Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/03/2020

Chế độ chính trị và quan hệ Mỹ-Trung…

Trịnh Vĩnh Niên

Bàn về chế độ chính trị và quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh Covid-19

Lời giới thiệu của Hoàn cầu Thời báo : "Chúng ta bước vào năm 2020 với sự bất định và cảm giác bất an" – cuối năm ngoái Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói như vậy trong lời chúc mừng năm mới. Nhưng ông Guterres chưa nghĩ tới việc đầu năm 2020 bỗng dưng bùng phát một trận đại dịch lây nhiễm toàn cầu. Năng lực quản trị của các nước bất phân giàu nghèo, to nhỏ đều đứng trước cuộc đại sát hạch của trận dịch viêm phổi gây ra bởi virus corona kiểu mới. Trận dịch đó khiến rất nhiều người liên tưởng đến cuộc đấu tranh về chế độ chính trị. Trải qua cuộc đại sát hạch này chúng ta có thể học được những gì ? Ngoài dịch bệnh ra thì như ông Guterres nói, thế giới đầy bất định này sẽ diễn biến theo những xu thế nào ? Ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Hội đồng học thuật của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization, CCG) đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Hoàn cầu Thời báo, qua đó ông trình bày suy nghĩ về một số vấn đề quốc tế quan trọng.

***

ncqt1

Ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Hội đồng học thuật của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization, CCG)

Hoàn cầu Thời báo : Dịch viêm phổi gây ra bởi Coronavirus loại mới đang diễn ra ngày một ác liệt trên toàn cầu. Theo ông, nạn dịch này sẽ đem lại cho việc quản lý các quốc gia và quản lý toàn cầu những bài học và thách thức gì ? Phải chăng nó sẽ có ảnh hưởng lớn tới con đường phát triển sau này của các nước ?

Trịnh Vĩnh Niên : Nạn dịch đem lại thách thức nghiêm trọng đối với cơ cấu quản trị của các quốc gia, bất kể chế độ chính trị của họ ra sao. Thế nhưng chẳng nước nào có thể "chép bài" của nước khác. Rập khuôn, sao chép nguyên bản đều không khả thi ; mỗi nước đều phải tùy tình hình của mình mà tìm ra mô thức quản lý hữu hiệu.

Cho dù tình hình các nước khác nhau nhưng các nước đều thể hiện ra rất nhiều vấn đề có tính phổ biến. Bất cứ nước nào cũng đứng trước các vấn đề chung đó, chủ yếu gồm 5 mặt lớn : – chính phủ có kịp thời đối phó [nạn dịch] không, có đủ năng lực đối phó không ; mối quan hệ trung ương với địa phương ; quyền lực của các cơ quan chuyên ngành và sự xung đột chính trị [trong nước đó] ; quyền lực của truyền thông ; và lực lượng xã hội.

Nạn dịch đã gây ra cuộc thảo luận về chế độ quản trị quốc gia của Trung Quốc, chủ yếu về hai mặt : Một mặt, mọi người ngạc nhiên trước tính chất hữu hiệu của thể chế cả nước thống nhất một khối [the whole nation system], cho rằng rất ít quốc gia có thể động viên cả nước với quy mô lớn như Trung Quốc nhằm đối phó trận đại dịch này. Mặt khác, rất nhiều người coi chế độ tập quyền của Trung Quốc là nguồn gốc làm cho nạn dịch loang rộng ra, cho rằng trong thời kỳ đầu, hiện tượng báo cáo láo của chính quyền địa phương, công tác phòng chống dịch bất lực và các lực lượng xã hội thiếu tham gia hữu hiệu là những nguyên nhân quan trọng.

Về bản chất, tiêu điểm của cuộc tranh luận này là tranh luận về chế độ tập quyền và phân quyền. Quan điểm của những người chủ trương phân quyền là : nếu Trung Quốc theo thể chế phân quyền thì phải chăng họ có thể tránh được tình trạng để nạn dịch loang rộng ra ?

Câu trả lời là không phải như vậy. Trước hết, sự tập quyền của Trung Quốc thể hiện trên các mặt tổ chức, hệ thống chính trị-tư tưởng [nguyên văn : ý thức hình thái], quân đội và ngoại giao, nhưng trên hầu như tất cả các lĩnh vực phục vụ xã hội, như an sinh xã hội, y tế, sức khỏe, giáo dục, nhà chung cư, thì đều là phân quyền.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển dịch bệnh, tình trạng thông tin có công khai hay không thì không mâu thuẫn với thể chế tập quyền, chưa chắc thể chế phân quyền lại giúp ích cho việc công khai thông tin. Trong hoàn cảnh thế chế của Trung Quốc, phân quyền có nghĩa là địa phương hóa thông tin. Trên thực tế, việc công khai thông tin thì tỷ lệ thuận với thể chế tập quyền ; nói cách khác, chế độ tập quyền của Trung Quốc thì có lợi cho việc công khai thông tin. Nếu thông tin không công khai thì việc đó có nguyên nhân từ các mặt khác, chứ không có liên quan tới thể chế tập trung quyền lực vào trung ương.

Có điều là, mặt khác Chính phủ cũng cần phải đóng vai trò quan trọng trên mặt phân quyền cho xã hội ; đó là qua việc phân quyền cho xã hội mà đào tạo các công dân có tinh thần trách nhiệm. Nếu không thể dùng sự phân quyền cho xã hội để đào tạo công dân có tinh thần trách nhiệm thì sẽ xảy ra hiện tượng chính phủ phải gánh trách nhiệm quá nặng.

Nói tóm lại, các nước cần phải tìm được mô hình chống dịch bệnh và mô hình quản trị xã hội có hiệu quả nhất, thích hợp với tình hình nước mình. Nói về mặt xây dựng chế độ [chính trị] thì không chế độ nào hoàn mỹ cả ; bất cứ chế độ nào cũng phải tiến lên theo thời gian, căn cứ theo sự biến đổi của thời đại mà điều chỉnh và cải cách chính mình. Tiến trình diễn biến của chế độ [chính trị] sẽ mãi mãi không có ngày "lịch sử cáo chung".

Chính thể của phương Tây có một vấn đề lớn là khó sinh ra được một chính phủ hữu hiệu, "mỗi người một phiếu bầu" thì giống như nền kinh tế kế hoạch.

Hoàn cầu Thời báo : Theo ông thập niên 2020 sẽ là một thời đại như thế nào ? Thế giới sẽ đứng trước những biến đổi quan trọng nào ?

Trịnh Vĩnh Niên : Thập niên sắp tới sẽ là thời đại chủ nghĩa dân túy dâng cao, cũng là thời đại biến động lớn, nền móng của mối quan hệ quốc tế trước đây đang từ từ tan rã. Tiền vốn sẽ có thể lưu động khắp toàn cầu, tri thức cũng sẽ lưu chuyển trên toàn cầu, nhưng dân chúng thì chẳng thể tự do lưu chuyển, nghèo khó không thể lưu chuyển, quyền lực chính trị lại càng không thể lưu chuyển. Vì thế chủ quyền của các nước ắt phải ngày càng tăng cường, chủ nghĩa dân túy sẽ ngày một dâng cao. Điều đó chẳng những là thách thức đối với phương Tây mà cũng là thách thức đối với Trung Quốc. Nên giải quyết như thế nào ? Hiện nay cả thế giới còn chưa có phương án giải quyết.

Hình thái chính trị của phương Tây đang xảy ra biến đổi lớn. Chế độ chính trị hiện nay của phương Tây ra đời từ thế kỷ 18, nhưng xã hội toàn cầu hiện nay đã có những biến đổi long trời lở đất, tôi khái quát thành 4 thứ "ABCD", chúng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sinh thái chính trị của phương Tây : A là trí tuệ nhân tạo (AI), B là chuỗi khối (Block Chain), C là điện toán đám mây (Cloud Computing), D là số liệu lớn (Data).

Nhiều năm trước tôi từng nói mạng Internet có thể thay thế chính đảng của phương Tây. Trên ý nghĩa nào đó, chính đảng là một sân chơi ; mạng Inernet dựa trên nền tảng điện thoại di động cũng vậy. Hiện nay đã có ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo chính trị đứng xa giới chính khách, dựa vào điện thoại di động và mạng xã hội chứ không phải dựa vào chính đảng truyền thống mà nổi lên, hoặc [được gọi là] "người ngoài cuộc".

Chế độ dân chủ "mỗi người một phiếu bầu" của phương Tây cũng đứng trước thách thức rất lớn. Hiện nay các nước phương Tây có một vấn đề lớn là khó xây dựng được một chính quyền hữu hiệu : trước đây họ thực hành dân chủ [của giới] tinh hoa, hiện nay thực hành dân chủ [của] đại chúng. Thực ra đây là thứ dân chủ bảo thủ nhất, ai cũng có thể nói, có thể kháng nghị, có thể làm gì thì làm, nhưng chẳng ai có thể thực sự làm được việc gì – đây dường như là tình trạng hiện nay của toàn bộ phương Tây.

"Mỗi người một lá phiếu" thì giống như nền kinh tế theo thể chế kế hoạch, ý định ban đầu là tốt, muốn thực hiện sự bình đẳng về quyền lợi kinh tế và chính trị của mọi người. Nhưng ở đây có một giả thiết là mọi người đều có trình độ giáo dục và năng lực phân tích như nhau, cống hiến của mỗi người đều như nhau, khi phải lựa chọn thì mỗi người đều biết đồng thời chiếu cố tới lợi ích của cá nhân và của công chúng một cách có lý trí. Nhưng trên thực tế đều không làm được những điều đó. Sự biến đổi chính trị của phương Tây sẽ có thể là một biến đổi có tính lịch sử, nhưng những vấn đề đó hiện nay còn chưa được giới nghiên cứu dòng chính quan tâm.

Hoàn cầu Thời báo : Vậy ông cho rằng rốt cuộc chế độ chính trị của phương Tây sau này sẽ diễn biến theo hướng nào ? Cuộc đấu Trung Quốc-Mỹ hiện nay có ý nghĩa tranh giành về chế độ [chính trị] không ?

Trịnh Vĩnh Niên : Tôi cảm thấy phía sau cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc với Mỹ là đấu tranh về chế độ, nhưng việc đó không có gì đáng sợ. Rất nhiều người Trung Quốc ảo tưởng rằng sẽ có một ngày chế độ của Trung Quốc trở thành chế độ của nước Mỹ, điều đó là không thể xảy ra. Sự thực là chế độ của Mỹ hoặc phương Tây chưa bao giờ thực sự thành công tại bất cứ nơi nào bên ngoài phương Tây, tại Trung Đông, Mỹ Latinh đều không thành công, tại châu Phi càng như vậy, cho dù trên giấy mà nói thì những nước đó dường như có nền dân chủ theo chế độ đa đảng, hiến chính, mỗi người dân một lá phiếu.

Nước Nhật phát triển rất thành công, nhưng đảng Dân chủ Tự do nắm quyền lâu dài, rất nhiều người Mỹ không cho rằng Nhật có nền dân chủ kiểu phương Tây. Đài Loan thực sự muốn đi con đường dân chủ kiểu phương Tây nhưng trên thực tế chưa đi được xa : đầu thập niên 1990, GDP đầu người của Đài Loan và của Singapore xấp xỉ như nhau, nhưng hiện nay chỉ tiêu này của họ chưa bằng một nửa của Singapore. Rõ ràng Singapore không phải là nền dân chủ kiểu phương Tây ; chúng tôi có thể học nước Mỹ nhưng chúng tôi mãi mãi sẽ không biến mình thành chế độ như nước Mỹ ; nước Mỹ cũng vậy.

Tôi luôn suy nghĩ xem trong tương lai rốt cuộc chính thể như thế nào mới là chính thể tốt ? Chúng ta đã nhìn thấy những chính thể mà ta gọi là chuyên chế liên tiếp bị lật đổ, nhưng hiện nay xem ra [thể chế] dân chủ đại chúng không giải quyết được các vấn đề. Theo tôi nghĩ, trong tương lai, một chính thể hỗn hợp có thể mới là thể chế tốt nhất : nơi nào nên tập trung quyền lực thì phải tập quyền, bởi lẽ cùng với sự lưu chuyển của các loại yếu tố, chủ quyền quốc gia và bảo đảm an sinh xã hội trở nên ngày càng quan trọng ; nơi nào cần phân tán quyền lực thì phải phân quyền, bởi lẽ do sự phát triển công nghệ Internet, dân chúng ắt sẽ tham gia càng nhiều công việc chung. Điều đó cũng giống như việc hiện nay phần lớn các nước trên thế giới về kinh tế đều là những thể hỗn hợp ; tại Pháp và các nước Bắc Âu, thành phần nhà nước chiếm tỷ lệ rất lớn [trong nền kinh tế] ; có lẽ hình thái chính trị trong tương lai cũng sẽ ngày càng nhất trí với hình thái kinh tế đó.

Hoàn cầu Thời báo : Mặc dầu chiến tranh thương mại tạm thời tắt lửa nhưng sự ngăn chặn của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ. Phải chăng mối quan hệ Trung – Mỹ nhất định sẽ có thêm nhiều trắc trở ?

Trịnh Vĩnh Niên : Không thể lạc quan như vậy đối với mối quan hệ Trung – Mỹ. Trung Quốc cần đi hai chân, một chân là hợp tác, một chân là đấu tranh ; và không thể tránh được đấu tranh. Rất nhiều người cho rằng cuộc "chiến tranh lạnh mới" Trung – Mỹ đã bắt đầu. Tôi nghĩ đúng là xu thế như vậy đã thể hiện trên nhiều mặt, ví dụ việc trao đổi cán bộ khoa học kỹ thuật hai bên hiện nay hầu như đã dừng lại, ngoài ra còn có sự đối lập về hệ thống chính trị-tư tưởng, những điều đó có thể không tránh được.

Thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc luôn ở tình trạng bị tình cảm chi phối [?]. Khi Mỹ cảm thấy Trung Quốc đi cùng với họ thì họ rất vui lòng, đồng tình với Trung Quốc, cũng đồng ý giúp Trung Quốc. Nhưng khi cảm thấy Trung Quốc không đi cùng với mình, thậm chí đi ngược chiều, thì Mỹ sẽ đặc biệt tức giận. Rất nhiều năm trước, hồi ở Boston tôi từng hỏi giáo sư Lucian Pye (nhà chính trị học người Mỹ, nhà Hán học nổi tiếng) : "Vì sao thái độ của nước Mỹ đối với Trung Quốc lại bị tình cảm chi phối như vậy ?" . Ông ấy bảo nước Mỹ là một quốc gia "kiểu sứ mệnh" [tự cho mình có một sứ mệnh cao cả nào đó], lúc nào cũng chỉ muốn thay đổi các nước khác, nhất là khi Mỹ nhận thức thấy Trung Quốc là một quốc gia thế tục [trần tục, phi tôn giáo] thì họ càng cảm thấy muốn thay đổi Trung Quốc. Nhưng vấn đề là ở chỗ họ không thể nào thay đổi được Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, có một luận điệu cho rằng phải chăng chúng ta cao giọng quá, phải chăng chúng ta đã từ bỏ sách lược giấu mình chờ thời [thao quang dưỡng hối] ? Tôi cho rằng không phải như vậy. Năm 1981 khi tôi học Đại học Bắc Kinh, GDP đầu người của Trung Quốc còn chưa đến 300 USD ; nghĩa là ở thời đại Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc rất dễ giấu mình chờ thời. Nhưng hiện nay Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước, anh có muốn giấu mình thì cũng chẳng giấu được. Trước đây ít lâu tôi đi thăm Australia, dân xứ này nói việc người Trung Quốc có ăn tôm hùm hay không sẽ ảnh hưởng tới giá cả tôm hùm ở nước họ từng tuần lễ, nếu Trung Quốc ăn nhiều tôm thì giá tôm sẽ tăng lên, nếu ăn ít thì giá tôm sẽ hạ. Bởi thế sau khi đã trở thành nước lớn thì dù làm gì đều tất nhiên sẽ có ảnh hưởng lớn ở các nước khác.

Hoàn cầu Thời báo : Ông nhận xét gì về quan điểm nói Trung – Mỹ hiện nay không còn dính dáng gì với nhau, hoặc chỉ còn dính dáng một nửa với nhau ? Ngày càng có nhiều học giả cho rằng không thể tránh được điều đó. Ông thấy thế nào ?

Trịnh Vĩnh Niên : Trước đây luôn có người nói rằng Trung – Mỹ là "vợ chồng", sẽ không "ở riêng". Nói thế là không dựa vào kinh nghiệm. Trên thực tế tỷ lệ ly hôn ở một số đô thị lớn đã sắp lên tới 40%, điều đó cho thấy vợ chồng cũng có thể tách ra ở riêng. Trên thực tế, sau khi vào WTO, mức độ dựa vào nhau giữa Trung Quốc với Mỹ tăng lên nhanh chóng, đã đạt tới mức rất cao. Thực ra điều đó không phải là trạng thái bình thường. Nếu đối chiếu với tình hình trước đây của Mỹ – Nhật và Mỹ – Châu Âu thì sẽ thấy tiếp mức độ dựa vào nhau về thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ tất nhiên sẽ phải hạ xuống.

Nhưng mức độ dựa vào nhau về thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ có giảm một chút hoặc có "đứt móc một phần", điều này chưa chắc đã xấu. Hai nền kinh tế lớn như thế nếu dựa vào nhau quá khăng khít thì khi bất cứ bên nào có biến động một chút đều sẽ có thể làm đối phương cảm thấy rất "đau".

Mặt khác, chỉ cần đáp ứng hai điều kiện sau đây thì Trung – Mỹ sẽ không hoàn toàn đứt móc với nhau : Thứ nhất, Mỹ vẫn là nước tư bản chủ nghĩa. Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục mở cửa. Trung Quốc không có lý do đóng cửa ; đường lối bế quan tỏa quốc đã không còn khả thi. Từ những năm 1980, Trung Quốc đã tổng kết được bài học kinh nghiệm là đóng cửa thì sẽ lạc hậu, mà lạc hậu thì sẽ bị [người ta] đánh. Mấy thế hệ người lãnh đạo Trung Quốc vừa qua đều chưa bao giờ quên bài học này.

Mỹ là quốc gia tư bản chủ nghĩa điển hình. Giờ đây xem ra có cực ít khả năng thay đổi được điều đó. Mà tư bản thì nhất định sẽ đi về phía có thể kiếm tiền. Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, bảo Washington từ bỏ một thị trường hấp dẫn như thế là không thể được. Xem lại lịch sử nước Mỹ, nói chung Nhà Trắng nghe theo phố Wall chứ không phải phố Wall nghe theo Nhà Trắng.

Hoàn cầu Thời báo : Sự "đứt móc" về khoa học kỹ thuật cao cũng chưa chắc là chuyện xấu ư ?

Trịnh Vĩnh Niên : Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao, trước hết sự truyền bá kỹ thuật và lưu chuyển kỹ thuật giữa các nước là điều không thể tránh được, cho nên giờ đây vấn đề chúng ta thảo luận trên thực tế là vấn đề trình độ tiên tiến của một kỹ thuật. Ví dụ, một kỹ thuật nào đó của phương Tây đã từ A nâng cấp lên B rồi, thì A không còn được [thị trường] cần đến như trước nữa, tiếp đó chắc chắn A sẽ được truyền bá ra ngoài ; khi từ B lại nâng cấp lên C thì B cũng sẽ truyền bá ra ngoài. Quá trình này sẽ không dừng lại. Nhưng các nước đều không muốn đem kỹ thuật tốt nhất cho người khác ; từ trước tới nay đều như vậy. Mỹ chưa bao giờ cho Trung Quốc kỹ thuật tốt nhất của họ. Đồng thời Trung Quốc cũng chẳng phải là nước không có tính nguyên tắc. Trên mức độ nào đó mà nói, tôi cảm thấy trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao, hai bên Trung – Mỹ vốn đã luôn đứt móc với nhau, xưa nay chưa bao giờ thực sự móc nối với nhau. Bối cảnh lớn ấy sẽ không có thay đổi nhiều.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú

Nguyên tác từ tiếng Trung : 新加坡国立大学东亚研究所教授郑永年:制度演进没有"历史的终结", 来源:环球时报作者:白云怡 王雯雯.

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trịnh Vĩnh Niên, Nguyễn Hải Hoành
Read 575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)