Bàn về chế độ chính trị và quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh Covid-19
Lời giới thiệu của Hoàn cầu Thời báo : "Chúng ta bước vào năm 2020 với sự bất định và cảm giác bất an" – cuối năm ngoái Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói như vậy trong lời chúc mừng năm mới. Nhưng ông Guterres chưa nghĩ tới việc đầu năm 2020 bỗng dưng bùng phát một trận đại dịch lây nhiễm toàn cầu. Năng lực quản trị của các nước bất phân giàu nghèo, to nhỏ đều đứng trước cuộc đại sát hạch của trận dịch viêm phổi gây ra bởi virus corona kiểu mới. Trận dịch đó khiến rất nhiều người liên tưởng đến cuộc đấu tranh về chế độ chính trị. Trải qua cuộc đại sát hạch này chúng ta có thể học được những gì ? Ngoài dịch bệnh ra thì như ông Guterres nói, thế giới đầy bất định này sẽ diễn biến theo những xu thế nào ? Ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Hội đồng học thuật của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization, CCG) đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Hoàn cầu Thời báo, qua đó ông trình bày suy nghĩ về một số vấn đề quốc tế quan trọng.
***
Ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Hội đồng học thuật của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization, CCG)
Hoàn cầu Thời báo : Dịch viêm phổi gây ra bởi Coronavirus loại mới đang diễn ra ngày một ác liệt trên toàn cầu. Theo ông, nạn dịch này sẽ đem lại cho việc quản lý các quốc gia và quản lý toàn cầu những bài học và thách thức gì ? Phải chăng nó sẽ có ảnh hưởng lớn tới con đường phát triển sau này của các nước ?
Trịnh Vĩnh Niên : Nạn dịch đem lại thách thức nghiêm trọng đối với cơ cấu quản trị của các quốc gia, bất kể chế độ chính trị của họ ra sao. Thế nhưng chẳng nước nào có thể "chép bài" của nước khác. Rập khuôn, sao chép nguyên bản đều không khả thi ; mỗi nước đều phải tùy tình hình của mình mà tìm ra mô thức quản lý hữu hiệu.
Cho dù tình hình các nước khác nhau nhưng các nước đều thể hiện ra rất nhiều vấn đề có tính phổ biến. Bất cứ nước nào cũng đứng trước các vấn đề chung đó, chủ yếu gồm 5 mặt lớn : – chính phủ có kịp thời đối phó [nạn dịch] không, có đủ năng lực đối phó không ; mối quan hệ trung ương với địa phương ; quyền lực của các cơ quan chuyên ngành và sự xung đột chính trị [trong nước đó] ; quyền lực của truyền thông ; và lực lượng xã hội.
Nạn dịch đã gây ra cuộc thảo luận về chế độ quản trị quốc gia của Trung Quốc, chủ yếu về hai mặt : Một mặt, mọi người ngạc nhiên trước tính chất hữu hiệu của thể chế cả nước thống nhất một khối [the whole nation system], cho rằng rất ít quốc gia có thể động viên cả nước với quy mô lớn như Trung Quốc nhằm đối phó trận đại dịch này. Mặt khác, rất nhiều người coi chế độ tập quyền của Trung Quốc là nguồn gốc làm cho nạn dịch loang rộng ra, cho rằng trong thời kỳ đầu, hiện tượng báo cáo láo của chính quyền địa phương, công tác phòng chống dịch bất lực và các lực lượng xã hội thiếu tham gia hữu hiệu là những nguyên nhân quan trọng.
Về bản chất, tiêu điểm của cuộc tranh luận này là tranh luận về chế độ tập quyền và phân quyền. Quan điểm của những người chủ trương phân quyền là : nếu Trung Quốc theo thể chế phân quyền thì phải chăng họ có thể tránh được tình trạng để nạn dịch loang rộng ra ?
Câu trả lời là không phải như vậy. Trước hết, sự tập quyền của Trung Quốc thể hiện trên các mặt tổ chức, hệ thống chính trị-tư tưởng [nguyên văn : ý thức hình thái], quân đội và ngoại giao, nhưng trên hầu như tất cả các lĩnh vực phục vụ xã hội, như an sinh xã hội, y tế, sức khỏe, giáo dục, nhà chung cư, thì đều là phân quyền.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển dịch bệnh, tình trạng thông tin có công khai hay không thì không mâu thuẫn với thể chế tập quyền, chưa chắc thể chế phân quyền lại giúp ích cho việc công khai thông tin. Trong hoàn cảnh thế chế của Trung Quốc, phân quyền có nghĩa là địa phương hóa thông tin. Trên thực tế, việc công khai thông tin thì tỷ lệ thuận với thể chế tập quyền ; nói cách khác, chế độ tập quyền của Trung Quốc thì có lợi cho việc công khai thông tin. Nếu thông tin không công khai thì việc đó có nguyên nhân từ các mặt khác, chứ không có liên quan tới thể chế tập trung quyền lực vào trung ương.
Có điều là, mặt khác Chính phủ cũng cần phải đóng vai trò quan trọng trên mặt phân quyền cho xã hội ; đó là qua việc phân quyền cho xã hội mà đào tạo các công dân có tinh thần trách nhiệm. Nếu không thể dùng sự phân quyền cho xã hội để đào tạo công dân có tinh thần trách nhiệm thì sẽ xảy ra hiện tượng chính phủ phải gánh trách nhiệm quá nặng.
Nói tóm lại, các nước cần phải tìm được mô hình chống dịch bệnh và mô hình quản trị xã hội có hiệu quả nhất, thích hợp với tình hình nước mình. Nói về mặt xây dựng chế độ [chính trị] thì không chế độ nào hoàn mỹ cả ; bất cứ chế độ nào cũng phải tiến lên theo thời gian, căn cứ theo sự biến đổi của thời đại mà điều chỉnh và cải cách chính mình. Tiến trình diễn biến của chế độ [chính trị] sẽ mãi mãi không có ngày "lịch sử cáo chung".
Chính thể của phương Tây có một vấn đề lớn là khó sinh ra được một chính phủ hữu hiệu, "mỗi người một phiếu bầu" thì giống như nền kinh tế kế hoạch.
Hoàn cầu Thời báo : Theo ông thập niên 2020 sẽ là một thời đại như thế nào ? Thế giới sẽ đứng trước những biến đổi quan trọng nào ?
Trịnh Vĩnh Niên : Thập niên sắp tới sẽ là thời đại chủ nghĩa dân túy dâng cao, cũng là thời đại biến động lớn, nền móng của mối quan hệ quốc tế trước đây đang từ từ tan rã. Tiền vốn sẽ có thể lưu động khắp toàn cầu, tri thức cũng sẽ lưu chuyển trên toàn cầu, nhưng dân chúng thì chẳng thể tự do lưu chuyển, nghèo khó không thể lưu chuyển, quyền lực chính trị lại càng không thể lưu chuyển. Vì thế chủ quyền của các nước ắt phải ngày càng tăng cường, chủ nghĩa dân túy sẽ ngày một dâng cao. Điều đó chẳng những là thách thức đối với phương Tây mà cũng là thách thức đối với Trung Quốc. Nên giải quyết như thế nào ? Hiện nay cả thế giới còn chưa có phương án giải quyết.
Hình thái chính trị của phương Tây đang xảy ra biến đổi lớn. Chế độ chính trị hiện nay của phương Tây ra đời từ thế kỷ 18, nhưng xã hội toàn cầu hiện nay đã có những biến đổi long trời lở đất, tôi khái quát thành 4 thứ "ABCD", chúng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sinh thái chính trị của phương Tây : A là trí tuệ nhân tạo (AI), B là chuỗi khối (Block Chain), C là điện toán đám mây (Cloud Computing), D là số liệu lớn (Data).
Nhiều năm trước tôi từng nói mạng Internet có thể thay thế chính đảng của phương Tây. Trên ý nghĩa nào đó, chính đảng là một sân chơi ; mạng Inernet dựa trên nền tảng điện thoại di động cũng vậy. Hiện nay đã có ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo chính trị đứng xa giới chính khách, dựa vào điện thoại di động và mạng xã hội chứ không phải dựa vào chính đảng truyền thống mà nổi lên, hoặc [được gọi là] "người ngoài cuộc".
Chế độ dân chủ "mỗi người một phiếu bầu" của phương Tây cũng đứng trước thách thức rất lớn. Hiện nay các nước phương Tây có một vấn đề lớn là khó xây dựng được một chính quyền hữu hiệu : trước đây họ thực hành dân chủ [của giới] tinh hoa, hiện nay thực hành dân chủ [của] đại chúng. Thực ra đây là thứ dân chủ bảo thủ nhất, ai cũng có thể nói, có thể kháng nghị, có thể làm gì thì làm, nhưng chẳng ai có thể thực sự làm được việc gì – đây dường như là tình trạng hiện nay của toàn bộ phương Tây.
"Mỗi người một lá phiếu" thì giống như nền kinh tế theo thể chế kế hoạch, ý định ban đầu là tốt, muốn thực hiện sự bình đẳng về quyền lợi kinh tế và chính trị của mọi người. Nhưng ở đây có một giả thiết là mọi người đều có trình độ giáo dục và năng lực phân tích như nhau, cống hiến của mỗi người đều như nhau, khi phải lựa chọn thì mỗi người đều biết đồng thời chiếu cố tới lợi ích của cá nhân và của công chúng một cách có lý trí. Nhưng trên thực tế đều không làm được những điều đó. Sự biến đổi chính trị của phương Tây sẽ có thể là một biến đổi có tính lịch sử, nhưng những vấn đề đó hiện nay còn chưa được giới nghiên cứu dòng chính quan tâm.
Hoàn cầu Thời báo : Vậy ông cho rằng rốt cuộc chế độ chính trị của phương Tây sau này sẽ diễn biến theo hướng nào ? Cuộc đấu Trung Quốc-Mỹ hiện nay có ý nghĩa tranh giành về chế độ [chính trị] không ?
Trịnh Vĩnh Niên : Tôi cảm thấy phía sau cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc với Mỹ là đấu tranh về chế độ, nhưng việc đó không có gì đáng sợ. Rất nhiều người Trung Quốc ảo tưởng rằng sẽ có một ngày chế độ của Trung Quốc trở thành chế độ của nước Mỹ, điều đó là không thể xảy ra. Sự thực là chế độ của Mỹ hoặc phương Tây chưa bao giờ thực sự thành công tại bất cứ nơi nào bên ngoài phương Tây, tại Trung Đông, Mỹ Latinh đều không thành công, tại châu Phi càng như vậy, cho dù trên giấy mà nói thì những nước đó dường như có nền dân chủ theo chế độ đa đảng, hiến chính, mỗi người dân một lá phiếu.
Nước Nhật phát triển rất thành công, nhưng đảng Dân chủ Tự do nắm quyền lâu dài, rất nhiều người Mỹ không cho rằng Nhật có nền dân chủ kiểu phương Tây. Đài Loan thực sự muốn đi con đường dân chủ kiểu phương Tây nhưng trên thực tế chưa đi được xa : đầu thập niên 1990, GDP đầu người của Đài Loan và của Singapore xấp xỉ như nhau, nhưng hiện nay chỉ tiêu này của họ chưa bằng một nửa của Singapore. Rõ ràng Singapore không phải là nền dân chủ kiểu phương Tây ; chúng tôi có thể học nước Mỹ nhưng chúng tôi mãi mãi sẽ không biến mình thành chế độ như nước Mỹ ; nước Mỹ cũng vậy.
Tôi luôn suy nghĩ xem trong tương lai rốt cuộc chính thể như thế nào mới là chính thể tốt ? Chúng ta đã nhìn thấy những chính thể mà ta gọi là chuyên chế liên tiếp bị lật đổ, nhưng hiện nay xem ra [thể chế] dân chủ đại chúng không giải quyết được các vấn đề. Theo tôi nghĩ, trong tương lai, một chính thể hỗn hợp có thể mới là thể chế tốt nhất : nơi nào nên tập trung quyền lực thì phải tập quyền, bởi lẽ cùng với sự lưu chuyển của các loại yếu tố, chủ quyền quốc gia và bảo đảm an sinh xã hội trở nên ngày càng quan trọng ; nơi nào cần phân tán quyền lực thì phải phân quyền, bởi lẽ do sự phát triển công nghệ Internet, dân chúng ắt sẽ tham gia càng nhiều công việc chung. Điều đó cũng giống như việc hiện nay phần lớn các nước trên thế giới về kinh tế đều là những thể hỗn hợp ; tại Pháp và các nước Bắc Âu, thành phần nhà nước chiếm tỷ lệ rất lớn [trong nền kinh tế] ; có lẽ hình thái chính trị trong tương lai cũng sẽ ngày càng nhất trí với hình thái kinh tế đó.
Hoàn cầu Thời báo : Mặc dầu chiến tranh thương mại tạm thời tắt lửa nhưng sự ngăn chặn của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ. Phải chăng mối quan hệ Trung – Mỹ nhất định sẽ có thêm nhiều trắc trở ?
Trịnh Vĩnh Niên : Không thể lạc quan như vậy đối với mối quan hệ Trung – Mỹ. Trung Quốc cần đi hai chân, một chân là hợp tác, một chân là đấu tranh ; và không thể tránh được đấu tranh. Rất nhiều người cho rằng cuộc "chiến tranh lạnh mới" Trung – Mỹ đã bắt đầu. Tôi nghĩ đúng là xu thế như vậy đã thể hiện trên nhiều mặt, ví dụ việc trao đổi cán bộ khoa học kỹ thuật hai bên hiện nay hầu như đã dừng lại, ngoài ra còn có sự đối lập về hệ thống chính trị-tư tưởng, những điều đó có thể không tránh được.
Thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc luôn ở tình trạng bị tình cảm chi phối [?]. Khi Mỹ cảm thấy Trung Quốc đi cùng với họ thì họ rất vui lòng, đồng tình với Trung Quốc, cũng đồng ý giúp Trung Quốc. Nhưng khi cảm thấy Trung Quốc không đi cùng với mình, thậm chí đi ngược chiều, thì Mỹ sẽ đặc biệt tức giận. Rất nhiều năm trước, hồi ở Boston tôi từng hỏi giáo sư Lucian Pye (nhà chính trị học người Mỹ, nhà Hán học nổi tiếng) : "Vì sao thái độ của nước Mỹ đối với Trung Quốc lại bị tình cảm chi phối như vậy ?" . Ông ấy bảo nước Mỹ là một quốc gia "kiểu sứ mệnh" [tự cho mình có một sứ mệnh cao cả nào đó], lúc nào cũng chỉ muốn thay đổi các nước khác, nhất là khi Mỹ nhận thức thấy Trung Quốc là một quốc gia thế tục [trần tục, phi tôn giáo] thì họ càng cảm thấy muốn thay đổi Trung Quốc. Nhưng vấn đề là ở chỗ họ không thể nào thay đổi được Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, có một luận điệu cho rằng phải chăng chúng ta cao giọng quá, phải chăng chúng ta đã từ bỏ sách lược giấu mình chờ thời [thao quang dưỡng hối] ? Tôi cho rằng không phải như vậy. Năm 1981 khi tôi học Đại học Bắc Kinh, GDP đầu người của Trung Quốc còn chưa đến 300 USD ; nghĩa là ở thời đại Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc rất dễ giấu mình chờ thời. Nhưng hiện nay Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước, anh có muốn giấu mình thì cũng chẳng giấu được. Trước đây ít lâu tôi đi thăm Australia, dân xứ này nói việc người Trung Quốc có ăn tôm hùm hay không sẽ ảnh hưởng tới giá cả tôm hùm ở nước họ từng tuần lễ, nếu Trung Quốc ăn nhiều tôm thì giá tôm sẽ tăng lên, nếu ăn ít thì giá tôm sẽ hạ. Bởi thế sau khi đã trở thành nước lớn thì dù làm gì đều tất nhiên sẽ có ảnh hưởng lớn ở các nước khác.
Hoàn cầu Thời báo : Ông nhận xét gì về quan điểm nói Trung – Mỹ hiện nay không còn dính dáng gì với nhau, hoặc chỉ còn dính dáng một nửa với nhau ? Ngày càng có nhiều học giả cho rằng không thể tránh được điều đó. Ông thấy thế nào ?
Trịnh Vĩnh Niên : Trước đây luôn có người nói rằng Trung – Mỹ là "vợ chồng", sẽ không "ở riêng". Nói thế là không dựa vào kinh nghiệm. Trên thực tế tỷ lệ ly hôn ở một số đô thị lớn đã sắp lên tới 40%, điều đó cho thấy vợ chồng cũng có thể tách ra ở riêng. Trên thực tế, sau khi vào WTO, mức độ dựa vào nhau giữa Trung Quốc với Mỹ tăng lên nhanh chóng, đã đạt tới mức rất cao. Thực ra điều đó không phải là trạng thái bình thường. Nếu đối chiếu với tình hình trước đây của Mỹ – Nhật và Mỹ – Châu Âu thì sẽ thấy tiếp mức độ dựa vào nhau về thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ tất nhiên sẽ phải hạ xuống.
Nhưng mức độ dựa vào nhau về thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ có giảm một chút hoặc có "đứt móc một phần", điều này chưa chắc đã xấu. Hai nền kinh tế lớn như thế nếu dựa vào nhau quá khăng khít thì khi bất cứ bên nào có biến động một chút đều sẽ có thể làm đối phương cảm thấy rất "đau".
Mặt khác, chỉ cần đáp ứng hai điều kiện sau đây thì Trung – Mỹ sẽ không hoàn toàn đứt móc với nhau : Thứ nhất, Mỹ vẫn là nước tư bản chủ nghĩa. Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục mở cửa. Trung Quốc không có lý do đóng cửa ; đường lối bế quan tỏa quốc đã không còn khả thi. Từ những năm 1980, Trung Quốc đã tổng kết được bài học kinh nghiệm là đóng cửa thì sẽ lạc hậu, mà lạc hậu thì sẽ bị [người ta] đánh. Mấy thế hệ người lãnh đạo Trung Quốc vừa qua đều chưa bao giờ quên bài học này.
Mỹ là quốc gia tư bản chủ nghĩa điển hình. Giờ đây xem ra có cực ít khả năng thay đổi được điều đó. Mà tư bản thì nhất định sẽ đi về phía có thể kiếm tiền. Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, bảo Washington từ bỏ một thị trường hấp dẫn như thế là không thể được. Xem lại lịch sử nước Mỹ, nói chung Nhà Trắng nghe theo phố Wall chứ không phải phố Wall nghe theo Nhà Trắng.
Hoàn cầu Thời báo : Sự "đứt móc" về khoa học kỹ thuật cao cũng chưa chắc là chuyện xấu ư ?
Trịnh Vĩnh Niên : Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao, trước hết sự truyền bá kỹ thuật và lưu chuyển kỹ thuật giữa các nước là điều không thể tránh được, cho nên giờ đây vấn đề chúng ta thảo luận trên thực tế là vấn đề trình độ tiên tiến của một kỹ thuật. Ví dụ, một kỹ thuật nào đó của phương Tây đã từ A nâng cấp lên B rồi, thì A không còn được [thị trường] cần đến như trước nữa, tiếp đó chắc chắn A sẽ được truyền bá ra ngoài ; khi từ B lại nâng cấp lên C thì B cũng sẽ truyền bá ra ngoài. Quá trình này sẽ không dừng lại. Nhưng các nước đều không muốn đem kỹ thuật tốt nhất cho người khác ; từ trước tới nay đều như vậy. Mỹ chưa bao giờ cho Trung Quốc kỹ thuật tốt nhất của họ. Đồng thời Trung Quốc cũng chẳng phải là nước không có tính nguyên tắc. Trên mức độ nào đó mà nói, tôi cảm thấy trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao, hai bên Trung – Mỹ vốn đã luôn đứt móc với nhau, xưa nay chưa bao giờ thực sự móc nối với nhau. Bối cảnh lớn ấy sẽ không có thay đổi nhiều.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú
Nguyên tác từ tiếng Trung : 新加坡国立大学东亚研究所教授郑永年:制度演进没有"历史的终结", 来源:环球时报作者:白云怡 王雯雯.
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/03/2020
Xin được nói ngay rằng câu "nước Mỹ thất bại" là của ông Francis Fukuyama, một nhà kinh tế, chính trị học nổi tiếng của Mỹ qua bài viết "Mỹ : Một đất nước thất bại" (1).
Khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Donald Trump
Nước Mỹ là một đất nước dân chủ và vĩ đại bậc nhất trên thế giới. Ông Obama đắc cử tổng thống năm 2008 với khẩu hiệu "Chúng ta cần thay đổi" và năm 2016 ông Trump trở thành tổng thống Mỹ với khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Tôi không yêu, không ghét ông Trump vì tôi không phải là công dân Mỹ và vì tôi tin rằng người dân Mỹ có thể sửa chữa mọi sai lầm, nếu có.
Những chính sách mà ông Trump thực thi sau khi bước chân vào nhà Trắng đã gây ra một cơn "địa chấn chính trị" trong xã hội Mỹ và cả thế giới. Nhưng dù kết quả sau cùng ra sao thì nước Mỹ vẫn là mẫu mực của dân chủ và vẫn tiếp tục dẫn dắt thế giới.
Tôi có viết một bài về ông Trump, trong đó tôi đã thử phác thảo "chân dung" của ông qua bài diễn văn nhậm chức với những nhận định và đánh giá chủ quan của mình. Đó là một cách "nhìn văn đoán người" chứ không mang cảm tính yêu-ghét (2). Dư luận Việt Nam nổi sóng và tranh cãi khá dữ dội về ông Trump, sự bất an của người dân Mỹ và cả thế giới trong đó có Việt Nam là có thật. Rồi ông Trump sẽ nhận ra rằng lãnh đạo một quốc gia khổng lồ và phức tạp như nước Mỹ khác với điều hành một tập đoàn kinh tế. Tổng thống Mỹ có nhiều quyền hành nhưng vẫn dưới quyền Quốc hội Mỹ và Mỹ có cơ chế tam quyền phân lập để kiểm soát tổng thống. Sắc lệnh của một thẩm phán chống lại lệnh cấm của tổng thống không cho công dân 7 nước Hồi giáo nhập cư vào Mỹ là một ví dụ.
Qua hiện tượng Trump chúng tôi muốn phân tích thêm về "mô hình tổng thống" vì muốn hay không thì Việt Nam cũng phải thay đổi và khi đó Việt Nam phải lựa chọn giữa ba mô hình "tổng thống", "bán tổng thống" và "nghị viện".
Có hai hậu quả nổi bật trong chế độ tổng thống đó là :
1. Mô hình tổng thống làm suy yếu và thậm chí làm tan rã các chính đảng.
Ông Trump không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp, ông chỉ tham gia vào đảng Cộng hòa trước khi có ý định ra tranh cử tổng thống. Nhiều chính trị gia trong đảng Cộng hòa không thích ông Trump nhưng không làm gì được. Một đảng Cộng hòa lâu đời với nhiều chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và thành tích đã bị "tân binh" Trump chế ngự và thao túng. Ông Trump đã làm tê liệt đảng Cộng hòa bằng cách đẩy "tính hữu" của đảng đến tận cùng, điều mà các chính trị gia Cộng hòa khác không dám làm.
Chúng ta nên nhớ rằng "các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước". Chính vì không được đào tạo trong môi trường của tổ chức nên ông Trump đã có những phát ngôn gây sốc cho cả thế giới. Không ai biết được ông ta đang nghĩ gì và sẽ làm gì. Điều này có người cho là hay nhưng đừng quên rằng Mỹ là quốc gia đang lãnh đạo thế giới. Trật tự thế giới sẽ đảo lộn bởi những lời nói và hành động bất nhất, vội vã và áp đặt của Trump. Hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người Trung Đông phải rời bỏ quê hương ly tán vì chính sách "không can thiệp" của Obama vào khu vực này.
Tất nhiên là người Mỹ cũng lường trước sự việc nên đã dành cho Quốc hội vai trò lớn hơn nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền của tổng thống. Nhưng qui trình của việc phế truất hay luận tội một tổng thống rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Cho đến lúc đấy thì nhiều hậu quả đã xảy ra.
2. Mô hình tổng thống dẫn đến việc bầu bán vô trách nhiệm.
Chắc chắn chỉ có các chế độ tổng thống mới sinh ra một chuyện vô cùng kỳ quái là trước khi có bầu cử chính thức tổng thống đã diễn ra các cuộc "Bầu cử sơ bộ" do người dân bỏ phiếu, trong các chính đảng để chọn ra một ứng cử viên ra tranh cử với các đảng phái khác. Ông Trump và bà Hillary Clinton phải trải qua các cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang như là thi hoa hậu trước khi vào vòng bầu cử chung kết giữa hai đảng để trở thành tổng thống. Cuộc bầu cử tổng thống Pháp cũng đang diễn ra như vậy. Ứng cử viên tổng thống thuộc cánh hữu Fillon đang bị cáo buộc về tiền bạc liên quan đến vợ con và đang gặp khó khăn, tỷ lệ ủng hộ sa sút nghiêm trọng dù trước đó ông đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế tổng thống Pháp. Một nhân vật bất ngờ nhảy ra ứng cử nhưng lại có cơ hội trở thành tổng thống Pháp là cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, 39 tuổi.
Vì sao chúng tôi cho rằng việc "bầu cử sơ bộ" của các đảng phái trong chế độ tổng thống là kỳ quái ? Lý do thực ra rất giản dị, các chính trị gia và các đảng phái đã "chuyển giao" việc lựa chọn người lãnh đạo của mình cho người dân. Tức là các chính trị gia đã từ nhiệm vai trò và bổn phận của mình là đại diện cho người dân. Các chính trị gia lý luận rằng đường nào thì người dân cũng là người cuối cùng lựa chọn tổng thống thông qua lá phiếu của mình vậy hãy để họ chọn trước cũng là hợp lý.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, vậy các chính trị gia sẽ làm gì ? Vai trò của họ có cần thiết nữa không ? Sứ mệnh của các chính đảng đã đến hồi kết thúc ?
Một vấn đề thú vị và có tính triết học được đặt ra : lá phiếu của một người dân bình thường với một chính trị gia có giống nhau hay không ? Nếu theo phổ thông đầu phiếu thì giống nhau nhưng chắc chắn chất lượng sẽ khác nhau và đây là ranh giới mong manh giữa "dân chủ" và "trí tuệ". Tương tự như "công lý" và "bao dung", nếu một kẻ có tội và muốn công lý được thực thi thì phải trừng phạt kẻ có tội nhưng trừng phạt bao nhiêu là đủ để đảm bảo cho sự bao dung? Hay sự "công bằng" và "giàu có", nếu chúng ta lên án chủ nghĩa tư bản dã man vì sự bất bình đẳng giữa các giai cấp thì chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ vì sự "cào bằng" thành quả của người lao động…
Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng làm chính trị cũng cần đòi hỏi chuyên môn và kiến thức thì việc để người dân chọn lựa tổng thống là quá nguy hiểm. Người dân không thể nào có đủ hiểu biết (do hạn chế bởi thời gian, khoảng cách và công việc) để nhận ra những người có đủ tiêu chuẩn, trình độ dẫn dắt và lãnh đạo đất nước. Chính vì thế mà nhiều người dân tham gia các cuộc "bầu cử sơ bộ" trong đảng ở các nước theo chế độ tổng thống thường hời hợt, cảm tính với những tiêu chuẩn thấp và cực đoan. Các cuộc bầu cử tổng thống thời hậu cộng sản tại các nước Liên Xô cũ còn tệ hại đến mức các chính trị gia mua phiếu của cử tri bằng vài cân đường hay vài chai dầu ăn.
Nếu để nội bộ các chính trị gia đảng Cộng hòa chọn ra ứng cử viên tổng thống thì chắc chắn ông Trump khó lòng được lựa chọn.
Mặt khác, bất cứ trong một xã hội nào và vào bất cứ thời điểm nào của lịch sử thì tầng lớp trí thức (đặc biệt là trí thức chính trị) cũng phải đi trước để dẫn đường cho quần chúng thay vì chạy theo quần chúng.
Chỉ có các chính trị gia mới hiểu được sự phức tạp của chính trị và khả năng lãnh đạo đất nước của một người nào đó, vì vậy, để các nghị sĩ quốc hội chọn ra một thủ tướng lãnh đạo quốc gia theo mô hình "nghị viện" là thích hợp nhất và đặc biệt với một đất nước chia rẽ và mất đoàn kết như Việt Nam hiện nay. Đa số các nước phát triển và văn minh nhất hiện nay trên thế giới đều theo mô hình "nghị viện" như Đức, Anh, Nhật, Úc, Ý, Canada, Singapore, các nước Bắc Âu…
Sự nguy hiểm, phức tạp và bấp bênh của mô hình tổng thống, chúng tôi đã trình bày rõ trong dự Án chính trị "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai", chương 6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng hòa Việt Nam (3).
Mời độc giả cùng tham khảo (trích):
"Chế độ đại nghị : thể chế dân chủ và ổn vững nhất
Quyết tâm của chúng ta là thực hiện dân chủ một cách hiệu quả nhất và ngăn chặn sự trở lại của bất cứ một hình thức độc tài nào. Chúng ta lựa chọn thể chế chính trị trên căn bản của quyết tâm đó. Việc đầu tiên phải làm là chọn lựa giữa một trong ba công thức: chế độ tổng thống, chế độ bán tổng thống và chế độ đại nghị.
Trước hết, chúng ta dứt khoát loại bỏ chế độ tổng thống, nghĩa là chế độ trong đó một người được dân chúng trực tiếp bầu cử theo phổ thông đầu phiếu và nắm trọn quyền hành pháp. Chế độ này có nhiều tật nguyền không thể chấp nhận được. Ta có thể kể hai tật nguyền thông thường nhất.
Tật nguyền đầu tiên ở ngay trong thể thức bầu cho một người thay vì cho một chính đảng. Lối bầu này khiến các chính đảng không lớn mạnh được vì điều kiện chính để nắm chính quyền là một nhân vật có sức thu hút cử tri, như thế điều kiện cốt lõi là có một ủy ban vận động tranh cử tốt chứ không phải một bộ máy đảng. Ông hay bà ta có thể được bầu vì những lý do hời hợt như trẻ đẹp, đi đứng duyên dáng, nói năng hùng hồn, v.v. hơn là vì uy tín của đảng mình và khả năng chính trị của mình. Ứng cử viên này một khi đã đắc cử sẽ chế ngự đảng chứ không lệ thuộc đảng. Kinh nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước.
Tật nguyền thứ hai là nó dành quá nhiều quyền cho một người trong một thời gian được quy định trước. Trong hoàn cảnh của một nước chưa có truyền thống dân chủ, nó rất dễ dẫn tới lạm quyền và độc tài với hậu quả là đàn áp, bạo loạn, thậm chí nội chiến. Hơn nữa nếu tổng thống vì bất cứ lý do nào bị mất uy tín giữa nhiệm kỳ thì sinh hoạt quốc gia sẽ bế tắc nguy hiểm trong suốt thời gian còn lại vì tổng thống không thể bị thay thế.
Trên mặt thuần túy lý thuyết chế độ tổng thống có ưu điểm là đảm bảo một chính quyền mạnh có khả năng quyết định mau chóng những chọn lựa chiến lược cần thiết, nhưng thực tế hiện nay là nguy cơ chiến tranh không còn nữa, ngay cả chiến tranh lạnh cũng đã chấm dứt, nhu cầu có một chính quyền mạnh để lấy những quyết định quan trọng một cách nhanh chóng không còn đặt ra nữa. Vả lại điều gì một tổng thống có thể làm, một thủ tướng được đa số trong quốc hội yểm trợ cũng có thể làm. Sự thật lịch sử là cho tới nay, trừ trường hợp của Hoa Kỳ, tất cả mọi chế độ tổng thống trên thế giới đều đã thất bại, hoặc dẫn tới một chế độ độc tài cá nhân, như trường hợp của hầu hết các quốc gia theo chế độ này, hoặc dẫn tới một xung đột bế tắc giữa hành pháp và lập pháp.
Chính sự thất bại của các chế độ tổng thống đã đưa đến sự xuất hiện của các chế độ "bán tổng thống", nghĩa là vừa có một tổng thống vừa có một thủ tướng. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa chia sẻ một phần quyền hành pháp, nhiều hay ít theo quy định của hiến pháp, với một thủ tướng chịu trách nhiệm trước quốc hội trong đa số các trường hợp. Tổng thống do phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu ra nên uy thế rất lớn, ngang hàng với một tổng thống trong chế độ tổng thống thuần túy ngay cả khi quyền hiến định có thể khác. Uy thế này là một bảo đảm cho ổn vững chính trị, tương tự như một chế độ tổng thống, bù lại cái giá phải trả là, một mặt, một số bất lợi của chế độ tổng thống và, mặt khác, những mâu thuẫn về thẩm quyền không tránh khỏi trong nội bộ hành pháp giữa tổng thống và thủ tướng.
Các chế độ bán tổng thống có tác dụng giảm bớt những bất lợi của chế độ tổng thống bằng cách dung hòa nó với chế độ đại nghị. Đã có một số chế độ bán tổng thống thành công. Tuy nhiên, chế độ bán tổng thống là một chế độ rất phức tạp, bản chất và nội dung chế độ có thể thay đổi tùy theo những yếu tố tình cờ: tổng thống và thủ tướng cùng đảng hay khác đảng, nhiệm kỳ của tổng thống và của quốc hội ngắn dài bằng nhau hay khác nhau, tổng thống hay quốc hội mới được bầu gần đây, v.v.
Trong một chế độ đại nghị, quyền hành pháp ở trong tay một thủ tướng do quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước quốc hội. Như thế khi bầu ra một quốc hội, một cách gián tiếp, người dân cũng chọn lựa một thủ tướng. Ưu điểm của chế độ đại nghị là người dân bầu trước hết cho một dự án chính trị của một đảng thay vì cho một người và sau đó chọn lựa một dân biểu trong số những ứng cử viên sinh hoạt gần gũi với họ mà họ có điều kiện để đánh giá; qua dân biểu của họ, họ cũng có khả năng theo dõi và kiểm soát một cách thường trực sinh hoạt của chính phủ.
Thể chế đại nghị là thể chế dân chủ nhất và cũng là thể chế đúng đắn nhất, với điều kiện là không dẫn tới tình trạng lạm phát chính đảng và một quốc hội tê liệt vì bị phân hóa giữa nhiều khuynh hướng đối nghịch. Điều kiện này, như kinh nghiệm đã chứng minh, có thể thỏa mãn được bằng cách bầu tất cả hoặc phần lớn các dân biểu quốc hội theo phương thức bầu cử đơn danh và một vòng.
Chúng ta chọn lựa chế độ đại nghị vì sự giản dị và tính dân chủ cao của nó".
(hết trích)
Việt Hoàng (08/02/2017)
Ghi chú :
(1) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/01/my-mot-at-nuoc-that-bai-prospect.html
(2) http://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/525-chan-dung-tan-t-ng-th-ng-m-qua-bai-di-n-van-nh-m-ch-c
Hành Trình về Dân Chủ Đa Nguyên (Phần I đến Phần VI)
Phần VII
Lựa chọn chế độ chính trị
Hội đồng quốc gia Cisalpine họp tại Lyon tháng 12/1801- Tranh do Nicolas-André Monsiau (1754 - 1837) vẽ © Photo RMN-Grand Palais - D. Arnaudet
Chế độ chính trị của một Quốc gia có giá ảnh hưởng quyết định tới sinh mệnh quốc gia, tới số phận hàng triệu con người, tới tương lai của nhiều thế hệ. Chế độ chính trị quyết định con đường đi của một dân tộc trong một thời gian dài, nó có thể thúc đẩy quá trình phát triển tiến bộ vượt bậc, nhưng trong trường hợp ngược lại, trước khi bộc lộ các khuyết tật đủ để bị đào thải, nó có thể cướp đi của một dân tộc nhiều chục năm của lịch sử, chặn dòng chảy lịch sử dừng lại, thậm chí kéo lùi nền văn minh của một dân tộc ngược trở lại nhiều chục năm.
Vì ý nghĩa đó, lựa chọn chế độ chính trị cho một quốc gia là một việc làm cần một thái độ nghiêm túc, quyết định một lựa chọn phải là một hành vi thận trọng với đầy đủ trách nhiệm.
Tuy nhiên, trên thực tế, một mặt, thực tiễn lịch sử phát triển xã hội chính trị của nhân loại diễn ra đa dạng, phức tạp, hình mẫu các thể thức chế độ chính trị cho tới hiện tại chưa bộc lộ đầy đủ những đặc trưng để có thể phân biệt một cách rành mạch, mặt khác, các chế độ chính trị được lựa chọn của mỗi quốc gia chỉ có thể gặp nhau ở những nét lớn đặc trưng, trên thực tế cơ cấu của thể chế và cơ chế vận hành các thiết chế công quyền của từng quốc gia không hề giống nhau. Các khác biệt đó có xuất xứ từ nguồn gốc lịch sử, văn hóa, tập quán sinh hoạt, các điều kiện địa lý, tương quan quốc tế v.v... của mỗi quốc gia.
Cho nên, mô hình thể chế chính tri ̣cho mỗi quốc gia, mặc dù căn cứ trên các tiêu chí cơ bản có tính phổ biến về mặt lý thuyết, việc lựa chọn và áp dụng một thể chế vào việc tổ chức bộ máy nhà nước trên thực tế không thể chịu ràng buộc về mặt hình thức thể loại một cách cứng nhắc. Những đặc tính chung của một loại hình không phải là các điều kiện bắt buộc phải tuân thủ đối với mỗi quốc gia. Ngay trong từng hình mẫu, không phải quốc gia nào cũng vận hành giống nhau.
Vì vậy, lựa chọn một thể chế chính trị cho một Quốc gia, về nguyên tắc chỉ dựa trên Hệ thống các Giá trị quốc gia. Chế độ chính trị, cơ cấu và cơ chế vận hành của các thiết chế công quyền, kết cấu và cơ chế vận hành của các định chế nhà nước phải phù hợp tương ứng với hệ thống giá trị đó. Chế độ chính trị có chức năng bảo đảm vận hành bộ máy công quyền quốc gia giới hạn trong khuôn khổ hệ thống gía trị quốc gia, chịu sự quản chế của hệ thống giá trị quốc gia và có nghĩa vụ bảo vệ sự bền vững bất biến và tính bất tử của nó. Chế độ chính trị chỉ thay đổi khi triết lý dân tộc hay hệ thống giá trị dân tộc thay đổi. Cũng vì vậy, chỉ có thể thay đổi một chế độ chính trị khi đạt được sự thay đổi của hệ thống giá trị.
Như vậy, không phải là lựa chọn kiểu mẫu nào có sẵn. Nội dung của việc lựa chọn thể chế chính trị suy cho cùng là việc lựa chọn Hệ thống các giá trị quốc gia và phương thức Quản trị các giá trị đó.
Hệ thống giá trị quốc gia bao gồm hai giá trị nền tảng, giá trị vật chất và giá trị tinh thần, là tài nguyên quốc gia và lịch sử văn hóa dân tộc, giá trị có trên mặt đất trong giới hạn cương vực lãnh thổ nơi cộng đồng dân tộc sinh sống và giá trị của cộng đồng người sinh sống trên cương vực lãnh thổ đó, nói một cách đơn giản, là chủ quyền quốc gia và quyền của con người sống trong quốc gia đó.
Giá trị hữu hình, tức giá trị vật chất của quốc gia khi cương vực lãnh thổ đã ổn định là giá trị cố định, bất biến. Có nghĩa là chủ quyền quốc gia là xác định. Chỉ còn quyền con người, tức là các quyền cơ bản của con người cá thể và các quyền con người sống thành cộng đồng trong cương giới lãnh thổ chung, trong một quốc gia chung, dưới một Nhà nước chung, gọi là quyền công dân. Như vậy, loại giá trị thứ hai, giá trị vô hình hay giá trị tinh thần sẽ bao gồm quyền cá nhân và quyền công dân.
Quyền cá nhân là quyền mọi con người đều có như nhau, quyền mà thượng đế ban cho con người như một loài trong muôn loài. Đó là quyền được sinh ra, quyền được sống, quyền được ăn và tìm kiếm cái ăn, quyền được đi lại khi cần phải đi lại, quyền được nói khi muốn nói, quyền được suy nghĩ và nói ra những điều mình nghĩ̃, quyền được tự do tìm nơi ở, nơi sinh sống, quyền tìm cách nuôi sống mình và dòng giống của mình, quyền tự vệ và tìm cách tự vệ, quyền chống lại tước đoạt và áp bức... Những quyền này gọi là quyền tự nhiên, quyền đương nhiên của loài người, bất kể "cái con người" đó sinh ra ở đâu trên mặt đất và "cái con người" đó sống dưới chế độ chính trị nào.
Những cá thể tự do đó sống thành cộng đồng và tạo thành xã hội. Khi thực thi quyền tự do cá nhân, các cá thể đụng chạm lẫn nhau, và một quy tắc bắt buộc phải chấp nhận để được thật sự tự do, đó là khi thực thi tự do, mỗi cá thể không làm tổn hại quyền tự do của những cá thể khác.
Quyền của những con người cùng sinh hoạt trong một cộng đồng xã hội, cùng có một quy ước chung, chia sẻ với nhau một số phận và một không gian văn hóa chung, cùng thống nhất một hệ thống quyền lực công cộng chung là Nhà nước, thì các quyền đó được gọi là quyền công dân - quyền của người dân sống trong quốc gia, xã hội và Nhà nước chung đó. Quyền công dân là các quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền xã hội và quyền văn hóa.
Giá trị hữu hình của Quốc gia tồn tại độc lập tương đối với chế độ chính trị của quốc gia, trong khi giá trị vô hình, hay nhân quyền có thể có và có thể bị tước đoạt hoàn toàn, tùy thuộc vào chế độ chính trị hình thành và tồn tại trên quốc gia đó.
Như vậy, Hệ thống giá trị quốc gia bao gồm hai bộ phận gắn kết hữu cơ tạo ra nền tảng tồn tại của quốc gia, phần hữu hình có đặc tính bền vững, ít chịu tác động bởi sự thay đổi của chế độ chính trị, phần vô hình, ngược lại, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chế độ chính trị được áp đặt lên quốc gia.
Một cách tóm tắt, có thể định nghĩa Chế độ chính trị là hình thái kết cấu nhà nước có hai chức năng chính là bảo vệ chủ quyền và bảo vệ nhân quyền.
Dưới chế độ chính trị Dân chủ đa nguyên, Chính phủ nằm trong tay đảng chính trị cầm quyền, có tính chất luân phiên. Chính phủ được hình thành và ra đời từ chiến dịch tranh cử giữa các đảng chính trị khác nhau. Đảng có Dự án thắng thế giành được đa số ghế trong Quốc hội được quyền lập Chính phủ. Sự bền vững của Chính phủ tùy thuộc vào khả năng và mức độ thực hiện các cam kết trong chương trình tranh cử. Vì lý do này, tất cả các chính phủ cầm quyền đều chịu sức ép chính trị lớn trước áp lực của quốc hội và của dư luận. Trong quá trình chuyển chính sách thành luật, chính phủ luôn có xu hướng tự tăng quyền thực thi pháp luật và lấn áp quyền của công dân. Đó là một đặc tính có tính quy luật của mọi chính phủ.
Việc phân tích, so sánh các loại hình thể chế chính trị khác nhau là một việc khó, cần nhiều tài liệu và nhiều thời gian, có thể không hợp với diễn đàn thảo luận rộng rãi, vì vậy, như các đề tài trước, người viết chỉ làm việc của người nêu ra ý kiến.
Các loại hình Chế độ chính trị trên thế giới hiện đại
Sơ đồ 1 (BQV)
Các hình mẫu thể chế chính trị đặc trưng hiện nay trong lý thuyết chính trị xã hội học hiện đại, chỉ phân biệt hai chế độ duy nhất, đó là chế độ Quân chủ và chế độ Cộng hòa.
Chế độ gọi là Quân chủ khi Nguyên thủ quốc gia, hay người đại diện duy nhất cho chủ quyền quốc gia là một vị Vua, được quan niệm là chủ sở hữu toàn quyền và tuyệt đối với mọi tài sản thuộc quốc gia, bất kể tài sản đó là hữu hình hay vô hình. Vua không do ai bầu, Vua nhân danh Thượng đế, Đấng Toàn năng cai quản quốc gia, chăn dắt quốc dân, có quyền cha truyền con nối.
Quân chủ là tuyệt đối khi mọi tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà Vua và mọi thực quyền tập trung hoàn toàn trong tay nhà Vua. Nhà Vua làm ra luật, quy định các quy tắc sinh hoạt xã hội. Nhà Vua lập ra điều khiển các công cụ công lực để kiểm soát xã hội.
Quân chủ lập hiến là mô hình thể chế khi nhà Vua chỉ còn là Nguyên thủ tượng trưng, biểu tượng cho chủ quyền quốc gia, tượng trưng cho tính toàn vẹn và sự thống nhất các gía trị quốc gia. Mặc dù nhà Vua có quyền cha truyền con nối, không phải qua bầu cử, nhưng không có quyền thực tế trong các thiết chế quyền lực. Quyền của Quốc vương do Hiến pháp quy định. Quyền hành pháp được một Quốc hội do dân bầu trực tiếp giao cho Thủ tướng và Chính phủ, vẫn duy trì Quân Vương như thời phong kiến, nhưng không có thực quyền". Nhà vua cai trị, nhưng không quản trị".
Trong chế độ Quân chủ Lập hiến, quyền lực tập trung vào Quốc hội là cơ quan duy nhất nắm quyền lập pháp. Quốc hội bầu Thủ tướng và bầu ra các bộ trưởng trong số các nghị sĩ. Việc Quốc Vương chỉ định Thủ tướng và chấp nhận Nội các chỉ là hình thức. Gọi là lập hiến vì quyền lợi và quyền hạn của Quốc Vương do Hiến Pháp quy định. Chính phủ chỉ chịu trách nhiện trước Quốc hội và chỉ bị bãi miễn bởi quốc hội. Chế độ quân chủ lập hiến về nguyên tắc giống với chế độ Cộng hòa Đại nghị, còn gọi là Đại nghị Đơn chế hay Đại nghị Độc chế (Parlement Moniste).
1. Quân chủ tuyệt đối 2. Quân chủ lập hiến
Khác với chế độ Quân chủ, trong một chế độ chính trị khi người đứng đầu quốc gia, hay Nguyên thủ Quốc gia, đại diện cho chủ quyền tối cao của quốc gia không phải do cha truyền con nối mà là do dân chúng trực tiếp hay gián tiếp bầu ra, gọi là chế độ Cộng hòa. Chữ Cộng hòa (répupblique) nghĩa là công cộng, ngụ ý, tất cả tài sản quốc gia thuộc về công chúng.
Trong nền Cộng hòa, có Ba hình thức khác nhau, đó là Cộng hòa Tổng thống và Cộng hòa Đại nghị, vả Cộng hòa Bán Đại nghị hay còn gọi là Cộng hòa Bán Tổng thống (sơ đồ 1).
1. Chế độ Cộng hòa Tổng thống ra đời cùng một lúc nhằm hai mục đích :
- xóa bỏ chế độ cha truyền con nối, xóa bỏ quyền cá nhân đối với tài sản quốc gia,
- khắc phục tính chất siêu quyền lực của Quốc hội, ban đầu là chỉ gồm một viện gọi là viện Lãnh chúa, hay Nguyên lão, vốn xuất xứ từ nhóm quý tộc và tư sản giàu có, quyền thế lấn át nhà Vua, không qua bầu cử.
Nhóm cá nhân này quy tụ lập ra Viện lập pháp, nhằm tước đọat quyền lực tuyệt đối của nhà Vua và giành quyền độc lập, quyền tự do thao túng nền chính trị quốc gia, phục vụ lợi ích của tầng lớp tư sản công nghiệp đang lên.
Sự lộng quyền của Viện Lãnh chúa thúc đẩy sự ra đời của viện dân cử gọi là Hạ viện, có chức năng kiềm chế quyền lực của Viện Lãnh chúa, sau này gọi là Thượng viện. Tuy nhiên, do thế lực xã hội rất hạn chế của các nghị sĩ dân bầu so với các nghị sĩ thuộc thượng viện, nên trên thực tế, Thượng viện vẫn là cơ chế chi phối có tính quyết định và là nguyên nhân của nạn tham nhũng chính trị.
Trong chế độ Cộng hòa Tổng thống, hai thiết chế công quyền là Lập pháp và Hành pháp tách biệt nhau tuyệt đối. Quyền lực tuyệt đối của Cử tri được thể hiện ngang bằng khi vừa trực tiếp bầu ra Tổng thổng, vừa đồng thời trực tiếp bầu ra Quốc hội.
Quốc hội, mặc dù có cấu tạo lưỡng viện, nhưng không bầu ra tổng thống vì vậy không có quyền bãi miễn hay phế truất tổng thống. Ngược lại, Tổng hhống cũng không có quyền giải tán Quốc hội, nhưng cũng không chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội, tức là không phải báo cáo hay tường trình các hoạt động thuộc phạm vi quyền hành pháp. Nếu phù hợp các cam kết giúp tổng thống thắng cử và không trái luật, các sắc lệnh do tổng thống ký có hiệu lực pháp lệnh tương đương luật.
Cơ quan quyền lực công thứ ba là Tòa án cũng được phân lập tách biệt và được đảm bảo tính độc lập, thông qua việc Hiến pháp quy định các Thẩm phán do tổng thống bổ nhiệm, có nhiệm kỳ suốt đời, với một mức thu nhập luôn đảm bảo đủ cao để khó bị ảnh hưởng bởi các tác động có tính tham nhũng, nhưng lại dễ dàng bị bãi miễn vĩnh viễn chỉ do lỗi vi phạm pháp luật dù rất nhỏ.
Trong chế độ Tổng thống quyền Hành pháp tập trung duy nhất vào tay Nguyên thủ quốc gia. Chính phủ không tồn tại, thực chất là Nội các hay Văn phòng Tổng thống, gồm các Thư ký có chức năng tương tự Bộ trưởng. Vì không có quyền lực trung gian như Tổng thư ký hay Chủ tịch hội đồng thư ký có mục đích phân tán quyền lực của tổng thống, cùng với những quy trình phức tạp trong việc bác bỏ hay hay vô hiệu các quyết định của Tổng thống, cơ chế này trên thực tế tạo ra cơ hội cá nhân hóa và nguy cơ chuyên chế hóa bộ máy hành pháp quốc gia, trong các tình huống đặc biệt có thể chuyển hóa thành chế độ độc tài, thậm chí phát xít. Đó là trường hợp của Hitler, Mussolini, Franco, Pinochet, và gần đây là hiện tượng Donald Trump và Ricardo Duterte gây lo ngại cho tinh thần dân chủ và an toàn thế giới.
Trên sơ đồ 3, chúng ta thấy rõ con đường quyền lực đi từ cử tri, qua tổng thống và nội các để quay trở về công chúng. Tổng thống phê chuẩn luật sau khi Hạ và Thượng viện thông qua. Quốc hội có thể kiểm sóat, sát hạch Nội các, nhưng mang tính hình thức (vạch đứt).
Chế độ tổng thống
Sơ đồ 3 (BQV)
2. Chế độ Cộng hòa Đại nghị hay Đại Nghị Đơn chế (Parlement Moniste)
Chế độ Đại Nghị
Sơ đồ 4 (BQV)
Chế độ Cộng hòa Đại nghị ra đời do tâm thức khắc phục nhược điểm của thể chế Tổng thống theo khuôn mẫu Hoa Kỳ và lấy cảm hứng từ sự kế thưà di sản của chế độ Quân chủ Lập hiến đang áp dụng tại Vương quốc Anh và các quốc gia trong khối cộng đồng thịnh vượng chung, thuộc Liên Hiệp Anh. Nó gần như giữ nguyên các cơ chế quyền lực theo nguyên tắc tuyệt đối hóa quyền lực cơ quan lập pháp, tức là của Quốc hội.
Quốc hội, thông thường có cấu tạo Lưỡng viện.
Hạ viện bao gồm những đại biểu do cử tri toàn quốc bầu theo chế độ phổ thông trực tiếp, bỏ phiếu kín. Số đại biểu được tính theo số dân chúng, thông thường một đại biểu cho 200.000-500.000 người.
Ở các nước dân chủ đa đảng, số ghế của Hạ Viện được phân phối theo nguyên tắc tỷ lệ. các đảng chính trị có số ghế trong Hạ viện tỷ lệ với số phiếu giành được qua bầu cử. Nguyên tắc này đảm bảo mọi tổ chức chính trị đều có tiếng nói trong quốc hội, phản ánh trung thành và rộng rãi nhất ý nguyện của mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội.
Tuy nhiên, để chế áp xu thế tầm thường hóa cơ quan Lập pháp, kiểm soát chất lượng của Luật Pháp, sau khi thông qua Hạ Viện, trước khi trình tổng thống phê chuẩn, các Luật hay bộ Luật bắt buộc phải được thông qua Thượng Viện.
Thượng Viện bao gồm các đại biểu được chia đều cho mỗi địa phương bất kể số dân của từng địa phương đó. Thành viên Thượng viện, gọi là thượng nghị sĩ là những cá nhân ưu tú nhất của mỗi địa phương, cả về năng lực trí tuệ, năng lực xã hội và phẩm chất nhân cách. Thượng Viện có vai trò cân bằng Quốc hội, đảm bảo tính ổn định của Pháp Luật.
Tổng thống do Quốc hội bầu ra là Nguyên thủ quốc gia, đại diện cho chủ quyền và hệ thống giá trị quốc gia, nhưng chỉ mang tính biểu tượng, không có một quyền lực hành pháp cụ thể và trực tiếp nào. Danh nghỉa bổ nhiệm, hay bãi nhiệm Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ, nhưng thực chất chỉ đơn thuần là phê chuẩn đề xuất qua kết quả bầu cử của Quốc hội.
Quốc hội bầu ra và bãi miễn Thủ tướng chính phủ, trực tiếp bỏ phiếu phê chuẩn hay bãi mịễn các chức danh trong nội các chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng. Sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra.
Trường hợp thứ nhất, khi không thuộc đảng có đa số trong quốc hội, vị trí Thủ tướng luôn chịu áp lực rất lớn từ phía Quốc hội. Chỉ một chính sách thiếu hiệu quả, hoặc gây các phản ứng tiêu cực trong xã hội, Thủ tướng có thể bị Quốc hội phế truất và có thể kéo theo toàn bộ nội các. Trong trường hợp này, Chính phủ là một cơ chế yếu và kém hiệu quả, có thể bị Quốc hội làm tê liệt trong một thời gian dài, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và sinh hoạt xã hội. Mặt khác, Thủ tướng do quốc hội bầu ra có thể thuộc đảng chính trị ít uy tín và thiếu một chương trình cụ thể, gây tranh cãi và thiếu bền vững của các chính sách, nguyên nhân của việc phải thay đổi liên tục Thủ tướng và thành viên chính phủ, gây ra hủng hoảng chính trị nhiều khi trầm trọng.
Trường hợp thứ hai, khi Thủ tướng thuộc đảng có đa số, nhất là đa số tuyệt đối trong Quốc hội, thì ngược lại, Quốc hội không còn vai trò gì đối với Chính phủ. Nếu Thủ tướng đồng thời là thủ lĩnh của đảng đa số, thì chế độ rơi trở lại vào chế độ Tổng thống. Mọi quyền lực nằm trong tay Thủ tướng, và không một cơ chế nào kiểm soát. Thủ tướng có thể giải tán quốc hội, và bãi miễn Tổng thống, bằng cơ chế đa số. Thủ tướng, dù trong trường hợp này nắm trong tay tuyệt đối quyền hành pháp, nhưng vì không phải là tổng thống, nên về trên nguyên tắc và theo thông lệ Hiến pháp, không chiụ trách nhiệm đối với Chủ quyền quốc gia và Hệ thống gía trị quốc gia, vì vậy tiềm ẩn các nguy cơ vi phạm hiến pháp, lạm quyền và tha hóa, nguy hại tới an ninh quốc gia và ổn định trật tự xã hội.
Các quốc gia theo thể chế Đại Nghị có thể kể ra hiện nay gồm các quốc gia Quân chủ Lập hiến thuộc liên hiệp Anh, Vương quốc Bỉ, Đan mạch, Hà Lan, Canađa, Úc, Nhật, các quốc gia cộng hòa đại nghị như Đức, Áo, Italie, Cộng Hòa Séc, Phần Lan, Island, Hy Lạp, Ấn Độ, Liban.
Có thể thấy, chế độ Đại nghị, từ mong muốn khắc phục nhược điểm siêu quyền lực của cá nhân tổng thống, đến lượt mình, lại rơi vào việc tạo ra siêu quyền lực cho Quốc hội, vừa vô hiệu hóa, làm tê liệt chính phủ trong kịch bản Thủ tướng không có đa sô, ́vừa có nguy cơ tạo ra siêu Thủ tướng trong kịch bản ngược lại.
3. Chế độ Bán Tổng thống - Bán Đại nghị hay Đại nghị lưỡng chế (Parlement Dualiste)
Chế độ Bán Đại nghị
Sơ đồ 5 (BQV)
Thể chế chính trị Bán Tổng thống hay Bán Đại nghị ra đời tại Pháp, là kết quả lai ghép giữa hai thể chế Tổng thống và Đại nghị, có tính cực đoan rất ro, ̃ bắt đầu bằng hiến pháp 1958, được tăng cường và chính thức vận hành năm 1962 khi Tổng thống Pháp được bầu trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu.
Sự ra đời thể chế này, chiụ sự tác động rất cơ bản của chính Tổng thống Charles De Gaulle, người rất hiểu Nghị viện Anh đã lũng đoạn Chính phủ như thế nào, nhưng lại nghi ngờ tính dân chủ mà chế độ Tổng thống của Hoa Kỳ trao quá nhiều quyền lực vào tay cá nhân tổng thống.
Năm 1964 Tổng thống Charles de Gaulle xác định vai trò của Tổng thống và Thủ tướng như sau : "Ở nước ta, tổng thống và Thủ tướng không phải cùng một người là chuyện bình thường. Đúng là người ta khó có thể chấp nhận hai đầu lĩnh trên thượng đỉnh, nhưng, đúng thế, không hề có gì như vậy. Tổng thống là người duy nhất đại diện chủ quyền quốc gia, nhưng, tính chính xác, tính bản chất, tầm rộng lớn, tính kéo dài của các nhiệm vụ kéo theo sự căng thẳng không thể buông lỏng và không có giới hạn, bởi tình hình, bởi chính sách, bởi quốc hội, bởi kinh tế, bởi hành chính công vụ. Đối lại, đó là bổn phận vừa phức tạp, xứng đáng vừa căn bản của Thủ tướng".
Sau này, được hoàn chỉnh bằng hiến pháp 1968, thể chế Bán Tổng thống được khẳng định ở Pháp với tham vọng cân bằng quyền lực giữa các thiết chế công quyền của nhà nước, tránh dẫm lại vết chân của hai loại hình thể chế Tổng thống và Đại nghị truyền thống.
Lập pháp và Hành pháp là hai cơ quan đều do dân bầu trực tiếp, vì vậy có tư cách pháp nhân ngang nhau và độc lập với nhau. Nghĩa là Quốc hội không có quyền bãi miễn Tổng thống, nhưng laị có quyền bầu ra và bãi miễn Thủ tướng chính phủ, là cơ quan hành pháp song song làm đối trọng và phân tán quyền lực của Tổng thống. Ngược lại, mặc dù Tổng thống không có quyền giải tán Quốc hội, không có quyền bãi miễn Thủ tướng và giải tán Chính phủ, nhưng Tổng thống cũng không chiụ trách nhiệm chính trị trước Quốc hội, nghĩa là không có trách nhiệm phải giải trình các hoạt động trong phạm vi quyền hạn của Tổng thống phù hợp hiến pháp.
Trong chế độ Bán Đại nghị, hay còn gọi là Đại Nghị Lưỡng chê ́(parlement dualiste), Tổng thống giữ vai trò Nguyên thủ quốc gia, đại diện chủ quyền quốc gia, quyết định các chính sách của Chính phủ về mặt Ngoại giao và Quốc phòng. Tổng thống đảm bảo tính liên tục của Quốc gia, là người đảm bảo lợi ích chiến lược của quốc gia. Đồng thời, Tổng thống là người đại diện tối cao của hệ thống quyền con người và quyền công dân, quản chế và ngăn chặn các hành vi lạm quyền của Chính phủ.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu ra theo nguyên tắc đa số tuyệt đối. Thông thường, Chính phủ do đảng chính trị hay liên minh các đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội thành lập. Thủ tướng thường đồng thời được bầu bởi đảng đa số hay đảng ưu thế trong liên minh đa số. Vì luôn là lực lượng chiếm đa số ghế trong Quốc hội, nên trên thực tế, Quốc hội nằm trong tay Thủ tướng.
Chế độ lưỡng đầu chế này có tác dụng vừa san bớt quyền lực của tổng thống vừa khống chế quyền lực của Quốc hội, nhưng đồng thời làm giảm tính hiệu quả của các thiết chế thực thi pháp luật và khả năng thích ứng hoàn cảnh của các chính sách kinh tế, chính trị và xã hội.
Tổng thống có thể không thuộc đảng phái nào, nhưng trên thực tế, nếu không thuộc một đảng chính trị nhất định, cá nhân ứng viên thường không đủ khả năng tiến hành vận động, và ít khả năng đọat đủ phiếu bầu.
Ở chế độ Bán Đại nghị, hay Đại Nghị lưỡng chế, hay còn gọi là chế độ Bán Tổng thống, có hai khả năng phải đối diện :
Một, là khi Tổng thống đồng thời là Thủ lĩnh của đảng chính trị chiếm đa số trong Quốc hội. Nói chung, điều này thường xảy ra trong nhiệm kỳ đầu, vì khi cử tri ủng hộ chương trình của Tổng thống , thì tiếp tục ủng hộ chương trình của cùng một đảng khi bầu Quốc hội. Trong trường hợp này, Thủ tướng thường do Tổng thống chỉ định vì Tổng thống thường là chủ tịch đảng. Ở đây có sự nhất quán giữa đường lối của Tồng thống với chính sách của Chính phủ. Cơ chế nhị nguyên của Hành pháp gần như không còn hiệu lực, thiết chế công quyền trở về gần với dạng Tổng thống chế. Các quyết định của Tổng thống trở nên có hiệu lực và Chính phủ làm việc có hiệu quả cao. Tuy nhiên, vì Hiến pháp quy định chính phủ chịu sự quản chế của Quốc hội, nên trên thực tê,́ các quyết định của Tổng thống không có tính độc đoán của thể chế Tổng thống.
Trong trường hợp thứ hai, khi Thủ tướng không cùng đảng chính trị với Tổng thống. Trường hợp này thường xảy ra khi trong nhiệm kỳ đầu, Tồng thống và Chính phủ hoạt động kém hiệu quả, không tạo đủ niềm tin của công chúng. Đa số của cử tri ủng hộ chương trình của đảng đối lập. tổng thống đứng đầu một đảng, trong khi Thủ tướng đứng đầu chính phủ thuộc đảng đối lập. Trong trường hợp này, điểm tích cực là với các chính sách mới, Chính phủ mới có khả năng ngăn chặn được kịp thời những sai phạm mắc phải trong các chính sách của Tổng thống và Chính phủ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, vì không cùng hệ thống chính trị và không cùng chương trình, nên các chính sách thường gặp khó khăn trong việc thực thi. Lưỡng đầu quyền lực, tổng thống và Thủ tướng thường khống chế, cản trở lẫn nhau.
Chế độ Bán tổng thống có tác dụng ngăn chặn sự quá đà dẫn đến chuyên chế của Tổng thống vừa có khả năng ngăn chặn xu hướng siêu quyền lực của Quốc hội, dễ gây ra tình trạng lũng đọan pháp luật hoặc ngược lại tha hóa phẩm chất pháp luật.
Nếu Tổng thống thực sự có năng lực và chương trình kinh tế xã hội thực sự có kết quả, thì nhiệm kỳ tiếp theo, chính phủ và tổng thống tiếp tục thuộc cùng đảng đa số Quốc hội, có được tính nhất quán, tạo sự năng động và hiệu quả. Lúc này, Nhà nước có mô hình hoạt động gần với chế độ Tổng thống.
Ngược lại, nếu trong nhiệm kỳ đầu, năng lực và sai phạm trong các chính sách đã thể hiện rõ, thì ngay lập tức tình trạng đó được ngăn chặn và khắc phục bằng một Quốc hội có đa số thuộc đảng chính trị đối lập. Người điều hành chính phủ thuộc đảng phái khác, thực thi các chính sách kinh tế xã hội khác dưới sự ủng hộ bảo trợ của Quốc hội. Vai trò Tổng thống lui về chức năng trọng tài và bảo đảm các giá trị quốc gia phù hợp Hiến pháp, giống như trong chế độ Đại nghị truyền thống.
Chế độ Bán Tổng thống có kết cấu gần nhất với các đặc trưng cần có của một nhà nước dân chủ Đa nguyên. Tương ứng với hai chức năng chính của nhà nước là Đại diện Chủ quyền quốc gia và hệ thống giá trị quốc gia là Tổng thống và Đại diện lực lượng chính trị tiến bộ năng động, đáp ứng đòi hỏi tình huống là Thủ tướng chính phủ. Tổng thống có tính bền vững hơn, với nhiệm kỳ có thể dài hơn, trong khi Chính phủ có thể luân phiên giữa các đảng phái chính trị khác nhau trong một chế độ đa nguyên chính trị.
***
Trong các phân tích trên đây, có thể rút ra một nhận xét rằng, với ba loại hình đặc trưng hiện nay về kết cấu thể chế, mỗi kiểu mẫu đều có những ưu khuyết điểm nhiều ít khác nhau, không có mô hình nào có ưu thế vượt trội khuynh loát. Vì vậy, việc quyết định lựa chọn mô hình này hay mô hình khác có lẽ sẽ phải cân nhắc chủ yếu dựa trên các điều kiện đặc trưng về lịch sử, về văn hóa, các đặc điểm phương pháp tư duy và các đặc tính tập quán sinh hoạt của cộng đồng mỗi dân tộc.
Tuy nhiên, cần chú ý một điều đặc biệt khi quan sát các sơ đồ thể chế trên đây, có một quy luật được thể hiện rất rõ, rằng, chỉ ở chế độ Quân chủ, cả Tuyệt đối lẫn Lập hiến, quyền lực phát ra từ Vua và Quốc hội, theo một chiều duy nhất từ trên xuống, còn lại, ở các thể chế Cộng hòa, quyền lực xuất phát từ Dân chúng, từ dưới lên, rồi mới quay lại tác động vào Dân, từ trên xuống. Đặc biệt với các chế độ Dân chủ thì Cử tri là cơ chế quyền lực cao nhất, trên cùng. Điều 21-3 của Tuyên ngôn phổ cập nhân quyền quốc tế do Liên Hợp quốc tuyên bố năm 1948, có nói "Ý chí của dân chúng là nền tảng của mọi quyền lực".
Mọi thể chế có kết cấu khác đều không được phép tự nhận là Dân chủ. Chế độ độc đảng cộng sản hiện nay tại Việt Nam là chế độ có hệ thống quyền lực từ trên xuống. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nói "Hiến pháp là thể chế hóa cương lĩnh của đảng", lại vừa kêu "Dân chủ đến thế là cùng"!. Với những cái đầu có não trạng như vậy, ít người đủ tri thức để mất thì giờ tranh luận với họ. Có thứ Dân chủ nào mà cơ quan quyền lực cao nhất lại không phải là Cử tri không? Chỉ có thứ dân chủ nằm trong túi nhà Độc tài. Có loại độc tài công khai, có loại độc tài giấu mặt.
Paris, 25/01/2017
Bùi Quang Vơm