Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/03/2020

Covid-19 : miễn dịch cộng đồng là gì, làm sao cứu nguy du lịch Việt Nam

Mai Lan - Nguyễn Ngọc Toản

Miễn dịch cộng đồng ở Việt Nam ?

Mai Lan, VNTB, 16/03/2020

Nếu chọn cách miễn dịch cộng đồng, Việt Nam sẽ có ít nhất 126.000 người tử vong : Ai chấp nhận là 1 trong số đó ?

miendich1

Khi nhiều người trong một khu vực tiêm vắc-xin, ít người bị ốm hơn. Từ đó, ít vi trùng lây lan từ người sang người hơn. Khái niệm này được gọi là miễn dịch cộng đồng.

Một kịch bản do Hiệp Hội các bệnh viện Mỹ họp ngày 26/2 đưa ra một dự báo để các thành viên tiên liệu mà đối phó với dịch, kịch bản đó sẽ là : 96 triệu người trong số 330 triệu người dân Mỹ dính bệnh, 4,8 triệu người cần nằm bệnh viện, và 480 ngàn người tử vong (1).

Miễn dịch cộng đồng là gì ?

Chuyên viên dịch tễ, ông Nguyễn Trung Nghĩa, nói rằng tại Mỹ, cứ tới mỗi mùa cúm, các quan chức y tế đều thúc giục mọi người từ 6 tuổi trở lên đi tiêm vắc-xin ngừa cúm. Nguyên nhân chính khiến các bác sĩ muốn càng nhiều người tiêm vắc-xin ngừa cúm càng tốt nằm ở chỗ : Nó giúp bảo vệ cộng đồng, chứ không chỉ riêng bạn. Nguy cơ đối với gia đình bạn, đồng nghiệp của bạn và tất cả những người quanh bạn đều được cắt giảm. Khi nhiều người trong một khu vực tiêm vắc-xin, ít người bị ốm hơn. Từ đó, ít vi trùng lây lan từ người sang người hơn. Khái niệm này được gọi là miễn dịch cộng đồng.

Để có miễn dịch cộng đồng và bảo vệ nhiều người khỏi bệnh tật, tại bất kỳ khu vực nào cần có một lượng lớn dân số được tiêm vắc-xin. Thuật ngữ chuyên ngành gọi đây là "ngưỡng".

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) định nghĩa miễn dịch cộng đồng (tên tiếng Anh là Community immunity), là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm thông qua tiêm chủng và/hoặc đã mắc bệnh này trước đó, nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người.

Bàn luận về quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng I, Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích : Muốn có được miễn dịch cộng đồng thì số người nhiễm bệnh sẽ rất lớn. Nghĩa là số người mắc bệnh gần như ở tất cả mọi người.

Nếu chủ động làm miễn dịch cộng đồng nhanh bằng cách để lây nhiễm tự nhiên sẽ rất nguy hiểm, và phải trả giá rất lớn bằng tính mạng của con người. Khi đó số lượng người mắc bệnh sẽ là rất lớn. Ở một số nhóm cơ địa đặc biệt như người già, miễn dịch kém, bệnh lý nền… nếu mắc bệnh sẽ rất nặng. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh quá nhiều thì chúng ta sẽ không có thời gian chạy để cứu người nặng.

Ví dụ đơn giản, 10 người mắc bệnh có 4 người già, nhưng nếu nhân số người mắc lên 1.000 người thì sẽ có 400 người già mắc. Khi đó nhóm người này không đủ sức khỏe để tạo miễn dịch và có thể tử vong.

Sai lầm từ con số ‘đầu vào’ ?

"Thực tế quan điểm miễn dịch cộng đồng dựa trên một nhận định sai lầm, là số tử vong phía ngoài Trung Quốc chỉ ở mức 0,2%, hay bệnh Covid-19 chỉ là một bệnh nhẹ như cúm, nên thay vì phòng chống, có thể sống chung với bệnh được và từ đó có miễn dịch cộng đồng". Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, nhận định.

Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Hương làm phép tính : Khi để mặc cho dân tự nhiễm, nếu may mắn, chỉ 0,2% tử vong, vậy số tử vong tại Việt Nam là bao nhiêu với 90 triệu dân và 70% mắc ?. Số tử vong ở tỷ lệ 0,2% cũng đã lên tới con số là 126.000 người. Ai sẽ chấp nhận là 1 trong số 126 ngàn người đó ?

"Thêm nữa, đấy là khi không hề có quá tải y tế. Nếu quá tải y tế như Ý, số tử vong sẽ là 4-7% chứ không phải 0,2% và số chết sẽ là 5-9 triệu người. Ai sẽ chấp nhận là 1 trong số 5 triệu người đó. Chưa nói sẽ rất nhiều bác sĩ tử vong. Và đây mới chỉ là số lý thuyết. Trong số 50 bệnh nhân đã và đang nằm viện, cũng đã có 10 người triệu chứng nặng (20%). Nếu không có can thiệp y tế rất bài bản, chắc chắn đã có người tử vong, nếu số mắc là hàng loạt, bao nhiêu cái chết sẽ không thể tránh nổi ? Đó không phải là vấn đề rủi ro ý tế nữa, đó là vô nhân đạo, là vô đạo đức trong triết lý về phòng chống dịch". Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Hương biện giải.

Trong một trao đổi với báo chí, Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Hương có đưa ra thông tin đáng chú ý như sau về tiên liệu khả năng tử vong : "Hiện tại cũng đã có những trường hợp bệnh tiến triển khá nặng trong số 50 bệnh nhân đã và đang điều trị" (!?).

"Miễn dịch cộng đồng có thể tạo từ từ để đảm bảo an toàn, không có người tử vong. Sớm muộn chúng ta cũng có sẽ có miễn dịch cộng đồng với loại virus này. Tuy nhiên, làm cho nó lây nhiễm càng chậm sẽ càng tốt. Việc chúng ta cần phải làm là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh, làm việc một cách quyết liệt hơn, không được lơ là. Dịch bệnh có thể kéo dài nhưng, kéo dài tới đâu chúng ta cũng phải theo sát tới đó không thể để dịch bùng phát trên diện rộng". Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhấn mạnh.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 16/03/2020

(1) https://www.businessinsider.com/presentation-us-hospitals-preparing-for-millions-of-hospitalizations-2020/3

******************

Chữa cúm virus corona cho ngành du lịch Việt Nam

Nguyễn Ngọc Toản, RFI, 16/03/2020

Như bao ngành nghề khác, du lịch Việt Nam bị tác động mạnh vì dịch virus corona (Covid-19). Hy vọng hết dịch bỗng bị dội gáo nước lạnh với nhiều trường hợp nhiễm mới trong cộng đồng từ ngày 06/03/2020 cùng với số người được yêu cầu cách ly trải trên nhiều tỉnh.

miendich2

Bãi biển ở Đà Nẵng vắng bóng khách du lịch vì virus corona, ngày 06/03/2020. Reuters/Kham

Ngành du lịch có nguy cơ bị tác động trực tiếp từ ba yếu tố chính : khủng hoảng thiên tai, sự bất ổn chính trị hay đại dịch y tế toàn cầu. Nếu ngành du lịch bị tác động, hàng loạt lĩnh vực liên quan khác cũng bị thiệt hại theo, như hàng không, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ địa phương…, do du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp của nhiều ngành, theo nhận định với trang Forbes Việt Nam (10/02/2020) của ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc công ty lữ hành Vietravel.

Cụ thể, ngành du lịch hiện bị tác động như thế nào ? Đâu là hướng tái cơ cấu sau dịch Covid-19 ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc công ty lữ hành Images Travel, chuyên về "Điểm đến Đông Dương và Việt Nam", tại thành phố Hồ Chí Minh.

*****

RFI : Từ khi xuất hiện virus corona tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp tours bị hủy chưa ?

Nguyễn Ngọc Toản : Trong nước, đương nhiên là hủy vì Nhà nước siết chặt các hoạt động dành cho khách Việt Nam, tức là những hoạt động vui chơi lễ hội. Có nghĩa là du lịch, đi thăm quan thì được, nhưng mà vui chơi, lễ hội, tụ tập đông người thì không được. Trong khi đó, du lịch trong nước, thường là du lịch đi theo kiểu công ty, vui chơi, tổ chức vui chơi hội họp nhiều hơn là đi du lịch vì người Việt biết Việt Nam rồi. Vì các hoạt động chính bị hủy hết luôn, nên các công ty làm thị trường khách nội địa, coi như là không hoạt động luôn. Từ tháng Hai, sau Tết, là ngưng luôn.

Về khách nước ngoài, tùy theo thị trường. Ngay sau Tết, thị trường đầu tiên là khách Trung Quốc coi như là "đứt" vì Nhà nước siết chặt các biện pháp đối với khách Trung Quốc, chỉ mở cửa biên giới cho hàng hóa, chứ không nhận du khách, bắt đầu là từ tỉnh Hồ Bắc, sau đó là toàn bộ Trung Quốc. Nếu mà nhận, thì chỉ theo kiểu nhận rồi cho vào cách ly 14 ngày. Đối với khách du lịch thì không ai chấp nhận cách ly 14 ngày nên đương nhiên là hủy toàn bộ.

Đầu tiên Trung Quốc, tiếp theo thì tùy vào diễn biến của virus corona đến đâu thì Nhà nước cấm đến đó và thị trường cứ theo như thế. Sau đó là tới Nhật Bản, tự nhiên người ta sợ, người ta không dám đi, tại vì lúc đó Việt Nam có nhiều ca nên người Nhật Bản sợ không vào. Bây giờ đến Hàn Quốc và Iran, thì ngược lại, nghĩa là Việt Nam không nhận nữa. Cho nên các thị trường cứ nối đuôi nhau như vậy đó !

RFI : Công ty Images Travel chuyên về "Điểm đến Đông Dương và Việt Nam". Vậy công ty gặp những khó khăn gì trong giai đoạn này ?

Nguyễn Ngọc Toản : Tháng Hai, tức là tháng ngay sau Tết, thì bình thường. Công ty chỉ bị hủy một chút thôi, dưới 5%. Tháng Ba thì hủy khoảng hơn 10%, chắc khoảng tầm 15-20%, khó tính chính xác vì người ta hủy, rồi người ta chuyển đi tháng khác chẳng hạn, hoặc là người ta chưa đặt, thì không đặt nữa, nên cũng không biết là có tính vào hay không, nhưng cứ tính là giảm. Tháng Tư thì căng hơn. Từ tháng Ba, sau khi Việt Nam thực hiện cách ly (xã Sơn Lôi), bên Pháp người ta sợ, người ta cứ tưởng mình giống như Vũ Hán, nên người ta không dám đặt tháng Tư. Hoặc là nếu họ đặt tháng Tư, thì họ cũng hủy luôn, chắc hủy tầm 30%.

RFI : Đối với những tours vẫn được duy trì, công ty Images Travel, cũng như các công ty lữ hành khác, có phải thay đổi lịch trình điểm thăm quan không ? Và có gặp khó khăn trong vấn đề này không ? Công ty đưa ra những biện pháp phòng ngừa như nào đối với khách ?

Nguyễn Ngọc Toản : Hoàn toàn không, vì nói chung, trong nước là an toàn. Các nguy cơ bị cách ly hết, ví dụ như xã Sơn Lôi từng bị cách ly. Theo báo chí và thông tin, khi người ta đọc, cứ tưởng là rất nguy hiểm nhưng thực ra, khi cách ly thì an toàn hơn nhiều, các mối nguy không ra ngoài xã hội.

Mọi người đi du lịch, không gặp khó khăn gì hết, mà thậm chí còn tốt hơn trước nữa, thăm quan thích hơn vì khách thấy thoải mái hơn, không có khách Trung Quốc. Tháng này (tháng Ba) không có khách Hàn Quốc luôn, còn tuyệt vời hơn, đi chơi như được lại về ngày xưa yên bình. Khách Pháp rất thích như thế !

RFI : Liệu đợt dịch Covid-19 này có là cơ hội để du lịch Việt Nam cơ cấu và đa dạng hóa đối tượng du khách và mở rộng hơn sang các nước khác, thay vì phần đông là du khách Trung Quốc như hiện nay ?

Nguyễn Ngọc Toản : Cái này là Nhà nước cũng mong muốn dữ lắm. Các doanh nghiệp cũng muốn dữ lắm. Hôm đi họp ở Sở Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh), các doanh nghiệp thích lắm. Nhưng vấn đề không phải là mình thích thì mình làm được. Ví dụ mình muốn làm khách Châu Âu nhưng mà khả năng trong nước, như trong ngành khách sạn, họ không được đào tạo để đón khách Âu. Hoặc là các đường bay hiện nay cũng không có nhiều. Muốn làm khách Âu cũng khó, không phải muốn là làm được.

Lúc bắt đầu dịch, mình không nhận được khách Úc. Ngay lập tức, trong nước đã bắt đầu nghĩ đến và tiến hành ngay các phương án lâu dài để thay đổi cơ cấu nguồn khách. Sở Du Lịch đã đề nghị các doanh nghiệp tập trung lo về thay đổi cơ cấu nguồn khách. Nhưng tạm thời chưa nói đến việc làm như thế nào.

RFI : Như vừa rồi ông nói, trong tháng Hai, Ba và Tư, số lượng khách hủy tour khá nhiều, vậy sau mùa dịch tầm tháng Năm, tháng Sáu chẳng hạn, và từ giờ đến cuối năm, liệu có thể bù lại một phần nào đó thất thu do thời gian dịch này không ?

Nguyễn Ngọc Toản : Đặc thù của dòng khách Âu-Mỹ là mùa hè họ không đi Việt Nam nhiều tại vì bên Châu Âu, trời đẹp, họ không cần đi Việt Nam. Cho nên, mùa du lịch đầu năm, tháng Năm cũng đã bị hủy nhiều, nhưng điều đó không quan trọng lắm với doanh nghiệp làm thị trường Âu-Mỹ, vì nếu không có dịch, cũng có rất ít khách.

Vấn đề của doanh nghiệp đón khác Châu Âu là từ tháng Tám trở đi mới là vấn đề lớn. Có nghĩa là nếu trong vòng hai tháng, bên Châu Âu không giải quyết được dịch, để tháng Sáu mà mua tour cuối năm, thì có khi không kịp, vì người Pháp, người Đức hay mua tour rất sớm, có khi mua trước cả 7-8 tháng. Nếu đến tháng Bẩy, Châu Âu mới giập được dịch thì tháng Bẩy họ sẽ mua tour cho tháng Một, hoặc là tháng Hai,/3/2021, chứ còn 2020 thì sẽ quá muộn. Ít có khách nào mua tour tầm ba tháng trước. Người Châu Âu là như vậy !

Bây giờ, các thị trường khách Châu Á là mất trắng. Từ tháng Ba đến cuối năm, các doanh nghiệp có nguy cơ mất 100%. Về phần thị trường khách Châu Âu, mất 30% là chắc chắn rồi, còn mất 50% hay 70% thì tùy vào diễn biến sắp tới vào tháng Ba này, vào khả năng giập dịch như thế nào.

RFI : Vậy các công ty lữ hành có sáng kiến gì để giúp Nhà nước khôi phục ngành du lịch không ?

Nguyễn Ngọc Toản : Về câu hỏi các doanh nghiệp, trong những ngày căng thẳng nhất của Châu Âu, có sáng kiến hay ý tưởng gì để phục hồi thị trường, để góp ý với Nhà nước, thì thực ra bây giờ, doanh nghiệp bây giờ không cần thiết phải nói về phát triển nữa. Tức là bây giờ, doanh nghiệp tập trung ủng hộ Nhà nước để giải quyết xong dịch bệnh trong nước để hình ảnh đất nước Việt Nam trở về như trước, nghĩa là hoàn toàn không có dịch bệnh. Đó mới là cách lâu dài nhất, chứ không còn cách nào khác, không còn biện pháp nào gọi là "kích cầu" hay "khuyến mãi". Bây giờ chỉ còn mỗi tập trung vào ủng hộ mọi chính sách của Nhà nước để giải quyết xong dịch bệnh.

*****

Du lịch Việt Nam mất 5 tỷ đô la nếu dịch kéo dài sang quý II

Tại Việt Nam, tổng thu từ khách du lịch trong năm 2019 đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018, theo trang VnEconomy (30/12/2019). Việt Nam đón ba nguồn khách chính : khách Trung Quốc, khách quốc tế đến Châu Á cũng như Đông Nam Á và khách du lịch nội địa. Năm 2019, trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam (tăng 16,2% so với năm 2018), đã có hơn 5,8 triệu khách Trung Quốc, chiếm 32%.

Do dịch Covid-19, "Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do tỷ trọng khách Trung Quốc lớn nhất, chiếm 70% tổng số khách quốc tế năm 2019", theo nhận định của ông Mauro Gasparotti, giám đốc Savills Hotels Châu Á-Thái Bình Dương với Forbes Việt Nam.

Tình hình dịch bùng phát tại Trung Quốc, hiện đang lan ra trên khắp thế giới, khiến ngành du lịch Việt Nam khó có thể thực hiện được hy vọng hồi phục trong nửa cuối năm 2020, cũng như mục tiêu phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. Theo ước tính của bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I, ngành lịch có thể sẽ bị thiệt hại khoảng 2,3 tỷ đô la, nhưng nếu dịch kéo dài đến hết quý II, thiệt hại sẽ là 5 tỷ đô la.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 16/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan, Nguyễn Ngọc Toản
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)