Từ chuyện cô giáo "xin cái laptop" đến chuyện lạm thu trong trường học
RFA, 30/09/2024
Một giáo viên xin phụ huynh hỗ trợ tiền để mua cái laptop bị hiệu trưởng ký Quyết định đình chỉ công tác 15 ngày gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ tiền để mua cái laptop bị đình chỉ công tác 15 ngày
Lý do tạm đình chỉ công tác cô giáo này là "để xác minh, làm rõ đơn phản ánh, ổn định tình hình phụ huynh và học sinh trong thời gian xem xét hướng xử lý kỷ luật".
Xã hội hóa & lạm thu
Việc kỷ luật cô giáo gây nhiều tranh cãi. Có người cho rằng, cần phải lên án và kỷ luật cô giáo để ngăn chặn việc giáo viên "vòi tiền" phụ huynh học sinh ; cũng có người cho rằng, chuyện cần làm là phải đấu tranh đến cùng tệ nạn tận thu, lạm thu trong nhà trường. Có như thế thì môi trường giáo dục mới tốt lên được.
Trong cuộc gặp báo chí sáng 30/9, cô giáo bị kỷ luật cho rằng : "Tôi đã sai khi không hiểu thông tư về xã hội hóa. Những ngày qua tôi bị ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe rất nhiều và cũng mong sự việc sớm được giải quyết".
Nhà giáo Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông với RFA :
"Người ta thường nói xã hội hóa giáo dục, tức là ngoài phần ngân sách nhà nước cho giáo dục thì phụ huynh học sinh phải đóng góp vào quá trình đào tạo trong nhà trường. Nhưng hiện nay, tuyệt đại đa số Hội phụ huynh của trường cũng như của lớp là cánh tay nối dài của Ban giám hiệu để vận động, quyên góp chi những khoản ngoài quy định của nhà nước. Có những khoản hết sức vô lý.
Còn trường hợp cô giáo này là một trường hợp ngoại lệ và không có lý do chính đáng. Tôi cho rằng việc xin phụ huynh hỗ trợ cái laptop là không nên. Tôi nghĩ rằng Ban giám hiệu và lãnh đạo các cấp phải nghiêm cấm vấn đề này để tránh việc lạm dụng phụ huynh mua cái này cái kia".
Theo Luật Giáo Dục 2019, xã hội hóa giáo dục là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nhằm phát huy truyền thống hiếu học và tiềm năng con người trong quá trình xây dựng nền giáo dục hiện đại dưới sự quản lý của Nhà nước để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao mức hưởng thụ giáo dục của nhân dân. Xã hội hóa giáo dục gồm hai thành phần chính, đó là xây dựng một xã hội học tập trong đó mọi người học tập thường xuyên, học tập suốt đời, và vận động toàn xã hội tham gia đóng góp cho giáo dục.
Một số chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, khái niệm xã hội hóa giáo dục bị biến tướng thành lạm thu trong trường học, và nhà trường mượn tay Hội Cha mẹ học sinh để thực hiện việc lạm thu này. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội từng nói với RFA về việc này :
"Đây là một tệ nạn rất là nghiêm trọng của ngành giáo dục. Gọi là lạm thu nhưng thực tế trong hệ thống pháp luật của Việt Nam không có từ nào là từ "lạm thu" cả. Phải gọi sòng phẳng đây là từ tham nhũng, cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm để cố ý làm trái mà kẻ đứng đầu trong các trò tham nhũng này là hiệu trưởng các trường".
Phản ứng quá mức ?
Năm 2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ từng ký ban hành công văn yêu cầu chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định ; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.
Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, chuyện kỷ luật một cô giáo không làm thay đổi được vấn nạn "xin" tiền phụ huynh một cách công khai, hay quyên góp theo kiểu "tự nguyện bắt buộc" tại hầu hết các trường học trong cả nước vào đầu năm học, mà cần phải có một quyết định từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Theo nhà giáo Đinh Kim Phúc, chuyện lạm thu, tận thu trong trường là vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam từ nhiều năm qua nhưng không được giải quyết, dẫn đến chuyện một cô giáo công khai quyên góp tiền của phụ huynh để mua một vật dụng mà cô cho là chỉ để phục vụ cho việc giảng dạy. Liên quan việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng cho rằng sẽ xử lý nghiêm hành vi sai trái của giáo viên này.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu nhận định của ông với RFA :
"Xét vì mức lỗi của cô ấy không lớn, đã được khắc phục hoàn toàn và cũng phải chịu sự trả giá rất lớn từ trong phạm vi nhà trường cho đến cả ngoài xã hội. Tôi nghĩ như thế đã là quá nặng nề so với mức lỗi mà cô ấy đã gây ra. Việc xã hội lên án là chính đáng, thế nhưng, một số người đăng tải ảnh sinh hoạt bên ngoài của cô giáo lên mạng xã hội. Không chỉ thế, truyền thông trong nước còn hùa vào bằng cách quay video đưa hình ảnh cô giáo lên công khai đều là những phản ứng quá mức cần thiết".
Theo Luật sư Mạnh, điều này khiến ông liên tưởng đến hành vi đấu tố khốc liệt trong thời kỳ cải cách ruộng đất mà chế độ cộng sản thực hiện tại miền Bắc Việt Nam trong thập kỷ 50. Ông nói tiếp :
"Trong bối cảnh đó, ông Tô Lâm, Tổng bí thư kiêm Chủ Tịch nước tự tiện mang 500 máy tính và 10 nghìn tấn gạo tặng cho Cuba trong chuyến công du Bắc Mỹ lại không thấy mấy người phê phán. Vì lẽ, người dân Cuba nghèo khổ không phải vì thiên tai, mà vì sự lựa chọn chính thể sai lầm của chế độ cầm quyền. Cho nên, việc tặng cho gạo và máy tính hoàn toàn không chính đáng. Trường hợp của cô giáo tham lam tài sản của phụ huynh, không phải của người dân thì nhiều người và truyền thông đấu tố rầm rộ. Trong khi đó, ông Tô Lâm tự tiện tặng cho tài sản của dân theo cách không chính đáng, thì những người và giới truyền thông đã từng hùng hổ tấn công cô giáo ấy chỉ biết câm lặng".
Ông Tô Lâm, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước tự tiện mang 500 máy tính và 10 nghìn tấn gạo tặng cho Cuba trong chuyến công du Bắc Mỹ lại không thấy mấy người phê phán.
Theo truyền thông Nhà nước, tại buổi hội đàm cấp cao vào chiều 26/9 vừa qua tại Havana, Cuba, ông Tô Lâm thông báo với Chủ tịch nước, Bí thư thứ nhất Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez về việc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng nhân dân Cuba 10.000 tấn gạo ; trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng tặng Trung ương Đảng cộng sản Cuba 500 máy tính.
Nguồn : RFA, 30/09/2024
******************************
Giấy khen & tiền ủng hộ bão lũ : "đánh giá lòng tốt qua đồng tiền" ?
RFA, 30/09/2024
Dư luận mạng xã hội tranh cãi khi Trường Tiểu học Lê Quý Đôn ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ phát giấy khen cho học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc trong đợt bão lũ vừa qua từ 100.000 đồng trở lên.
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh - Courtesy thlequydongovap.hcm.edu.vn
Phản giáo dục
Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định với RFA hôm 30/9 :
"Cái đó phản giáo dục nhất, là đánh giá lòng tốt qua đồng tiền. Trong lúc đó, tất nhiên không phải ai cũng vậy, nhưng mà có những em đi học đã là một sự cố gắng của cha mẹ. Ở Việt Nam hiện nay thực tế vẫn chưa có giáo dục miễn phí cho học trò, khi nói miễn phí là nói trên danh nghĩa thôi, còn người ta vẫn phải nộp tiền này tiền kia đủ các thứ. Đây là trường hợp đã nói miễn phí rồi, chứ còn đa số các trường khác thường thu phí như thường. Có một số phụ huynh họ không biết tìm đâu ra tiền để nộp, như vậy cho dù họ có giàu lòng nhân ái đến đâu họ cũng không thể đi giúp người khác với số tiền mà ở hoàn cảnh khác cho là rất nhỏ như 100.000 như thế".
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, sự việc trên rõ ràng, ban lãnh đạo nhà trường đang đánh giá con người qua đồng tiền. Việc này theo ông khó chấp nhận được, nhất là lại xảy ra trong môi trường giáo dục.
Theo truyền thông Nhà nước, trong số 2.100 học sinh tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn ở quận Gò Vấp – Thành phố Hồ Chí Minh, có 1.500 em được nhận giấy khen. Điều đó có thể hiểu rằng, trường đã vận động được ít nhất cả trăm triệu đồng tiền ủng hộ bão lũ, coi như đủ định mức hoặc có thể nói đạt chỉ tiêu (?!).
Một phụ huynh ở Việt Nam, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 30/9 cho biết ý kiến :
"Giáo dục bây giờ xuống cấp quá nhiều, những việc làm của Bộ Giáo dục, trường và giáo viên đều rất tùy tiện và cứ theo cảm tính của họ. Việc cho các học sinh đóng tiền cứu trợ bão lũ đã sai vì các em chỉ sống vào tiền của phụ huynh, bản thân không làm ra tiền, việc từ thiện không phải là việc của bọn nhỏ… và chuyện khen thưởng bằng giấy khen khiến cho việc này càng rất tồi tệ. Nếu đã làm thì chỉ cần cám ơn các em tại buổi lễ chào cờ là được, tập hợp làm giấy khen cho trẻ đóng trên 100.000 đồng là sự phân cấp rõ rệt và có dấu hiệu cổ vũ cho các em đóng lần sau cho nhiều hơn, cạnh tranh nhau… quá phản cảm…"
Theo vị phụ huynh này, Giáo dục Việt nam nên chỉnh đốn bằng những việc cụ thể hơn, như :
"Miễn giảm học phí, không ủng hộ dạy thêm, tăng lương giáo viên, rà soát bằng cấp giáo viên, bồi dưỡng đạo đức và tâm lý cho tất cả ai đứng lớp, soạn bộ sách giáo khoa duy nhất cho từng lớp, hạn chế các đầu sách mẫu, giảm tải giờ học… Đó là tất cả các bước cần làm của Giáo dục".
Bà này cho rằng, một nền giáo dục chỉnh chu sẽ đào tạo được nhiều thế hệ nối tiếp. Cũng theo người phụ huynh này, ngành giáo dục nếu thật sự quyết tâm chỉnh đốn, sẽ có thể dễ dàng thực hiện được.
Toàn cảnh làng Nủ sau trận sạt lở.
Làm việc thiện từ tâm
Bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào ngày 7/9 vừa qua kéo theo đó là lũ và sạt lở đất trong các ngày tiếp theo. Theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 27/9, đã có 318 người chết, 26 người mất tích vì bão Yagi. Ước tính thiệt hại về kinh tế do bão Yagi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là trên 81 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 27/9. Sau 10 ngày phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 20/9 công bố đã nhận được 1.628 tỷ đồng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ.
Liên quan đến việc vận động ủng hộ bà con miền Bắc bị ảnh hưởng bão và câu chuyện về giấy khen ở trường Lê Quý Đôn, một người dân ở miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên ví lý do an ninh, hôm 30/9 cho rằng không nên so sánh, khen thưởng đối với quy mô đóng góp từ thiện. Người này nói :
"Ông Phạm Nhật Vượng ủng hộ 10 triệu USD cho đồng bào bị thiệt hại vì bão lũ, thì không thể nói tấm lòng của ông ấy hơn tôi - là người chỉ ủng hộ có 10 USD, trong khi thu nhập của tôi chỉ bằng 1/1 triệu của ông ấy ! Tấm lòng của một con người là vô biên và quý như nhau nên không thể cân, đong, đo, đếm được. Do đó, không ai có quyền so sánh, nói tấm lòng người này hơn người kia đối với một hành động cụ thể nào đó vì cộng đồng !"
Việc từ thiện mang ý nghĩa tùy tâm và nếu như vậy một đồng cũng quý, chứ không cần phải ấn định là mức bao nhiêu.
-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương
Còn Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đưa ra nhận định với RFA hôm 30/9 rằng :
"Việc từ thiện mang ý nghĩa tùy tâm và nếu như vậy một đồng cũng quý, chứ không cần phải ấn định là mức bao nhiêu. Cho nên nếu bảo mức 100.000 hay 200.000 mà ấn định, thì tôi thấy là không bình thường. Đó là ý thứ nhất. Cái thứ hai tôi thấy cần phải nói ở đây là việc phát giấy khen hay giấy chứng nhận cũng không hợp lý ở chỗ vì từ thiện là tùy tâm, chẳng ai làm việc đó để nhận được lời khen. Từ xưa đến nay nhiều người làm từ thiện ẩn danh, người ta không cần một cái gì đấy chứng minh hay khoe ra để được khen".
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, việc phát giấy khen là không hợp lý, không phù hợp với triết lý của ông cha ta, đó là ‘ta giúp đỡ người khác mà không cầu lợi’. Vì nếu cầu lợi hay cầu danh là không phải, mà lại càng không phải ở chỗ đi phán xét ‘100.000 mới đúng mà một đồng là không đúng’. Tiến sĩ Hương nói tiếp :
"Đối với học sinh thì những hoạt động của nhà trường đều phải đặt mục tiêu giáo dục lên trên. Cho nên nếu những hoạt động như thế này cũng là giáo dục cho trẻ em lòng từ thiện, tức là thương người, giúp đỡ mà không phải cầu danh cầu lợi, mà chỉ xuất phát từ tâm của mình… Nếu hướng theo mục tiêu giáo dục như thế thì cũng không nên có những hoạt động kiểu như vinh danh, phần thưởng hay giấy khen. Và cũng không nên vì một đồng, hai đồng mà chê, phải thông qua những hoạt động này để giáo dục cho trẻ em hiểu hơn về thực chất của việc làm từ thiện".
Tiến sĩ Hương cũng đồng tình với Phó Giáo sư Hoàng Dũng khi cho rằng, áp dụng hình thức khen thưởng khi làm việc thiện như thế là hoàn toàn phản giáo dục.
Nguồn : RFA, 30/09/2024
Chuyển biến trong xã hội Việt Nam đương đại qua sách của chuyên gia Pháp
Benoît de Tréglodé,Thu Hằng, RFI, 26/03/2024
Việt Nam thay đổi một cách sâu sắc kể từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986. Đối với nhiều nhà nghiên cứu Pháp, hình ảnh Việt Nam không chỉ còn gắn với thời Pháp thuộc, mà họ hiện bị cuốn hút vào hình ảnh một sức mạnh đang trỗi dậy ở Châu Á.
Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện IRSEM, chủ biên cuốn Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours (2018). Photo : Lionel Monnier
Quan sát, nghiên cứu, phân tích những biến chuyển về mọi lĩnh vực trong xã hội Việt Nam đương đại là mục tiêu chính của cuốn Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours (Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến ngày nay), được phát hành ngày 15/03/2018. Điểm đặc biệt : Tác phẩm là công trình của nhiều chuyên gia thuộc ba thế hệ nhà nghiên cứu Pháp ngữ và thể hiện rõ cách phân tích, quan điểm riêng của mỗi thế hệ.
RFI tiếng Việt đã đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, chủ biên cuốn Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours.
Phỏng vấn Giam đốc nghien cuu Benoit de Tréglodé
RFI : Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến ngày nay từng được đề cập nhiều, cuốn sách do ông chủ biên có những điểm mới và khác biệt nào so với những tác phẩm trước đây ?
Benoît de Tréglodé : Việt Nam vẫn là một câu chuyện tình ở Pháp. Đúng là có rất nhiều tác phẩm về Việt Nam từ lâu rồi. Với một tác phẩm như cuốn sách này, được xuất bản dưới dạng sách bỏ túi, nhỏ nhắn, với khoảng 300 trang, mục đích của chúng tôi là giới thiệu những thay đổi gần đây nhất trong xã hội Việt Nam, chứ không chỉ nhắc lại những điều thường được làm về đất nước này, có nghĩa là nghiên cứu về tiến trình lịch sử của Việt Nam.
RFI : Vậy xã hội đương đại Việt Nam từng bước thay đổi như thế nào ?
Benoît de Tréglodé : Điều đầu tiên cần nói là một xã hội không hẳn được tóm gọn trong việc lược lại lịch sử, những sự kiện lớn dẫn đến chiến tranh Việt Nam, nền độc lập của Việt Nam và sự mở cửa của đất nước từ lúc Đổi Mới.
Với chúng tôi, còn nhiều mặt khác cũng rất quan trọng. Dĩ nhiên phải đề cập đến nền kinh tế từ năm 1986, nhưng cũng phải nói đến con người, cách thức mà xã hội và người Việt đã thay đổi, phát triển và thích nghi với thời đại mới. Đây chính là điều mà chúng tôi quan tâm, đề cập trong cuốn sách. Có nghĩa là không chỉ nói về lịch sử và kinh tế, mà chúng tôi còn nghiên cứu mối quan hệ xã hội, sự trao đổi trong xã hội Việt Nam được tiến hành như thế nào trong thời đại ngày nay. Chúng tôi cũng tìm hiểu xem xã hội thời 2.0 đã chuyển hóa sâu sắc như thế nào mối quan hệ xã hội ở Việt Nam đương đại.
Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến vấn đề môi trường vì môi trường cũng là một cách để tầng lớp trung lưu và xã hội Việt Nam nghĩ khác đi về mối quan của họ với chính trị. Dĩ nhiên là chúng tôi cũng trở lại với cách đặt vấn đề liên quan đến tôn giáo. Theo nhãn quan lâu nay ở Pháp, lịch sử Việt Nam vẫn bị gò bó trong một số chủ đề như chiến tranh, kinh tế và nông thôn. Nhưng Việt Nam còn có nhiều điểm khác. Việt Nam là một xã hội chuyển biến nhanh chóng mà người Pháp ngày nay không hiểu hết vì vuột khỏi tầm tay họ.
RFI : Chính sách "Thêm bạn, bớt thù" được Việt Nam theo đuổi cũng được đề cập trong sách. Đây là cách để Việt Nam duy trì cân bằng giữa Trung Quốc và phương Tây để bảo vệ lợi ích quốc gia ?
Benoît de Tréglodé : Việt Nam luôn vận hành theo thực tế và theo nhu cầu tìm được sự cân bằng để bảo vệ quyền lợi quốc gia trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Việt Nam không thật sự có một đường lối, theo Liên Bang Xô Viết hay ngả theo Trung Quốc. Trong quá khứ, Việt Nam luôn luôn có những dàn xếp, thương lượng cho phép người Việt có thể từng bước bảo vệ lợi ích của chính mình trong bối cảnh tái cân bằng sức mạnh trên trường quốc tế.
Chiến tranh lạnh kết thúc vào cuối thập niên 1990, ngân sách nhà nước trống rỗng, nên theo đúng thời thế, Việt Nam hướng đến những "kẻ thù xưa" : bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh, hòa nhập trên trường quốc tế… Đó là một thách thức thực tế lớn đối với giới tinh hoa Việt Nam.
Quan hệ với Trung Quốc đã tác động đến sự xoay chuyển thực dụng này và hiện vẫn đuợc chú trọng trong cách Việt Nam cố bảo vệ, duy trì quyền tự chủ, độc lập quốc gia và thế cân bằng trong người dân qua việc quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh.
RFI : Có nghĩa là Việt Nam phải dung hòa giữa hai cường quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc ?
Benoît de Tréglodé : Câu hỏi ít được nêu ra là liệu Việt Nam có sự lựa chọn hay không ? Rõ ràng là trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, cách đây 40 năm, Việt Nam đã chơi với các nước có ảnh hưởng, đôi khi là quan trọng hơn Việt Nam.
Chúng ta nên nhớ là có rất nhiều thách thức về lãnh thổ ở Biển Đông, cũng như thách thức chính trị về mặt ổn định quyền lực trong nước và ảnh hưởng của nước ngoài trên các mặt chính trị, kinh tế và chiến lược. Và thách thức đối với giới tinh hoa Việt Nam là duy trì quyền lực và có thể lèo lái giữa ý đồ của các cường quốc. Vấn đề quan trọng là bảo tồn được vị trí của Việt Nam trong môi trường quốc tế thường biến động.
Việc một tầu sân bay Mỹ, lần đầu tiên ghé cảng Việt Nam, là một quyết định quan trọng và đánh dấu quan hệ song phương Mỹ-Việt. Và hiểu theo một cách nào đó, sự kiện này cũng dẫn đến khả năng là Việt Nam, trong những tháng sắp tới, sẽ đón tiếp hoặc chấp nhận một chuyến viếng thăm tương tự, nhưng lần này là của một tầu sân bay Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra là liệu chuyến thăm của tầu sân bay Mỹ có thể hiện sự tăng cường quan hệ an ninh với Washington hay không ? Hay chuyến thăm đó là một cái cớ có chủ ý dẫn đến việc trong thời gian tới người Việt sẽ chấp nhận chuyến thăm và yêu cầu từ phía Trung Quốc để tầu sân bay của họ đến Việt Nam.
Ngoài ra, năm 2018 là một năm quan trọng đối với Trung Quốc, được đánh dấu bằng những hành động mang tính biểu tượng, vì đây là năm kỷ niệm quan hệ đối tác chiến lược mà Bắc Kinh đã ký với khối ASEAN. Trong bối cảnh này, một số nước, đôi khi có quan hệ phức tạp với Bắc Kinh, như Việt Nam hoặc gần đây là Philippines, đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.
Chính vì vậy, một sự kiện mang tính biểu tượng sẽ diễn ra để đánh dấu quan hệ đối tác chiến lược, cũng như tăng cường hợp tác an ninh. Và rất nhiều khả năng là Trung Quốc đang chuẩn bị để tầu sân bay nước này ghé cảng Việt Nam. Nếu việc này diễn ra, Bắc Kinh sẽ cho đó là một thành công trong việc hai nước xích lại gần hơn nữa trong bối cảnh toàn diện hơn của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN.
RFI : Trong cuốn sách, ông viết về "Nhà nước-Đảng" và "Nhà nước và Đảng". Hai khái niệm này khác nhau như nào ?
Benoît de Tréglodé : Đây là một vấn đề có từ lâu và góp phần làm sôi nổi hướng suy nghĩ của cộng đồng nghiên cứu về Việt Nam, cũng như trong số các bạn đồng nghiệp Việt Nam của chúng tôi.
Kể từ khi đất nước mở cửa năm 1986, hình ảnh mà Việt Nam muốn truyền tải ra nước ngoài, và ở cả trong nước, là dần dần có sự độc lập giữa Đảng và Nhà nước. Nhà nước không còn trực tiếp phụ thuộc vào Đảng nữa và điều này được đi theo hướng dân chủ hóa hệ thống chính trị nội bộ Việt Nam. Nhưng đó chỉ là những lời nói. Tại sao ? Chúng ta có thể thấy rõ điều này kể từ đại hội gần đây nhất của Đảng cộng sản Việt Nam, theo đó Đảng tiếp tục đóng vai trò đầu tầu trung tâm của hệ thống chính trị Việt Nam. Mọi diễn biến và vận hành của chính phủ quanh hệ thống vẫn bị kiểm soát và tuân theo chỉ đạo của Đảng.
Việt Nam có ý định từng bước chứng minh là hệ thống chính trị dần dần được dân chủ hóa, thậm chí một cách nào đó còn theo xu hướng Tây phương. Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại một quy tắc chủ đạo, đó là quy tắc Đảng vẫn là động lực chính của hệ thống chính trị Việt Nam.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI 26/03/2024
Benoît de Tréglodé (chủ biên), Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours, Paris : Editions de la Sorbonne, 2018, 296 trang.
Bìa cuốn sách Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours (Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến ngày nay), Nhà xuất bản La Sorbonne, 2018. Editions de la Sorbonne
RFA, 27/07/2023
Cư dân chung cư Sunrise City Central, thuộc phường Tân Hưng, quận 7 đang phản đối gay gắt dự án xây dựng phòng khám đa khoa rộng đến hơn 23.000 mét vuông ở bốn tầng của chung cư này.
Người dân cung cấp
Khu vực bốn tầng 1, 2, 3, 4 của chung cư này có mục đích sử dụng là thương mại – dịch vụ thuộc quyền sở hữu của Vietinbank. Hồi tháng 6/2023, cư dân sinh sống tại chung cư Sunrise nhận được thông báo của Ban quản lý chung cư về việc Vietinbank đã cho công ty Bệnh viên đa khoa Tâm Anh (bệnh viện Tâm Anh) thuê lại để làm phòng khám đa khoa không lưu trú.
Ngay lập tức, dự án này bị hàng loạt cư dân sinh sống tại đây phản đối quyết liệt. Cư dân ở đây cho rằng mục đích sử dụng của chung cư và bệnh viện là hoàn toàn khác nhau. Do đó, từ thiết kế, kiến trúc tổng thể đến không gian từng phòng chức năng, hệ thống thoát hiểm, thoát nước, xử lý rác, nước thải đến thang máy, các trang thiết bị, tiện ích công cộng, an ninh trật tự… cũng khác biệt.
Cư dân lo ngại rằng tầng hầm giữ xe sẽ ngày càng quá tải hơn vì lượng xe gởi của người khám và thân nhân : Các tiện nghi công cộng như phòng thể dục thể hình, phòng giải trí… bị thu hẹp, thậm chí biến mất : Khu vực hồ bơi, sân tập thể dục, không gian chung sẽ bị ảnh hưởng và càng khó quản lý : Hệ thống xả thải đang dùng chung, có thể dẫn mầm bệnh đến từng nhà : Việc xử lý nước thải, rác y tế của bệnh viện được thiết kế riêng vẫn chưa triệt để : Hệ thống thông gió tự nhiên, thông gió ống dẫn rác không thể đáp ứng : Tiếng ồn, xe cấp cứu 24/7 và nguồn điện quá tải bởi các trang thiết bị bệnh viện. Nguy cơ cháy nổ nhãn tiền : Khách vãng lai gia tăng kéo theo nhiều hệ luỵ về an ninh trật tự và các dịch vụ ăn theo, nhất là dịch vụ Airbnb lưu trú cho bệnh nhân ngoại trú và người thân : Thang máy vốn có đã quá tải sẽ càng quá tải : Mọi thứ bị tác động : Cuộc sống và nhịp sinh hoạt đảo lộn với những hệ lụy khôn lường.
Ông Mỹ, một cư dân sinh sống ở chung cư này đã tám năm nay nói với RFA rằng :
"Làm gì có chuyện mở một phòng khám to đùng ở đây được. Cư dân phản đối nhưng mà ban quản trị, người đại diện của chung cư rồi Ủy ban phường họ tìm mọi cách để thuyết phục cư dân, làm sao để ủng hộ chủ trương đó".
Với hàng loạt các rủi ro kể trên, ngày 27/6, khoảng 200 cư dân đã đồng ký tên một lá đơn khiếu nại gởi các cơ quan ban ngành của Thành phố Hồ Chí Minh về việc "mở phòng khám đa khoa trái quy định pháp luật tại bốn tầng thương mại dịch vụ diện tích 23.599 m2 tại Chung cư Sunrise City Central".
Lá đơn khiếu nại mà cư dân gởi cho RFA chỉ ra các sai phạm về pháp lý trong dự án này như sau :
Việc Ngân hàng Vietinbank cho Bệnh viện Tâm Anh thuê lại toàn bộ bốn tầng với tổng diện tích rất lớn lên đến hơn 23.000 m2 để làm phòng khám đa khoa với quy mô tương đương một bệnh viện lớn là không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không phù hợp chức năng, công năng sử dụng của các sàn thương mại.
Toàn bộ bốn sàn mà Vietinbank sở hữu có công năng là "thương mại – dịch vụ". Trong khi đó, dịch vụ y tế không thuộc mã ngành "thương mại – dịch vụ". Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, đặc thù, phải đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia chặt chẽ và phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép con đối với từng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
Vi phạm nghiêm trọng về quy trình thực hiện việc sửa chữa, xin cấp giấy phép xây dựng. Bệnh viện Tâm Anh chưa xuất trình được giấy phép mở phòng khám nhưng UBND phường Tân Hưng đã thống nhất các hạng mục sửa chữa và cho phép người vào chung cư xây dựng, cải tạo khi chưa họp và lấy ý kiến của toàn thể cư dân.
Ông Mỹ cho biết, cư dân ở đây đã chủ động liện hệ với rất nhiều các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước về vụ việc này, nhưng không được như ý nguyện :
"Khi người dân gửi đơn cho các cơ quan báo chí thì không có báo nào dám đăng, thậm chí có báo đăng xong rồi rút bài liền.
Tôi nghĩ rằng điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì tập đoàn Novaland hay Vietinbank và bệnh viện Tâm Anh đã chi tiền quảng cáo rất nhiều cho các cơ quan truyền thông. Cho nên sẽ không tờ báo nào dám đụng tới họ.
Chỉ có một vài các tờ báo nhỏ nhỏ hoặc là các blog cá nhân thôi, còn các cơ quan truyền thông là đều im lặng".
Buổi họp giữa cư dân chung cư, UBND quận 7 đại diện bệnh viện Tâm Anh. Ảnh : Người dân cung cấp
Trước sự phản đối của cư dân, hôm 12/7, UBND quận 7 tổ chức cuộc họp đối thoại giữa các bên, bao gồm cư dân chung cư, chủ đầu tư - công ty Novaland, chủ sở hữu bốn sàn - ngân hàng Vietinbank và đại diện bệnh viện Tâm Anh.
Ông Lê Văn Thành, phó chủ tịch quận 7, cho biết "Quận 7 có mục tiêu định hướng phát triển hình thành cụm đô thị y tế, giáo dục chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch tại trung tâm phía Nam thành phố. Do đó, UBND quận 7 ủng hộ đầu tư mở phòng khám đa khoa trên địa bàn quận 7 nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn quận".
Ngày 13/7, UBND quận 7 ra văn bản yêu cầu Vietinbank gởi các bằng chứng về quyền sở hữu bốn tầng chung cư Sunrise cho UBND quận : Yêu cầu bệnh viện Tâm Anh gởi công văn giải trình về các thủ tục hành chính, hoàn thiện hồ sơ về y tế môi trường, phòng cháy chữa cháy, khai thác sử dụng và hoạt động đúng theo ngành nghề chức năng đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, rồi niêm yết công khai để cư dân chung cư được biết.
Bà Ánh, một cư dân phản đối dự án này cho biết, từ hôm họp cho đến nay, bà không thấy bất kỳ một thông tin nào từ UBND Quận 7 nữa. Quận hay phường Tân Hưng đều không có động thái gì :
"Tôi nghĩ rằng các cơ quan, đơn vị cần phải làm rõ. Bởi vì luật ở Việt Nam, chính quyền địa phương nhiều khi họ cũng không hiểu được rằng cái này được hay là không được".
Bà Ánh nói với RFA rằng, hôm 27/7, bệnh viện Tâm Anh vẫn tiếp tục cho người đến thi công cải tạo ở tầng 4 của chung cư. Bà nói không biết họ sửa chữa những gì mà người dân phát hiện tình trạng nứt và chảy nước dưới tầng hầm :
"Cư dân yêu cầu ban quản lý làm việc, xong rồi gọi bên UBND phường phụ trách về vấn đề xây dựng, cũng như công an phường… nói chung là rất nhiều bộ phận liên quan tới để lập biên bản và kiểm tra thì bệnh viện Tâm Anh cũng không cho cơ quan nhà nước vào luôn.
Cho nên mình nghĩ là cư dân của mình sẽ chẳng làm gì được. Họ có làm cái gì ở trong đó thì mình cũng không biết được".
Phóng viên RFA đã gọi tới số điện thoại của chủ tịch và bí thư phường Tân Hưng, theo số điện thoại công khai trên trang web của phường Tân Hưng, nhưng không có ai nghe máy.
RFA cũng đã gởi email đến Bệnh viện Tâm Anh để hỏi thêm về vụ việc, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nguồn : RFA, 27/07/2023
*********************
Lại câu chuyện giáo dục : Sao cả trăm ngàn trẻ tiểu học lưu ban ?
RFA, 27/07/2023
Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam mới đây cho biết, cả nước có 105.734 học sinh tiểu học chưa hoàn thành chương trình lớp học, trong đó khối lớp 1 nhiều nhất với 52.456 học sinh.
Học sinh lớp Một trong ngày khai giảng tại một trường tiểu học ở Hà Nội - AFP
Theo Vụ Giáo dục tiểu học, sở dĩ con số cao như vậy là do việc thực hiện đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vụ Giáo dục tiểu học cũng cho rằng, điều này phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc.
Với con số hơn một trăm ngàn học sinh tiểu học có nguy cơ bị lưu ban, nhiều người cho đây là tin vui bởi không còn bệnh thành tích, nhưng nhiều người khác lại cho là tin không vui, bởi đó là bộ mặt thật của giáo dục Việt Nam với chương trình giáo dục không phù hợp.
Thầy giáo Ngọc Sơn nói với RFA :
"Thật ra là học sinh tiểu học ở lại lớp thì nó cũng có từ nhiều năm trước rồi, nhưng có lẽ chưa có một cái thống kê chính thức thôi.
Cái quan trọng là nguyên nhân dẫn đến việc các cháu cấp một phải ở lại. Nó có nhiều nguyên nhân lắm. Ví dụ bây giờ là bệnh thành tích, con nít phải biết chữ trước khi vào lớp một. Còn nếu mà chưa biết chữ thì khi vào lớp một hầu như bị thầy cô bỏ bê luôn. Nếu cha mẹ mà không cho học thêm, học kèm thì chắc chắn các cháu nó sẽ lưu ban. Cái thứ hai nữa là các trường mầm non dạy vẹt cho trả. Nhiều đứa cầm sách đọc ro ro mà hỏi từng chữ thì cháu không biết. Những trẻ này lên lớp một sẽ rất khó để dạy lại vì cô giáo nghĩ cháu biết chữ. Mà phải nói thật là bây giờ rất hiếm giáo viên có tâm. Một khi học sinh đóng tiền học thêm là sẽ được lên lớp dù thực chất thì không có.
Còn một yếu tố nữa khiến trẻ không theo kịp chương trình học. Do những học sinh yếu kém sẽ được thầy cô kèm học vào mùa hè rồi cho thi lại. Có đứa thi hai, ba lần. Không ai bỏ công mà dạy nhiều nên cứ dạy qua loa rồi cho tụi nó thi, cho điểm rồi lùa lên lớp là xong việc".
Bệnh thành tích trong giáo dục ở Việt Nam từ nhiều năm qua bị coi là ngày càng tăng dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất. Tháng 4 năm 2021, báo chí Nhà nước Việt Nam đăng tải thông tin về việc một số học sinh trường Trung học cơ sở Tân Mỹ, huyện Thanh Bình - Đồng Tháp đọc viết khó khăn, dù đã học lớp 6 nhưng có chữ đọc được, chữ không. Có học sinh đã phải bỏ học vì mặc cảm không theo kịp bài. Ngay chính những em học sinh này cũng không biết vì sao bản thân lại được lên lớp.
Lý giải hiện tượng này, một lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp cho rằng, đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nhìn nhận việc gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp.
Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên phải lập kế hoạch giúp đỡ : đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học. Đối với học sinh đã được giúp đỡ mà vẫn chưa hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá và xem xét, quyết định việc được lên lớp hoặc chưa được lên lớp.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nêu quan điểm của ông với RFA :
"Theo quan điểm của tôi thì học sinh tiểu học mà có nguy cơ bị lưu ban lên tới con số cả trăm ngàn như thế thì đúng là quá lớn. Bởi trẻ lớp một thật sự chỉ cần đến trường vui chơi, biết đọc biết viết đơn giản là đủ, nhưng chương trình lớp một của trẻ đã nhiều thứ lắm rồi, những bốn năm môn. Chuyện đó gây nặng nề cho trẻ.
Theo tôi, phải giảm chương trình học cho trẻ cấp 1 xuống còn một nửa thôi. Vừa rồi tôi mở thử cuốn sách toán lớp 4, tôi kinh hoàng vì chương trình quá nặng. Không hiểu khi soạn sách giáo khoa, các vị có thử đặt mình vào vị trí đứa trẻ lớp 4 xem có nuốt nổi không. Lớp 5 còn nặng nề hơn. Cải cách đâu không biết, chỉ biết làm khổ trẻ.
Đặc biệt có một phong trào rất tệ hại, đó là trẻ vào lớp một người ta đua nhau bắt trẻ phải biết đọc biết viết trước khi vào lớp một trong khi bộ giáo dục cấm không cho dạy chữ trước khi cho trẻ vào lớp một. Điều này dẫn đến việc nhiều trẻ vào lớp một đã biết đọc biết viết rồi, những trẻ khác chưa biết có thể có sự phân biệt đối xử dẫn đến giáo viên thẳng tay không cho cháu lên lớp.
Đấy là một hiện trạng xảy ra rất là nặng nề ở những nơi có điều kiện kinh tế tương đối phát triển".
Là một phụ huynh có hai con đang tuổi đến trường, ông Liêu Thái nêu quan điểm của mình với RFA :
"Hiện tại theo chương trình mà con tôi học thì tôi thấy không quá nặng nhưng cái cặp sách của nó thì quá nặng. Có rất nhiều môn không cần thiết nhưng lại là môn chính ở trong trường. Cho nên cái nguy cơ học sinh ở lại lớp rất là cao. Đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Nguyên nhân chính là bệnh thành tích. Có nghĩa là giáo dục Việt Nam nó giống như con rắn nuốt con nhái vậy. Chỗ nào có con nhái thì cho nó phình lên, phần còn lại thì teo tóp. Nghĩa là ở đâu có thi đua, có thưởng thì sẽ có thành tích. Cái thành tích đó nó không thật bởi mọi chỉ tiêu giáo dục tại Việt Nam đều mang hơi hướng chính trị với tính đảng rất cao. Do đó nó bị chi phối và nó không thật ngay từ trong bản chất.
Với con số hơn 100 ngàn học sinh tiểu học có nguy cơ lưu ban thì sẽ có hơn 100 ngàn cái nhu cầu đến với giáo viên. Có thể là học thêm, có thể học kèm, có thể bằng cách này hay cách khác để đưa cho con mình lên lớp. Bởi vì một cái nền giáo dục nghe nó lớn lao lắm với tiêu chuẩn xóa mù chữ tại Việt Nam là đến lớp 12. Có nghĩa rối tất cả lại lên lớp.
Do đó theo tôi, việc rất nhiều học sinh có nguy cơ ở lại lớp không hẳn là một tín hiệu tích cực trong giáo dục đâu. Có thể chuẩn bị sẽ có một cái gì đó phía sau mà mình chưa biết. Nói tới giáo dục Việt Nam cho đến bây giờ thì chỉ gói gọn trong bốn chữ : Không hết bi quan !"
Việc có cả trăm ngàn học sinh tiểu học lưu ban dẫn đến chuyện thiếu trường lớp trầm trọng hơn trong cả nước. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa 631 trường.
Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu lớp, thiếu thầy đã được báo chí nhà nước đề cập đến. Theo đó, số liệu báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024 cho thấy, toàn thành phố dự kiến tăng hơn 35 ngàn học sinh.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 13/7/2023, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, Sở đã trình đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt, phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện.
Nguồn : RFA, 27/07/2023
**************************
RFA, 27/07/2023
Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những thay đổi về nhân khẩu học, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ là áp lực vô cùng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội.
RFA
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), tỷ lệ sinh của Việt Nam đang giảm dần và dân số già đi nhanh chóng qua từng năm. Việt Nam đã qua đỉnh của thời kỳ "dân số vàng" và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng là chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc nhận định Việt Nam thuộc nhóm các nước có dân số sẽ giảm trong tương lai vì tỷ lệ sinh đẻ hiện này là 1,9. Nếu tỷ lệ sinh dưới 2,1 thì dân số có khả năng giảm, còn giảm nhiều hay ít còn tùy thuộc tỷ lệ chết và nhập cư.
UNFPA ước tính, đến năm 2036, tức là chỉ còn khoảng 13 năm nữa thôi, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ "dân số già". Và đến năm 2051, dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh với khoảng 107 triệu người, sau đó sẽ giảm dần do tỷ lệ sinh thấp.
Theo tiến sĩ Vũ Quang Việt, khi bước vào giai đoạn xã hội già hay giảm dân số trong tương lai, một số vấn đề kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt, bao gồm :
"Lực lượng lao động sẽ tăng chậm rồi giảm, tăng trưởng kinh tế chỉ còn dựa vào tăng năng suất lao động. Sức chi tiêu sẽ không tăng nhanh vì người già phải tăng để dành lo tuổi già. Đây là vấn đề của Nhật hiện nay và kể cả Trung Quốc".
Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng chỉ ra một số điểm tích cực của sự giảm dân số. Theo ông, tốc độ tăng trưởng tạo ra bởi ba nguồn : thứ nhất là tăng yếu tố đầu vào của tài sản cố định như máy móc, đất đai : thứ hai, tăng yếu tố lao động như giờ hay số người lao động, và thứ ba là tăng năng suất tổng thể do kiến thức :
"Nếu chỉ dựa vào tăng dân số thì thế giới hạn hẹp này lấy đâu nguồn tài nguyên để đáp ứng nổi nhu cầu của dân, nhất là những tài nguyên không thể tái tạo như đất, nước, kim loại,… Đó là chưa kể tới lượng ngày càng tăng rác thải ô nhiễm môi trường cần xử lý.
Kể cả những nước như Trung Quốc hay Ấn độ cũng thế, Ấn Độ chỉ còn tăng 0.7%, Việt Nam cũng thế. Điều này cũng giúp làm dễ dàng việc tăng thu nhập đầu người cho dân cư. Điều này nên mừng chứ !"
Ông lão làm nghệ hớt tóc ở Hà Nội. Ảnh : AFP
Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, từng công tác tại Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam & Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở Hà Nội, cảnh báo rằng với tốc độ già hóa nhanh chóng như hiện nay mà hệ thống bảo hiểm xã hội không cải thiện, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực an sinh xã hội vô cùng lớn khi trở thành một "xã hội già".
Bà cho biết trong khi tốc độ già hóa dân số tại Việt nam tăng nhanh, hiện nay vẫn có gần 18 triệu lao động tại Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức, mà có đến 97,9% trong số đó không tham gia bất cứ loại hình bảo hiểm nào.
Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm xã hội còn phải đối mặt với xu hướng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngày một tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn quốc có 4,85 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2022. Nguyên nhân được nói là do người lao động bị mất việc làm, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt trong khi đó những người này chủ yếu là lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều.
Bà Khánh Ly cho biết thêm :
"Còn có một nguyên nhân khác là người lao động chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Bởi vì có một thực tế đáng buồn là mức lương hưu hiện nay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhiều người già mặc dù trước đó họ có đóng đủ bảo hiểm xã hội".
Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chiếm khoảng 64,4% người già không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh.
Ông Minh, một người có gần 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và hiện đang về hưu ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngay cả người có nhận lương hưu thì số tiền đó cũng không đủ trang trải cuộc sống hiện nay :
"Người lao động không muốn đóng bảo hiểm xã hội vì họ không tin vào bảo hiểm xã hội hoặc có thể là lo sợ tiền để lâu sẽ mất giá. Đó là hệ quả của xã hội thôi.
Người ta không muốn về hưu sớm là bởi vì lương hưu quá thấp, quá vô lý. Tôi không nhậu nhẹt gì cả, không có nhu cầu gì lớn nhưng cũng không đủ sống được".
Tổ chức Lao động quốc tế dự báo, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có hơn 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế. Bà Khánh Ly nhận định :
"Thực trạng người trẻ rút bảo hiểm xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước, người già không có lương hưu và trợ cấp là một bức tranh ảm đạm và chưa có hướng giải quyết.
Thực trạng này, nếu không thay đổi, sẽ làm gia tăng số lượng người già bắt buộc phải tham gia thị trường lao động để mưu sinh sau khi đủ tuổi về hưu, tăng gánh nặng về các dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế đối với người già".
Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, có nhiều ý kiến đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi đối với những người không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội : đồng thời tăng mức hỗ trợ từ 360.000đ/tháng lên 500.000đ/tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Tuy nhiên, ngay cả khi các ý kiến đề xuất nói trên được tiếp thu và thể hiện trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì những quy định này vẫn chưa khả thi mà còn mang tính đại trà, chưa tập trung vào việc giải quyết an sinh xã hội cho những đối tượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn mà không có lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội. Từ những hậu quả có thể dự báo trước, bà Khánh Ly đề ra những vấn đề gốc rễ cần giải quyết từ bây giờ :
"Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Theo tôi, để chuẩn bị cho một xã hội già nhìn từ khía cạnh an sinh xã hội thì Việt Nam cần phải mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc : xử lý các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội : tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội : cân đối lại độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng loại hình lao động : cân đối lại số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương hưu nhằm phù hợp với tốc độ già hóa dân số nhanh".
Ông Việt đánh giá, vấn đề già hóa không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới. Ông đề xuất một số giải pháp mà nhà nước Việt Nam có thể thực hiện ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho tình trạng dân số già :
"Đừng sợ chưa giàu đã già mà nên xem làm gì khi xã hội già hóa.
Đây là vấn đề cho nhà nước Việt Nam. Hiện nay họ quá tập trung vào kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhằm dùng lao động cơ bắp, sản xuất để xuất khẩu.
Dân có chút thu nhập, GDP tăng có vẻ cao nhưng lợi nhất là cho tư bản nước ngoài, còn thiên nhiên thì cạn kiệt dần và ô nhiễm nặng nề.
Vấn đề chính để phát triển là tăng năng suất lao động tổng thể, tức là phải tăng cường hiểu biết, thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục chuyên môn, nghề nghiệp, chứ đầu phải tăng số người có bằng tiến sĩ".
Nguồn : RFA, 27/07/2023
Phát biểu của Lê Minh Tấn chỉ là loại ‘bình thường cũ’
Trân Văn, VOA, 20/10/2021
Tờ Lao Động vừa công bố file ghi âm phát biểu của ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 18/10/2021, tại Kỳ họp thứ ba của đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Khóa 10, đồng thời nhấn mạnh, chính ông Tấn tuyên bố, trong đợt dịch thứ tư vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minhchưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ (1).
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: T.T.
Không rõ sau động tác này của tờ Lao Động, ông Tấn có nói thêm gì hay không (?), nếu có thì ông sẽ nói gì !
Hôm 18/10/2021, tường thuật của tờ Lao Động về Kỳ họp thứ ba của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Khóa 10, đã làm nhiều người nổi giận vì Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh-người thay mặt chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giám sát, thực thi, đề nghị điều chỉnh chính sách an sinh xã hội ở thành phố này-khẳng định, trong nửa năm vừa qua, ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ vì dịch(2).
Chỉ trích dữ dội đến mức, ngày hôm sau (19/10/2021), trước khi các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Khóa 10 tan hàng vì Kỳ họp thứ 3 kết thúc, ông Tấn vời báo chí tụ lại để thanh minh :Tôi không có nói chưa có ai bị khốn khổ, khó khăn, mà là không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc và khốn khổ. Trách nhiệm của chúng tôi là phải lo cho bà con (3). Không may cho ông là phóng viên tờ Lao Động có ghi âm !
***
Đây là lần thứ hai ông Tấn nổi như cồn. Lần trước, cách nay năm năm, hồi trung tuần tháng 6/2016, công chúng đã từng nổi giận khi gần như toàn bộ lãnh đạo tất cả các bộ phận của tất cả các cấp thuộc ngành Lao động, thương binh và xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt nghỉ làm việc để đến nhà tân Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội, tọa lạc tại xã Thái Mỹ, huyện Củ chi dự tiệc. Phần lớn sử dụng công xa.
Lúc đó, ông Tấn phân bua :Do mới về Sở được hai tháng, có rất nhiều chuyện muốn chia sẻ với anh em, lại nhân dịp ‘giỗ ông già’, nên chỉmời vàianh em thân thiết tới nhà để tâm sự vui vẻnhưng nhiều anh em muốn đến, họ tự tới thì đâu có từ chối được. Song một cư dân lớn tuổi sống gần nhà ông Tấn, khẳng định với báo giới :Gia đình ông Tấn chỉ có một đám giỗ cha vào tháng 9hàng năm (4) !
Vào thời điểm ấy, trước sự phẫn nộ của công chúng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho lực lượng Thanh tra của thành phố kiểm tra ngay việc dùng hàng loạt công xa đi ăn giỗ trong giờ làm việc tại tư gia của ông Tấn, ba ngày sau phải đề xuất hướng xử lý cho Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh (5). Kết quả, ông Tấn vẫn tại vị, thậm chí năm ngoái, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (Thành ủy) nhiệm kỳ 2020-2025 !
Cũng cần nói thêm, sau khi ông Tấn khẳng định, trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ,dân chúng đã nêu ra hàng loạt thắc mắc về chuyện tại sao mãi đến năm 2002 ông Tấn mới tốt nghiệp Trung học Phổ thông Hệ Bổ túc mà trước đó hàng chục năm ông đã được chọn đế gửi đi học Quản lý Nhà nước, rồi Cao cấp Chính trị (6).
Những thắc mắc này dẫu hữu lý nhưng hoàn toàn không phù hợp với tư duy và kiểu hoạt động vốn bình thường của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Trước nay, học vấn vẫn thường không liên quan đếnlý luận chính trịvà quản lý nhà nước.Muốn tham giaquản lý nhà nước, phải có trình độ lý luận chính trịmà trình độ lý luận chính trịkhông đặt trên nền tảng học vấn, khả năng nhận thức, hành xử.
Đó là lý do, ông Tấn - người hiện có học vịThạc sĩ vềXây dựng đảng và Quản lý nhà nước mới hồn nhiên tuyên bố rằng trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, ở Thành phố Hồ Chí Minhchưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ,sau đó lại khẳng định chắc nịchkhông nói như vậy, bất kể lúc phát biểu là giữa hội trường và cử tọa không phải chỉ có dăm ba người.
So với cách nay năm năm, hồi trung tuần tháng 6/2016, tư duy và hành xử của ông rất nhất quán, để hóa giải áp lực dư luận về việc tổ chức ăn nhậu linh đình giữa giờ hành chính, ông có thể tổ chức giỗ cha hai lần một năm !
Ông Tấn không phải là trường hợp cá biệt. Tháng trước, sau khi khuấy động dư luận vì báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hộingân sách trống rỗng,ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính cũng bảo rằng ôngkhông nói như vậy ! Cho rằng chính phủ hết tiền là hiểu sai vấn đề, ý ông chỉ là ngân sách dự phòng đã cạn. Có thể cách nói của ông bị hiểu sai là vì ông nóitiếng Nghệ An (7) !
***
Nói lấy được hoặc nói đi rồi nói lại, lần sau ngược hẳn với lần trước và dẫu khó nghe, khó chấp nhận bởi sai sự thật nhưng vẫn phải coi những phát biểu ấy như chân lý vốn đã là điều bình thường ở Việt Nam.
Chẳng hạn, khoảng ba tháng sau khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát và lan rộng, giữa lúc dân chúng đang vật lộn với đủ thứ khó khăn, quằn quại trong nghịch cảnh, hôm 20/7/2021, khi Quốc hội khóa 15 họp phiên đầu tiên, ông Nguyễn Phú Trọng đăng đàn, khẳng định : …cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước thành công rực rỡ của Đại hội Đảng 13và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026(8).
Hay sau hậu quả nhãn tiền do các biện pháp chống dịch cực đoạn, dù từng thúc ép"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", buộc"mỗi cơ quan, đơn vị địa phương phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ" (9), ông Phạm Minh Chính đột nhiên đổi giọng, chỉ trích thuộc cấp :Phong tỏa để làm gì thì không đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp(10)
Khi thượng cấp như thế thì thuộc cấp tất nhiên khó mà khác thế ! Ông Tấn chỉ là trường hợp mới nhất của tình trạng bình thường vốn đã rất cũ. Do dịch, chẳng riêng Việt Nam, thiên hạ đã cũng như đang phải làm quen với trạng thái bình thường mới. Riêng tại Việt Nam, khi bình thường cũ song hành với bình thường mới, bất kể thảm trạng, vẫn có những viên chức dõng dạc khẳng định, kiểu nhưchưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc thì trong tương lai, khó mà tránh được chuyện phải đối diện với nhữngkhốn khổ mới !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/10/2021
Chú thích :
(2) https://laodong.vn/xa-hoi/giam-doc-so-ldtbxh-tphcm-chua-co-ai-thieu-an-khon-kho-vi-dich-965030.ldo
(5) http://www.tapchigiaothong.vn/tphcm-yeu-cau-lam-ro-vu-xe-cong-di-an-gio-gio-hanh-chinh-d27184.html
(6) https://www.facebook.com/100004551390162/posts/1976415482520146/
(10) https://www.youtube.com/watch?v=IEU3WtBnwXE
Trân Văn, VOA, 19/10/2021
Cho dù thực tế chứng minh, doanh nghiệp nhà nước khiến quốc gia lụn bại, Ban Chấp hành trung ương đảng khóa 10 (2006-2011) phải quyết địnhxóa bỏ tìnhtrạng doanh nghiệp nhà nước độc quyền hoặc được hưởng đặc quyền sản xuất, kinh doanhnhư "then chốt của nền kinh tế", chỉ duy trì doanh nghiệp nhà nước trongmột số lĩnh vực liênquan đến kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, một số lĩnh vực công íchsong doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tồn tại như một loại ung nhọt không thể trị tuyệt căn.
Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương. Ảnh : Hải Nguyễn
Đầu năm nay, Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 (2021-2026) vẫn xác định phảiduy trì doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh vì kinh tế nhà nước là công cụ, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các "khuyết tật" của cơ chế thị trường nhằm bảo đảm bản sắc của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa !
Doanh nghiệp nhà nước có thểhoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế như ý chí của Ban chấp hành trung ương đảng khóa này không ?
Báo cáo mới nhất của chính phủ về hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 tiếp tục cung cấp thêm nhiều số liệu đáng giận Tuy số doanh nghiệp nhà nước (hoặc 100% vốn nhà nước, hoặc một phần là vốn nhà nước) do chính phủ trực tiếp giám sát đã giảm, chỉ còn 807 nhưng bất chấp hiệu quả hoạt động, nhà nước vẫn rót thêm vốn vào những doanh nghiệp nhà nước này. Theo báo cáo thì so với năm 2019, tổng vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước của nhà nước đã tăng thêm 2% và đang ở mức khoảng 1 triệu 597 ngàn tỉ đồng !
Dẫu tổng vốn đầu tư tiếp tục tăng nhưng tổng doanh thu và lãi vẫn như trước nghĩa là vẫn tiếp tục giảm, thậm chí giảm rất sâu. So với năm 2019, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước đã kể giảm khoảng 12% và tổng lãi tính trước thuế giảm khoảng 22%. Đáng lưu ý là tính riêng năm 2019, khoảng 15% doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm này lỗ nặng, tổng lỗ (lỗ phát sinh) là 15.740 tỉ. Khoảng 21% doanh nghiệp nhà nước rơi vào tình trạng tổn thất tài sản (lỗ lũy kế), tổng giá trị tài sản bị tổn thất khoảng 33.750 tỉ đồng.
Báo cáo cho biết thêm là 73 tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước, cộng ty mẹ - con, cũng không khá hơn. Tổng lỗ trong năm 2019 của những tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con này là 3.262 tỉ. Khoảng 18/73 tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước, cộng ty mẹ - con, rơi vào tình trạng tổn thất tài sản (lỗ lũy kế), tổng giá trị tài sản bị tổn thất khoảng 17.500 tỉ đồng. Đó là chưa kể những doanh nghiệp nhà nước độc lập do bộ, ngành chính quyền địa phương trông coi, mức độ thua lỗ trong năm 2019 khoảng 2.000 tỉ đồng nữa (1).
***
Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã, đang và sẽ còn là một tiến trình không những hết sức tốn kém xương máu, mồ hôi, nước mắt mà còn vắt kiệt nội lực quốc gia và doanh nghiệp nhà nước chính là công cụ khiến tiến trình này càng ngày càng đắt đỏ nhưng lại vô giá trị.
Cho dù thực tế buộc giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam phải đẩy doanh nghiệp nhà nước từ vị trí chủ đạo của nền kinh tế sang giữ vai trò then chốt khi xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa để khắc phục cáckhuyết tật của cơ chế thị trường nhưng dù được bơm và đã hút gần như toàn bộ nội lực quốc gia nhưng doanh nghiệp nhà nước chỉ dẫn đầu về chỉ số nợ - tổng nợ/tổng vốn (3,6 lần), hơn gấp đôi so với doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc-FDI (1,6 lần) và gần gấp đôi doanh nghiệp tư nhân (2 lần).
Bạch thư về Doanh nghiệp 2021 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, doanh nghiệp nhà nước thua doanh nghiệp tư nhân nhiều tiêu chí liên quan đến hiệu quả hoạt động như chỉ số quay vòng vốn (tổng doanh thu thuần/tổng vốn bình quân), hoặc doanh nghiệp FDI về hiệu suất sinh lợi (khả năng sinh lợi của tài sản) (2). Không chỉ có thế, ngoài việc làm quốc gia khánh kiệt, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mở thêm lối cho nhiều đảng viên trung kiên trở thành tư sản đỏ qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước !
Năm ngoái, Kiểm toán nhà nước công bố kết quả kiểm toán 30 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa và phát giác, những lỗ hổng trong định giá, chuyển đổi quyền sở hữu tài sản cả hữu hình lẫn vô hình gây thiệt hại khoảng 30.000 tỉ đồng. Không chỉ mất tiền mà còn mất cả đất đã giao cho doanh nghiệp nhà nước. Về nguyên tắc, nhà nước chỉ là tập thể được ủy nhiệm quản trị - điều hành quốc gia, tiền hay tài sản của nhà nước là tiền và tài sản của dân giao cho nhà nước quản lý, sử dụng. Nợ nần, thất thoát do doanh nghiệp nhà nước gây ra, dân lãnh trọn !
Lúc đó, ông Nguyễn Minh Phong - một chuyên gia kinh tế xác nhận, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã giúp một số cán bộ, đảng viên trở thành chủ của một số doanh nghiệp nhà nước, biến sở hữu toàn dân thành sở hữu cá nhân, gây hệ lụy tiêu cực cho công bằng xã hội. Ông Phong nhấn mạnh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất nếu thượng tôn pháp luật, theo đúng các nguyên tắc của thị trường ! Làm sao có thể làm được như thế để gỡ bỏ một phần gánh doanh nghiệp nhà nước vốn đã quá nặng khi ngoài kinh tế thị trường còn định hướng xã hội chủ nghĩa (3) ?
***
Giá mà người Việt đã trả, đang trả và sẽ còn trả cho doanh nghiệp nhà nước chính là giá của việc thực thi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn biết giá này đắt như thế nào cứ nhìn đợt dịch Covid-19 thứ tư. Nếu hạ tầng y tế tốt hơn, chính sách an sinh xã hội hoàn hảo hơn, hậu quả chắc chắn sẽ không thảm khốc như đã thấy ! Tuy nhiên làm sao hạ tầng y tế, chính sách an sinh xã hội có thể hơn khi gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia đã dồn cho các doanh nghiệp nhà nước ?
Cứ so các khoản thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước từ trước tới nay, so cả với việc tiếp tục rót vốn cho doanh nghiệp nhà nước dù Ban chấp hành trung ương đảng đã cam kết những doanh nghiệp nàysẽhoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, với chuyện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ thành phố này - trụ cột chính của kinh tế quốc gia-28.800 tỉ nhằm ngăn ngừa đại dịch, thực thi các biện pháp nhằm sớm hồi phục nhưng chỉ được hứa sẽ cấp 2.000 tỉ (4), ắt thấy, chiến tranh đã chấm dứt vài thập niên nhưng ngoài đẫm mồ hôi, nước mắt lương dân, định hướng xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn còn thấm đẫm máu đồng bào !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/10/2021
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/nhieu-ong-lon-nha-nuoc-thua-lo-hang-chuc-ngan-ti-post1392129.html
(2) https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/01-Sach-trang-DNVN/2021-phan-tich.pdf
Covid-19 cho biết xã hội chính trị Việt Nam không thay đổi sau hơn 30 năm
Ai từng đi lại giữa miền Tây Nam bộ và Sài Gòn trong những năm cuối 1970, đầu 1980 hẳn phải biết trạm kiểm soát Tân Hương nằm gần thành phố Mỹ Tho.
Hơn 30 năm sau ngày trạm Tân Hương bị đóng cửa, các viên chức nhiệt tình cách mạng quá trớn vẫn còn, và rất đông đảo. Tỉnh Tiền Giang đang siết chặt người đến và đi trên địa bàn tỉnh vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp - Ảnh minh họa : B.B
Trạm này kiểm soát quốc lộ số 1 từ Sài Gòn về miền Tây (trước 1975 là quốc lộ 4). Gần như 24/7, bên ngoài trạm này là dòng xe rất dài cả hai chiều nằm chờ kiểm soát. Các nhân viên công an, quản lý thị trường chận bắt gạo, thịt, muối, cá mắm từ miền Tây đổ về nuôi sống hơn 3 triệu người Sài Gòn. Điều đặc biệt là xe hành khách (xe đò) nhiều hơn xe vận tải, mà những chiếc xe đò này cũng biến thành xe vận tải với các thứ hàng kể trên. Việc kiểm soát tịch thu diễn ra từng ly từng tí một, không để sót một thứ gì. Chiều ngược lại kiểm soát nhanh hơn vì ít hàng hóa hơn, nhưng cũng được làm rất cẩn thận.
Tân Hương trở thành nỗi kinh hoàng của dân chúng miền Nam lúc đó. Người đi buôn thì sợ mất hàng, khách lữ hành thì chờ cả vài tiếng đồng hồ để qua trạm là chuyện thường. Và dĩ nhiên, muốn qua nhanh thì mãi lộ !
Đó là thời kỳ mà sau này báo chí gọi là ngăn sông cấm chợ, nhưng lúc ấy thì trên báo chí người ta lại hay nhắc đến câu cửa miệng của ông tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn, rằng Việt Nam đang xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, với 400 quận huyện là 400 pháo đài công, nông, lâm, ngư nghiệp. Mà đã là pháo đài thì không có chuyện vận chuyển hàng hóa qua lại. Các nhà quản lý cộng sản tuyên bố xử tử ngành thương nghiệp.
Việc kiểm soát đã tạo điều kiện cho các viên chức công an, quản lý thị trường phất lên. Sự nhũng lạm và hạch sách của họ trở thành hình ảnh tiêu biểu cho xã hội Việt Nam lúc đó. Đôi khi họ hạch hỏi, tịch thu cả những món đồ vật không phải là hàng hóa.
Nếu chính sách ngăn sông cấm chợ tuân theo ý thức hệ là điều đáng trách trên bình diện vĩ mô của nền kinh tế quốc gia, thì việc nhiệt tình cách mạng quá trớn của các viên chức là điều dễ thông cảm hơn vào lúc đó, khi họ là những người viên chức thấp nhất trong bộ máy toàn trị khổng lồ.
Nhưng hơn 30 năm sau ngày trạm Tân Hương bị đóng cửa, các viên chức nhiệt tình cách mạng quá trớn vẫn còn, và rất đông đảo. Họ xuất hiện trong chiến dịch phong tỏa, giới nghiêm các thành phố, khu phố, thị trấn Việt Nam trong đợt bùng phát dịch Covid-19 giữa năm 2021. Đúng hơn họ là thế hệ thứ hai, cũng có thể là thế hệ thứ ba, con cháu của những viên chức cấp thấp thời ngăn sông cấm chợ trước kia. Họ khác cha ông họ ở giày dép quần áo tinh tươm hơn, họ có điện thoại cầm tay,… nhưng nhiệt tình cách mạng của họ vẫn giống cha ông họ, ngăn chận từ ổ bánh mì cho tới băng vệ sinh phụ nữ.
Điều gì đang xảy ra ở Việt Nam vậy ?
Sau hơn 30 năm của cái gọi là "đổi mới", ý thức và năng lực của tầng lớp quan lại, sai dịch của hệ thống vẫn không thay đổi. Hệ thống toàn trị vô cùng đông đảo vẫn không giảm bớt, mặt khác phải tăng lên theo tỷ lệ tăng trưởng dân số, phải đảm bảo có đầy đủ các viên bí thư, từ tổng bí thư Đảng cho đến bí thư chi bộ khu phố.
Ở phía trên thượng tầng kiến trúc vẫn là một tầng lớp được ưu tiên, ăn trên ngồi trốc với những quyền lực tuyệt đối về chính trị như xưa và bây giờ lại được thêm những quyền lực về kinh tế.
Việc cải cách kinh tế hơn 30 năm qua làm cho những nhu cầu cơ bản của dân chúng được thỏa mãn phần nào. Sự đầy đủ cơ bản này che khuất đi một cấu trúc xưa cũ mà có người tưởng rằng đã biến mất trong quá trình "đổi mới."
Đại dịch Covid-19 làm cho cấu trúc ấy lộ ra với một món hàng khan hiếm là vaccine trị Covid-19.
Câu chuyện người phụ nữ trẻ nhờ có bố (ông ngoại các con cô ta) là kẻ có thế lực mà được tiêm chủng trước, minh chứng rất cụ thể rằng cơ cấu xã hội cũ không hề thay đổi. Trong xã hội này, bề mặt là cào bằng thụ hưởng, nhưng cấu trúc thực của nó là mạnh ai nấy lo một cách rừng rú. Và trong khu rừng đó, những con thú có "ông ngoại" có thế lực, và những "con thú ông ngoại" luôn là những kẻ trục lợi nhiều nhất, sống an toàn nhất.
Nếu trước kia, là cửa hàng thực phẩm dành cho cán bộ cao cấp ở phố Tôn Đản, Hà Nội, là xe Volga dành cho cấp bộ trở lên, thì nay là thuốc "xịn" Pfizer dành cho cán bộ cao cấp (theo lời viên giám đốc bệnh viện Việt Xô trần tình với báo chí).
Vaccine Covid-19 năm 2021 chính là những lạng thịt bò của những năm 1975-1985.
Hệ thống toàn trị và tầng lớp có đặc quyền đã làm cho xã hội và quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng trước kia với chính sách 400 pháo đài quái đản. Nay hệ thống đó có cơ không dập tắt được dịch bệnh mà làm nó trầm trọng hơn. Lẽ ra phải dành ưu tiên cho người già và người có bệnh "nền", thuốc lại được ưu tiên cho tầng lớp lãnh đạo, đám công an che chắn cho chế độ. Lớp dân chúng già cả sẽ trở thành nơi lưu dưỡng virus, có thể tạo nên những biến dị nguy hiểm hơn.
Dịch bệnh cũng làm bộc lộ mâu thuẫn chính trị vùng miền, với sự thống trị của miền Bắc, vốn là nơi phát xuất những đội quân chiến thắng năm 1975. Trong những năm 1990, người ta dành kinh phí quốc gia để xây dựng đường số 5 Hà Nội Hải Phòng, hay đường số 18 Hải Dương Quảng Ninh, thay vì con đường nhiều hàng hóa hơn là quốc lộ 1 Sài Gòn Mỹ Tho, hay liên tỉnh số 8 Sa Đéc Long Xuyên. Việc này có thể được thông cảm vì hệ thống đường sá miền Bắc quá tệ hại. Nhưng vào năm 2021, với một dân số gấp đôi, số người nhiễm bệnh gấp ba Hà Nội, mà số liều vaccine phân phối về Sài Gòn lại ít hơn là điều không thể tha thứ được.
Những nguồn tin từ bên trong cho biết rằng thành phố Sài Gòn bị "cầm tay chỉ việc" trong việc chống dịch với những viên chức từ Hà Nội vào.
Cấu trúc địa chính trị nội bộ đó tạo nên những điều quái gỡ như chuyện các nhân viên, học sinh y tế từ Hải Dương vào Sài Gòn, tưởng tượng mình đang đi "giải phóng miền Nam". Hay là chuyện một cô nào đó gốc miền Bắc lên mạng xã hội móc mỉa người Sài Gòn, rằng thì là Hà Nội tuyệt vời hơn, "một thời đạn bom một thời hòa bình" (sic). Mà thành phố Sài Gòn lại là nơi cung cấp nhiều tiền của nhất cho ngân sách quốc gia.
Năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế, đã có người hy vọng rằng cải cách kinh tế sẽ kéo theo chính trị, nhưng điều đó đã không xảy ra, và tệ hơn là xã hội vẫn không thay đổi. Những đặc quyền đặc lợi vẫn tồn tại, trước kia là lạng thịt bò, ký gạo, thì nay là du học, vaccine...
Nó không đổi vì cấu trúc chính trị tạo ra tầng lớp đặc quyền đó không thay đổi.
Với hệ thống chính trị xã hội đó, Việt Nam đã thất bại trong việc chuyển đổi một quốc gia nông nghiệp sang công nghiệp sau hơn 30 năm cải cách. Hàng chục ngàn công nhân từ Sài Gòn bỏ chạy về quên trong cơn dịch bệnh này là hình ảnh trái ngược với giấc mơ công nghiệp của Đảng cộng sản Việt Nam. Công nhân vẫn coi cuộc sống của họ ở đô thị là tạm bợ. Các đô thị này không có một hệ thống an sinh xã hội để họ có thể định cư. Vẫn không có một lớp công nhân đúng nghĩa mà chỉ là những người nông dân bán sức lao động giản đơn cho các đại gia khu công nghiệp, hay những nhà tư bản nước ngoài.
Trong không khí xã hội chính trị ảm đạm đó người ta thấy lóe lên một ánh sáng nho nhỏ. Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư thành ủy Sài Gòn công khai nói với báo chí rằng ông mong người dân lượng thứ. Có lẽ ông là người đầu tiên của lịch sử Việt Nam hiện đại xin lỗi dân chúng như vậy, không kể những giọt nước mắt mị dân sau cuộc giết chóc cải cách ruộng đất 1955.
Người dân sẵn sàng lượng thứ cho ông Nên thôi, nhưng còn hệ thống chính trị xã hội nhũng lạm vẫn ăn bám trên cơ thể Việt Nam thì sao ?
Cầu Hàm Rồng Thành phố Đà Nẵng - Ảnh minh họa
Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong những năm gần đây, nhưng những thay đổi nhanh chóng cũng làm biến đổi xã hội và văn hóa của Việt Nam trong quá trình này. GDP bình quân đầu người tăng hơn 5 lần kể từ năm 2000, tăng từ chỉ hơn 400 USD/người lên hơn 2.300 USD vào năm 2017, đưa quốc gia này vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.
Để đạt được những thành tựu này, các chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam đã có nhiều thay đổi như thái độ thân thiện với đầu tư nước ngoài, cơ cấu và ưu đãi thuế, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính và các hình thức việc làm. Trong khi công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh cùng cực và cải thiện đáng kể mức sống, một số vấn đề xã hội cũng đã nảy sinh do quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa hoặc chuyển đổi kinh tế.
Dưới đây là tám vấn đề xã hội mà Việt Nam đang phải đối mặt :
1. Dân số già
2. Bất bình đẳng kinh tế
3. Chảy máu chất xám
4. Tư duy làm giàu
5. Nợ công
6. Tham nhũng
7. Ô nhiễm
8. Thực phẩm không an toàn
Theo CIA World Factbook, năm 2017, dân số từ 55 tuổi trở lên của Việt Nam chiếm gần 15% tổng dân số. Ngoài ra, tương tự như các nước tiên tiến khác, tỷ lệ sinh của Việt Nam liên tục giảm, chỉ ở mức dưới 2%. Mặt khác, nhờ sự tiến bộ về điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe, người Việt Nam hiện nay đã sống lâu hơn ; tuổi thọ của người dân tăng từ 59 tuổi vào năm 1950 lên 76 tuổi vào năm 2017.
Tháp tuổi của Việt Nam ngày càng thu hẹp ở mức đáy vào năm 2015, cho thấy những thay đổi rõ ràng trong cơ cấu tuổi của cả nước - Nguồn Tuổi thọ thế giới
Khi cơ cấu tuổi thay đổi, nền kinh tế Việt Nam cũng cần phải thích ứng để đáp ứng với tỷ lệ tham gia lao động giảm, chi phí chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ liên quan cho người cao tuổi tăng, thay đổi động lực tăng trưởng và khoảng cách thế hệ tại nơi làm việc. Hơn nữa, quỹ an sinh xã hội của quốc gia đã cảnh báo phá sản và chính phủ có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam giới và 60 tuổi đối với nữ giới vào năm 2021.
Ngoài ra, việc thay đổi các giá trị văn hóa và cấu trúc gia đình cũng gây khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam. Theo truyền thống, ở Việt Nam, con cái sẽ phụng dưỡng cha mẹ già. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người trẻ chuyển ra ngoài tìm việc làm hoặc lập gia đình riêng, để cha mẹ tự chăm sóc.
Theo báo cáo của Knight Frank, một công ty có trụ sở tại Anh, Việt Nam có hơn 200 cá nhân với giá trị tài sản ròng trên 30 triệu USD. Báo cáo cũng dự đoán đến năm 2026, Việt Nam sẽ có 540 người siêu giàu và 38.600 triệu phú, một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Một tài khoản Instagram của Hội con nhà giàu Việt Nam với gần 100.000 người theo dõi khoe con nhà giàu tiêu xài hoang phí để mua sắm thỏa thích, những món đồ hàng hiệu sang trọng, du lịch khắp thế giới, v.v. ra sao.
Chung cư cao tầng, hiện đại và nơi mua sắm dành cho giới nhà giàu ở Thành phố.
Mặt khác, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, 7% dân số Việt Nam sống dưới mức nghèo khổ và 2,6% có thu nhập dưới 1,9 USD mỗi ngày. Những trường hợp nghèo cùng cực được nhiều tờ báo trong nước đưa tin hàng ngày, kêu gọi quyên góp để giúp họ. Bất bình đẳng kinh tế gia tăng có thể dễ dàng nhận thấy ở các thành phố lớn và đông đúc ở Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, v.v., nơi các triệu phú sống trong các khu nhà cao tầng, sang trọng và – phổ biến hơn là các cộng đồng bình dân, ngay cạnh khu ổ chuột nghèo nhất.
Những khu nhà ổ chuột ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Vấn đề bất bình đẳng thu nhập còn phức tạp hơn do khả năng cải thiện kinh tế thấp trong các nhóm yếu thế ở Việt Nam. Ví dụ, người dân tộc thiểu số sống ở các vùng nông thôn và miền núi tiếp cận giáo dục hạn chế, cơ sở hạ tầng kém hơn và cơ hội nâng cao mức thu nhập thấp hơn. Tương tự, do chế độ phụ hệ lâu nay của Việt Nam, phụ nữ thường nhận được mức lương ít hơn và có cơ hội thăng tiến trong công việc thấp hơn.
Ước tính có hơn 2,7 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài với hơn 1,4 triệu sống ở Hoa Kỳ, 240 nghìn sống ở Úc và các nơi khác trên toàn cầu vào năm 2017. So với năm 1990, chỉ có 1,2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù di cư là kết quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, nhưng điều đáng lo ngại là Việt Nam đang đánh mất những người tài năng nhất và sáng giá nhất vào tay nước ngoài.
Những quốc gia hàng đầu được sinh viên Việt Nam đến du học năm 2014 - WES
Hơn nữa, nhiều sinh viên và học giả trẻ Việt Nam ra nước ngoài theo đuổi con đường học vấn đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là ở lại nước sở tại hay trở về Việt Nam sau khi lấy bằng. Năm 2016, hơn 130.000 sinh viên Việt Nam du học, Nhật Bản (38.000), Úc (31.000), Mỹ (28.000)… Hơn 90% trong số đó là du học tự túc, nghĩa là họ có quyền tự do lựa chọn con đường sự nghiệp tương lai của mình, và nhiều người trong số họ đã chọn ở lại nước ngoài.
Năm 2017, câu chuyện về việc 12/13 quán quân Đường lên đỉnh Olympia không bao giờ trở về Việt Nam sau khi kết thúc quá trình học tập tại Australia đã gây xôn xao trên khắp các phương tiện truyền thông Việt Nam. Đường lên đỉnh Olympia được cho là gameshow thường niên nhằm tìm kiếm những tài năng bậc nhất Việt Nam ; trao cho họ một suất học bổng toàn phần du học Úc để họ có thể trở về và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Trớ trêu thay, họ lại chọn làm việc ở Úc hoặc các nước phát triển khác, và chương trình đã bị chế giễu là chương trình chọn tài năng cho Úc.
Vài năm trở lại đây, Đà Nẵng, một thành phố ở miền Trung Việt Nam, cũng thu hút sự chú ý của cả nước với những câu chuyện để mất nhân tài. Năm 2004, thành phố đã khởi xướng Chương trình 922 để cấp học bổng cho những sinh viên có năng lực nhất theo học tại các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế với điều kiện những người được nhận sẽ quay lại làm việc cho chính quyền thành phố sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã không bao giờ quay trở lại, và trong số những người quay lại, nhiều người không hài lòng với công việc của họ, quyết định từ chức và trả lại học bổng.
Trong một số trường hợp, Đà Nẵng đã phải kiện những "tài năng" để thu lại số tiền học bổng. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng mà còn xảy ra ở bất kỳ tỉnh thành nào có chương trình tương tự. Nhiều người cho rằng lương thấp, môi trường làm việc không minh bạch, thiếu cơ hội thăng tiến, quan liêu và lãnh đạo là những lý do để rời bỏ khu vực công hoặc Việt Nam.
Dường như ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, người ta không ngừng bàn tán về cách làm giàu. Thật vậy, với nền kinh tế đang phát triển một cách đáng kinh ngạc, cơ hội kiếm tiền ở khắp mọi nơi và những câu chuyện về sự giàu có mới đang tràn lan. Chẳng hạn, những dự án phát triển bất động sản rầm rộ gần đây đã khiến giá đất ở nhiều thành phố trên cả nước tăng vọt, khiến nhiều người giàu lên trong một sớm một chiều. Những người môi giới và tích trữ đất kiếm được một khoản lợi nhuận kha khá nhờ tình trạng bất cân xứng thông tin và đầu cơ đầy rẫy ở Việt Nam. Ngoài ra, những người có kỹ năng được săn đón có thể tìm được công việc có mức lương cao hơn nhiều lần so với mức trung bình của cả nước.
Mặc dù mong muốn đạt được sự giàu có là điều dễ hiểu, nhưng việc kiếm tiền bằng mọi giá ngay lập tức có thể phi đạo đức và khiến bạn thất vọng. Ví dụ, nhiều nông dân và người bán hàng ở Việt Nam đã bị cáo buộc sử dụng các hóa chất độc hại, có thể gây ung thư và không an toàn cho người sử dụng, để trồng và xử lý rau quả của họ nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Nhiều trường nhận nhiều học sinh hơn khả năng đáp ứng của họ, dẫn đến điều kiện học tập kém và không quan tâm đầy đủ đến học sinh nhỏ tuổi. Hơn nữa, nhiều người trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo vì hy vọng kiếm được lợi nhuận quá lớn trong một thời gian ngắn. Một ví dụ gần đây là sự sụp đổ của Bitconnect và iFan, các kế hoạch giao dịch tiền điện tử Ponzi đã biến mất đột ngột, khiến hàng nghìn người lâm vào cảnh nợ nần.
Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đã tăng liên tục trong 10 năm qua, lên tới 61,8% vào năm 2017. Về kinh tế, nợ công cao so với thu nhập là những dấu hiệu báo động. Ví dụ, nợ công cao có thể dẫn đến tăng thuế, tạo gánh nặng cho các công ty và giảm xu hướng đầu tư, chuyển hướng vốn và nguồn lực khỏi các hoạt động kinh tế hiệu quả và có lợi hơn, và làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam
Ngoài ra, nếu một quốc gia vay nợ nước ngoài quá nhiều, nó sẽ trở nên phụ thuộc vào các nền kinh tế nước ngoài. Do đó, bất kỳ thay đổi nào trong chính sách hoặc tiền tệ của các quốc gia khác có thể có tác động trực tiếp đến quốc gia con nợ. Từ năm 2001 đến năm 2015, nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần, chủ yếu vay từ Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Tuy nhiên, có những tin đồn rằng việc quản lý các khoản vay nước ngoài kém và tham nhũng cũng đã trở thành đại dịch. Ví dụ, vào năm 2015, ba quan chức Nhật Bản và sáu quan chức Việt Nam bị kết án trong một vụ bê bối hối lộ liên quan đến một dự án ODA của Nhật Bản tài trợ tại Việt Nam, khiến Chính phủ Nhật Bản đình chỉ cấp vốn ODA mới cho Việt Nam trong hai tháng và thực hiện các biện pháp chống tham nhũng chặt chẽ hơn.
Tham nhũng không có gì lạ ở Việt Nam. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2017, Việt Nam nằm trong số các quốc gia kém minh bạch nhất, xếp hạng 107 trong số 180 quốc gia với số điểm 35/100. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 do VCCI Việt Nam phối hợp với USAID tổng hợp, 53% các công ty được khảo sát cho biết họ phải chi những khoản không chính thức khi thực hiện các thủ tục hải quan.
Tham nhũng phổ biến trong tất cả các lĩnh vực ở Việt Nam dưới các hình thức hối lộ, quà tặng, chi tiền hỗ trợ và can thiệp chính trị. Các quy định pháp luật yếu kém, bộ máy quan liêu và khung pháp lý mơ hồ khiến việc đưa thủ phạm ra công lý càng khó khăn hơn. Kể từ năm 2017, với nỗ lực chưa từng có nhằm kiềm chế tham nhũng và làm trong sạch Đảng Cộng sản cầm quyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động chiến dịch chống tham nhũng toàn quốc để điều tra các vụ án tham nhũng cao cấp, làm rõ mức độ và tính nghiêm trọng của tham nhũng trong các doanh nghiệp Việt Nam và giới tinh hoa chính trị. Mặc dù khó đánh giá mức độ thành công của chiến dịch, nhưng nhiều người hy vọng rằng nó có thể tạo tiền lệ và như một lời cảnh báo cho những kẻ muốn phạm tội.
Vào tháng 4 năm 2016, khu vực ven biển miền Trung của Việt Nam đã phải hứng chịu một vụ ô nhiễm nước nặng nhất trong nhiều thập kỷ, giết chết hàng trăm tấn cá và gây ra những thiệt hại lớn cho hệ sinh thái và sinh vật biển. Sau nhiều tháng điều tra, thủ phạm được xác định là Tập đoàn Formosa, một công ty sản xuất thép của Đài Loan, bị cáo buộc xả chất thải chưa qua xử lý ra biển.
Cuộc khủng hoảng đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích chưa từng có từ người Việt ở cả Việt Nam và ở nước ngoài, đồng thời kêu gọi sự chú ý đến chất lượng môi trường đang xuống cấp của Việt Nam do đô thị hóa nhanh chóng và các hoạt động kinh tế căng thẳng. Hậu quả gián tiếp của thảm kịch là hàng nghìn ngư dân mất kế sinh nhai và các sản phẩm thủy sản của Việt Nam bị từ chối trong nước lẫn nước ngoài.
Ngoài ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí cũng là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là ở các thành phố lớn của Việt Nam. Để minh họa, năm 2017, Hà Nội chỉ có 38 ngày chất lượng không khí tương đối tốt. Vào những ngày khác, người ta thường thấy cảnh hàng dài xe máy, ô tô, xe buýt và đủ loại phương tiện di chuyển trên đường phố với những người chủ bực bội bấm còi, la hét và cảm thấy ngột ngạt vì khói bụi và khí thải từ chính phương tiện của họ.
Hơn nữa, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Việt Nam nhằm mở rộng các khu công nghiệp, xây dựng thêm các cơ sở vui chơi giải trí, khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại các địa điểm kỳ lạ như trên núi hoặc trong rừng, và biến đất canh tác nông nghiệp thành các khu đô thị gây ra sức ép lên hệ sinh thái của nước này, phá hủy nhiều rừng và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của nó. Nếu không có một chiến lược phát triển dài hạn, chú trọng đến tính bền vững, tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam có thể trở nên tồi tệ hơn.
An toàn thực phẩm là một trong những mối quan tâm lớn nhất và phổ biến nhất của người dân Việt Nam, dù giàu hay nghèo. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm Việt Nam, năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, ảnh hưởng đến 3.869 người với 24 trường hợp tử vong. Các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và sự cố ô nhiễm thường xuyên thu hút sự chú ý của cả nước. Ví dụ, vào tháng 5/2018, 19 học sinh trường tiểu học Trần Phú, tỉnh Quảng Ngãi nhập viện sau khi ăn thạch và uống trà sữa trong một bữa tiệc chia tay, khiến dư luận phẫn nộ và lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều khiến mọi người kinh hoàng nhất về thực phẩm ở Việt Nam là mối liên hệ giữa thực phẩm không an toàn và bệnh ung thư. Đặc biệt, một quan chức của Hiệp hội Ung thư Việt Nam cho rằng thực phẩm không an toàn với các tác nhân gây ung thư đã gây ra khoảng 35% số ca ung thư ở Việt Nam. Mặc dù không có nghiên cứu đáng tin cậy nào chứng minh cho tuyên bố này, nhưng nó đã khẳng định và kéo dài nỗi sợ hãi trong người dân, đặc biệt là khi số ca ung thư mới ở Việt Nam bùng nổ trong những năm gần đây, lên tới hơn 150.000 ca mắc mới mỗi năm. Nhiều nhà sản xuất thực phẩm và nông dân bị kết tội sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh và các hóa chất độc hại khác để làm chín trái cây nhanh hơn hoặc thịt nạc hơn.
Nhu cầu về thực phẩm an toàn cùng với thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng của Việt Nam thúc đẩy sự gia tăng và lợi nhuận của các cửa hàng bán lẻ thực phẩm hữu cơ và an toàn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về chất lượng của những sản phẩm này ngay cả khi họ phải trả một cái giá rất cao.
Tóm lại, dù có đầy tiềm năng, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tiến lên. Ngoài những vấn đề nêu trên, còn tồn tại nhiều vấn đề khác, như cạnh tranh giá trị giữa các thế hệ, sự thờ ơ về chính trị trong giới trẻ, vấn đề nhân quyền, cải cách giáo dục, v.v. Tuy nhiên, với sự tiên tiến của công nghệ và sự phát triển của kinh tế, người Việt Nam hiện nay đã được trang bị tốt hơn để đấu tranh cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
HH
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 17/01/2021
Tóm tắt : Tình trạng bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội Việt Nam về tài sản chỗ ở (trị giá chỗ ở chính, kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác) đang thể hiện sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam. Một cực là tầng lớp cao (thượng lưu) có tài sản chỗ ở chính nhiều hơn so với cực kia - các tầng lớp còn lại. Đồng thời, bài viết đã lý giải rằng mô hình phân tầng xã hội có dạng "kim tự tháp" với tầng lớp trung lưu còn nhỏ bé, đã tạo nên mô hình phân tầng xã hội hai cực trong thời kỳ đổi mới. Tác giả dự đoán rằng đến khi Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa và trở thành nước công nghiệp thì cấu trúc xã hội sẽ có tầng lớp trung lưu đông đảo và tình trạng phân tầng hai cực hiện nay sẽ thay đổi và bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội sẽ giảm đi.
1. Giới thiệu
Từ năm 1968 đến 1983, những xu hướng biến đổi trong xã hội nước Mỹ đã dẫn tới sự phân cực về thu nhập trong thời kỳ này (Persell, 1987 : 211).
Những xu hướng như trên rất có thể dẫn chúng ta đến xã hội hai cực. Trong đó, người nghèo và phụ nữ không phải da trắng sẽ tạo thành một giai cấp ở dưới, còn người giàu và nam giới da trắng sẽ thống trị từ trên xuống. Kết quả rất có thể là sự phân cực ngày càng tăng ở tất cả mọi khía cạnh của xã hội. Điều này được phản ánh trong mọi thứ từ các sản phẩm tiêu dùng, đến nhà ở, chăm sóc sức khỏe và xuất hiện sự khác biệt về văn hóa giai cấp. Chúng ta cũng có thể lường trước sự va chạm và xung đột giữa các nhóm xã hội.
(Persell, 1987 : 214)
Ở Việt Nam, bức tranh tổng quan về bất bình đẳng nói chung trong thời kỳ đổi mới cho thấy khoảng cách giữa các nhóm hộ từ giàu đến nghèo ngày càng doãng ra và bất bình đẳng đang gia tăng. Cụ thể, qua 7 cuộc Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam các năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014 đã cho biết hệ số chênh lệch về thu nhập bình quân 1 người 1 tháng giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất lần lượt tăng lên qua 7 lần Khảo sát mức sống (12 năm) tương ứng như sau : 8,1 lần → 8,3 lần → 8,4 lần → 8,9 lần → 9,2 lần → 9,4 lần → 9,7 lần (Tổng cục Thống kê, 2016 : 19, 303). Tình trạng bất bình đẳng xã hội đang gia tăng cũng thường xuất hiện qua báo chí, những người quản lý xã hội và các học giả ở Việt Nam. Phân tích các bộ số liệu Khảo sát mức sống, tác giả Đỗ Thiên Kính đã đưa ra nhận định khái quát về bất bình đẳng qua 20 năm đổi mới (1992-2012) :
Quá trình bất bình đẳng tăng lên ở Việt Nam […] đã thể hiện thành sự phân cực xã hội. Một cực là nhóm giàu có mức sống cao nhất, cực kia là các nhóm còn lại (trong đó nhóm nghèo là thấp nhất). Như vậy, có thể nhận định rằng sự bất bình đẳng hiện nay ở Việt Nam có xu hướng phân hóa thành hai cực (tương phản) giàu nghèo về mức sống (sự phân cực về mức sống). Đây là nhận định mới và tổng kết khái quát về xu hướng bất bình đẳng mức sống ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
(Đỗ Thiên Kính, 2018 : 170)
Tình trạng bất bình đẳng mức sống ở Việt Nam là hiện tượng biểu hiện trên bề mặt xã hội, mà bản chất của nó là do cấu trúc phân tầng xã hội quy định : "Sở dĩ như vậy, bởi vì bất bình đẳng trong hệ thống phân tầng xã hội thuộc về cấu trúc xã hội, nó nằm ở tầng bên dưới quy định hiện tượng phân hóa giàu nghèo trên bề mặt cuộc sống (Đỗ Thiên Kính, 2018 : 45). Như thế, bất bình đẳng mức sống có nguồn gốc sâu sa từ phân tầng xã hội. Vậy, khái niệm "phân cực" trong nhận định về nước Mỹ và Việt Nam trên đây là gì ? Theo Từ điển chuyên ngành xã hội học (Oxford) : "Phân cực là xu hướng tập trung vào hai cực đối lập. […] Nhưng dù sao, phát biểu một cách chặt chẽ, thuật ngữ phân cực nhằm nói đến sự phân rẽ và đối lập của hai nhóm bất bình đẳng nhau ở hai đầu mút của sự phân bố các nguồn lực" (Scott, J., 2009 : 570). Tức là sự phân bố các nguồn lực, nguồn lợi xã hội có xu hướng phân rẽ và tập trung vào hai cực đối lập (tương phản) bất bình đẳng nhau. Tôi phân tích cụ thể hơn khái niệm phân cực đã dẫn trong từ điển thành ba điểm như sau :
- Trong khái niệm có cụm từ "hai nhóm bất bình đẳng nhau" đã dẫn đến sự phân chia giản lược/đại thể thành hai nhóm xã hội trước tiên. Cụ thể, khi phân chia ban đầu thành 5 hay 9 nhóm xã hội, thì bài viết này gộp lại thành 2 nhóm đại thể (các tầng lớp cao/thượng lưu và các tầng lớp còn lại). Hoặc là, ví dụ về xã hội Mỹ nêu trên đã phân chia thành 2 nhóm đại thể : "giai cấp ở dưới" và giai cấp "thống trị từ trên xuống".
- Đồng thời, trong khái niệm còn có cụm từ "sự phân bố các nguồn lực" là chỉ báo cụ thể nhằm đo lường sự bất bình đẳng về các nguồn lực này của hai nhóm. Cụ thể, trong ví dụ nêu trên về Việt Nam thì nguồn lực là "mức sống". Các nguồn lực mức sống được phân bố bất bình đẳng giữa nhóm giàu và 4 nhóm còn lại. Trong bài viết này sử dụng nguồn lực "tài sản nơi ở" làm chỉ báo cụ thể nhằm đo lường sự bất bình đẳng về các nguồn lực này của các "tầng lớp cao" và các "tầng lớp còn lại" ở Việt Nam.
- Mối quan hệ giữa hai điểm trên thể hiện sự kết hợp giữa chúng với nhau. Cụ thể hơn, nếu dừng lại ở điểm thứ nhất thì ta có thể hình dung được trực quan về tỉ lệ cấu trúc của hai nhóm đại thể là bao nhiêu. Tiếp tục ở điểm thứ hai, ta có thể đo lường được sự bất bình đẳng về các loại nguồn lực ở hai nhóm, cụ thể là con số thống kê trung bình về các nguồn lực này ở mỗi nhóm xã hội như thế nào. Về thực chất, điểm thứ ba này đã được trình bày ở điểm thứ hai trên đây. Đồng thời, điểm thứ nhất và thứ hai chính là hai mặt (hai góc nhìn) của cấu trúc xã hội. Khi nhìn theo điểm thứ nhất, sẽ thấy trực quan tỉ lệ mỗi trong 2 nhóm xã hội đại thể. Còn khi nhìn theo điểm thứ hai, sẽ thấy sự bất bình đẳng giữa 2 nhóm xã hội đại thể như thế nào.
Dựa vào sự phân tích cụ thể thành ba điểm trong khái niệm phân cực nêu trên, bài viết tìm hiểu tình trạng bất bình đẳng về "sự phân bố các nguồn lực" (qua chỉ báo tài sản nơi ở) giữa các tầng lớp xã hội như thế nào ? Liệu rằng dưới góc nhìn phân tầng xã hội có thể hiện cấu trúc bất bình đẳng phân thành hai cực (các tầng lớp cao/thượng lưu và các tầng lớp còn lại) hay không ?
2. Phương pháp nghiên cứu và nguồn số liệu
Phương pháp đo lường các tầng lớp xã hội trong tháp phân tầng đã được giới thiệu trong một số bài viết của Đỗ Thiên Kính (2011, 2013, 2015, 2017). Có thể tóm tắt cô đọng về phương pháp đo lường này như sau : Đa số các nhà xã hội học quốc tế đã dựa vào nghề nghiệp để xác định giai cấp xã hội (Rothman, 2005 : 6). Họ lựa chọn nghề nghiệp được hiểu như là bộ tiêu chí (chỉ báo) tổng hợp để phân nhóm và sắp xếp thứ bậc các tầng lớp trong xã hội. Sở dĩ như vậy, bởi vì nghề nghiệp là điểm xuất phát hữu ích nhất để người ta có được những nguồn lợi tài chính, địa vị xã hội và có ý nghĩa lâu dài đối với thế hệ con cái (Rothman, 2005 : 7). Đồng thời, nghề nghiệp là nơi "quy tụ" và "hội tụ" tương đối đầy đủ các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và vị trí xã hội của mỗi cá nhân. Nói cách khác, các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và vị trí xã hội thường gắn liền với nhau qua nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Có thể nói rằng, ba chiều cạnh kinh điển về phân tầng xã hội (kinh tế/tài sản, chính trị/quyền lực và uy tín xã hội) đều thể hiện đồng thời cùng nhau trong nghề nghiệp - theo ngôn ngữ dân gian thì đó gọi là "3 trong 1". Hơn nữa, sự phân loại và xếp hạng uy tín nghề nghiệp thường có tính khả thi và độ chính xác cao hơn so với việc thu thập những tiêu chuẩn khác vốn khó đo lường. Thậm chí, kiến thức đo lường thực nghiệm các tầng lớp xã hội qua cấu trúc nghề nghiệp còn được viết trong giáo trình xã hội học trên thế giới (Giddens, 2001 : 287, 305).
Dựa vào phương pháp nghiên cứu trên đây và mô hình khái quát về 5 giai cấp cơ bản phổ biến đối với hầu hết các quốc gia công nghiệp (1), áp dụng chúng vào phân tích các bộ số liệu Khảo sát mức sống (2002~2014) cho thấy mô hình phân tầng xã hội có hình dạng "kim tự tháp" bao gồm 9 tầng lớp trong Hình 1. Các bộ số liệu Khảo sát mức sống có quy mô chọn mẫu đại diện cho cả nước, do Tổng cục Thống kê thực hiện (với cỡ mẫu tương ứng cho các năm 2002~2014 là 29.530 hộ, 9.189 hộ, 9.189 hộ, 9.189 hộ, 9.399 hộ, 9.399 hộ và 9.399 hộ). Các cuộc điều tra Khảo sát mức sống trước hết nhằm mục đích phân tích thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam nhưng cũng thích hợp cho việc nghiên cứu về phân tầng xã hội, bởi vì các bộ số liệu này có thông tin về nghề nghiệp của những cá nhân dùng để "phân nhóm" và có những chỉ báo đo lường địa vị kinh tế cá nhân dùng để "phân tầng". Đối tượng khảo sát trong Khảo sát mức sống bao gồm những hộ gia đình và các thành viên trong hộ.
Hình 1. Mô hình phân tầng xã hội hình "kim tự tháp" ở Việt Nam
3. Kết quả nghiên cứu
Nội dung trình bày trong mục này là bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội về tài sản chỗ ở (gồm nhà ở và đất ở). Tài sản chỗ ở là chỉ báo rất cơ bản thể hiện mức sống tổng hợp của dân cư. Đây là tài sản lớn do tích lũy thu nhập sau nhiều năm lao động. Vì thế, trị giá tài sản này thường "gấp nhiều lần" so với chỉ báo thu nhập (hoặc chi tiêu) trong mức sống của người dân. Người nông dân Việt Nam ngày trước thường mơ ước có "nhà ngói, cây mít", còn hiện nay thì đó là ước mơ "nhà lầu, xe hơi". Vậy, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội được thể hiện qua các chỉ báo cụ thể về tài sản chỗ ở như thế nào ? Ta hãy trả lời câu hỏi này dưới các góc độ bất bình đẳng về trị giá chỗ ở chính, kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác được trình bày dưới đây.
3.1. Bất bình đẳng qua trị giá chỗ ở chính
Các tầng lớp xã hội trong Bảng 1 được phân chia dựa theo Hình 1. Trong bảng hỏi các cuộc điều tra Khảo sát mức sống có câu hỏi thu thập số liệu về trị giá chỗ ở chính (đơn vị = 1000 đồng) : "Nếu mua toàn bộ chỗ ở này bây giờ, theo ông/bà khoảng bao nhiêu tiền ?" Kết quả xử lý số liệu câu hỏi này được trình bày trong Bảng 1 và đồ thị Hình 2 tương ứng. Trị giá tiền trong Bảng 1 là giá hiện hành, không so sánh được các năm với nhau. Do vậy, tôi đã dựa trên trị giá tiền của chỗ ở để tính toán khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội nhằm so sánh các năm với nhau. Số liệu ở Bảng 1 được minh họa bằng đồ thị Hình 2 thể hiện khoảng cách chênh lệch trị giá chỗ ở chính giữa các tầng lớp xã hội được rõ ràng và trực quan hơn. Đối chiếu với khái niệm phân cực nêu trên, ta thấy Hình 2 có hai cực phân biệt nhau rõ rệt. Một cực gồm tầng lớp doanh nhân và chuyên môn bậc cao có 2 đường đồ thị nổi lên cao nhất và cách xa các tầng lớp phía dưới. Cực thứ hai bao gồm 7 tầng lớp còn lại (trong đó tầng lớp nông dân ở vị trí thấp nhất) với 7 đường đồ thị gần nhau hơn. Như vậy, ta thấy có sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam. Nói cách khác, tồn tại tình trạng bất bình đẳng hai cực giữa các tầng lớp xã hội.
Bảng 1. Trị giá chỗ ở chính và khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội (2002-2014)
Tầng lớp xã hội | 2002 | 2004 | 2006 | 2008 | 2010 | 2012 | 2014 |
Trị giá chỗ ở chính(1000 đ/người - giá hiện hành) | |||||||
Lãnh đạo | 33.406 | 38.600 | 64.093 | 94.582 | 131.499 | 232.877 | 342.358 |
Doanh nhân | 89.456 | 163.148 | 245.416 | 399.467 | 831.347 | 747.136 | 705.155 |
Chuyên môn cao | 94.445 | 218.884 | 209.959 | 328.847 | 604.502 | 576.968 | 542.349 |
Nhân viên | 56.709 | 88.558 | 114.802 | 171.008 | 260.698 | 281.310 | 309.791 |
Công nhân | 48.155 | 62.921 | 83.719 | 105.326 | 189.399 | 188.658 | 214.916 |
Buôn bán, dịch vụ | 53.344 | 82.541 | 84.793 | 164.829 | 208.452 | 270.539 | 299.835 |
Tiểu thủ công nghiệp | 31.199 | 53.531 | 55.770 | 83.337 | 108.755 | 158.778 | 167.580 |
Lao động giản đơn | 32.556 | 57.344 | 71.273 | 102.976 | 105.441 | 128.429 | 142.861 |
Nông dân | 7.818 | 17.562 | 21.225 | 33.408 | 56.593 | 84.895 | 95.428 |
Chung (1000 đ/người) | 21.219 | 42.187 | 51.041 | 80.978 | 135.687 | 169.674 | 184.751 |
Khoảng cách chênh lệch(nông dân = 1 lần) | |||||||
Lãnh đạo | 4,3 | 2,2 | 3,0 | 2,8 | 2,3 | 2,7 | 3,6 |
Doanh nhân | 11,4 | 9,3 | 11,6 | 12,0 | 14,7 | 8,8 | 7,4 |
Chuyên môn cao | 12,1 | 12,5 | 9,9 | 9,8 | 10,7 | 6,8 | 5,7 |
Nhân viên | 7,3 | 5,0 | 5,4 | 5,1 | 4,6 | 3,3 | 3,2 |
Công nhân | 6,2 | 3,6 | 3,9 | 3,2 | 3,3 | 2,2 | 2,3 |
Buôn bán, dịch vụ | 6,8 | 4,7 | 4,0 | 4,9 | 3,7 | 3,2 | 3,1 |
Tiểu thủ công nghiệp | 4,0 | 3,0 | 2,6 | 2,5 | 1,9 | 1,9 | 1,8 |
Lao động giản đơn | 4,2 | 3,3 | 3,4 | 3,1 | 1,9 | 1,5 | 1,5 |
Nông dân | 1,0 | 1,0 | 1,0 | 1,0 | 1,0 | 1,0 | 1,0 |
Nguồn : Kết quả xử lý số liệu Khảo sát mức sống 2002-2014.
Hình 2. Bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội qua trị giá chỗ ở chính (2002-2014)
Lưu ý ở Hình 2 vào năm 2010, tầng lớp doanh nhân và chuyên môn bậc cao có 2 đường đồ thị vọt lên cao đột ngột. Sở dĩ như vậy, vì năm 2010 là đỉnh điểm của cơn sốt trong thị trường đất đai đã làm cho trị giá chỗ ở chính của 2 tầng lớp này tăng lên cao hơn. Riêng tầng lớp lãnh đạo ở Hình 2 có trị giá chỗ ở không cao tương ứng so với địa vị xã hội của tầng lớp này. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về chỉ báo kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác thì lại không như vậy. Tức là, tầng lớp lãnh đạo sẽ thể hiện có nhiều tài sản về chỗ ở hơn tầng lớp trung lưu bậc dưới và hạ lưu. Chúng ta hãy tiếp tục xem xét hai chỉ báo này ở các mục tiếp theo sau đây.
3.2. Bất bình đẳng qua kiểu loại ngôi nhà ở chính
Bảng 2. Các tầng lớp xã hội sống trong loại nhà ở nào (2014)
Tầng lớp xã hội | Tổng (%) | Biệt thự | Kiên cố khép kín | Kiên cố không khép kín | Bán kiên cố | Tạm và khác |
Lãnh đạo | 100 | 3,8 | 34,9 | 18,8 | 42,0 | 0,6 |
Doanh nhân | 100 | 3,1 | 68,9 | 3,6 | 24,1 | 0,3 |
Chuyên môn cao | 100 | 2,7 | 60,4 | 5,4 | 31,1 | 0,4 |
Nhân viên | 100 | 0,8 | 36,3 | 13,4 | 48,0 | 1,6 |
Công nhân | 100 | 0,5 | 25,5 | 14,0 | 56,4 | 3,6 |
Buôn bán, dịch vụ | 100 | 1,0 | 35,5 | 11,7 | 48,2 | 3,7 |
Tiểu thủ công nghiệp | 100 | 0,3 | 22,8 | 16,6 | 56,8 | 3,5 |
Lao động giản đơn | 100 | 0,6 | 18,4 | 12,9 | 60,7 | 7,5 |
Nông dân | 100 | 0,3 | 8,1 | 15,0 | 66,7 | 10,0 |
Chung | 100 | 0,6 | 20,6 | 13,8 | 58,4 | 6,6 |
Nguồn : Kết quả xử lý số liệu Khảo sát mức sống 2014.
Cùng với trị giá chỗ ở chính trình bày trên đây, trong bảng hỏi các cuộc điều tra Khảo sát mức sống còn có câu hỏi : "Ngôi nhà chính hộ ông/bà đang ở thuộc loại nào ?" Các phương án trả lời câu hỏi này được thể hiện trong Bảng 2. Đây là câu hỏi dành cho đơn vị hộ gia đình, còn các tầng lớp xã hội lại theo đơn vị cá nhân. Do vậy, sẽ có tình trạng hai cá nhân ở hai tầng lớp khác nhau (ví dụ, lãnh đạo và nông dân) cùng sống trong một ngôi nhà. Điều này dẫn đến mỗi kiểu loại nhà ở hầu như thể hiện đầy đủ tất cả các tầng lớp xã hội. Nhưng dù sao, quy luật thống kê số lớn trong toàn mẫu khảo sát vẫn thể hiện tình trạng nhà ở giữa các tầng lớp xã hội có sự phân hóa thành hai cực rõ rệt (Bảng 2). Ở cực thứ nhất, những tầng lớp trên đỉnh tháp phân tầng (lãnh đạo, doanh nhân, chuyên môn bậc cao) có tỉ lệ sinh sống trong những ngôi nhà biệt thự và kiên cố khép kín là lớn hơn những tầng lớp khác (xem những con số in đậm đối với 3 nhóm đỉnh). Mặt khác, ở cực thứ hai, những tầng lớp thuộc nửa dưới tháp phân tầng (tiểu thủ công nghiệp, lao động giản đơn, nông dân) có tỉ lệ sinh sống trong những ngôi nhà bán kiên cố và nhà tạm là lớn hơn những tầng lớp khác (xem những con số in đậm đối với 3 tầng lớp đáy). Quay trở lại tầng lớp lãnh đạo ở Hình 2 có trị giá chỗ ở không cao tương ứng so với địa vị xã hội của họ, nhưng ở Bảng 2 đã thể hiện "đẳng cấp cao" tương ứng của tầng lớp này với tỉ lệ nhà biệt thự là cao nhất (3,8%). Như vậy, mặc dù trị giá chỗ ở dễ gây ra sự hoài nghi về thu thập số liệu, còn kiểu loại ngôi nhà thì ai cũng nhìn thấy. Cả hai Bảng 1 và Bảng 2 đều phù hợp với khái niệm phân cực nêu trên.
3.3. Bất bình đẳng qua tài sản có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác
Ngoài nơi ở chính hiện tại, Khảo sát mức sống có câu hỏi thu thập thông tin về nơi ở thứ hai trở lên, hoặc có mảnh đất ở khác nữa : "Ngoài chỗ đang ở, hộ ông/bà còn mảnh đất ở hoặc nhà ở khác không ?". Phương án trả lời là Có, hoặc Không. Kết quả phân tích tỉ lệ % có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác của các tầng lớp xã hội được trình bày trong Bảng 3 và đồ thị Hình 3 tương ứng. Tỉ lệ % trong Bảng 3 hoàn toàn so sánh trực tiếp được các năm với nhau, do vậy không cần tính toán khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội như Bảng 1 nữa. Số liệu ở Bảng 3 được minh họa bằng đồ thị Hình 3 thể hiện tỉ lệ % có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác giữa các tầng lớp xã hội được rõ ràng và trực quan hơn. Đối chiếu với khái niệm phân cực nêu trên và so sánh với Hình 2, ta thấy Hình 3 cũng có hai cực phân biệt nhau rõ rệt. Một cực là tầng lớp doanh nhân có đường đồ thị nổi lên cao nhất và cách xa các tầng lớp phía dưới. Cực thứ hai bao gồm 8 tầng lớp còn lại với 8 đường đồ thị gần nhau hơn (trong đó tầng lớp nông dân vẫn ở vị trí thấp nhất, còn tầng lớp lãnh đạo và chuyên môn bậc cao vẫn ở trên cùng). Quay trở lại tầng lớp lãnh đạo ở Hình 2 có trị giá chỗ ở không cao tương ứng so với địa vị xã hội của họ, nhưng ở Hình 3 đã thể hiện "đẳng cấp cao" tương ứng của tầng lớp này (họ chỉ ở dưới tầng lớp doanh nhân và tương đương với tầng lớp chuyên môn bậc cao). Như vậy, ta thấy có sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam.
Bảng 3. Tỉ lệ (%) các tầng lớp xã hội có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác (2002-2014)
Tầng lớp xã hội | 2002 | 2004 | 2006 | 2008 | 2010 | 2012 | 2014 |
Lãnh đạo | 7,2 | 14,1 | 17,9 | 19,9 | 18,3 | 15,8 | 14,9 |
Doanh nhân | 12,5 | 28,7 | 29,9 | 41,4 | 29,1 | 20,5 | 24,2 |
Chuyên môn cao | 10,0 | 16,6 | 15,9 | 20,9 | 14,0 | 16,5 | 16,2 |
Nhân viên | 6,8 | 14,8 | 14,0 | 18,1 | 13,5 | 10,1 | 13,5 |
Công nhân | 7,2 | 13,1 | 11,7 | 12,8 | 9,5 | 11,8 | 8,9 |
Buôn bán, dịch vụ | 7,5 | 14,2 | 10,6 | 15,1 | 12,5 | 10,6 | 13,3 |
Tiểu thủ công nghiệp | 5,4 | 9,8 | 9,8 | 9,1 | 9,2 | 8,0 | 8,3 |
Lao động giản đơn | 5,2 | 10,4 | 9,5 | 10,0 | 7,2 | 6,8 | 6,1 |
Nông dân | 3,5 | 7,2 | 7,6 | 7,5 | 6,3 | 5,5 | 6,7 |
Chung | 4,5 | 9,3 | 9,2 | 9,9 | 8,6 | 7,9 | 8,9 |
Hình 3. Tỉ lệ các tầng lớp xã hội có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác (2002-2014)
Tóm lại, qua trình bày cả ba chỉ báo về trị giá chỗ ở chính, kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác ta thấy, có sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam. Một cực là tầng lớp cao (thượng lưu) có nguồn tài sản chỗ ở chính nhiều hơn cực kia - các tầng lớp còn lại. Điều này thể hiện các tầng lớp ở trên có nhiều thứ hơn (cụ thể là tài sản chỗ ở chính) so với các tầng lớp ở dưới. Tức là thể hiện nửa đầu câu hỏi cơ bản trong nghiên cứu phân tầng xã hội : "Ai có được cái gì và tại sao lại như vậy ? - Who gets what, and why ?" (dẫn theo Kerbo, 2000 : 10, 17, 142). Tình trạng bất bình đẳng phân cực giữa các tầng lớp xã hội là biểu hiện trên bề mặt cuộc sống. Vậy, lý giải hiện trạng này như thế nào ? Hoặc là, tại sao có sự phân cực trong mô hình phân tầng xã hội ở Việt Nam ? Hãy xem xét câu trả lời trong tiểu mục tiếp theo.
3.4. Tại sao có sự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ?
Chúng ta hãy đi tìm câu trả lời từ vấn đề là ở chỗ, do mô hình phân tầng xã hội có dạng "kim tự tháp" với tầng lớp trung lưu còn nhỏ bé, đã tạo nên mô hình phân tầng xã hội hai cực trong thời kỳ đổi mới. Ta hãy tìm hiểu vấn đề này trên thế giới để soi tỏ cho trường hợp Việt Nam.
Nước Mỹ đã từng có một giai cấp trung lưu đông đảo. Nhưng từ năm 1968 đến 1983, quy mô dân cư được phân loại là "giai cấp trung lưu" theo thu nhập bắt đầu co lại. Trong khi đó, những hộ gia đình kiếm được tiền ở mức cao và mức thấp lại tăng lên. Các hộ giàu và hộ nghèo đang thay thế vào khoảng trống rộng rãi của các hộ trung lưu trước đây bị co lại. Tức là, các hộ gia đình ở hai mức thu nhập cao nhất và thấp nhất tăng nhanh hơn các hộ gia đình trung lưu ở giữa. Tình trạng này dẫn tới sự phân cực về thu nhập đã tăng lên ở nước Mỹ trong thời kỳ này. Sở dĩ như vậy, bởi vì những biến đổi về kinh tế, chính trị và nhân khẩu đã góp phần vào sự thay đổi này (Persell, 1987 : 211). Như vậy, nước Mỹ từ cấu trúc xã hội có giai cấp trung lưu đông đảo chuyển sang trạng thái co lại đối với giai cấp này, còn các giai cấp ở hai đầu đỉnh và đáy tháp phân tầng phình to ra. Quá trình này đã dẫn đến xã hội hai cực trong thời kỳ 1968-1983 (như đã giới thiệu ở phần đầu bài viết). Còn ở Việt Nam thì ngược lại. Tức là, tầng lớp trung lưu ở nước ta nhỏ bé từ trước. Quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam đang làm cho tầng lớp trung lưu lớn dần lên, nhưng còn chậm chạp. Cụ thể, tỉ lệ các tầng lớp trung lưu (với khái niệm mô tả trong Hình 1) tăng lên qua 7 cuộc khảo sát Khảo sát mức sống từ năm 2002 đến 2014 như sau : 10,8% →12,6% →13,8% →15,9% → 28,1% → 29,5% → 29,9% (trung bình mỗi năm tầng lớp trung lưu tăng khoảng 1,6% do tầng lớp thấp giảm trung bình 1,6% di động đi lên tầng lớp trung lưu). Do tầng lớp trung lưu còn nhỏ bé, cho nên mô hình phân tầng xã hội hai cực ở Việt Nam đã thể hiện trong thời kỳ đổi mới. Đến khi nào Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa và trở thành nước công nghiệp thì cấu trúc xã hội sẽ có tầng lớp trung lưu đông đảo như các nước đã công nghiệp hóa trên thế giới : "Theo hầu hết những quan sát, giai cấp trung lưu hiện nay bao gồm phần lớn dân số nước Anh và hầu hết các nước đã công nghiệp hóa khác" (Giddens, 2001 : 293). Cũng đến lúc ấy, mô hình phân tầng hai cực hiện nay (hình kim tự tháp – Hình 1) sẽ thay đổi trở thành hình "quả trám" với phần lớn dân số thuộc tầng lớp trung lưu và bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội sẽ giảm đi.
Như vậy, tình trạng bất bình đẳng hai cực trình bày trên đây là sự bất bình đẳng bền vững thuộc về cấu trúc xã hội và là thuộc tính của hệ thống phân tầng xã hội hình kim tự tháp ở Việt Nam. Đây là cách nhìn cơ bản, bởi vì đó là cách nhìn về bất bình đẳng từ trong cốt lõi bản chất thuộc về mô hình phân tầng xã hội.
4. Khuyến nghị định hướng cho phát triển xã hội
Qua những trình bày ở trên cho thấy, tình trạng bất bình đẳng hai cực là do mô hình phân tầng xã hội hình "kim tự tháp" quy định. Đây là cơ sở để dẫn tới khuyến nghị rằng cần phải xây dựng mô hình có các tầng lớp xã hội ở giữa (phần thân tháp - tầng lớp trung lưu) phình ra to nhất. Hoặc gọi là mô hình xã hội trung lưu có hình dạng "quả trám". Phần thân tháp này sẽ bao gồm các tầng lớp của xã hội công nghiệp. Mô hình xã hội trung lưu có dạng "quả trám" sẽ thay thế cho mô hình phân tầng xã hội hình "kim tự tháp" hiện nay. Đây cũng là xu hướng vận động của các nước trong quá trình công nghiệp hóa (Giddens, 2001 : 293). Mô hình xã hội có tầng lớp trung lưu đông đảo sẽ ít phân cực hơn (2). Sự tăng lên của tầng lớp trung lưu có tác dụng làm giảm đi sự xung đột xã hội. Tầng lớp trung lưu như là một "khâu trung gian", như là chiếc "van an toàn" có tác dụng "điều hòa" sự xung đột xã hội, làm giảm đi sự xung đột giữa các tầng lớp ở hai cực : "Sự tồn tại một giai cấp trung lưu đông đảo đáp ứng như là cái giảm xóc về chính trị và kinh tế, và nhen nhóm lên hy vọng di động xã hội của con người và trách nhiệm của họ đối với trật tự xã hội, kinh tế và chính trị" (Persell, 1987 : 214). Tầng lớp xã hội trung lưu sẽ đảm bảo cho sự phát triển ổn định, hài hòa và bền vững của một cấu trúc xã hội hiện đại.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng mô hình xã hội trung lưu ? Để trả lời câu hỏi này, cần tìm hiểu ở tầng sâu hơn là phải quy về nền tảng kinh tế mà trên đó xây dựng nên mô hình xã hội trung lưu. Nền tảng kinh tế ở đây, tức là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp sao cho để tạo ra và mở rộng các vị trí lao động, việc làm ở khu vực dành cho tầng lớp trung lưu. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa sẽ quy định chủ yếu sự biến đổi về hệ thống các tầng lớp xã hội. Khi cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp sẽ dẫn tới kết quả là giảm tỉ lệ những tầng lớp của xã hội truyền thống và kéo theo sự tăng dần các tầng lớp đặc trưng cho xã hội công nghiệp. Nhưng, cơ cấu kinh tế ở Việt Nam hiện nay chưa thay đổi mạnh để tạo ra và mở rộng các vị trí lao động, việc làm ở khu vực dành cho tầng lớp trung lưu để người nông dân di chuyển đi lên vào những vị trí đó. Nếu không có sự thay đổi ở đường lối chiến lược thuộc về cơ cấu kinh tế, thì tầng lớp nông dân đông đảo hiện nay (kể cả thế hệ tương lai) giảm đi còn chậm chạp. Điều này đòi hỏi phải phát triển ưu tiên/chủ đạo mạnh mẽ kinh tế tư nhân (dựa trên sở hữu tư nhân, bao gồm các thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) thì sẽ tạo ra việc làm, nghề nghiệp mới nhiều hơn, so với việc làm được tạo ra từ kinh tế nhà nước (dựa trên sở hữu nhà nước/công hữu). Từ đây, đến lượt nó đòi hỏi phải chăng nên xem xét lại quan điểm chiến lược coi kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo ? Phải chăng nên thay đổi quan điểm này bằng chiến lược coi kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo ? Kinh tế nhà nước chiếm dụng chủ yếu các nguồn lực của quốc gia, nhưng lại tạo ra số lượng của cải không tương xứng - đóng góp được khoảng 1/3 GDP cả nước, làm ăn kém hiệu quả và tạo ra tỉ lệ việc làm ít ỏi (lao động khu vực kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, khu vực ngoài nhà nước chiếm phần rất lớn khoảng 86%, còn lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 4%- Tổng cục Thống kê, 2015 :114). Trong khi đó, kinh tế ngoài nhà nước thì không như vậy.
Khuyến nghị trên đây không phải là mới. Điểm mới là ở chỗ nó dựa trên cơ sở tiếp cận xã hội học, và cùng với cách tiếp cận kinh tế học nhằm xem xét hiện thực theo hai phương diện kinh tế và xã hội. Do vậy, cả hai cách tiếp cận này cùng đưa ra cái nhìn căn bản về cấu trúc kinh tế - xã hội Việt Nam.
Đỗ Thiên Kính
Nguồn : Văn Hóa Nghệ An, 17/02/2020
Tài liệu trích dẫn
1. Đỗ Thiên Kính. 2018. Bất bình đẳng mức sống ở nông thôn qua sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội.
2. Đỗ Thiên Kính. 2017. Bàn về cách tiếp cận và phương pháp đo lường tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Tạp chí Xã hội học, số 1 (137), 2017 : 82-92.
3. Đỗ Thiên Kính. 2015. Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, số 4 (200), 2015 : 29-40.
4. Đỗ Thiên Kính. 2014. Cản trở đối với tầng lớp nông dân trong hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số 2 (126), 2014 : 4-14.
5. Đỗ Thiên Kính. 2013. Khái niệm phân tầng xã hội và cách tiếp cận trong việc đo lường các tầng lớp xã hội. Tạp chí Xã hội học, số 1, 2013 : 91-103.
6. Đỗ Thiên Kính. 2011. Cấu trúc xã hội trong cả nước, nông thôn - đô thị và chân dung tầng lớp nông dân Việt Nam. Tạp chí Xã hội học, số 4 (116), 2011 : 8-21.
7. Giddens, Anthony. 2001. Sociology - 4th edition. Polity Press. UK.
8. Kerbo, Harold R. 2000. Social Stratification and Inequality : Class Conflict in Historical, Comparative, and Global Perspective - 4th edition. McGraw-Hill. New York.
9. Persell, Caroline Hodges. 1987. Understanding society. An introduction to sociology. Happer & Row, Publishers. New York.
10. Rothman, Robert A. 2005. Inequality and Stratification : Race, Class and Gender - 5th edition. Pearson Prentice Hall. United States of America.
11. Scott, John. and Gordon Marshall. 2009. A Dictionary of Sociology - Third Edition Revised. Oxford University Press. New York.
12. Tổng cục Thống kê. 2016. Kết quả Khảo sát Mức sống dân cư năm 2014. Nhà xuất bản Thống kê. Hà Nội.
13. Tổng cục Thống kê. 2015. Niên giám thống kê 2014 (Văn bản điện tử). Nhà xuất bản Thống kê. Hà Nội.
14. Trịnh Duy Luân. 2004. Vấn đề phân tầng xã hội Việt Nam hiện nay : nhìn lại một số khía cạnh phương pháp luận từ cách tiếp cận xã hội học. Tạp chí Xã hội học, số 3, 2004 : 14-24
------------------------
Chú thích :
[1] Robert Rothmanđã tạo dựng nên mô hình khái quát về 5 giai cấp cơ bản phổ biến đối với hầu hết các quốc gia công nghiệp : 1) Giai cấp tinh hoa/thượng lưu (elite class) ; 2) Giai cấp trung lưu lớp trên (upper middle class) ;3) Giai cấp trung lưu lớp dưới (lower middle class) ; 4) Giai cấp lao động (working class) ; 5) Giai cấp hạ lưu/nghèo (poor/lower class). Trong đó, giai cấp trung lưu lớp trên và lớp dưới được xác định dựa theo nghề nghiệp. Đó là những người trong dãy các nghề nghiệp từ cao nhất (trên cơ sở tri thức chuyên môn như bác sĩ, nhà khoa học, lập trình computer, người quản lý) cho đến mức trung bình (như giáo viên phổ thông, nhân viên văn phòng và bán hàng) (Rothman, 2005 :43, 60, 61).
[2] Trong số các mô hình phân tầng xã hội cơ bản trên thế giới (hình kim tự tháp/hình nón, hình nón cụt, hình thoi/quả trám/con quay, hình trụ và hình "đĩa bay"), thì mô hình kim tự tháp có sự bất bình đẳng vào loại cao nhất (Trịnh Duy Luân, 2004 :19). Ta có thể chứng minh điều này bằng lập luận đại thể như sau : Trong mô hình kim tự tháp với đa số thành viên ở dưới đáy, nhưng lại sở hữu/kiểm soát một lượng trị giá nguồn lực không tương xứng với chúng. Cụ thể là, số thành viên ở đáy thì nhiều mà lại sở hữu/ kiểm soát một lượng trị giá nguồn lực thì ít. Trong khi đó, số thành viên ở đỉnh tháp thì ngược lại. Tiếp theo sẽ được chứng minh cụ thể hơn qua ý tưởngso sánh về tỉ lệ của "cộng dồn của nguồn lực" trên/(phép chia) "cộng dồn của dân số" giữa hai nhóm ở phía trên và phía dưới tháp phân tầng (Đỗ Thiên Kính, 2014 :11). Từ đây, với lập luận tương tự ta có thể suy ra rằng, mô hình phân tầng xã hội có tầng lớp trung lưu đông đảo sẽ có sự phân phối các nguồn lực bình đẳng hơn (tức là ít phân cực hơn) so với mô hình phân tầng xã hội hình kim tự tháp
Nguyễn Phú Trọng : Mây đen toàn cầu, 'mặt trời vẫn tỏa sáng Việt Nam' (VOA, 30/12/2019)
Dự một hội nghị với chính phủ Việt Nam hôm 30/12, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập mức tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% trong năm 2019, cùng với đó, GDP là 266 tỷ đô la, bình quân gần 2.800 đô la/người, nhiều báo Việt Nam đưa tin.
Lãnh đạo cao nhất Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, tại hội nghị với chính phủ hôm 30/12/2019
Nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nói mặc dù "gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn", nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của "toàn Đảng, toàn dân, toàn quân", đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng mà ông cho là "tốt hơn năm 2018", tin trên Soha, Người Lao Động và Thời báo Tài chính cho hay.
Lưu ý rằng Việt Nam có được các kết quả như vậy trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, ông Trọng phát biểu : "Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng Thế giới đưa ra một nhận định, mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam", theo tường thuật của các báo.
Gần hai tuần trước, hôm 17/12, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói tại một cuộc họp báo rằng "Việt Nam tiếp tục có thêm một năm ấn tượng", với tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khi nợ công giảm so với năm 2016, và thương mại thặng dự liên tiếp 4 năm qua.
Đại diện của Ngân hàng Thế giới được các báo Soha và CafeF trích lời nói rằng "Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019, tuy nhiên, mặt trời vẫn đang toả nắng ở nền kinh tế Việt Nam".
Về nhận xét do ông Ousmane Dione đưa ra, được Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn lại, chuyên gia kinh tế kỳ cựu Lê Đăng Doanh bình luận với VOA :
"Có lẽ là ông Giám đốc Ngân hàng Thế giới có cái nhìn lạc quan. Theo tôi, thách thức đối với Việt Nam không hề nhỏ. Việt Nam cần phải nhìn thấy các hạn chế, yếu kém của mình và có các biện pháp hiệu quả để sửa đổi, chứ không nên quá tự mãn hoặc tự khen mình trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay".
Tiến sĩ Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, chỉ ra các điểm yếu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay bao gồm biến đổi khí hậu đang đe dọa làm mất đi vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhân lực trẻ không được đào tạo tốt, và kinh tế tư nhân bị cản đường bởi các nhóm lợi ích gắn với các quan chức.
Mặc dù vậy, ông Doanh cho rằng vẫn có cơ hội để Việt Nam phát triển, nhưng giới lãnh đạo cần phải đẩy mạnh cải cách. Ông nêu ra những việc có thể làm ngay :
"Hiện nay, khả thi nhất là thực hiện công khai minh bạch. Công bố công khai ra tài chính như thế nào, chi tiêu như thế nào, bổ nhiệm cán bộ thế nào, và chấp nhận có sự cạnh tranh. Bổ nhiệm cán bộ ở các chức vụ thì công bố ra, ai có thể tham gia được, tiêu chí như thế nào để cho mọi người biết rõ hơn và có thể tham gia để chọn lọc được nhân tài".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị hôm 30/12/2019
Cũng tại hội nghị hôm 30/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhận định rằng việc tiếp tục duy trì được tăng trưởng cao như mức của năm 2019 trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045.
Mục tiêu này từng được vị thủ tướng nói đến hồi cuối năm 2018 và đầu năm 2019, theo đó, chính phủ nhắm đến duy trì phát triển kinh tế để khi Việt Nam tròn 100 năm độc lập vào năm 2045, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 18.000 đô la/năm, các bản tin trước đây của Zing và Người Lao Động tường thuật.
Một mặt nhắc lại rằng Việt Nam từng đặt ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa cơ bản vào năm 2020 nhưng đã thất bại, song chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thận trọng cho rằng không phải là không khả thi về mục tiêu đạt thu nhập cao vào năm 2045.
Vị tiến sĩ lý giải với VOA :
"Từ nay đến 2045, đang còn 25 năm. Trong 25 năm đó, nếu Việt Nam liên tục tăng trưởng 7 đến 8%/năm, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước có thu nhập 10.000 đô, 12.000 đô la/đầu người. Cái mục tiêu đó là có khả thi".
Để đạt mục tiêu nêu trên, tiến sĩ Doanh nhắc lại rằng Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ.
Tại hội nghị giữa chính phủ với địa phương diễn ra trong ngày 30 và sáng 31/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thách thức to lớn trong quá trình phát triển là đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ là hơn 108 triệu người, tăng thêm khoảng 12 triệu người trong vòng 25 năm. Điều này cũng đồng nghĩa là tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người.
Ngay trước mắt, trong năm 2020 sắp tới, Việt Nam sẽ phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người, ông Phúc nói.
*****************
Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ‘tự hào’ về công cuộc chống tham nhũng (RFA, 30/12/2019)
Lần đầu tiên Việt Nam xử được tội nhận hối lộ là thừa nhận của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, tại hội nghị Chính phủ với các bộ ngành, địa phương diễn ra vào sáng ngày 30/12.
Ảnh minh họa : Hình ông Nguyễn Phú Trọng chụp hôm 14/5/2019 AFP
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng nguyên văn rằng ‘chưa bao giờ chúng ta xử được tội nhận hối lộ, như trước đây toàn là thiếu trách nhiệm và vi phạm việc nọ, việc kia, gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng chưa bao giờ chúng ta thu được tài sản lớn như thế. Vụ AVG thu được cho Nhà nước số tròn là 8.500 tỷ đồng".
Ông Nguyễn Phú Trọng còn cho biết sắp tới sẽ diễn ra một số vụ xử nữa.
Phiên xử hai cựu bộ trưởng thông tin- truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng 12 người khác trong thương vụ Mobifone mua AVG bắt đầu từ ngày 16/12.
Đến ngày 28/12 vừa qua, tòa án Hà Nội tuyên ông Nguyễn Bắc Son án chung thân, sau khi gia đình ông này nộp lại 66 tỷ đồng tiền ; mặc dù trước đó Viện Kiểm Sát đề nghị mức án tử hình. Hai tội danh đối với ông này là ‘nhận hối lộ’ và ‘vi phạm qui định quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Ông Trương Minh Tuấn bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù cũng với hai tội danh giống ông Nguyễn Bắc Son.
Ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, người đưa hối lộ cho các quan chức lên đến 6 triệu 200 ngàn Mỹ kim chỉ bị tuyên án 3 năm tù giam.
***************
Cán bộ quốc phòng bị xử tội vì sản xuất 54 triệu lít xăng giả (RFA, 30/12/2019)
Tòa án quân sự Quân khu 7 vào sáng 30/12 bắt đầu mở phiên xử 16 bị can với tội danh "giả mạo trong công tác", "sản xuất, buôn bán hàng giả" xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng Lũng Bô – Bộ Quốc phòng và một số công ty liên quan.
Ông Lê Quang Hiếu Hùng bị bắt sau một thời gian trốn lệnh truy nã. Courtesy of Bộ Quốc phòng
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày nêu rõ các bị cáo đã có hành vi pha trộn hóa chất rẻ tiền vào hằng triệu lít xăng Ron92, Ron95, rồi chi tiền hoa hồng cao để nhập lượng xăng pha này vào kho của Cục hậu cần Quân khu 7, Bộ Quốc phòng.
2 trong số 16 người bị nêu tên là ông Trần Văn Đồng (Đại tá, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc Chi nhánh Đầu tư Xây dựng miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng Bô, Bộ Quốc phòng) và ông Lê Quang Hiếu Hùng (công nhân viên quốc phòng, Chi nhánh Đầu tư Xây dựng miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng Bô).
Theo cáo trạng, ông Trần Văn Đồng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, làm giả bản sao lục quyết định của Tổng tham mưu trưởng về việc nâng lương và phiên quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp cho ông Lê Quang Hiếu Hùng.
Ông Đồng cũng đã bổ nhiệm ông Hùng giữ chức "trưởng phòng kinh doanh xăng dầu" dù biên chế của chi nhánh Lũng Lô Miền Nam không có chức năng kinh doanh xăng dầu.
Ông Đồng bị xác định cũng đã chỉ đạo mua quân hàm, quân phục, đặt biển tên, giao ô tô quân sự cho ông Hùng đi giao dịch với các đối tác trong và ngoài quân đội.
Năm 2015, ông Hùng và các bị cáo Nguyễn Văn Phương (giám đốc công ty Thái Sơn), Phan Trường Sơn và Lê Minh Anh (Tổng giám đốc công ty Đông Phương) bị nói đã lên kế hoạch pha chế xăng giả từ dung môi Naptha để kiếm lời.
Ông Lê Quang Hiếu Hùng bị nói đã mua lại công ty Năng lượng ITAVINA và đổi tên thành Vạn Xuân và liên hệ với các thương nhân đầu mối trong việc pha chế xăng để làm trung gian mua Naptha.
Ngoài ra, ông Hùng bị xác định đã thỏa thuận với ông Phan Hữu Phúc, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên thống kê của kho VK102 Cục hậu cần Quân khu 7, để pha chế xăng giả Ron92, Ron 95 bằng cách pha trộn dung môi Naptha với các hóa chất khác.
Báo trong nước cho biết hơn 52 triệu lít dung môi Naptha đã được pha chế với hóa chất để trở thành 54 triệu lít xăng giả. Toàn bộ số xăng giả này đã được bán hết ra thị trường.
Kết quả định giá cho thấy 54 triệu lít xăng giả được sản xuất có giá trị tương đương hàng thật là hơn 850 tỷ đồng.
Công ty Vạn Xuân bị xác định không phải thương nhân đầu mối, không có giấy chứng nhận đăng ký pha chế xăng, không đủ điều kiện pha chế xăng.
Các bị cáo Hùng, Phương bị xác định làm giả hồ sơ hàng hóa để thế chấp vay vốn tại ngân hàng, lấy tiền sản xuất xăng giả. Số tiền bị chiếm đoạt từ các ngân hàng khoảng 500 tỷ đồng.
***************
Hà Nội 'xử lý’ doanh nghiệp xuất hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ Việt Nam sang Mỹ (VOA, 29/12/2019)
Tổng cục Hải quan Việt Nam hôm 27/12 cho biết đã "điều tra, phát hiện và xử lý" bốn doanh nghiệp "gian lận xuất xứ" hàng Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ.
Thông cáo đăng trên trang web của cơ quan này viết rằng kể từ giữa năm 2018, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra và Hoa Kỳ áp đặt các mức thuế lên hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, Tổng cục Hải quan "thấy nổi lên một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến".
Tin cho hay, "cơ quan hải quan đã thống kê sơ bộ được 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ" và "từ đó lập danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để tiến hành kiểm tra".
"Cục Kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra 9 doanh nghiệp thì đã phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 4 doanh nghiệp (3 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 01 doanh nghiệp lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ (giá, kệ bếp)", thông cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, nhưng không nói rõ tên của các doanh nghiệp được cho là "đã thừa nhận hành vi vi phạm về xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu".
"Hiện Cục Kiểm tra sau thông quan đang đề xuất Tổng cục Hải quan xử lý theo quy định. Đối với các doanh nghiệp còn lại, Cục Kiểm tra sau thông quan đang tiếp tục củng cố, làm rõ các dấu hiệu vi phạm, tiếp tục mở rộng kiểm tra một số nhóm hàng : Pin năng lượng mặt trời, đèn LED…".
Trang web của chính phủ Việt Nam từng dẫn lời các quan chức trong nước nói rằng các công ty Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, sau đó hàng hóa được thay bao bì và ghi "Made in Vietnam" trước khi bán sang Mỹ, Nhật Bản hay Châu Âu để tránh mức thuế cao đánh vào hàng hóa của Trung Quốc.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được dẫn lời nói rằng "các hiện tượng, hành vi này đã ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có nguy cơ khiến hàng hóa trong nước bị xem xét khi xuất khẩu vào một số thị trường nước ngoài vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu" của Việt Nam.
****************
Chặn cứ chặn, hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt đi Mỹ vẫn tiếp diễn (Người Việt, 29/12/2019)
Sản phẩm của Trung Quốc giả mạo sản phẩm "Made in Vietnam" để xuất cảng sang Mỹ và các nước khác vẫn tiếp diễn, dù nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách ngăn chặn.
Xe đạp Trung Quốc đội lốt xuất xứ Việt Nam.(Hình : Vietnamnet)
Tổng cục Hải quan Việt Nam mới đây "công bố thêm danh tính hàng loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc gian lận xuất xứ "Made in Vietnam’ để xuất khẩu sang Mỹ" VietnamNet đưa tin hôm 29/12/2019.
Trong cuộc họp báo ở Hà Nội, cơ quan nói trên đưa ra danh sách 19 nhóm hàng được mô tả bị các công ty Trung Quốc gian lận nhiều nhất về xuất xứ là dệt may, da giày và túi xách, máy vi tính, điện tử và linh kiện, điện gia dụng và linh kiện, điện thoại và linh kiện, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, sắt thép và các sản phẩm sắt thép, xe đạp, xe đạp điện…
Một cửa hàng bán đồ trang trí Giáng Sinh trên phố Hàng Mã, Hà Nội. Đèn trang trí Giáng Sinh xuất cảng sang Mỹ từ Việt Nam nghi là hàng Trung Quốc. (Hình : Linh Pham/Getty Images)
Nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải ráo riết ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc "đột lốt" hàng do Việt Nam sản xuất để tránh bị Mỹ trừng phạt thuế quan. Dù vậy, chống cứ chống, gian lận vẫn cứ gian lận. Nhiều công ty Trung Quốc mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam chỉ để làm công đoạn chót là rắp ráp các bộ phận rời sản xuất tại Trung Quốc gắn nhãn "Made in VietNam" để qua mặt thuế quan Mỹ.
Theo bản tin VietnamNet, Cục Kiểm tra của Tổng cục Hải quan Việt Nam đã "kiểm tra 9 doanh nghiệp và chỉ đạo 9 Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra 24 doanh nghiệp. Trong đó, một vụ việc cụ thể đã có kết quả kiểm tra".
Bản tin nêu tên Công ty Xe đạp Excel có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc, thành lập năm 2018, chỉ làm công việc lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu với "100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh, các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào".
Mục đích duy nhất của họ là "lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi" để xuất cảng sang Mỹ. VietnamNet nói công ty Excel bị phạt hành chính và "tịch thu toàn bộ tang vật là sản phẩm hoàn chỉnh, các bán thành phẩm và các linh kiện chưa xuất khẩu đang lưu trong kho của công ty".
Không những vậy, công ty vừa kể còn "gian dối về thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền (VCCI chi nhánh Sài Gòn) cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O Form B)".
Giữa tuần trước, hãng tin Bloomberg cho hay đèn màu trang trí mùa Lễ Giáng Sinh ở Hoa Kỳ gia tăng nhập cảng từ Việt Nam với những dấu hiệu khiến người ta nghi không phải do Việt Nam sản xuất. Đèn trang trí Giáng Sinh nhập cảng vào Mỹ từ Việt Nam trong 10 tháng đầu của năm 2019 đã gia tăng bất thường quá gấp đôi so với năm 2018. Trong khi đó, loại đèn này nhập cảng từ Trung Quốc lại giảm tới 49%.
Bloomberg thuật lời bà Nguyễn Thị Hà, một người bán đồ trang trí mùa Giáng sinh trên phố Hàng Mã, Hà Nội là có một số công ty địa phương đã nhập cảng nguyên liệu, bộ phận rời ở Trung Quốc rồi lắp ráp thành các chuỗi dây đèn Giáng Sinh.
Tháng Năm vừa qua, trong cuộc thương chiến với Trung Quốc, Mỹ đã áp đặt thêm 25% thuế quan cho đèn Giáng Sinh nhập cảng từ Trung Quốc, tăng lên từ 10% thuế quan trước đó. Cũng vào dịp này Tổng Thống Trump đã lên án Việt Nam là nước "lợi dụng Mỹ còn tệ hại hơn Trung Quốc".
Trước lời đe dọa, Đảng cộng sản Việt Nam đã vội vàng siết chặt các biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại của các nhà sản xuất Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn. (TN)
****************
Vụ Nhật Cường : Quan chức Thành Ủy Hà Nội bị bắt, lo chỉ xử "từ vai trở xuống" (RFI, 29/12/2019)
Hôm 28/12/2019, cơ quan điều tra bộ Công An Việt Nam thông báo đã ra quyết định tạm giam ông Nguyễn Văn Tứ, chánh văn phòng Thành Ủy thủ đô Hà Hội, cùng một quan chức sở Đầu Tư thủ đô. Theo báo chí trong nước, vụ việc có liên quan đến chủ tịch Hà Nội.
Trụ sở chính quyền thành phố Hà Nội. @Wikipedia
Hai quan chức bị bắt liên quan trực tiếp đến vụ công ty viễn thông Nhật Cường "vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Vụ bắt giữ nói trên diễn ra đúng vào lúc một tòa án tại Việt Nam vừa khép lại một vụ xử án tham nhũng khác, với việc ông Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, ủy viên Trung Ương Đảng bị tuyên án chung thân (thường gọi là vụ công ty "AVG").
Tổng giám đốc công ty Nhật Cường, ông Bùi Quang Huy, hiện đang bị Interpol truy nã, theo yêu cầu của Việt Nam. Vụ án "Nhật Cường", với quy mô thiệt hại về tài chính cho Nhà nước là nhỏ hơn nhiều so "vụ AVG", có ý nghĩa ra sao với xã hội Việt Nam.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh đến hàng loạt vấn đề trong vụ án này, từ nguy cơ Trung Quốc thao túng mạng tin học của chính quyền Hà Nội, đến việc chính quyền ngang nhiên vi phạm quy định đấu thầu. Một mặt thừa nhận có dấu hiệu đấu đá của một số phe phái xung quanh vụ án Nhật Cường, nhưng nhà báo Võ Văn Tạo đặc biệt lo ngại là rất có thể chính quyền Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ chỉ xử lý vụ Nhật Cường "từ vai trở xuống", tương tự như vụ AVG mà tòa sơ thẩm vừa ra phán quyết. Các thủ phạm chính rất có thể vẫn sẽ không phải ra trước vành móng ngựa để đối mặt với công lý.
Sau đây mời quý vị theo dõi nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang.
***
Nhà báo Võ Văn Tạo : "Hai người bị bắt trong khuôn khổ một dự án cách nay mấy tháng. Đó là vụ án liên quan đến công ty Nhật Cường, kinh doanh điện thoại và viễn thông. Trên mạng củaViệt Nam, cũng như báo chí Nhà nước, lấp ló tiết lộ chuyện đây là công ty sân sau của ông Nguyễn Đức Chung. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội. Công ty này vốn là vô danh tiểu tốt mà lại trúng mối thầu rất lớn của Hà Nội về công nghệ thông tin, là vì nhờ được công ty của vợ ông Chung (công ty Minh Hoa).
Đây cũng là vụ án kế tiếp vụ đang xét xử, vừa tuyên án xong, là vụ AVG. Đấy là một vụ rất lớn. Vụ này tuy nhỏ hơn, nhưng có tính chất nóng bỏng riêng, vì liên quan đến bộ mặt của thủ đô Hà Nội. Theo tôi đánh giá, dù về quy mô tài chính là không lớn, nhưng tính chất của vụ này là trắng trợn. Chỉ định thầu, ra thầu, giá trúng thầu cách nhau chút xíu. Ở giữa thanh thiên bạch nhật, ngay giữa thủ đô mà người ta còn dám làm như thế, thế thì thử hỏi là ở những tỉnh xa xôi thì còn như thế nào.
Người ta còn lo ngại rằng, vụ gọi thầu về dịch vụ thông tin cho thành phố Hà Nội liệu có đảm bảo về an ninh, quốc phòng hay không, có yếu tố Trung Quốc hay không, trong khi tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có nhiều vấn đề căng thẳng.
Nhiều người nói rằng phe phái các ông ấy đánh nhau. Cá nhân tôi thì tôi cho rằng ông (Nguyễn Phú) Trọng, ông ấy thực sự lo ngại tham nhũng khiến Đảng của ông ấy sụp đổ. Còn chuyện giữ được Đảng, nhưng có để cho đất nước tiến lên được hay không thì lại là chuyện khác. Có khi ông ấy chẳng quan tâm.
Tôi chưa dám nghĩ là ông ấy phe phái gì đâu. Nhưng mà ông ấy không phải là người tài giỏi về lĩnh vực nội chính, vốn rất là phức tạp, chủ yếu là dính đến công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Ông ấy lại xuất thân không phải đi lên bằng con đường nội chính, nên ông ấy không thông thuộc địa hình đó. Người ta bảo thần thiêng nhờ bộ hạ. Bây giờ cái đám ở dưới thích thì làm, không thích thì thôi, thậm chí nó bè phái, thì ông ấy cũng không thể nào biết được thực chất là như thế nào.
Ví dụ như cái vụ Nhật Cường này thì chúng tôi có thông tin là mấy ông ngấp nghé lên thứ trưởng Công An, trong đó có chủ tịch Hà Nội đó. Đúng là họ cũng đánh nhau, nên họ mới tuồn tài liệu ra, nên báo chí mới nhận được. Thế nhưng, ông Nguyễn Phú Trọng ông ấy ở trên cao, ông ấy không nắm được chuyện ấy đâu. Ông ấy chỉ biết là, đã phát động chống tiêu cực, thì anh nào dính tiêu cực là xử lý. Chẳng hạn cái vụ đang nóng này, vụ AVG vừa tuyên án xong.
Xem ra những người có tư duy về pháp luật, thì thấy vụ ấy chẳng giải quyết được gì. Nó thông đồng từ các bộ ngành, đến văn phòng chính phủ, đến thủ tướng. Xử như thế là nửa vời. Tôi nghĩ rằng ông Tô Lâm (bộ trưởng Công An) phải có trách nhiệm trong chuyện này (vì xếp hồ sơ Mobifone mua AVG vào dạng "mật", nên tất cả những người khác không thể tìm hiểu được – Võ Văn Tạo bổ sung). Ông Nguyễn Tấn Dũng lúc đó là thủ tướng cho chủ trương (để Mobifone mua lại AVG) cũng thế.
Nhìn chung, tôi nghĩ rằng việc ông Nguyễn Phú Trọng phát động chống tiêu cực là đúng, tôi ủng hộ, và rất nhiều người dân, cán bộ đảng viên cũng ủng hộ. Nhưng đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Đừng có tắm từ vai tắm xuống ! Tắm phải tắm từ đầu xuống ! Đã xử lý là phải rốt ráo, anh nào có tội là phải đem ra hết, bất kể anh nào ! Không có vùng cấm ! Dù ông có là Tứ Trụ (tức bốn chức vụ cao cấp nhất trong chính quyền Việt Nam) dính vào tội lỗi, cũng phải lôi ra hết, thì mới gây được niềm tin, chứ còn nửa vời không ăn thua".
Trọng Thành
Ý kiến nói đối tượng dễ bị xã hội lên án là "người giàu và coi thường các chuẩn mực xã hội, có quan hệ với nhóm chức quyền".
Xã hội Việt Nam - Ảnh minh họa
Cuối cùng thì bà Nguyễn Thị Nga người lái ô tô gây tai nạn hàng loạt ở Hàng Xanh đã bị tòa án tuyên phạt 3 năm sáu tháng tù, khép lại làn sóng căm ghét trên mạng xã hội và báo chí từ lúc tai nạn xảy ra đến nay.
Tường thuật vụ tai nạn, cả báo chính thống và mạng xã hội đều trích dẫn câu nói "chị lo được" của bà Nguyễn Thị Nga và đã vô tình hoặc cố ý lôi bà Nguyễn Thị Nga vào đúng "công thức căm ghét" của người Việt, một khái niệm mà chúng tôi tạm gọi về tâm thế của người Việt khi tiếp nhận thông tin.
"Công thức căm ghét" có thể tóm gọn : "Người giàu và coi thường các chuẩn mực xã hội, có quan hệ với nhóm chức quyền".
Làn sóng căm ghét đối với bà Nguyễn Thị Nga càng dâng cao khi báo chí và mạng xã hội khai thác thêm các chi tiết bà Nguyễn Thị Nga là chủ nhà hàng, có chồng nước ngoài, lái xe sau một chầu nhậu…
Thậm chì khi được tại ngoại để khắc phục hậu quá, đền bù cho người bị hại và chăm sóc sức khỏe cho chồng con bà Nguyễn Thị Nga nhanh chóng bị bắt tạm giam do sức ép của mạng xã hội cho rằng chính quyền bao che người có nhiều tiền, quan hệ rộng.
Theo dõi sát sao vụ án, chúng tôi đồng tình với bản án, nó tương đối thấu tình đạt lý.
Tuy nhiên vụ việc này phản ánh cùng lúc nhiều vấn đề xã hội và nhiều số phận đắm chìm trong đó. Men rượu, thiếu kỹ năng điều khiển xe (không bằng lái), bà Nguyễn Thị Nga đã tước đoạt sinh mạng và gây thương tật cho một số người, làm thay đổi theo hướng xấu đi gia đình của những người này theo một cách không mong muốn.
Chuyện phụ nữ phải đi hầu rượu vì sinh kế, quan hệ ngoại giao ở Việt Nam không hiếm, ban đầu nó bị lên án nhưng dần dà như là sự mặc định, phụ nữ bước ra đường làm ăn là phải biết uống chút bia rượu và phải thi thoảng hoặc thường xuyên đi hầu rượu tùy theo tính chất công việc. Ở góc độ như trên bà Nguyễn Thị Nga vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của lề thói này.
Trong sự tiều tụy, xanh xao và những giọt nước mắt, bị cáo Nguyễn Thị Nga, người lái xe BMW tông hàng loạt xe máy ở ngã tư Hàng Xanh đã thành thật khai nhận và gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân tại phiên xét xử sơ thẩm vào sáng 17/6/2019.
Trong lời nói sau cùng, bà Nga đã xin lỗi gia đình nạn nhân và khuyên phụ nữ mang giày cao gót không nên lái xe đồng thời đã lái xe không được uống rượu bia.
Người Việt đã bị thương tổn kéo dài về đủ thứ chuyện, họ hoang mang, mất niềm tin, nhìn tất cả bằng cặp mắt nghi ngờ - Hình minh họa
Công chúng ghét bà Nguyễn Thị Nga vì bà giàu có, quan hệ rộng, có thể một tay che trời nhưng sự thật không phải vậy, chồng bà là người nước ngoài nhưng không giàu, già yếu, không tự chăm sóc được mình, con bà Nga bị tự kỷ, cả hai đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của bà Nguyễn Thị Nga, một gánh nặng thật sự trong khi công việc kinh doanh nhà hàng không được tốt lắm, một nhà hàng nhỏ, không danh tiếng.
Còn câu nói "chị lo được" trở thành slogan của sự căm ghét, bà Nga, nay đã là bị cáo Nguyễn Thị Nga trình bày trước tòa "bị cáo là nông dân, không quen biết ai ở Sài Gòn. Ý bị cáo nói câu đó chỉ là để mọi người hiểu là bị cáo sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm trước nạn nhân. Bị cáo không bao giờ nghĩ sẽ dùng tiền để giải quyết mọi việc".
"Khi vụ án xảy ra, nhiều người cho rằng bị cáo là người có tiền, sẽ lo được tất cả. Tuy nhiên thực sự không phải vậy. Trước khi vụ tai nạn xảy ra, bị cáo đã vay ngân hàng hơn 13 tỉ đồng, sau đó còn vay thêm để bồi thường cho gia đình bị hại. Các ngân hàng rất lo vì nếu bị cáo đi tù thì sẽ không ai trả nợ"
Chút an ủi cho con đường tù tội sắp tới của bà Nguyễn Thị Nga là trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình nạn nhân đã có đơn bãi nại cho bị cáo. Trong đơn, gia đình đã xin cho bà Nga không phải đi tù để có điều kiện ở ngoài kiếm tiền, khắc phục hậu quả..
Một nạn nhân bị liệt ngay sau khi tai nạn xảy ra đã được bà Nguyễn Thị Nga thỏa thuận bồi thường 700 triệu đồng nhưng thật kỳ diệu trong một đêm không hẹn với số phận cũng như khi tai nạn xảy ra, nạn nhân quên mình đã bị liệt và đứng lên đi vệ sinh và sau đó đi lại được.
Cách ứng xử của gia đình cũng thật tuyệt, họ từ chối nhận bồi thường vì cho rằng thượng đế đã tặng cho gia đình món quà lớn nhất rồi, đó là sự hồi sinh.
Vụ án đã khép lại nhưng "công thức căm ghét" vẫn còn đó, nó sẵn sàng giáng xuống bất kỳ ai mà trùng hay trật là do hên xui chứ không phải do hành vi và nhân thân.
Người Việt đã bị thương tổn kéo dài về đủ thứ chuyện, họ hoang mang, mất niềm tin, nhìn tất cả bằng cặp mắt nghi ngờ và "công thức căm ghét" có thể gây thương tổn cho bất kỳ ai chính là vết thương tâm lý mà còn rất lâu nữa mới lành sẹo.
Đào móng làm nhà ở Quảng Nam, trúng nhiều cổ vật quý hiếm (Người Việt, 04/04/2018)
Trong lúc đào móng làm nhà, chủ nhà vô tình phát hiện nhiều cổ vật có giá trị.
Theo báo Thanh Niên, ngày 30 tháng Ba, gia đình ông Hôih Chơu (ở thôn Chờ Nét, xã A Ting, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) trong lúc đào móng làm nhà bất ngờ phát hiện ngôi mộ bên dưới, cùng nhiều cổ vật quý hiếm như chén, đĩa, đồng đen, vòng tay đồng… Trong lúc thi công, một số hiện vật đã bị hư hỏng.
Những cổ vật được tìm thấy trong ngôi mộ cổ ở Quảng Nam. (Hình : Thanh Niên)
Ông Pơloong Nhong, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã A Ting, cho biết khi tiếp cận hiện trường, các già làng nhận định có thể đây là ngôi mộ của vợ người Cơ Tu có niên đại hơn 100 năm.
Tất cả cổ vật này đang được chủ nhà cất giữ cẩn thận. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên bán cổ vật trước khi cơ quan chuyên môn đến tìm hiểu, nghiên cứu.
Chiếc bình cổ hồ lô bát tiên "Đại Minh Tuyên Đức", có niên đại từ thời nhà Minh Tuyên Tông 1425-1435, được tìm thấy tại Thừa Thiên-Huế. (Hình : VTC News)
Trước đó, theo VTC News, ngày 8 tháng Ba, ông Nguyễn Văn Ng. (69 tuổi, ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã đào được ba bức tượng bằng đồng dưới nền nhà nghi là cổ vật.
Ông Ng. Cho hay, do nền ngôi nhà rường cổ có từ thời ông nội bị hư hỏng nên ông đã đào lên sửa lại. Trong lúc đào, ông Ng. Bất ngờ phát hiện ba đồ vật bằng đồng bao gồm một bức tượng Phật Di Lặc, một tượng hình gà trống và một chiếc bình hồ lô bát tiên. Phía đáy của ba đồ vật này đều khắc chữ Hán.
Trả lời báo VTC News, một nhà sử học là hội viên Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam cho biết, căn cứ vào các chữ Hán khắc trên các đồ vật thì có thể đây là những cổ vật có từ thời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc.
Trong đó, chiếc bình cổ hình hồ lô bát tiên và tượng gà trống có bốn chữ Hán khắc dưới đáy là "Đại Minh Tuyên Đức", tức chiếc bình được đúc từ thời nhà Minh, dưới đời vua Tuyên Đức (Minh Tuyên Tông 1425-1435). Riêng tượng Phật Di Lặc có thể là được chế tác từ đời vua Càn Long nhà Thanh. (Tr.N)
*****************
Sư cô nghèo tụng kinh kiếm tiền nuôi nhiều trẻ bị bệnh (Người Việt, 03/04/2018)
Một bà 60 tuổi tu tại gia, sống trong căn nhà nhỏ nằm trong hẻm xa tít giữa lòng thành phố Châu Đốc, đã cưu mang tám đứa trẻ nghèo, cơ nhỡ nhiều năm nay. Để có tiền lo cho các em ăn học, bà phải đi tụng kinh kiếm tiền và xin cơm, gạo của các chùa…
Bà Sáng với các em mồ côi được bà nuôi dưỡng nhiều năm nay. (Hình : Tuổi Trẻ)
Trong căn nhà nhỏ chưa đến 30 mét vuông ở khóm Châu Long 2, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, bà Phạm Thị Kim Sáng (60 tuổi), pháp danh Hiền Liên, đã cưu mang tám trẻ mồ côi hơn 15 năm qua.
Kể với báo Tuổi Trẻ, bà Sáng cho biết ngay từ nhỏ lúc 16 tuổi bà đã lén gia đình đi xuất gia, nhưng bị gia đình phát hiện rồi bắt về. Năm 21 tuổi, bà quyết định lên tỉnh Lâm Đồng xuất gia trong một ngôi chùa. Đến năm 2003 mẹ mất nên bà phải quay về nhà lo tang gia. Cũng từ đây, bà Sáng bắt đầu nhận những đứa trẻ mồ côi không người nuôi khi bà đi tụng kinh tại các đám tang.
Hơn 15 năm qua, bà Sáng đã nhận nuôi chín em. Một em trong số này đã được gia đình nhận lại nên hiện còn lại tám em. Tuy có em còn cha mẹ nhưng cũng cho bà nuôi vì hoàn cảnh nghèo khó. Song số đông còn lại là trẻ mồ côi ở nhiều tỉnh thành từ Kiên Giang, Gia Lai, Đồng Tháp, An Giang, Long An…
Trong số này có ba em có giấy chứng nhận tâm thần của bệnh viện, một em bị đau não chỉ mới 5 tuổi nhưng phải nhập viện thường xuyên, hai em theo học cấp 1 và cấp 2 ở trường cấp 2 Thủ Khoa Huân, hai em còn lại chưa được đi học vì không làm được giấy tờ nhập học.
Nhắc đến những đứa con nuôi của mình, bà Sáng rưng rưng nước mắt kể về trường hợp bé Phan Thị Ngọc Diễm (4 tuổi). Vào một ngày đầu năm 2013, khi bà vừa mở cửa thì thấy một em bé hơn bảy tháng được ai đó bỏ trước nhà mình trong tình trạng sắp chết. Bà trình báo công an rồi đưa bé vào bệnh viện chăm sóc và làm thủ tục nhận nuôi em đến nay. Tuy nhiên, các bác sĩ nói em không được bình thường do bị đau não từ nhỏ. Mỗi lần em phát bệnh phải nằm viện vài ngày mới khỏi.
Bà Sáng không chỉ lo cho các em ăn học mà còn dạy các em tụng kinh. (Hình : Tuổi Trẻ)
"Tôi cũng không biết cha mẹ cháu bé là ai. Từ lúc nuôi nó đến giờ đã tốn không biết bao nhiêu tiền. Nhiều khi thấy cháu phát bệnh nằm lăn lóc mà lòng tôi đau lắm. Tôi phải đi tụng kinh để kiếm tiền lo cho nó. Sau này nhờ nó được hưởng bảo hiểm y tế và trợ cấp của nhà nước nên cũng đỡ", bà nói.
Vừa xoa đầu em Nguyễn Thị Cẩm Tú, 5 tuổi, bà nói : "Còn bé này mẹ chết, cha bỏ nên bơ vơ ở với bà ngoại tận Phú Quốc. Thấy vậy bà này cho tôi nuôi. Bây giờ nó gần tuổi đi học mà chưa làm giấy tờ gì được nên cũng lo lắm".
Hằng ngày để có tiền nuôi chục miệng ăn, bà Sáng phải đi tụng kinh ở các đám tang hay đến các tịnh xá xin gạo, tiền lo cho các em ăn, thậm chí tiền đóng học phí cho các em cũng được bà chắt mót từ tiền tụng kinh đám tang.
Khi được hỏi về cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn thiếu trước hụt sau, chỗ ở chật hẹp thì làm sao nuôi dưỡng các em nên người, bà Sáng nói : "Trước mắt, nhờ tôi tu tại gia nên nhiều người ghé cúng Phật. Nhờ chút tiền này đã giúp tôi lo cho các con. Tâm nguyện tôi từ đó đến giờ là cứu giúp mấy em mồ côi, cơ nhỡ này. Khi nào tôi ngã xuống thì lúc đó mới ngừng nhận nuôi các em. Còn đủ sức lực thì bằng mọi cách tôi sẽ giúp các em được ăn học, được có mái nhà chứ không thể để các em cơ nhỡ không ai nuôi dưỡng".
Em Phan Thị Kim Phụng, 15 tuổi, đã ở với bà Sáng từ khi lên 2 tuổi đến nay. Em cho biết từ nhỏ cha mẹ mất sớm nên hằng ngày lang thang khắp nơi. Trong một lần tình cờ bà Sáng gặp em đang bị trẻ cùng lứa ăn hiếp nên nhận về nuôi đến nay.
"Bà không chỉ lo lắng cho em như con mà còn cho em ăn học. Bà còn sắm xe đạp cho em đi học hằng ngày ở trường Thủ Khoa Huân. Nếu không có bà, không biết cuộc đời em sẽ ra sao", Phụng nói. (Tr.N)