Lạnh mình
Nguyễn Nam, VNTB, 28/03/2020
Nhà chức trách thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tình huống xấu nhất xảy ra đối với dịch bệnh Covid-19 : các cơ sở hỏa táng phải hoạt động suốt 24 giờ.
Văn thư đóng dấu "Khẩn" ngày 26/3, với đe dọa tử vong buộc vào lò hỏa táng, để lộ dấu hiệu về tình trạng tương tự như trong các đồn đoán xảy ra ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
"Căn cứ tình hình hiện nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, "đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covid-19 có thể tử vong", Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị quý Công ty khẩn trương xây dựng báo cáo về Sở các nội dung sau :
1. Công suất tối đa của các cơ sở hỏa táng của Công ty trong trường hợp vận hành liên tục.
2. Quy trình tiếp nhận và giải pháp cách ly tối đa để không ảnh hưởng đến con người và các khu vực xung quanh.
3. Phương án cách ly và giải pháp duy trì vận hành hoạt động 24/24 tại cơ sở hỏa táng trong trường hợp có cán bộ làm việc tại cơ sở hỏa táng bị nhiễm (hoặc nghi ngờ bị nhiễm virut Covid-19).
4. Đề xuất, kiến nghị của Công ty trong công tác chuẩn bị phối hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thông tin đề nghị gửi về Sở Tài nguyên và môi trường (Phòng Quản lý chất thải rắn) trước ngày 28/03/2020".
Văn thư nói trên đóng dấu "Khẩn", ghi ngày phát hành bằng chữ viết tay là 26 tháng 3. Có ba công ty được ghi là nơi nhận văn thư này : Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố ; Công ty TNHH xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành ; Công ty cổ phần đầu tư Long Cơ.
Văn thư nói trên có một tình tiết rất đáng lo ngại vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự : "đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covid-19 có thể tử vong".
Tình trạng đe dọa tử vong trong chữa trị y khoa, không đồng nghĩa với ‘hết cách chữa trị’. Nếu vì nhiễm virus Covid-19 với đe dọa tử vong mà người bệnh có thể phải buộc vào lò hỏa táng, cho thấy đang dấu hiệu về tình trạng tương tự như trong các đồn đoán xảy ra ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Cũng có thể câu "đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covid-19 có thể tử vong", là một lỗi hành văn khi diễn đạt của những người soạn văn thư hành chánh. Song nếu vậy thì nên giải thích ra sao khi văn thư này có qua trình tự ‘chữ ký nháy’ – tức một cán bộ chuyên môn được phân công trách nhiệm duyệt lại toàn bộ nội dung lần cuối trước khi trình lãnh đạo ký. Chữ ký cuối cùng là của phó giám đốc sở, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố quản lý hai trung tâm hỏa táng là Bình Hưng Hòa và Đa Phước. Công ty TNHH xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành có trung tâm hỏa táng Phúc An Viên. Công ty cổ phần đầu tư Long Cơ có trung tâm hỏa táng Tháp Long Thọ.
Hiện tại, thời gian hỏa táng sẽ kéo dài trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, tùy thuộc vào áo quan. Hỏa táng bằng lò đốt gas. Thông thường, mỗi lò hỏa táng sẽ do hai công nhân đảm nhận.
Nếu trong trường hợp tử vong vì dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tất cả các lò thiêu ở ba công ty hoạt động tối đa công suất, với thời gian 24/24 giờ, thì đây sẽ là một thảm họa với mức độ tàn khốc nhất đối với Sài Gòn đầu thế kỷ 21.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 28/03/2020
********************
Sài gòn "phong tỏa", có khi chết đói trước khi chết dịch …
Diễm My, VNTB, 28/03/2020
Nghe đâu bên tây họ có an sinh xã hội, thất nghiệp còn có trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội để đủ sống. Bên Mỹ ông Trump cho mỗi người ngàn bạc. Còn dân tình mình,… đúng là có khi chết đói trước khi chết vì dịch.
Những mảnh đời nhỏ vụn trong xóm tưởng chừng như càng lúc càng xám xịt.
Vậy là Sài Gòn đã chính thức phong tỏa một phần kể từ ngày 28/3. Nhưng mà trước đó phố phường đã vắng hoe do người ta ở trong nhà trốn dịch. Chính phủ hi vọng sẽ dập được dịch trong vòng 2 tuần nữa và hạn chế số người nhiễm ở mức 1.000 người.
Người dân cũng được khuyến cáo không ra khỏi nhà để tránh lây lan dịch bệnh. Những mảnh đời nhỏ vụn trong xóm tưởng chừng như càng lúc càng xám xịt.
Cái xóm nhỏ toàn dân lao động nghèo. Ba chục nhà thì hết 25 nhà bán đồ ăn, nhà bán bánh mỳ, nhà bán xôi, nhà thì bánh bao, bún, mỳ. Sáng sớm là nghe tiếng người ta đẩy xe ra phía bên kia đường bán cho học trò. Còn khu hẻm trước đình cũng có tới 4 -5 quán vừa mỳ, vừa bún bán ăn sáng hay ăn xế. Mấy người bán cho học trò là đã ế luôn từ tế tới giờ.
Hai vợ chồng ông Xình ở sát vách đình. Hai ông bà cũng hơn 60 tuổi rồi. Ban ngày bà vợ bán bánh mỳ, ông chồng phụ vợ chạy ra chạy vô. Giờ không bán được nữa vì học trò nghỉ học cả mấy tháng này. Hai vợ chồng cùng thất nghiệp vì hẻm đình có người bán bánh mỳ xưa giờ, không chen ngang vô được.
Ngày còn bán được, chiều tối chuẩn bị xong đồ ngày mai bán thì bà ngủ bên trong, ông kê cái ghế bố nằm ngoài hẻm. Cái nhà nhỏ có đúng một cái cửa ra vô. Gọi là nhà cho nó sang, chớ thiệt ra hai ông bà ở trong một cái chái trải vừa đủ một cái chiếu 1,2m. Sát hết ba bức vách là thùng, hộp chồng chất lên nhau. Cái xe bánh mỳ để ngoài sân có xích sắt móc vô của sổ.
Giờ phải ở trong nhà, nóng nực như thiêu, thu nhập không có. "Chắc chết thôi cô ơi, dịch lâu vợ chồng tui ăn thâm hết vô vốn. Mà cô coi cái nhà tui có chừng này, hai vợ chồng ngồi ngó nhau vầy chịu sao thấu ? Đi ra ngoài thì sợ dịch, lây bịnh thì khổ lắm".
Hai vợ chồng ôn Xình còn đỡ hơn mấy nhà có con nít. Xóm lao động nghèo mà con nít đông. Tụi nhỏ nghỉ học từ tết tới giờ. Thêm cái lệnh phong toả, phải ở trong nhà. Cả xóm lúc nào cũng nghe tiếng cha mẹ la con, rồi tiếng con nít đánh nhau, la khóc vì nóng, ngộp.
Nhà trong hẻm nhỏ đi vừa lọt cái xe ba gác. Giờ bắt cách nhau 2 m thì chỗ đâu mà cách ?
Cái quán nhậu đầu hẻm cũng không khá hơn. Chủ mới sang quán trước Noel năm rồi. Bỏ vô một mớ tiền xây dựng, mua sắm để làm quán nhậu vỉa hè. Mới mở ra được tuần lễ thì dính vô trận "thổi đo nồng độ cồn". Khách vắng hoe, chỉ cầu cho ngày có chừng hai ba bàn để cho đủ tiền sở hụi. Hai vợ chồng phải gởi con về quê, thay phiên nhau vừa làm bếp vừa chạy bàn, dọn dẹp lấy công làm lời.
Rồi đùng cái có dịch corona. Khách đã vắng lại càng vắng hơn. Hôm cầm cái giấy phường yêu cầu đóng cửa mà hai vợ chồng muốn khóc nhưng nghĩ thời buổi này làm gì mà có tới 30 khách một lần vô quán đâu. Thôi kệ thì cứ liều bán thêm ít bữa gỡ lại chút vốn mấy món đồ tươi đã lỡ mua vô.
Tối hôm kia, chị vợ hớt hải báo tin : "Quán em bị bên liên ngành lập biên bản rồi chị ơi. Họ nói quy mô quán em có trên 30 chỗ ngồi nên không được mở cửa. Nhưng mà em cũng liều mở cửa bán tới cuối tháng coi sao, chớ giờ vốn liếng em nằm trong mớ đồ ăn tươi này nè".
Chiều nay đi ngang qua, thấy cô vợ đang lúi hụi dọn dẹp. " Chị ơi tụi em đóng cửa về quê liền đây. Hồi sáng em ráng mở cửa bán môt chút mà mấy ông trên phường ào tới lập biên bản bắt em đóng cửa liền không thì phải nộp phạt". Ông chồng thì trệu trạo, "Tiền thuê chỗ bà chủ giảm cho tụi em được một phần, mà đóng cửa không buôn bán gì được tiền đâu mà trả tiền nhà giờ. Nếu sang tháng mà vẫn căng vầy thì tụi em chết. Tiền vay mượn mở quán chớ em đâu có nhiều đâu".
Đối diện nhà tôi là nhà của một chị giám đốc công ty tư nhân. Chị nói từ tết tới giờ việc không nhiều. Thu không đủ bù chi vì tiền lương công nhân vẫn phải trả đều đều. Tiền mặt hết rồi, việc thì không có.
Chị nói lương công nhân thì phải trả cho hết tháng này, ai muốn về quê thì về chớ ngồi đây cũng chơi không. Qua tuần thì phải hỏi bên bảo hiểm xã hội coi bảo hiểm đóng bao nhiêu một đầu người. Rủi mà mắc quá thì chắc phải cho công nhân nghỉ việc luôn chớ giờ không còn tiền đâu nữa mà đóng cho họ.
"Tiền thuê xưởng cũng hơn 50 triệu một tháng mà chủ nhà nhất định không chịu bớt. Coi như từ tết tới giờ mấy mẹ con em làm không lương bị phải để tiền trả cho thợ. Giờ thêm phong tỏa mà không cho thợ nghỉ thì em chết chắc chị ơi. Có hết dịch em cũng không biết làm gì nữa, mà bỏ nghề mình theo mấy chục năm nay không đành".
Ông Tư bán vé số đi ngang qua chép miệng : "Dịch dọt vậy tui đói thôi cô Hai ơi. Vé số bán không ai mua. Mấy kỳ có ế vé số, tui còn ghé quán cơm từ thiện ăn được. Giờ mà bắt đóng cửa tiệm ăn hết chắc tui chưa chết vì con cô vít thì tui chết đói trước rồi cô !"
Nghĩ thiệt là ác. Cái con siêu vi không ai thấy nó ở đâu, mà nó làm cho bao nhiêu người điêu đứng.
Nghe đâu bên tây họ có an sinh xã hội, thất nghiệp còn có trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội để đủ sống. Bên Mỹ ông Trump cho mỗi người ngàn bạc. Còn dân tình mình,… đúng là có khi chết đói trước khi chết vì dịch.
Diễm My
Nguồn : VNTB, 28/03/2020