Trung quốc chỉnh lại dữ liệu – Vũ Hán có số ca tử vong tăng gần gấp đôi
Thu Thủy, Thoibao.de, 19/04/2020
Thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh virus Cúm Vũ Hán được báo cáo đầu tiên, đã điều chỉnh số ca tử vong, để thêm 1.290 người.
Như vậy số ca tử vong ở Vũ Hán đã tăng từ 2.579 ca công bố trước đó lên 3.869 ca, nhiều hơn 1.290 trường hợp so với số liệu trước đó.
Hành khách tại Ga đường sắt Hán Khẩu – một trong ba nhà ga chính ở thành phố Vũ Hán, vào ngày 8/4, ngày lệnh phong tỏa thành phố được chính thức dỡ bỏ
Ngày 17/4, giới chức thành phố Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã công bố những thay đổi số liệu liên quan đến dịch bệnh Cúm Vũ Hán.
Chính quyền Vũ Hán nói số liệu gia tăng chủ yếu vì nhiều người đã chết ở nhà trong giai đoạn đầu của bệnh dịch
"Trong giai đoạn đầu của dịch, các bệnh viện không đủ khả năng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân, một số lượng nhỏ bệnh viện không kết nối với hệ thống thông tin ngăn ngừa và kiểm soát, nhiều bệnh viện bị quá tải".
"Các yếu tố này góp phần dẫn tới việc báo cáo muộn, không báo cáo và báo cáo sai", giới chức nói.
Xi Chen, một giảng viên ở Đại học Yale, Hoa Kỳ, nói ông không ngạc nhiên khi có sự điều chỉnh thống kê ở Vũ Hán.
"Vũ Hán là tâm dịch đầu tiên, và so với các tâm dịch sau này, người dân ở Vũ Hán hồi tháng Giêng biết ít hơn về con virus mới lạ".
"Hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương không được chuẩn bị cho bệnh dịch lớn như vậy, thể hiện qua phản ứng muộn, số lượng lớn nhân viên y tế bị nhiễm, thiếu đồ xét nghiệm…" ông nói.
Sau khi điều chỉnh tỷ lệ tử vong ở thành phố này đang là 7,68%, cao hơn 2,53% so với số liệu đã công bố trước đó là 5,15%.
Ông Chen nói tỉ lệ tử vong mới gần hơn với New York.
Hiện tỷ lệ tử vong trên ca nhiễm tại New York đang được ghi nhận là 7,1% với 16.106 ca tử vong trong tổng số 226.198 ca mắc bệnh.
"New York và Vũ Hán có nhiều điểm chung, như phụ thuộc giao thông công cộng, mật độ dân số cao, phản ứng y tế công cộng thì muộn", ông nói.
Vòng vây nghi kỵ về đại dịch càng ngày càng xiết chặt chung quanh Tập Cận Bình
Sau Hoa kỳ, nhiều nước trên thế giới, từ Anh Quốc tới Liên hiệp Châu Âu, đã công khai hoài nghi về những con số thống kê của Bắc Kinh, trong khi người ta có bằng chứng là Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm trong 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khiến virus đã lây lan khắp thế giới.
Mặt khác, Hoa Kỳ chính thức điều tra về nghi vấn virus đã "xổng chuồng" từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Donald Trump đã nhiều lần tố cáo Bắc kinh che giấu mức độ nghiêm trọng từ những ngày đầu, khiến Cúm Vũ Hán trở thành đại họa cho cả thế giới.
Boris Johnson nói "Trung Hoa phải trả lời những câu hỏi hóc búa về nguồn gốc virus, và lý do tại sao không ngăn chặn từ khi khởi dịch". Thủ tướng Anh không ngần ngại tố cáo Trung Quốc, mờ ám, mặc dù sau Brexit, một trong những mục tiêu của Anh là thắt chặt giao thương với Tàu để thay thế thị trường Châu Âu.
Emmanuel Macron, vốn dè dặt, cũng vừa công khai lên tiếng. Tổng thống Pháp nói, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Financial Times :"có những vùng bóng tối trong việc xử lý đại dịch. Đừng ngây thơ nghĩ Trung quốc giỏi nhất trong việc quản lý dịch bệnh. Chắc chắn đã có nhiều chuyện mà chúng ta không biết".
Đây là lần đầu tiên người ta thấy trong ngôn ngữ ngoại giao, nhất là đối với một cường quốc, những lời đả kích gay gắt, không úp mở như vậy.
Các đảng viên, nhất là những người đã đưa hoàng đế Tập Cận Bình lên ngôi, một cách nhiệt thành hay miễn cưỡng, nay khám phá ra ông Tập không còn được thế giới kính nể nữa.
Hồi đầu tháng 4, những hình ảnh cũng như những video ngắn mô tả hàng ngàn chiếc hũ đựng tro cốt bên ngoài các nhà tang lễ ở tỉnh Hồ Bắc lại càng khiến công chúng nghi ngờ báo cáo của Bắc Kinh.
Vào thời điểm Vũ Hán nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và một tuần lễ trước lễ Thanh Minh, điều tra của tờ báo kinh tế Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc cho thấy chỉ trong hai ngày 25 và 26/03/2020 một lò thiêu tại Vũ Hán đã nhận 5.000 hũ tro. Con số này cao hơn báo cáo chính thức là 2.535 người chết vì dịch bệnh tại Vũ Hán. Đó là chưa kể cả thành phố Vũ Hán có tổng cộng 7 nhà thiêu, và vẫn theo điều tra của thời báo Tài Tân, nếu mỗi đơn vị đều nhận được một số hũ tro như vậy, thì đã có tới 35.000 người chết trong hai tháng qua.
Tác giả bài điều tra của tờ báo Trung Quốc này lưu ý thêm : trong giai đoạn cao điểm của mùa dịch vừa qua, đã có thêm "khoảng một chục lò thiêu dã chiến" được dựng lên chung quanh thành phố và Vũ Hán, nhưng báo Tài Tân không thể kiểm chứng số liệu về hũ tro. Tờ báo đặt câu hỏi : "Vì sao sự chênh lệch lại quá lớn giữa thống kê chính thức của thành phố và thực tế trước cửa các nhà thiêu ở Vũ Hán ?"
Nhà báo Phạm Cao Phong ở Paris cho biết : Ngày 30/3, chương trình thời sự của các kênh chính đài truyền hình nhà nước Pháp như France 2, France Info, CNews Direct đều đồng loạt tố cáo hành vi Trung Quốc dấu nhẹm có chủ ý về con số tử vong giai đoạn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại quốc gia này. Phóng viên Pháp Arnaul Miguel thường trú tại Vũ Hán đã cho thấy hình ảnh người nhà những gia đình xấu số xếp hàng chầu chực nhiều giờ để nhận lọ tro người thân tại các nhà hỏa thiêu. Trong một bức ảnh chụp dãy hộp khổng lồ xếp như những công sự của đội quân chết, người xem dễ dàng nhẩm tính có tới 1.800 bình tro. Đấy mới là tiền sảnh của một trong bảy nhà hỏa thiêu tại Vũ Hán. Phóng viên Pháp nói thẳng tuột, Trung Quốc đã giảm thiểu đến 20 lần con số thực.
Một bài điều tra đặc biệt của hãng tin AP cho biết, trong sáu ngày, từ ngày 14 đến 20 tháng 01 năm 2020, các lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc đã bí mật giấu nhẹm thông tin về sự bùng phát dịch coronavirus chủng mới để tránh gây lo sợ và hoảng loạn trong dân chúng, từ đó bỏ lỡ cơ hội khống chế virus khiến dịch lan tràn khắp thế giới và gây hậu quả thảm khốc hiện nay.
Trong sáu ngày này thành phố ổ dịch Vũ Hán vẫn tổ chức bữa tiệc cộng đồng khổng lồ có hàng chục ngàn thực khách tham gia, hàng triệu người dân Vũ Hán tỏa ra khắp các địa phương Trung Quốc và nhiều nước khác để đón những ngày nghỉ tết âm lịch, mang theo con virus chết chóc làm lây nhiễm ra cộng đồng mà có khi họ cũng không biết được.
Phải đến ngày 20/01, tức ngày thứ bảy kể từ khi được báo cáo chi tiết về sự bùng phát dịch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới thông báo cho dân chúng, lúc nước này đã ghi nhận hơn 3.000 người nhiễm bệnh – AP phân tích các tài liệu nội bộ của Trung Quốc, cho biết.
Thời gian sáu ngày "trì hoãn" được AP tính từ ngày 14/01/2020 – ngày mà Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc mở hội nghị trực tuyến với các quan chức y tế các tỉnh thành cảnh báo về tình hình dịch bệnh do Cúm Vũ Hán gây ra, nhưng theo một bài báo trên bán nguyệt san Cầu Thị (Qiushi) – tờ báo lý luận của Đảng cộng sản Trung Quốc – số ra ngày thứ Bảy 15/02, thì Chủ tịch Tập Cận Bình đã được báo cáo và đã có chỉ thị sơ bộ về việc phòng chống dịch ngay từ ngày 07/01/2020.
Nếu thông tin của Cầu Thị là xác thực thì thời gian "im lặng" của ông Tập và bộ máy lãnh đạo chóp bu Trung Quốc kéo dài tới hai tuần lễ chứ không phải sáu ngày như AP nói. Nhưng ở đây, tạm chấp nhận khung thời gian "sáu ngày" của AP để xem xét các diễn biến.
Ông Zuo-Feng Zhang (Trương Tác Phong), nhà dịch tễ học của Đại học California Los Angeles (UCLA) nói : "Thật là khủng khiếp. Nếu họ hành động sớm hơn sáu ngày sẽ có ít bệnh nhân hơn rất nhiều, các cơ sở y tế sẽ không bị quá tải ; chúng ta sẽ tránh được vụ sụp đổ hệ thống y tế Vũ Hán".
Mới đây, có "người thổi còi" đã tiết lộ văn kiện nội bộ của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc và tiến hành phân tích chuyên sâu. Trong số các tài liệu chính thức mà trang "Tin tức mới" tại Đài Loan tiếp cận được, có một văn kiện quan trọng là "Văn kiện số 3" do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ban hành ngày 3/1.
Ảnh : Ủy ban Y tế Hắc Long Giang của Trung Quốc đã công bố nội dung chính của "Tài liệu số 3" vào ngày 22/2. – đây là ảnh chụp màn hình của trang web chính thức của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Hắc Long Giang
Văn kiện số 3 quy định rằng, theo yêu cầu của các sở hành chính y tế từ cấp tỉnh trở lên, khi chưa được phê chuẩn thì không được phép cung cấp kết quả xét nghiệm, không được lan truyền kết quả kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian, truyền thông chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc lại kịch liệt đả kích sự kiện bác sĩ Lý Văn Lượng và 8 người khác đăng "tin đồn", chính là thực hiện theo yêu cầu nêu trong văn kiện số 3 này.
Ngoài ra, hai tài liệu "lưu hành nội bộ" của các cán bộ chính quyền cấp cao, tiết lộ rằng một số công ty kỹ thuật di truyền đã phát hiện ra "virus corona giống như SARS" vào cuối tháng 12/2019 và đã báo cáo cho Ủy ban Y tế Quốc gia Vũ Hán và Hồ Bắc, nhưng chính quyền Trung Quốc đã giấu kín thông tin.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã cử nhân viên đến Vũ Hán để điều tra và nghiên cứu vào ngày 7/1. Họ không tìm thấy bất cứ sự lây truyền từ người sang người, và cũng không phát hiện ra trước ngày 10/1 đã có ca nhiễm bệnh trong bệnh viện.
"Điều này rõ ràng không phù hợp với thực tế là có một lượng lớn ca nghi ngờ nhiễm bệnh và hiện tượng truyền nhiễm từ người sang người ở bệnh viện Vũ Hán vào thời điểm đó".
Ít nhất là trước ngày 6/1, chụp CT phổi của bác sĩ nội khoa hô hấp tại Bệnh viện Tân Hoa Vũ Hán thấy dấu hiệu của "tổn thương hình kính mờ". Ngày 11/1, xuất hiện ca nghi nhiễm thứ hai. Đến ngày 29/1, bệnh viện này thông báo có hơn 30 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm.
Tất cả các trường hợp này đều không có lịch sử tiếp xúc với chợ hải sản Hoa Nam. Đây rõ ràng là bằng chứng lây truyền từ người sang người, nhưng Ủy ban y tế Trung Quốc đã trì hoãn xác nhận kết quả báo cáo trên đến tận 20 ngày sau.
Trước đó, họ vẫn cho là "có thể phòng ngừa và kiểm soát được", "không lây truyền từ người sang người".
"Người thổi còi" cung cấp tài liệu cho "Tin tức mới" nói rằng mặc dù bản thân có thể gặp nguy hiểm, nhưng hy vọng sẽ khuyến khích nhiều người khác trong lên tiếng và vạch trần những sai trái như vậy.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc cho chuyên gia vào phòng thí nghiệm Vũ Hán
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay chính quyền Tổng thống Donald Trump ‘vẫn đang cố gắng" thuyết phục Trung Quốc cho phép các chuyên gia vào Viện Virus học Vũ Hán, bị nghi là nơi bắt nguồn của virus Sars-CoV-2 gây bệnh Cúm Vũ Hán.
"Chúng ta vẫn đang yêu cầu Trung Quốc cho phép các chuyên gia vào phòng thí nghiệm đó để chúng ta có thể xác định một cách chính xác virus Sars-CoV-2 này bắt đầu từ đâu", Ngoại trưởng Pompeo phát biểu trên kênh Fox Business Network ngày 17/4.
Ông Pompeo còn nhấn mạnh : "Đây không phải là vấn đề chính trị. Đây là vấn đề thuộc khoa học và dịch tễ học. Chúng ta cần hiểu rõ điều gì đã xảy ra để chúng ta có thể giảm nguy cơ (từ virus Cúm Vũ Hán) đối với người Mỹ trong nhiều ngày, tuần và tháng phía trước, đồng thời đưa nền kinh tế thế giới giới trở lại bình thường".
Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tuyên bố trên khi được hỏi về thông tin rằng một số nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc cách đây khoảng 2 năm đã cảnh báo về vấn đề an toàn tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi nghiên cứu virus Corona từ dơi.
"Đó là dạng dự án chúng ta tham gia, nhằm cố gắng hỗ trợ đảm bảo bí quyết kỹ thuật có sẵn trong những phòng thí nghiệm đó. Và rõ ràng, chúng ta cần điều tra xem liệu họ có khả năng xử lý những loại virus đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đó hay không. Chúng ta không biết câu trả lời. Trung Quốc cần cởi mở và cho chúng ta biết những câu trả lời đó".
Phát biểu tại cuộc họp báo về Sars-CoV-2 ở Nhà Trắng ngày 15.4, Tổng thống Donald Trump cho biết chính phủ Mỹ đang điều tra xem có phải virus Cúm Vũ Hán xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, theo Reuters.
Sau cuộc họp báo của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Pompeo phát biểu rằng "chúng tôi biết virus này có nguồn gốc ở Vũ Hán, Trung Quốc" và trung tâm nghiên cứu WIV nằm gần chợ thực phẩm được cho là nơi đầu tiên phát hiện virus.
Tại Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, khi cả 2 nước này đều nằm dưới sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản thì mọi thông tin đều bị nhà cầm quyền định hướng thông qua ban tuyên giáo cùng bộ máy đàn áp an ninh dày đặc, điều đó dẫn đến người dân sẽ luôn phải lãnh hậu quả nặng nề, tổn thất nhân mạng vì sự che dấu này.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã cho quốc tế biết điều tệ hại đang diễn ra ở những nhà nước theo Chủ nghĩa cộng sản, nếu không thay đổi, thì trong tương lai sẽ còn có nhiều loại virus nguy hiểm gấp nhiều lần tiếp tục xuất hiện, gây ra nhiều cái chết hơn nữa cho nhân loại.
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 19/04/2020
********************
Chính quyền và hoàng gia Anh ‘đáp trả’ với Trung Quốc
Hoàng Trung, Thoibao.de, 19/04/2020
Trong vai trò tạm thời nắm quyền điều hành chính phủ, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lên tiếng khẳng định "không thể nào trở lại như trước kia" với Trung Quốc sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán và cộng đồng quốc tế muốn câu trả lời từ Bắc Kinh về cách xử lý dịch bệnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tại cuộc họp báo về đại dịch viêm phổi Vũ Hán tại số 10 phố Downing, London, ngày 16/4/2020
Truyền thông quốc tế cho biết tại cuộc họp báo hôm 16/4 ở phố Downing, khi được hỏi về mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai, Ngoại trưởng Raab nói : "Chúng tôi sẽ phải hỏi những câu hỏi hóc búa về việc dịch bệnh xảy ra như thế nào và tại sao không thể dập tắt dịch bệnh này sớm hơn".
Ngoại trưởng Anh đưa ra lời cảnh báo : "Hiện chúng tôi phải xem xét tất cả những khía cạnh trong mối quan hệ với Trung Quốc và thực hiện một cách cân bằng, nhưng chắc chắn rằng nước Anh không thể làm ăn với Trung Quốc như bình thường sau cuộc khủng hoảng này".
Ông nhấn mạnh : "Điều cần, tối cần là phải tìm hiểu sâu xa, rất sâu sau những vụ việc đã xảy ra để rút ra những bài học cần thiết, kể cả sự bùng phát của virus. Tôi tin rằng chúng ta không thể nào chùn bước".
Là người thay thế Thủ tướng Boris Johnson trong thời gian ông Johnson hồi phục vì bệnh viêm phổi Vũ Hán, ông Raab nói nước Anh đã thấy Trung Quốc hợp tác tốt cả trong việc hồi hương các công dân Anh từ Vũ Hán, và về mặt cung cấp vật tư y tế trong đại dịch.
Tuy nhiên ông nói chắc chắn sẽ có những câu hỏi khó cần được nước này trả lời về dịch bệnh đã bắt đầu theo cách nào.
Truyền thông Anh cho rằng bình luận của Ngoại trưởng Raab cho thấy nỗi thất vọng của chính phủ Anh đối với sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông đang xem xét kỹ lưỡng giả thuyết nCoV "lọt" ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và là nơi dịch bệnh khởi phát cuối năm 2019.
Cũng giống như Đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ, ngày càng nhiều nhân vật cấp cao của Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh, kêu gọi phải khởi động lại mối quan hệ với Trung Quốc vì cách nước này xử lý với đại dịch.
Cựu Ngoại trưởng William Hague, hiện là nghị sĩ thượng viện Anh, ngày 15/4 nói rằng Anh không thể phụ thuộc vào Trung Quốc vì nước này không hành xử theo luật.
Các cơ quan tình báo Anh cũng kêu gọi chính phủ đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán kết thúc, đồng thời cân nhắc các biện pháp hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các ngành công nghệ cao và giáo dục của Anh.
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Anh cảnh báo chiến dịch tuyên truyền sai lệch do Trung Quốc dàn dựng đang khiến nhiều người Anh thiệt mạng vì viêm phổi Vũ Hán.
Các nhà lập pháp Anh tố Trung Quốc là cố bưng bít thông tin về những gì thực sự xảy ra khi dịch bệnh bắt đầu khởi phát, trong khi lẽ ra họ phải đóng một vai trò quan trọng là thu thập các dữ liệu về sự lây lan của dịch.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London khẳng định rằng cho tới nay chưa có kết luận khoa học hay y tế nào về nguồn gốc của đại dịch, và công việc truy tìm gốc gác của virus này vẫn đang tiếp diễn.
Đại sứ quán Trung Quốc nói : "Tổ chức Y tế Thế giới đã lặp lại tuyên bố rằng những gì thế giới đang trải qua là một hiện tượng toàn cầu, nguồn gốc chưa xác định. Sự tập trung nên dành cho hoạt động kiềm chế (dịch bệnh) và cần tránh những phát ngôn kỳ thị đề cập đến một số địa điểm cụ thể".
Về phần Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông đã được rời bệnh viện hôm 12/4 và gửi lời cám ơn các bác sĩ đã "cứu mạng" mình trong khi ông bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Ông Johnson nói trong đoạn video sau khi ra viện ngày 12/4
Ông Johnson, 55 tuổi, phải nhập viện hôm 5/4 sau khi ông không hết triệu chứng của dịch bệnh. Vào ngày 6/4, ông được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và được chữa trị tại đó cho tới ngày 9/4.
Trong đoạn video đăng trên Twitter, khi con số người chết ở Anh đã vượt quá 10.000 người, ông Johnson nói rằng không còn nghi ngờ về việc các bác sĩ đã "cứu mạng" ông.
Thủ tướng Anh cũng cảm ơn và nêu tên của hai y tá tới từ New Zealand và Bồ Đào Nha mà ông nói đã túc trực bên giường bệnh của ông suốt 48 giờ.
Ông Johnson nói : "Lý do mà cuối cùng cơ thể tôi bắt đầu có đủ ôxy là vì mỗi giây buổi đêm, họ theo dõi, suy nghĩ và chăm sóc cũng như can thiệp khi cần".
Theo Reuters, ông Johnson sẽ tiếp tục dưỡng bệnh tại khu nghỉ của thủ tướng nằm ở vùng quê tại phía tây bắc London.
Vợ chưa cưới của ông Johnson, bà Carrie Symonds, 32 tuổi, vốn cũng bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán, nói rằng tuần trước có "các thời khắc đen tối".
Bà viết trên Twitter rằng bà "cảm thấy hết sức may mắn" và bày tỏ cảm thông với "tất cả những ai trong hoàn cảnh tương tự".
Không chỉ hoành hành trong chính phủ Anh khiến một số các quan chức cấp cao của nước này mắc bệnh, đại dịch viêm phổi Vũ Hán còn tấn công cả vào hoàng gia Anh.
Ngày 25/3, Thái tử Charles, người sẽ kế thừa ngai vàng của nước Anh, hiện đã 72 tuổi, được xác định mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán. Người phát ngôn của Clarence House cho biết : "Thái tử đã dương tính với virus corona chủng mới. Ông đã xuất hiện triệu chứng nhẹ nhưng vẫn khỏe mạnh và đang làm việc tại nhà trong suốt những ngày vừa qua như bình thường".
Đến nay, thái tử Charles cũng đã hồi phục. Hoàng gia Anh xác nhận thái tử không còn cách ly tại lâu đài Balmoral ở Scotland và hiện trong tình trạng sức khỏe tốt.
Ngày 28/3 vừa qua, theo báo The Sun, một người hầu gần gũi với Nữ hoàng Elizabeth II đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh viêm phổi Vũ Hán, làm dấy lên quan ngại về tình trạng sức khỏe của Nữ hoàng.
Người hầu này phục vụ thức ăn, nước uống cho Nữ hoàng, dẫn khách tiếp kiến, giao thư từ và truyền gửi lời của Nữ hoàng. Đồng thời, đây cũng là người dắt đàn chó corgi của nữ hoàng đi dạo. Sau khi nhận kết quả dương tính với viêm phổi Vũ Hán, hiện người này đã được yêu cầu cách ly tại nhà.
Cách đó 1 tuần, Nữ hoàng Elizabeth II và hoàng thân Philip đã chuyển khỏi Cung điện Buckingham đến Lâu đài Windsor sau khi một người hầu ở cung điện London nhận kết quả xét nghiệm dương tính với viêm phổi Vũ Hán.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nữ hoàng Elizabeth II ngày 5/4 đã có bài phát biểu hiếm hoi trước toàn dân trên truyền hình, kêu gọi tinh thần trong Thế chiến 2 để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Luật sư Hoàng Đức Thắng tại Luân Đôn bình luận về sự kiện vô cùng đặc biệt này như sau :
Thông điệp này khác với những thông điệp thường xuyên, định kỳ, như là vào dịp Năm mới hoặc khi có một Nghị Viện mới được bầu ra hoặc là vào những dịp lễ lạt…
Tính đặc biệt là ở chỗ hoàng gia Anh, cũng như các hoàng gia khác trên thế giới, về cơ bản chỉ giữ vai trò nghi lễ và đại diện hình ảnh. Như vậy, để tránh mọi hình thức can thiệp trực tiếp vào đời sống chính trị đất nước và việc đưa ra những thông điệp như này, nếu ở trong hoàn cảnh bình thường sẽ bị coi là can thiệp vào đời sống chính trị đất nước. Điều này chứng tỏ Nữ hoàng đã phải cân nhắc tính chất đặc biệt của thời điểm này như thế nào để đưa ra thông tin như vậy.
Nữ hoàng mặc trang phục rất lịch lãm và giản dị, giọng điệu chậm rãi và rõ ràng. Trong vòng bốn phút, người đứng đầu đất nước đã phát đi một thông điệp có ba nội dung chính.
Thứ nhất, Nữ hoàng trực tiếp cảm ơn những người đang chống dịch bệnh, đặc biệt là đội ngũ y tế, đội ngũ chăm sóc những người cần được chăm sóc (những người già yếu, tâm thần, tàn tật và đang sống trong những cơ sở chăm sóc của Nhà nước).
Thứ hai, Nữ hoàng ghi nhận với khó khăn của số ít những gia đình đã có người thân qua đời liên quan đến dịch bệnh này, số đông những gia đình hiện nay đang lâm vào khó khăn tài chính, cũng như thể hiện sự đồng cảm với sự xáo trộn chung mà toàn xã hội phải chịu đựng.
Thứ ba, Nữ hoàng thể hiện niềm tin rằng dịch bệnh sẽ qua và những ngày tươi sáng sẽ đến.
Có hai điểm, dù không được nhấn mạnh trong thông điệp của nữ hoàng, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận thấy nó thể hiện tính sâu sắc của Nữ hoàng.
Điểm thứ nhất, Nữ hoàng không mong muốn mọi người nhìn nhận thông điệp này như một lời chỉ dẫn của người đứng đầu đất nước, của đấng bề trên. Mà Nữ hoàng mong muốn mọi người nhìn nhận thông điệp này như một lời động viên của người đã sống bắc qua hai thế kỷ, đã trải qua những thời điểm khó khăn của chiến tranh và chia ly. Vì vậy, Nữ hoàng đã đề cập đến thời điểm khi mà bà và cô em gái, lúc còn nhỏ, đã phải đi tản cư vào thời Chiến tranh Thế giới như thế nào.
Thứ hai, Nữ hoàng muốn mọi người tận dụng thời gian cách ly này để phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân (vẽ tranh, tạc tượng hay sáng tác nhạc, thơ, họa…), những thú vui mà cuộc sống hối hả thường nhật đã khỏa lấp đi. Dó đó, hãy tận hưởng những thú vui, thực hành các bài tập nhằm thư giãn tinh thần và bồi bổ trí tuệ.
Nói cách khác, Nữ hoàng mong muốn mọi người hãy giữ tinh thần lạc quan và biến sự khó chịu vì phải hạn chế giao tiếp thành cơ hội cho sự sáng tạo và bình ổn tâm hồn.
Thông điệp của nữ hoàng có thể nói là có tính trấn an và truyền cảm hứng rất là cao với người dân Anh.
Có nguồn tin còn cho rằng sự xuất hiện đặc biệt của Nữ hoàng Anh còn là dấu hiệu khởi động cho một cuộc ‘thánh chiến’ của giới quý tộc tinh hoa toàn cầu chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hoàng gia Anh là một đại diện lâu đời của các thế hệ quý tộc ở Châu Âu và đã từng là một quốc gia bá chủ thế giới.
Facebooker Phuong Julia chia sẻ một bài viết được ký tên H.M cho rằng ảnh hưởng của Anh khác hẳn với các nước đại cường mới nổi sau này mà sâu sắc hơn nhiều. Ít nhất là ở Khối Thịnh vượng chung mà nước này đang chủ trì.
Nữ hoàng Anh là người sống qua hai thế kỷ và chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh thế giới. Do đó e rằng giới quý tộc Châu Âu sẽ lắng nghe bà một khi nguy cơ thế chiến đã cận kề. Khối Thịnh vượng chung gồm 53 quốc gia/vùng lãnh thổ mặc nhiên coi bà là nữ hoàng tối cao của họ. Chính phủ các nước trong Khối Thịnh vượng chung coi Chính phủ Anh là nơi để họ hợp tác làm việc, coi Nữ hoàng Anh là chỗ dựa chính trị tối cao.
Quỹ Thịnh vượng chung do các quý tộc lâu đời của Anh chủ trì chính là đầu mối của các tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới sẽ bắt đầu làn sóng khởi kiện Trung Quốc sắp tới đây. Việc này cần được nhìn một cách có hệ thống xuất phát từ một đầu mối đứng ra tổ chức mà Nữ hoàng Anh là người nổ ra phát súng lệnh. Các bộ óc quý tộc tham gia công cuộc này có thừa nhân lực, kiến thức và tiền bạc cùng với quyết tâm chính trị để đeo đuổi việc này.
Nữ Hoàng Anh chỉ lên tivi có 6 lần trong suốt cuộc đời cầm quyền của bà. Mỗi lần như vậy là báo hiệu một việc tối quan trọng. Bằng bài phát biểu mới nhất về bệnh dịch vừa qua, bà đã phát động tín hiệu xuất phát cho các cá nhân, tổ chức và quốc gia từng đứng lên bằng sự trợ giúp của đồng bảng Anh. Nữ hoàng Anh sẽ làm Tập Cận Bình khốn khổ bằng sự đối đầu của các đầu óc mang tư duy sâu sắc.
Tác giả khẳng định rằng một cuộc thánh chiến chống phát xít đỏ do "Hội hiệp sĩ bàn tròn Châu Âu" đã bắt đầu và không thể dừng lại cho đến khi bàn cờ Trung Quốc được chia lại hợp lý hơn cho hoà bình, ổn định và phát triển thế giới.
Mỹ đã phát động một cuộc chiến đi tìm sự thật về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc lấp liếm ; Pháp, Anh, Đức và những nước khác đều đã lên tiếng hưởng ứng.
Đặc biệt với sự ‘ra mặt’ hiếm có của Nữ hoàng Anh cùng sự ảnh hưởng của Anh lên Khối Thịnh vượng chung gồm 53 quốc gia/vùng lãnh thổ mà Nữ hoàng là đại diện tối cao thì cuộc chiến đã mang sức nặng hơn nhiều lần.
Cuộc ‘thánh chiến’ chống lại Chủ nghĩa Cộng sản và thể chế độc tài ở Bắc Kinh sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá cho những tội ác đã gây ra cho toàn thể nhân loại.
Nhà cầm quyền tại Hà Nội qua bài học thiệt hại đau đớn từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán lần này, đối với đất nước và dân tộc, nên xem xét lại chính sách và đường lối của mình, sớm thay đổi để chuyển sang thể chế Dân chủ, Tự do, ra nhập cộng đồng các nước của thế giới văn minh.
Hoàng Trung (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 19/04/2020