Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/04/2017

Cai trị thiếu hiệu quả và sự thờ ơ chính trị

Kính Hòa

40 móng biệt thự cao cấp trên bán đảo Sơn Trà có phép hay không có phép ? Nhà máy Formosa đã sửa 52 lỗi trong số 53 lỗi, vậy nó có được vận hành hay không ?

Đó là hai câu hỏi mà blogger, mạng xã hội đặt ra cho chính quyền trong tuần lễ qua.

caitri1

Đường phố Sài Gòn hôm 22/3/2017. AFP photo

Ngoài ra chính quyền lại cũng vẫn phải đối phó với sự phản kháng của dân chúng vùng bắc Trung bộ, chịu ảnh hưởng tai họa môi trường Formosa Vũng Áng, một sự phản kháng kéo dài hơn 1 năm nay chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt mà lại có vẻ căng thẳng hơn sau cuộc biểu tình chiếm trụ sở ủy ban huyện Lộc Hà của dân Hà Tĩnh vào ngày 3 tháng tư.

Và nếu những cuộc biểu tình chống Formosa Vũng Áng là của ngư dân, dân nghèo, và giáo dân thì nay lại có thêm những cuộc biểu tình của tầng lớp trung lưu tại Hà Tĩnh, dùng xe ô tô phản đối việc thu phí đường bộ.

Trên trang tin Ba Sàm, có một tác giả là Nguyễn Văn Do viết như sau :

Tôi không phê phán lý tưởng Mark – Engel, vì bất cứ một lý tưởng nào cũng bắt nguồn từ nền tảng Chân – Thiện – Mỹ. Nhưng tôi phê phán sự bế tắc của lý tưởng này và phương thức xây dựng hệ thống của nó, bởi nó chỉ cao đẹp trên giấy, ngoài thực tế nó dìm nhiều con người vào vũng lầy sa đọa, ai oán. Sự bế tắc về lý tưởng thường dẫn con người đi ngược lại mục tiêu ban đầu của chính nó.

Nhìn về thực tại, Cộng sản Hà Nội không đủ khả năng để giải quyết các vấn đề xã hội nữa. Suy nghĩ không đủ tầm, bế tắc lý tưởng, không có khả năng hoạch định chiến lược phát triển cho một khối dân tộc, không định hình rõ ràng con đường đang đi, phá nát hầu hết các nền tảng xã hội, về các nét văn hóa, về hệ thống tài nguyên và thiên nhiên có sẵn, Xã hội cộng sản đang trở nên rỗng tuếch về tất cả, về nền tảng kinh tế, về đường lối chính trị, về giá trị con người, về đường nét văn hóa mờ nhạt, về duy trì bản sắc dân tộc, về lối sống và gắn kết xã hội… tất cả đều tan nát.

Lý tưởng Mark-Engel mà ông Do đề cập hiện nay vẫn là tư tưởng chính trị duy nhất được đảng cộng sản cầm quyền cho phép. Từ đó nảy sinh ra một nguyên tắc là những đảng viên cộng sản Việt Nam nắm hết mọi quyền lực chính trị và kinh tế trong xã hội. Nguyên tắc đó được nhà bào Huỳnh Ngọc Chênh gọi là … "nghề đảng".

Nghề đảng là nghề hót nhất, thăng tiến nhanh nhất, làm giàu mau nhất trong thời đại ngày nay, còn gọi là thời đại Hồ Chí Minh.

Thử hỏi đến 90 triệu lao động cùng với toàn bộ nguồn tài nguyên của đất nước đặt hết dưới quyền lãnh đạo của một nhóm chưa đến 4 triệu người hành nghề đảng thì làm sao nghề đảng không là nghề ngon nhất thời đại nay ?

Dai dẳng Formosa

caitri2

Cảnh mua bán hải sản tại một cảng cá ở Đà Nẵng trước khi có thảm họa Formosa. AFP photo

Sau khi dân chúng biểu tình chiếm Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, nhanh hơn những lần trước, lần này chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi sự việc xảy ra, báo chí nhà nước tại Hà Tĩnh, rồi sau đó của trung ương lên tiếng chỉ trích những người biểu tình, gọi họ là kẻ xấu, hoặc bị những kẻ xấu lợi dụng.

Blogger Bà Đầm trẻ viết trên trang Dân luận rằng báo chí của nhà nước là dối trá :

Minh chứng mới đây nhất cho sự dối trá và bệnh hoạn của báo chí nhà nước là vụ vu khống người dân là bị kẻ xấu lợi dụng kích động, ở Lộc Hà – Hà Tĩnh, đến ủy ban nhân dân huyện để làm rõ việc công an đánh dân và đòi quyền lợi về vụ Formosa. Họ cũng làm điều tương tự với người dân ở Đông Yên – Hà Tĩnh biểu tình chặn đường quốc lộ diễn ra cùng ngày. Trong khi không đưa ra bằng chứng nào chỉ ra kẻ xấu nào đã lợi dụng, kích động.

Báo chí mà không đứng về phía nhân dân mà đi bảo vệ chế độ, mặc dù chế độ thối nát đến tột cùng thì việc xã hội hỗn loạn, đất nước thụt lùi về mọi mặt là điều vô cùng dễ hiểu.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh thấy rằng phản ứng của nhà nước không có gì thay đổi theo cái cách mà họ cầm quyền từ trước đến nay, nhưng ông cảnh báo rằng thời đã khác, thế cũng đã không còn như xưa. Duy chỉ có sự tự tin đến mức ngớ ngẩn, thái quá của nhà cầm quyền vào quyền lực của mình thì vẫn như cũ.

Những đòi hỏi của dân chúng vùng Bắc Trung Bộ chưa được giải quyết xong thì có tin nói rằng Formosa đã khắc phục 52 trên 53 lỗi của họ và sẽ sớm được vận hành.

Blogger Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi là tại sao lỗi quan trọng nhất là lỗi công nghệ, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường vừa qua lại được cho phép, và phải hai năm nữa, theo lời hứa của Formosa, mới được giải quyết ?

Và trong lúc hệ lụy của thảm họa Formosa chưa giải quyết xong thì lại bùng lên việc phản đối thu phí tại cầu Bến Thủy, giữa Hà Tĩnh và Nghệ An. Lần này là những cư dân tầng lớp trung lưu có xe hơi, dùng tiền lẻ trả tiền phí cầu đường, gây ra kẹt xe dài hàng cây số.

Nhà giáo Hà Văn Thịnh bình luận :

Tiền lẻ cầu Bến Thủy mới chỉ là một đốm lửa nhưng chuyện Lộc Hà ngày hôm qua thì đã là dăm vài tia lửa có thấp thoáng ánh bập bùng của hình hài ngọn lửa.

Chỉ có kẻ ngu mới không thấy sự phi ngẫu nhiên của truyền thống Xô Viết thuở nào.

Và thế là... nhượng bộ.

Rất mong chính quyền không những biết sợ Dân mà còn biết thêm là không phải do Dân xấu mà do những kẻ cầm quyền tệ hại nên mới ra nông nỗi ấy...

Lại còn mong hơn là họ biết vượt qua nỗi sợ để lo cho Dân, thương Dân (e là khó lắm), thực lòng...

Cuộc nổi dậy Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn là điều tự hào của những người cộng sản, khi họ chưa lên cầm quyền, cũng diễn ra trên vùng đất Bắc Trung Bộ này.

Xử phạt ai vụ Sơn Trà ?

Sau khi vụ những công trình xây biệt thự trên Sơn Trà lộ ra là chưa có giấy phép, và sau đó hàng loạt bài của báo chí nhà nước cùng nhau đưa tin vụ này thì lại có chuyện là công ty Biển Tiên Sa, chủ đầu tư các công trình biệt thự cho biết là họ đang làm đúng luật. Trong khi đó thì Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng lại có vẻ cho rằng Biển Tiên Sa phạm luật.

Thế là mọi sự hiện trông chờ vào Thủ tướng giải quyết.

Blogger Nguyễn Anh Tuấn, trong bài viết Biển Tiên Sa chống Ủy ban, đặt câu hỏi là nếu thành phố Đà Nãng phải đền bù thiệt hại vì sai, thì tiền đó có phải là tiền đóng thuế của người dân Đà Nẵng hay không ?

Nhà báo Nguyễn Thông viết rằng những vụ xây cất trái phép từ trước đến giờ chưa bao giờ được xử nghiêm minh cả :

Cho nên người ta mới nghi ngờ bộ máy thực thi pháp luật có vẻ chỉ nghiêm với dân. Ông Kỷ xây ròng rã dinh phủ hơn 6 năm, không ai "hỏi thăm". Nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội mới kinh, ngay giữa của giữa thủ đô, xây vượt mấy tầng chán chê, cơ quan chức năng mới biết. Bán đảo Sơn Trà còn kinh nữa, chỗ có thể nói là nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập", cực kỳ nhạy cảm, thế mà có anh nhà giàu đưa máy móc, vật liệu xé rừng bạt núi vào khoét đất đổ xây 40 cái móng biệt thự khủng, cuối cùng nhà chức trách mới biết nhờ tin báo của ông dân thường đi đánh cá phát hiện… Còn bao nhiêu nữa những vụ vi phạm pháp luật về xây dựng, vi phạm công khai mà vẫn kín như bưng.

Dân biết nhưng trên thực tế dân không thể làm gì dù "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra". Còn bộ máy hoặc không biết, hoặc có biết nhưng cứ lờ đi, không muốn làm. Để rồi cái sảy nảy cái ung.

Hỗn loạn và rác

caitri3

Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng chụp vào ngày 27 tháng 8 năm 2014. AFP photo

Tìm câu trả lời cho xã hội Việt Nam đương đại, nhà văn Vương Trí Nhàn đi du lịch tới những quốc gia có tình trạng phát triển tương đồng hoặc thấp hơn Việt Nam là Cam Pu Chia và Miến Điện, ông thấy rằng họ đang tiến lên. Sau khi so sánh ông đưa ra lời giải thích cho tình trạng Việt Nam :

Người ở nông thôn dồn lên đô thị. Các chiến binh -- vốn không được chuẩn bị để có hiểu biết cần thiết về việc làm ăn xây dựng -- chia nhau lấp đầy bộ máy quản lý, điều hành mọi mặt kinh tế xã hội văn hóa giáo dục.

Hỗn loạn chồng lên hỗn loạn. Nhưng mặc, tất cả hoan hỉ coi như xã hội mình đã bước vào cuộc sống hiện đại, bất chấp thực tế đó là một thứ quả chín ép dễ dàng biến dạng.

Cốt nhất là sự trung thành với tương lai chứ không phải trung thành với quá khứ.

Đáng phải lo nhất là sự tử tế của con người và sự thịnh vượng của xứ sở chứ không phải cái tiếng hão

Những người chiến binh cộng sản đã thắng những cuộc chiến tranh, đã lên cầm quyền mấy mươi năm nay, và họ cũng thường hay nhắc lại quá khứ vẻ vang của họ.

Trong cái gọi là hỗn loạn chồng lên hỗn loạn của nhà văn Vương Trí Nhàn, đột nhiên người ta thấy báo chí chính thống của nhà nước ca ngợi Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc.

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất cảnh báo :

Bắt đầu xuất hiện những bài tụng ca quá lố về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đẩy ông lên hàng "tư tưởng khai phóng" ngang cùng chí sĩ Phan Chu Trinh

Không tỉnh táo, ông Phúc sẽ chết bởi chính đám bồi bút này, như trường hợp người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng với loạt bài "Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á" trước đây.

Chắc nhiều người chưa quên loạt bài "Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á" thời Nguyễn Tấn Dũng. Tôi tin, nếu quả thật muốn "làm người tử tế", còn chút liêm sỉ, giờ đọc lại, ông Dũng sẽ xấu hổ.

Chuyện xảy ra chưa lâu. Và tôi tin ông Phúc còn nhớ.

Chính phủ, cần ở một nền báo chí phản biện, chứ không phải tụng ca.

Một nhân vật khác cũng nổi lên tại Sài Gòn là ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch quận 1, với chiến dịch tảo thanh vĩa hè gây ra nhiều tranh cãi, cả trên báo chí chính thống. Có người bảo chuyện tranh cãi xung quanh chiến dịch vỉa hè là một câu chuyện thể hiện tính cát cứ của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Blogger Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết trong bài Rác của một thời :

Trong bối cảnh Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều bị đồn đoán là có hệ thống cát cứ - và nếu có - thì ắt hẳn Sài Gòn như đang sở hữu một tính "cát cứ" rất riêng và thâm trầm của mình. Đến lúc này, người ta phải tự hỏi là không biết là báo chí ở thành phố đã cỗ vũ nhiệt tình cho chiến dịch chỉ tay của ông Hải, hay là vô hình trung lẳng lặng thu thập các chứng cứ bất lợi cho ông Hải, bao gồm cả những phát ngôn có thể bị khởi kiện về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Dĩ nhiên, trong chiến dịch của ông Hải, không phải là không có người thật sự ủng hộ. Sau 42 năm, chứng kiến sự bất toàn và bất nhất trong việc lãnh đạo, người dân Việt Nam nói chung đã quá mệt mỏi và luôn bừng dậy trước một hình ảnh nào đó mang lại cho họ hy vọng rằng sự tốt đẹp nhất đã đến. Thậm chí, để được tốt đẹp, họ chấp nhận những sai lầm ban đầu của những người dám làm. Thật không có gì tàn nhẫn hơn khi lợi dụng sự khổ đau của con người Việt Nam đang vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, rồi mị dân, dẫn dắt họ đi về những lý lẽ biện luận lạc lối với nền văn minh và luật pháp.

Sự tàn nhẫn mà Tuấn Khanh đề cập, hay là sự vô lý trong chuyện Biển Tiên Sa và thành phố Đà Nẵng được blogger Nguyễn Anh Tuấn trả lời rằng do bởi sự thờ ơ về chính trị của người dân Việt Nam.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 10/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kính Hòa
Read 716 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)