khái niệm "phân cực" trong nhận định về nước Mỹ và Việt Nam trên đây là gì ? Theo Từ điển chuyên ngành xã hội học (Oxford) : "Phân cực là xu hướng tập trung vào hai cực đối lập. […] Nhưng dù sao, phát biểu một cách chặt chẽ, thuật ngữ phân cực nhằm nói đến sự phân rẽ và đối lập của hai nhóm bất bình đẳng nhau ở hai đầu mút của sự phân bố các nguồn lực" (Scott, J., 2009 : 570). Tức là sự phân bố các nguồn lực, nguồn lợi xã hội có xu hướng phân rẽ và tập trung vào hai cực đối lập (tương phản) bất bình đẳng nhau. Tôi phân tích cụ thể hơn khái niệm phân cực đã dẫn trong từ điển thành ba điểm như sau :

- Trong khái niệm có cụm từ "hai nhóm bất bình đẳng nhau" đã dẫn đến sự phân chia giản lược/đại thể thành hai nhóm xã hội trước tiên. Cụ thể, khi phân chia ban đầu thành 5 hay 9 nhóm xã hội, thì bài viết này gộp lại thành 2 nhóm đại thể (các tầng lớp cao/thượng lưu và các tầng lớp còn lại). Hoặc là, ví dụ về xã hội Mỹ nêu trên đã phân chia thành 2 nhóm đại thể : "giai cấp ở dưới" và giai cấp "thống trị từ trên xuống".

- Đồng thời, trong khái niệm còn có cụm từ "sự phân bố các nguồn lực" là chỉ báo cụ thể nhằm đo lường sự bất bình đẳng về các nguồn lực này của hai nhóm. Cụ thể, trong ví dụ nêu trên về Việt Nam thì nguồn lực là "mức sống". Các nguồn lực mức sống được phân bố bất bình đẳng giữa nhóm giàu và 4 nhóm còn lại. Trong bài viết này sử dụng nguồn lực "tài sản nơi ở" làm chỉ báo cụ thể nhằm đo lường sự bất bình đẳng về các nguồn lực này của các "tầng lớp cao" và các "tầng lớp còn lại" ở Việt Nam.

- Mối quan hệ giữa hai điểm trên thể hiện sự kết hợp giữa chúng với nhau. Cụ thể hơn, nếu dừng lại ở điểm thứ nhất thì ta có thể hình dung được trực quan về tỉ lệ cấu trúc của hai nhóm đại thể là bao nhiêu. Tiếp tục ở điểm thứ hai, ta có thể đo lường được sự bất bình đẳng về các loại nguồn lực ở hai nhóm, cụ thể là con số thống kê trung bình về các nguồn lực này ở mỗi nhóm xã hội như thế nào. Về thực chất, điểm thứ ba này đã được trình bày ở điểm thứ hai trên đây. Đồng thời, điểm thứ nhất và thứ hai chính là hai mặt (hai góc nhìn) của cấu trúc xã hội. Khi nhìn theo điểm thứ nhất, sẽ thấy trực quan tỉ lệ mỗi trong 2 nhóm xã hội đại thể. Còn khi nhìn theo điểm thứ hai, sẽ thấy sự bất bình đẳng giữa 2 nhóm xã hội đại thể như thế nào.

Dựa vào sự phân tích cụ thể thành ba điểm trong khái niệm phân cực nêu trên, bài viết tìm hiểu tình trạng bất bình đẳng về "sự phân bố các nguồn lực" (qua chỉ báo tài sản nơi ở) giữa các tầng lớp xã hội như thế nào ? Liệu rằng dưới góc nhìn phân tầng xã hội có thể hiện cấu trúc bất bình đẳng phân thành hai cực (các tầng lớp cao/thượng lưu và các tầng lớp còn lại) hay không ?

2. Phương pháp nghiên cứu và nguồn số liệu

Phương pháp đo lường các tầng lớp xã hội trong tháp phân tầng đã được giới thiệu trong một số bài viết của Đỗ Thiên Kính (2011, 2013, 2015, 2017). Có thể tóm tắt cô đọng về phương pháp đo lường này như sau : Đa số các nhà xã hội học quốc tế đã dựa vào nghề nghiệp để xác định giai cấp xã hội (Rothman, 2005 : 6). Họ lựa chọn nghề nghiệp được hiểu như là bộ tiêu chí (chỉ báo) tổng hợp để phân nhóm và sắp xếp thứ bậc các tầng lớp trong xã hội. Sở dĩ như vậy, bởi vì nghề nghiệp là điểm xuất phát hữu ích nhất để người ta có được những nguồn lợi tài chính, địa vị xã hội và có ý nghĩa lâu dài đối với thế hệ con cái (Rothman, 2005 : 7). Đồng thời, nghề nghiệp là nơi "quy tụ" và "hội tụ" tương đối đầy đủ các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và vị trí xã hội của mỗi cá nhân. Nói cách khác, các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và vị trí xã hội thường gắn liền với nhau qua nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Có thể nói rằng, ba chiều cạnh kinh điển về phân tầng xã hội (kinh tế/tài sản, chính trị/quyền lực và uy tín xã hội) đều thể hiện đồng thời cùng nhau trong nghề nghiệp - theo ngôn ngữ dân gian thì đó gọi là "3 trong 1". Hơn nữa, sự phân loại và xếp hạng uy tín nghề nghiệp thường có tính khả thi và độ chính xác cao hơn so với việc thu thập những tiêu chuẩn khác vốn khó đo lường. Thậm chí, kiến thức đo lường thực nghiệm các tầng lớp xã hội qua cấu trúc nghề nghiệp còn được viết trong giáo trình xã hội học trên thế giới (Giddens, 2001 : 287, 305).

Dựa vào phương pháp nghiên cứu trên đây và mô hình khái quát về 5 giai cấp cơ bản phổ biến đối với hầu hết các quốc gia công nghiệp (1), áp dụng chúng vào phân tích các bộ số liệu Khảo sát mức sống (2002~2014) cho thấy mô hình phân tầng xã hội có hình dạng "kim tự tháp" bao gồm 9 tầng lớp trong Hình 1. Các bộ số liệu Khảo sát mức sống có quy mô chọn mẫu đại diện cho cả nước, do Tổng cục Thống kê thực hiện (với cỡ mẫu tương ứng cho các năm 2002~2014 là 29.530 hộ, 9.189 hộ, 9.189 hộ, 9.189 hộ, 9.399 hộ, 9.399 hộ và 9.399 hộ). Các cuộc điều tra Khảo sát mức sống trước hết nhằm mục đích phân tích thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam nhưng cũng thích hợp cho việc nghiên cứu về phân tầng xã hội, bởi vì các bộ số liệu này có thông tin về nghề nghiệp của những cá nhân dùng để "phân nhóm" và có những chỉ báo đo lường địa vị kinh tế cá nhân dùng để "phân tầng". Đối tượng khảo sát trong Khảo sát mức sống bao gồm những hộ gia đình và các thành viên trong hộ.

nghean1

Hình 1. Mô hình phân tầng xã hội hình "kim tự tháp" ở Việt Nam

3. Kết quả nghiên cứu

Nội dung trình bày trong mục này là bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội về tài sản chỗ ở (gồm nhà ở và đất ở). Tài sản chỗ ở là chỉ báo rất cơ bản thể hiện mức sống tổng hợp của dân cư. Đây là tài sản lớn do tích lũy thu nhập sau nhiều năm lao động. Vì thế, trị giá tài sản này thường "gấp nhiều lần" so với chỉ báo thu nhập (hoặc chi tiêu) trong mức sống của người dân. Người nông dân Việt Nam ngày trước thường mơ ước có "nhà ngói, cây mít", còn hiện nay thì đó là ước mơ "nhà lầu, xe hơi". Vậy, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội được thể hiện qua các chỉ báo cụ thể về tài sản chỗ ở như thế nào ? Ta hãy trả lời câu hỏi này dưới các góc độ bất bình đẳng về trị giá chỗ ở chính, kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác được trình bày dưới đây.

3.1. Bất bình đẳng qua trị giá chỗ ở chính

Các tầng lớp xã hội trong Bảng 1 được phân chia dựa theo Hình 1. Trong bảng hỏi các cuộc điều tra Khảo sát mức sống có câu hỏi thu thập số liệu về trị giá chỗ ở chính (đơn vị = 1000 đồng) : "Nếu mua toàn bộ chỗ ở này bây giờ, theo ông/bà khoảng bao nhiêu tiền ?" Kết quả xử lý số liệu câu hỏi này được trình bày trong Bảng 1 và đồ thị Hình 2 tương ứng. Trị giá tiền trong Bảng 1 là giá hiện hành, không so sánh được các năm với nhau. Do vậy, tôi đã dựa trên trị giá tiền của chỗ ở để tính toán khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội nhằm so sánh các năm với nhau. Số liệu ở Bảng 1 được minh họa bằng đồ thị Hình 2 thể hiện khoảng cách chênh lệch trị giá chỗ ở chính giữa các tầng lớp xã hội được rõ ràng và trực quan hơn. Đối chiếu với khái niệm phân cực nêu trên, ta thấy Hình 2 có hai cực phân biệt nhau rõ rệt. Một cực gồm tầng lớp doanh nhân và chuyên môn bậc cao có 2 đường đồ thị nổi lên cao nhất và cách xa các tầng lớp phía dưới. Cực thứ hai bao gồm 7 tầng lớp còn lại (trong đó tầng lớp nông dân ở vị trí thấp nhất) với 7 đường đồ thị gần nhau hơn. Như vậy, ta thấy có sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam. Nói cách khác, tồn tại tình trạng bất bình đẳng hai cực giữa các tầng lớp xã hội.

Bảng 1. Trị giá chỗ ở chính và khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội (2002-2014)

Tầng lớp xã hội 2002 2004 2006 2008 2010 2012 2014
  Trị giá chỗ ở chính(1000 đ/người - giá hiện hành)
Lãnh đạo 33.406 38.600 64.093 94.582 131.499 232.877 342.358
Doanh nhân 89.456 163.148 245.416 399.467 831.347 747.136 705.155
Chuyên môn cao 94.445 218.884 209.959 328.847 604.502 576.968 542.349
Nhân viên 56.709 88.558 114.802 171.008 260.698 281.310 309.791
Công nhân 48.155 62.921 83.719 105.326 189.399 188.658 214.916
Buôn bán, dịch vụ 53.344 82.541 84.793 164.829 208.452 270.539 299.835
Tiểu thủ công nghiệp 31.199 53.531 55.770 83.337 108.755 158.778 167.580
Lao động giản đơn 32.556 57.344 71.273 102.976 105.441 128.429 142.861
Nông dân 7.818 17.562 21.225 33.408 56.593 84.895 95.428
Chung (1000 đ/người) 21.219 42.187 51.041 80.978 135.687 169.674 184.751
  Khoảng cách chênh lệch(nông dân = 1 lần)
Lãnh đạo 4,3 2,2 3,0 2,8 2,3 2,7 3,6
Doanh nhân 11,4 9,3 11,6 12,0 14,7 8,8 7,4
Chuyên môn cao 12,1 12,5 9,9 9,8 10,7 6,8 5,7
Nhân viên 7,3 5,0 5,4 5,1 4,6 3,3 3,2
Công nhân 6,2 3,6 3,9 3,2 3,3 2,2 2,3
Buôn bán, dịch vụ 6,8 4,7 4,0 4,9 3,7 3,2 3,1
Tiểu thủ công nghiệp 4,0 3,0 2,6 2,5 1,9 1,9 1,8
Lao động giản đơn 4,2 3,3 3,4 3,1 1,9 1,5 1,5
Nông dân 1,0 1,0 1,0 1,0 1,0 1,0 1,0

Nguồn : Kết quả xử lý số liệu Khảo sát mức sống 2002-2014.

nghean2

Hình 2. Bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội qua trị giá chỗ ở chính (2002-2014)

Lưu ý ở Hình 2 vào năm 2010, tầng lớp doanh nhân và chuyên môn bậc cao có 2 đường đồ thị vọt lên cao đột ngột. Sở dĩ như vậy, vì năm 2010 là đỉnh điểm của cơn sốt trong thị trường đất đai đã làm cho trị giá chỗ ở chính của 2 tầng lớp này tăng lên cao hơn. Riêng tầng lớp lãnh đạo ở Hình 2 có trị giá chỗ ở không cao tương ứng so với địa vị xã hội của tầng lớp này. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về chỉ báo kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác thì lại không như vậy. Tức là, tầng lớp lãnh đạo sẽ thể hiện có nhiều tài sản về chỗ ở hơn tầng lớp trung lưu bậc dưới và hạ lưu. Chúng ta hãy tiếp tục xem xét hai chỉ báo này ở các mục tiếp theo sau đây.

3.2. Bất bình đẳng qua kiểu loại ngôi nhà ở chính

Bảng 2. Các tầng lớp xã hội sống trong loại nhà ở nào (2014)

Tầng lớp xã hội Tổng (%) Biệt thự Kiên cố khép kín Kiên cố không khép kín Bán kiên cố Tạm và khác
Lãnh đạo 100 3,8 34,9 18,8 42,0 0,6
Doanh nhân 100 3,1 68,9 3,6 24,1 0,3
Chuyên môn cao 100 2,7 60,4 5,4 31,1 0,4
Nhân viên 100 0,8 36,3 13,4 48,0 1,6
Công nhân 100 0,5 25,5 14,0 56,4 3,6
Buôn bán, dịch vụ 100 1,0 35,5 11,7 48,2 3,7
Tiểu thủ công nghiệp 100 0,3 22,8 16,6 56,8 3,5
Lao động giản đơn 100 0,6 18,4 12,9 60,7 7,5
Nông dân 100 0,3 8,1 15,0 66,7 10,0
Chung 100 0,6 20,6 13,8 58,4 6,6

Nguồn : Kết quả xử lý số liệu Khảo sát mức sống 2014.

Cùng với trị giá chỗ ở chính trình bày trên đây, trong bảng hỏi các cuộc điều tra Khảo sát mức sống còn có câu hỏi : "Ngôi nhà chính hộ ông/bà đang ở thuộc loại nào ?" Các phương án trả lời câu hỏi này được thể hiện trong Bảng 2. Đây là câu hỏi dành cho đơn vị hộ gia đình, còn các tầng lớp xã hội lại theo đơn vị cá nhân. Do vậy, sẽ có tình trạng hai cá nhân ở hai tầng lớp khác nhau (ví dụ, lãnh đạo và nông dân) cùng sống trong một ngôi nhà. Điều này dẫn đến mỗi kiểu loại nhà ở hầu như thể hiện đầy đủ tất cả các tầng lớp xã hội. Nhưng dù sao, quy luật thống kê số lớn trong toàn mẫu khảo sát vẫn thể hiện tình trạng nhà ở giữa các tầng lớp xã hội có sự phân hóa thành hai cực rõ rệt (Bảng 2). Ở cực thứ nhất, những tầng lớp trên đỉnh tháp phân tầng (lãnh đạo, doanh nhân, chuyên môn bậc cao) có tỉ lệ sinh sống trong những ngôi nhà biệt thự và kiên cố khép kín là lớn hơn những tầng lớp khác (xem những con số in đậm đối với 3 nhóm đỉnh). Mặt khác, ở cực thứ hai, những tầng lớp thuộc nửa dưới tháp phân tầng (tiểu thủ công nghiệp, lao động giản đơn, nông dân) có tỉ lệ sinh sống trong những ngôi nhà bán kiên cố và nhà tạm là lớn hơn những tầng lớp khác (xem những con số in đậm đối với 3 tầng lớp đáy). Quay trở lại tầng lớp lãnh đạo ở Hình 2 có trị giá chỗ ở không cao tương ứng so với địa vị xã hội của họ, nhưng ở Bảng 2 đã thể hiện "đẳng cấp cao" tương ứng của tầng lớp này với tỉ lệ nhà biệt thự là cao nhất (3,8%). Như vậy, mặc dù trị giá chỗ ở dễ gây ra sự hoài nghi về thu thập số liệu, còn kiểu loại ngôi nhà thì ai cũng nhìn thấy. Cả hai Bảng 1 và Bảng 2 đều phù hợp với khái niệm phân cực nêu trên.

3.3. Bất bình đẳng qua tài sản có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác

Ngoài nơi ở chính hiện tại, Khảo sát mức sống có câu hỏi thu thập thông tin về nơi ở thứ hai trở lên, hoặc có mảnh đất ở khác nữa : "Ngoài chỗ đang ở, hộ ông/bà còn mảnh đất ở hoặc nhà ở khác không ?". Phương án trả lời là Có, hoặc Không. Kết quả phân tích tỉ lệ % có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác của các tầng lớp xã hội được trình bày trong Bảng 3 và đồ thị Hình 3 tương ứng. Tỉ lệ % trong Bảng 3 hoàn toàn so sánh trực tiếp được các năm với nhau, do vậy không cần tính toán khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội như Bảng 1 nữa. Số liệu ở Bảng 3 được minh họa bằng đồ thị Hình 3 thể hiện tỉ lệ % có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác giữa các tầng lớp xã hội được rõ ràng và trực quan hơn. Đối chiếu với khái niệm phân cực nêu trên và so sánh với Hình 2, ta thấy Hình 3 cũng có hai cực phân biệt nhau rõ rệt. Một cực là tầng lớp doanh nhân có đường đồ thị nổi lên cao nhất và cách xa các tầng lớp phía dưới. Cực thứ hai bao gồm 8 tầng lớp còn lại với 8 đường đồ thị gần nhau hơn (trong đó tầng lớp nông dân vẫn ở vị trí thấp nhất, còn tầng lớp lãnh đạo và chuyên môn bậc cao vẫn ở trên cùng). Quay trở lại tầng lớp lãnh đạo ở Hình 2 có trị giá chỗ ở không cao tương ứng so với địa vị xã hội của họ, nhưng ở Hình 3 đã thể hiện "đẳng cấp cao" tương ứng của tầng lớp này (họ chỉ ở dưới tầng lớp doanh nhân và tương đương với tầng lớp chuyên môn bậc cao). Như vậy, ta thấy có sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam.

Bảng 3. Tỉ lệ (%) các tầng lớp xã hội có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác (2002-2014)

Tầng lớp xã hội 2002 2004 2006 2008 2010 2012 2014
Lãnh đạo 7,2 14,1 17,9 19,9 18,3 15,8 14,9
Doanh nhân 12,5 28,7 29,9 41,4 29,1 20,5 24,2
Chuyên môn cao 10,0 16,6 15,9 20,9 14,0 16,5 16,2
Nhân viên 6,8 14,8 14,0 18,1 13,5 10,1 13,5
Công nhân 7,2 13,1 11,7 12,8 9,5 11,8 8,9
Buôn bán, dịch vụ 7,5 14,2 10,6 15,1 12,5 10,6 13,3
Tiểu thủ công nghiệp 5,4 9,8 9,8 9,1 9,2 8,0 8,3
Lao động giản đơn 5,2 10,4 9,5 10,0 7,2 6,8 6,1
Nông dân 3,5 7,2 7,6 7,5 6,3 5,5 6,7
Chung 4,5 9,3 9,2 9,9 8,6 7,9 8,9

nghean3

Hình 3. Tỉ lệ các tầng lớp xã hội có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác (2002-2014)

Tóm lại, qua trình bày cả ba chỉ báo về trị giá chỗ ở chính, kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác ta thấy, có sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam. Một cực là tầng lớp cao (thượng lưu) có nguồn tài sản chỗ ở chính nhiều hơn cực kia - các tầng lớp còn lại. Điều này thể hiện các tầng lớp ở trên có nhiều thứ hơn (cụ thể là tài sản chỗ ở chính) so với các tầng lớp ở dưới. Tức là thể hiện nửa đầu câu hỏi cơ bản trong nghiên cứu phân tầng xã hội : "Ai có được cái gì và tại sao lại như vậy ? - Who gets what, and why ?" (dẫn theo Kerbo, 2000 : 10, 17, 142). Tình trạng bất bình đẳng phân cực giữa các tầng lớp xã hội là biểu hiện trên bề mặt cuộc sống. Vậy, lý giải hiện trạng này như thế nào ? Hoặc là, tại sao có sự phân cực trong mô hình phân tầng xã hội ở Việt Nam ? Hãy xem xét câu trả lời trong tiểu mục tiếp theo.

3.4. Tại sao có sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ?

Chúng ta hãy đi tìm câu trả lời từ vấn đề là ở chỗ, do mô hình phân tầng xã hội có dạng "kim tự tháp" với tầng lớp trung lưu còn nhỏ bé, đã tạo nên mô hình phân tầng xã hội hai cực trong thời kỳ đổi mới. Ta hãy tìm hiểu vấn đề này trên thế giới để soi tỏ cho trường hợp Việt Nam.

Nước Mỹ đã từng có một giai cấp trung lưu đông đảo. Nhưng từ năm 1968 đến 1983, quy mô dân cư được phân loại là "giai cấp trung lưu" theo thu nhập bắt đầu co lại. Trong khi đó, những hộ gia đình kiếm được tiền ở mức cao và mức thấp lại tăng lên. Các hộ giàu và hộ nghèo đang thay thế vào khoảng trống rộng rãi của các hộ trung lưu trước đây bị co lại. Tức là, các hộ gia đình ở hai mức thu nhập cao nhất và thấp nhất tăng nhanh hơn các hộ gia đình trung lưu ở giữa. Tình trạng này dẫn tới sự phân cực về thu nhập đã tăng lên ở nước Mỹ trong thời kỳ này. Sở dĩ như vậy, bởi vì những biến đổi về kinh tế, chính trị và nhân khẩu đã góp phần vào sự thay đổi này (Persell, 1987 : 211). Như vậy, nước Mỹ từ cấu trúc xã hội có giai cấp trung lưu đông đảo chuyển sang trạng thái co lại đối với giai cấp này, còn các giai cấp ở hai đầu đỉnh và đáy tháp phân tầng phình to ra. Quá trình này đã dẫn đến xã hội hai cực trong thời kỳ 1968-1983 (như đã giới thiệu ở phần đầu bài viết). Còn ở Việt Nam thì ngược lại. Tức là, tầng lớp trung lưu ở nước ta nhỏ bé từ trước. Quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam đang làm cho tầng lớp trung lưu lớn dần lên, nhưng còn chậm chạp. Cụ thể, tỉ lệ các tầng lớp trung lưu (với khái niệm mô tả trong Hình 1) tăng lên qua 7 cuộc khảo sát Khảo sát mức sống từ năm 2002 đến 2014 như sau : 10,8% 12,6% 13,8% 15,9% 28,1% 29,5% 29,9% (trung bình mỗi năm tầng lớp trung lưu tăng khoảng 1,6% do tầng lớp thấp giảm trung bình 1,6% di động đi lên tầng lớp trung lưu). Do tầng lớp trung lưu còn nhỏ bé, cho nên mô hình phân tầng xã hội hai cực ở Việt Nam đã thể hiện trong thời kỳ đổi mới. Đến khi nào Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa và trở thành nước công nghiệp thì cấu trúc xã hội sẽ có tầng lớp trung lưu đông đảo như các nước đã công nghiệp hóa trên thế giới : "Theo hầu hết những quan sát, giai cấp trung lưu hiện nay bao gồm phần lớn dân số nước Anh và hầu hết các nước đã công nghiệp hóa khác" (Giddens, 2001 : 293). Cũng đến lúc ấy, mô hình phân tầng hai cực hiện nay (hình kim tự tháp – Hình 1) sẽ thay đổi trở thành hình "quả trám" với phần lớn dân số thuộc tầng lớp trung lưu và bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội sẽ giảm đi.

Như vậy, tình trạng bất bình đẳng hai cực trình bày trên đây là sự bất bình đẳng bền vững thuộc về cấu trúc xã hội và là thuộc tính của hệ thống phân tầng xã hội hình kim tự tháp ở Việt Nam. Đây là cách nhìn cơ bản, bởi vì đó là cách nhìn về bất bình đẳng từ trong cốt lõi bản chất thuộc về mô hình phân tầng xã hội.

4. Khuyến nghị định hướng cho phát triển xã hội

Qua những trình bày ở trên cho thấy, tình trạng bất bình đẳng hai cực là do mô hình phân tầng xã hội hình "kim tự tháp" quy định. Đây là cơ sở để dẫn tới khuyến nghị rằng cần phải xây dựng mô hình có các tầng lớp xã hội ở giữa (phần thân tháp - tầng lớp trung lưu) phình ra to nhất. Hoặc gọi là mô hình xã hội trung lưu có hình dạng "quả trám". Phần thân tháp này sẽ bao gồm các tầng lớp của xã hội công nghiệp. Mô hình xã hội trung lưu có dạng "quả trám" sẽ thay thế cho mô hình phân tầng xã hội hình "kim tự tháp" hiện nay. Đây cũng là xu hướng vận động của các nước trong quá trình công nghiệp hóa (Giddens, 2001 : 293). Mô hình xã hội có tầng lớp trung lưu đông đảo sẽ ít phân cực hơn (2). Sự tăng lên của tầng lớp trung lưu có tác dụng làm giảm đi sự xung đột xã hội. Tầng lớp trung lưu như là một "khâu trung gian", như là chiếc "van an toàn" có tác dụng "điều hòa" sự xung đột xã hội, làm giảm đi sự xung đột giữa các tầng lớp ở hai cực : "Sự tồn tại một giai cấp trung lưu đông đảo đáp ứng như là cái giảm xóc về chính trị và kinh tế, và nhen nhóm lên hy vọng di động xã hội của con người và trách nhiệm của họ đối với trật tự xã hội, kinh tế và chính trị" (Persell, 1987 : 214). Tầng lớp xã hội trung lưu sẽ đảm bảo cho sự phát triển ổn định, hài hòa và bền vững của một cấu trúc xã hội hiện đại.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng mô hình xã hội trung lưu ? Để trả lời câu hỏi này, cần tìm hiểu ở tầng sâu hơn là phải quy về nền tảng kinh tế mà trên đó xây dựng nên mô hình xã hội trung lưu. Nền tảng kinh tế ở đây, tức là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp sao cho để tạo ra và mở rộng các vị trí lao động, việc làm ở khu vực dành cho tầng lớp trung lưu. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa sẽ quy định chủ yếu sự biến đổi về hệ thống các tầng lớp xã hội. Khi cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp sẽ dẫn tới kết quả là giảm tỉ lệ những tầng lớp của xã hội truyền thống và kéo theo sự tăng dần các tầng lớp đặc trưng cho xã hội công nghiệp. Nhưng, cơ cấu kinh tế ở Việt Nam hiện nay chưa thay đổi mạnh để tạo ra và mở rộng các vị trí lao động, việc làm ở khu vực dành cho tầng lớp trung lưu để người nông dân di chuyển đi lên vào những vị trí đó. Nếu không có sự thay đổi ở đường lối chiến lược thuộc về cơ cấu kinh tế, thì tầng lớp nông dân đông đảo hiện nay (kể cả thế hệ tương lai) giảm đi còn chậm chạp. Điều này đòi hỏi phải phát triển ưu tiên/chủ đạo mạnh mẽ kinh tế tư nhân (dựa trên sở hữu tư nhân, bao gồm các thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) thì sẽ tạo ra việc làm, nghề nghiệp mới nhiều hơn, so với việc làm được tạo ra từ kinh tế nhà nước (dựa trên sở hữu nhà nước/công hữu). Từ đây, đến lượt nó đòi hỏi phải chăng nên xem xét lại quan điểm chiến lược coi kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo ? Phải chăng nên thay đổi quan điểm này bằng chiến lược coi kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo ? Kinh tế nhà nước chiếm dụng chủ yếu các nguồn lực của quốc gia, nhưng lại tạo ra số lượng của cải không tương xứng - đóng góp được khoảng 1/3 GDP cả nước, làm ăn kém hiệu quả và tạo ra tỉ lệ việc làm ít ỏi (lao động khu vực kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, khu vực ngoài nhà nước chiếm phần rất lớn khoảng 86%, còn lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 4%- Tổng cục Thống kê, 2015 :114). Trong khi đó, kinh tế ngoài nhà nước thì không như vậy.

Khuyến nghị trên đây không phải là mới. Điểm mới là ở chỗ nó dựa trên cơ sở tiếp cận xã hội học, và cùng với cách tiếp cận kinh tế học nhằm xem xét hiện thực theo hai phương diện kinh tế và xã hội. Do vậy, cả hai cách tiếp cận này cùng đưa ra cái nhìn căn bản về cấu trúc kinh tế - xã hội Việt Nam.

Đỗ Thiên Kính

Nguồn : Văn Hóa Nghệ An, 17/02/2020

Tài liệu trích dẫn

1. Đỗ Thiên Kính. 2018. Bất bình đẳng mức sống ở nông thôn qua sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội.

2. Đỗ Thiên Kính. 2017. Bàn về cách tiếp cận và phương pháp đo lường tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Tạp chí Xã hội học, số 1 (137), 2017 : 82-92.

3. Đỗ Thiên Kính. 2015. Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, số 4 (200), 2015 : 29-40.

4. Đỗ Thiên Kính. 2014. Cản trở đối với tầng lớp nông dân trong hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số 2 (126), 2014 : 4-14.

5. Đỗ Thiên Kính. 2013. Khái niệm phân tầng xã hội và cách tiếp cận trong việc đo lường các tầng lớp xã hội. Tạp chí Xã hội học, số 1, 2013 : 91-103.

6. Đỗ Thiên Kính. 2011. Cấu trúc xã hội trong cả nước, nông thôn - đô thị và chân dung tầng lớp nông dân Việt Nam. Tạp chí Xã hội học, số 4 (116), 2011 : 8-21.

7. Giddens, Anthony. 2001. Sociology - 4th edition. Polity Press. UK.

8. Kerbo, Harold R. 2000. Social Stratification and Inequality : Class Conflict in Historical, Comparative, and Global Perspective - 4th edition. McGraw-Hill. New York.

9. Persell, Caroline Hodges. 1987. Understanding society. An introduction to sociology. Happer & Row, Publishers. New York.

10. Rothman, Robert A. 2005. Inequality and Stratification : Race, Class and Gender - 5th edition. Pearson Prentice Hall. United States of America.

11. Scott, John. and Gordon Marshall. 2009. A Dictionary of Sociology - Third Edition Revised. Oxford University Press. New York.

12. Tổng cục Thống kê. 2016. Kết quả Khảo sát Mức sống dân cư năm 2014. Nhà xuất bản Thống kê. Hà Nội.

13. Tổng cục Thống kê. 2015. Niên giám thống kê 2014 (Văn bản điện tử). Nhà xuất bản Thống kê. Hà Nội.

14. Trịnh Duy Luân. 2004. Vấn đề phân tầng xã hội Việt Nam hiện nay : nhìn lại một số khía cạnh phương pháp luận từ cách tiếp cận xã hội học. Tạp chí Xã hội học, số 3, 2004 : 14-24

------------------------

Chú thích : 

[1] Robert Rothmanđã tạo dựng nên mô hình khái quát về 5 giai cấp cơ bản phổ biến đối với hầu hết các quốc gia công nghiệp : 1) Giai cấp tinh hoa/thượng lưu (elite class) ; 2) Giai cấp trung lưu lớp trên (upper middle class) ;3) Giai cấp trung lưu lớp dưới (lower middle class) ; 4) Giai cấp lao động (working class) ; 5) Giai cấp hạ lưu/nghèo (poor/lower class). Trong đó, giai cấp trung lưu lớp trên và lớp dưới được xác định dựa theo nghề nghiệp. Đó là những người trong dãy các nghề nghiệp từ cao nhất (trên cơ sở tri thức chuyên môn như bác sĩ, nhà khoa học, lập trình computer, người quản lý) cho đến mức trung bình (như giáo viên phổ thông, nhân viên văn phòng và bán hàng) (Rothman, 2005 :43, 60, 61).

[2] Trong số các mô hình phân tầng xã hội cơ bản trên thế giới (hình kim tự tháp/hình nón, hình nón cụt, hình thoi/quả trám/con quay, hình trụ và hình "đĩa bay"), thì mô hình kim tự tháp có sự bất bình đẳng vào loại cao nhất (Trịnh Duy Luân, 2004 :19). Ta có thể chứng minh điều này bằng lập luận đại thể như sau : Trong mô hình kim tự tháp với đa số thành viên ở dưới đáy, nhưng lại sở hữu/kiểm soát một lượng trị giá nguồn lực không tương xứng với chúng. Cụ thể là, số thành viên ở đáy thì nhiều mà lại sở hữu/ kiểm soát một lượng trị giá nguồn lực thì ít. Trong khi đó, số thành viên ở đỉnh tháp thì ngược lại. Tiếp theo sẽ được chứng minh cụ thể hơn qua ý tưởngso sánh về tỉ lệ của "cộng dồn của nguồn lực" trên/(phép chia) "cộng dồn của dân số" giữa hai nhóm ở phía trên và phía dưới tháp phân tầng (Đỗ Thiên Kính, 2014 :11). Từ đây, với lập luận tương tự ta có thể suy ra rằng, mô hình phân tầng xã hội có tầng lớp trung lưu đông đảo sẽ có sự phân phối các nguồn lực bình đẳng hơn (tức là ít phân cực hơn) so với mô hình phân tầng xã hội hình kim tự tháp

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đỗ Thiên Kính
Read 2326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)