Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/03/2020

Dân quân biển Việt Nam đang tiếp cận biển Trung Quốc ?

SCSPI

Vài tuần trở lại đây, hàng trăm tàu ​​đánh cá của Việt Nam đã tập trung gần Hải Nam, nơi có căn cứ quân sự nhạy cảm của Bắc Kinh.

hainan2

Viện Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (South China Sea Strategic Situation Probing Initiative -SCSPI), vừa công bố dữ liệu có được từ Hệ thống Nhận dạng tàu Tự động (AIS) cho thấy hơn 300 tàu đánh cá Việt Nam tập trung tại vùng biển giáp giới các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam của Trung Quốc vào tháng Hai, trong lúc Bắc Kinh đang chật vật với cuộc chiến Corona.

Tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp của ngư dân Việt Nam là một vấn đề tồn tại từ lâu nay. Dù sở hữu bờ biển dài gần 3.500 km, nguồn cá ở Việt Nam gần biển đang cạn kiệt, và ngư dân Việt Nam mạo hiểm hơn trong đánh bắt cá xa bờ. Ủy ban Châu Âu (EC) đã áp dụng cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản từ Việt Nam vào năm 2017 do không thể ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Nhiều tàu đánh cá của Việt Nam đã bị các quốc gia khác bắt giữ.

hainan0

Dù Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tất cả các bên liên quan ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp ở các nước khác sau khi EC quyết định gia hạn thẻ vàng vào năm 2019, tình hình đã thay đổi. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ rằng, rất khó bắt những tàu đánh cá bất hợp pháp trên biển vì quá nhiều tàu hoạt động và có công suất động cơ tới 500-800 mã lực.

Malaysia gần đây cũng lên tiếng về sự gia tăng số lượng tàu cá Việt Nam xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước này. Malaysia ngoài phản đối Việt Nam thì hiện đang tìm kiếm một thỏa thuận song phương để giải quyết vấn đề. Năm ngoái 141 ngư dân Việt Nam đã bị chính quyền Malaysia bắt giữ.

Bắc Kinh tuyên bố đường cơ sở của mình vào ngày 15 tháng 5 năm 1996, dựa trên Luật Lãnh thổ và Vùng tiếp giáp năm 1992 của quốc gia này. Lãnh hải 12 hải lý quanh đảo Hải Nam cũng như các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây cũng được xác định là khu vực không có tranh chấp.

Cả Việt Nam và Trung Quốc trước đó cũng đã giải quyết một ranh giới trên biển ở Vịnh Bắc Bộ và một thỏa thuận hợp tác nghề cá vào ngày 25 tháng 12 năm 2000. Tuy nhiên, hình ảnh AIS từ SCSPI cho thấy 2/3 tàu cá Việt Nam nằm ở bên kia ranh giới biển củaTrung Quốc. Một số có thể có giấy phép đánh bắt cá trong khu vực đánh cá chung, nhưng hơn 1/2 số tàu đi quá ra khỏi khu vực chung này.

Thông tin của AIS cho thấy có khoảng 200 tàu cá Việt Nam ở quanh bờ biển phía đông của tỉnh Hải Nam, nhiều tàu trong số đó hoạt động trong phạm vi 12 hải lý của thành phố Tam Á và huyện Quỳnh Hải. Nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng bên cạnh việc đánh bắt cá ở khu vực EEZ của Trung Quốc, các tàu cá Việt Nam đang thu thập thông tin tình báo về các hoạt động quân sự và căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Tam Á nằm ở cực nam của đảo Hải Nam. Đây là một thành phố đẹp như tranh vẽ và là điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực. Tuy nhiên, nơi đây cũng là căn cứ của quân đội Trung Quốc. Ngọc Lâm là căn cứ chiến lược quan trọng nhất ở Biển Đông. Sân bay quân sự Lingshui – nơi một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ EP-3 hạ cánh sau vụ va chạm chết người với máy bay phản lực Trung Quốc năm 2001 – cũng rất gần với Tam Á.

SCSPI tiết lộ rằng một số tàu cá nghi ngờ đã thay đổi trạng thái từ tàu đánh bắt cá thành tàu buôn nhằm che giấu danh tính. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng một lực lượng dân quân biển mạnh thì việc cho rằng nhiều tàu trong số 200 tàu này có thể là lực lượng dân quân biển là điều hoàn toàn hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tá Phan Văn Giang, vào tháng 12 năm 2019 cho biết, Việt Nam đang thành lập lực lượng dân quân biển, bắt đầu với sáu tỉnh phía Nam và mở rộng ra 14 tỉnh trên cả nước. Mục tiêu nhằm bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế. Hà Nội cũng đã sửa đổi Luật Dân quân Tự vệ năm 2009 để tạo cơ sở pháp lý cho dân quân biển, và sớm đi vào hiệu lực vào tháng 7 năm 2020.

Các ngân hàng Việt Nam đã cho ngư dân vay 176 triệu Mỹ kim để nâng cấp khoảng 400 tàu. Hơn 10.000 ngư dân đã nhận được ống nhòm hồng ngoại và súng.

Năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một cường quốc biển mạnh vào năm 2030 theo một nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Bằng cách này, Hà Nội hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế biển và tăng cường quốc phòng để bảo vệ các quyền lợi trên biển của mình. Trong Sách trắng quốc phòng, được phát hành vào ngày 25 tháng 11 năm 2019, Việt Nam tự cho mình là một quốc gia biển, và cho biết sự an toàn và việc bảo vệ các vùng biển xung quanh là vô cùng quan trọng.

SCSPI

Nguyên tác : 311 Vietnamese Fishing Vessels Intruding into the Waters of Chinese Mainland and Hainan Island in February, 04/03/2020

Trung Kiên lược dịch

Nguồn : VNTB, 07/03/2020

***************

Trung Quốc công bố báo cáo ‘hơn 300 tàu cá Việt Nam xâm nhập lãnh hải’

Thoibao.de, 08/03/2020

Sự kiện Trung Quốc công bố báo cáo về hành động "xâm nhập lãnh hải" của tàu cá Việt Nam vào đúng lúc tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng là "có tính toán" và "có chủ ý", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore nhận định.

baocao1

Ngày 6/3/2019 Tàu cá Quảng Ngãi 90819 TS bị tàu 44101 của Trung Quốc xịt vòi rồng xua đuổi, sau đó bị va vào rạn đá ngầm và chìm ngay trước mắt Tàu Trung Quốc nhưng không được cứu nạn, 5 ngư dân phải bám mũi trôi dạt nhiều giờ trước khi được tàu cá Việt Nam cứu

Một bản Báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Beijing, Trung Quốc, được truyền thông nước này đồng loạt đăng lên vào ngày 5/3 nói rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.

"Trong số đó, có 212 tàu đi vào vùng biển phía đông nam của đảo Hải Nam, bán đảo Lôi Châu và vùng biển gần Quảng Đông, và khoảng 90 tàu cá đã đi vào lãnh hải của Trung Quốc ở Vịnh Bắc bộ", báo cáo của Trung Quốc nói.

Theo báo cáo này, hầu hết các tàu cá của Việt Nam tập trung hoạt động tại những khu vực gần các thủy lộ chính dành cho lực lượng hải quân và không quân của nước này tại hai tỉnh trên. "Thậm chí, một số tàu cá Việt Nam còn lọt vào tầm ngắm của các căn cứ quân sự Trung Quốc", báo cáo nói thêm.

"Hoạt động của các tàu này chỉ nhằm hai mục đích : Một là mục đích kinh tế, tức đánh bắt cá bất hợp pháp. Hai là mục đích an ninh quân sự, tức thực hiện hoạt động trinh sát, gián điệp", báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc khẳng định.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, phủ nhận lập luận của báo cáo trên. Ông nói :

"Phân giới ở trong Vịnh Bắc bộ, hiệp định này đã ký từ trước và hai bên cùng tuân thủ, tức là họ đã vạch ra một cái vạch ở trên biển, bên này là của Trung Quốc và bên kia là của Việt Nam, vì có thềm lục địa nối với nhau, và đảo Hải Nam cũng có thềm lục địa.

Thế thì việc thỉnh thoảng có tàu cá Việt Nam đi vào khu vực ấy là chuyện bình thường, không có chủ định gì cả. Ngược lại, phía Trung Quốc có rất nhiều tàu cá đi vào lãnh hải của Việt Nam đánh cá hoặc buôn lậu thì Việt Nam không bao giờ thèm thống kê. Người ta không cần. Người ta chỉ đuổi về thôi.

Nhưng chuyện khó hơn là ở khu vực quanh đảo Hoàng Sa. Hoàng Sa là của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm năm 1974, và bây giờ Trung Quốc bảo một khu vực bao nhiêu hải lý xung quanh Hoàng Sa đó, mà Việt Nam cứ đưa tàu đánh cá vào khu vực đấy là họ bảo đi vào lãnh hải của họ. Chuyện này là chuyện vô lý mà không ai chấp nhận được".

Báo cáo của Trung Quốc nói hoạt động của các tàu cá Việt Nam trong những năm gần đây "ngày càng tràn lan và gia tăng về số lượng". Cụ thể, số lượng tàu cá Việt Nam có hoạt động xâm nhập như trên vào tháng 2 vừa qua đã tăng ít nhất là gấp đôi so với tháng trước đó.

"So với các hoạt động của Việt Nam tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tính chất của các hoạt động này thậm chí còn tồi tệ hơn. Nó hoàn toàn vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, làm suy yếu nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển và các luật quốc tế khác liên quan", báo cáo của Trung Quốc kết luận.

"Việt Nam luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Và từ đó đến giờ, tàu cá của Việt Nam vẫn đi vào khu vực đó đánh cá. Trung Quốc thì đuổi rất nhiều lần nhưng tàu cá Việt Nam cũng được các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển bảo vệ", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp dẫn chứng thực tế tranh chấp giữa hai nước trong nhiều năm qua.

baocao2

Một tàu cá trong nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm sâu vùng biển Việt Nam tháng 7/2016

Theo ông, ngoài kết luận phi lý về hành động "xâm nhập lãnh hải" của tàu cá Việt Nam, sự kiện Trung Quốc công bố báo cáo vào đúng thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đến Đà Nẵng cho thấy có một sự tính toán "đầy ý đồ" để "khớp các việc vào với nhau" của người Trung Quốc.

Ông phân tích :

"Một tuần trước, người Trung Quốc đã đưa hơn 140 tàu đến quây đảo Thị Tứ mà hiện nay người Philippines đang quản lý. Và bây giờ, Trung Quốc đang có mấy trăm tàu quây đảo Hoàng Sa lại, chủ yếu là tàu hải quân, tàu hải cảnh, và họ hiện nay xua hết tất cả tàu cá của Việt Nam ra khỏi chỗ đó. Họ làm như thế tức là họ chuẩn bị trên biển. Động tác như thế là để đáp lại việc tàu của Mỹ đến thăm cảng Tiên Sa".

Theo nhà nghiên cứu này, không loại trừ khả năng sau khi tàu sân bay của Mỹ rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc lại sẽ gây ra chuyện gì đó "tương tự như ở Bãi Tư Chính". Nhưng Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Hà Nội "đã chuẩn bị cho tất cả các khả năng ấy", nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang có nhiều chuyển biến tích cực và mạnh mẽ hơn, hướng tới mức độ cao hơn mức "đối tác toàn diện", lên mức độ "đối tác chiến lược".

Báo Philippine Daily Inquirer hôm 2/3 dẫn lời Phó đô đốc Rene Medina, tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của quân đội Philippines (Wescom) cho biết đã theo dõi được 136 tàu cá Trung Quốc gần đảo Thị Tứ từ ngày 1/1 đến 25/2.

"Ngày 7/2 đánh dấu số lượng tàu cá Trung Quốc tập trung đông đảo nhất, với tổng cộng 76 tàu lộ diện ở doi cát rìa tây", theo Phó đô đốc Medina.

Wescom cũng phát hiện hai tàu hải cảnh của Trung Quốc trong giai đoạn này, và một tàu của hải quân Trung Quốc xuất hiện hồi tháng 2.

Nhận định về diễn biến mới của Hải quân Hoa kỳ tại biển Đông, một bài viết trên VOA nói rằng : Mỹ thách thức quyết liệt tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

baocao3

Tàu sân nay USS Ronald Reagan Hoa kỳ tiến vào vào Biển Đông ngay sát ngày Quốc khánh 1/10/2019 khiến phía Trung Quốc vô cùng tức giận

Trong năm 2019, Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện 7 cuộc tuần tra hàng hải trong khuôn khổ Chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải- gọi tắt là FONOP, nhiều hơn bất cứ năm nào khác kể từ 2015, khi Hoa Kỳ bắt đầu thách thức mạnh mẽ hơn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cung cấp số liệu vừa nêu, nói rằng các cuộc tuần tra FONOP đã được thiết kế để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc về quyền hàng hải và chủ quyền lãnh thổ tại nhiều quần đảo trong khu vực, đặt Hoa Kỳ và các đồng minh vào thế đối đầu với Bắc Kinh.

Trang mạng tin quốc phòng của Mỹ nói trong các cuộc tuần tra hàng hải này, các chiến hạm Mỹ tiến vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, kể cả các thực thể đã được Bắc Kinh cải đổi thành cơ sở quân sự.

Theo Defense news, các cuộc tuần tra FONOP là dấu hiệu để Trung Quốc biết là Hoa Kỳ coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "quá đáng". Bắc Kinh thì cho rằng các cuộc tuần tra của Mỹ gây bực dọc và coi đây là các hành động trái phép, vi phạm các vùng biển của họ.

Cho tới nay, các cuộc tuần tra FONOP không khiến Trung Quốc phải rút lại các tuyên bố chủ quyền của mình.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr nói hải quân Mỹ tiếp tục thể hiện quyêt tâm thách thức các tuyên bố chủ quyền ‘quá đáng’ của Trung Quốc.

baocao4

Sĩ quan Việt Nam, Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink nhân dịp Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ghé thăm cảng Đà nẵng

Bà Rachel McMarr tuyên bố : "Hoa Kỳ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên khắp thế giới. Tất cả các hoạt động của chúng tôi được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm mục đích chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ điều máy bay, tàu thuyền, hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương nói thêm rằng các cuộc tuần tra hàng hải được tiến hành "một cách hòa bình và không thiên vị hay chống lại bất kỳ quốc gia nào".

Cuộc tuần tra hàng hải đầu tiên trong năm 2020 được Hải quân Hoa Kỳ tiến hành vào ngày 25/1. Trang mạng Defense News cho biết tàu chiến cận bờ USS Montgomery di chuyển gần Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập, hai nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa.

Lúc đó báo nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã điều hai máy bay thả bom tới lượn bên trên để uy hiếp tàu chiến Montgomery của Mỹ.

Hải quân Mỹ nói tuần tra FONOP thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng của tất cả các cường quốc trong khu vực, và cuộc tuần tra ngày 25/1 chính thức nhắm vào cả Trung Quốc, lẫn Đài Loan và Việt Nam. Phía Mỹ thách thức ý niệm cho rằng cần báo trước khi "qua lại vô hại" các vùng biển mà các nước khác tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó Giáo sư Zhiqun Zhu, giảng dạy môn Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell Hoa kỳ nói sự gia tăng các cuộc tuần tra FONOP, đặc biệt dưới chính quyền Tổng thống Trump, cộng thêm căng thẳng liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong và quyền của Đài Loan được tự cai trị, cùng với các vụ xung đột ngày càng nhiều giữa Trung Quốc và Việt Nam, đã góp phần tạo ra một bầu không khí bất an trong khu vực.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh coi các hoạt động của Hoa Kỳ là bằng chứng cho thấy ‘bàn tay lông lá’ của Washington, "không ngớt kích động căng thẳng nhằm mục đích kéo dài quyền bá chủ trong khu vực", SCMP dẫn lời ông Tong Zhao, nhà nghiên cứu lão thành của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, nói.

Ông Zhao nói thêm : "Bắc Kinh quyết tâm đáp ứng mạnh mẽ trước bất kỳ sự khiêu khích nào của Hoa Kỳ và tiếp tục các nỗ lực xây dụng cơ cấu hạ tầng quân sự, để nâng cao khả năng lâu dài nhằm bảo vệ các lợi thế tương lai của Trung Quốc".

Hồi cuối năm ngoái, Trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước thông tin tàu sân bay Sơn Đông được Trung Quốc triển khai hoạt động tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết : "Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông như được xác lập tại UNCLOS là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các nước trong khu vực. "Mọi hoạt động của các bên cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này", bà Hằng nhấn mạnh.

Tàu Sơn Đông được Trung Quốc khởi đóng vào năm 2015 dựa trên thiết kế của Liêu Ninh. Trung Quốc ban đầu định biên chế tàu Sơn Đông vào đầu năm 2019, nhưng một loạt sự cố trong quá trình thử nghiệm khiến tiến độ bàn giao tàu bị chậm 8 tháng.

Việt Nam và Trung Quốc có cùng thể chế cộng sản tương đồng, nhưng Bắc Kinh đang ngày càng hung hăng, thể hiện rõ ý đồ thôn tính chủ quyền, độc chiếm lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông.

Một số ít thể chế cộng sản còn lại như Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào gần như đã phớt lờ, để mặc cho Việt Nam chịu sự "bắt nạt" của Trung Quốc.

Giờ đây, luyến tiếc thứ chủ nghĩa cộng sản ngoại lai trở nên lạc lõng, Việt Nam cần mạnh dạn vứt bỏ nó để đưa cả dân tộc về với thế giới Văn minh Dân chủ và Tự do.

Hoàng Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 08/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: SCSPI
Read 655 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)