Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2020

Thuyền trưởng Trump và chiếc tàu Titanic...

Trương Nhân Tuấn

Lới tác giả : Tựa đề đặt lại. Những dòng dưới dây là dẫn từ bài viết từ ba tuần trước, sau khi trang này bị "đóng". Tôi biết rằng những bài viết kiểu này làm phật lòng rất nhiều người. Vấn đề là mục tiêu tôi viết không nhằm "làm hài lòng ai" hết. Tôi chỉ muốn trình bày ý kiến của mình, về một vấn đề hoặc mình có quan tâm, vì nó liên quan đến quyền và lợi ích của dân tộc và đất nước VN. Hoặc là vấn đề đó có nguy cơ, hay đã và đang làm tổn thương đến (những) giá trị nền tảng mà tôi đang theo đuổi. Vì vậy ai đó hy vọng đọc tôi để tìm một sự "hài lòng" thì sẽ thất vọng.

Bài viết tựa đề "Quản lý (hay quản trị) đất nước như thuyền trưởng lèo lái một con tàu" dưới đây. (TNT)

*********************

Quản lý (quản trị hay lãnh đạo) một đất nước như lèo lái một con tàu

Quản lý (quản trị hay lãnh đạo) một đất nước như lèo lái một con tàu. Người lãnh đạo đất nước là thuyền trưởng. Người lãnh đạo phải có khả năng "tiên liệu" sự việc sắp xảy ra.

titanic1

Người thuyền trưởng phải "thấy trước", tiên liệu trước những gì sẽ xảy ra trên thủy lộ (hải trình) của con tàu. Thấy trước, biết trước một cách chính xác, để có quyết định đúng nơi đúng lúc, để lèo lái con tàu luôn chạy đúng hướng, không va vào đá ngầm hay vướng vào các bãi cạn. Dụng cụ của người thuyền trưởng là bản đồ, la bàn, ra đa v.v..

Người lãnh đạo đất nước (hay xí nghiệp, tập đoàn...) cũng vậy, cũng phải "thấy trước", biết tiên liệu trước những sự kiện sắp (có, hay không thể) xảy ra, để lấy những quyết định (kinh bang tế thế) sao cho đất nước (xí nghiệp, tập đoàn…) luôn được phát triển và mọi người dân (thành viên xí nghiệp, tập đoàn…) đều được hưởng thành quả này.

Người lãnh đạo cũng phải biết "tiên liệu" những tai họa, những đe dọa cho quốc gia, cho tập đoàn xí nghiệp của họ, để có những biện pháp "phòng ngừa" thích ứng. Sao cho, khi tai họa phủ tới, tổn thất gây ra cho dân chúng và đất nước (xí nghiệp, tập đoàn…) ở mức thấp nhứt.

"Dụng cụ" của người lãnh đạo, giúp họ lấy những quyết định, là các báo cáo, thống kê khoa học của các định chế liên quan (về tình hình kinh tế, y tế, quốc phòng, ngoại giao…) hay các khuyến cáo của các chuyên gia… Đặc biệt trên bình diện quốc gia, cơ quan tình báo là nơi tiếp nhận và sàng lọc những dữ kiện (đối nội và đối ngoại) rồi cung cấp cho lãnh đạo bản tổng kết (hay lời khuyến cáo), để lãnh đạo có những quyết định "chiến lược", thích úng cho từng tình huống.

Ngạn ngữ Pháp có câu "gouverner c’est prévoir".

"Gouverner", nguyên ngữ latin "goubernaculum", có nghĩa là "cái bánh lái - gouvernail", bộ phận nhằm lèo lái con tàu. "Gouverner" động từ có nghĩa là "lèo lái", "quản trị", "điều khiển", "quản lý"… "Gouvernement - chính phủ" cũng bắt nguồn từ "cái bánh lái - gouvernail", có nghĩa là "định chế chính trị đại diện quốc gia có trách nhiệm quản trị (hay lãnh đạo) đất nước". "C’est" có nghĩa "đích thị là..., nó là..., chính là..".. "Prévoir" có nghĩa là "tiên liệu, dự đoán trước, tiên đoán trước". Ngạn ngữ "gouverner c’est prévoir" có nghĩa "lèo lái (hay quản trị, lãnh đạo…) chính là tiên liệu".

Hôm trước tôi có viết bài nói rằng "dịch Covid-19 sẽ tụt quần nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới". Chữ "tụt quần" có thể làm "sốc" nhiều người. Nhưng thực tế là nó rất điển hình. Trận đại dịch Covid-19 cho ta thấy đâu là nhà lãnh đạo "có tầm nhìn" và đâu là người không có khả năng lãnh đạo.

Hiển nhiên đến nay còn quá sớm để làm một "tổng kết" về hệ quả của Covid-19. Vì vậy khó có thể kết luận đâu là người có tầm nhìn. Nhưng ta có thể thấy tức khắc đâu là những nhà lãnh đạo bất tài.

Lãnh đạo bất tài hành động như người thuyền trưởng không biết coi bản đồ, không biết sử dụng la bàn. Người cầm bánh lái không xác định được thủy đạo của mình, lúc bẻ qua trái, lúc quẹo qua phải. Con tàu lắc lư, chạy ngoằn ngoèo không chủ đích như con tàu say.

Nếu ta lấy tiêu chuẩn "thuyền trưởng" để phán đoán khả năng lãnh đạo. Rõ ràng cả tập đoàn bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, thể hiện qua các chỉ thị mới đây của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Rõ ràng họ không có khả năng quản trị đất nước.

Các chỉ thị, quyết định đưa ra, từ nhiều tháng nay, trên những vấn đề trọng đại của đất nước như các biện pháp phòng ngừa "đại dịch Covid-19" cũng như vấn đề "an ninh lương thực". Chỉ thị nào nội dung văn bản cũng mâu thuẩn với thực tế, gây ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe".

Không phải "dưới" bất tuân mà vì các chỉ thị của Bộ Chính trị đều "đi xa thực tế", không thể áp dụng.

Việt Nam không có thống kê hay Bộ Chính trị đã không đọc các báo cáo, các thống kê về giá thành và trữ lượng lương thực ?

Việt Nam không theo sát diễn biến của dịch Covid-19 đang hoành hành trong nước và trên thế giới hay Bộ Chính trị đã có những "dữ kiện khoa học" do khoa học gia Việt Nam đặc biệt cung cấp ?

Bộ Chính trị hớn hở tuyên bố "thành công chống dịch". Ông Trọng thừa dịp "nổ" : "Nếu không có chế độ chính trị như Việt Nam thì không làm được như vậy". Thì hai tuần sau ông thủ tướng ra chỉ thị "cách ly toàn xã hội". Việc này cho thấy "thuyền trưởng" con tàu Việt Nam "lạng quạng", không biết coi "bản đồ" !

Về vấn đề "an ninh lương thực", hôm nay thủ tướng ra chỉ thị ngưng xuất khẩu gạo. Hôm sau bộ trưởng đã gởi thư chống đối. Việc này cho thấy kinh tế Việt Nam "phi thị trường". Cuộc sống nông dân lý ra thoải mái hơn do giá gạo tăng, rốt cục bị phá hoại do hành vi duy ý chỉ của thủ tướng.

Ý kiến của ông Trọng do đó phải đổi thành "không có chế độ chính trị nào tệ hại, lệnh lạc nhà nước lại bất nhất đến như vậy" !

Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vẫn như đang sống trong mơ ! Bộ Chính trị vẫn sinh hoạt một cách "duy ý chí", lấy "ước mơ làm hiện thực và lấy ý chí của của một người áp đặt lên mọi người".

Nếu Bộ Chính trị là "thuyền trưởng" thì Bộ Chính trị quản trị đất nước như một người say rượu, chân nam đá chân xiêu (chân dăm đá chân chiêu)...

Nguyên nhân do đâu ?

Đầu tiên là vì họ không có kiến thức nhưng họ không tin vào các dự báo của các nhà khoa học.

Nhớ lại ngày xưa, biết bao nhiêu quyết định "duy ý chí", như khai sinh ra các "đại dự án", những "tập đoàn nắm đấm"... từ các thập niên 2000, bất chấp các dự báo, những cảnh cáo của các nhà khoa học. Nếu đất nước thực sự là con tàu thì chiếc Titanic Việt Nam đã chìm không biết bao nhiêu lần.

Đó là ta chưa nói tới những vấn đề mang tính cách "lâu dài" như tranh chấp biển đảo, vấn đề ĐBSCL (đất lún, hạn, ngập mặn, thiếu nước ngọt…).

Từ 50 năm nay người dân không hề thấy Đảng cộng sản Việt Nam có một quyết định nào "tốt", đúng mức…, thực sự đem lại lợi ích cho đất nước và dân tộc. Với thái độ "duy ý chí" vì tin tưởng mù quáng vào tín điều chủ nghĩa, sau 75 họ đã phá nát nền kinh tế quốc dân. Sau đó, với những tính toán ngắn hạn, bởi những con người thiếu trí tuệ nhưng lại coi thường và không sử dụng người có học, mọi chính sách đều chỉ là "phá hoại", nếu không thì chỉ có hiệu quả "mì ăn liền".

Trường hợp thứ hai, đại dịch Covid-19 trên nước Mỹ, với "thuyền trưởng" Trump.

Ông Trump điển hình típ người không hiểu biết về khoa học nhưng lại không tin vào dự báo của các nhà khoa học. Ông Trump lãnh đạo nước Mỹ chỉ dựa vào những phán đoán sự việc theo "trực giác". Kiểu thuyền trưởng không biết coi bản đồ, la bàn, lái tàu theo "cảm tính".

Hầu hết các báo cáo khoa học của các khoa học gia trên thế giới đều dự báo sự "biến đổi khí hậu" đến từ nguyên nhân "hiệu ứng lồng kính". Chỉ có ông Trump là không tin.

Hệ quả tai hại của việc biến đổi khí hậu đến nay đã thấy được, điển hình ở đồng bằng sông Cửu long qua các hiện tượng "nắng hạn" mỗi năm một dài lâu hơn. "Nước biển dâng cao" thường xuyên hơn làm "ngập mặn sông ngòi, đồng ruộng". Giông bão cũng thường xuyên hơn, mạnh bạo, tàn phá nhiều hơn và đến sớm hơn mọi năm.

Nhưng việc này là chuyện của người nông dân VN. Trump chủ trương sống chết mặc bây, miễn "nước Mỹ vĩ đại" là được.

Nhưng vụ đại dịch Covid-19 đang hoành hành nước Mỹ. Nguyên nhân là ông Trump không tin những báo cáo của các nhà khoa học, thậm chí các báo cáo về tình hình dịch tại Trung Quốc của cơ quan tình báo CIA. Mỹ cũng có cơ quan quan sát y tế ở Trung Quốc nhưng cơ quan này xem như vô hiệu vì Trump đã sa thải phần lớn nhân sự. Những báo cáo CIA cho thấy, từ tháng giêng cho biết nước Mỹ không thể tránh được đại dịch.

Trump vẫn bỏ ngoài tai các cảnh báo. Ông tin rằng Coronavirus là "tin vịt - hoax" của phe Dân chủ tung ra để "hại" ông.

Quyết định "quẹo phải" hay "quẹo trái" của thuyền trưởng, chỉ sớm hay muộn vài giây đồng hồ, có thể khiến chiếc tàu Titanic chìm hay không chìm.

Quyết định chậm trễ của ông Trump về việc phòng dịch khiến số nạn nhân thay đổi, từ vài ngàn có thể lên tới vài trăm ngàn người. Thiệt hại kinh tế cũng vậy, sớm hai tuần có thể với một "gói" 2.200 tỉ nước Mỹ sẽ trỗi dậy sau 2 tháng, dĩ nhiên nếu có một "chiến lược phòng ngừa" hữu hiệu.

Còn bây giờ, thái độ "khệnh khạng" của ông Trump, bất cần báo chí cũng như khoa học gia, đã làm cho nước đã ngập tới lổ mũi, người ta dự trù tiêu hao về kinh tế có thể lên tới 15.000 tỉ đô la.

Khi mới hạ thủy người ta nói chiến tàu Titanic "vĩ đại" đến đỗi không thể chìm. Vậy mà nó vẫn chìm. Nguyên nhân là thuyền trưởng xem thường những dự báo khách quan, khoa học.

Dầu vậy nước Mỹ vẫn sẽ không sao. Thuyền trưởng Trump lái tàu lạng quạng sớm muộn gì cũng bị thay thế. Đáng lo là Việt Nam. Ngay cả khi chiếc tàu mang tên Việt Nam bị chìm trong lúc này, thì cũng không ai lo âu ! Thủy thủ đoàn đa số đã có chỗ "cắm dùi" trên đất Mỹ.

Trương Nhân Tuấn

(19/04/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 748 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng Trường Sa lundi, 20 avril 2020 23:40 posted by Hoàng Trường Sa

    Theo ngu ý của tui, cái tựa bài nên đổi ra như ri mới đúng: "Thuyền trưởng và chiếc tàu Titanic...". Tại sao? Xin thưa là nội dung của bài là việc tác giả phân tích về khả năng lèo lái con thuyền của vị thuyền trưởng. Phần đầu là nguyên tắc chung, bàn về cách lèo lái thuyền của thuyền trưởng. Phần sau là hai thí dụ. Thí dụ thứ nhất là thuyền trưởng Đảng Cộng Sản VN và con tàu VN, chắc tác giả muốn nói ông Nguyễn Phú Trọng vì ông ni đứng mũi chịu sào qua hai chức vụ cao nhất là Tổng Bí Thư ĐCSVN và Chủ tịch nước. Thí dụ thứ hai là Tổng thống Mỹ Donald Trump và con tàu Hoa Kỳ. Phần kết luận là nếu thuyền trưởng lạng quạng thì dù con thuyền tốt bao nhiêu cũng bị chìm, như thuyền Titanic "vĩ đại".

    Nếu thầy Việt văn thời trung học ra đề bài như tác giả sử dụng trên đây mà tác giả làm bài chêm vô đoạn về Đảng CSVN thì tui nghĩ thầy giáo sẽ gạch bỏ đoạn ni vì lạc đề và trừ điểm rất nhiều. Chỉ có đoạn về ông TRUMP mới "ăn" vô đề bài luận.

    Tui thật sự không biết có phải tác giả chỉ thích viết về sự bất tài của ông TRUMP nhưng chêm vô đoạn ĐCSVN để câu khách hay không?

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)