Virus corona : Thuyết "miễn dịch cộng đồng" bị hạ nốc-ao
Thụy My, RFI, 21/03/2020
Đó là một cuộc chiến về chủ thuyết, liên quan đến mạng sống của hàng mấy chục triệu con người. Theo Les Echos, Luân Đôn rốt cuộc đành phải từ bỏ chủ trương "miễn dịch đại trà" : để mặc cho lây nhiễm để chỉ cứu những bệnh nhân nặng, nhưng như vậy cần tăng năng lực cấp cứu lên gấp 30 lần trong vòng hai, ba tháng.
Khách bộ hành đeo khẩu trang đi ngang qua một bức tranh đường phố ở khu Soho, Luân Đôn, Anh, ngày 20/03/2020. © Reuters/Toby Melville
Để chống lại con virus đến từ Vũ Hán, không ít người cho rằng nên theo chiến lược "miễn dịch cộng đồng". Có nghĩa là cứ để mặc cho nạn dịch tự do lan tràn cho đến lúc tốc độ lây nhiễm chậm lại, và chỉ tập trung cứu chữa những trường hợp nặng.
Ngược lại, nên chăng cố gắng ngăn chận bằng mọi giá, dù phải dùng đến biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ?
Chủ thuyết thứ nhất đang trên đà bại trận nặng nề so với chủ thuyết thứ hai - do Trung Quốc khởi đầu rồi được Hàn Quốc, Ý áp dụng theo, và đến nay là Pháp.
"Miễn dịch cộng đồng" bác bỏ việc cách ly, trừ những người dễ tổn thương, người già, người bị suy giảm miễn dịch. Chủ trương này nay chỉ còn có Hà Lan áp dụng, và đang gây lo ngại cho các nước Châu Âu láng giềng.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cho đến tối thứ Ba 17/03/2020 vẫn tuyên bố chính phủ trông đợi nạn dịch virus corona tự chấm dứt khi không còn tìm được người mới để lây sang, vì phân nửa dân số đã bị nhiễm virus và sinh ra kháng thể tự nhiên. Le Monde cho biết bộ trưởng y tế Bruno Bruins hôm sau trước Quốc hội Hà Lan cũng nhắc lại ý của thủ tướng, nhưng ông bộ trưởng ngất xỉu khi đang phát biểu và được giải thích là do làm việc quá sức.
Để mặc phân nửa dân số cả nước bị nhiễm virus và sinh kháng thể tự nhiên : đây là một lý lẽ khá hấp dẫn, và cũng đã được áp dụng trên thế giới trong những trận dịch cúm lớn. Bởi vì biện pháp này không làm giảm sút các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa ; tuy nhiên cần phải có sự tin tưởng tuyệt đối vào năng lực chữa trị những trường hợp nặng của các bệnh viện, vào khoảng 15%. Và với điều kiện là con virus corona phải tấn công từ từ chứ không đồng loạt.
Nhưng đây không phải là trường hợp của virus Vũ Hán. Một báo cáo của Imperial College khẳng định với số lượng các ca dương tính tăng gấp đôi cứ mỗi năm ngày như hiện nay, từ nay cho đến bốn tháng tới có đến 81% người Anh sẽ bị lây nhiễm ; và 260.000 người sẽ tử vong (ở Mỹ sẽ là 1,1 triệu người). Bộ phận cấp cứu sẽ bị quá tải từ giữa tháng Tư, trừ phi gia tăng năng lực gấp… 8 lần.
Viễn cảnh số lượng người khổng lồ lên đến hàng vạn nằm chờ chết không được ai chăm sóc, đã khiến thủ tướng Anh Boris Johnson phải thay đổi ý kiến. Cho đến thứ Năm tuần trước, khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học từ nhà trẻ cho đến đại học, ông Johnson chỉ kêu gọi người dân rửa tay, và những ai bị sốt nên ở trong nhà.
Nguyên thủ Pháp dường như tuy không nói ra nhưng ban đầu cũng theo chủ trương miễn dịch cộng đồng của Đức và Hoa Kỳ. Cũng cho xét nghiệm và đeo khẩu trang nhưng chẳng bao nhiêu, và kêu gọi người Pháp tiếp tục sinh hoạt như thường lệ. Tuy nhiên ông Macron đã thay đổi ý kiến sau khi có những báo cáo mang tính báo động.
Các biện pháp phong tỏa của Pháp, cho phép đi làm việc nếu không thể làm từ xa, không khắt khe như Ý, nhưng nghiêm khắc hơn so với những gì Boris Johnson áp dụng từ tối thứ Hai 16/3, sau khi bị chỉ trích dữ dội.
Quán rượu (pub), tiệm ăn, nhà hát vẫn mở cửa tại Anh quốc, trong khi các cơ sở này bị đóng trên toàn Châu Âu. Tuy vậy từ nay chính phủ khuyến cáo hạn chế các tiếp xúc xã hội (kể cả tại các địa điểm đông đảo như trên), và tránh di chuyển khi không thật cần thiết. Đến thứ Ba, Luân Đôn quyết định dời lại ba tháng tất cả những cuộc phẫu thuật không khẩn cấp, để giải tỏa 30.000 giường bệnh. Còn các trường học ở Anh thì đến thứ Tư 18/3 mới đóng cửa.
Kế hoạch mới này, theo cố vấn khoa học của ông Johnson là Patrick Vallance, giúp hạn chế số người có thể tử vong là "20.000 người hay ít hơn", và theo ông là một "kết quả tốt". Về mặt chính thức, Anh quốc có 2.626 người bị dương tính, nhưng ước tính 55.000 ca có vẻ "hợp lý" - ông Vallance tuyên bố hôm thứ Ba trước một ủy ban Quốc hội. Thứ Năm tuần trước, ông nói chỉ có từ 5.000 đến 10.000 ca.
Về mặt chính trị, các biện pháp trễ tràng và dè dặt này chưa chắc làm tắt được những tiếng nói chỉ trích, cũng như dập được cuộc khủng hoảng.
Chủ thuyết phong tỏa chừng như đã chiến thắng thuyết "miễn dịch cộng đồng" bằng cú nốc-ao, ở khắp nơi trên thế giới. Nếu cứ để mặc cho con virus lây lan, có thể sẽ phải trả giá bằng 50 triệu người chết, tương đương với trận dịch "cúm Tây Ban Nha" năm 1918.
Được áp dụng (một cách thô bạo) tại Trung Quốc rồi đến Ý và Hàn Quốc với cung cách hợp lý hơn, biện pháp phong tỏa dù vậy có cái giá phải trả về kinh tế rất lớn. Việc đóng cửa các trường học, nhà hàng, cửa hiệu không thiết yếu, cô lập những người bị nhiễm virus tại bệnh viện và cách ly những người thân của họ, giữ khoảng cách…giúp giảm số tử vong tại Anh từ 26.000 đến 48.000 người. Nếu chiến lược này không hiệu quả, sẽ phải cách ly toàn bộ đất nước với việc cấm di chuyển kể cả đi làm việc, trừ ngành y tế và cảnh sát, với cái giá thảm họa về kinh tế.
Việc phong tỏa sẽ bắt đầu có hiệu quả sau ba tuần, không thể lơi lỏng nếu không dịch bệnh sẽ lây lan trở lại. Báo cáo của Imperial College nhận định có thể áp dụng theo từng giai đoạn : nới lỏng nếu áp lực kinh tế xã hội quá mạnh và đã triển khai được thuốc chữa hiệu quả, rồi siết lại khi các ca dương tính tăng vọt. Phong tỏa một cách linh hoạt như thế cần phải duy trì trên khắp thế giới trong vòng năm tháng là ít nhất. Thậm chí cho đến tận khi nào các nhà khoa học tìm ra được vaccin giúp nhân loại được miễn dịch… tối thiểu một năm nữa.
Thụy My
Nguồn : RFI, 21/03/2020
****************
Có phải nước Anh chủ động cho dân chết vì corona ?
Nguyễn Hùng, VOA, 17/03/2020Bốn chữ ‘miễn dịch cộng đồng’ trong mấy ngày qua gây nhiều tranh luận và có người nhầm tưởng rằng nước Anh để mặc corona hoành hành và cho dân sống chết mặc bay. Chẳng có nước dân chủ nào mà chính quyền dám có chính sách như thế vì số ngày cầm quyền của họ sẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay nếu họ toan tính như vậy.
Hệ quả tự nhiên của miễn dịch cộng đồng là có tới khoảng 80% người nhiễm corona thường tự khỏi mà không cần bất kỳ can thiệp y tế nào.
Vậy tại sao có vấn đề miễn dịch cộng đồng ở đây ? Nó chỉ là hệ quả tự nhiên của chuyện có tới khoảng 80% người nhiễm corona thường tự khỏi mà không cần bất kỳ can thiệp y tế nào. Niềm hy vọng hiện nay là số người này sẽ có kháng thể và không nhiễm lại nữa nhưng không có gì đảm bảo đây là điều chắc chắn xảy ra. Còn để tạo ra miễn dịch cộng đồng hiệu quả và khoa học, điều chắc chắn cần tới là vắc-xin mà khả năng sớm nhất phải tới cuối năm mới có. Và kể cả khi đã có vắc-xin rồi, sản xuất ra đủ cho cả tỷ người trên thế giới sẽ còn mất rất nhiều tháng trời, theo phóng viên khoa học của BBC. Các chuyên gia cũng nói độ hiệu quả của vắc-xin còn tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi người.
Hôm 16/3 chương trình thời sự Today, tức Ngày nay, của Đài BBC 4 tại Anh đã phỏng vấn một phụ nữ 60 tuổi, người nhiễm corona mới nhưng đã hồi phục. Bà nói con vi-rút quái ác đã khiến bà sốt cao, ho, buồn ngủ triền miên và mệt như "đấm bốc năm hiệp với Mike Tyson". Nhưng bà đã vượt qua chỉ bằng uống thuốc giảm sốt và đang đợi khi nào có dịch vụ thử kháng thể với corona để xem bà đã miễn nhiễm chưa. Ở Việt Nam cũng đã có từng có khách nam người Trung Quốc trên 60 tuổi được chữa khỏi tại bệnh viện. Như vậy con corona mới tai hại hơn nhiều lần so với bốn con corona khác mà hàng năm vẫn gây ra cúm thường. Nhà báo khoa học của BBC cũng nói hiện không có vắc-xin cho cả bốn con corona đó.
Một điều nữa cũng cần chỉ ra là nhiều trường hợp tử vong trong mùa dịch corona mới là những người đã có sẵn một hay nhiều bệnh khác trong người. Đây là lý do mà ngay cả khi Anh chỉ mới dự tính sẽ yêu cầu những người trên 70 tuổi cách ly trong nhiều tuần đã có ý kiến cho rằng chính sách này không hẳn đúng. Có người nói người trên 70 tuổi cũng có thể có hệ miễn dịch tốt hơn người 40 hay 50 tuổi mà hút thuốc, uống rượu và có các bệnh nền. Bởi vậy một chính sách dựa vào độ mạnh yếu của hệ miễn dịch sẽ chính xác hơn. Chính quyền Anh cũng phải cân nhắc xem nếu buộc phải đóng cửa trường học họ sẽ cần làm như vậy trong bao lâu. Lý do là các bác sĩ và nhân viên y tế cũng sẽ phải nghỉ ở nhà trông con nếu các trường học đóng cửa. Và các bậc ông bà, nhóm có nguy cơ cao, cuối cùng lại phải trông trẻ. Một lý do khác khiến Anh không muốn cách ly thái quá là họ sợ dịch sẽ trở lại sau quá trình cách ly xã hội mà khả năng có thể là vào mùa đông năm sau, lúc hệ thống y tế thường quá tải.
Nhưng ở những nước tự do, các cơ quan và tổ chức không nhất nhất phải nghe theo chính phủ. Chẳng hạn trường Goldsmiths thuộc University of London mà tôi dạy hôm 16/3 đã quyết định ngưng tất cả việc giảng dạy trực tiếp và tạm cho học sinh nghỉ một tuần để giảng viên chuẩn bị dạy trực tuyến từ tuần tới. Các kỳ thi đòi hỏi học sinh có mặt tại trường cũng đã bị hủy trong khi lễ tốt nghiệp mùa hè hiện tạm hoãn. Điều này xảy ra dù chính quyền chưa có chính sách đóng cửa trường học và sau khi chính các sinh viên của trường gửi thư ngỏ đề nghị Goldsmiths chuyển sang dạy trực tuyến như nhiều trường khác trong đó có King’s College và Oxford. Cùng ngày với Goldsmiths, nhiều trường khác cũng ngưng dạy trực tiếp. Còn đài BBC cũng gửi thư thông báo cho tôi biết khóa học mà họ mời tôi tham gia giảng dạy đầu tháng Tư đã bị huỷ. Một khóa khác được tổ chức ở Delhi của Ấn Độ vào nửa cuối tháng Tư cũng bị hủy từ tuần trước.
Cá nhân tôi, như có dịp đã kể trong một blog trước, tôi buộc phải ở trọ thay vì về nhà sau chuyến đi tới California và Ukraine. Cũng phải nói rằng Hoa Kỳ và Ukraine có những cách hành xử khác nhau. Khi tôi tới Ukraine, tôi bị kiểm tra nhiệt độ tại sân bay và cả ở sân bay lẫn khách sạn họ có kem khử trùng để sẵn trong nhà vệ sinh hoặc đã thực hiện khử trùng cho khách. Cũng may chuyến đi tới Hoa Kỳ của tôi diễn ra vào cuối tháng Hai và chuyến dạy học ở Ukraine vào đầu tháng Ba. Hiện cả hai nước này đều đã khóa cửa với những người như tôi. Chuyến bay từ Kiev về lại London của tôi hôm 7/3 cũng bị hủy vì người ta ngờ rằng không có đủ khách bay từ London sang và từ Kiev về. Nhưng rất may ngày hôm sau tôi đã về lại London. Hãng hàng không Ukraine cũng bồi thường cho mỗi khách 400 euro ngoài chuyện thanh toán trước chi phí ăn ở trong đêm phải ở lại Kiev.
Dù đi lại khá nhiều cho tới hết tuần đầu tháng Ba, tôi may mắn vẫn giữ sức khỏe tốt. Trong túi tôi lúc nào cũng có kem sát trùng. Về London tôi còn trang bị cho mình thêm giấy lau tay để dùng khi cần mở cửa, kéo rèm, bấm nút… Điều quan trọng nữa là luôn rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi ăn và tránh đưa tay lên mặt. Tôi cũng nghĩ có thể cần mang theo lọ nước rửa tay nhỏ phòng trường hợp nơi quý vị tới có nước để rửa tay nhưng đã hết xà phòng như từng xảy ra với tôi mới đây ở London. Và tuyệt đối tránh ho vào tay mà nên dùng giấy hoặc ho vào phía trong khuỷu tay nếu chẳng may không có giấy. Một số chuyên gia cảnh báo con corona mới có nguy cơ sẽ quay lại và tham gia vào nhóm bốn con corona hiện có vào mỗi mùa đông. Nếu đúng vậy chúng ta sẽ phải tìm cách sống chung với loại cúm mới này.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 17/03/2020
Virus corona : Thuyết "miễn dịch cộng đồng" bị hạ nốc-ao