Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/04/2017

Lão hóa dân số ở Việt Nam : Quả bom nổ chậm

Nguyễn Ngọc Quỳnh

Trong bản cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, công bố vào tháng 07/2016, Ngân Hàng Thế Giới cho biết là Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn lão hóa dân số với một tốc độ rất nhanh.

laohoa1

Một xưởng may ở Hải Dương. Tình trạng lão hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Việt Nam, nếu năng suất không được nâng cao.Reuters

Vào thời điểm 2016 có khoảng 7% dân số Việt Nam, tương đương 6,5 triệu người, từ 65 tuổi trở lên. Vào năm 2040, số người từ 65 tuổi trở lên dự báo sẽ tăng gấp 3, lên đến 18,4 triệu người, chiếm 17% dân số. Nói theo cách khác, tỷ lệ phụ thuộc, tức là số người từ 65 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động, dự báo sẽ tăng gần gấp 3, từ 10% hiện nay lên 26% vào năm 2040. Tốc độ lão hóa tại Việt Nam, theo Ngân Hàng Thế Giới, là thuộc hàng cao nhất thế giới từ trước đến nay.

Tình trạng lão hóa này đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam về mặt kinh tế lẫn xã hội. Sau đây xin mời quý vị nghe ý kiến của chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên viên về an sinh xã hội của Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 03/04/2017.

RFI : Thưa chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, trước hết xin chị cho biết là những lý do nào khiến dân số Việt Nam lão hóa nhanh như vậy ?

Nguyễn Ngọc Quỳnh : Việt Nam đang trong một bối cảnh rất đặc biệt, đó là vừa có dân số trẻ mà vừa đang già hóa, khác với những nước khác là phải qua giai đoạn dân số trẻ rồi mới đến dân số già. Có hai lý do chính khiến tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số Việt Nam tăng rất nhanh. Thứ nhất là mức sinh giảm và thứ hai là tuổi thọ tăng rất cao.

Vào khoảng năm 1975, ở Việt Nam phụ nữ có từ 5 đến 6 con, thì hiện nay, tính trung bình trên cả nước, phụ nữ chỉ sinh khoảng 2 con và ở nhiều tỉnh thành thì mức sinh còn xuống dưới 2 con, ví dụ ở như thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương, trung bình mỗi phụ nữ chỉ sinh khoảng hơn 1 con. Chính vì vậy mà tốc độ gia tăng dân số giảm đi và số trẻ em ít hơn.

Cùng với xu hướng đó là tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam cũng tăng rất nhanh. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của toàn bộ dân số là hơn 73 tuổi, tăng đến 5 tuổi so với 10 năm trước đây.

Hai lý do đó khiến cho hiện nay tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng dần, trung bình khoảng độ 7 đến 8%/năm. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 11% dân số là người 60 tuổi trở lên.

RFI : Thành phần người già ở Việt Nam hiện nay có những đặc điểm gì giống và khác với người già ở các nước khác trong khu vực ?

Nguyễn Ngọc Quỳnh : Có một điểm chung giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, đó là xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi. Trong nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên thì tỷ lệ nữ giới cao hơn rất nhiều so với nam giới. Ở độ tuổi càng cao thì tỷ lệ nữ chiếm càng nhiều. Ở Việt Nam, trong nhóm tuổi từ 60 đến 69 thì tỷ lệ nữ chiếm khoảng 54%, nhưng trong nhóm từ 70 đến 79 tuổi thì tỷ lệ nữ chiếm đến 60% và nhóm từ 80 tuổi trở lên thì tỷ lệ nữ chiếm tới hơn 60%. Đó là xu hướng chung của nhiều nước vì bản chất là phụ nữ sống lâu hơn nam giới và tỷ lệ tử vong ở nữ thì ít hơn nam giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam có những điểm khác. Thứ nhất là do tỷ lệ nữ cao hơn nam giới, nên tỷ lệ phụ nữ goá bụa và sống cô đơn nhiều hơn, nhưng ở Việt Nam thì những phụ nữ này gặp khó khăn hơn rất nhiều khi về già so với các nước khác như Singapore vì tích lũy và thu nhập của phụ nữ là kém hơn, trong khi đó thì về già, chi phí cho y tế lại đắt đỏ hơn là nhiều do không phải ai cũng có bảo hiểm y tế. Đây là điểm làm cho phụ nữ cao tuổi ở Việt Nam gặp khó khăn hơn rất là nhiều so với các nước khác.

Một điểm nữa đó là tỷ lệ người cao tuổi nghèo ở Việt Nam khá cao với khoảng 17% người cao tuổi là người nghèo, trong khi tỷ lệ trung bình của quốc gia là 10%. Ngoài ra, từ xưa đến nay, Việt Nam cũng giống như một số nước châu Á khác, đó là người già sống với con cháu trong những gia đình tam hay tứ đại đồng đường rất là nhiều.

Tuy nhiên hiện nay, xu hướng gia đình nhỏ lại là một xu hướng rất là mạnh, thay đổi rất chóng mặt, cho nên số người cao tuổi sống một mình lại càng nhiều. Một đặc thù nữa của Việt Nam là, do thanh niên nông thôn di cư lên thành phố để kiểm sống, để lại con cho bố mẹ nuôi, nên có rất nhiều gia đình gọi là "khuyết thế hệ", tức là người già sống với cháu và nuôi cháu để cho con đi làm. Chính vì vậy, gánh nặng về kinh tế và gánh nặng về chăm sóc cho người cao tuổi càng cao hơn so với các quốc gia khác.

RFI : Tình trạng già hóa này sẽ có ảnh hưởng gì đến lực lượng lao động và với nền kinh tế Việt Nam nói chung ?

Nguyễn Ngọc Quỳnh : Việt Nam hiện có một lực lượng lao động khá đông đảo, vì dân số Việt Nam có đặc thù là vừa có cơ cấu dân số "vàng", tức là có một lực lượng rất là lớn, nhưng đồng thời đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dù chúng ta có một lực lượng lao động đông đảo, nhưng năng suất lao động của chúng ta lại không cao : năng suất lao động của 15 người Việt Nam mới bằng năng suất lao động của 1 người Singapore.

Với một tốc độ già hóa dân số rất nhanh như vậy và năng suất lao động chưa cao, thì nó sẽ dẫn đến tình trạng năng suất lao động của chúng ta đang có xu hướng giảm đi nếu không có thay đổi gì. Đồng thời, do già hóa cho nên tốc độ gia tăng dân số trong độ tuổi lao động sẽ chậm dần. Đến khoảng 2030-2032, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ bắt đầu giảm, chứ không tăng lên nữa. Bên cạnh đó, độ tuổi trung bình của lực lượng lao động của chúng ta cũng đang tăng lên, ví dụ như năm 2010, độ tuổi trung bình của lực lượng lao động là 34 tuổi, thì đến năm 2017, độ tuổi trung bình này đã tăng lên 41 tuổi, tức là càng ngày lực lượng lao động của chúng ta càng già đi. Nếu không có gì thay đổi thì năng suất lao động sẽ giảm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nếu nhìn vào ở các nước phát triển như Nhật và Mỹ, ta sẽ thấy, vì họ có dân số già, nên họ đều phải dựa vào việc tăng năng suất lao động nhờ tự động hóa, tức là sử dụng máy móc. Nhưng nếu chúng ta dựa vào tự động hóa quá nhiều, thì chúng ta lại đang dư thừa một nhóm dân số trong độ tuổi lao động. Cho nên vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào tăng năng suất lao động ở lực lượng lao động rất đông đảo này, và đồng thời tăng cả năng suất lao động trong nhóm người cao tuổi, vì có hơn 60% người cao tuổi hiện vẫn đang làm việc, do thu nhập của họ quá thấp và họ làm việc gần như là toàn thời gian, đến 36 giờ/tuần, không kém gì người trong độ tuổi lao động.

RFI : Tình trạng lão hóa này đang đặt ra những vấn đề gì về mặt an sinh xã hội ở Việt Nam ?

Nguyễn Ngọc Quỳnh : Đây là một thách thức rất lớn. Tính ra chỉ có một nửa người cao tuổi ở Việt Nam đang nhận được một hỗ trợ như lương hưu hoặc trợ giúp xã hội nào đấy. Một nửa còn lại là hoàn toàn không nhận được bất cứ trợ giúp hay hỗ trợ thu nhập nào từ hệ thống an sinh xã hội cả.

Thách thức rất lớn là làm thế nào hệ thống an sinh xã hội này bao phủ được 50% còn lại. Đây là một vấn đề rất là khó. Đồng thời trong tương lai, với tốc độ già hóa như vậy, số người cao tuổi còn tăng lên rất nhiều. Đến khoảng năm 2050 thì một phần tư dân số Việt Nam sẽ là người từ 60 tuổi trở lên.

Như vậy hệ thống an sinh xã hội sẽ phải chi trả cho số lượng người nhiều hơn và chi trả cho một thời gian dài hơn, do tuổi thọ tăng cao. Chính vì thế chi trả cho hệ thống an sinh xã hội rất là nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay quỹ hưu trí đang trong tình trạng là cách đóng/hưởng cho quỹ hưu trí thật sự chưa phù hợp. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến khoảng năm 2035, quỹ hưu trí của Việt Nam sẽ bắt đầu cạn kiệt. Nếu chính phủ không thay đổi cách đóng/hưởng, thì đến năm 2035, chính phủ sẽ phải bù đắp tiền để tránh vỡ quỹ. Tiền bù đắp này có thể chiếm từ 30 đến 50% GDP. Như vậy, đất nước sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách vô cùng lớn.

Trích báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới 07/2016

Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới giải thích, nguyên nhân chính dẫn đến quá trình lão hóa nhanh ở Việt Nam đó là do tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tỷ lệ sinh gộp đã giảm từ 6 xuống còn 1,95 - 2,09 trong giai đoạn 1970-2015 do thu nhập tăng, trình độ văn hóa tăng và chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con được áp dụng từ đầu những năm 1980 và chính thức áp dụng từ năm 1993. Trong cùng thời gian đó tuổi thọ trung bình đã tăng từ 60 lên 76 (năm 2014).

Những xu thế trên sẽ tác động đáng kể lên con số và tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động. Theo cách tính của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO, tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) so với tổng dân số của Việt Nam dự kiến sẽ giảm 5% từ nay cho tới đầu thập kỉ 2040, mặc dù con số tuyệt đối vẫn tăng cho tới 2038 và đạt trên 72 triệu người so với mức hiện nay là 66 triệu. Sau thời điểm đó, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm dần. Diễn biến như vậy làm cho bức tranh dân số khá phức tạp.

Trong thời gian ngắn sắp tới, tình trạng già hoá nhanh sẽ trở thành hiện thực, nhưng theo Ngân Hàng Thế Giới, Việt Nam vẫn còn cơ hội để thích ứng với thực tế đó. Đồng thời, mặc dù số người trong độ tuổi lao động chưa giảm ngay như trường hợp tại Thái Lan hoặc Trung Quốc, nhưng lợi thế dân số mà Việt Nam đã hưởng lợi đáng kể từ khi thực hiện đổi mới sẽ giảm dần tác dụng. Xu thế này sẽ bị đảo ngược vào cuối những năm 2030.

Do vậy, khả năng dựa vào sự gia tăng lực lượng lao động của Việt Nam, coi đó là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, đã gần cạn kiệt. Trong tương lai, tăng trưởng sẽ phải dựa vào nâng cao nguồn vốn con người và năng suất lao động.

So với các nước giàu trong khu vực Đông Á và các nước OECD thì Việt Nam bắt đầu lão hoá với mức thu nhập thấp hơn nhiều, hay nói cách khác năng lực tài chính và hành chính cần có để quản lý quá trình này sẽ bị hạn chế. Ngay cả khi duy trì được mức tăng trưởng mạnh và bền vững thì tốc độ lão hoá tại Việt Nam cũng làm cho Việt Nam "già truớc khi giàu".

Tốc độ chuyển tiếp dân số tại Việt Nam gây ra thách thức mới đối với các nhà hoạch định chính sách, chủ doanh nghiệp, người lao động và người dân. Một số thách thức đòi hỏi phải giải quyết cấp thiết, một số cho phép điều chỉnh theo thời gian.

Tình trạng già hoá đòi hỏi phải có hành động chính sách và thay đổi hành vi trong một số lĩnh vực. Thách thức trên thị trường lao động là phải chuẩn bị tốt trước thực trạng giảm dân số trong độ tuổi lao động và nâng cao năng suất lao động của lực lượng lao động còn lại. Về mặt tài khoá, rủi ro lớn nhất và cấp bách nhất là sự bền vững tài chính của hệ thống hưu trí và tỉ lệ tham gia thấp hiện nay. Ngoài ra, còn có các thách thức khác liên quan đến chăm sóc y tế và chăm sóc tuổi già.

Tác động của hiện tượng già hoá lên nền kinh tế vĩ mô : Ở cấp vĩ mô, dự đoán tác động lên tăng trưởng kinh tế là việc làm khó do hành vi và chính sách sẽ thay đổi trong một xã hội già hóa. ADB sử dụng mô hình hạch toán tăng trưởng và dự đoán rằng hiện tượng già hoá sẽ chưa tác động lên tăng trưởng trong thập kỉ này, nhưng sẽ tác động tiêu cực ở mức nhẹ lên tăng trưởng trong thập kỉ 2020 và mức độ tiêu cực sẽ tăng dần trong các thập kỷ sau đó. Giới nghiên cứu Việt Nam dự đoán rằng già hoá sẽ gây tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2017 nếu năng suất lao động không cải thiện.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 10/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Quỳnh
Read 664 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)