Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/03/2020

Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13 : vai trò của Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Nam, RFA, NHK

Phép thử nhân sự cho nhiệm kỳ mới của tổ chức chính trị, và của… hội đoàn dân sự

Nguyễn Nam, VNTB, 20/03/2020

"Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII" là tựa chung ở nhiều bài báo đăng đồng loạt vào đầu giờ chiều ngày 19-3. Bài báo cho biết các đảng bộ trực thuộc trung ương đang chỉ đạo để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp ; các dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã gửi để lấy ý kiến đại hội đảng bộ, chi bộ cấp cơ sở.

chutri0

Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII

Không thấy đưa tin ở cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII có bàn gì về chuyện chống dịch hô hấp Covid-19 đang lây lan mạnh ở Việt Nam ; cũng không thấy đưa tin bàn về chuyện miền Tây Nam bộ đang vừa hạn hán, vừa hạn mặn. Sở dĩ cần đề cập tới hai nội dung này trong chuyện ‘cơ cấu nhân sự’ cho nhiệm kỳ mới của tổ chức chính trị, vì ai cũng rõ ở Việt Nam tất cả các viên chức quản lý đều bắt buộc phải là đảng viên.

Vai trò của người đứng đầu đảng chính trị

Việt Nam chỉ có một đảng chính trị là đảng cộng sản. Sự cạnh tranh về quyền lực giữa các đảng phái chính trị khác ở các quốc gia đa đảng, đối với Việt Nam đó không là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên ngay cả trong ‘một mình - một chợ’ đi nữa, thì xem ra vẫn có sự cạnh tranh ngay trong nội bộ của chính đảng phái chính trị ấy.

"Tham dự cuộc họp có các thành viên Tiểu ban, gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Dự cuộc họp còn có các thành viên Tổ Giúp việc của Tiểu ban Nhân sự" - trích bản tin trên Thông Tấn xã Việt Nam (1).

Nhìn vào danh sách nói trên dễ dàng nhận ra chỉ mỗi cái tên Nguyễn Xuân Phúc là ‘gắn’ với các diễn biến thời sự về dịch bệnh hô hấp Covid-19, cho tới ‘chừng mực’ là việc hạn mặn ở miền Tây Nam bộ.

Còn người đứng đầu đảng phái chính trị, thì nếu tìm hiểu về các hoạt động của ông qua tin tức trên Thông Tấn xã Việt Nam, cho thấy lần ‘xuất hiện’ gần đây nhất là ngày 27/2/2020 trong sự kiện khánh tiết tiếp các đại sứ đến trình Quốc thư (2). Như vậy giữa hai lần ‘xuất hiện’ trên truyền thông của ông Nguyễn Phú Trọng là 22 ngày. Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam chưa thấy có phát biểu nào trong hai lần ‘lên báo’ đó về dịch Covid-19 vốn liên quan đến các quốc gia có các đại sứ đến trình Quốc thư ; và về hạn mặn, hạn hán ở miền Nam - một vấn đề thuộc ‘Quốc thái Dân an’.

Điều đó cho thấy nếu có việc chọn lựa nhân sự cho nhiệm kỳ mới của đảng cộng sản đến từ lá phiếu của chính các đảng viên cấp cơ sở - nơi đang là tuyến đầu chống dịch, chống hạn, có lẽ sẽ có nhiều đảng viên mặc dù được cơ cấu, song vẫn khó thể nhận được sự đồng thuận của những đảng viên khác.

Phép thử nào cho hội đoàn dân sự ?

Từ góc nhìn như ở trên, liệu có nên liên tưởng đến vấn đề của phép thử đối với một số hội đoàn dân sự, đặc biệt là khi những người đứng đầu các hội đoàn đó vấp phải sự cáo buộc về một bản án chính trị ? Khi ấy, dường như các mắt xích liên kết trong một vài hội đoàn xã hội dân sự cũng ‘bung đứt’ theo.

Đơn cử ở Hội Anh em dân chủ. Khi ông Nguyễn Văn Đài từ nhà tù Việt Nam được xuất cảnh định cư tại Đức, trong khi những anh em cộng sự cùng trong vụ án ở Hội Anh em dân chủ vẫn còn phải chịu tù đày ở nhiều trại giam khác nhau, thì gần như các hoạt động của hội này cũng dừng lại, mặc dù trước đó tin tức cho thấy số lượng hội viên trên toàn quốc của Hội Anh em dân chủ khá đông đảo. Vai trò ‘thủ lãnh’ hội này cũng không thấy phát huy khi ông Nguyễn Văn Đài đã rời hẳn Việt Nam.

Một thí dụ khác ở Hội nhà báo độc lập Việt Nam. Ngay sau khi chủ tịch của hội bị bắt với cáo buộc thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì gần như các hội viên cũng không nhiều người lên tiếng kêu gọi cho ông Phạm Chí Dũng về quyền tự do báo chí, về quyền được phản biện chính sách mà Hiến pháp đã ghi tại điều 28 :

"1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội ; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân".

Đâu chỉ vậy, quan sát về các tác giả viết bài trên trang Việt Nam Thời Báo ở thời gian trước ngày 20/11/2019, tức lúc nhà báo Phạm Chí Dũng còn tự do ; và một tháng sau đó khi trang Việt Nam Thời Báo hoạt động trở lại, sẽ thấy gần như ‘biến mất’ rất nhiều bút danh, và nhiều bài viết với các tác giả mới tham gia, cho thấy ‘khác giọng văn’ với những bài viết trước đó, nôm na đây không phải là ‘người cũ - bút danh mới’ do có sự lo ngại bị chính quyền dòm ngó, đưa đến… ‘vạ lây’.

Điều đó cho thấy gì ? Phải chăng là sự e dè của số đông khi thiếu vai trò của một người đứng đầu đủ uy tín và khả năng quán xuyến ? Đó cũng chính là phép thử về nhân sự trong hội đoàn dân sự, khi mà quyền tự do công đoàn về nguyên tắc đã chính thức có hiệu lực ở Việt Nam.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 20/03/2020

Chú thích :

(1) https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-chu-tri-hop-tieu-ban-nhan-su-dai-hoi-xiii/629299.vnp

(2) https://www.vietnamplus.vn/photo-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tiep-cac-dai-su-den-trinh-quoc-thu/625443.vnp

*****************

Nhân sự lãnh đạo đảng và sự tồn vong của chế độ !

RFA, 19/03/2020

Tổng bí thư đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, vào ngày 19 /3 chủ trì cuộc họp Tiểu ban Nhân sự đảng.

chutri2

Hình minh hoạ. Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (thứ 2 từ phải sang) tại một kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2019 AFP

Trong buổi họp, người đứng đầu Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cũng là trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội đảng XIII, cho biết trong thời gian tới tiểu ban nhân sự, bộ chính trị, ban chấp hành trung ương tập trung công sức nhiều hơn cho việc xây dựng phương hướng công tác nhân sự và việc lựa chọn nhân sự tham gia ban chấp hành trung ương đảng khóa XIII.

Đáng quan tâm là phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp cho rằng công tác nhân sự là nhiệm vụ ‘then chốt’ của ‘then chốt’, có liên quan đến sự sống còn của đảng, của chế độ.

Nhận xét về phát biểu vừa nêu của ông Tổng bí thư, Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng :

"Cái chuẩn bị nhân sự đó họ khuếch trương lên ra vẻ trở thành nghiêm trọng, quan trọng để tiếp tục đánh lừa người dân là họ vì dân vì nước, nhưng như chính ông Nguyễn Phú Trọng có nói là vì sự tồn vong của chế độ cộng sản. Nên dù có là then chốt hay không then chốt cũng chỉ là phục vụ cho chế độ và tôi tin rằng đó là sự sắp xếp và thỏa thuận trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam mà họ đã thu xếp cho những cái ghế để sẵn".

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho rằng phát biểu của ông Trọng không sai. Ông giải thích :

"Sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam và của nhà nước cai trị đúng là phụ thuộc rất nhiều vào nhân sự của đảng lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới thế nào. Bởi vì một sự thật mà chúng ta đành phải thừa nhận là Đảng Cộng sản Việt Nam đứng ra cai trị, chưa có những đảng khác để cạnh tranh. Nếu đội ngũ lãnh đạo của nó tốt thì sẽ tốt hơn cho bản thân họ, nhưng mặt khác cũng tốt chung cho đất nước".

Trao đổi với RFA vào tối ngày 19/3, trước hết, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng bày tỏ hoài nghi đối với tư cách Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước của ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật cao cấp nhất trong đảng và về mặt nhà nước :

"Trong suốt kỳ đất nước cần có mặt ông ta nhất trong lúc nước sôi lửa bỏng, dịch bệnh xuất hiện và nhiều vấn đề khác như khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh virus Vũ Hán thì không hề thấy ông Tổng bí thư có mặt. Biết bao nhiêu người đồn đoán là người đứng đầu nguyên thủ quốc gia không xuất hiện trong khi ngày hôm nay chuẩn bị cho nhiệm vụ nhân sự Đảng ông lại nói đấy là nhiệm vụ quan trọng, "then chốt của then chốt" và ông ta đặt tất cả vấn đề về quyền lực của đảng trong đó ông ta là người đứng đầu tối cao. Theo ý kiến của tôi là một người dân bình thường thì tôi chi rằng ông ta không xứng đáng làm nguyên thủ đất nước".

Nhân sự Đảng có thực sự vì dân hay chỉ đấu đá nội bộ ?

Báo trong nước trích nội dung cuộc họp cho biết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự dân chủ, công tâm, thật sự trong sáng, khách quan.

Tuy nhiên, blogger Nguyễn Ngọc Già lại có nhận định khác cho rằng thực tế không đúng như những gì được báo lề đảng đăng tải :

"Truyền thống của người cộng sản Việt Nam qua nhiều năm là mỗi kỳ Đại hội Đảng là sự đấu đá giữa các phe phái, phe nào mạnh hơn, phe nào yếu hơn ta thấy rất rõ".

Xác nhận sự việc này, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng khẳng định trước đại hội đảng Việt Nam, hàng loạt thông tin bên lề về nhân sự Đảng lại được ‘bỏ nhỏ’, những ‘tin mật’ sẽ được những kênh truyền thông không chính thống đăng tải :

"Chúng ta thường thấy trường hợp ở ngoài vỉa hè nhân dân hay đồn đoán những người nào sẽ nắm chức vụ gì và hầu như những dự đoán đó có vẻ chính xác. Đấy là những lúc thanh trừng bằng các chiến dịch như đốt lò củi mà ta thấy rất rõ. Những nhân vật bị thanh trừng đều thuộc nhóm người khác, những người không bị đụng tới sẽ thuộc một nhóm mới. Trên cơ sở đó, có thể một số thông tin rò rỉ là để chúng ta thấy rõ những dàn xếp cho việc chuẩn bị dân sự thực ra là thanh trừng phe nhóm".

Theo quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc đấu đá nội bộ như vậy không hẳn là một việc xấu trong tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay. Ông tiếp lời :

"Chuyện cạnh tranh giữa những thế lực khác nhau luôn là một chuyện mà ai cũng biết. Trong lúc không có dân chủ thì có sự cạnh tranh nội bộ một chút cũng là chuyện lành mạnh, còn hơn là bên Trung Quốc, ông trùm chỉ định ai thì người đó được vào. Nói cách khác, cạnh tranh nội bộ trong đảng không có còn dở hơn có".

Đại hội Đảng Cộng sản XIII của Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, từ đó bầu ra các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và người lãnh đạo đảng là Tổng bí thư.

Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng kì lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước Việt Nam lần này sẽ có thay đổi tích cực hơn so với những năm trước do không bị Trung Quốc chi phối. Nguyên nhân được ông cho rằng vị thế của Trung Quốc hiên nay bị suy sụp quá lớn và đen tối nhất từ trước tới nay đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc qua dịch virus Vũ Hán.

Còn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, thực tế tình hình nhân sự đảng ra sao từ lâu đã không được người dân quan tâm chú ý đến. Ông đưa ra lý do :

"Câu hỏi quan trọng nhất của người dân khi quan tâm đến hệ thống chính trị là ai thay ai, người ấy lên có làm cho đời sống nhân dân có tốt hơn không, có được thêm tự do không ? Nhưng qua rất lầu, hơn 7 thập kỷ rồi, hầu như những câu hỏi đấy không bao giờ được trả lời, chỉ như thế hoặc xấu hơn. Nên người dân thậm chí cũng không quan tâm đến chuyện nhà nước, thanh từng nội bộ, ai thay thế ai, ở vị trí nào…

Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, những điều ông vừa nêu cũng chính là lý do để thể chế này tồn tại được do nhiều người dân ngày càng tỏ ra vô cảm.

Nguồn : RFA, 19/03/2020

**************

Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện, không đả động đến Covid-19

N.H.K, Người Việt, 19/03/2020

Sau ba tuần vắng mặt trước công chúng, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chủ tịch nước, xuất hiện trở lại trên báo nhà nước hôm 19/3, khi chủ trì cuộc họp của tiểu ban nhân sự Đại hội XIIIcủa đảng.

chutri3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp hôm 19/3. (Hình : báo Tin Tức)

Theo báo Tin Tức, tại sự kiện này, ông Trọng lên tiếng chỉ đạo "phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội XIII; phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ then chốt của then chốt, có liên quan đến sự sống còn của đảng, của chế độ".

Bài báo không cho thấy vị lãnh đạo đang ngồi hai ghế của "tứ trụ" có bất kỳ phát ngôn nào về tình hình dịch bệnh virus Covid-19 cũng như sức khỏe của người dân đang bị đe dọa.

Trước buổi họp hôm 19/3, lần xuất hiện gần đây nhất của ông Trọng được ghi nhận là tại buổi tiếp đại sứ một số nước đến trình quốc thư hôm 27 Tháng Hai tại Phủ Chủ tịch.

Việc ông Trọng xuất hiện trở lại chỉ để họp nhân sự trước Đại hội XIIIcàng khiến công luận tin vào các suy đoán trước đó rằng ông này rốt cuộc "chỉ biết còn đảng, còn mình" và đưa ra các phát ngôn xoay quanh chuyện "đốt lò" để thị uy. Khi xảy ra bệnh dịch, thiên tai, người ta không thể trông đợi gì ở một vị chủ tịch nước "hết lòng vì dân" như thông tin mà báo đảng hay tuyên truyền. Ông Trọng đã hoàn toàn phó mặc chuyện ứng phó với dịch bệnh virus Covid-19 cho chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Sự vắng mặt và im ắng quá lâu của chủ tịch nước trong lúc cả nước có biến cố dịch bệnh khiến cộng đồng mạng bàn tán, dị nghị từ nhiều ngày qua.

chutri4

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp hôm 19/3. (Hình : Trí Dũng/báo Tin Tức)

Facebooker Trọng Hiền, admin của trang "Ngụy biện - Fallacy" bình luận trên trang cá nhân : "Dịch cúm Vũ Hán nghiêm trọng như vậy, mà hai tháng nay không thấy ông Trọng, người quyền hành cao nhất - tổng bí thư kiêm chủ tịch nước - ra mặt tham gia xử lý sự vụ. Điều này chứng tỏ sức khỏe ông Trọng đã rất tệ, không đủ cáng đáng các việc hệ trọng của đất nước. Và cũng một lần nữa cho thấy sự tham quyền cố vị, khát khao duy trì quyền lực đến bệnh hoạn của những tên lãnh đạo cộng sản. Vừa thương cho dân mình, khi không có bất kỳ quyền lực chính trị nào để đuổi cổ bọn bất tài như chúng xuống".

Một số Facebooker khác thì chế nhạ rằng sau nhiều ngày "im hơi lặng tiếng", ông Trọng giờ đây xứng đáng được trao kỷ lục "Người lặn sâu nhất".

Đáng lưu ý, tới nay, chỉ có giới bất đồng và xã hội dân sự đặt câu hỏi về việc ông Trọng thể hiện trách nhiệm của mình tới đâu trong lúc Điều 86 Hiến Pháp quy định : "Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại".

Trong khi đó, nhiều Facebooker thuộc giới "dư luận viên" vẫn tiếp tục lên mạng xã hội ca tụng "sự anh minh" và cầu chúc ông Trọng đủ sức khỏe để tiếp tục dẫn dắt công cuộc "đốt lò". 

N.H.K

Nguồn : Người Việt, 19/03/2020

*******************

Cán bộ, công chức gây nợ - ai sẽ trả ?

Diễm Thi, RFA, 19/03/2020

Vì sao vỡ nợ ?

Huyện ủy và UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa đang nợ khoảng 52 tỷ đồng. Trong đó UBND huyện Yên Định đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, còn Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng. Lý do nợ được nêu là tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện ; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo ; tiền sửa xe ; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm ; tiền mua sắm bàn ghế, tổ chức tiếp khách, ăn uống ; tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn...

gayno1

Ảnh minh họa. AFP

Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho báo chí trong nước biết số nợ này chủ yếu tập trung vào các năm từ 2013 đến năm 2015 và hiện tại thì địa phương không thể chi trả vì không có hóa đơn chứng từ.

Bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định giai đoạn 2012 - 2015 xác nhận trong thời gian bà đương chức, việc chi tiêu và nợ nần nhiều người cả trong và ngoài cơ quan bà có biết nhưng "con số cụ thể nợ bao nhiêu, chi như thế nào thì không nắm rõ".

Ông Đường Văn Thái, người từng có 10 năm làm việc trong cơ quan công quyền Hà Nội, cũng là một nhà báo cho hay, các khoản nợ phát sinh do rất nhiều lý do. Một phần họ không có tiền nhưng vung tay quá trán. Một phần do các doanh nghiệp, các lãnh đạo phòng ban khác muốn lấy lòng các sếp lớn nên cứ chi tiền ra trước. Đa số các khoản chi đều không có chứng từ nên không ai biết, không ai lo. Một hóa đơn ăn nhậu của các sếp lên đến mấy chục triệu đồng. Các sếp thì cứ vô tư tiêu xài mặc cho ngân sách không còn và quỹ đang âm hàng chục tỷ.

Ông Thái nói :

"Chuyện ăn nhậu là chuyện nhỏ. Họ còn cố tính vung tay quá trán. Biết không có tiền nhưng vẫn cố tình vẽ ra những dự án để tham nhũng.

Rất nhiều nơi các sếp rủ nhau ăn nhậu ở các nhà hàng quen rồi cho nhân viên ở lại lấy hóa đơn về thanh toán với kế toán. Họ gọi đó là những khoản tiền tiếp khách. Nhưng những hóa đơn này cũng bị kê giá cao hơn để ăn chênh lệch. Ví dụ ăn hết 500 ngàn thì viết hóa đơn 800 ngàn".

Thông tư số 71/2018 của Bộ Tài Chính có quy định về việc tiếp khách trong nước phải tiết kiệm, không phô trương hình thức và thành phần tham dự chỉ là những người trực tiếp liên quan. Các khoản chi cho tiếp khách này không được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Việc lạm chi ngân sách hay ăn xài quá trớn của các cán bộ huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa bị báo chí đưa tin khiến người dân sửng sốt với con số 52 tỷ đồng không phải là trường hợp duy nhất và đầu tiên.

Cuối năm 2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai công bố sai phạm về việc sử dụng các nguồn kinh phí tại UBND huyện Chư Sê trong năm 2016 và 2018. Số tiền sai phạm tại UBND huyện và các đơn vị liên quan cần phải thu hồi vào ngân sách hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó tiền tiếp khách là hơn 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương nhận định đây là vấn đề nan giải. Muốn thay đổi thì việc trước tiên là phải thay đổi thể chế chính trị. Ông nói :

"Không phải chỉ một nơi đâu. Nhiều nơi lắm. Số nợ đang còn rất là nhiều. Hiện nay ngân sách thu không đủ chi. Luôn luôn lạm chi. Năm nào cũng thế. Thành ra đây là một việc nan giải của chính quyền hiện nay. Số nợ vay của các địa phương là rất nhiều, chưa có cách gì thu hồi lại cho Nhà nước.

Cái này là một quả bóng. Nó phình lên thì đến lúc nó sẽ vỡ thì là chuyện lớn chứ không đơn giản đâu. Cái lớn nhất hiện nay là làm sao để họ trả lại quyền làm chủ xã hội cho người dân".

Ai sẽ trả nợ ?

Thông tư về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 quy định, các khoản chi tiêu dùng cho bộ máy chính quyền cấp huyện sẽ được chi từ nguồn ngân sách địa phương. Hàng năm sẽ phải tiến hành lập dự toán ngân sách, đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau của cấp mình ; định kỳ 6 tháng báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Như vậy, việc chi tiêu dùng sẽ phải nằm trong định mức đã được cho phép. Với những khoản chi vượt mức ngân sách như vậy thì ai sẽ trả nợ ?

Ông Đường Văn Thái cho hay :

"Bây giờ giải quyết hậu quả thì chắc chắn sẽ lấy từ ngân sách mang ra trả. Mà ngân sách là tiền thuế của dân chứ chắc chắn không ông bà nào bỏ tiền túi ra trả cả. Tôi làm ở UBND huyện Đông Anh 10 năm nên biết rõ. Toàn bộ là vẽ hươu vẽ vượn để rút ruột tiền ngân sách.

Khi chuyện đã vỡ lở như ở Thanh Hóa thì họ sẽ trích từ ngân sách ra, còn những nơi chưa bị lộ thì họ sẽ nâng khống những khoản chi khác để bù đắp vào những khoản nợ nhằm xử lý êm đẹp mọi chuyện. Khi thanh tra đến quyết toán sẽ không thấy dấu vết nữa".

Chuyện lãnh đạo các tỉnh vi phạm chỉ bị cách chức hay rút kinh nghiệm là chuyện người dân thấy quá rõ từ xưa đến nay.

Có thể dẫn chứng việc Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Trưởng phòng An ninh điều tra, Trưởng và Phó phòng CSGT Đồng Nai bị cách hết mọi chức vụ trong đảng vào ngày 7/3/2020.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trong thời gian giữ các chức vụ, bốn cán bộ trên chịu trách nhiệm về một số vi phạm trong lĩnh vực được phân công liên quan đến xử lý sai quy trình một số vụ án.

Trước đó, tháng 8/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.

Ông Nguyễn Khắc Mai kết luận :

"Lâu nay những địa phương gây nhưng khoản nợ như thế vẫn cứ ỳ ra. Nó đi tới chỗ đề nghị giải tỏa hay xóa nợ chứ khả năng địa phương đó trả nợ là không có đâu !"

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ với RFA rằng, dịch cúm lần này ảnh hưởng khá nhiều đến nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, chính phủ đang phải lo tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp. Nên bất cứ nơi nào dùng tiền ngân sách vào những việc không mang lại lợi ích kinh tế xã hội đều là việc không nên làm.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, RFA tiếng Việt, N.H.K
Read 670 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)