Trung Quốc đã cố gắng giải quyết một cách thận trọng mối quan hệ với Mỹ, đồng thời triển khai sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ và đặt ra những câu hỏi về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh.
Dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ và đặt ra những câu hỏi về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh.
Hỏi : Mối quan hệ Mỹ-Trung đã tác động như thế nào tới phản ứng trước dịch Covid-19 ?
Đáp : Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 lan rộng, sự mất lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây trở ngại cho sự phối hợp toàn cầu cần thiết cho một cuộc khủng hoảng như vậy. Cả hai nước đều phải chịu trách nhiệm vì đã không hợp tác với nhau. Sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh về mức độ nghiêm trọng thực sự của dịch bệnh do những chỉ thị chính trị và quan ngại kinh tế đã thổi bùng lên mối nghi ngờ ngay từ đầu. Trước khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Washington đã đề nghị cung cấp viện trợ và những sự trợ giúp mà Trung Quốc đã miễn cưỡng chấp nhận, và các chuyên gia y tế Mỹ cuối cùng đã được phép tham gia phái đoàn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tới Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh đã chỉ trích Mỹ vì là một trong những quốc gia đầu tiên áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người đến từ Trung Quốc.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã theo đuổi những chính sách - đều xuất phát từ thái độ từ chối can dự nói chung - đã khiến Mỹ không được chuẩn bị tốt đểứng phó với đại dịch. Dưới thời các chính quyền trước đây, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ duy trì sự hiện diện đáng kể trên thực địa tại Trung Quốc. Các chuyên gia y tế cộng đồng Mỹ đã thiết lập mối quan hệ với những đồng nghiệp người Trung Quốc và xây dựng những quy trình đã được sử dụng khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002 và 2003. Chính quyền Trump đã rút lại phần lớn sự hiện diện đó.
Hầu như không có lý do gì để trông đợi động lực này thay đổi khi mà giờ đây Trung Quốc dường như đang kiểm soát được virus, trong khi tốc độ lây lan ở Mỹ lại đang gia tăng. Trong tháng 2/2020, Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã đưa ra những tuyên bố không có căn cứ rằng virus có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay được sử dụng như một vũ khí sinh học. Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã khẳng định Trung Quốc đã có công làm giảm bớt mối đe dọa toàn cầu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn tuyên bố virus SARS-CoV-2 không có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hỏi : Dịch bệnh bùng phát sẽ tác động như thế nào tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ?
Đáp : Khó có thể đánh giá mức độ tác động mà Covid-19 sẽ gây ra đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vốn bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2/2020. Gần đây, Bắc Kinh đã khẳng định rằng họ có ý định thực hiện thỏa thuận này đến cùng. Mặc dù đã có những mối quan ngại rằng Bắc Kinh có thể không thể đáp ứng được cam kết mua thêm 200 tỷ USD giá trị hàng hóa trong 2 năm, nhưng phần lớn cam kết này được phân bổ vào giai đoạn sau, vì giá trị hàng hóa được lên kế hoạch mua sắm trong năm 2020 chỉ ở vào khoảng 75 tỷ USD. Nếu phải đối mặt với khó khăn, Bắc Kinh có thể viện tới các điều khoản bất khả kháng trong thỏa thuận, như những gì Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã làm để hủy bỏ một số hợp đồng khí đốt hóa lỏng.
Về phần mình, Chính quyền Trump đã gửi đi những thông điệp lẫn lộn về thỏa thuận này. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết virus có thể trì hoãn các thương vụ nông sản cũng như những phương diện khác của thỏa thuận. Tuy nhiên, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue lại bác bỏ nhận định của Kudlow. Thay vào đó, họ xác nhận rằng Trung Quốc đang có những bước tiến trong cam kết mua hàng nông sản và đang nới lỏng những hạn chế thương mại khác. Trong một tuyên bố chung, Perdue cho biết họ "hoàn toàn trông đợi sự tuân thủ đầy đủ các phần của thỏa thuận".
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng đưa ra khẳng định tương tự vào ngày 23/2 khi cho rằng Covid-19 sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào đối với thỏa thuận giai đoạn 1, dù ông có đề cập rằng dịch bệnh bùng phát có thể khiến các cuộc đàm phán về giai đoạn 2 bị trì hoãn. Tuy nhiên, khi được hỏi vào ngày 3/3 liệu Chính quyền Mỹ có xem xét đình chỉ thuế quan đối với Trung Quốc và Châu Âu hay không, Mnuchin thừa nhận rằng chính quyền sẽ "xem xét tất cả các phương án" khi tác động kinh tế của dịch Covid-19 trở nên rõ ràng hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tờ Thời báo Hoàn cầu nhanh chóng nhận định rằng việc đình chỉ thuế quan sẽ là một bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại.
Nếu một trong hai bên gặp khó khăn trong việc đáp ứng các cam kết, thì dịch Covid-19 có thể đưa ra một lối thoát. Khi cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, Trump có khả năng sẽ làm tất cả những gì có thể nhằm ngăn không cho thỏa thuận này tan vỡ hay bị bêu riếu như là một thất bại. Bắc Kinh cũng muốn duy trì thỏa thuận này nhằm tránh khỏi việc trở lại với các mức thuế quan cũng như bầu không khí bất ổn gia tăng như trước đây, nhất là trong bối cảnh những nỗ lực kích thích nền kinh tế Trung Quốc.
Hỏi : Covid-19 có ý nghĩa như thế nào đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" ?
Đáp : Đã xuất hiện những tin tức chi tiết về tình trạng chậm trễ đáng kể của các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) ở Bangladesh, Indonesia, Nepal và Sri Lanka do dịch Covid-19. Các biện pháp hạn chế đi lại đã ngăn không cho các công nhân Trung Quốc trở lại các công trường BRI ở nước ngoài, trong khi việc đóng cửa các nhà máy Trung Quốc cung cấp máy móc và nguyên liệu thô cho các dự án BRI đã cản trở tiến độ của các dự án này. Những sự chậm trễ này có thể gây thêm căng thẳng đối với các quốc gia vốn đã phải vật lộn với gánh nặng nợ nần.
Hơn nữa, thế bế tắc kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2020 chắc chắn sẽ buộc chính phủ phải có phản ứng, có khả năng là dưới hình thức cắt giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay và áp dụng các biện pháp kích thích tài khóa. Ngay cả nếu nền kinh tế hồi phục, thì chính phủ cũng sẽ phải đối mặt với sức ép đầu tư nguồn lực ở trong nước thay vì nước ngoài.
Bất chấp những bước lùi đáng kể, khả năng là Bắc Kinh sẽ không từ bỏ BRI trong tương lai gần. Tương tự như vai trò trung tâm của thỏa thuận thương mại đối với nghị trình của Trump, BRI là biểu tượng của sự nổi lên của Trung Quốc như là một nước lớn và là dự án đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngân hàng phát triển Trung Quốc gần đây đã đưa ra một tuyên bố về các kế hoạch hỗ trợ các công ty BRI bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các quốc gia được hưởng lợi từ những cơ hội đầu tư và phát triển to lớn mà BRI mang lại, chẳng hạn như Campuchia, cũng đã lên tiếng bảo vệ Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh sau khi dịch Covid-19 bùng phát, đã chỉ trích các quốc gia khác vì đã áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với người đến từ Trung Quốc, đồng thời tiếp tục duy trì biên giới mở. Đáp lại, Tập Cận Bình nói với Hun Sen : "Một người bạn trong lúc hoạn nạn là một người bạn thực sự".
Một khi dịch bệnh được kiểm soát, các quốc gia vẫn đang phải vật lộn tìm cách phục hồi sau những cú sốc kinh tế có liên quan có thể lấy sự bùng phát này làm cái cớ để loại bỏ những dự án không thành công hoặc không được lòng người dân về mặt chính trị. Trái lại, Bắc Kinh có thể tìm ra những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn của BRI tại các quốc gia tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hỏi : Dịch bệnh bùng phát gây ra những thách thức kinh tế lớn nào đối với Trung Quốc và Mỹ ?
Đáp : Bắc Kinh ngày càng quan ngại về thiệt hại lâu dài đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như với vai trò then chốt của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự cân bằng phù hợp giữa việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và ngăn chặn khả năng số ca bệnh tăng đột biến khi người dân trở lại làm việc. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà kinh tế cảnh báo về tình trạng suy thoái toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách về kinh tế và ngân hàng trung ương đã bắt đầu phối hợp phản ứng. Nhưng nếu căng thẳng Mỹ-Trung ngăn không cho hai nước hợp tác chặt chẽ như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thì hiệu quả của bất kỳ phản ứng toàn cầu nào cũng có thể bị hạn chế nghiêm trọng.
Ở Mỹ, dịch Covid-19 đã làm khuếch đại những lời kêu gọi xa lánh Trung Quốc. Dịch bệnh bùng phát đang làm gia tăng mối quan ngại của các tập đoàn đa quốc gia có chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc, mà trong số đó nhiều tập đoàn đã chứng kiến công việc kinh doanh bị hạn chế do sự thiếu minh bạch và những biện pháp cực đoan, được áp dụng nhanh chóng của Bắc Kinh. Những công ty đang cân nhắc việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có khả năng sẽ càng cảm thấy quyết định của họ là hợp lý và đẩy nhanh kế hoạch. Chẳng hạn, Apple được cho là có ý định dịch chuyển chí ít là một phần dây chuyền sản xuất các sản phẩm của họ (trong đó có AirPod và Apple Watch) sang Đài Loan do những thách thức mà dịch Covid-19 gây ra. Ở Washington, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã tận dụng dịch bệnh bùng phát để kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với thuốc men, vật tư y tế và các trang bị quan trọng khác.
Hỏi : Phản ứng của Trung Quốc trước dịch Covid-19 có thể làm thay đổi vị thế của nước này trong cộng đồng quốc tế như thế nào ?
Đáp : Dịch Covid-19 đã thổi bùng lên những mối quan ngại ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác về sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong các thể chế quản trị toàn cầu then chốt. Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn nữa về khả năng sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu ở quy mô mà Tập Cận Bình đã hình dung.
Những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trước đây như SARS, Ebola và bệnh bò điên đã buộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) phải đối phó với các quốc gia đang tìm cách tạo thế cân bằng giữa những quan ngại về sức khỏe và những hậu quả kinh tế và chính trị. Việc Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng trong các thể chế quốc tế đã khuếch đại những mối lo ngại đó và dẫn tới những câu hỏi về việc liệu WHO có thể thực sự đóng vai trò trọng tài trung lập trong thời kỳ khủng hoảng hay không.
Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, các nhà quan sát đã chỉ trích WHO vì sự chậm trễ trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng đối với đợt bùng phát này - một quyết định mà một số nhà ngoại giao cho rằng là do sức ép từ phía Bắc Kinh. Hơn nữa, Đài Loan đã không được phép tham dự các cuộc họp và giao ban khẩn cấp của WHO về cuộc khủng hoảng này, dù đã có phản ứng nhanh chóng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Cuộc khủng hoảng này cũng có thể khiến Bắc Kinh càng cảm thấy cần thiết phải tiếp tục xây dựng những thể chế quản trị toàn cầu song song của riêng mình. Theo thông tin từ trang tin Axios, các tổ chức tư vấn Trung Quốc đã nêu ra ý tưởng về một "tổ chức y tế toàn cầu do Trung Quốc dẫn dắt cạnh tranh với WHO".
Bất luận đợt bùng phát dịch Covid-19 diễn ra như thế nào, rõ ràng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng này đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn dĩ đã phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời nêu bật những câu hỏi về vị thế của Trung Quốc trong một thế giới ngày càng kết nối lẫn nhau.
Paul Haenle
Nguyên tác : How has the U.S.-China Relationship impacted the Response to the Coronavirus ?
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 20/03/2020
Paul Haenle là Giám đốc Trung tâm Carnegie- Tsinghua. Bài viết được đăng trên Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế