Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/04/2020

Covid-19 : Kiện Trung Quốc - Trách nhiệm của Mỹ

Thụy My - Trọng Thành

Virus corona : Các nước có thể kiện Trung Quốc ra tòa ?

Thụy My, 27/04/2020

Giấu giếm thực tế về khả năng giết người hàng loạt của virus corona chủng mới, Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc để cho đại dịch lan ra toàn thế giới. Nhưng làm thế nào buộc được Trung Quốc bồi thường thiệt hại ?

kien1

Mỹ là nước bị thiệt hại nhiều nhất vì đại dịch virus corona, với gần 55.000 người thiệt mạng tính đến ngày 27/04/2020. Ảnh minh họa : Một nữ y tá trước bệnh viện Elmhurst ở New York, 20/04/2020. © Reuters/Lucas Jackson

Hơn 200.000 người trên thế giới đã thiệt mạng vì con virus xuất phát từ Vũ Hán, những cái chết tức tưởi trong cô đơn, đau đớn…trong đó có những tài năng còn có thể cống hiến cho đời.

Trong khi đó chính quyền Trung Quốc tìm cách lấp liếm, viết lại lịch sử, thậm chí còn tung hỏa mù để đổ tội cho nước khác. Bắc Kinh nhân cơ hội thế giới lao đao vì đại dịch để tung ra chiến dịch ngoại giao khẩu trang nhằm tuyên truyền gây thanh thế, làm áp lực. Không dừng lại ở đó, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở nhiều nước còn ngang nhiên loan tin vịt, chê bai chính quyền sở tại, như đã diễn ra ở Pháp.

Bắc Kinh dường như đã làm cho giọt nước phải tràn ly. Ngày 21/04/2020, Missouri là tiểu bang đầu tiên của Mỹ khởi kiện chính quyền và đảng cộng sản Trung Quốc vì đã "che giấu những thông tin quan trọng" về sự trầm trọng của nạn dịch virus corona chủng mới. Tuy nhiên số tiền đòi bồi thường trong vụ kiện dân sự này chưa được tiết lộ. Sau đó tiểu bang Mississippi cũng theo chân.

Trên Figaro Magazine, hai luật sư Pierre Farge và Odile Madar đã giải thích khả năng khởi kiện Trung Quốc vì đã dối trá trong đại dịch virus corona.

Câu hỏi được tờ báo đặt ra như sau : Giấu diếm thực tế về khả năng giết người hàng loạt của virus corona chủng mới, Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc để cho đại dịch lan ra toàn thế giới. Như vậy vấn đề trách nhiệm của Trung Quốc trong việc bồi thường thiệt hại cần thiết được đặt ra, nhưng làm thế nào để thực hiện ?

Phần trả lời của hai luật sư Farge và Madar :

Cơ quan tư vấn Anh Henry Jackson Society, thân cận với đảng bảo thủ, dự kiến nhiều con đường thông qua tư pháp để yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Hiện đã có nhiều chính khách Anh, Mỹ đòi hỏi chính phủ khởi kiện chính quyền Trung Quốc ra trước các tòa án.

Về mặt luật pháp, các động thái này khó thể đạt được kết quả. Công cụ đầu tiên mà các Nhà nước có được là quy định về vệ sinh dịch tễ quốc tế, đó là Điều lệ Y tế Thế giới. Các Nhà nước có nhiệm vụ phải hành động để phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây lan. Việc báo cáo đại dịch phải được nhanh chóng tiến hành, trên cơ sở các thông tin cụ thể và hoàn chỉnh.

Thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã vi phạm các điều 6 và 7 của quy định này, vì đã không thông báo các dữ liệu cho thấy bằng chứng virus corona lây từ người sang người, đợi tới ba tuần lễ sau mới báo. Tuy nhiên trong IHR (International Health Regulations - Điều lệ Y tế Thế giới, hay RSI trong tiếng Pháp) không dự trù các biện pháp trừng phạt đối với các Nhà nước không tôn trọng quy định này.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ hay CIJ trong tiếng Pháp), cơ quan tư pháp chính của Liên Hiệp Quốc, có thể vào cuộc. Tuy nhiên chỉ có những Nhà nước tự nguyện chấp nhận quyền xét xử của cơ quan này mới phải tôn trọng phán quyết. Nói cách khác, khó thể có việc Trung Quốc chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế, trước nguy cơ bị kết án, và như vậy các bản án của tòa không thể thực hiện.

Về phần Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC, hay CPI trong tiếng Pháp) thì có thẩm quyền xét xử tội ác chống nhân loại. Hiện nay tòa đang thụ lý hai đơn kiện của các Nhà nước thành viên có liên quan đến Covid-19. Một đơn nhắm vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đơn kia vào tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Các đơn này dựa vào điều 7 của Hiệp ước Roma, định nghĩa tội ác chống nhân loại là "một cuộc tấn công toàn diện hoặc có hệ thống vào thường dân", hay "các hành động vô nhân đạo", "cố tình gây ra đau đớn khủng khiếp".

Tuy không thể khởi kiện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế với tư cách pháp nhân (dành riêng cho các Nhà nước), nhưng ngược lại các thể nhân vẫn có thể cung cấp thông tin cho tòa. Nếu công tố viên nhận định là nghiêm túc, thì tòa có thể mở điều tra trên cơ sở này. Có điều để đánh giá là "cố ý", rất khó khẳng định chính quyền Trung Quốc cố tình sát hại người dân trong trường hợp dịch virus corona.

Dù sao đi nữa, khó có khả năng Trung Quốc chấp nhận thẩm quyền của tư pháp quốc tế, và Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc - mà Trung Quốc làm chủ tịch luân phiên kể từ tháng Ba năm 2020 - giữ im lặng.

Tranh cãi gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là ví dụ điển hình nhất : Washington đã yêu cầu ghi vào văn bản chính thức xuất xứ của con virus là từ Trung Quốc, tuy nhiên Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ, dù sự thật đã rành rành. Sự chối từ trách nhiệm này ngăn chận hoạt động của cơ chế Liên Hiệp Quốc và cho thấy thất bại của định chế đa phương. Trước việc Nga và Trung Quốc liên kết với nhau, có thể chắc chắn rằng chỉ có những nghị quyết mang tính tham khảo chứ không phải cưỡng chế, mới có thể được ban hành.

Tiếc thay, luật quốc tế thất bại về chủ đề này - một lỗ hổng pháp lý cần nhấn mạnh trong các hoàn cảnh đặc thù. Không có đòn bẩy luật pháp nào để đưa Bắc Kinh ra trước công lý. Tuy vậy, không nên thối chí : vẫn có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thuế quan. Bên cạnh đó là tấn công ngoại giao, và gây áp lực thường xuyên về mặt đạo đức, để buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành động của mình đối với cộng đồng quốc tế.

Như vậy cần có lòng can đảm và tình liên đới của thế giới để áp đặt các cuộc điều tra độc lập trên lãnh thổ Trung Quốc, để tìm hiểu về nguyên nhân cuộc khủng hoảng và tránh không để thảm họa tái diễn trong tương lai.

Thụy My

Nguồn : RFI, 27/04/2020

******************

Để đại dịch Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán : Mỹ có trách nhiệm gì ?

Trọng Thành, RFI, 27/04/2020

Đại dịch Covid-19 lan khắp thế giới - khiến hơn 200.000 người chết - tiếp tục là mối lo sợ của nhân loại trong nhiều tháng tới, khi chưa có vác-xin và thuốc đặc hiệu. Trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để bệnh dịch bùng phát đang được nhiều quốc gia, tổ chức kêu gọi điều tra. Hoa Kỳ, dường như là một tác nhân không kém phần quan trọng trong đại dịch, lại ít được chú ý.

kien2

Giáo sư Anthony Fauci và tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Washington, Mỹ, ngày 10/04/2020 Reuters/Yuri Gripas

Trong thời gian gần đây, giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán được nói đến nhiều hơn. Thông tin về việc chính phủ Mỹ tài trợ cho Trung Quốc trong việc nghiên cứu các virus corona ở loài dơi bắt đầu được giới chuyên gia phân tích. Chuyên mục "Theo dòng thời sự" của RFI giới thiệu một số thông tin về chủ đề này. 

***

Giả thiết về virus corona thoát ra khỏi phòng thí nghiệm tại Vũ Hán dường như không phải là chuyện mới ? 

Hồi giữa tháng 2/2020, vào lúc đại dịch Covid-19 còn hoành hành chủ yếu tại Trung Quốc, đã có một số tiếng nói cảnh báo khẩn thiết về khả năng virus corona mới lọt ra từ phòng thí nghiệm tại chính thành phố Vũ Hán. Một đại diện của quan điểm này là nhà nhân chủng học người Mỹ Steven Westley Mosher, chuyên gia về dân số học Trung Quốc. Trong một bài viết đăng tải trên báo The New York Post , ngày 23/02/2020, mang tựa đề "Virus corona có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc", ông đặc biệt chú ý đến quyết định mà chủ tịch Trung Quốc đưa ra trước đó ít hôm, coi việc "kiểm soát các nguy cơ về an toàn sinh học" là vấn đề "an ninh quốc gia". Ông Tập Cận Bình không nói gì về virus corona, nhưng ngay hôm sau, bộ Khoa Học và Công Nghệ Trung Quốc ra một thông tư quy định cụ thể về việc "quản lý an toàn sinh học tại các phòng thí nghiệm liên quan đến các virus …, chẳng hạn virus corona mới". 

Nhà khoa học Mỹ đặt câu hỏi : Có bao nhiêu phòng thí nghiệm về virus corona tại Trung Quốc ? Ông tự trả lời, trên khắp Trung Quốc chỉ có một, và phòng thí nghiệm đó nằm tại Vũ Hán, nơi dịch vừa bùng phát. Phòng thí nghiệm nói trên thuộc Viện Virus Học Vũ Hán, là phòng thí nghiệm vi sinh học duy nhất ở cấp 4, đủ tiêu chuẩn để nghiên cứu các loài virus nguy hiểm nhất. 

Điểm đáng chú ý khác là ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố phong tỏa Vũ Hán, thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), được coi là chuyên gia số một về chiến tranh sinh học của Quân Đội Trung Quốc, được cử ngay đến Vũ Hán để ngăn dịch. Theo nhật báo của Quân Đội Trung Quốc, tướng Trần Vi chuyên nghiên cứu về các loại virus corona kể từ dịch SARS.

Nhà nhân chủng học Mosher cũng lưu ý đến một số thông tin khác cho giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm có nhiều khả năng xảy ra. Đó là virus SARS đã từng hai lần thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh và gây một số hậu quả, trước khi bị khống chế. Thứ hai là tại Trung Quốc, xảy ra tình trạng một số nhân viên bán các động vật phòng thí nghiệm ra chợ để có thu nhập bổ sung. Một nhà khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh từng kiếm được tiền triệu nhờ bán khỉ và chuột ở phòng thí nghiệm, trước khi bị phạt tù vì tội này.

Nhà khoa học Mỹ Steven Mosher cũng tố cáo việc chính quyền Trung Quốc tuyên truyền là chợ hải sản gần Viện Virus Học là nguồn gây bệnh chính, gây nhiễu loạn thông tin. Theo ông, các loài rắn bán tại chợ hải sản không thể mang virus corona, trong lúc loài dơi có thể mang virus corona thì lại không thể có ở chợ hải sản.

Các nghi vấn và bằng chứng liên quan đến khả năng virus thoát khỏi phòng thí nghiệm, mà nhà nhân chủng học Mosher đặt ra là khá rõ. Tuy nhiên vào thời điểm đó, một quan điểm như vậy nhìn chung có xu hướng bị khá đông người làm khoa học liệt vào hàng thuyết âm mưu. Ngày 18/02/2020, trên mạng y học nổi tiếng The Lancet, một nhóm 27 khoa học gia hàng đầu trong ngành y tế  từ 9 nước, đã ra một tuyên bố chung lên án các tin đồn không có cơ sở, theo đó những thông tin sai lầm về nguồn gốc virus gây bệnh Covid-19 có hại cho việc chia sẻ các thông tin khoa học về dịch bệnh. 27 khoa học gia nói trên không lên án đích danh giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng khẳng địch chắc nịch : virus corona mới gây dịch bệnh có nguồn gốc từ tự nhiên.

Giả thiết virus corona gây bệnh Covid-19 lọt khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, gây dịch bệnh, đang ngày càng được chú ý hơn ?

Đúng là giả thiết virus corona "sổng chuồng" chưa được đông đảo giới chuyên gia thực sự coi là một chủ đề nghiêm túc vào thời điểm cách nay hai tháng. Tình hình bắt đầu thay đổi khi đại dịch tràn ra toàn cầu, tấn công chính nước Mỹ. Chính quyền Donald Trump phải đổi giọng, từ chỗ ca ngợi Trung Quốc chống dịch thành công, sang chỗ lên án Bắc Kinh che giấu dịch, và tuyên bố sẽ tiến hành điều tra. Giả thiết virus sổng chuồng một lần nữa lại được truyền thông đặc biệt quan tâm.

Trong bài tổng hợp ý kiến các chuyên gia về giả thiết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán, báo Anh The Sunday Guardian , ngày 25/04/2020, đã chú ý đến ba nguồn thông tin quan trọng. Thứ nhất là một nghiên cứu của nhà khoa học Trung Quốc Tiểu Ba Đào (Botao Xiao). Trong một công trình công bố ngày 12/02/2020, giáo sư công nghệ sinh học Đại học Công Nghệ Hoa Nam (Quảng Châu) nêu bật giả thiết là virus rất có thể đã thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm Vũ Hán. Nghiên cứu chỉ rõ nguy cơ từ phòng thí nghiệm cách chợ hải sản Vũ Hán khoảng 300 mét, nơi bị coi là xuất phát nguồn lây chính. Theo ông Tiểu Ba Đào, phòng thí nghiệm Vũ Hán chuyên nghiên cứu về các virus corona ở dơi.

Nguồn thông tin thứ hai là từ lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán. Cách nay hai năm, chính lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán đã gửi thông báo về Washington cho biết tình trạng an toàn kém tại Viện Virus Học Vũ Hán, trong thời gian tới có nguy cơ sẽ có đại dịch, do virus corona lây được từ người sang người. 

Giả thiết virus sổng chuồng có thêm sức nặng với nhận định của nhà sinh học phân tử Mỹ Richard H. Ebright, Đại học Rutgers, được coi là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực an toàn sinh học. Trả lời báo The Sunday Guardian, giáo sư Ebright cho biết : "Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán và Viện Virus Học Vũ Hán đang tiến hành một số dự án nghiên cứu lớn về các virus mới ở loài dơi. Tại phòng thí nghiệm Vũ Hán có nhiều sưu tập về các virus mới, trong đó có loài virus rất gần với virus đang gây đại dịch". Theo chuyên gia Mỹ nói trên, có nguy cơ cao là một nhân viên phòng thí nghiệm do sơ suất đã mang virus lọt ra ngoài, bên cạnh đó, chuyện lây nhiễm tại phòng thí nghiệm đã từng xảy ra nhiều. 

Trong thời gian gần đây, truyền thông cũng cho biết thêm về việc Viện Virus Học Vũ Hán nhận được tài trợ từ chính phủ Mỹ để tiến hành các nghiên cứu về virus corona ở loài dơi. Viện Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) tài trợ cho phía Trung Quốc 3,7 triệu đô la cho đề tài này. 

Hoa Kỳ đầu tư cho nghiên cứu về virus corona ở loài dơi tại Vũ Hán để làm gì ? 

Bài "Vì sao Mỹ đưa nghiên cứu về virus ở loài dơi sang Vũ Hán ?" của báo mạng Asia Times, dẫn lại một nguồn tin từ báo Anh Daily Mail, theo đó việc tài trợ này diễn ra sau khi chính phủ Mỹ, năm 2014, quyết định cấm tiến hành các nghiên cứu can thiệp với các virus nguy hiểm, có nguồn gốc tự nhiên, khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn vốn có, để từ đó tìm kiếm các biện pháp đối phó trước. 

Các nghiên cứu - thuộc nhóm công trình khoa học mang tên GOF (tên viết của Gain-of-Function research ) - bị cấm tại Mỹ, sau khi xảy ra một số tai nạn về an toàn sinh học tại một số cơ sở có mức độ bảo đảm an ninh sinh học cao tại Mỹ, do các nhân viên không tuân thủ quy định. Vào thời điểm đó, Trung tâm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã phải đóng cửa hai phòng thí nghiệm vì việc này. 

Năm 2015, lãnh đạo Viện Quốc Gia về Các Bệnh Lây Nhiễm (National Institute of Allergy and Infectious Diseases - NIAID), bác sĩ Anthony Fauci, đã quyết định chuyển các nghiên cứu GOF sang phòng thí nghiệm Vũ Hán, và cho phép cơ sở này nhận được tài trợ của chính phủ Mỹ. 

Hiện nay, chính phủ Mỹ đang bắt đầu điều tra về khoản tài trợ 3,7 triệu đô la cho phòng thí nghiệm Vũ Hán, và truy tìm phần trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để xảy ra đại dịch. Một số chuyên gia thậm chí kêu gọi Washington tuyên chiến với Trung Quốc, nếu như virus Covid-19 đã được sử dụng để gây chiến tranh sinh học. Tuy nhiên, phần trách nhiệm của Hoa Kỳ dường như cũng được đặt ra, bởi phòng thí nghiệm tại Vũ Hán nhận được tài trợ của Mỹ, theo mục tiêu được phía Mỹ đề ra. Dân biểu đảng Cộng Hòa Matt Gaetz kêu gọi đình chỉ ngay lập tức tài trợ của NIH cho các nghiên cứu về virus tại Trung Quốc. 

Thí nghiệm trên các loài virus nguy hiểm thiếu kiểm soát ? 

Không chỉ hiện nay mà từ khá lâu, đặc biệt từ năm 2017, trong giới khoa học quốc tế, lại có nhiều lo ngại về nguy cơ đại dịch do virus nguy hiểm thoát ra từ phòng thí nghiệm, khi chính quyền Mỹ, thời tổng thống Donald Trump, ra quyết định cho phép tiến hành trở lại các nghiên cứu thuộc nhóm GOF ngay trên đất Mỹ. 

Tuần báo Pháp Le Point , trong một bài viết cuối năm 2017 mang tựa đề "Có nên lo ngại việc Mỹ bật đèn xanh cho việc tạo ra các virus chết người ?", dẫn lại quan điểm của chính quyền Mỹ. Mục tiêu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), khi tiến hành các nghiên cứu đặc biệt nguy hiểm này, theo giám đốc NIH Francis Collins, là "giúp cho việc phát triển các chiến lược và phản ứng hiệu quả, đối với các yếu tố gây bệnh (trong tự nhiên) đang có sự phát triển đột biến, trở thành mối đe dọa với sức khỏe toàn xã hội". Việc các môi trường thiên nhiên hoang dã bị hủy diệt, trên quy mô lớn, khiến các loài virus nguy hiểm ngày càng có nguy cơ đe dọa xã hội con người là điều được các nhà khoa học liên tục cảnh báo. 

Trong số ba nhóm virus nguy hiểm được Hoa Kỳ chú ý nghiên cứu có các chủng virus corona. Chủ tịch cơ quan phụ trách an toàn sinh học quốc gia Mỹ (NSABB), ông Samul Stanley, vào thời điểm đó, giải thích rõ : "Thiên nhiên chính là kẻ khủng bố sinh học vô cùng nguy hiểm, và chúng ta phải làm tất cả trong khả năng để hiểu biết của con người luôn đi trước một bước". Việc can thiệp để khiến một số loài virus trở nên nguy hiểm hơn, từ đó chủ động tìm cách đối phó, trước khi chúng đột biến một cách tự nhiên để nguy hiểm hơn, chính là đi theo mục tiêu này. 

Tuy nhiên, quan điểm này bị một bộ phận giới khoa học phản đối dữ dội. Chuyên gia về dịch tễ học Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm Đại học Minnesota (nguyên cố vấn đặc biệt của Bộ Y tế Mỹ về khủng bố sinh học), lo ngại là "một kế hoạch nghiên cứu biến đổi gien, khiến virus có thể lan truyền dễ dàng trong không khí (để từ đó tìm vác-xin đối phó) không hề hứa hẹn điều gì tốt lành". Nhiều nhà khoa học lo ngại "các quái vật" mới được tạo ra trong phòng thí nghiệm. 

Chính phủ Mỹ có vai trò gì trong các nghiên cứu về virus corona tại Trung Quốc là câu hỏi còn đề ngỏ cho các thẩm định khoa học. Nhưng có một điều là chính phủ Mỹ có vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển các nghiên cứu về những loài virus cực kỳ nguy hiểm tại Trung Quốc. Nguy cơ các nghiên cứu như vậy gây đại dịch toàn cầu đã được chính nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo lâu nay. 

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 27/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Trọng Thành
Read 650 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)