Cán bộ hành xử ngang ngược
Chuyện ông Lưu Văn Thanh, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước có hành động chống đối nhân viên công vụ tại một chốt kiểm dịch Covid-19 được lan truyền mạnh trên mạng xã hội mấy ngày qua. Nhiều người dân bất bình về cách hành xử của vị quan chức vì hiện nay việc tôn trọng những qui định phòng, chống dịch là hết sức bức thiết.
Một chốt kiểm dịch Covid-19 ở Hà Nội. AFP
Người dân cho rằng cách hành xử này là hống hách, coi thường luật pháp khi ông Thanh đòi chụp hình nhân viên tại trạm và thách thức người quay clip.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu nhận định :
"Cái đó không nên chỉ nhìn ở góc độ đạo đức đâu. Nếu nhìn góc độ đọa đức thôi là chúng ta sẽ lạc đề. Đạo đức là câu chuyện của từng cá nhân. Quan chức ở đâu cũng có người tốt người xấu, nhưng số người tốt và toàn tâm toàn ý với công việc, vì chuyện chung thì quá ít.
Ai mà có một chút quan tâm đến triết học sẽ phải đi tìm câu trả lời vì sao ít thì mới tìm được cách để giải quyết vấn đề.
Với cách tổ chức xã hội như ở Việt Nam hiện nay thì số phận của một quan chức trong rất nhiều trường hợp là do trên quyết định chứ không phải do quyết định. Người dân không có nghĩa lý gì dù họ luôn luôn nói "của dân, do dân, vì dân’".
Cách hành xử ngang ngược của vị cán bộ tỉnh Bình Phước khiến người dân nhớ tới những viên công an từng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ qua những video clips được đăng tải cách đây không lâu.
Cuối năm 2019, báo chí chính thống cũng như mạng xã hội lan truyền video clip một người đàn ông ném đồ ăn và tát vào mặt một nhân viên tại quầy tính tiền. Nhân vật này sau đó bị truyền thông phanh phui nêu đích danh là Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt, mới được điều chuyển công tác từ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thái Nguyên về Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó vài tháng, Đại úy công an Lê Thị Hiền đồng thời là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở phi trường Tân Sơn Nhất.
Ngoài những hành vi được cho là khó coi, thậm chí vi phạm pháp luật, đây đó người dân vẫn đặt câu hỏi rằng, sao không thấy cán bộ lãnh đạo nào đứng ra làm từ thiện hay đóng góp tiền của theo kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong đợt dịch Covid-19 hiện nay ?
Ông Phúc kêu gọi mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị… tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người góp hiện vật, người góp sức, người góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc bao đời, đem lại sức mạnh để Việt Nam vượt mọi khó khăn thử thách chống đại dịch.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu quan điểm của ông :
"Để làm từ thiện thì phải có tấm lòng, làm từ lương tâm. Nhưng trong quá trình lựa chọn cán bộ của đảng nó có những chỗ đúng nhưng cũng có những chỗ sai. Có ba cái sai nhất : Phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ.
Vì những cái sai như thế thành ra phần lớn họ chọn ra những con người cơ hội, mưu mẹo. Phải như thế nào đấy mới được chọn làm cán bộ.
Trong quá trình làm cán bộ, vì công việc người ta phải đấu tranh, phải làm thế nào để được lên chức…cũng có những người phải bỏ ra số tiền lớn để chạy chức chạy quyền, chưa kể bỏ tiền cúng chùa này chùa kia cầu mong Thần Phật phù hộ. Đó là động lực của người ta. Người ta không có động lực để giúp đỡ đồng bào".
Một chốt kiểm dịch Covid-19 ở Hà Nội AFP
Vì sao ?
Tuy có rất nhiều quy định, nghị định được ban hành nêu rõ đảng viên, cán bộ phải gương mẫu. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, đi đầu trong việc nêu gương để cấp dưới học tập, noi theo; đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Vì sao các cán bộ được hưởng nhiều bổng lộc của nhà nước lại ngày càng vi phạm những quy tắc được đề ra ?
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng giải thích :
"Vấn đề ở đây là do thể chế. Một cái thể chế xa rời người dân, một cái thể thực chất do trên quyết định chứ không do dân quyết định nhất định sẽ đẻ ra một tầng lớp quan chức không coi dân ra gì. Thế chế đó cũng đẻ ra chuyện sống hai mặt. Một mặt là nói những lời rất tốt đẹp; một mặt là tìm mọi cách vơ vét cho mình.
Cái chế độ đó càng ngày càng hư hỏng thôi. Nó từ nguyên lý tổ chức. Chừng nào mà chưa giải quyết được nguyên lý tổ chức thì chừng đó mọi chuyện nêu gương đều không có nghĩa gì hết. cành hô hào nêu gương thì càng dấn sâu vào chuyện giả dối".
Công bằng mà nói thì xã hội nào cũng có người tốt, người xấu. Dân cũng thế mà cán bộ cũng thế. Điều đáng nói là nếu dận vi phạm thì sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật, còn cán bộ thì chỉ bị cảnh cáo, bị tạm ngưng công tác hoặc thuyên chuyển vị trí, có khi còn cao hơn vị trí cũ đã từng xảy ra.
Trong một lần trò chuyện với RFA về cách hành xử của công an với dân một cách côn đồ cũng như bắt tay với côn đồ để đàn áp dân, ông Đinh Quang Tuyến, một nhà đấu tranh trong nước nhận định tất cả là do thể chế. Theo ông Tuyến, cộng sản muốn cai trị đất nước và dân tộc Việt Nam với luật pháp và hiến pháp bất công do họ tạo ra. Cộng sản Việt Nam không biết điều hành dẫn đến một đất nước không phải pháp quyền cũng chẳng phải pháp trị mà là vô pháp.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cái chính là trong số cán bộ, trong số đảng viên có những ‘kẻ lưu manh’ lọt vào là do chọn lựa không đúng. Bản chất của những con người được lựa chọn không tử tế, nhưng lại làm cán bộ vì họ chạy chọt bằng nhiều cách. Ông nói thêm :
"Bản chất của những người đó là lưu manh. Nếu người ta tuyển chọn cán bộ đúng đắn, tử tế thì những người như vậy không lọt vào được đâu. Vì sai lầm đường lối cán bộ của đảng nên những cán bộ có cơ hội là bộc lộ bản chất lưu manh sẵn có ra thôi. Bản thân cán bộ như vậy không biết làm gương đâu. Họ không sợ ai vì họ nghĩ công an không dám đụng đến họ, không ai dám đụng đến họ".
Không rõ có phải do phản ứng quá mạnh của cộng đồng cư dân mạng hay không, vào ngày 13 tháng 4 Tỉnh ủy Bình Phước, cơ quan chủ quản của ông Lưu Văn Thanh, lên tiếng sẽ xử lý nghiêm đối với hành vi của ông Lưu Văn Thanh !