Thời đại dịch, một "cụ ông" như tôi dành một thời lượng khá lớn cho việc xem truyền hình : theo dõi tin tức chán chuyển qua du lịch, nấu ăn, đố vui để học... Vậy mà vẫn còn thừa cả khối thời gian.
Phim "Eye in the Sky" do đạo diễn Anh Gavin Hood thực hiện hồi năm 2015
Chẳng còn biết làm gì, tôi mới mò vào đài SBS World Movies, thường được người Việt gọi là Đài sắc tộc ở Úc Đại Lợi. Phim nào có phụ đề còn thưởng thức được. Gặp phim không có phụ đề, tôi chỉ còn biết ngồi xem như vịt nghe sấm. Cũng may mới đây, có một cuốn phim đã khiến cho cái đầu cằn cỗi của tôi phải động não và trái tim tưởng như khô cằn của tôi cũng phải thổn thức. Đó là cuốn phim có tựa đề "Eye in the Sky" (Con Mắt trên Trời). Ông Google cho biết : cuốn phim do đạo diễn Anh Gavin Hood thực hiện hồi năm 2015 ; vốn liếng bỏ ra chỉ có khoảng 13 triệu Mỹ kim, nhưng thu về được trên 50 triệu Mỹ kim, cuốn phim được đánh giá là tương đối thành công.
"Eye in the Sky" xoay quanh những thách thức về mặt đạo đức của việc sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh. Cuốn phim được mở màn với cảnh một bé gái người Kenya, Phi Châu, đang chơi Hula Hoop trong vườn sau nhà ở Thủ đô Nairobi.
Bên kia bờ đại dương, nữ Đại tá Anh Catherine Powell vừa thức giấc và nhận được tin một nhân viên tình báo người Kenya đã bị tổ chức khủng bố Al-Shabaab sát hại. Bà Powell vừa nhận được lệnh phải bắt sống hay giết 3 trong số 10 lãnh tụ cao cấp của tổ chức khủng bố này. Tổng hành dinh của họ là một ngôi nhà an toàn tại Nairobi.
Nhờ máy bay không người lái cũng như sự hợp tác của các nhân viên tình báo địa phương, từ tổng hành dinh của mình, Đại tá Powell có thể theo dõi nhứt cử nhứt động của toán lãnh đạo của nhóm khủng bố.
Kế hoạch của Đại tá Powell lại được giám sát chặt chẽ bởi một ủy ban đặc nhiệm gồm có một trung tướng, hai bộ trưởng và một thứ trưởng. Sau khi cân nhắc mọi dữ kiện và nhứt là biết rõ nhóm khủng bố đang chuẩn bị cho nổ bom tự sát tại một khu chợ đông người ở Thủ đô Nairobi, Đại tá Powell quyết định cho ném bom tiêu diệt bọn khủng bố. Việc ném bom từ một chiếc máy bay không người lái được giao cho hai viên sĩ quan, một nam một nữ, đang ngày đêm theo dõi kế hoạch từ một căn cứ không quân ở Tiểu bang Nevada.
Những pha gay cấn và hồi hộp nhứt của cuốn phim lại xoay quanh cô bé gái ở thủ đô Kenya. Cứ mỗi lần 2 viên sĩ quan chuẩn bị bấm nút để ném bom từ chiếc máy bay không người lái, thì bé gái lại được mẹ sai mang bánh mì ra bán tại một vệ đường sát bên cạnh tổng hành dinh của nhóm khủng bố. Đại tá Powell và ủy ban đặc nhiệm giám sát cuộc hành quân đã phải cân nhắc sự thiệt hại của việc ném bom tiêu diệt nhóm khủng bố : con số nạn nhân bị vụ nổ bom tự sát của nhóm khủng bố tàn sát sẽ rất cao, nhưng mạng sống của cô bé bán bánh mì cũng quan trọng không kém.
Cả cuốn phim là những hồi tranh luận sôi nổi giữa Đại tá Powell và ủy ban đặc nhiệm giám sát kế hoạch. Cuối cùng, được bảo đảm rằng nguy cơ thiệt mạng cho cô bé gái chỉ có khoảng từ 45 đến 60 phần trăm, Đại tá Powell đã ra lệnh cho 2 viên sĩ quan thi hành kế hoạch bấm nút thả bom. Kết quả của cuộc ném bom : toàn bộ nhóm khủng bố bị tiêu diệt, cô bé bán bánh mì bị thương. Được cha mẹ em chạy đến kịp để đưa vào bệnh viện, nhưng cô bé đã không qua khỏi. Cuốn phim kết thúc với cảnh : những giọt nước đã trào ra từ khóe mắt của 2 viên sĩ quan !
Từ lâu dường như tuyến nước mắt trong người tôi không còn hoạt động nữa. Nhưng cuốn phim "Eye in the Sky" đã khiến tôi bồi hồi xúc động nhứt là trong thời đại dịch này. Kể từ khi cơn đại dịch bùng phát, ngày nào tôi cũng lượng giá tình hình bằng những con số được các cơ quan truyền thông cung cấp. Ngày nào tôi cũng được cập nhựt về con số người bị nhiễm trên toàn thế giới và số người chết tại mỗi quốc gia.
Thét rồi đại dịch đối với tôi chỉ còn là những con số và mỗi một nạn nhân của Covid-19 chỉ còn là một con số gần như vô hồn và vô nghĩa. Tôi rùng mình nghĩ đến những con số mà Đức Quốc Xã đã cho xâm lên người của các tù nhân : từ lúc bước vào các trại tập trung cho đến lúc bị lùa vào các lò sát sinh, mỗi một người trong số 6 triệu người Do Thái chỉ còn là một con số !
Có lúc tôi cũng rùng mình nghĩ đến những con số người bị nhiễm và chết vì Covid-19 tại Hoa Kỳ. Ở cái đất nước "vĩ đại" này, cái gì cũng nhứt hết, kể cả nhứt về con số người bị nhiễm và chết.
Vì có lẽ các nạn nhân chỉ là những con số, cho nên một số chính trị gia, nhứt là Tổng thống Donald Trump, vẫn thường dựa vào đó để đo lường sự "thành công" của mình trong việc đối phó với cơn đại dịch. Trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng Ba vừa qua, tổng thống Trump nói rằng nếu chính phủ của ông giữ cho con số người chết vì Covid-19 ở Mỹ ở mức 100.000 người, thì như vậy cũng đã là "làm được một việc rất tốt" rồi (1).
Trước đó, vào đầu tháng Ba, khi bị chất vấn về việc đối phó với cơn đại dịch, ông cũng đã tự cho điểm 10 trên 10 (2).
Vì vô hồn và vô nghĩa cho nên những con số dễ làm cho con người trở thành dửng dưng và vô cảm. Cách đây không lâu, Nha Lộ Vận RTA (Road and Traffic Authority) ở Tiểu bang NSW nơi tôi ở có cho quảng cáo một lời kêu gọi rất có ý nghĩa. Trong thước phim quảng cáo, một người đàn ông trung niên được một nhân viên cảnh sát cho biết trong năm 2017 đã có 347 người chết vì tai nạn giao thông rồi hỏi : ông muốn con số được giảm xuống còn bao nhiêu ? Người đàn ông ngập ngừng một lúc rồi trả lời : "70 ! 70 là điều có thể chấp nhận được !".
Liền sau đó, thước phim quảng cáo cho xuất hiện 70 người đang tiến tới. Nhận ra cả đám đông là bà con gia đình thân thuộc của mình, người đàn ông thốt lên : "Đây là gia đình của tôi !". Khi được hỏi lại : mỗi năm con số người chết vì tai nạn giao thông bao nhiêu thì có thể chấp nhận được. Lần này ông trả lời dứt khoát : "phải là số không !".
Nếu trong số 70 nạn nhân ở Úc hay trên 35 ngàn người Mỹ có ít nhứt một người bà con thân thuộc của tôi thì chắc tôi phải buồn lắm. Tôi vô cảm là bởi vì tôi chỉ nghĩ đến các nạn nhân như những con số không hơn không kém, mà quên rằng mỗi một người, ngay cả một em bé gái trong cuốn phim "Eye in the Sky", đều là một nhân vị độc nhứt vô nhị và dù có nghèo hèn mạt rệp đến đâu, cũng đều có một giá trị vô song vượt lên trên mọi giá trị và thước đo trên trần gian này.
Cùng với mỗi một nạn nhân là cả gia đình, người thân và cộng đồng của họ. Cùng với gia đình, người thân và cộng đồng của họ lại có biết bao nhiêu thứ có liên hệ với nhau. Nỗi đau và sự mất mát của một người cũng là nỗi đau và sự mất mát của không biết bao nhiêu người.
Thật ra, nếu tôi nhận ra mỗi một tha nhân như một phần của nhân loại và nhứt là như người anh em của tôi, thì nỗi đau và sự mất mát của họ cũng phải là của chính tôi. Có rất nhiều thứ mất mát, tiền của không bao giờ có thể chuộc lại được. Vĩnh viễn, không bao giờ !
Thời đại dịch, hơn bao giờ hết, có lẽ "nhân đức" cần trau dồi hơn cả phải là sự cảm thông. Elie Wiesel (1928-2016), một người sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc Xã và được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1986, có nói rằng nghịch nghĩa của tình yêu không phải là hận thù mà là sự dửng dưng. Ông cho rằng "dửng dưng là hiện thân của cái Ác" (Indifference, to me, is the epitome of evil).
Thời đại dịch, được "ngồi yên" một chỗ nhiều hơn bao giờ hết, tôi thường đem lời khuyên của Đức Đạt Đai Lạt Ma ra nghiền ngẫm : "Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng không ai thoát khỏi đau khổ. Chúng ta cần đưa tay ra cho người khác là những người mất nhà cửa, nguồn lợi hay không có gia đình để bảo vệ họ. Cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy rằng chúng ta không tách biệt nhau, ngay cả khi chúng ta sống xa nhau. Do đó, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm thực thi sự cảm thông và giúp đỡ" (3).
Chu Thập
(Sydney, Australia, 19/04/2020)
(1) https://www.theguardian.com/world/2020/mar/30/trump-says-keeping-us-covid-19-deaths-to-100000-would-be-a-very-good-job/
(2) https://www.theguardian.com/world/2020/mar/30/trump-says-keeping-us-covid-19-deaths-to-100000-would-be-a-very-good-job/
(3) https://time.com/5820613/dalai-lama-coronavirus-compassion/