Đằng sau những căng thẳng ngoại giao ở Biển Đông là gì ?
Neha Banka, VNTB, 27/04/2020
Tuần trước, Bắc Kinh đã đơn phương đặt tên 80 thực thể (đảo) và gắn các đặc điểm địa lý khác tại Biển Đông, điều này gây ra sự chỉ trích từ các nước láng giềng.
Một nỗ lực của Trung Quốc vào năm 2014 để khoan dầu ở quần đảo Hoàng Sa, do Việt Nam tuyên bố, đã dẫn đến các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc tại Việt Nam, trong đó một số nhà máy Trung Quốc đã bị phá hoại.
Trong giữa đại dịch corona toàn cầu, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Lần này tập trung vào hai hòn đảo đang tranh chấp ở nằm giữa Biển Đông với lãnh hải của Việt Nam và Philippines, quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Tuần trước, Bắc Kinh đã đơn phương đặt tên 80 thực thể (đảo) và các đặc điểm địa lý khác tại Biển Đông, lôi kéo nhiều chỉ trích từ các nước láng giềng.
Các nhà nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tin rằng nếu tranh chấp xấu đi có thể có tác động nghiêm trọng đến mối quan hệ ngoại giao và ổn định của khu vực.
Có tranh chấp gì về quần đảo Trường Sa ?
Hiện đã có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Malaysia về quyền sở hữu Quần đảo Trường Sa và các đặc điểm địa lý gần đó (như rạn san hô, vịnh…). Từ năm 1968, các quốc gia này bằng biện pháp quân sự đã chiếm các hòn đảo và vùng biển xung quanh, ngoại trừ Brunei chỉ phản đối việc sử dụng vùng biển của họ để đánh bắt cá thương mại.
Mặc dù Quần đảo Trường Sa phần lớn không có người ở, nhưng khu vực này vẫn có thể có một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên chưa được khám phá. Tuy nhiên, do tranh chấp đang diễn ra, có rất ít sáng kiến để khám phá khu vực được bảo vệ này, vì vậy lượng tài nguyên thiên nhiên mà các đảo này có thể có dựa trên suy đoán và ngoại suy thông qua nghiên cứu nguồn tài nguyên có sẵn của các đảo lân cận.
Vào những năm 1970, dầu được phát hiện trên các hòn đảo lân cận, đặc biệt là gần Palawan (Phillipines). Phát hiện này khiến các quốc gia có liên quan tăng cường tuyên bố chủ quyền. Mặc dù những năm qua, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng gần như không hoặc hoàn toàn không có dầu hoặc khí tự nhiên trên các đảo này, nhưng những báo cáo này không làm giảm đi tranh chấp lãnh thổ.
Tranh chấp gì ở quần đảo Hoàng Sa ?
Tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa phức tạp hơn một chút. Quần đảo này là một tập hợp của 130 hòn đảo và rạn san hô, nằm ở Biển Đông, nằm cách Trung Quốc và Việt Nam với cùng một khoảng cách. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này đã được tìm thấy trong các tác phẩm thế kỷ 14 thời nhà Tống. Mặt khác, Hà Nội nói rằng ít nhất các tài liệu lịch sử từ thế kỷ 15 chỉ ra rằng những hòn đảo này là một phần của lãnh thổ của Việt Nam.
Những hòn đảo này cũng được các nhà thám hiểm đề cập đến trong thế kỷ 16. khi đi về phương Đông. Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha đã viết bài về Quần đảo Hoàng Sa bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các chính sách thuộc địa của thế kỷ 20, thuộc địa Pháp và Đông Dương cũng làm gia tăng căng thẳng ở quần đảo Hoàng Sa.
Đến năm 1954, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam về Hoàng Sa đã tăng lên đáng kể. Vào tháng 1 năm 1974, Trung Quốc và Việt Nam đã tranh chấp quyền kiểm soát lãnh thổ, sau đó Trung Quốc chiếm được các đảo này. Để trả đũa, Việt Nam tuyên bố vào năm 1982 rằng họ sẽ mở rộng quyền hành chính lên các đảo này. Năm 1999, Đài Loan đã ra yêu sách lãnh thổ đối với toàn bộ quần đảo.
Từ năm 2012, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đã cố gắng tăng cường chủ quyền lãnh thổ bằng cách tham gia xây dựng các tòa nhà hành chính, du lịch, kế hoạch cải tạo đảo, và thiết lập và phát triển các tiền đồn trên các đảo.
Tranh chấp những gì gần đây ?
Sau khi thành lập các khu vực hành chính mới trên Quần đảo Trường Sa và Quần đảo Hoàng Sa, Bộ Tài nguyên Trung Quốc và Bộ Nội vụ Trung Quốc đã cùng tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc đã đặt tên cho 80 thực thể, rạn san hô và gắn tên cho các đặc điểm địa lý khác. Hành động tương tự đơn phương cuối cùng của Trung Quốc là vào năm 1983, khi Bắc Kinh đặt tên cho 287 thực thể địa lý.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường xâm lược quân sự và xây dựng các đảo nhân tạo cho mục đích quân sự và kinh tế ở Biển Đông, nơi đã thu hút sự chỉ trích từ các nước láng giềng và các cường quốc phương Tây. Vài tuần trước, Việt Nam đã đệ đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc, nói rằng Trung Quốc đã đánh chìm trái phép một tàu đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa. Vào tháng 3, Trung Quốc đã thành lập hai trạm nghiên cứu tại các vùng lãnh thổ mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Sau khi Trung Quốc đặt tên cho các thực thể, Hoa Kỳ đã phái một tàu tấn công và một tàu tuần dương tên lửa đến vùng biển ngoài khơi Malaysia gần quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngay sau đó, tàu chiến Trung Quốc và Úc đã tham gia tập trận. Sau sự xuất hiện của tàu chiến Hoa Kỳ, các nhà quan sát khu vực bày tỏ lo ngại rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng. Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng ai cũng biết rằng chừng nào còn có những diễn biến khiêu khích ở vùng biển, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, Washington sẽ gửi lực lượng hải quân đến khu vực này.
Neha Banca
Nguyên tác : Explained : What’s behind diplomatic tensions in the South China Sea ?, The Indian Express, 26/04/2020
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 27/04/2020
******************
Trung Quốc leo thang, sắp đại hội đảng, ‘ta’ sẽ… leo xuống ?
Trân Văn, VOA, 24/04/2020
Bất chấp các khuyến cáo của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ (1), Trung Quốc tiếp tục dấn thêm một bước nữa để khẳng định yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông.
Các tàu của lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam liên tục bị các tàu của lực lượng vũ trang Trung Quốc đâm vào mũi, vào đuôi, vào hông, tấn công bằng vòi rồng…
Ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc loan báo, vừa nhắc nhở Việt Nam một cách "nghiêm khắc" vì liên tục đưa ra những tuyên bố về chủ quyền tại Biển Đông.
Theo đó, những tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền ở Biển Đông là "bất hợp pháp". Những nỗ lực phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dưới bất kỳ hình thức nào cũng vô hiệu và Trung Quốc sẽ thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc cả chủ quyền lẫn lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông (2).
***
Việt Nam sẽ làm gì (?) khi chỉ trong vòng một tuần, Trung Quốc tiến nhiều bước để khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông :
- Ngày 14/4, tàu hải cảnh của Trung Quốc hộ tống Hải Dương 8 (chuyên thăm dò địa chấn) tái xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Ngày 17/4, Trung Quốc cáo giác với Liên Hiệp Quốc, Việt Nam "chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc để tạo ra tranh chấp".
- Ngày 19/4, tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là quận Tây Sa, quần đảo Trường Sa là quận Nam Sa, đặt lại tên cho "25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý".
- Ngày 21/4, xếp các khẳng định của Việt Nam về chủ quyền tại Biển Đông vào loại "bất hợp pháp", răn đe sẽ thực thi tất cả các "biện pháp cần thiết" để "bảo vệ chủ quyền".
***
Tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để leo thang - củng cố yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông cả trên thực địa lẫn diễn đàn quốc tế ?
Theo phán đoán của một số chuyên gia, kể cả chính phủ một số quốc gia thì đó là vì cộng đồng quốc tế đang chật vật đối phó với Covid-19.
Tuy nhiên chỉ như thế thì dường như chưa… đủ. Dường như nỗ lực leo thang của Trung Quốc liên quan mật thiết đến nhu cầu tổ chức thành công Đại hội thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam.
***
Theo dự kiến, Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 sẽ diễn ra vào tháng giêng năm tới. Từ nay đến đó còn chín tháng…
Cách nay sáu năm, cũng vào tháng 4, Trung Quốc bắt đầu kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí tại Biển Đông.
Ngày 2/5/2014, giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu công việc thăm dò dầu khí tại lô 143 trong bản đồ dầu khí của Việt Nam. Nói cách khác, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại ví trí chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý.
Bất chấp phản đối của Việt Nam và chỉ trích của cộng đồng quốc tế, giàn khoan Hải Dương 981 tiếp tục thăm dò dầu khí dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của hải quân và hải cảnh Trung Quốc. Ngày 27/5/2014, giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển đến vị trí mới, cách đảo Lý Sơn chừng 150 hải lý và nơi đó vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngoài biển, khoảng 80 tàu của hải quân, hải cảnh, kiểm ngư, vận tải, tàu đánh cá của Trung Quốc vờn qua, vờn lại với 29 tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam. Các tàu của lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam liên tục bị các tàu của lực lượng vũ trang Trung Quốc đâm vào mũi, vào đuôi, vào hông, tấn công bằng vòi rồng…
Không chỉ có thế, các tàu của lực lượng vũ trang Trung Quốc và tàu đánh cá vỏ thép của Trung Quốc còn thực thi lệnh cấm lưu thông trên biển Việt Nam, rượt đuổi, bắt giữ, tịch thu ngư cụ của các tàu đánh cá Việt Nam, hành hung ngư dân Việt Nam. Ngày 26/5/2014, một tàu đánh cá của Việt Nam bị đâm chìm…
Trên đất liền, các cuộc biểu tình phản đối hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 xảy ra liên tục ở nhiều nơi. Lúc đầu, những cuộc biều tình diễn ra suôn sẻ nhưng khi cường độ va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam tăng lên, các cuộc biểu tình bắt đầu bị đàn áp thẳng tay...
Sau đó các cuộc biểu tình ôn hòa trở thành bạo động. Từ 12 đến 15/5/2014, hàng chục ngàn công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương bỏ việc để biểu tình và đập phá, đốt các công ty của giới đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra ở Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)… Hàng ngàn người bị bắt !
Bên ngoài Việt Nam, người Việt cũng biểu tình trước Đại sứ quán, Lãnh sự quán Trung Quốc ở Mỹ, Đức, Tiệp, Đài Loan... Cả trong và ngoài Việt Nam cùng có người tự thiêu (bà Lê Thị Tuyết Mai ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hoàng Thu Hùng ở Florida), dùng chính thân thể của họ để kêu gọi bảo vệ chủ quyền quốc gia tại Biển Đông...
***
Giàn khoan Hải Dương 981 chễm chệ ngự trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho đến 15/7/2014 và để lại cho Việt Nam vô số thiệt hại về chính trị, kinh tế, xã hội và có thể ôn lại sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 cũng như tham khảo về đủ loại thiệt hại mà sự kiện này gây ra trên Wikipedia (3) !
Khoảng 18 tháng sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vào ngày 8/12/2015, khi gặp gỡ ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - như đại biểu, đại diện cho cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội, tại Quốc hội, nhiều cử tri vốn là cựu viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã nhắc đến sự kiện này như một trong những yếu tố khiến họ cũng như nhiều người Việt khác lo ngại cho chủ quyền quốc gia.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì ông Trọng khẳng định : Càng ngày càng thấy cách giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng cộng sản Việt Nam là đúng đắn.
Thay vì trực tiếp trả lời những cử tri dù lợi ích của cá nhân và gia đình luôn luôn gắn chặt với sự tồn vong của Đảng cộng sản Việt Nam nhưng không tránh khỏi hoang mang về cách hành xử của Đảng cộng sản Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ông Trọng hỏi họ : Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không ? Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không ?
Ông Trọng tỏ ra rất tự tin và tự hào khi tự trả lời câu hỏi do chính ông nêu ra : "Ta" chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón ba nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia... (4).
Không rõ ông Trọng quan niệm như thế nào về "nể trọng", đặc biệt là sự "nể trọng" mà Trung Quốc cũng như ông Tập Cận Bình dành cho Việt Nam và cho chính ông ?
Tuy ông Tập Cận Bình được Việt Nam tiếp đón trọng thể, được mời trò chuyện với Quốc hội Việt Nam vào ngày 6/11/2015, công khai hứa hẹn sẽ cùng Việt Nam "nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau" (5) nhưng ngay ngày hôm sau (7/11/2015), khi đến thăm Đại học Quốc gia của Singapore, ông Tập Cận Bình khẳng định : Biển Đông của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, do vậy hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền (6) !
***
Sáu năm đã trôi qua từ khi giàn khoan Hải Dương 981 ngang nhiên thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cả Đảng cộng sản Trung Quốc và ông Tập Cận Bình lẫn Đảng cộng sản Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng đều cho thấy họ rất nhất quán đối với vấn đề Biển Đông.
Trước Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12, Đảng cộng sản Trung Quốc và ông Tập Cận Bình từng gia tăng áp lực để khẳng định, Biển Đông là của Trung Quốc. Khi Đảng cộng sản Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng nhìn động thái đó theo kiểu : Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không ? - thì trước Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới, việc Trung Quốc leo thang, phủ nhận chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông là tất nhiên.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/04/2020
Chú thích
(1) https://www.voatiengviet.com/a/my-noi-trung-quoc-nen-ngung-hanh-vi-bat-nat-o-bien-dong/5378082.html
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/ Vụ_hạ_giàn_khoan_Hải_Dương_981
(6) http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20151107-tap-can-binh-lai-khang-dinh-bien-dong-la-cua-trung-quoc