Mỹ phát hiện : Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới là cựu đảng viên Đảng cộng sản
Hoàng Trung, Thoibao.de, 11/04/2020
Trong bối cảnh viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành trên khắp hành tinh và ác liệt nhất là trên lãnh thổ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/4 chính thức lên tiếng chỉ trích chính tổ chức đang điều phối cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch – Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Dòng tweet của ông Trump ngày 7/4/2020 chỉ trích WHO
Trên mạng Twitter ngày 07/04/2020, tổng thống Mỹ đã thẳng thừng cáo buộc WHO nghiêng về phía Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã chỉ trích nặng nề Tổ chức này trong bài tweet của mình : "WHO thực sự đã làm hỏng mọi thứ. Vì một lý do nào đó, (WHO) được Mỹ tài trợ rất nhiều, song lại xoay quanh Trung Quốc… Thật may mắn là tôi đã bác bỏ lời khuyên trước đó của họ về việc mở cửa biên giới với Trung Quốc. Vì sao họ có thể đưa ra một khuyến cáo sai lầm như vậy ?".
Trước đó, ngày 31/1, Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với toàn bộ những người đến từ Trung Quốc. Lệnh cấm quy định, mọi công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày gần nhất đều không được phép nhập cảnh vào Mỹ.
Ngay sau đó, WHO ra tuyên bố "không ủng hộ" lệnh giới hạn đi lại với Trung Quốc do ông ban hành.
Khi đó WHO cho rằng "giới hạn luồng hàng hóa và con người trong khủng hoảng y tế cộng đồng không hiệu quả trong phần lớn tình huống, có thể làm tiêu hao tài nguyên dành cho các biện pháp khác".
Ông Trump nhại lại giọng văn của WHO rằng : "Đừng có đóng biên giới với Trung Quốc, xin đừng làm thế… Bọn họ có nhìn thấy gì đâu. Họ đã không thấy và không báo cáo. Còn nếu họ đã chứng kiến, tức là họ đã che giấu".
Sau đó, trong cuộc họp báo cùng ngày, tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tiếp tục công kích mạnh mẽ WHO, dọa sẽ cắt tiền tài trợ vì tổ chức này có những lập trường rất có lợi cho Trung Quốc, cung cấp thông tin sai lệch về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Trump nói : "Chúng ta (Hoa Kỳ) chi trả phần lần lớn cho ngân sách của họ (WHO), vậy mà họ chỉ trích tôi đã ra lệnh đóng cửa biên giới. Họ đã nhầm và họ sai lầm về nhiều thứ. Có rất nhiều thông tin mà họ đã không muốn công bố sớm hơn và họ có vẻ rất thiên vị Trung Quốc. Nhưng chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ hơn Tổ chức Y tế thế giới, vì họ đã thực sự sai lầm. Họ đã không cảnh báo, lẽ ra họ đã phải làm điều đó sớm hơn một tháng".
Ông phát biểu gay gắt : "Chúng tôi sẽ ngưng chi tiền cho WHO. Chúng tôi sẽ ngưng toàn bộ để rồi xem ra sao. Họ đã làm sai, sai tất cả. Họ đã làm hỏng bét mọi chuyện".
Năm ngoái, Mỹ đóng góp tổng cộng 500 triệu USD cho WHO, là nước đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này. Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm cũng như số tiền ngừng tài trợ cho WHO. Cũng trong ngày 7/4, khi một phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề cắt tiền tài trợ cho WHO, ông giải thích như sau : "Tôi đâu có nói là sẽ làm điều đó. Nhưng chúng tôi sẽ cân nhắc".
Báo New York Times nhận xét tổng thống Mỹ trước đây cũng thỉnh thoảng đe dọa kiểu này nhưng sau đó ông lại đổi ý. Lần này tuy chưa rõ ra sao, nhưng nếu Mỹ thật sự cắt tài trợ cho WHO, sẽ ảnh hưởng lớn đến sứ mệnh của tổ chức này. Ngân sách dành cho WHO ước tính khoảng 6 tỉ USD trong năm 2019, được đóng góp từ các quốc gia thành viên trên khắp thê giới trong đó nguồn tiền từ Mỹ chiếm đến 10% ngân sách.
Thời gian qua, các quan chức Mỹ cũng liên tục chỉ trích WHO lẫn Trung Quốc thậm chí còn kêu gọi Tổng giám đốc WHO từ chức.
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã viết trên Twitter : "WHO báo cáo vào ngày 14/1/2020 rằng không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus mới. WHO nợ thế giới một lời giải thích. Quá nhiều đau khổ đã xảy ra bởi việc xử lý sai lệch thông tin và sự thiếu trách nhiệm của người Trung Quốc" .
Quan điểm của Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ từ nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa cũng như các quan chức Mỹ.
Thượng nghị sĩ Rick Scott, thành viên Ủy ban An ninh nội địa (Thượng viện Mỹ) cho biết : "Nếu họ (WHO) hoàn thành trách nhiệm, mọi người có thể đã sẵn sàng hơn. Chúng ta đã không phải đóng cửa nền kinh tế, chúng ta đã không chứng kiến bao nhiêu người chết trên khắp thế giới".
Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa của ông Trump, bà Martha McSally hồi tuần trước đã đi đầu trong kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức. Bà McSally đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch của Trung Quốc là từ Tổng Giám đốc WHO. Bà tuyên bố ông Tedros đã "lừa dối cả thế giới". Cùng với đó, nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cũng kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức vì đã để tổ chức này bị Bắc Kinh thao túng.
Trong khi đó, một đơn kiến nghị trực tuyến trên trang Change.org kêu gọi ông Tedros từ chức đã thu được hơn 718.000 chữ ký.
Các lời khuyên của WHO trong giai đoạn đầu năm 2020 gây nhiều thắc mắc, bao gồm việc dẫn thông tin từ Trung Quốc đánh giá dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán không nghiêm trọng.
Ngày 14/1, WHO báo cáo không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus mới.
Ngày 31/1, tổ chức này khuyên các nước không nên đóng cửa biên giới dù dịch bệnh đang bùng phát.
WHO được thành lập năm 1948, có trụ sở đóng tại Geneva (Thụy Sĩ), hiện có 194 quốc gia, lãnh thổ là thành viên. Tổ chức này có khoảng 7.000 nhân viên đang hoạt động ở 150 quốc gia, sứ mệnh của họ là thúc đẩy chăm sóc y tế cơ bản, khả năng tiếp cận thuốc men và giúp đào tạo nhân viên y tế. Hoạt động của WHO rất đa dạng, từ thiết lập các quy chuẩn và dược phẩm thiết yếu, tư vấn về hành vi ăn uống cho đến đấu tranh chống các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh, nghiên cứu vác-xin.
Trong các giai đoạn khủng hoảng như dịch viêm phổi Vũ Hán, WHO có nhiệm vụ xác định các mối đe doạ, giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ phát triển công cụ y tế, hỗ trợ đáp ứng dịch vụ y tế thiết yếu ở những nơi có hạ tầng yếu…
Nhà chính trị Tedros Adhanom Ghebreyesus người Ethiopia giữ chức tổng giám đốc WHO từ năm 2017. Giới quan chức Mỹ còn nhắc lại ông Tedros từng là đảng viên Đảng cộng sản Ethiopia, để ám chỉ ông là đồng minh của Bắc Kinh.
Về phần ông Tedros, Tổng giám đốc WHO, trong một cuộc họp báo hôm 8/4 đã lên tiếng đáp lại các cáo buộc trước đó của ông Trump.
Bài tweet đáp lại của Tổng giám đốc WHO Tedros trước chỉ trích của ông Trump
Ông Tedros nói : "Xin vui lòng đừng chính trị hóa con virus này… Nếu bạn không muốn nhiều người thêm nữa phải chết, thì bạn đừng chính trị hóa nó. Thông điệp ngắn gọn của tôi là : Xin hãy đừng chính trị hóa COVID19". Ông cũng thể hiện quan điểm này trong bài tweet của mình.
Trước trả lời của ông Tedros, nhiều bình luận trên mạng đã đặt câu hỏi rằng WHO nói không chính trị hóa dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, thì tại sao luôn phớt lờ vai trò của Đài Loan trên trường quốc tế, trong khi rõ ràng việc hợp tác quốc tế và ưu tiên về tính mạng con người luôn phải đặt ở vị trí cao nhất.
Thậm chí, trong một lần trả lời phỏng vấn trực tuyến với đài Hồng Kông RTHK hôm 28/3, ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO đã "giả vờ" không nghe thấy câu hỏi của phóng viên về tư cách thành viên Đài Loan trong WHO. Sau đó, ông yêu cầu đổi câu hỏi khác, và khi phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi tương tự, mạng Internet "đột nhiên" bị ngắt kết nối. Rốt cuộc, ông Aylward miễn cưỡng trả lời với nội dung không hề liên quan đến câu hỏi.
Bắc Kinh hiện vẫn coi Đài Loan là một tỉnh tách rời của mình và luôn bày tỏ ý định thống nhất hòn đảo này vào Đại lục, kể cả bằng cách sử dụng vũ lực. Trung Quốc cũng luôn cảnh báo các quốc gia khác khi họ ủng hộ Đài Loan gia nhập vào các tổ chức quốc tế, bao gồm WHO.
Tổng thống Trump trong buổi họp báo tối ngày 8/4 tuyên bố chính ông Tedros mới là người đang chính trị hóa dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán và cho biết ông tin WHO ưu ái Trung Quốc.
Ông Trump nói : "Tôi không tin ông ta nói về chính trị khi bạn nhìn nhận vào mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Trung Quốc chỉ chi 42 triệu USD, chúng tôi chi 450 triệu USD [cho WHO], nhưng mọi thứ trong tổ chức này dường như lại được vận hành theo cách của Trung Quốc. Điều đó là không đúng, điều đó là không công bằng với chúng tôi và thành thực mà nói điều đó là không công bằng với thế giới".
Mới đây, ngày 9/4, Mỹ tiếp tục cáo buộc WHO đặt vấn đề chính trị lên trước khi phớt lờ cảnh báo từ Đài Loan về sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Mỹ "vô cùng lo lắng rằng thông tin của Đài Loan đã không được phổ biến cho cộng đồng quốc tế, nhưng có thể thấy qua tuyên bố ngày 14/1/2020 của WHO rằng không có dấu hiệu cho thấy (virus) lây truyền từ người sang người".
"WHO một lần nữa chọn chính trị thay vì sức khỏe cộng đồng", người phát ngôn nói, chỉ trích WHO vì từ chối cho Đài Loan gia nhập tổ chức, dù chỉ với tư cách quan sát viên, từ năm 2016. Theo người phát ngôn Mỹ, hành động của WHO "làm lãng phí thời gian và gây tổn thất nhân mạng".
Không ai khác mà chính là Trung Quốc đã thao túng các tổ chức quốc tế để các tổ chức này đưa ra tiếng nói có lợi cho mình mà WHO chỉ là một trong những con rối gần đây của nhà nước độc tài này. Dưới sự lãnh đạo của cựu đảng viên Đảng cộng sản Ethiopia, WHO đã thực sự không tỏ ra xứng đáng với vai trò của tổ chức này khi đã hoan nghênh "một cách quá đáng" phản ứng của Trung Quốc và nhất là đã chậm trễ trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
Việc chính quyền Trump chỉ trích những sai lầm không thể chấp nhận được của WHO là một cách để phơi bày những thủ đoạn chính trị đen tối của nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh.
Những mưu đồ này của Trung Quốc đã không hề xa lạ với người dân Việt Nam, khi ngay giữa đại dịch viêm phổi Vũ Hán , nhưng họ đã cho đội tàu hải cảnh xâm nhập lãnh hải của Việt Nam tại Hoàng Sa để lao vào, đâm chìm tàu đánh cá bằng gỗ của ngư dân, sau đó lại đổ lỗi cho tàu gỗ tự đâm vào mũi tàu thép Trung Quốc.
Đã đến lúc nhà cầm quyền ở Hà Nội cần thể hiện quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ nhất, không thể tiếp tục nhu nhược, cần kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về những đau khổ và ngang trái mà Đảng cộng sản Trung Quốc đã gây ra cho người dân Việt Nam.
Hoàng Trung (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 10/04/2020
********************
Corona : Tổng thống Trump chỉ trích WHO có đúng không ?
Nguyễn Hùng, VOA, 10/04/2020
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump, vẫn luôn gây sóng trên truyền thông nhưng liệu những chỉ trích của ông đối với Tổ chức Y tế Thế giới có đáng gây tranh cãi ?
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO.
Mọi lý lẽ không đi kèm với dữ liệu đều chỉ là suy đoán và chủ kiến nên ta hãy xem dữ liệu nói gì về hành động của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, trước đại dịch corona.
Đây là nguyên văn thông điệp được WHO đưa ra trên Twitter hôm 14/1/2020, hai tuần sau khi cố bác sĩ Lý Văn Lượng của Trung Quốc toan cảnh báo về nguy cơ của vi rút mới và đã bị trừng trị :
"Các điều tra ban đầu của chính quyền Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc truyền nhiễm từ người sang người của coronavirus mới (2019-nCov) được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc".
Giờ đọc lại những dòng này tôi mới để ý thấy chuyện họ viết rằng "không tìm thấy bằng chứng rõ ràng", nguyên văn tiếng Anh là "no clear evidence", chứ không phải là "không tìm thấy bằng chứng".
Ai cũng hiểu rằng khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, nạn nhân đầu tiên là dữ liệu và thông tin, nhất là tại các quốc gia cộng sản. Do vậy chuyện kiểm chứng thông tin vô cùng quan trọng. Tổ chức Y tế Thế giới đã thực sự nói như một con vẹt của chính quyền Trung Quốc chứ không phải là một chú đại bàng có tầm nhìn bao quát.
Điều này còn đáng trách hơn nữa vì ngay từngày 31/12 Đài Loan đã gửi điện thư cho WHO cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của vi rút corona mới. Đài Bắc cũng lập tức kiểm tra hành khách tới từ Vũ Hán từ hôm đó. Đài Loan không phải là thành viên của WHO do bị Trung Quốc cản trở và cũng có thể điều này khiến WHO không muốn công khai cảnh báo của Đài Loan. Từ năm 2017 tới nay, Đài Loan thậm chí còn không được tham gia cuộc họp thường niên của WHO do sức ép từ Trung Quốc, nước chỉđóng góp chưa tới 30 triệu đô la tiền hội viên cho năm 2020 so với gần 60 triệu đô la từ Hoa Kỳ.
Hai tuần sau khi phát đi thông điệp trên Twitter, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO tới Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong thông cáo báo chí sau đó, WHO ca ngợi sự "minh bạch" và "cởi mở" của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin. Trong lúc đó truyền thông thế giới đã cảnh báo về cố gắng kiểm soát thông tin của Bắc Kinh. TờNew York Times hôm 27/1 đã đăng bài về sự bất bình của chính người dân Trung Quốc và dẫn lại một phản ứng trên mạng xã hội của Trung Quốc với thị trưởng Vũ Hán : "Nếu vi rút công bằng, hãy đừng tha con người vô dụng này".
Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus tới từ Ethiopia, một quốc gia đang phát triển tại Châu Phi và khó tin ông không hiểu Trung Quốc, nước đã ủng hộ ông trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế cao nhất tại WHO. Người ta cũng đặt câu hỏi phải chăng sự hàm ơn Trung Quốc đã ảnh hưởng tới cách hành xử của vị tổng giám đốc.
Tới ngày 30/1, WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế trên toàn thế giới đối với Covid-19 nhưng trong những ngày đầu tháng Hai đã phản đối khi Hoa Kỳ cấm nhập cảnh với những ai từng tới Trung Quốc trong 14 ngày trước đó. Tổng giám đốc WHO được dẫn lời nói :
"Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi tới tất cả các nước không đưa ra các hạn chế có thể gây cản trở không cần thiết đối với đi lại và thương mại quốc tế. Những hạn chế như thế có thể làm tăng sự sợ hãi và mặc cảm mà đem lại ít lợi ích y tế công cộng".
Gần một tháng sau vẫn có những tít báo đặt câu hỏi tại sao WHO vẫn chưa tuyên bố đại dịch. Phải tới ngày 11/3 Tổ chức Y tế Thế giới mới công bố đại dịch trên toàn thế giới, điều nhiều chuyên gia nói họ phải làm như vậy sớm hơn nhiều. Có lẽ không phải là nói quá khi tuyên bố rằng WHO đã bị chỉ huy từ phía sau.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là WHO phải chịu trách nhiệm chính trong việc các nước có số ca tử vong vì corona mới lên tới cả vạn. Trách mình bao giờ cũng phải là việc nên làm trước tiên vì trách người bao giờ cũng dễ và cũng là cách để giảm bớt trách nhiệm cá nhân. Những cách làm hiệu quả ban đầu của Đài Loan, Việt Nam và Hàn Quốc cho thấy quyết tâm đúng lúc và sáng tạo có thể giảm thiệt hại về người do Covid-19 gây ra. Còn thiệt hại về kinh tế, và không loại trừ cả nhân mạng, do các biện pháp khắt khe được đưa ra lại là bài toán khác.
Nhưng chuyện người ta đặt câu hỏi liệu Tổ chức Y tế Thế giới chỉ có mỗi nhiệm vụ đặt tên cho con vi rút mới không phải là không có lý do. Mà cho tới giờ người Việt Nam mỗi khi tìm kiếm vẫn dùng corona nhiều hơn Covid-19. Ngay cả việc đặt tên cho con vi rút xuất phát từ Trung Quốc cũng khiến WHO mất quá nhiều thời gian thì nói gì tới chuyện chống nó.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 10/04/2020