Covid-19, tái khởi động hay bất động ngăn diệt chủng ?
Trân Văn, VOA, 17/04/2020
Đại dịch Covid-19 nhắc người ta nhớ đến đại dịch Cúm Tây Ban Nha xảy ra đầu thế kỷ 20 (1918 - 1919), sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Thế chiến thứ nhất tước đoạt sinh mạng của 20 triệu người và Cúm Tây Ban Nha theo sau, bùng phát thành đại dịch, tước đoạt thêm sinh mạng khoảng từ 50 triệu đến 100 triệu người nữa trên thế giới - tương đương 1/3 dân số toàn cầu vào thời điểm đó.
Hình minh họa.
Giống như Cúm Tây Ban Nha, Covid-19 cũng có tính chất như một đợt diệt chủng, lộn ngược kinh tế - xã hội toàn cầu, đến giờ vẫn chưa có vaccine ngăn ngừa lây nhiễm, chưa có thuốc đặc trị. Phương thức duy nhất để kiềm chế lây lan là giữ khoảng cách với người khác, hạn chế tối đa đi lại, tiếp xúc (social distancing). Tuy giúp hạn chế thiệt hại nhân mạng nhưng social distancing gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội.
Tiếp tục duy trì social distancing để ngăn chặn một đợt diệt chủng mới khi chưa có vũ khí hữu hiệu để chống đỡ, hay dỡ bỏ các qui định về social distancing để tái lập hoạt động kinh tế, xã hội, đang tạo ra những cuộc tranh luận giữa các cộng đồng, trong nội bộ các quốc gia. Giữa những cuộc tranh luận càng lúc càng gay gắt này, có vài câu chuyện liên quan đến Cúm Tây Ban Nha rất đáng để tham khảo, ngẫm nghĩ…
***
Chẳng còn bao nhiêu người Mỹ nhớ tới Camp Crane – căn cứ quân sự tọa lạc tại Allentown, hạt Lehigh, tiểu bang Pennsylvania, chuyên huấn luyện những người lái xe cứu thương của Lục quân để đáp ứng nhu cầu vận chuyển thương binh, tử sĩ ở chiến trường Pháp trong Thế chiến thứ nhất – vì căn cứ này đã bị dỡ bỏ, trả lại đất cho Allentown Fairgrounds, nơi chuyên tổ chức các hội chợ, đặc biệt là hội chợ nông nghiệp.
Gần đây, một số chuyên gia, cơ quan truyền thông của Mỹ nhắc tới Camp Crane hay hạt Lehigh vì từng được xem là rất thành công trong việc ngăn ngừa Cúm Tây Ban Nha (1). Camp Crane được xây dựng làm nơi cư trú và huấn luyện cho 2.500 người nhưng vào thời điểm Cúm Tây Ban Nha bùng phát, số người cư trú trong căn cứ này gấp khoảng ba lần thiết kế.
Khi đại dịch đạt đỉnh chết chóc, số người cư trú trong Camp Crane vẫn còn 2.100 người nhưng dù luôn luôn đông đúc, suốt đại dịch Cúm Tây Ban Nha, tại Camp Crane chỉ có 355 người bị nhiễm virus và 13 người trong số này thiệt mạng. Trung tâm Nghiên cứu lịch sử Y khoa của Đại học Y khoa Michigan đã từng tìm kiếm xem vì sao Camp Crane có thể đạt được thành quả ấy…
Năm 2006, trung tâm vừa kể từng cho biết, virus Cúm Tây Ban Nha là chủng mới, dễ lây lan và đó là lý do nó nhanh chóng trở thành đại dịch có tầm vóc toàn cầu khi những người lính tham gia Thế chiến thứ nhất di chuyển qua nhiều nơi. Những sĩ quan điều hành Camp Crane phát giác sự xuất hiện của Cúm Tây Ban Nha vào ngày 23 tháng 9 năm 1918. Từ bốn ca nhiễm cúm đầu tiên, ba ngày sau, số ca nhiễm bắt đầu tăng lên…
Khi nhận ra tất cả những ca nhiễm cúm đều từ những người mới đến trình diện, Chỉ huy trưởng Camp Crane ra lệnh cách ly tất cả những người đến căn cứ trong ba ngày. Những người đang cư trú trong căn cứ có dấu hiệu bị cúm cũng bị cưỡng bức cách ly tại một khu vực riêng biệt của Bệnh viện Allentown. Những người còn lại được sắp xếp để có không gian riêng khoảng 9 mét vuông/người. Giờ ăn, mọi người được yêu cầu ngồi hết về một phía, để trống phía đối diện.
Để hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, toàn bộ sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ bị cấm ra khỏi căn cứ, nếu phải ra ngoài thì được yêu cầu phải tránh tất cả những chỗ đông người. Hạn chế tối đa việc cho thường dân vào bên trong. Trung tá Richard Slee - Chỉ huy trưởng Camp Crane, còn ra lệnh cho bác sĩ và những người lính làm vệ sinh doanh trại phải mang khẩu trang.
Tuy nhiên những người nghiên cứu về thành quả mà Camp Crane đạt được trong ngăn ngừa Cúm Tây Ban Nha cũng phát giác, Trung tá Slee không… triệt để ! Để giảm sự căng thẳng, thỉnh thoảng, Trung tá Slee nới lỏng các biện pháp nghiêm ngắt mà ông đề ra : Cho phép ban nhạc, đội football của căn cứ ra ngoài biểu diễn, thi đấu... Cho phép lính tráng trong căn cứ tham dự một đại nhạc hội ở bên ngoài vào tối 31 tháng 10 năm 1918…
Bất kể thế nào thì thành quả mà Camp Crane đạt được cũng vẫn còn rất ấn tượng. Trong khi tỉ lệ lây nhiễm Cúm Tây Ban Nha nơi Lục quân Mỹ là 252/1000 (cứ 1000 quân nhân thì có 252 người bị nhiễm) thì tỉ lệ này ở Camp Crane chỉ là 35/1.000. Trung tá Slee đã từng nhấn mạnh về năm lý do giúp ông có thể hạn chế Cúm Tây Ban Nha lây lan ở khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của mình : Dự đoán về khả năng lây nhiễm và chuẩn bị để đối phó. Dọn dẹp, làm vệ sinh. Sắp xếp lại chỗ ở để bảo đảm mọi người có thể giữ khoảng cách cần thiết. Cách ly những người có dấu hiệu nhiễm bệnh. Chuyển những người nhiễm bệnh đển bệnh viện.
***
Giá phải trả cho việc duy trì social distancing chẳng rẻ chút nào nhưng với những đặc điểm của Covid-19 và trong bối cảnh chưa có vaccine, các chuyên gia vẫn còn loay hoay xác định phác đồ điều trị, tìm kiếm thuốc đặc trị, có bãi bỏ social distancing để sinh hoạt xã hội trở lại bình thường, tái khởi động các hoạt động sản xuất, thương mại hay không là câu hỏi không dễ trả lời. Diễn biến của đại dịch Covid-19 cho thấy, nếu thiếu cẩn thận, không đủ tỉnh táo, sẽ có những quyết định chẳng khác gì bỏ phiếu diệt chủng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/04/2020
Chú thích
*************************
Mỹ ngưng tài trợ, ảnh hưởng WHO ra sao ?
VOA, 17/04/2020
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngưng tài trợ Tổ chức Y tế Thế giới, tước bỏ nguồn tài trợ lớn nhất của tổ chức này, có thể có những hậu quả xa hơn nữa trong những nỗ lực chống bệnh tật và làm cho việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Lệnh của ông Trump xoáy vào cách thức đáp ứng của tổ chức này đối với đại dịch virus corona, và ông không phải là người duy nhất chỉ trích những hành động và những lời tuyên bố của tổ chức này.
Một số nước đã bất bình với những nỗ lực của WHO vào lúc dịch bệnh Covid-19 lây lan, thất bại trong việc báo cáo về bùng phát hay bất cần những qui luật quốc tế.
Tuy nhiên WHO chịu trách nhiệm nhiều hơn là ứng phó với dịch bệnh, và hiện nay đang gặp khó khăn về tài chánh vì đang kẹt trong cuộc tranh chấp chính trị tại Mỹ.
Sau đây là những câu hỏi thường gặp về tổ chức này.
Tổ chức Y tế Thế giới làm gì ?
Được thành lập sau Thế chiến Thứ hai trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc, tổ chức có trụ sở tại Geneva với khoảng 7.000 nhân viên tại 150 văn phòng tên toàn thế giới, không có quyền hành trực tiếp đối với các nước thành viên. Thay vào đó, tổ chức là một cơ quan lãnh đạo quốc tế trong lãnh vực y tế công cộng bằng cách báo động cho thế giới về những đe dọa, chống dịch bệnh, đưa ra chính sách và cải thiện việc tiếp cận với chăm sóc y tế.
Trong trường hợp khẩn cấp như virus corona, WHO được xem như một trung tâm phối hợp—hướng dẫn chế ngự, tuyên bố khẩn cấp và đưa ra khuyến nghị--với các nước chia sẻ thông tin để giúp các nhà khoa học giải quyết dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên dù WHO có ảnh hưởng rộng rãi, cơ quan này thiếu quyền thực thi và chịu những áp lực về ngân sách và chính trị, đặc biệt là từ các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc và những nhà tài trợ như Gates Foundation.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres bênh vực WHO trong một tuyên bố ngày 14/4, nói rằng tổ chức này "phải được hỗ trợ, vì tổ chức tuyệt đối cần thiết trong nỗ lực của thế giới thắng trong cuộc chiến chống Covid-19".
Ông nói đây "không phải là lúc giảm nguồn lực đối với những hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới hay bất cứ cơ quan nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống virus".
WHO được tài trợ như thế nào ?
Tài trợ đến từ các nước thành viên và các tổ chức tư. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, chiếm 14,67% ngân sách.
Tiền đóng góp của các thành viên chỉ bằng chừng một phần tư số tiền Mỹ hiến tặng cho WHO ; khoản tiền này được tính tương đối căn cứ trên sự giàu có và dân số. Số còn lại đến từ các đóng góp tự nguyện và số lượng có thể thay đổi theo từng năm.
Trong năm 2019, Mỹ đóng góp khoảng 553 triệu đô la. Ngân sách mỗi hai năm của WHO khoảng 6,3 tỉ đô la trong hai năm 2018-2019.
Hầu hết tiền của Mỹ dành cho những chương trình như xóa bệnh bại liệt, phát triển vaccine và tăng cường tiếp cận với những dịch vụ y tế và dinh dưỡng trọng yếu. Chỉ có 2,97% tiền đóng góp của Mỹ dành cho các hoạt động khẩn cấp, và 2,33% dành cho phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát.
Ông Lawrence O. Gostin, giám đốc Viện O’Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói khoảng 70% tiền tài trợ của Mỹ dành cho những chương trình cột mốc như bệnh AIDS, những chương trình sức khỏe tâm thần, phòng ngừa ung thư và bệnh tim.
"Ưu tiên cao nhất là kiểm soát và chuẩn bị dịch bệnh", ông nói, "Nhưng đây thực sự là điều ít quan trọng nhất WHO đã làm trong lịch sử".
Đóng góp của Mỹ cao gấp đôi nước đóng góp lớn kế tiếp là Anh. Số tiền Anh góp chiếm khoảng 7,79% ngân sách WHO, Quỹ Bill và Linda Gates đóng góp vào 9,76% ngân sách của WHO.
Tại sao ông Trump và những người khác chỉ trích WHO ?
Tổng thống cáo buộc WHO phản ứng chậm trễ đối với đe đọa của virus corona và thiếu chỉ trích Trung Quốc. (Ông Trump cũng bị chỉ trích như thế. Ông đã được cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch từ tháng 1 và ông cũng liên tiếp ca ngợi chính phủ Trung Quốc về cách thức đối phó với virus.)
WHO cương quyết khuyến nghị chống lại hạn chế đi lại, cho rằng không hữu hiệu mà lại có thể ngăn chặn những nguồn lực cần thiết gây thiệt hại cho kinh tế. Tuy nhiên ông Trump thường xuyên đề cập đến quyết định của ông hạn chế đến Trung Quốc vào cuối tháng 1 là bằng chứng rằng ông xem đe dọa của virus là nghiêm trọng.
Tuy nhiên ông Trump không phải là người duy nhất chỉ trích WHO. Một số chuyên gia nói rằng WHO chậm tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng và quá tin vào chính phủ Trung Quốc vì nước này ngày càng có ảnh hưởng đối với WHO. Bắc Kinh lúc đầu đã cố gắng che giấu phạm vi dịch bệnh bùng phát.
Ông Gostin nói tổ chức này đã lung lay vì những lý do cơ cấu và chính trị và hậu quả là rất dè dặt.
Ông Gostin nói "Chúng ta cần xây dựng một tổ chức khác có nguồn lực dồi dào và luôn luôn có hậu thuẫn chính trị khi nói lên sự thật trước sức mạnh và lên tiếng với các nước không có thái độ đúng đắn".
"Sự kiện Tổng thống Trump giữ hay ngưng tài trợ thì đúng là một ví dụ quan trọng của nguyên nhân tại sao chúng ta trong tình trạng rối bời này", ông nói. "Ông Tổng giám đốc lo ngại là bất cứ lúc nào ông đưa ra một quyết định sai lầm, thì họ sẽ rút hay cắt tài trợ cho cơ quan vì lý do chính trị",
WHO nói gì và làm gì về virus corona ?
Trong suốt tháng 1, WHO đưa ra khuyến nghị về sự nguy hiểm của virus. Từ ngày 22/1 về sau, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, hầu như họp báo hàng ngày để cảnh báo thế giới là virus đang lây lan, và cửa sổ cơ hội để chặn đứng virus đã đóng.
Tuy nhiên tổ chức này lúc đầu đã ngần ngại công bố khẩn cấp y tế toàn cầu ngay cả khi virus lây lan bên ngoài Trung Quốc.
"Đây là tình trạng khẩn cấp tại Trung Quốc, nhưng chưa thành khẩn cấp y tế toàn cầu", Tiến sĩ Tedros nói ngày 23/1. "Có thể chưa đến như thế".
Vào ngày 30/1, WHO ra tuyên bố chính thức, yếu tố vốn thường khiến cho các chính phủ có hành động. Không lâu sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo người Mỹ tránh đến Trung Quốc.
Trong nhiều tuần lễ WHO ban hành hướng dẫn và cảnh báo, chính thức công bố dịch bệnh bùng phát là một đại dịch vào ngày 11/3, kêu gọi các chính phủ cùng nhau làm việc để chống virus.
Các chỉ trích nói rằng cả hai tuyên bố của WHO đều quá trễ và những quyết định sớm có thể đã động viên được các chính phủ nhanh chóng hơn.
rong khi WHO có ý định phối hợp đáp ứng toàn cầu, nhưng không mấy được sự đoàn kết trên thế giới, chứng tỏ quyền lực hạn chế của tổ chức. Tổ chức có kế hoạch nhưng ít quốc gia tuân theo.
Ông Gostin nói trong dài hạn, quyết định của Tổng thống Trump cắt tài trợ WHO có thể đưa đến việc tái cơ cấu WHO, với giới lãnh đạo quốc tế mới, liên minh y tế mới, và kiểm soát lớn hơn đối với ngân sách của tổ chức này.
Ông nói Hoa Kỳ cũng đã là "một cái gai bên hông" WHO trong nhiều năm, ngăn chặn những nỗ lực của tổ chức tiếp cận thuốc men hay hạ giảm những kế hoạch hành động toàn cầu về di dân và người tị nạn.
"Tôi nhìn vào việc này như một đám cháy rừng không kiểm soát được, bởi vì, trong trường hợp này, Tổng thống Mỹ, đã khai quang các bụi rậm và cho phép cây mới mọc lên, ông nói.
Tuy nhiên ông nói thêm "Tôi nghĩ Tổng thống Trump trong hành động này đã đi quá xa".
"Việc này sẽ xói mòn đáng kể ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới và y tế toàn cầu và các vấn đề quốc tế giữa dịch bệnh chưa từng có trước đây", ông nói. "Chúng ta sẽ mất tiếng nói, ngay cả đối với đồng minh của chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta không có tiếng nói gì thêm về việc chuyện này sẽ diễn tiến ra sao".
(Nguồn New York Times)