Những vấn đề ẩn chứa sau phát biểu của tướng Vịnh
Nhất Nguyên, RFA, 28/04/2020
Biển Đông vẫn tiếp tục "nổi sóng". Theo dõi các hành động nối tiếp nhau từ 2007 đến nay cho thấy, Trung Quốc không dễ buông xuôi ý đồ độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, thủ đoạn hành động của Trung Quốc lại thiên biến vạn hoá, và Trung Quốc cũng tỏ ra hết sức kiên nhẫn để đạt được mục đích.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Đối thoại an ninh Shangri-La, Singapore hôm 5/6/2016 - Reuters
Chính vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng với các hành động hung hăng, khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Việt Nam đang nhích lại gần phía Hoa Kỳ. So với 10 năm trước, thái độ cũng như mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đã khác trước rất nhiều.
Việt Nam nhích lại gần phía Hoa Kỳ, tức là đồng thời bước xa hơn khỏi vòng kềm tỏa của Bắc Kinh. Có phải điều này đang thực sự xảy ra ?
Một trong những dấu hiệu quan trọng thể hiện thái độ của Việt Nam là thông qua các phát biểu của các lãnh đạo cao cấp. Tuy nhiên, năm 2014 là năm các lãnh đạo Việt Nam thể hiện những thông điệp rất kiên quyết, nhưng từ sự kiện căng thẳng ở khu vực Bãi Tư Chính hồi năm 2019 tới nay, các lãnh đạo Việt Nam rất ít thể hiện thái độ công khai trên truyền thông về vấn đề Biển Đông.
Mới đây, trong lần trả lời chương trình truyền hình quân đội, khi phóng viên hỏi về dịch COVID - 19 cũng như tình hình căng thẳng trên Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã có phát biểu : "Những thách thức ở an ninh khu vực thì nói dù có dịch hay không, thì nó đều tồn tại, nó là thách thức, nhưng nó chưa phải là nguy cơ.
Điều đáng lên án là những quốc gia nhân cái dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Quốc gia nào làm điều đó không có lợi".
Mặc dù tướng Vịnh chỉ là Thứ trưởng, nhưng ông ta đang là Thành viên Thường trực của Quân Ủy Trung Ương - Cơ quan nắm giữ sức mạnh quốc phòng của Việt Nam. Tướng Vịnh là người hiếm hoi trong giới quân đội đóng vai trò như người phát ngôn những vấn đề quan trọng của Bộ Quốc Phòng và thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng. Trong lần ra Sách Trắng Quốc Phòng mới đây hồi cuối năm 2019, tướng Vịnh cũng đóng vai trò là người chủ trì giới thiệu về Sách Trắng như một thông điệp của giới chính sách Việt Nam đối với thế giới. Chính vì vậy, phát biểu của Tướng Vịnh vào thời điểm này cũng là một thông điệp để xem xét và phân tích cho thấy phần nào thái độ của lãnh đạo Việt Nam trước vấn đề này.
Qua phát biểu này của tướng Vịnh, nổi lên ba vấn đề :
1. Thứ nhất, mặc dù câu hỏi của phóng viên trực tiếp về vấn đề Biển Đông, nhưng tướng Vịnh không đề cập trực tiếp đến Biển Đông, thay vào đó, tướng Vịnh chỉ đề cập về "an ninh khu vực". Thêm nữa, tướng Vịnh có nói về quốc gia nào đó nhân dịp dịch đẩy mạnh những hoạt động phi pháp, điều này hàm ý ám chỉ Trung Quốc. Tuy nhiên, tướng Vịnh không chỉ đích danh Trung Quốc. Điều này cho thấy sự e dè của các lãnh đạo Việt Nam khi chỉ trích Trung Quốc.
2. Thứ hai, tướng Vịnh cho rằng vấn đề an ninh khu vực mới chỉ là thách thức, chưa phải là nguy cơ. Thực sự thì điểm nóng nhất của an ninh khu vực hiện nay chính là Biển Đông. Và vấn đề gây căng thẳng nhất trong quan hệ Việt - Trung cũng là vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông, cùng với việc gia tăng các hành động hung hăng, hiếu chiến ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN khác, trong đó có Việt Nam đã dấn đến việc các quốc gia khu vực này liên tiếp phải tăng cường sức mạnh quân sự, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực. Từ đó, đưa đến nguy cơ khu vực này như một thùng thuốc súng. Đặc biệt đối với Việt Nam là quốc gia luôn nằm trong sự đe doạ của Trung Quốc. Chính vì vậy, việc tướng Vịnh đề cập an ninh khu vực mới chỉ là thách thức mà chưa phải là nguy cơ, cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo Việt Nam đối với vấn đề này. Từ đó dẫn tới các kế hoạch phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ không tương xứng. Điều đó cũng giải thích vì sao giới chuyên gia Việt Nam cho rằng Việt Nam chưa thực sự có một chiến lược đối phó với Trung Quốc về Biển Đông một cách hiệu quả và lâu dài.
3. Điều thứ ba cũng phải đề cập, nhưng nằm ngoài tuyên bố của tướng Vịnh, cho dù cũng có sự liên quan. Tướng Vịnh cũng có những phát ngôn khá mạnh mẽ về Trung Quốc và Biển Đông từ những năm 2011, thế nhưng, một số người Việt Nam vẫn biết rằng, vào thời gian quan hệ Việt - Trung căng thẳng năm 2011 với sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 thì con gái của tướng Vịnh đang theo học tại Trung Quốc, được Trung Quốc chăm sóc rất chu đáo, với tiêu chuẩn như của một thứ trưởng. Ngoài ra, Hãng Hàng không Vietjetair mà chị ruột của tướng Vịnh là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là công ty đang nhận sự giúp đỡ tài chính từ Trung Quốc. Chưa kể việc mới đây nhất, một số người thạo tin ở Hà Nội cho biết đã có một đoàn bác sĩ Trung Quốc sang giúp đỡ điều trị căn bệnh về huyết áp cho Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, vốn mới trải qua một tai biến nhẹ cách đây không lâu. Chuyện này có lẽ cũng đã xảy ra nhiều lần với nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam khi có các bệnh về tim mạch thường được các bác sĩ Trung Quốc chữa trị với thuốc An Cung Ngưu Hoàng Hoàn loại đặc biệt.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan HD981 hôm 15/7/2014 AFP
Ngay cả cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được coi là người có phát ngôn mạnh mẽ nhất về Trung Quốc "chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó". Nhưng ông cũng là người kiên quyết thực hiện dự án khai thác Bô xít ở khu vực Tây nguyên để cung cấp cho phía Trung Quốc.
Người ta còn nhớ năm 2011, sau sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh 02, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm đó có sang Trung Quốc để chứng kiến quan chức hai bên ký kết Thỏa thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, một số người cho biết, văn bản này là do bên Trung Quốc đã soạn sẵn. Một số chuyên gia luật quốc tế của Bộ Ngoại giao đi theo để kiểm tra văn bản thì bị phía Trung Quốc mời ra với lý do đây là chuyện nội bộ giữa hai đảng. Và kết quả là văn bản tiếng Trung thì nhắc tới chủ trương "Gác tranh chấp cùng khai thác" giữa hai nước tại khu vực biển tranh chấp. Trong khi bản tiếng Việt thì đã được cố gắng đổi thành "Hợp tác cùng phát triển".
Những quan hệ lợi ích cá nhân chằng chịt như vậy, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề chính trị giữa hai quốc gia, đặc biệt với Trung Quốc là một dân tộc rất giỏi trong việc can thiệp chính trị và có truyền thống can thiệp và chi phối chính trị từ xa xưa như trường hợp Lã Bất Vi.
Vì vậy, việc nhìn nhận chính sách của Việt Nam đang rời xa Trung Quốc và xích lại gần Hoa Kỳ vẫn phải tiếp tục theo dõi để có những kết luận chính xác.
Nhất Nguyên
Nguồn : RFA, 28/04/2020
*********************
Tướng Vịnh : Cần lên án những nước lấn tới trên biển giữa lúc dịch bệnh
VOA, 28/04/2020
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, mới đây phê phán một số nước lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để thúc đẩy tham vọng của họ trong khu vực. Ông cũng bình luận rằng đây là lúc Việt Nam biết "ai là bạn thân thiết, ai chỉ là đối tác".
Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Sách trắng quốc phòng Việt Nam công bố trong một cuộc họp báo hồi tháng 11/2019 - Reuters
Trả lời câu hỏi của kênh Truyền hình Quốc phòng về các thách thức an ninh và tình hình Biển Đông trong bối cảnh thế giới đối phó với dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói :
"Những thách thức về an ninh trong khu vực dù có dịch hay không nó vẫn tồn tại. Đó là thách thức, chưa phải là nguy cơ. Điều đáng lên án là những quốc gia nhân dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ. Và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Những quốc gia nào làm điều đó không có lợi".
Nhà lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng khẳng định rằng dịch bệnh không hề làm quân đội Việt Nam "quên" việc đối phó với các thách thức an ninh, trong đó, việc bảo vệ chủ quyền là "không thể quên, không thể lơi là".
Ông Vịnh nói thêm rằng các tàu hải quân và cảnh sát biển của Việt Nam "không nghỉ ngày nào cả". Bộ đội ở Trường Sa tuy phải cẩn trọng để không bị lây nhiễm dịch bệnh nhưng chưa có một quân nhân nào "cần phải dừng nhiệm vụ cả", vị tướng cho biết.
Phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được đài truyền hình của Bộ Quốc phòng Việt Nam phát sóng tối hôm 22/4. Tuy nhiên, vị thứ trưởng quốc phòng không nêu đích danh những quốc gia nào đang hoạt động phi pháp và đẩy mạnh tham vọng ở khu vực.
Từ nửa cuối tháng 3 đến nay, các hãng tin quốc tế nhiều lần đưa tin rằng Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm việc xây 2 trạm nghiên cứu, đâm chìm tàu cá Việt Nam, lập các đơn vị hành chính, gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc về xác định chủ quyền, và có những thông điệp cứng rắn nhằm vào Việt Nam.
Bản danh sách dài những động thái và phát ngôn đó của Trung Quốc đã dẫn đến một số phản ứng mạnh qua phát ngôn của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trong tháng 4, cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra tuyên bố phê phán Trung Quốc và kêu gọi họ "dừng hành vi bắt nạt ở Biển Đông".
Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam về quản lý nghề cá và khả năng thực thi pháp luật biển. Photo Facebook US Embassy Hanoi
Nói trên kênh Truyền hình Quốc phòng, Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh rút ra kết luận rằng dịch bệnh hiện nay là thời điểm để cả quân đội lẫn đất nước Việt Nam "thay đổi cơ bản về nhận thức" đối với thách thức an ninh phi truyền thống và quan hệ với các nước khác. Ông nói :
"Trong thách thức an ninh phi truyền thống, trong quan hệ đối ngoại, quan hệ quốc tế, những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta. Cái này quan trọng lắm".
Trên mạng xã hội, nhiều người Việt tỏ ý không hài lòng với các phát biểu của Tướng Vịnh vì ông không nêu tên cụ thể của các quốc gia liên quan. Nhưng tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói với VOA rằng vị thứ trưởng quốc phòng không cần phải đi vào các chi tiết :
"Với phát biểu đó, mọi người có thể nhận ra ngay ai là bạn, ai là thù. Nhưng rõ ràng đây là vấn đề khá phức tạp, bởi vì không chỉ là mỗi đối tượng chúng ta muốn nhằm vào là Trung Quốc. Cho nên với một nhà quân sự ở tầm chiến lược đó tôi cho rằng phát biểu như vậy là vừa phải, không nhất thiết phải nói rõ. Người ta nêu ra như vậy để nhắc nhở mọi người cần phải cảnh giác".
Trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về biên giới, lãnh thổ, nói với VOA rằng Việt Nam và một số nước trong khu vực cần đoàn kết, đấu tranh bằng pháp luật, đồng thời phải tăng cường "sức mạnh, hoạt động và hiện diện trên thực địa".
Một số cường quốc cũng cần hiện diện trong khu vực, không để cho Trung Quốc có những hoạt động gây căng thẳng hoặc thậm chí là khiêu khích gây chiến tranh, tiến sĩ Trần Công Trục nói.
Nguồn : VOA, 28/04/2020
*****************
Tinh… tướng lại xảo ngôn !
Đồng Phụng Việt, RFA, 28/04/2020
Hình minh hoạ. Thứ trưởng Quốc phòng - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 28/1/2016 - Reuters
Ông Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, vừa xuất đầu lộ diện để đấu hót về chủ quyền quốc gia ở Biển Đông. Tuy nhiên lần này, qua kênh "Truyền hình Quốc phòng", giọng điệu của ông đã khác trước khi ông bảo : Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta (1)...
Tuy ông Vịnh chỉ nói chung chung như thế nhưng vẫn có một số người… phấn khích, thậm chí… cảm kích và hy vọng ! Tâm trạng ấy phát xuất từ chỗ, dường như nhận thức của ông Vịnh – nhân vật trước nay thường thay mặt đảng ta, nhà nước ta, quốc hội ta, chính phủ ta công bố định hướng về… đối ngoại trong… quốc phòng – đã… đổi ! Dường như "ta" sẽ không xem "sự tương đồng về ý thức hệ" với Trung Quốc là "di sản quý báu" nữa và có thể "ta" sẽ bớt tha thiết "tạo ra mối quan hệ đặc biệt" với Trung Quốc ?
Ông Vịnh từng là người nhân danh "nghiên cứu chiến lược" quảng bá "chính sách ba không" (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác), đề cao chính sách này không phải vì… hiếu hòa mà chỉ vì khát khao "có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (2) !
Trên thực tế, từ đầu thập niên 1990 đến nay, "ta" chưa bao giờ bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để bày tỏ khát khao ấy với Trung Quốc !
Cách nay ba tháng, bất chấp sự kiện bãi Tư Chính còn nóng như nung, "nhân dịp Tết cổ truyền Canh Tý và kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung", ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Nhà nước vẫn trực tiếp gọi điện thoại cho ông Tập Cận Bình : "Chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc tiếp tục giành được những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" (3).
Giống như từ đầu thập niên 1990 đến nay, đáp lại khát khao cháy bỏng ấy của "ta", ngay sau đó, Tân Hoa Xã long trọng loan báo : "Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng chung tay nỗ lực với Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hai nước và quan hệ song phương trong thời đại mới lên tầm cao mới" (4). Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở "ta", giúp "đảng ta" tiếp tục duy trì "quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối" tiếp tục được người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh cam kết… ủng hộ !
***
Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông vừa được Trung Quốc… nâng lên tầm cao mới. Yếu tố mới không nằm ở chỗ các loại tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngăn chặn - đuổi – bắt – đâm chìm các tàu đánh cá của Việt Nam. Yếu tố mới cũng không nằm ở chỗ Trung Quốc khăng khăng khẳng định chủ quyền tại Biển Đông thông qua việc thành lập các đơn vị hành chính, đặt lại tên cho các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa...
Yếu tố mới nằm ở chỗ Trung Quốc chính thức trưng bày đủ loại… "chứng cứ" để chứng tỏ yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông là… có lý, những tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông là… "bất hợp pháp" ! Không chỉ có Việt Nam tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông. Ngoài Việt Nam còn có Philippines, Malaysia, Brunei... song chỉ có Việt Nam tạo ra và trao cho Trung Quốc nhiều… "chứng cứ" !
Đâu chỉ có Công hàm mà ông Phạm Văn Đồng thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Trung Quốc ngày 14/9/1958, trong Công hàm vừa gửi Liên Hiệp Quốc ngày 17/4/2020, Trung Quốc còn trưng dẫn nhiều… "chứng cứ" khác như "các bản đồ, sách giáo khoa và thông tin trên báo chí chính thức" của "ta", công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc từ những năm 1960 (5) !
Hóa ra để được tiếp sức "giải phóng miền Nam", Trung Quốc muốn gì "ta" cũng… gật, miễn là có thể mở rộng khả năng "lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối" của "đảng ta" trên toàn Việt Nam ! Với "ta", chủ quyền quốc gia, vận mệnh dân tộc không quan trọng bằng… "sự nghiệp của đảng" nên sau đó, "ta" tìm đủ mọi cách gạt bỏ những bất đồng với Trung Quốc để tìm sự hậu thuẫn từ người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh, kể cả thẳng tay đàn áp đồng chí, đồng bào cảnh báo về dã tâm, phản đối Trung Quốc.
***
Năm 2012, khi một số quốc gia xác định cần ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa, độc chiếm Biển Đông, ông Vịnh từng cảnh báo đó là "một cuộc chạy đua vũ trang mới, một cuộc chiến tranh lạnh mới và một chiến lược ‘ngoại giao pháo hạm’ mới của các cường quốc" và đó là "nguy cơ lớn nhất" đối với an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng và chúng ta phản đối, không đồng tình với xu hướng phát triển như vậy, đồng thời tuyệt đối không cuốn theo chiều hướng đó !
Lúc ấy, đề nghị "quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" để giúp Việt Nam cân bằng cả về thế lẫn lực trong giải quyết tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc đã bị ông tướng ba sao – đại diện cho đối ngoại trong quốc phòng của "ta" – thẳng thừng bác bỏ : Một vấn đề nào đó giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn gắn với bàn cờ chung của thế giới nhưng trong những vấn đề của hai nước thì Việt Nam và Trung Quốc là hai người chơi chủ yếu, sao cho không để bên khác chen vào trục lợi (6).
Năm sau – 2013 – trước một Trung Quốc càng ngày càng hung hãn, càn rỡ, tuy vẫn xuất đầu lộ diện như… Thứ trưởng Quốc phòng, song ông Vịnh tiếp tục cho thấy ông không giống như các ông tướng đúng nghĩa mà chỉ là… tinh tướng – khi tiếp tục khuyến dụ đồng bào, rằng trong quan hệ giữa Việt Nam với người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh, họ phải tin vào đảng, nhà nước. Đồng thời có nghĩa vụ phải duy trì sự thống nhất giữa nhân dân với đảng, nhà nước !..
Cho dù tình thế khiến ông Vịnh vừa phải đổi giọng nhưng vì chỉ là… tinh tướng nên ông tiếp tục ỡm ờ về định nghĩa bạn bè. Bối cảnh như hiện tại mà vẫn chưa biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai chỉ là đối tác ? Làm sao có thể đặt vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc vào tay những… tinh tướng như ông Vịnh và các đồng chí đồng đảng với ông. Thế nào là : Dự báo đúng tình hình và hạ quyết tâm sớm ?
Nếu dự báo đúng tình hình và hạ quyết tâm sớm là bài học quan trọng nhất thì còn nghĩ và hành xử theo tâm thế : Đã là người cộng sản với nhau, để giải quyết bất cứ vấn đề nào đó mà gọi nhau là đồng chí, còn hơn là quay lưng không nhìn nhau hoặc đập bàn đập ghế "ngài" và "tôi" không ? Còn cổ xúy "tinh thần quốc tế trong sáng" còn "biết ơn" và còn khát khao được Trung Quốc giúp đỡ để xây dựng chủ nghĩa xã hội không ?
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 28/04/2020
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/watch/?v=560931434549481
(2) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm
(4) https://www.voatiengviet.com/a/ong-tap-va-ong-tap-dien-dam-chuc-tet/5247974.html
(5) https://thoibao.de/blog/2020/04/27/them-mot-bang-chung-cong-ran-vao-nha/
(6) https://tuoitre.vn/tuong-vinh-toi-tu-hao-voi-quan-ham-binh-bet-473958.htm