Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/03/2020

Tại sao cộng sản miền Bắc thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam ?

Nguyễn Đình Ấm

Trong chiến tranh cổ điển (không sử dụng vũ khí hạt nhân…) những yếu tố thắng lợi là vũ khí tinh thần, vật chất và hoàn cảnh.

bacnam0

Từ trái, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và Đại tá Trần Văn Nhựt tại chiến trường An Lộc ngày 7/7/1972 (Hình : Flickr manhhai) - Ảnh minh họa

Trong chiến tranh thì phía lạc hậu thắng văn minh là chuyện không hiếm, ví như thế kỷ 12, 13 đế quốc Mông Cổ đã chiến thắng, tàn phá cả loạt các xã hội văn minh hơn ở Châu Á, Trung Cận Đông, Châu Âu hay Mãn Thanh chiến thắng nhà Minh…

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1965-1974) nếu nhìn vào sức mạnh vật chất, khoa học kỹ thật, trình độ văn minh thì phía miền Bắc không thể so sánh với phía miền Nam, thế nhưng Bắc Việt đã thắng, theo tôi là những nguyên nhân sau đây :

Nói miền Bắc nhưng thực chất là cả hàng chục nước cộng sản, gọi chung là phe xã hội chủ nghĩa, chiến đấu với miền Nam và Mỹ cùng sự góp sức mang tính chất biểu tượng của Nam Hàn, Australia… Trong chiến tranh cổ điển (không sử dụng vũ khí hạt nhân…) những yếu tố thắng lợi là vũ khí tinh thần, vật chất và hoàn cảnh.

1. Trong cuộc chiến này sức mạnh tinh thần của phe miền Bắc cao hơn phía miền Nam

Phe miền Bắc gồm các chế độ độc tài, nhà cầm quyền miền Bắc Việt Nam nắm tuyệt đối vũ khí tuyên truyền nên tất cả người dân Việt Nam đều hiểu nhà cầm quyền miền Bắc là chính nghĩa, đại diện cho dân tộc Việt Nam chiến tranh vì lợi ích của nhân dân, thống nhất đất nước. Đặc biệt, từ khi Mỹ đưa quân đội vào Việt Nam (1965) thì nhà cầm quyền miền Bắc giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tất cả người miền Bắc cùng một bộ phận dân chúng miền Nam thiên cộng hiểu mình chiến đấu vì độc lập cho tổ quốc, vì tự do cho nhân dân, càng tự hào "đứng mũi, chịu sào" cho phe xã hội chủ nghĩa ưu việt nên nhiệt tình tham gia tất cả những gì nhà cầm quyền miền Bắc "giao phó".

Trong khi đó phía miền Nam là chế độ dân chủ, báo chí tư nhân phản ánh thông tin theo nhiều chiều, thông tin cả những sự thật không có lợi cho Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là phong trào thân cộng tố cáo chế độ Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy quyền, ngụy quân" được một phần dân chúng miền Nam thiên tả ủng hộ theo, nhất là phong trào phản chiến qua văn hóa và âm nhạc đã khiến tinh thần chiến đấu như người lính miền Nam suy giảm. Từ sau năm 1965 rất nhiều thanh niên miền Nam đứng vào hàng ngũ phe cộng sản miền Bắc.

2. Toàn bộ tổ chức của nhà nước miền Bắc tập trung vào chiến tranh

Những năm diễn ra cuộc chiến tranh, toàn bộ miền Bắc Việt Nam là một trại lính, tất cả tư liệu sản suất, tài sản như ruộng, vườn, trâu bò, gia súc, gia cầm, sông, suối, rừng, nhà máy, xí nghiệp… đều của hợp tác xã, của nhà nước. Bất kể ai không theo chỉ đạo, phân công của nhà cầm quyền địa phương đều không có đất sống. Số ít những thanh niên trốn lính, bộ đội đào ngũ về địa phương bị giam cầm, chế diễu, không có bất cứ cơ sở vật chất gì để sinh sống do tất cả người dân thành phố tồn tại nhờ được phát sổ gạo, chút thực phẩm còn ở thôn quê thì nhờ phân phối của hợp tác xã.

Cuộc sống người dân quá kham khổ cũng là một động lực để huy động lính. Không ít thanh niên muốn vào bộ đội đơn giản để được ăn no nên có câu chế giễu hiện tượng đào ngũ : "Nam (Nam Định) chuồn, Hà (Hà Nam Ninh) lủi, Thái Bình bay ; Thủ đô anh dũng trốn ban ngày/Thanh Hóa mất mùa xin ở lại…"... Vì vậy, nhà cầm quyền miền Bắc hướng được toàn bộ sức người, sức của và viện trợ của phe xã hội chủ nghĩa cho chiến tranh. Trong khi đó ở miền Nam là chế độ dân chủ, ruộng vườn, của cải… là chế độ tư hữu, nguồn lực vật chất bị phân tán, người dân trốn quân dịch, đào ngũ vẫn có thể tồn tại.

3. Hai chiến lược khác nhau

Mỹ, miền Nam dùng chiến tranh "vỗ mặt" trong khi miền Bắc dùng chiến tranh du kích nên sức mạnh vật chất của Mỹ, miền Nam sử dụng trong cuộc chiến là không "tương thích" với hoàn cảnh của đối phương.

Vũ khí hiện đại của Mỹ sử dụng ở Việt Nam là không hiệu quả do hạ tầng miền Bắc hầu như không có gì ngoài số ít cây cầu, nhà máy, công xưởng nhỏ, lạc hậu, số của cải vật chất sản xuất ra chỉ chiếm phần nhỏ so với viện trợ của phe xã hội chủ nghĩa trong nguồn lực cho cuộc chiến… Trong khi đó một một phi vụ, trái bom, một tên lửa của đối phương giá hàng ngàn, vạn, triệu USD chỉ để phá một cái cầu lát gỗ, cái nhà tranh vách đất, một miểng rừng, một mảnh ruộng lúa chỉ đáng vài chục trăm USD… phỏng có ăn thua gì ?

Riêng về con người, phía miền Nam và Mỹ không thể "đọ" được với phía miền Bắc : Một bộ đội miền Bắc đi lính, dân công… chính quyền không cần phải có chính sách gì tốn kém, tất cả cuộc sống tối thiểu có hợp tác xã lo, một người lính, dân quân, thanh niên đi chiến trường bị chết không làm nhà cầm quyền bận tâm. Tôi đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Bắc (1967-1969) và chiến trường 559 (1969-1975). Ở chiến trường có những tuần không hề biết đến hạt cơm chỉ kiếm những thứ trong rừng để sống, làm việc, khi giải ngũ chỉ được phát vài chục đồng lộ phí về quê, khi chuyển ngành cũng không có đồng nào, bạn tôi trung sĩ chiến đấu 5 năm ở chiến trường bị thương, khi giải ngũ được lĩnh 500 đồng. Hiện nay anh trai của người viết bài này cũng như bao nhiêu nghìn, vạn người nữa chết trong chiến tranh vẫn chỉ có thông tin duy nhất : "Hy sinh ở mặt trận phía nam". Chấm hết !

Mạng người như thế cộng với lương thực, quân nhu, đạn dược do phe xã hội chủ nghĩa cung cấp đủ dùng, cán bộ lãnh đạo ở hậu phương có nguồn cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm riêng, ở chiến trường phần lớn họ ở boongke và tiện nghi gần như ở phố… nên nhà cầm quyền miền Bắc không quá ngại chiến tranh.

Ngược lại, phía miền Nam, một người đi lính nhà nước phải nuôi cả nhà, nếu bị chết thì nhà chức trách phải tìm bằng được thi thể, hài cốt và chi trả gánh nặng cho gia đình, người thân của tử sĩ được lãnh tiền tử tuất khá lớn và lâu dài.

Đặc biệt, ưu thế về phía miền Bắc so với miền Nam là chế độ chính trị. Với miền Bắc ngoài nhà cầm quyền miền Bắc độc quyền tuyên truyền theo định hướng "ta thắng, địch thua", người dân hầu như không biết gì về thực chất cuộc chiến, do đó họ chỉ một mực tin vào lãnh đạo, tuyên truyền nên bộ tham mưu của chế độ cộng sản muốn tổ chức, kéo dài chiến tranh bao lâu tùy ý. Ngược lại, phía miền Nam, Mỹ là chế độ dân chủ tự do thông tin, người dân theo dõi được cả quang cảnh một trận đánh trên chiến trường do các hãng truyền thông tư nhân phát đii nên khi chiến tranh kéo dài, ác liệt, tổn thất… nhân dân, các đảng đối lập phản đối, biểu tình, các cơ quan quyền lực ngăn cản, cắt ngân sách… nên bộ máy chiến tranh phía dân chủ không thể chủ động trong cuộc chiến. Có thể nói, đây là "tử huyệt" của các chế độ dân chủ trong chiến tranh.

Thời gian mà Ukraine bị Nga cướp trắng Crimea là dưới chế độ độc tài nên Putin mới tự do đưa quân vào chiếm bán đảo Crimea, vì nếu là phương Tây thì ban tham mưu phải còn họp hành, bàn thảo và bỏ phiếu ở các viện quốc hội…

bacnam2

Các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đóng góp cho việc bảo vệ An Lộc. (Hình : Flickr manhhai)

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ngoài những khác biệt về ưu thế trên, phía miền Nam thất bại cũng từ hoàn cảnh, thế chiến lược toàn cầu của Mỹ đã thay đổi : Năm 1972 do cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài, tổn thất lớn nên nhân dân, quốc hội Mỹ phản đối mạnh, Liên Xô và Trung Quốc lại mâu thuẫn, người Mỹ muốn từ bỏ chiến tranh Việt Nam và liên kết với Trung Quốc để cô lập Liên Xô nên quyết định rút quân khỏi Việt Nam, nhường bán đảo Đông Dương cho Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng.

Từ sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ rút toàn bộ quân đội, vũ khí nặng khỏi Việt Nam, cắt viện trợ cho miền Nam từ 2,5 tỷ USD xuống còn 700 triệu USD/năm trong khi miền Bắc vẫn được Liên Xô, Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng cùng cung cấp vũ khí quân nhu, lương thực. Miền Bắc vẫn duy trì lực lượng lớn (theo thống kê không chính thức là 160.000) quân ở miền Nam… nên sức mạnh của miền Bắc vượt trội miền Nam. Đặc biệt, trên chiến trường không còn những cuộc oanh tạc của máy bay B52 thì quân đội miền Bắc tha hồ tung hoành. Có thể khẳng định : Nếu Mỹ chỉ rút quân đội nhưng không cắt viện trợ và máy bay B52 vẫn được sử dụng thì chưa biết cục diên cuộc chiến sẽ như thế nào.

Những năm trước đó quân miền Bắc thường dùng chiến thuật "biển người" đánh chiếm một những điểm nào muốn (như Tết Mậu thân Huế 1968, Quảng Tri 1972 chẳng hạn) chủ yếu để lung lạc tinh thần chiến đấu của lực lượng đối phương, gây thanh thế chính trị chứ không thể giữ được trận địa nào dưới sức mạnh hủy diệt của bom B52. Tôi ở chiến trường 559 phải đối diện với rất nhiều loại vũ khí như bom bi, mìn vướng, mìn lá, mìn cóc, bom từ các loại máy bay AD6, F4, B57, đạn 20, 40mm của AC130 (khi đi trên đường tuyến-đường mòn Hồ Chí Minh) nhưng chỉ sợ B52. Trong những năm 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ bỏ rơi, không đủ ngân sách chi tiêu thiết yếu cho chiến tranh đã hoang mang tự sụp đổ chứ không phải vì không còn được B52 yểm trợ.

Cuối cùng, tư duy quân sự của lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa (tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) lúc đó yếu kém, chỉ đạo quốc phòng ngớ ngẩn… đã làm cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa tự tan vỡ nhanh đến mức quân cộng sản miền Bắc không kịp chiếm lĩnh nhiều vùng lãnh thổ đã bị bỏ trống.

Lịch sử thật trớ trêu : Năm 1972, 1973 Mỹ "đi đêm" nhường cho Trung Quốc ảnh hưởng ở Đông Dương, chiếm quần đảo Hoàng Sa, rồi phần lớn Trường Sa của Việt Nam, đổ vốn, công nghệ vào Trung Quốc tưởng nước này dân chủ hóa thành đối tác khổng lồ, làm đối trọng với Liên Xô thì nay chính Trung Quốc đang làm cho Mỹ cũng như thế giới văn minh hứng họa độc tài toàn trị, lưu manh, côn đồ, độc ác…

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 30/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Đình Ấm
Read 1270 times

1 comment

  • Comment Link Bùi Quang Lưu mardi, 31 mars 2020 10:10 posted by Bùi Quang Lưu

    Tác giả bài này chắc là "chiêu hồi mới", chưa từng sống ngày nào dưới 2 trào VNCH ở miền Nam nên mới ngộ nhận là miền nam "dân chủ", "văn minh" hơn miền Bắc!

    Tôi là người sống qua 2 trào VNCH và từng sống ở vùng giao thoa quốc gia - cộng sản, tức lúc đó gọi là vùng "xôi đậu" hay là vùng "oanh kích tự do" theo cách gọi của VNCH, từ năm 1965 thì phải bỏ chạy vào Sài Gòn do sợ chết vì bom đạn Mỹ và VNCH chứ không sợ VC. Tôi cũng nhiều lần phản bác về chuyện bên nào "văn minh" hơn, thí dụ về văn học thì sau ngày 30/4/1975 tôi mới được đọc các tác phẩm của Homère, Dante, Goethe, Schiller và cả Shakespear, Balzac, Stendhal, Hugo v.v... trên các bản dịch của miền Bắc. Về âm nhạc thì mới biết đến Beethoven, Tchaikovsky, Brahms v.v...

    Còn chuyện tuyên truyền thì dù có hay đến cỡ nào thì cũng phải "có bột mới gột nên hồ". VNCH cũng có cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ trước gọi là "tâm lý chiến" sau đổi thành "chiến tranh chính trị" với nguồn lực do Mỹ cung cấp nên chắc là phải lớn hơn bộ máy tuyên truyền của miền Bắc, nhưng há miệng thì mắc quai, tuyên truyền thế nào khi chính phủ và quân đội đều là tay sai do người Pháp dựng lên rồi tiếp tục sống nhờ và tuân lệnh người Mỹ?

    Miền Bắc mặc dù cũng dựa vào viện trợ của Liên Xô và Trung quốc nhưng hầu như những vấn đề quan trọng họ đều tự quyết định. Xin hãy đọc đối thoại của Chu Ân Lai và Kissenger vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ giải mật năm rồi.
    https://vov.vn/the-gioi/ho-so/thu-tuong-trung-quoc-chu-an-lai-va-kissinger-da-noi-gi-ve-viet-nam-932779.vov#ref-https://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=15&ved=2ahUKEwjVyJ_GtsToAhWJJTQIHaeWAOAQFjAOegQIBRAB&url=https%3A%2F%2Fm.vov.vn%2Fthe-gioi%2Fho-so%2Fthu-tuong-trung-quoc-chu-an-lai-va-kissinger-da-noi-gi-ve-viet-nam-932779.vov&usg=AOvVaw3bGOapdhCvpMfqx8NZV241

    Trên BBC cũng có bài nói về nhận định của chính các chuyên gia Trung quốc về quan hệ VN-TQ trong chiến tranh VN, tất cả đều nhất trí là TQ viện trợ nhiều nhưng không khiến được VN.
    https://www.bbc.com/vietnamese/world-48051722

    Sau này Mỹ chơi con bài Trung Quốc để chống Liên Xô cũng đâu có liên hệ gì đến chuyện họ “bỏ của chạy lấy người”? Trái lại lúc đầu họ cũng hy vọng nhờ TQ kềm chế Bắc Việt để họ có thể giữ được miền Nam, và chính Trung Cộng cũng đâu muốn Bắc Việt thôn tính miền Nam?

    Nếu muốn VNCH tồn tại thì chắc nếu Mỹ không đóng thường trực vài trăm ngàn quân thì cũng phải duy trì thường xuyên không quân chiến lược (B52) và Đệ thất Hạm đội ở Biển Đông để yểm trợ QLVNCH chứ chả có cách nào khác! Và quan trọng hơn là mỗi năm Mỹ phải viện trợ khoảng 1 tỷ đô la cho VNCH. Mấy việc này xem ra người tỉnh táo, có lý trí hẳn biết rằng không thể nào mong được.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)