Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/04/2020

Chống Covid-19 : Đảng cộng sản muốn trở về thời kỳ trước 1975

Cao Nguyên - Diễm Thi

Đảng lại kiên định với "Kinh tế tập thể, hợp tác xã" !

Cao Nguyên, RFA, 01/04/2020

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ký bản kết luận về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX.

kinhte1

Hình minh họa. Hình chụp hôm 6/2/2020 : Poster tuyên truyền cho Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội - Reuters

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu cần phải "tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị".

Hợp tác xã - nỗi ám ảnh của người dân Việt

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói với RFA rằng trước hết phải xác định từ ngữ "kinh tế tập thể" mà ông Vượng nói là gì. Ví dụ, hợp tác xã là một hình thức của kinh tế tập thể, nhưng một công ty, một tập đoàn tư nhân cũng là kinh tế tập thể.

Bởi vì ở Việt Nam có nhiều thuật ngữ không rõ ràng. Điển hình là "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", cho tới nay vẫn chưa ai có thể giải thích rành rẽ về cụm từ đó :

"Cái đó cần ông Vượng nói rõ ra là ông muốn nói đến kinh tế tập thể là như thế nào, chứ theo Kinh tế học thì tôi chưa thấy từ ngữ "kinh tế tập thể". Đó là một từ ngữ mới, chỉ có kinh tế thị trường hay là kinh tế của các quốc gia theo Xã hội Chủ nghĩa. Còn nếu mà kinh tế tập thể thì đây là một từ mà tôi không quen nghe".

Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng sở dĩ chỉ thị này của ông Trần Quốc Vượng thu hút chú ý dư luận là vì nền kinh tế tập trung hay hợp tác xã từng là nỗi "ám ảnh" của người dân Việt Nam trong suốt gần ba thập kỷ :

"Tôi thấy trên mạng bình luận nhiều lắm. Cái kinh tế tập thể là thiết yếu theo nghị quyết của Bộ Chính trị làm cho nhiều người rất là sợ hãi. Bởi vì cái chữ "kinh tế tập thể, hợp tác xã" ở Việt Nam diễn ra từ năm 1960 cho đến những năm 1986. Trong gần 30 năm, nó khủng khiếp quá. Người ta nghĩ rằng hợp tác xã, kinh tế tập thể là khủng khiếp lắm, vì kết quả đã làm cho toàn dân phải đói.

Tôi nghĩ rằng do mặc cảm, thành kiến đối với chữ "hợp tác xã". Bây giờ chắc là không phải lập lại các hợp tác xã như hồi xưa nữa. Có thể cái hợp tác xã bây giờ giống như như quyền tự do lập hội. Những người dân tự do liên kết với nhau, góp ruộng, góp công sức để người ta làm ăn tập thể".

"Hợp tác xã không phải là mô hình của một nền kinh tế tân tiến"

Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX, ban hành từ năm 2002, xác định "kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, phấn đấu đưa kinh tế tập thể tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế".

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, hợp tác xã gắn với một thời kỳ trong lịch sử phát triển kinh tế của đất nước cũng như lịch sử kinh tế trên thế giới, mà thời kỳ đó đã lùi xa rồi. Nó có ảnh hưởng nhất định đối với một giai đoạn của nền kinh tế, chứ không phải trong nền kinh tế hiện đại bây giờ :

"Việt Nam mình sau khi thống nhất đất nước rồi thì có vấn đề hợp tác xã, đem tất cả đất đai của dân chúng vào trong hợp tác xã. Nó không đi đến đâu cả, không phát triển được. Rõ ràng nó biến ra thành một nền kinh tế thất bại, nên dần người ta bỏ nó đi thay bằng chính sách Đổi Mới với nền kinh tế nhiều thành phần, mà trong đó thành phần kinh tế tự do lần lần phát triển. Rõ ràng, nó không phải là một mô hình gì để chúng ta nâng cao lên.

Tôi không phủ nhận vai trò của hợp tác xã trong một khung cảnh nào đó của một nền kinh tế hay trong một bước tiến nào đó của nền kinh tế. Nhưng hợp tác xã không phải là mô hình của một nền kinh tế tân tiến phát triển.

Đối với tôi là một người nghiên cứu kinh tế, tôi thấy rằng hợp tác xã không phải là mô hình chủ đạo của một nền kinh tế phát triển được, chỉ là ở trong một thời đại nào đó thôi.

Đừng đặt nặng một cái gì, phải đi từ cái nhỏ lên cái lớn. Cái nào cũng có phần việc, có vai trò riêng của nó. Một nền kinh tế phát triển phải có đủ mọi tầng lớp để nó phát triển lên".

Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng mô hình hợp tác xã cũng không phải là không tốt. Hiện nay, ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều người đã kết hợp với nhau để canh tác rồi. Tuy nhiên, sự hợp tác phải dựa trên sự tự nguyện chứ không phải bị ép buộc, cũng không cần phải ra nghị quyết, chỉ cần tôn trọng quyền Tự do lập hội của người dân là được :

"Những người nông dân sẽ tổ chức sản xuất theo mô hình mới chứ không phải giống như hồi xưa. Như hồi xưa thì hãi quá. Hiện nay, ở Đồng bằng Sông Cửu Long, những người trông cây trái, người chăn nuôi cũng đã có hình thức hợp tác rồi. Nhưng cái đó là tự nguyện, không ép buộc, không phải là do chi bộ lãnh đạo nữa. Bây giờ hợp tác là trên tình thần cộng đồng, cùng phát triển.

Thế còn về nghị quyết thì tôi thấy làm lạ, bởi vì xu thế tất yếu thì tự người dân có luật tự do lập các tổ chức xã hội dân sự, người ta sẽ tự biết cách liên kết với nhau, học tập nhau, tại sao lại cần phải đến nghị quyết để làm cho người dân phải hoang mang".

Khẳng định về đường lối chính trị

Ông Trần Quốc Vượng cũng thay mặt Bộ Chính trị giao Chính phủ xây dựng chiến lược để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trình Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII xem xét, để ban hành nghị quyết mới.

Theo tiến sĩ Mạc Văn Trang, việc bộ Chính trị tiếp tục ra nghị quyết mới là vì chủ nghĩa xã hội xưa nay luôn phải lấy thành phần kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước làm chủ đạo :

"Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ trước đến nay thì nó bao gồm kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể là chủ đạo.

Kinh tế quốc doanh như Vinashin, Vinalines và nhiều tập đoàn làm tan nát cả đất nước, hủy hoại biết bao nhiêu nguồn lực, gây ra nhiều tổn thất ghê gớm. Người dân người ta nghe đến kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể là người ta hãi hồn rồi. Nhưng tôi nghĩ điểm này là họ không nhạy cảm chính trị, không hiểu tâm lí xã hội. Đáng lẽ ra không cần nghị quyết gì cả, chỉ cần khuyến khích các hội đoàn, người ta tự thấy mô hình nào đẹp, hiệu quả thì người ta sẽ học tập. Thế thôi".

Về đường lối "phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ của hệ thống chính trị", luật sư Lê Công Định bình luận trên trang cá nhân rằng giới lãnh đạo đảng cầm quyền Việt Nam vẫn đang điều hành nền kinh tế hiện đại bằng tư duy của các lãnh tụ cộng sản thuộc thế hệ hơn 100 năm trước :

"Nếu kinh tế tập thể và hợp tác xã là hai loại hình tự nhiên được hình thành từ nhu cầu tất yếu của thị trường và là xu thế tất yếu của nền kinh tế quốc gia thì sao phải "tăng cường tuyên truyền, quán triệt về bản chất" của nó ?

Khôi hài hơn, nếu sự tồn tại của chúng là tất yếu thì cần gì phải xem việc phát triển loại hình kinh tế đó là "nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị" ?

Chỉ thị về kinh tế tập thể và hợp tác xã được ông Vượng ký vào thời điểm mà báo chí trong nước đăng tải nhiều bài viết về tình trạng có nhiều hợp tác xã không phát triển được.

Hồi đầu năm 2020, trang Vĩnh Phúc online, cơ quan ngôn luận của tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh này có khoảng 700 hợp tác xã. Nhưng một nửa trong đó chỉ hoạt động mang tính hình thức. Thậm chí, có nhiều hợp tác xã phải làm đơn "xin" để được giải thể vì hoạt động cầm chừng, khó vay vốn, không tìm được hướng đi trong sản xuất kinh doanh.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 01/04/2020

****************

Phản ứng khi Thủ tướng kêu gọi chống dịch như ‘giải phóng miền Nam’

Diễm Thi, RFA, 01/04/2020

Coronavirus đang lan tràn toàn cầu. Đó là đại dịch. Chính phủ của mỗi quốc gia phải có kế hoạch chống dịch phù hợp với tình hình nước họ. Việt Nam không là một ngoại lệ. Đa số người dân Việt Nam đồng lòng và hợp tác với chính phủ trong cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19.

kinhte2

Một góc Sài Gòn năm 2016 - Photo courtesy of Dzung Dolinh

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 29 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chống dịch như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7 tháng 4 năm 1975 là phải thần tốc, táo bạo ; phải tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.

Phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về tinh thần phòng chống dịch liên quan đến ký ức 30 tháng 4 khiến người dân phản ứng.

Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng đánh giá cách kêu gọi tinh thần chống dịch của ông Nguyễn Xuân Phúc như giải phóng miền Nam :

"Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi. Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ và Mỹ giúp đỡ Việt Nam rất là nhiều. Cứ nhắc lại những chuyện đó như là khơi lại những vết thương.

Mình là người sát với dân nên mình hiểu họ mất lòng tin rất là nhiều với chính phủ nên họ không để ý những phát biểu của chính phủ. Họ ý thức rất tốt, họ chia sẻ, đùm bọc nhau, không trông mong gì đến chính phủ. Dù trên bề mặt họ không nói gì nhưng họ nắm rất vững tình hình".

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 được cộng sản Bắc Việt gọi là ngày họ giải phóng người dân miền Nam khỏi sự kìm kẹp của Mỹ - ngụy. Bản thân chữ "giải phóng" được hiểu là giúp cho một số người nào đó thoát ra khỏi một tình trạng xấu xa tồi tệ. Với hầu hết người dân miền Nam Việt Nam, tình trạng sống của họ trở nên tồi tệ với hàng triệu người bị đẩy lên vùng kinh tế mới, bị tập trung cải tạo, bị đánh tư sản và hàng triệu người phải vượt biển tìm tự do… cho nên họ không chấp nhận cụm từ "giải phóng miền Nam". Họ rất nhạy cảm với cụm từ này.

Ông Ngô Trường An hiện sống tại Đà Nẵng từng sống qua hai chế độ, chứng kiến sự thay đổi ở miền Nam sau ngày 30 tháng năm 1975, nêu suy nghĩ của mình với RFA về phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc qua ứng dụng facebook messenger :

"Ông ta phản lại chủ trương hòa hợp hòa giải mà đảng cộng sản Việt Nam đang thực hiện (cứ cho là vậy đi). Tôi nghĩ, ông này xưa nay phát biểu lung tung. Ông nói mà không biết mình đang nói gì, và có thể, ông chẳng nghĩ gì trước khi nói trước công chúng.

Hầu hết những người lãnh đạo đều như vậy. Rập khuôn, giáo điều, tuyên truyền một kiểu như nhau. Và những phát ngôn của họ đầy mâu thuẫn. Đúng ra, họ không nên nhắc lại ngày 30 tháng 4 và càng không nên tổ chức kỷ niệm linh đình hằng năm. Những việc làm đó, càng khoét sâu vết thương người Nam và khó có thể hòa hợp dân tộc 2 miền. Chắc chắn là thế. Tôi nghĩ vậy !"

Theo nhận xét của một số người dân trong nước thì chính phủ đang làm tốt công việc chống dịch. Họ cho rằng khác với dịch Sars năm 2003, lần này nhà nước có vẻ công khai con số nhiễm bệnh mỗi ngày. Thêm vào đó là quyết định công bố dịch toàn quốc với những biện pháp cách ly…tóm lại là nhà nước đang làm mọi cách để ngăn chặn dịch và được người dân ủng hộ.

Luật sư Phạm Công Út cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ cách chống dịch của nhà nước hiện nay để bảo vệ sự tồn vong của người dân. Nhưng gợi lại lịch sử để so sánh một cách khập khiễng như vậy thì ông không đồng ý. Ông giải thích :

"Bản thân tôi là một người dân Sài Gòn sống qua hai chế độ. So sánh cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn với cuộc chiến chống dịch này thì hoàn toàn không phù hợp, làm những người dân đang có niềm tin với cách chống dịch của chính phủ mất đi tình cảm vào chính phủ. Ông Phúc gợi lại sự tan tác, chia lìa của bao nhiêu triệu người Việt khi phải đánh đổi sinh mạng bỏ nước ra đi.

Tại sao lại so sánh việc diệt con virus corona với việc giải phóng miền Nam ? Chẳng lẽ thắng được con corona là ‘có triệu người vui và triệu người buồn ?’"

Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm "thống nhất đất nước", nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi trên tuần báo Quốc Tế, là cơ quan báo chí của bộ ngọai giao Việt Nam, về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc.

Lần đầu tiên ông Võ Văn Kiệt nhìn nhận biến cố 30 tháng tư năm 1975 đã gây đau khổ cho hằng triệu người Việt Nam khi ông nói : "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu".

Phát biểu của ông Phúc về tinh thần chống dịch khiến người dân có cảm giác ông rất hân hoan khi tiến về Sài Gòn để ‘giải phóng miền Nam" mà không hiểu lòng dân đang nghĩ gì.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh gửi gắm suy nghĩ của mình qua một bài thơ ngắn "Giấc mơ 30-4" trên facebook cá nhân của ông mà RFA đã xin phép sử dụng :

Đất nước không có một ngày vui

45 năm thống nhất ngậm ngùi

Miền Nam lúc trước quen hào phóng

Bây giờ co rúm sống cầm hơi

Đất nước chỉ toàn những ngày buồn

Quan lại từ trên xuống bất lương

Dân còng lưng đóng trăm loại thuế

Kiều của Nguyễn Du phải đứng đường

Đất nước chỉ toàn bọn mộng du

Nằm vi-la tưởng tượng chiến khu

Ngồi biệt phủ mơ màng nghị quyết

Tội nghiệp văn chương sớm ở tù

Đất nước vậy là 45 năm

Nhà thơ Bùi Chí Vinh cho rằng, giờ này mà nỡ tuyên bố trên VTV rằng "phát huy tinh thần giải phóng miền Nam trong việc chống dịch Covid-19" thì tội nghiệp đồng bào miền Nam quá, vết thương cốt nhục "huynh đệ tương tàn" sau 45 năm chưa kịp lành đã có kẻ tự lạnh lùng xé toạc ra...

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 01/04/2020

*******************

Tiêu chuẩn "sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng" có còn phù hợp ?

RFA, 01/04/2020

Báo chí nhà nước hôm 31 tháng 3 năm 2020 lại đồng loại nhắc lại Quy định số 214 của Bộ Chính trị về "khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý", do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành trước thềm Đại hội đảng thứ XIII. Trong đó nêu rõ 5 nhóm tiêu chuẩn chung, 19 nhóm tiêu chuẩn tương ứng với các chức danh, nhóm chức danh cán bộ cụ thể... và đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn ‘sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của đảng’.

kinhte3

Hình minh họa. Một cảnh sát mang súng đứng gác cạnh bức chân dung cố Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngoài nơi diễn ra đại hội đảng ở Hà Nội. AFP

Liệu tiêu chuẩn này của đảng cộng sản Việt Nam có còn phù hợp với tình hình hiện nay ?

Để tìm hiểu thêm Đài Á Châu Tự Do hôm 1/4/2020, liên lạc Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Phó Giáo sư Tiến sĩ, nguyên Chuẩn Đô đốc, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nhân dân Việt Nam, người có 58 năm tuổi đảng, và được ông cho biết ý kiến của mình :

"Bây giờ ta hãy xem mục tiêu của đảng họ đề ra đối với dân tộc, với đất nước như thế nào để phán xét. Ngay trong dịch covid-19 này, đảng cũng đặt vấn đề là, cứu dân là trên hết, kinh tế có thể để xuống hàng thứ hai, như vậy tất cả mọi người phải làm sao đó để cứu cho được dân. Bây giờ nên nêu lên ‘tiêu chuẩn của đảng viên hy sinh vì quyền lợi của đảng, khi mà mục tiêu của đảng là tất cả vì dân vì nước’".

Trước đây, khi phát biểu về công tác cán bộ trên Báo Vệ quốc quân, số 15, ngày 10/10/1947, ông Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tiêu chuẩn của cán bộ là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc, người cán bộ phải dám hy sinh cho tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa... Mặc dù ca ngợi sự vĩ đại của đảng cộng sản, tuy nhiên, ông không hề nhắc đến việc ‘sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của đảng’.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 1/4/2020, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận trung ương, nhận định :

"Thật ra cái này người ta cho là họ nói theo quán tính, tức là một cái thói quen, luôn luôn kêu gọi người ta hy sinh, phấn đấu... Đó là thói quen của lãnh đạo cộng sản... từ Hồ cho đến Duẩn, cho đến Trường Chinh... nay là Nguyễn Phú Trọng là đề theo một kiểu như thế. Nhưng họ quên rằng sự hy sinh là có sẵn trong bản tính, trong nhân tính, của con người Việt khi cần thiết, khi có giặc ngoại xâm, nó như một truyền thống. Nhưng vấn đề là phải bồi đắp cho nó, mà không cần kêu gọi người ta hy sinh".

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, điều cần là chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là trong khi đang phải đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19. Ông nói tiếp :

"Trong cái dịch covid-19 này, tôi không thấy một cái chính sách lo cho con người, đặc biệt là người nghèo khổ, những người nghèo làm công việc dịch vụ. Tôi chả thấy một an sinh gì mà lo lắng, giúp đỡ cho những người này, họ khốn đốn, không thấy nói, mà chỉ kêu gọi đóng góp, đóng góp... Vấn đề là không phải kêu gọi đóng góp mà mình phải biết là mình đang cầm quyền, mình có chính quyền, thì mình phải thúc đẩy chính quyền đó chăm lo cho dân trong lúc khốn đốn này, thì đấy mới là đáng quý. Còn kêu gọi hy sinh, 4 triệu đảng viên, chỉ cần mỗi đảng viên góp 50.000 đồng, để mà lo cho người nghèo, nhưng mà có thấy nói gì đâu, chỉ thấy kếu gọi dân đóng góp. Nhưng bản thân những lãnh đạo, kể cả anh Trọng, anh bỏ một chút tiền bạc của anh ra, cũng không thấy, cũng không dám. Cho nên càng kêu gọi người ta càng thấy phản cảm, giáo điều, như một cái máy hát rè, quay lại điều cũ".

kinhte4

Hình minh họa. Các đại biểu cầm thẻ đảng biểu quyết một nghị quyết tại Đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP

Dù đảng cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam, nhưng cũng chỉ có 4 triệu đảng viên, và họ cũng sẽ chỉ nắm quyền trong một thời gian nào đấy, chứ không phải là mãi mãi. Vì thế nhiều người cho rằng, tiêu chuẩn hy sinh cho một đảng phái dù là đảng cầm quyền cũng là một điều không thể chấp nhận.

Nhà văn Phạm Đình Trọng nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 4 năm 2020 :

"Tất cả những tiêu chuẩn mấy ổng đề ra chỉ là một cái thứ hảo huyền ảo tưởng, do mấy ổng tưởng tượng chứ không gắn vào thực tế. Những lựa chọn ấy là quyền của dân, các ổng làm cái đó là cướp quyền dân. Chứ những tiêu chuẩn ấy chẳng có thực trong cuộc sống".

Nhà văn Phạm Đình Trọng cho biết thêm, giới trẻ bây giờ sống rất thiết thực, sống rất thực tế. Thứ hai, thông tin trên internet cung cấp cho người dân hàng ngày, hàng giờ, cung cấp cho người dân sự thật. Cho nên mọi thứ, các vị lãnh đạo không thể nào lừa dối mãi được. Những người trẻ, mỗi một thời, họ có một tiêu chuẩn, một lý tưởng thẩm mỹ. Trong khi các ông lãnh đạo chỉ đưa ra những thứ tự tưởng tượng, hảo huyền và không có thực tế.

Vào tháng 8 năm 2019, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng cộng sản trung ương, khi trả lời báo chí trong nước từng xác nhận giới trẻ ngày nay ngại vào đảng.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nhận định liên quan vấn đề này :

"Đa số họ không cần, không muốn, không thích vô đảng, vì họ không thấy một nhu cầu hay lợi ích gì. Nhưng mà có một thiểu số trong các cơ quan, họ muốn ổn định công việc, muốn thăng tiến, muốn được đề bạt, tăng lương... thì họ buộc phải tham gia. Tôi đã thấy cái đa số,một số lớn, người ta bỏ, người ta thôi làm việc là người ta bỏ đảng luôn, người ta không đem hồ sơ nộp. Tôi cũng đã tiếp xúc nhiều người trẻ, họ nói thẳng là họ không có nhu cầu này, và họ thấy vô tích sự".

Còn theo Thiếu tướng Lê Kế Lâm, giới trẻ hiện nay cũng có nhiều suy nghĩ, nhiều thành phần. Ông cho rằng, ngày càng nhiều số người trẻ nghĩ về dân, về nước, về tự cường của đất nước của dân tộc. Ông giải thích thêm :

"Trong số đông đó, cũng có thành phần muốn đi theo đảng để xây dựng cho Việt Nam độc lập tự cường, nhưng cũng có thành phần theo khuynh hướng muốn phát triển tài năng của mình rồi cống hiến cho đất nước để Việt Nam độc lập tự cường. Với tất cả những khuynh hướng đó, tôi nghĩ rằng, nếu thật sự tất cả vì dân vì nước thì đều hoan nghênh".

Từ năm 2011 đến nay, nhiều đảng viên, trí thức có tâm huyết ở Việt Nam bỏ đảng như luật gia Lê Hiếu Đằng, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, bác sĩ Nguyễn Đắc Diên… Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, Giáo sư Chu Hảo, Tiến sĩ Mạc Văn Trang... và nhiều người khác đã tuyên bố ra khỏi Đảng. Một trong những lý do mà họ đưa ra là thực chất đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không còn như khi mới ra đời là đấu tranh cho giai cấp công nhân, nông dân. Biết bao đảng viên nay bị vạch rõ là ‘tầng lớp tư bản đỏ’, sống xa cách người dân lao động, cố giữ đảng vì lợi ích riêng.

Nguồn : RFA, 01/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên, Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 615 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)