Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/04/2020

Việt Nam gởi Công hàm vì sợ Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa ?

Nhiều tác giả

Công hàm Biển Đông 'mới mẻ, chưa từng có'

Quốc Phương, BBC, 13/04/2020

Công hàm mà Việt Nam vừa gửi tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối Trung Quốc trên Biển Đông có điểm mới chưa từng có từ trước, động thái này không chỉ rõ ràng mà còn rất mạnh mẽ, theo bình luận của một số nhà quan sát.

congham1

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres

Hôm 13/04/2020, từ góc độ quan sát chính trị và an ninh, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) nói với BBC News Tiếng Việt :

"Công hàm ngày 30/3 của Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York) nhằm bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp từ Trung Quốc ở biển Đông, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ chính trị và pháp lý của Việt Nam đối với Malaysia và Philippines, tái khẳng định đường lối chính trị của Việt Nam dựa trên nền pháp lý quốc tế trong các vấn đề Biển Đông.

"Công hàm này một lần nữa bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc khi Trung Quốc lấy tuyên bố phí pháp đó để phản bác công hàm của Malaysia và công hàm của Philippines gửi Liên Hợp Quốc trước đó, trong bối cảnh Trung Quốc đang lợi dụng tình hình cả thế chống đại dịch Covid-19 để đẩy mạnh các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông, hòng làm thay đổi cấu trúc an ninh, trạng thái địa chính trị, địa chiến lược, tiếp tục khẳng định chủ quyền phi pháp tai biển Đông, đe dọa các nước trong khu vực".

Về mặt phản ứng quốc tế, khu vực, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp :

"Sau sự kiện Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, bộ ngoại giao, bộ quốc phòng Mỹ, nhiều nghị sỹ Mỹ đã lên án hành động của Trung Quốc, tái khẳng định sự ủng hộ đối với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Philipines và Malaysia đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh để tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam.

"Quad là nhóm bốn nước đang nỗ lực hành động để góp phần đảm bảo hòa bình và an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhóm này có sự đóng góp lớn từ Mỹ, Nhật. Quad, cùng với các nỗ lực khác của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình dương, coi Trung Quốc là nguồn cơn của những nguy cơ an ninh lớn nhất ở khu vực. Các hành động cụ thể của Quad, đã và sẽ được phối hợp với hành động của Mỹ ở Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông. Mỹ không bỏ qua bất kỳ kế hoạch hay cơ hội nào để giúp duy trì an ninh khu vực, quản trị các nguy cơ do Bắc Kinh mang lại".

"Mỹ vẫn tiếp tục tuần tra tự do hàng hải, trong đó có tuần tra trong eo biển Đài Loan. Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở Biển Đông, với máy bay săn ngầm và tầu ngầm. Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông, để máy bay săn ngầm Y-8 hạ cánh xuống một đảo nhân tạo ở Trường Sa, đẩy mạnh tập trận trên biển".

‘Đấu tranh pháp lý cao hơn’

Về mặt pháp lý, công pháp quốc tế và luật biển, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam cuối tuần qua nói thêm với BBC :

"Đánh giá về công hàm Việt Nam vừa gửi Liên Hiệp Quốc ngày 30/3, tôi xin lưu ý rằng trong công hàm này có một nội dung rất là mới, quan trọng mà nếu lưu ý, cần phải biết rằng là đặc biệt phần thứ hai, nội dung thứ hai nói về Công ước Luật biển năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để xác định phạm vi các vùng biển thuộc các quyền một quốc gia ven biển.

"Trong đó có nhấn mạnh đến các thực thể đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thì phải được xác định hiệu lực của nó theo Điều 121, Khoản 3, tức là những đảo nào không thích hợp cho con người ở và không có đời sống kinh tế riêng, như các thực thể trong hai quần đào này, thì không có vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa 200 hải lý như Công ước Luật biển quy định, mà chỉ có tối đa 12 hải lý thôi.

"Còn một điều nữa nói rằng là những bãi cạn lúc chìm, lúc nổi hoặc hoàn toàn chìm, thì không phải là đối tượng của quyền thủ đắc lãnh thổ. Tôi nghĩ đấy là nội dung rất là cốt lõi, nó liên quan đến việc mà chúng ta (Việt Nam) có thể khởi kiện Trung Quốc về việc gọi là cố tình giải thích, áp dụng sai Công ước bằng việc họ áp dụng những điều khoản mà sai, không đúng là như chúng ta đã biết, như là họ đã vạch đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa, vào năm 1996, rồi họ tiếp tục làm điều đó đối với ‘Nam Sa’ (tức Trường Sa) hay đang chuẩn bị làm, thì đó là hoàn toàn sai.

"Thêm nữa họ nói những bãi cạn nằm trên thực địa của Việt Nam, cũng như của Philippines, cũng như của Malaysia là phần lãnh thổ của Trung Quốc, đấy hoàn toàn là việc giải thích, áp dụng sai, nữa là cái chuyện họ nói chủ quyền lịch sử của Trung Quốc nằm trong trong đường Lưỡi bò (hay bản đồ đường 9 đoạn) cũng là hoàn toàn sai, đấy là những nội dung mà chúng ta nêu rõ quan điểm và chính nội dung này mới là nội dung chuẩn bị cho quá trình mà chúng ta có thể đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế.

"Và nếu chỉ đơn phương, thì các cơ quan này có thẩm quyền để mà xem xét và ra phán quyết. Đấy là nội dung trước nhất chúng tôi nghĩ phải làm rõ. Và như vậy nên nhớ rằng việc mà Việt Nam tại sao không kiện, lâu nay không kiện để đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa v.v…, thì có thể nói đây là một tính toán của phía Việt Nam, nghĩa là về nguyên tắc Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị cho quá trình đó, nhưng vào lúc nào, làm vào thời điểm nào, phải tính hết tất cả các yếu tố để có lợi nhất, có hiệu quả nhất, chính là một trong những nội dung tôi muốn trình bày.

"Cho nên chúng tôi nghĩ rằng sau công hàm này, như mọi người đã nghiên cứu, Việt Nam sẽ có những bước tiến mới để mà đấu tranh pháp lý cao hơn".

‘Diễn biến tích cực’

Trên trang mạng Công pháp Quốc tế từ Việt Nam, một số nhà nghiên cứu luật quốc tế bình luận về công hàm của Việt Nam và động thái xuất hiện công hàm này.

Cho rằng đây là một ‘diễn biến tích cực’, nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang hôm 09/4 viết :

"Chuỗi sự kiện này đã cho thấy một diễn biến tích cực trong các tranh chấp tại Biển Đông. Thứ nhất, nó chỉ ra rằng gần như có một sự phối hợp giữa ba quốc gia ASEAN (là Malaysia, Philippines và Việt Nam) trong việc sử dụng Công ước Luật biển 1982 chống lại các yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Khi Kuala Lumpur mở đầu "cuộc tranh biện", Bắc Kinh đã liên tục phản đối, Malnila và Hà Nội lần lượt vào cuộc và trực tiếp bác bỏ các lập luận này. Điều này cũng cho thấy sự đơn độc của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với các quốc gia ASEAN.

"Thứ hai, việc Philippines bắt đầu sử dụng Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế để phản bác lại Trung Quốc ở một diễn đàn quốc tế quan trọng là Liên hiệp quốc cho thấy điểm sáng ở trong cuộc tranh chấp dai dẳng và phức tạp trong khu vực. Phán quyết này không những đã loại bỏ sự tồn tại pháp lý của đường chín đoạn, còn giúp thu hẹp các các vùng biển chồng lấn tại khu vực Trường Sa; từ đó, mở ra cơ hội hợp tác tích cực cho các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, Phán quyết còn là đưa ra cơ sở pháp lý chính thống để căn cứ vào đó mà giải quyết các tranh chấp còn lại ở trên biển", và

"Thứ ba, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra các quan điểm chi tiết, trực tiếp và rõ ràng về các thực thể tại Biển Đông. Đây là một chỉ dấu quan trọng trong chuỗi các thủ tục khi tiến hành sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế, trong đó có Tòa trọng tài tương tự như Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc…".

Lần đầu tiên ‘rõ ràng’

Cũng trên trang này, nhà nghiên cứu Trần H.D. Minh, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao, bình luận :

"Việt Nam lần đầu tiên thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về một số vấn đề pháp lý quan trọng tại Biển Đông.

"Mặc dù không dẫn rõ Phán quyết ngày 12.07.2016 của Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông, các quan điểm này trùng hợp với quan điểm của Tòa trọng tài.

"Đây là lần đầu tiên Việt Nam thể hiện quan điểm rất rõ ràng và cụ thể về các vấn đề pháp lý thực chất trên Biển Đông…

"Với việc đưa ra quan điểm pháp lý rất rõ ràng và cụ thể, Việt Nam đang dần thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy cam kết nghiêm túc của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế và với một trật tự dựa trên luật lệ (a rule-based order) trong quan hệ quốc tế nói chung.

"Nói riêng, với tranh chấp Biển Đông, Việt Nam thể hiện rõ vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế, như là xuất phát điểm cho tiến trình giải quyết tranh chấp và là cơ sở pháp lý duy nhất cho mọi giải pháp mà Việt Nam khả dĩ chấp nhận".

‘Không để bị động, bất ngờ’

Trở lại với tình hình, diễn biến trên Biển Đông tại thời điểm này, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp hôm 13/4 đưa ra bình luận và dự phóng :

"Có thể nói Việt Nam đang theo dõi tình hình rất sâu sát, chắc chắn không để bị động, bất ngờ.

"Trong khi cả thế giới đang chống dịch Covid-19, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động ở biển Đông cho thấy Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để tạo các lợi thế chiến lược.

"Việc Trung Quốc điều tàu chiến, tàu sân bay... cùng với các tàu thăm dò địa chất hướng vào Biển Đông lúc này, cho thấy một phần các kế hoạch của Trung Quốc.

"Tình hình sẽ sớm trở nên rõ ràng", nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) nói với BBC.

Quốc Phương

Nguồn : BBC, 13/04/2020

*********************

Thừa cơ đại dịch – Việt Nam lo Trung Quốc đánh chiếm đảo

Thu Thủy, Thoibao.de, 11/04/2020

Liên quan đến sự kiện "Phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc vừa gửi Công hàm từ hôm 30/3/2020 tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông". Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn từ Pháp có bài viết bình luận về sự kiện này.

chiem1

Trích Bản đồ An Nam Đại Quốc Họa đồ do người Pháp vẽ phát hành năm 1838 đã ghi nhận vị trí Hoàng Sa với tên Paracel – Cát Vàng, trong khi đó bản đồ Trung quốc phát hành năm 1936 cũng không hề có Hoàng sa Trường Sa. Việt nam hiện còn lưu giữ rất nhiều bằng chứng tương tự

"Điều đầu tiên cần minh bạch. Việt Nam gởi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhưng gởi cho cơ quan nào ? Nếu gửi cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tức gởi cho toàn thể các quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc, vấn đề sẽ rất trọng đại", ông Trương Nhân Tuấn viết.

Nếu ta nhớ lịch sử thì việc can thiệp của Liên Hiệp Quốc vào chiến tranh Nam, Bắc Hàn 1950-1953 là đến từ một Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nếu gởi cho Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vấn đề sẽ nghiêm trọng, vì nội dung sẽ liên quan đến nền hòa bình của toàn cầu. Hầu hết các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào chiến trường Afghanistan, Iraq… đều đến từ một Nghị quyết của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nếu gởi Tòa Công lý quốc tế, cơ quan pháp lý của Liên Hiệp Quốc, ta có thể hình dung một vấn đề quan trọng. Việt Nam mở đầu cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, bằng cơ quan pháp lý, có uy tín nhứt địa cầu. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy! Công hàm mà báo chí đề cập là công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam gởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc.

Sự hiện hữu của công hàm phản đối này thực chất chỉ là một trình tự "logic" về ngoại giao, bắt buộc phải có của nhà nước, nhằm thể hiện thái độ của quốc gia Việt Nam đối với các hành vi, thái độ của một, hay những, quốc gia khác, về một vấn đề có liên quan đến Việt Nam.

"Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông".

"Các công hàm trên" ở đây chính là hai công hàm của Trung Quốc, thứ nhất là công hàm số ngày 12/12/2019 phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa". Thứ hai là Công hàm ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc".

"Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc cụ thể bao gồm 5 điểm chính :

Một là, chủ quyền hai quần đảo Tây sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam sa (tức Trường sa của Việt Nam).

Hai là, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định theo điều 121 khoản 3 của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Ba là, Các nhóm đảo ở Biển Đông, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa không có đường cơ sở vẽ bằng cách nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhứt.

Bốn là, Các bãi chìm lúc chím lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.

Năm là, Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử ; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.

Việc phản đối như vậy là cần thiết. Bởi vì, trước luật pháp quốc tế, sự "im lặng" của một quốc gia trước một vấn đề đòi hỏi quốc gia phải lên tiếng, được xem là "sự đồng thuận ám thị".

Nếu có theo dõi sự việc, ta thấy ngày 12/12/2019 Malaysia nộp "Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng vùng phía bắc" của quốc gia này lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc. Thì cùng ngày, Trung Quốc nộp công hàm phản biện yêu sách này của Malaysia".

Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ tại Nam Sa (tức Trường Sa) đồng thời cho rằng yêu sách của Mã lai đã chồng lấn với vùng "biển lịch sử" của họ.

"Ngày 6 tháng ba Philippines gửi công hàm lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc khẳng định chủ quyền của nước này ở nhóm đảo "Kalayaan", tức Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc không thể im lặng (vì im lặng là đồng thuận). Do đó Trung Quốc lên tiếng phản biện lại yêu sách của Philippines, đồng thời khẳng định chủ quyền của họ tại Nam Sa, tức Trường Sa của Việt Nam, chủ quyền Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và đá Hoàng nham (tức Scarbourough). Trung Quốc cũng khẳng định đường cơ sở quần đảo chung quanh quần đảo Trường Sa, đường cơ sở chung quanh quần đảo Hoàng Sa và vùng "biển chung quanh". Dĩ nhiên việc này "lôi kéo" theo Việt Nam. Việt Nam cũng không thể im lặng vì sự im lặng của Việt Nam có ý nghĩa "từ khước chủ quyền" ở Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời nhìn nhận yêu sách về vùng biển của Trung Quốc.

Nhiều án lệ của Tòa Công lý quốc tế cho thấy, việc "xao lãng" của nhà cầm quyền trước một vấn đề buộc quốc gia phải lên tiếng, thí dụ im lặng trước tuyên bố của một quốc gia khác về chủ quyền một vùng lãnh thổ. Sự im lặng của nhà cầm quyền một quốc gia có thể làm cho quốc gia đó mất chủ quyền ở vùng lãnh thổ ấy".

Tức là sự phản biện của Việt Nam trước quốc tế (ở đây là Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc) về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và hải phận là một "trình tự logic" ngoại giao. Tức chuyện "hết sức bình thường".

"Điều đáng tiếc là trong thời gian qua Việt Nam có lần đóng vai trò "cầm chịch" luân phiên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã không lợi dụng được điều gì ở vị thế này hết cả.

Theo tôi, Việt Nam đã bỏ qua rất nhiều dịp tốt để kiện Trung Quốc trước một tòa án quốc tế. Vụ bãi Tư Chính năm ngoái là một thí dụ. Vấn đề là Việt Nam phải kiện về nội dung nào ? kiện ở đâu ? Nhiều lần tôi đã nói việc này.

Điều đáng ghi nhận trong công hàm của Việt Nam là Việt Nam mặc nhiên nhìn nhận hiệu lực "Phán quyết của tòa PCA 2016" Phillipines kiện Trung Quốc về việc "giải thích và cách áp dụng Luật biển" trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Điều này thể hiện qua lập trường của Việt Nam về hiệu lực tất cả các đảo, bãi ngầm…, hoặc là cách vẽ đường cơ sở chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đúng như cách "giải thích và cách áp dụng Luật Biển", đặc biệt ở điều 121 về hiệu lực các đảo cũng như việc giải thích của Tòa về đường cơ sở và vùng nước quần đảo.

Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các tàu ‘nghiên cứu’ Hải Dương Địa Chất, đưa vào các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông và khu vực".

Tức thông qua sự việc này cho thấy rằng Việt Nam đã nhìn nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển đông PCA 2016 là "luật".

"Điều mới mẻ, đáng nói trong công hàm của Việt Nam là đưa các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vào đứng chung với Trường Sa. Việc này không liên quan gì đến các quốc gia Malaysia hay Phillipines.

Ý nghĩa của việc này là, từ nay, quan điểm của Việt Nam là các đảo lớn nhỏ, chìm nổi… thuộc Hoàng Sa không có cái nào có hiệu lực biển, đồng thời Hoàng Sa cũng không có đường cơ sở và vùng biển nội hải, theo cách tính của "quốc gia quần đảo" của Trung quốc .

Như vậy "ý đồ" của Việt Nam qua công hàm này là "hâm nóng" vấn đề tranh chấp Hoàng Sa.

Để ý đoạn công hàm 30/3/2020 của Việt Nam ghi rằng :

"Phái đoàn thường trực đề nghị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc".

Cho thấy, rõ ràng ý đồ của Việt Nam, thông qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của Malaysia, muốn "quốc tế hóa" vấn đề Hoàng Sa.

Qua công hàm này Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc, vì những tranh chấp với Trung Quốc ở bãi Tư chính hay khu vực Trường Sa, với phương cách mà Phillipines đã làm".

Ông Trương Nhân Tuấn nêu quan điểm : "Nhiều lần tôi có ý kiến, kiện Trung Quốc bằng con đường này không phải là "thượng sách". Bởi vì ta biết chắc chắn là Trung Quốc sẽ không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, cũng như không nhìn nhận bản án và không chấp hành phán quyết".

"Như đã xảy ra ở phán quyết PCA tháng 7/2016. Trong khi Việt Nam có những phương cách khác, không thông qua quá trình pháp lý, để triệt tiêu các yêu sách phi lý của Trung Quốc (ở khu vực Trường Sa).

Dự đoán của tôi, có lẽ Việt Nam đang sử dụng phương thức mà tôi đã từng đề nghị. Đó là cách sử dụng Luật Biển, thể hiện trong nội dung Phán quyết PCA tháng 7 năm 2016, xuyên qua quyết định của Ủy ban ranh giới Thềm lục địa. Việt Nam, Malaysia và Philippines nhờ cơ quan này nhìn nhận hồ sơ hợp pháp về ranh giới thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình.

Điều này có thể đang xảy ra. Việt Nam có thể đang hợp cùng với Philippines và Malaysia, qua các Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình, từ tháng 12/2019.

Điều này thành công thì các yêu sách phi lý của Trung Quốc, như "vùng nước tiếp cận các đảo", "vùng biển lịch sử" thể hiện qua bản đồ chữ U chín đoạn, vùng phia nam Biển Đông, sẽ bị vô hiệu hóa bởi quyết định của Liên Hiệp Quốc.

Riêng vùng hải phận phía bắc Biển Đông, thuộc khu vực Hoàng Sa. Có lẽ Việt Nam sẽ phải sử dụng mô hình của Philippines để kiện Trung Quốc", nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn kết luận.

Trung Quốc là một nước lớn trên thế giới, Việt Nam lại có đường biên giới hàng nghìn cây số chung với nước này, mặc dù cùng ý thức hệ theo Chủ nghĩa cộng sản, nhưng điều đó đã không ngăn cản được sự tham lam, bành trướng bá quyền từ phương Bắc.

Sau khi Việt Nam gửi công hàm hôm 30/3/2020 lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, thì ngay lập tức Bắc Kinh đã xua tàu hải cảnh, lao vào đâm chìm tàu đánh cá bằng gỗ của ngư dân Việt Nam, khi họ đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của mình, đây là thế đòn hiểm, tát thẳng vào mặt nhà cầm quyền ở Hà Nội mà người đứng đầu là Tổng bí thư Chủ tịch nước.

Nếu Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng khi chứng kiến sự mất mát và đau khổ của người dân trước các vi phạm của Trung Quốc, thì ông Nguyễn Phú Trọng cùng Đảng của ông ở Ba Đình không cần tồn tại nữa, hãy trả lại quyền điều hành đất nước cho trên 90 triệu người dân Việt Nam.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 11/04/2020

*********************

Biển Đông : Chiến lược của Việt Nam khi gửi Công hàm lên Liên Hiệp Quốc ?

Trương Nhân Tuấn, BBC, 09/04/2020

Trên BBC có bài giới thiệu ý kiến các học giả Việt Nam, liên quan đến sự kiện "Phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc vừa gửi Công hàm từ hôm 30/3/2020 tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông".

goi1

Bản chính Công hàm phản đối của Việt Nam đệ trình lên Liên Hợp Quốc ở New York ngày 30/3/2020 phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Báo chí trong nước đồng loạt đăng tin này hôm 07/4.

Điều đầu tiên cần minh bạch. Việt Nam gởi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhưng gởi cho cơ quan nào ?

Nếu gởi cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tức gởi cho toàn thể các quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc, vấn đề sẽ rất trọng đại.

Nếu ta nhớ lịch sử thì việc can thiệp của Liên Hiệp Quốc vào chiến tranh Nam, Bắc Hàn 1950-1953 là đến từ một Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nếu gởi cho Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vấn đề sẽ nghiêm trọng, vì nội dung sẽ liên quan đến nền hòa bình của toàn cầu.

Hầu hết các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào chiến trường Afghanistan, Iraq… đều đến từ một Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nếu gởi Tòa Công lý quốc tế, cơ quan pháp lý của Liên Hiệp Quốc, ta có thể hình dung một vấn đề quan trọng. Việt Nam mở đầu cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, bằng cơ quan pháp lý, có uy tín nhứt địa cầu.

Thực tế hoàn toàn không phải vậy ! Công hàm mà báo chí đề cập là công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam gởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc.

Sự hiện hữu của công hàm phản đối này thực chất chỉ là một trình tự "logic" về ngoại giao, bắt buộc phải có của nhà nước, nhằm thể hiện thái độ của quốc gia Việt Nam đối với các hành vi, thái độ của một, hay những, quốc gia khác, về một vấn đề có liên quan đến Việt Nam. Ở đây là các vấn đề liên quan đến yêu sách của Trung Quốc, về chủ quyền lãnh thổ và hải phận.

Ý nghĩa của công hàm này vì vậy cần nên hiểu trong vòng "hạn chế", trong "bối cảnh" ra đời của nó.

Thật vậy, xét nội dung Công hàm ngày 30/3 của Việt Nam (1) :

"Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông".

"Các công hàm trên" là hai công hàm của Trung Quốc, thứ nhất là công hàm số "CML/14/2019 ngày 12/12/2019 (2) nhằm phản hồi đệ trình ngày 12/12/2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa". Thứ hai là Công hàm số "CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc".

Việt Nam khẳng định qua công hàm rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, qui định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc :

1/ chủ quyền hai quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).

2/ vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định theo điều 121 khoản 3 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

3/ Các nhóm đảo ở Biển Đông, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa không có dường cơ sở vẽ bằng cách nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhứt.

4/ Các bãi chìm lúc chím lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.

5/ Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử ; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.

Việc phản đối như vậy là cần thiết.

Bởi vì, trước luật pháp quốc tế, sự "im lặng" của một quốc gia trước một vấn đề (quốc tế) đòi hỏi quốc gia phải lên tiếng, được xem là "sự đồng thuận ám thị".

Nếu có theo dõi sự việc, ta biết rằng ngày 12/12/2019 Mã lai nộp "Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng vùng phía bắc" của quốc gia này lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc.

Cùng ngày, Trung Quốc nộp công hàm phản biện yêu sách của Malaysia.

Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ tại Nam Sa (tức Trường Sa) đồng thời cho rằng yêu sách của Mã lai đã chồng lấn với vùng "biển lịch sử" của họ.

Ngày 6/3, Philippines gửi công hàm lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia này. Theo đó Philippines khẳng định chủ quyền của nước này ở nhóm đảo "Kalayaan", tức Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc không thể im lặng (vì im lặng là đồng thuận).

Do đó Trung Quốc lên tiếng phản biện lại yêu sách của Philippines, đồng thời khẳng định chủ quyền của họ tại Nam Sa, tức Trường Sa của Việt Nam, chủ quyền Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và đá Hoàng Nham (tức Scarborough).

Trung Quốc cũng khẳng định đường cơ sở quần đảo chung quanh quần đảo Trường Sa, đường cơ sở chung quanh quần đảo Hoàng Sa và vùng "biển chung quanh".

Dĩ nhiên việc này "lôi kéo" theo Việt Nam. Việt Nam cũng không thể im lặng vì sự im lặng của Việt Nam có ý nghĩa "từ khước chủ quyền" ở Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời nhìn nhận yêu sách về vùng biển của Trung Quốc.

Nhiều án lệ của Tòa Công lý quốc tế cho thấy, việc "xao lãng" của nhà cầm quyền trước một vấn đề buộc quốc gia phải lên tiếng, thí dụ im lặng trước tuyên bố của một quốc gia khác về chủ quyền một vùng lãnh thổ. Sự im lặng của nhà cầm quyền một quốc gia có thể làm cho quốc gia đó mất chủ quyền ở vùng lãnh thổ ấy.

Tức là sự phản biện của Việt Nam trước quốc tế (ở đây là Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc) về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và hải phận là một "trình tự logic" ngoại giao. Tức chuyện "hết sức bình thường".

Điều đáng tiếc là trong thời gian qua Việt Nam có lần đóng vai trò "cầm chịch" luân phiên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã không lợi dụng được điều gì ở vị thế này hết cả.

Về ý kiến công hàm này "báo hiệu một tiến trình pháp lý".

Theo tôi, Việt Nam đã bỏ qua rất nhiều dịp tốt để kiện Trung Quốc trước một tòa án quốc tế. Vụ bãi Tư Chính năm ngoái là một thí dụ. Vấn đề là Việt Nam phải kiện về nội dung nào ? kiện ở đâu ? Nhiều lần tôi đã nói việc này.

Điều đáng ghi nhận trong công hàm của Việt Nam là Việt Nam mặc nhiên nhìn nhận hiệu lực "Phán quyết của tòa PCA 2016" Phillipines kiện Trung Quốc về việc "giải thích và cách áp dụng Luật biển" trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Điều này thể hiện qua lập trường của Việt Nam về hiệu lực tất cả các đảo, bãi ngầm..., hoặc là cách vẽ đường cơ sở chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đúng như cách "giải thích và cách áp dụng Luật Biển", đặc biệt ở điều 121 về hiệu lực các đảo cũng như việc giải thích của Tòa về đường cơ sở và vùng nước quần đảo.

Tức Việt Nam đã nhìn nhận phán quyết PCA 2016 là "luật".

Điều mới mẻ, đáng nói (mà không thấy ai nói), trong công hàm của Việt Nam là đưa các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vào đứng chung với Trường Sa. Việc này không liên quan gì đến các quốc gia Malaysia hay Phillipines.

Ý nghĩa của việc này là, từ nay, quan điểm của Việt Nam là các đảo lớn nhỏ, chìm nổi... thuộc Hoàng Sa không có cái nào có hiệu lực biển, đồng thời Hoàng Sa cũng không có đường cơ sở và vùng biển nội hải, theo cách tính của "quốc gia quần đảo".

Theo tôi, "ý đồ" của Việt Nam qua công hàm này là "hâm nóng" vấn đề tranh chấp Hoàng Sa, như tôi nhiều lần nhấn mạnh, về sự cần thiết cũng như các phương cách "hâm nóng".

Để ý đoạn công hàm 30-3-2020 của Việt Nam :

"Phái đoàn thường trực đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên hợp quốc".

Rõ ràng ý đồ của Việt Nam, thông qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của Malaysia, muốn "quốc tế hóa" vấn đề Hoàng Sa.

Theo tôi, qua công hàm này Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc, vì những tranh chấp với Trung Quốc ở bãi Tư chính hay khu vực Trường Sa, với phương cách mà Phillipines đã làm.

Nhiều lần tôi có ý kiến, kiện Trung Quốc bằng con đường này không phải là "thượng sách". Bởi vì ta biết chắc chắn là Trung Quốc sẽ không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, cũng như không nhìn nhận bản án và không chấp hành phán quyết. Như đã xảy ra ở phán quyết PCA tháng 7/2016. Trong khi Việt Nam có những phương cách khác, không thông qua quá trình pháp lý, để triệt tiêu các yêu sách phi lý của Trung Quốc (ở khu vực Trường Sa).

Dự đoán của tôi, có lẽ Việt Nam đang sử dụng phương thức mà tôi đã từng đề nghị, (bài đã đăng ở BBC). Đó là cách sử dụng Luật Biển, thể hiện trong nội dung Phán quyết PCA tháng 7/2016, xuyên qua quyết định của Ủy ban ranh giới Thềm lục địa. Việt Nam, Malaysia và Philippines nhờ cơ quan này nhìn nhận hồ sơ hợp pháp về ranh giới thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình.

Điều này có thể đang xảy ra. Việt Nam có thể đang hợp cùng với Philippines và Malaysia, qua các Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình, từ tháng 12/2019.

Điều này thành công thì các yêu sách phi lý của Trung Quốc, như "vùng nước tiếp cận các đảo", "vùng biển lịch sử" thể hiện qua bản đồ chữ U9 đoạn, vùng phia nam Biển Đông, sẽ bị vô hiệu hóa bởi quyết định của Liên Hiệp Quốc.

Riêng vùng hải phận phía bắc Biển Đông, thuộc khu vực Hoàng Sa. Có lẽ Việt Nam sẽ phải sử dụng mô hình của Philippines để kiện Trung Quốc. Ý kiến này tôi cũng đã từng đề nghị qua các bài viết trước đây, trong đó có các bài đăng trên BBC.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : BBC, 09/04/2020

(1) Công hàm ngày 30/3 của Việt Nam 

(2) Công hàm ngày 12/12/2019 của Trung Quốc (CML/14/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương, Thu Thủy, Trương Nhân Tuấn
Read 672 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)