Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/04/2020

Việt Nam làm gì để không ‘bị trói’ bởi Công hàm Phạm Văn Đồng ?

Trương Nhân Tuấn

Thông qua nội dung công hàm ngày 17/4/2020 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Trung Quốc "leo thang" trong ngôn từ, bằng những lời lẽ hăm dọa mà người ta có thể hiểu rằng từ nay Trung Quốc có thể sẽ sử dụng vũ lực để thu hồi các đảo Trường Sa.

congham1

Bản đồ Biển Đông bao gồm hai quần dảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Sau đó một ngày, với quyết định của Bộ Dân chính, 18/4/2020, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai Khu nhằm kiểm soát lãnh thổ ở Biển Đông. Một là khu Nam Sa đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa. Hai là khu Tây Sa đặt trụ sở ở đá Chữ thập, một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, chiếm của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988.

Tuyên bố thành lập hai Khu của Trung Quốc có ý nghĩa về pháp lý là "củng cố chủ quyền". Vấn đề là việc củng cố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc chỉ dựa lên những bằng chứng mơ hồ trong lịch sử. Ngoại trừ công hàm ngày 10/9/1958 của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trung Quốc cho rằng, qua văn kiện này, Việt Nam đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo lập luận của Trung Quốc, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc "Estoppel", làm ngược lại những gì đã "hứa", khi đem quân "giải phóng" Trường Sa ngày 4/4/1975.

Cái bẫy và đối phó ?

Việt Nam sẽ phải trả lời ra sao với Trung Quốc trong công hàm phản biện gửi Liên Hợp Quốc những ngày sắp tới ?

Khi nại công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, Trung Quốc đặt toàn bộ hồ sơ tranh chấp dưới ánh sáng của công pháp quốc tế.

Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng vắn tắt chỉ hai câu, nhằm đáp lời Tuyên bố đơn phương của Trung Quốc ngày 4/9/1958 về chủ quyền lãnh thổ và hải phận.

Ý kiến các học giả "bênh vực" Việt Nam cho rằng công hàm 1958 có nội dung : Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa "ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc".

Trong khi Tuyên bố của Trung Quốc, nội dung điều 1 ghi rõ : "Lãnh hải của Trung Quốc rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)…".

Mục đích các học giả có lẽ nhằm "khoanh vùng" tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc vào nội dung 12 hải lý "hiệu lực của các đảo".

Lập luận này có điều "nguy hiểm". Trước hết, mặc nhiên nhìn nhận công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng có hiệu lực, dưới ánh sáng của luật quốc tế (mà lý ra phải phủ nhận triệt để và toàn diện).

Điều này đưa đến việc nhìn nhận Trung Quốc có chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Các học giả không thể "ghi nhận và tán thành" yêu sách của Trung Quốc, hiệu lực lãnh hải 12 hải lý ở tất cả các đảo mà Trung Quốc ghi rõ trong Tuyên bố, mà không nhìn nhận chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không hề có một bảo lưu nào về điều này.

Hiển nhiên, khi Việt Nam "nói ngược lại", cho rằng Trung Quốc không có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam bị "estoppel".

congham2

Công hàm Phạm Văn Đồng 1958

'Án lệ và khoanh vùng'

Mặt khác luật về "thời hiệu" cho phép Trung Quốc điều chỉnh các "quyền chủ quyền" và quyền tài phán của quốc gia này, áp dụng từ năm 1958, theo tiêu chuẩn của Luật Quốc tế về Biển 1958, sao cho phù hợp với Luật Quốc tế về biển 1982.

Án lệ của Tòa Trọng tài thường trực 1998 giữa Yemen và Eritrea về chủ quyền các đảo trong Hồng Hải, đặc biệt đảo Mohabbakah cho ta thấy điều này.

Chủ quyền các đảo trong Hồng Hải được quyết định theo Công ước Lausanne năm 1923. Tất cả các đảo nào nằm trong vòng lãnh hải 3 hải lý của quốc gia thì đảo này thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Đảo Mohabbakah nằm ngoài giới hạn lãnh hải 3 hải lý. Nhưng sau đó luật mới về biển 1958 và 1982 cho phép các quốc gia mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý. Tòa áp dụng nguyên tắc "thời hiệu", phán rằng đảo này thuộc Eritrea, vì nó nằm trong giới hạn lãnh hải 12 hải lý của nước này.

Tức là Trung Quốc có quyền áp dụng Luật Biển 1982, mở rộng vùng biển, ngoài lãnh hải 12 hải lý, còn có 12 hải lý vùng tiếp cận lãnh hải, vùng Kinh tế độc quyền (EEZ - rộng 200 hải lý tính từ đường cơ bản), thềm lục địa (có thể rộng tới 350 hải lý)... cho tất cả các đảo cũng như bờ biển thuộc quốc gia họ.

Ngoài vùng biển phát sinh từ các đảo, Trung Quốc còn có các yêu sách về "biển lịch sử" (giới hạn theo bản đồ đường lưỡi bò).

Vì vậy việc "khoanh vùng tranh chấp" trong vòng 12 hải lý chưa chắc là thượng sách. Mục đích của Trung Quốc trong quá trình chinh phục các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài mục tiêu chiến lược "mở rộng tầm ảnh hưởng của đế quốc", còn có mục tiêu kinh tế là "vùng biển và thềm lục địa phong phú tài nguyên hải sản và dầu khí" ở Biển Đông.

Học giả Việt Nam cũng cố gắng phủ nhận hiệu lực công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng bằng các lý lẽ như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không có hiệu lực, vì ông Phạm Văn Đồng không có tư cách pháp nhân, hay "vi hiến", khi ra một văn bản có liên quan đến lãnh thổ.

Nếu ta xét công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng dưới ánh sáng của công pháp quốc tế, phần nói về hiệu lực ràng buộc của các "tuyên bố đơn phương". Ta thấy rằng các chức vụ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao… là những người có đủ tư cách đại diện quốc gia để ra một "tuyên bố đơn phương", nhằm thể hiện thái độ, lập trường của quốc gia mình đối với một vấn đề quốc tế.

'Không kết ước, không từ bỏ'

Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng thực chất không phải là một kết ước về lãnh thổ. Đây chỉ là chỉ là ý kiến của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước quyết định của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc.

Công hàm 1958 không phải là một tuyên bố từ bỏ chủ quyền.

Ngay cả khi công hàm 1958 mâu thuẫn với Hiến pháp Việt Nam. Theo tập quán quốc tế, một tuyên bố đơn phương nếu đi ngược lại tinh thần hiến pháp của quốc gia tuyên bố, thì tuyên bố này vẫn có hiệu lực. Tuyên bố đơn phương không phải là một văn bản "hành chánh" thuộc phạm trù quốc gia mà là một văn bản thuộc phạm trù quốc tế (nếu đặt công hàm Phạm Văn Đồng dưới ánh sáng của công pháp quốc tế).

Một văn bản hành chánh chịu chi phối của luật quốc gia nhưng một tuyên bố đơn phương (liên quan đến một vấn đề quốc tế) chịu chi phối của luật pháp quốc tế. Mà luật quốc tế có giá trị "cao" hơn luật quốc gia.

Ngay cả khi đặt giả thuyết công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không hiện hữu. Tức là khi Trung Quốc ra tuyên bố năm 1958, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của ông Hồ Chí Minh chọn thái độ "im lặng".

Quan sát sự việc theo tinh thần công pháp quốc tế, Tuyên bố đơn phương của Trung Quốc năm 1958 về hải phận và chủ quyền lãnh thổ có ý nghĩa tương tự như Tuyên bố đơn phương về vùng "Nhận diện phòng không - ADIZ" ngày 23/11/2013.

Nếu các tuyên bố này phù hợp với tập quán quốc tế. Quốc gia nào không "bảo lưu", phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Tuyên bố tự động có hiệu lực.

Sự "im lặng" của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong trường hợp này được đồng hóa với hành vi mặc nhiên nhìn nhận, một dấu hiệu "thụ động" của nguyên tắc "đồng thuận - acquiescement". Thái độ "thụ động" này được khẳng định qua các tài liệu bản đồ, sách giáo khoa, bài báo v.v… cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa (và vùng biển chung quanh) thuộc về Trung Quốc.

Yếu tố "thụ động" trong "đồng thuận" trở thành một sự "đồng ý hiển nhiên", có giá trị pháp lý ràng buộc.

Thống nhất hay tách ra ?

Làm như chưa đủ khó khăn, một số các học giả Việt Nam lại chủ trương Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là "hai quốc gia" độc lập, có chủ quyền.

Điều này sẽ đưa hai thực thể Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là "đối tượng" của công pháp quốc tế. (Đối tượng công pháp quốc tế là "quốc gia" - Etat hay State).

(Ý kiến này phạm Estoppel vì đi ngược lại nội dung hai hiệp ước Genève 1954 và Paris 1973, mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là "một bên" ký kết. Theo đó Việt Nam là một quốc gia duy nhất, độc lập, thống nhất ba miền).

Quí vị này vịn vào lập luận "người ta không thể nhượng cái mà người ta không có thẩm quyền".

Thật vậy, Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có thẩm quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, do đó tuyên bố của Phạm Văn Đồng không hiệu lực.

Cái rắc rối là ý này khẳng định Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có quan hệ gì (không có chủ quyền) ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trên tay "quốc gia" Việt Nam Cộng Hòa. Quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là "bên thứ ba", tương tự như Mã Lai, Thái Lan v.v… Thì bây giờ với tư cách gì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lên tiếng đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ?

Tức là, khi nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là "hai quốc gia độc lập" thì tranh chấp Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa xem như không còn nữa. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.

Thoát 'mê hồn trận' thế nào ?

Câu hỏi đặt ra : Giải pháp nào để Việt Nam thoát khỏi "mê hồn trận" công pháp quốc tế của Trung Quốc ?

Theo tôi, Việt Nam khó có thể cãi với Trung Quốc bằng luật quốc tế về nội dung công hàm 1958. Thượng sách là Việt Nam phải kéo địch thủ qua một "mặt trận" pháp lý khác, mà trong đó luật quốc tế không thể áp dụng được.

Đó là gì nếu không phải là dựa vào thực tế lịch sử 1954-1975 ?

Theo nội dung Hiệp định Genève 1954, khẳng định lại qua Hiệp định Paris 1973, tư cách pháp nhân của Việt Nam là "quốc gia bị phân chia". Hai bên mỗi bên chỉ kiểm soát một phần hai lãnh thổ, một phần hai dân chúng. Trong khi hiến pháp các bên đều khẳng định "lãnh thổ Việt Nam từ ải Nam quan đến mũi Cà mau". Nếu nói theo ngôn từ luật quốc tế : Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai "quốc gia chưa hoàn tất - Etat partiel". Quốc gia chưa hoàn tất có thể hành sử "như là" một quốc gia nhưng vẫn không (hay chưa) phải là quốc gia.

Nếu ta xét thực tế lịch sử, từ 1954 tới 1975, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chưa bao giờ là thành viên của bất cứ một định chế, một tổ chức nào thuộc Liên Hiệp Quốc. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có ghế đại diện Liên Hợp Quốc đã đành. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng không phải là thành viên của bất kỳ một công ước quốc tế nào hết cả. Không phải là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa "không muốn" gia nhập. Mà bởi vì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có "tư cách pháp nhân Quốc gia - Etat - State" để gia nhập.

Thực tế lịch sử nó là như vậy. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (và ngay cả Việt Nam Cộng Hòa) không phải là đối tượng của công pháp quốc tế.

Tức là tất cả những hành vi, thái độ bất kỳ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trước một vấn đề "quốc tế" thể hiện từ 1954 đến 1975, hiển nhiên không thể soi sáng bằng luật pháp quốc tế.

Cũng nên nhắc lại chi tiết, sau khi Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam tháng giêng 1974, Việt Nam Cộng Hòa vận động Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp cũng như lập hồ sơ "sách trắng" tung ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc để kiện Trung Quốc lên tòa Công lý Quốc tế. Ngay cả khi có lần Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa có tư cách pháp nhân "như là" quốc gia. Việt Nam Cộng Hòa vẫn bất lực, thất bại trong tất cả các cuộc vận động.

Không quốc gia nào can thiệp, hay tỏ thái độ với Việt Nam Cộng Hòa, ngoại trừ các tuyên bố phản đối của Liên Xô và các quốc gia khác lên án việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc.

Mặc dầu là thành viên của hầu hết các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, như UNESCO, FAO v.v… Việt Nam Cộng Hòa vẫn không có tư cách pháp nhân của "Quốc gia".

Về bối cảnh lịch sử, từ 1949 đến 1958, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lệ thuộc và Trung Quốc hầu như toàn bộ. Từ cây súng, viên đạn, hột gạo, cục lương khô, cái áo, cái quần... tất cả đều đến từ Trung Quốc. Nếu không có sự trợ giúp tận lực của Trung Quốc thì làm gì quân ông Hồ thắng được Pháp năm 1954 trận Điện Biên Phủ ? Hiệp định Genève 1954 ký kết dưới sự "cố vấn", nếu không nói là "chỉ đạo" của Châu Ân Lai. Cho tới đồng tiền của Việt Nam, từ 1951 tới 1958, còn viết thêm chữ Hán.

"Bối cảnh" ký công hàm 1958 là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ a tới z phụ thuộc vào Trung Quốc.

Với tư cách pháp nhân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như vậy, lại chịu sự lệ thuộc của Trung Quốc như vậy. Hiển nhiên công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không có hiệu lực pháp lý.

Kết luận lại, con đường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông dài như vô tận và đầy dẫy cạm bẫy khó khăn. Sai lầm một chút, sai con toán bán con trâu. Học giả và những người đại diện đất nước không thể "giỡn mặt" với ngôn từ pháp lý. Như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng. Sai một bước Việt Nam có thể bị mất hết.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : BBC, 28/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 838 times

1 comment

  • Comment Link Tran Dinh mercredi, 29 avril 2020 19:13 posted by Tran Dinh

    Giải pháp 'né' sự soi sáng của công pháp quốc tế trong 'đại họa' Phạm Văn Đồng (nói theo tác giả ông Phạm Đình Trọng) cũng không ổn. Bằng cách dựa vào 'thực tế lịch sử 1954-1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Cộng ('Từ cây súng, viên đạn, hột gạo, cục lương khô, cái áo, cái quần... tất cả đều đến từ Trung Quốc' (TNT), vậy né đèn trời công pháp quốc tế bằng cách ví Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như một đứa trẻ vị thành niên còn lệ thuộc vào cha mẹ nên không chịu trách nhiệm pháp lý trước tòa án các hành động của mình, như ký giấy tờ bán xe, mượn nợ hay trầm trọng hơn 'ghi nhận và tán thành' một lời tuyên bố lãnh hải nào đó. Giải pháp này càng nguy hiểm. Nếu không có sự can thiệp của công pháp quốc tế, Trung cộng sẽ tự do áp dụng luật rừng tức luật của kẻ mạnh. Trung cộng thừa sức mạnh để 'dứt sữa' và dứt điểm đảng cộng sản Việt Nam, không cần đưa ra Liên Hiệp Quốc cho lôi thôi.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)