Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/03/2020

Covid-19 : Chạy về Việt Nam trốn đại dịch Trung Quốc ?

Diễm Thi - Trọng Nghĩa

Người Việt về nước trốn dịch : có tính già hóa non ?

Diễm Thi, VNTB, 19/03/2020

Người Việt từ nước ngoài đổ về nước trốn dịch khi các quốc gia Châu Âu đang trở thành tâm dịch cúm Vũ Hán và lần lượt đóng cửa biên giới ở khắp nơi.

gayno2

Một nữ tiếp viên ẵm cháu bé hai tuổi từ Đức về Việt Nam trốn dịch với bà chỉ mới cách đây một tuần lễ đã đốn tim cả cộng đồng mạng. Mẹ của bé 2 tháng tuổi phải dứt vú mẹ lúc ấy có lẽ cũng đã không ngờ chưa đầy một tuần lễ sau, các nhà hàng, quán bar, chợ búa đều phải đóng cửa, người người phải giữ khoảng cách để chống lây lan dịch bệnh (1).

Khi dịch cúm Vũ Hán chỉ mới chớm phát ở Châu Âu, con số tăng theo hàng chục mỗi ngày tại nước sở tại, cộng với con số người nhiễm bệnh mới tăng theo cấp số nhân ở Ý làm cho ai cũng bất an. Còn Việt Nam, cả tháng trời từ sau tết con số người nhiễm bệnh chỉ có 16 người, và đều được chữa khỏi. Chỉ vậy thôi đã cho họ niềm tin rằng dịch bệnh ở Việt Nam đã thực sự êm. Êm hơn nhiều so với những con số đầy biến động mà không thấy nói ai được chữa lành. 

Hệ thống y tế của Việt Nam và Châu Âu có nhiều điểm khác biệt. Điều làm cho nhiều người gốc Việt bất an khi ở Tây Âu là cách chữa bệnh có phần quan liêu, xa cách của các bác sĩ ở đây. Bệnh nhẹ thì sẽ được tự chữa ở nhà, bệnh nặng mà chưa nguy hiểm tính mạng thì phải xếp hàng chờ người nguy hiểm tới tính mạng được chữa trước. 

Cả với bệnh cúm Vũ Hán. Chỉ tới khi nguy cấp mới được nhập viện để chữa trị, và dĩ nhiên được chữa trị hoàn toàn miễn phí vì đã có đóng bảo hiểm rồi. (Anh Quốc còn chữa trị miễn phí cả cho những người ngoại quốc không có bảo hiểm). 

Anh và Hà Lan là hai quốc gia khi ấy đã thiên về phương pháp miễn dịch cộng đồng khiến không ít người hoảng sợ. Chính vì vậy mà họ lại hoảng loạn bỏ chạy. 

Oái ăm là các nước tư bản thay đổi chính sách xoành xoạch trong những ngày này, Anh vì bị chỉ trích nên đã từ bỏ khái niệm miễn dịch cộng đồng, nội các và quốc hội Hà Lan vẫn còn đang cãi nhau có nên tiếp tục miễn dịch cộng đồng hay sẽ phong toả toàn quốc. 

Những du học sinh vội vã quay về nước trong những ngày qua có lẽ không thể đoán được chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, Châu Âu lại ban lệnh cấm tất cả các chuyến bay từ ngoài Châu Âu trong vòng ít nhất 30 ngày. Du học sinh cũng không biết được ngày nào quay trở lại được Châu Âu nếu như dịch bệnh cứ kéo dài. 

Những người mẹ, người cha đã cho con về quê không ngờ con số những người nhiễm bệnh ở Việt Nam đang tăng lên đột ngột tới 76 người chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ. 

Con số 76 có vẻ thấp là do Việt Nam chưa áp dụng xét nghiệm đại trà. Hiện có đến 41.918 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), nhưng chỉ có 4.288 trường hợp nghi ngờ đã được loại trừ, tức chỉ mới hơn 10% (2). Nếu tất cả đều được xét nghiệm chắc hẳn con số lây nhiễm sẽ không dừng lại ở con số 100.

Chỉ một người nhiễm bệnh, thì Sài Gòn đã phải cách ly 280 người theo như ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy cho biết (3). Hay như Ninh Thuận cả một thôn trên 5.000 người đã bị cách ly cả 4 tuần lễ.(4) Sẽ có những thành phố bị phong toả hoàn toàn trong những ngày tới khi số bệnh nhân tăng lên theo cấp số nhân ?

Giờ đây, có lẽ khi phải ngồi nhà trong căn phòng vắng lặng tiếng con khóc, tiếng con cười, bầu sữa căng cứng, người mẹ ấy mới là người thật đau lòng. Thời gian có thừa nhưng muốn về thăm con cũng không được : biên giới đóng cửa, Việt Nam không còn tiếp nhận chuyến bay từ Châu Âu nữa. 

Liệu họ đã có tính già hóa non ?

Diễm Thi

Nguồn : VNTB, 19/03/2020

Chú thích :

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/nu-tiep-vien-be-chau-be-2-thang-tuoi-tren-may-bay-tu-frankfurt-ve-ha-noi-20200312000406816.htm

(2) https://ncov.moh.gov.vn

(3) https://dantri.com.vn/xa-hoi/moi-ca-nhiem-covid-19-tphcm-phai-cach-ly-280-nguoi-20200316202042663.htm

(4) https://news.zing.vn/cach-ly-thon-5000-nguoi-lien-quan-ca-nhiem-thu-61-trong-28-ngay-post1060799.html

********************

Covid-19 : Một đại dịch Made-in-China

Trọng Nghĩa, RFI, 19/03/2020

Kênh truyền hình Mỹ Fox News ngày 13/03/2020 vừa qua đã trích dẫn một bài viết của Tân Hoa Xã ca ngợi thành tích của Trung Quốc trong việc chống dịch Covid-19, mà tác nhân gây bệnh là một loại virus corona nguy hiểm "có nguồn gốc ở thành phố Vũ Hán, vốn đã lan truyền ra khắp thế giới" khiến cả trăm ngàn người bị nhiễm và cả ngàn người thiệt mạng.

made1

Nhân viên an ninh đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của bệnh coronavirus (Covid-19) đi bộ dọc theo một con đường bên ngoài Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 18 /3 năm 2020. Reuters - CARLOS GARCIA RAWLINS

Kênh truyền hình Mỹ Fox News ngày 13/03/2020 vừa qua đã trích dẫn một bài viết của Tân Hoa Xã ca ngợi thành tích của Trung Quốc trong việc chống dịch Covid-19, mà tác nhân gây bệnh là một loại virus corona nguy hiểm "có nguồn gốc ở thành phố Vũ Hán", vốn đã lan truyền ra khắp thế giới khiến cả trăm ngàn người bị nhiễm và cả ngàn người thiệt mạng. Fox News nêu bật là bài viết của cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc còn dọa rằng Bắc Kinh "có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu dược phẩm, điều có thể nhấn chìm nước Mỹ trong một biển virus corona". Đối với Fox News, những lời đe dọa đó không phải là không có cơ sở trong bối cảnh Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu.

Trong một bài phân tích mang tựa đề "Một đại dịch chế tạo tai Trung Quốc - A Made in China Pandemic" - đăng ngày 13/03 trên trang mạng Project Syndicate - giáo sư Brahma Chellaney, chuyên gia về địa lý chính trị thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách tại New Delhi (Ấn Độ), đã cho rằng "đại dịch Covid-19 phải là một hồi chuông cảnh tỉnh cho một thế giới vốn đã chấp nhận từ lâu nay việc Trung Quốc khống chế các chuỗi cung ứng toàn cầu".

Trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để dịch Covid-19 lan rộng

Đối với giáo sư Chellaney, sở dĩ dịch Covid-19 lan rộng được ra trên toàn thế giới hiện nay, đó chủ yếu là vì chính quyền ở Trung Quốc, nơi con virus corona chủng mới xuất hiện, vào lúc đầu đã bịt kín thông tin về nó. Thế nhưng hiện nay, Bắc Kinh lại đang hành động như thể quyết định không giới hạn xuất khẩu các hoạt chất dược phẩm (API) và vật tư y tế - mà Trung Quốc là nhà cung ứng thống trị toàn cầu - là một hành động theo đúng nguyên tắc và hào phóng đáng được cả thế giới biết ơn.

Về quá trình Trung Quốc che giấu thông tin về con virus corona, giáo sư Chellaney đã điểm lại một số mốc chính.

Khi bằng chứng lâm sàng đầu tiên về một loại virus mới chết người xuất hiện ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã không cảnh báo công chúng trong nhiều tuần lễ, thậm chí còn sách nhiễu, khiển trách và giam giữ những người đã phát hiện ra virus.

Đối với giáo sư Chellaney, cách tiếp cận đó của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên : Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc giết chết người đưa tin. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã che đậy dịch SARS, do một loại virus corona khác gây nên, trong hơn một tháng trời sau khi nó xuất hiện vào năm 2002, và giam giữ bác sĩ đã lên tiếng báo động trong 45 ngày. Dịch SARS rốt cuộc đã làm hơn 8.000 người thiệt mạng tại 26 quốc gia.

Lần này, chủ trương ém nhẹm dịch bệnh không duy trì được lâu sau khi các trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 đến từ Vũ Hán được phát hiện ở Thái Lan và Hàn Quốc. Thông tin về những ca nhiễm ngoài Trung Quốc đó đã khiến cho giới lãnh đạo Bắc Kinh không thể làm gì khác ngoài việc thừa nhận có dịch bệnh.

Khoảng hai tuần sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bác bỏ khuyến nghị của giới khoa học, đòi phải ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ đã phải công bố các biện pháp ngăn chặn triệt để, bao gồm cả việc cách ly chặt chẽ hàng triệu người. Thế nhưng tình hình đã qua muộn : Hàng ngàn người Trung Quốc đã bị nhiễm Covid-19, trong lúc con virus corona đã nhanh chóng lan rộng ra quốc tế.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien đã nói rằng việc che giấu ban đầu của Trung Quốc "có lẽ đã khiến cộng đồng thế giới phải mất hai tháng trước khi phản ứng", làm cho dịch bệnh trên toàn cầu trầm trọng thêm.

Ngoài tình trạng khẩn cấp về y tế, làm cho hàng ngàn người chết, đại dịch đã phá vỡ hoạt động thương mại và du lịch bình thường, buộc nhiều trường học phải đóng cửa, làm rung chuyển hệ thống tài chính quốc tế và đánh đắm thị trường chứng khoán toàn cầu. Với giá dầu tuột dốc, suy thoái kinh tế toàn cầu dường như sắp xảy ra.

Đài Loan và Việt Nam : Hai ví dụ về phản ứng đúng đắn

Đối với giáo sư Chellaney, tình trạng tệ hại như kể trên đã có thể tránh được nếu Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng bằng cách cảnh báo công chúng và thực hiện các biện pháp ngăn chặn. Và nhà phân tích Ấn Độ đã nêu bật ví dụ tốt của Đài Loan và Việt Nam.

Đài Loan đã rút kinh nghiệm từ việc đối phó với dịch SARS trước đây, đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc kiểm tra các chuyến bay, ngay cả trước khi dịch bệnh được tuyên bố bùng phát ở Trung Quốc. Tương tự như vậy, Việt Nam nhanh chóng tạm dừng các chuyến bay từ Trung Quốc và đóng cửa tất cả các trường học.

Giáo sư Chellaney cho rằng "cả hai ví dụ (Đài Loan và Việt Nam) đều cho thấy nhu cầu minh bạch, bao gồm việc cập nhật về số lượng và nơi xuất hiện ca nhiễm, cũng như phổ biến rộng rãi thông tin về cách bảo vệ sức khỏe, chống lại Covid-19".

Theo giáo sư Chellaney : "Nhờ có chính sách (phù hợp), cả Đài Loan lẫn Việt Nam - nơi đón lượng lớn du khách từ Trung Quốc mỗi ngày - đã kiểm soát dịch bệnh được một cách chặt chẽ. Trong khi đó thì các láng giềng chậm chạp trong việc thực hiện các biện pháp tương tự, như Nhật Bản và Hàn Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều".

Thế giới không nên để cho Trung Quốc tiếp tục bắt bí

Trở lại với tình hình Trung Quốc, giáo sư Chellaney đã nêu bật một thực tế : Nếu bất kỳ một nước nào khác mà đã gây nên một cuộc khủng hoảng sâu rộng, chết người và nhất là có thể phòng ngừa được (như dịch Covid-19), thì giờ đây nước đó sẽ trở thành tội đồ của thế giới. Tuy nhiên Trung Quốc, với uy lực kinh tế to lớn, hầu như đã thoát khỏi sự chỉ trích.

Thế nhưng, theo giáo sư Chellaney, chế độ của ông Tập Cận Bình sẽ phải mất nhiều công sức để khôi phục lại vị thế của mình ở trong và ngoài nước.

Có lẽ đó là lý do vì sao các lãnh đạo Trung Quốc đang tự khen mình về việc đã không giới hạn việc xuất khẩu vật tư y tế và hoạt chất dược phẩm dùng trong sản xuất thuốc, vitamin và vắc-xin.

Có điều tác giả bài phân tích cũng đã tự hỏi là thái độ tự cho là "hào phóng" của Trung Quốc lần này với dịch Covid-19 liệu sẽ làm cho Trung Quốc không "nhỏ mọn" trong tương lai hay không ? Đối với giáo sư Chellaney, giới lãnh đạo Trung Quốc đã có cả một quá trình tạm dừng xuất khẩu các mặt hàng chiến lược khác (như đất hiếm) để trừng phạt các quốc gia đã thách thức họ.

Vì vậy, nhà phân tích Ấn Độ cho rằng thế giới nên rút kinh nghiệm và cảnh giác với Bắc Kinh : "Chỉ bằng cách nới lỏng sự kìm kẹp của Trung Quốc trên mạng lưới cung ứng toàn cầu - bắt đầu với lĩnh vực dược phẩm - thế giới mới có thể giữ mình an toàn trước các bệnh lý chính trị của Bắc Kinh".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 18/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, Trọng Nghĩa
Read 564 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)