Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/02/2020

Diễn biến Covid-19 : cái gì đang xảy ra tại Việt Nam ?

Nhiều tác giả

Covid-19, càng dấm dúi càng chết

Viết từ Sài Gòn, RFA, 24/02/2020

Số nạn nhân dịch cúm Covid-19 bị chết ở các nước tăng cao. Thế nhưng Việt Nam vẫn trong "vùng an toàn", nghĩa là chống dịch tốt ? Liệu điều này có đúng sự thật ? Và đâu là biểu hiện chết vì dịch cúm ? Trong lúc ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, nơi có nhiều khách du lịch, có vùng du lịch nổi tiếng đã có người chết với những biểu hiện rất gần với hội chứng của Covid-19. Nhưng nhà nước vẫn khăng khăng Việt Nam an toàn. Trong khi đó, chưa biết Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang đã có người chết hay chưa ? Và đặc biệt, tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã có người chết với biểu hiện rất gần với Covid-19. Liệu đây có phải là sự dấm dúi, cố tình giấu đi những cái chết vì Covid-19 ? Và nếu có dấm dúi thì chuyện gì sẽ xảy ra ?

covid1

Ở Việt Nam có người chết với những biểu hiện rất gần với hội chứng của Covid-19 ?

Ở câu hỏi thứ nhất, liệu đây có phải là sự dấm dúi ? Thì có lẽ, câu trả lời lại nằm ở biểu hiện của người chết. Cô bé nữ sinh lớp 12 ở Huế chết vì sốt, não có vấn đề, và bệnh viện trung ương Huế kết lận chết do bệnh về não. Tại Cam Lâm, Khánh Hòa, một cô bé chết vì triệu chứng ho, sốt và mất khả năng thở. Nhưng không nghe nhà cầm quyền nói gì về Covid-19 ? Tại Quảng Nam, một người ở Điện Bàn, nơi giáp ranh với thành phố Hội An, cũng có người chết vì đi du lịch về, sau đó ho và ói máu, đưa vào bệnh viện Quảng Nam thì chết. Bệnh viện kết luận bị bệnh lao, trong khi trước đó, người này hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân cũng như gia đình anh ta không có tiền sử bệnh lao !

Và, nếu xâu chuỗi các ca bị chết mà "không phải do nhiễm corona" vừa qua ở các tỉnh vừa nêu trên, thì họ có thể đã nhiễm Covid-19. Vì lẽ, virsus Covid-19 là một biến thể mới của corona, Nó không giống với SARS năm 2003 là virus chỉ ăn phổi, phá tan hệ hô hấp con người. Lần này, khi nhiễm, covid -19 có thể bắt đầu xâm nhập nhiều tế bào ở đường thở. Virus này dễ gây nhiễm ở đường hô hấp trên, trong khi SARS xâm nhập sâu vào phổi. Khi covid-19 mạnh lên, những tế bào chết bị loại bỏ và đọng lại trong đường thở, gây ra tình trạng khó thở.

"Nếu virus tái tạo rất nhanh, trước khi cơ thể có cơ hội cố gắng và ngăn chặn virus bằng ứng phó miễn dịch, hoặc việc ứng phó miễn dịch quá chậm, hệ miễn dịch không thể kiểm soát virus và bắt đầu nổi quạu", chuyên gia virus Anthony Fehr thuộc Đại học Kansas (Mỹ), cho hay. Đây là tình trạng các nhà khoa học gọi là "bão cytokine", khiến hệ thống miễn dịch bắt đầu điều các tế bào chiến đấu trong phổi. Khi đó, không chỉ virus Corona mới mà cả hệ miễn dịch cũng gây tổn hại cho người bệnh.

Như vậy, các biểu hiện của những cái chết do Covid-19 là vô cùng phức tạp và không có dấu hiệu cụ thể.

Hơn nữa, các cập nhật y học về Covid-19 vẫn đang là những thông tin bổ sung và chưa có bất kì thông tin đầy đủ nào về dấu hiệu chết do Covid-19 gây ra. Chính vì sự phức tap này mà mọi sự chủ quan, bỏ lơ đều trả giá vô cùng đắt. Giả sử như những ca tử vong tại Việt Nam trong thời gian qua là do virus Covid-19 gây ra thì sao ?

Trả lời câu này cũng là trả lời câu hỏi thứ hai, đó là cái giá của việc dấm dúi trong công bố bệnh dịch sẽ mang lại hậu quả gì ? Thứ nhất, một nạn nhân của Covid-19 khi chết đi phải được khử trùng và cách ly tuyệt đối, sau đó phải hỏa táng sớm nhất có thể để tránh tình trạng phát tán virus. Và nếu trường hợp ngược lại xảy ra, nghĩa là người chết được cho là không do Covid-19 gây ra và được đưa về nhà làm đám tang như bình thường thì hậu quả khôn lường. Bởi với người Việt, nghĩa tử là nghĩa tận, khi xóm làng có người chết, cả xóm sẽ xúm xít lại giúp đỡ khâm liệm, chẻ lạt, làm nhà đòn, sau đó phúng viếng, phát tang, con cháu sẽ cúng kính bênh linh cửu suốt nhiều ngày trước khi đưa ra nghĩa trang. Và khi ra đến nghĩa trang thì đội xây dựng mồ mã mới bắt đầu làm việc, xây bia mộ, sau đó có lễ mở cửa mả, người thân lại ra cúng kính, thắp nhang mộ… Nói chung, người sống gắn với người chết khá lâu, ít nhất là 49 ngày. Và khi linh cửu còn tại gia thì người đến viếng cũng không ít, rồi người đi khiêng đám… Thử hình dung, nếu người chết vì Covid-19 thì có đến cả vài trăm người bị nhiễm, sau đó là lây lan theo cấp số nhân và trong thời gian 14 ngày, gần đây là 24 ngày trước khi có biểu hiện dịch bệnh, một người có thể lây và nhân rộng theo cây phổ hệ lây lan ra cả vài trăm người. Mức độ nguy hiểm thì miễn bàn.

Và, giả sử như cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn tuyên bố không có người chết vì dịch Covid-19 và những bệnh án bị thay đổi từ người bị nhiễm dịch thành người bị các loại bệnh ác tính thì có lẽ, không phải là Hàn Quốc hay Nhật, mà Việt Nam chính là cái ổ dịch khủng khiếp nhất đang được ngụy trang bằng cái vỏ an toàn và chống dịch tốt !

Nói cho cùng, vì bất kì lý do nào, nếu như nhà nước, ngành y tế đã bỏ qua, không công bố dịch ở những ca tử vong vừa rồi tại Cam Lâm – Khánh Hòa, TP.Huế - Thừa Thiên Huế và Điện Bàn – Quảng Nam cũng như nhiều cái chết khác trong vòng bí mật thì mối nguy, hậu quả của việc này là vô cùng khủng khiếp. Đến khi mọi sự bùng phát thì mọi chuyện đã quá muộn màng.

Vì, hiện nay, mặc dù chính phủ công bố Việt Nam vẫn đang khống chế lây lan của dịch rất tốt nhưng lại có nhiều thông số rất trái ngược. Ví dụ như việc đi lại, tham quan của rất nhiều khách Trung Quốc đến từ vùng dịch vẫn là một ẩn số, hoàn toàn không có số liệu cụ thể, và gần như không quản lý được số liệu. Việt Nam là quốc gia gần gũi, có nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc nhất nhưng lại đóng cửa khẩu muộn nhất so với các quốc gia khác nhưng các quốc gia khác đã có người chết vì Covid-19 mà Việt Nam thì không ? ! Việt Nam là quốc gia sớm tuyên bố đón tàu du lịch nghi nhiễm dịch nhất nhưng vẫn chưa đặt mình vào vạch báo động đỏ về dịch ? ! Kể cũng lạ !

Hơn nữa, các quyết định cho học sinh nghỉ học hoặc dừng hoạt động nơi công cộng, lễ hội của Việt Nam được ban bố rất muộn và có thể còn kéo dài. Điều này chứng tỏ dịch vẫn là một ẩn số nội địa và người ta chưa xác định được những vùng dịch tiềm ẩn ngoài Vĩnh Phúc. Hơn nữa, cách mà các sở giáo dục lấy ý kiến cha mẹ học sinh để đi đến quyết định tiếp tục nghỉ học hay không chỉ cho thấy nhà nước thiếu hẳn sự quyết đoán và mọi quyết định từ phía nhà nước không phải là sự hiểu biết, trách nhiệm lãnh đạo mà là một sự lăn banh trách nhiệm.

Và gần đây nhất, vụ huấn luyện viên Park Hang Seo nhập cảnh trở lại Việt Nam và đi thẳng đến khu tập luyện nhưng không qua cách ly, điều này cho thấy cái gọi là tinh thần thể thao lành mạnh hay chống dịch gì gì đó không ổn. Mà yếu tố thành tích, lăn banh trách nhiệm vẫn là câu chuyện đau đầu tại đất nước này !

Phải nói một cách công tâm rằng quá trình chống dịch, phòng dịch của Việt Nam rất tốt. Nhưng, sự tốt này không phải ở tính đồng bộ hay minh bạch mà có sự can thiệp chính trị rất nặng và mọi thứ được đồng bộ hóa với bí mật quốc gia nên câu chuyện có thể rất đáng sợ nếu như một lúc nào đó, người ta không thể giấu diếm mà buôc phải công bố nhằm kêu gọi sự cứu tế !

Nói cho cùng, đừng bao giờ để tình trạng dấm dúi xảy ra với dịch, mãi cho đến khi bất lực mới nói ra gần hết sự thật và kêu gọi quốc tế giúp đỡ ! Vũ Hán và các thành phố khác ở Trung Quốc là một bài học rất điển hình. Phải minh bạch và thận trọng, nghiêm túc với dịch bệnh ngay từ lúc này nếu không muốn đại họa xảy ra !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 24/02/2020 (VietTuSaiGon's blog)

********************

Dịch Vũ Hán không khả quan như tuyên truyền !

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 24/02/2020

Mấy hôm nay, Hà Nội, Sài Gòn đã nhộn nhịp trở lại. Các quán ăn cũng thế. Nhiều người đã bỏ thói quen đeo khẩu trang được hình thành kể từ khi có dịch.

covid2

Có thật Việt Nam công bố đã hết dịch Covid-19 ? - Ảnh minh họa

Bản tin của các tờ báo cho thấy, số người nhiễm virus corona ở Việt Nam vẫn dừng ở con số 16 và 15 người đã khỏi. Không có ca tử vong.

Trừ con số ở Việt Nam, thì con số ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ khác do những địa chỉ ấy đưa ra. Hàn Quốc, Ý và Iran được tô màu báo động.

Ngoài Trung Hoa lục địa, thông tin từ Hàn Quốc đang làm cho nhân loại quan tâm, lo lắng hàng đầu. Không chỉ vì con số nhiễm và tử vong ở quốc gia này cao mà còn do tốc độ lây lan đến chóng mặt của nó.

Mới ngày 20/2, Hàn Quốc mới có 51 người nhiễm bệnh, chưa có ca tử vong nào thì hôm nay, tức là 4 ngày sau con số nhiễm bệnh đã tăng vọt lên 794 với 7 ca tử vong.

Thế nhưng những con số từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ mang tính tham khảo hay đọc chỉ biết vậy bởi 2 lý do : một là các nước không đủ tai mắt để quản lý đầy đủ, hai con số bị giấu bớt.

Về lý do thứ nhất : Đây là bệnh lây lan chứ không như các bệnh không lây mà có thể kiểm soát được. Người ta nói Hàn Quốc lây nhanh là do một bà "cứng đầu" không chịu kiêng cho cộng đồng mà đi lung tung ở các nơi đông người và bệnh lây theo cấp số nhân. Điều này không có nghĩa là các nước khác không có những người bệnh "cứng đầu" như bà này, có điều chính quyền không phát hiện ra được mà thôi. Mặc dù chính phủ các nước đều cố gắng nhưng không thể kiểm soát được hết. Phát hiện ra người nhiễm đã khó nhưng để tính ra người nhiễm đã tiếp xúc với bao nhiêu người, bao nhiêu người ấy tiếp xúc với bao nhiêu người khác là chuyện vô cùng nan giải.

Về lý do thứ 2 là con số bị giấu giếm. Nghi ngờ này đặt ra với 2 quốc gia cộng sản là Trung Quốc và Việt Nam.

Theo công bố thì Trung Quốc chiếm 97,5% số ca nhiễm và gần 99% số ca tử vong. Tuy nhiên, có nhiều nguồn tin có phân tích và dẫn chứng cho viết con số mà Trung Quốc công bố thấp hơn thực tế rất nhiều, chỉ chưa bằng 1/10 thực tế. Người ta phân tích ô nhiễm sulfur dioxide ở bầu trời Vũ Hán và kết luận phải đốt 14.000 tử thi mới có nồng độ này trong khi con số tử vong công bố lúc ấy chưa tới 1000 người. Hoặc một số người can đảm vượt khỏi sự kiểm soát của nhà cầm quyền mà nói lên sự thật.

Còn với Việt Nam, những con số đưa ra làm người ta không khỏi nghi ngờ. Hãy so sánh Việt Nam với Hàn Quốc :

Trong khi tình hình ở Việt Nam đang khả quan, nhiều tỉnh chuẩn bị công bố hết dịch thì Hàn Quốc ở tình trạng nguy hiểm hàng đầu các quốc gia bị lây nhiễm từ Trung Quốc. Vậy sự thật có đúng như thế không ? Điều này còn nghi ngờ.

Xét về khả năng, trình độ của y, bác sĩ, Hàn Quốc chắc không thua kém Việt Nam. Về kinh nghiệm phòng chống dịch và quyết tâm của Hàn Quốc cũng thế. Ở đây không đặt ra chuyện hơn thua.

Nhưng Việt Nam lại có những bất lợi so với Hàn Quốc là ở sát Trung Quốc và số công nhân hay khách du lịch vào Việt Nam đông hơn, tiện hơn. Việt Nam lại không đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Những điều này có nghĩa là khả năng mang bệnh vào Việt Nam nhiều hơn... Vì vậy, bức tranh sáng sủa về tình hình dịch bệnh Vũ Hán ở Việt Nam là rất khó hiểu.

*

Thông tin báo chí của các nước cộng sản có một đặc thù là theo định hướng và thổi phồng thành tích, giấu nhẹm hay giấu bớt những gì không hay. Những mảng tối (bị che đậy) của dịch Vũ Hán hẳn là ghê gớm lắm.

Đành rằng, làm đen tối thêm tình hình dịch bệnh là không nên, sẽ gây hoang mang cho nhân dân, nhưng việc giấu giếm thông tin sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Nó làm cho người dân chủ quan, lơ là với việc phòng chống và do đó, tăng thêm số nạn nhân của dịch bệnh.

Trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống kinh tế xã hội, thông tin là rất quan trọng. Người điều hành căn cứ vào đấy để ra các quyết định quản lý. Nếu thông tin sai sẽ dẫn đến các quyết định sai lầm. Trong lĩnh vực y tế cũng như vậy.

Cần thấy dịch corona nguy hiểm như thế nào. Nó đe dọa cả nhân loại chứ không riêng gì Trung Quốc hay Hàn Quốc. Hiện nay, chưa có dấu hiệu gì cho thấy tình hình dịch bệnh đã lên tới đỉnh, đồng nghĩa với việc nó sẽ giảm. Cố vấn của Tổ chức y tế thế giới cảnh báo, 2/3 dân số thế giới với hàng tỉ người có thể nhiễm Covid-19.

Vì vậy, việc người dân Việt Nam có biểu hiện giảm cảnh giác, lơ là với việc phòng chống dịch là vô cùng lo ngại. Ngày 22/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương cho học sinh đi học từ ngày 2/3 mặc dù trước đó, việc cho các em nghỉ học đến hết tháng 3 là điều không phải bàn cãi. Điều này, hẳn là do bức tranh khả quan về dịch Vũ Hán do truyền thông Việt Nam vẽ nên.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 24/02/2020 (nguyentuongthuy's blog)

*********************

Che giấu thông tin hay "tự sướng" không làm cho dịch bệnh biến mất !

Song Chi, RFA, 23/02/2020

Kể từ lúc dịch bệnh Covid-19 (tên chính thức do WHO đặt), còn được gọi là dịch viêm phổi cấp do virus corona mới, bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay dịch bệnh này đã lan ra 33 quốc gia, với số người nhiễm bệnh là 78.966 người, chết 2.468 người, hồi phục 23.418 (1).

covid3

Trung Quốc vẫn đang là nước có số người nhiễm bệnh và chết cao nhất : 76.940 người, 2.443 người chết. Hàn Quốc đứng thứ hai với 602 người nhiễm, 6 người chết, Nhật Bản 146 người nhiễm, 1 người chết, Ý 134 người nhiễm, 2 người chết. Trong khi đó Việt Nam chỉ có 16 người nhiễm, chưa có ai chết.

Không biết có bao nhiêu người Việt giống như tôi cảm thấy hoài nghi về con số này ? Mà tại sao lại có tâm lý hoài nghi đó ? Cũng dễ hiểu thôi. Các nước độc tài, nhất là độc tài do một đảng cộng sản lãnh đạo như ở Trung Quốc, Việt Nam... thường có thói quen bưng bít thông tin, không chịu nói thật với nhân dân khi có bất cứ thông tin, sự việc bất lợi nào cho đảng, cho chế độ xảy ra.

Trung Quốc đang trả giá cho vụ này khi bưng bít thông tin về dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn đầu khiến dịch bệnh lan truyền, đến khi chịu công bố thì hàng chục ngàn người đã nhiễm bệnh. Chúng ta còn nhớ đến cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên tìm cách cảnh báo về sự bùng phát của virus corona, đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc cảnh cáo, điều tra vì tung tin đồn thất thiệt, bác sĩ Lượng đã bị nhiễm chính căn bệnh này và qua đời ngày 7/2/2020.

Đến nay, thế giới đã và đang chứng kiến Trung Quốc phải căng mình đối phó với dịch bệnh ra sao, đầu tiên là thành phố Vũ Hán, rồi nhiều thành phố khác phải bị cô lập như Hoàng Cương, Ngạc Châu, Xích Bích, Kinh Châu, Chi Giang… cùng với hàng triệu con người đang sinh sống tại đó. Tin tức về những cái chết của người dân, hình ảnh những thành phố "ma" của Trung Quốc khiến thế giới càng thêm lo lắng.

Căn bệnh đã lan ra nhiều quốc gia khác và ở những quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh, y tế tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc mà phải nâng mức báo động, thừa nhận thất bại trong kiểm soát dịch ("Hàn Quốc nâng cảnh báo nCoV lên mức cao" - VnExpress, "Virus corona - Covid-19 : Nhật bó tay trước nguy cơ lây lan dịch bệnh" - RFI tiếng Việt, "Hàn quốc thừa nhận khống chế dịch thất bại" - VnExpress). Trong khi đó Việt Nam, núi liền núi sông liền sông với Trung Quốc, số người Hoa sang Việt Nam du lịch hoặc làm ăn đông vô kể và vẫn tiếp tục đều đều sang Việt Nam vì nhà cầm quyền Việt Nam không dám mạnh tay đóng cửa biên giới với Trung Quốc, y tế Việt Nam chắc chắn thua xa Nhật, Hàn, vậy mà Việt Nam lại chỉ có 16 người nhiễm, chưa có ai chết ? Thậm chí có một nữ sinh ở Huế tử vong với những dấu hiệu rất giống với nhiễm virus corona "sốt, ho, khó thở" nhưng lại được kết luận là chết vì bệnh lý não ? (2).

Không coi trọng vấn đề và tâm lý sợ hãi Trung Quốc

Ngay từ đầu, nhà nước Việt Nam đã không thực sự coi trọng vấn đề. Khi dịch bệnh bắt đầu lan tràn ở Trung Quốc, một số nước láng giềng trong đó Mông Cổ, Nga và cả Bắc Hàn, vốn là nước phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều về mặt kinh tế, đã ngay lập tức đóng cửa biên giới vì sợ lây lan. Nhưng Việt Nam, vẫn chần chừ, lưỡng lự.

Về ý kiến có đóng cửa biên giới hay không, ngày 30/1 "Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng đây là một mức độ khác : "Chúng ta có lẽ chưa nên đặt vấn đề đóng cửa biên giới vì tình hình chưa đến mức đó (3). Ông Phạm Bình Minh còn bị dư luận chửi vì đã nói "Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương", câu nói này đã được rút xuống khỏi các tở báo chính thống của Việt Nam, chỉ còn lại trên VOA, RFA…

Hiện tại tình hình vẫn không khác : "Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/2 cho biết Việt Nam không đóng cửa hay tạm dừng hoạt động thương mại với Trung Quốc ở biên giới mà chỉ có các biện pháp về quản lý dịch bệnh Covid -19 (4).

Không dám quyết liệt chính là do tâm lý sợ hãi Trung Quốc của nhà cầm quyền Việt Nam.

Trước tình trạng cô lập vì bị hàng chục quốc gia "đóng cửa", Trung Quốc đã gia tăng sức ép lên các nước nhỏ như khối ASEAN hoặc vốn nhu nhược như Việt Nam : 

Tại cuộc gặp song phương ngày 19/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảm ơn Việt Nam đã sẻ chia, hỗ trợ Trung Quốc trong việc phòng chống dịch virus corona, đề nghị sớm khôi phục việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam". Đổi lại, "Trung Quốc sẵn sàng tăng cường nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam ; tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề tồn tại trong các dự án hợp tác giữa hai nước…" (5).

"Tình hữu nghị" giữa hai đảng có quan trọng hơn sinh mạng người dân ? Với đảng cộng sản Việt Nam, câu trả lời là có, tất nhiên. Chưa kể lý do kinh tế. Nhưng cái lợi về kinh tế khi tiếp tục mở cửa làm ăn với Trung Quốc giữa thời dịch, liệu có bù đắp nổi số tiền phải bỏ ra để chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn, hàng vạn con người nếu dịch bệnh bùng phát ?

Bưng bít thông tin hay "tự sướng", tự huyễn hoặc mình không làm cho dịch bệnh biến mất

Một mặt bưng bít thông tin, mặt khác, giới chức Việt Nam còn đưa ra những tin tức rất lạc quan như :

…"Hiện có đến 3.000 nhân viên y tế ở Vũ Hán, Trung Quốc bị lây nhiễm bệnh dịch Covid-19. Tại Việt Nam, các bác sĩ đã điều trị khỏi hoàn toàn cho 15/16 bệnh nhân, không có cán bộ y tế nào bị lây bệnh. Chúng tôi sẽ sớm tổ chức rút kinh nghiệm và luôn sẵn sàng chống dịch ở mức cao nhất" - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê chia sẻ" (6).

Rồi nào : "Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới…" (7).

Báo Công An Nhân Dân có bài "Mỹ đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam"

"Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là khẳng định được các quan chức Mỹ đưa ra tại cuộc trao đổi mới đây với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh.

…Tại cuộc gặp, các quan chức đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung và đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 nói riêng. Bộ Y tế Mỹ nhận định lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với Covid-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có hệ thống cơ sở y tế về cơ bản tốt và đã triển khai xuyên suốt, rộng khắp công tác tiêm chủng, phòng bệnh từ lâu nay. Do đó, phía Mỹ tin rằng Việt Nam sẽ chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả".

Trên facebook của báo Công An Nhân Dân thậm chí còn có câu : "Đến Mỹ cũng phải ngả mũ trước sự phát triển của nền y tế Việt" !

Cái tin này được hàng chục báo đưa, trong đó có cả tờ Tuổi Trẻ : "Mỹ tin Việt Nam sẽ chống Covid-19 hiệu quả, sắp cử đoàn sang hợp tác".

Đây không phải là lần đầu tiên cũng sẽ không là lần cuối cùng, truyền thông Việt tìm cách "uốn nắn" sự thật để ru ngủ người dân và giúp cho đám lãnh đạo Việt Nam "tự sướng".

Và cũng có những người dân, vì chỉ đọc, nghe, tin theo báo chí truyền thông nhà nước, nên tin và tự hào theo. Ví dụ như cô giáo Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, Gia Lai, làm bài thơ "Đất nước ở trong tim" về dịch Covid-19 và ngay lập tức khiến ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "Vua Nổ" ở Việt Nam, hết sức hài lòng. Văn phòng Chính phủ bèn gửi công văn khen ngợi cô giáo Thanh, trong đó có câu "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh bài thơ trên". Cả cô giáo, cả bài thơ và cái hành động trao tặng này liền bị dư luận ném đá tơi bời đến nỗi mọi tờ báo bèn lẳng lặng rút lại cái tin này.

Bưng bít thông tin, dối trá với nhân dân, ngoảnh mặt che tai làm ngơ không làm cho dịch bệnh biến mất được.

"Tự sướng" hay "thủ dâm tinh thần" không làm cho dịch bệnh biến mất được.

Chỉ có sự công khai, minh bạch, mới giúp cho người dân nắm rõ tình hình, tự phòng bệnh và tự giác hạn chế lây lan cho người khác nếu lỡ mắc bệnh. Và dịch bệnh mới có khả năng được kiểm soát.

Minh bạch còn giúp cho Việt Nam, một nước nghèo, nếu dịch bệnh lan tràn, có hy vọng vào sự trợ giúp của quốc tế. Trung Quốc, dẫu sao cũng là một nước lớn, thừa tiền, có thể xây những bệnh viện dã chiến với 1.000-1.500 giường bệnh trong vòng 10, 12 ngày như hai bệnh viện ở Vũ Hán, và nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế Trung Quốc có lao đao nhưng với nguồn tiền dự trữ dồi dào, rồi cũng vượt qua. Còn Việt Nam, nghèo hơn nhiều, dịch bệnh mà lan tràn thì sẽ khó khăn hơn Trung Quốc gấp bội.

Tất cả những điều tưởng như đơn giản : sự công khai, minh bạch, trung thực, chỉ có thể làm được nếu nhà cầm quyền Việt Nam, biết nghĩ và đặt sinh mạng người dân lên trện hết, điều mà họ chưa bao giờ làm được trong suốt 75 năm cầm quyền ở miền Bắc và 45 năm độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước Việt Nam.

Song Chi

Nguồn : RFA, 23/02/2020 (songchi's blog)

(1) https://www.worldometers.info ngày 23/02/2020

(2) "Nữ sinh chết sau khi khó thở, sốt ở Huế : Do bệnh lý não không phải Covid-19", VTC News

(3) "Phó thủ tướng : Chưa đến mức đóng cửa biên giới vì virus corona",Zing.vn

(4) "Bộ Ngoại giao Việt Nam : không đóng cửa biên giới với Trung Quốc vì dịch bệnh", RFA

(5 "Ông Vương Nghị đề nghị sớm khôi phục cho công dân Trung Quốc sang Việt Nam", Tuổi Trẻ

(6) "Việt Nam - nước đầu tiên dập được dịch Covid-19 ?", Tuổi Trẻ

(7) "Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19", Vietnamplus

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn, Nguyễn Tường Thụy, Song Chi
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)