Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/04/2020

Lý giải bối cảnh ra đời Công hàm Phạm Văn Đồng

Nguyễn Văn Huy giới thiệu

Phải can đảm nhìn nhận một sự thật lịch sử 

Nguyễn Văn Huy, 25/04/2020

Bài viết công phu và đầy thuyết phục dưới đây về Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 - được báo Đại Đoàn Kết phổ biến hồi tháng 7/2011, không rõ tác giả là ai, và được trang Wikipedia tiếng Việt trích đăng như một tài liệu biên khảo có giá trị - đã được cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam trích đăng lại ngày 23/05/2014. Từ đó đến nay, gần 9 năm đã trôi qua, phía chính quyền Việt Nam không hề có một bài viết chính thức có giá trị nào để lý giải công hàm Phạm Văn Đồng 1958 và Bắc Kinh đã nhân cơ hội sử dụng văn bản này giải thích sự nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên toàn Biển Đông của Đảng và Chính quyền cộng sản Việt Nam. Im lặng là đồng ý hay phủ nhận ?

Tác giả (vô danh) bài viết này đã chỉ nói lên một sự thật : hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau Hiệp định Genève tháng 7/1954 thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có chữ ký của đại diện Trung Quốc là Chu Ân Lai, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao. Lý giải được sự thật này, Đảng và Chính quyền cộng sản Việt Nam không phải chật vật và bối rối biện bạch như con vẹt về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Một sự thật hiển nhiên và giản dị như vậy nhưng tại sao Đảng và Chính quyền cộng sản Việt Nam lại im lặng ?  

Sự im lặng này nẩy sinh nhiều suy đoán (đương nhiên không có lợi cho Đảng và Chính phú cộng sản đương quyền) : sợ bị tố cáo xé bỏ Hiệp định Genève 1954 để tiến chiếm Việt Nam Cộng Hòa bằng vũ lực ; sợ Bắc Kinh không hài lòng vì sử dụng ngôn từ đãi bôi, dối trá để lợi dụng sự giúp đỡ ; Hà Nội không có người đủ khả năng lý giải bối cảnh ra đời của công hàm Phạm Văn Đồng để phủi tay ; sợ bị kết tội tự diễn biến, tự chuyển hóa, phá vỡ đại cục ; người đủ khả năng lý giải sợ bị tình báo Trung Quốc ám hại...

Cho dù có biện bạch gì đi nữa, dư luận người Việt trong và ngoài nước thấy rõ rằng những cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cộng sản hiện nay không có bản lãnh để dẫn dắt đất nước trong một khúc quanh lịch sử quan trọng trong những ngày sắp tới.

Nguyễn Văn Huy

(25/04/2020)

********************

Đọc lại một bài viết về Công hàm 1958 trên website Chính phủ

Huy Đức, 24/04/2020

"Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974".

(trích Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, 24/05/2014)

Huy Đức

Nguồn : fb.Osinhuyduc, 24/04/2020

********************

Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

MNews. Chinhphu.vn, 23/05/2014

Trung Quốc mới đây lại viện dẫn Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một "bằng chứng" về việc Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Song đây là một "vở diễn lại" quá lố của Trung Quốc bởi công luận Việt Nam đã từng phân tích sáng tỏ nội dung Công hàm 1958, khẳng định rằng văn bản này được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Dưới đây, Báo điện tử Chính phủ xin dẫn lại bài báo "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam" đăng trên báo Đại Đoàn kết vào tháng 7/2011 trong đó tác giả bài báo phân tích rõ nội dung Công hàm 1958 cũng như chỉ ra những diễn giải xuyên tạc của Trung Quốc đối với văn bản này :

phamvandong0

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người ký tên Công hàm 1958 gây nhiều tranh cãi

Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau :

"Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ : Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng".

Cần phải thấy rằng, các tuyên bố nói trên của Trung Quốc cũng như của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời trong bối cảnh có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan.

Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia.

Từ đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý tới nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển, bộc lộ ý đồ mở rộng chủ quyền trên biển. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển, cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển. Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong chiến lược cho tương lai, thì việc cạnh tranh trên biển, cũng như tìm kiếm những nguồn tài nguyên trên biển là một vấn đề được Trung Quốc đặt ra.

Trên thực tế, cũng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã hình thành ý định nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng, việc nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thế kỷ XX đã nằm trong chiến lược "lấn sân" của Trung Quốc về tham vọng mở rộng biên giới quốc gia trên biển.

Ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Các nhà chép sử gọi đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất.

Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ "giải phóng" Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ.

Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này.

Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.

Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách" đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa -Trung Quốc lúc đó "vừa là đồng chí vừa là anh em". Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không quên mục đích "sâu xa" của họ trên Biển Đông nên đã "lồng ghép" thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố.

Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.

Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên.

Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng : Một là, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý ; Hai là, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.

Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu.

Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về người Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực.

Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.

Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Một phần nội dung của bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời cũng vi phạm nghiêm trọng các cơ sở pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận cũng như đã nhiều lần tái thừa nhận một cách minh thị là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong bối cảnh quan hệ hữu nghị rất đặc thù với Trung Quốc đã khẳng định lập trường ghi nhận, tán thành tuyên bố giới hạn 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, còn những nội dung cụ thể diễn giải vượt quá phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo các hiệp ước quốc tế đã không được đề cập tới như là một sự mặc nhiên thừa nhận sự vô hiệu của nó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế.

Trong khi đó, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên càng thấy rõ một sự thật hiển nhiên là Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đơn giản chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không hề nhắc lại các nội dung mập mờ liên quan đến các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như lập luận phía Trung Quốc), cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do.

Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 1958 có thể hiểu không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Genève năm 1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nội dung Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Trung Quốc bấy giờ, đồng thời cũng hàm chứa thái độ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam, bởi từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một cơ sở nữa trên phương diện pháp lý, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm : Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng Hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Tuy nhiên, có tác giả đã cố tình nêu thuyết "estoppel" để suy diễn những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam.

Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết "estoppel". Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính :

1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch ;

2) Quốc gia nại "estoppel" phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động ;

3) Quốc gia nại "estoppel" cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó ;

4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ : bản án "Phân định biển trong vùng Vịnh Maine", bản án "Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua", bản án "Ngôi đền Preah Vihear"...

Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó.

Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế những hành vi xuyên tạc, tung hỏa mù, cố tình làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận càng khiến cho Trung Quốc lộ rõ âm mưu cũng như thủ đoạn của họ trong suốt quá trình áp đặt ý đồ "nuốt trọn" Biển Đông, theo kiểu "miệng nói hòa bình không xưng bá, tay làm phức tạp hóa tình hình".

Nguồn : chinhphu.vn, 23/05/2014

**********************

Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị

Thanh Phương, RFI, 24/05/2014

Sau nhiều năm im lặng, mãi đến những năm gần đây, chính quyền Việt Nam mới lên tiếng giải thích về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, nhưng lần đầu tiên, Hà Nội vừa chính thức tuyên bố công hàm đó là vô giá trị, tức là không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

phamvandong2

Công hàm Phạm Văn Đồng, mà nhiều người gọi là "công hàm bán nước", đã được đưa ra trong bối cảnh như thế nào ? Ngày 04/09/1958, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố với quốc tế quyết định của chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam). 

Sau đó, ngày 14/09/1958, Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng đã gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai bức công hàm ghi rõ : "Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành" tuyên bố nói trên của chính phủ Trung Quốc và "sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc". 

Từ đó cho đến nay, đối với Bắc Kinh, bức công hàm nói trên của Thủ tướng Việt Nam là đồng nghĩa với việc Hà Nội thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Thật ra, từ lâu, nhiều chuyên gia đã phân tích rõ là công hàm Phạm Văn Đồng chẳng có giá trị nào về mặt pháp lý trên vấn đề chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, bởi một lý do đơn giản là hai quần đảo này vào thời đó thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. 

Trong bài báo ngày 20/07/2011, tờ Đại Đoàn Kết cũng đã công nhận rằng vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa "tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa" và chính phủ này "đã liên tục thực thi" chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Hơn nữa, vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này. 

Nhưng đó chỉ mới là ý kiến của một tờ báo chính thức, được đăng tải vào lúc đó để xoa dịu dư luận, không chỉ đang phẫn nộ về những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn rất bất bình trước hành động đàn áp người biểu tình phản đối Trung Quốc. Nay, trong bối cảnh Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, lần đầu tiên chính phủ Hà Nội chính thức tuyên bố công hàm đó là không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Trong cuộc họp báo quốc tế hôm 23/05/2014 (lần thứ ba kể từ đầu vụ giàn khoan HD-981), phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải đã nhắc lại lập luận rằng công hàm (mà ông gọi là công thư) Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi lẽ hai quần đảo này lúc đó nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa, được Pháp giao lại vào năm 1956, phù hợp với Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc có tham gia. 

Việt Nam đã phải chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị trong bối cảnh mà chính phủ Hà Nội đang cố vận động sự ủng hộ của quốc tế bằng cách nêu rõ những cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Hà Nội cũng đang xem xét việc khởi kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, cho biết, với tư cách thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mình.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 24/05/2014

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy, Huy Đức, Đại Đoàn Kết, Chính phủ Việt Nam, Thanh Phương
Read 1071 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng Trường Sa dimanche, 26 avril 2020 07:24 posted by Hoàng Trường Sa

    Xin đừng hiểu lầm là tôi muốn Công hàm Phạm Văn Đồng có giá trị ràng buộc pháp lý để Hoàng Sa và Trường Sa lọt vào tay TÀU. Đương nhiên, là người VN, tôi mong muốn HS và TS mãi mãi là những phần đảo biển của Tổ quốc VN. Tuy nhiên, hai bài trên mà có người khen, tôi thấy chỉ là cách chữa cháy cho tội bán nước của ông Đồng và ĐCSVN. Nó chỉ lừa được những người không quen lý luận sử dụng tư duy lôgic, mà thiên về cảm tính nên không thấy ý nghĩa của các con chữ nằm trên văn bản. Cái cách lập luận cho rằng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không có ý thừa nhận HS và TS thuộc vào TQ trong Công hàm ngày 14/9/1958 gửi Thủ tướng Chu Ân Lai là LÈM BÈM. Rõ ràng là phía TQ, trong văn kiện của Quốc Vụ Viện Trung Hoa ngày 4/9/1958 về lãnh hải của TQ đã nói rõ rằng Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) là của TQ và được áp dụng điều khoản có lãnh hải rộng 12 hải lý như tất cả những vùng đảo biển khác của TQ mà TQ đã nêu ra. Nếu Thủ tướng PVĐ muốn chỉ ủng hộ luật bề rộng 12 hải lý của TQ thôi, chứ không ủng hộ tuyên bố Tây Sa và Nam Sa (tức HS và TS) là của TQ, thì trong Công hàm ông cần nêu ra là VNDCCH ghi nhận và tán thành tuyên bố bề rộng 12 hải lý cho lãnh hải TQ NHƯNG không chấp nhận Tây Sa (tức HS) và Nam Sa (tức TS) là thuộc TQ vì hai quần đảo này là của VN hiện thời tạm do VNCH quản lý, qua Hiện định Genève 1954. Chỉ vậy thôi. Theo tinh thần Công hàm PVĐ thì khác hẳn. Rõ ràng bút sa gà chết, giấy trắng mực đen. Không thể cãi bựa được. Ngoài ra, sau này khi được phỏng vấn về Công hàm PVĐ do một nhà báo quốc tế hỏi, ông Đồng đã tuyên bố: "Đó là lúc đang chiến tranh nên tôi phải nói như thê". Nghĩa là sao? Nghĩa là những gì ông Đồng viết trong Công hàm 14/9/1958 là ông viết THỰC vì trong hoàn cảnh chiến tranh. Sợ mích lòng TQ người ủng hộ VNDCCH lớn nhất chăng? Năm 1958, VNDCCH chưa phát động chiến tranh "giải phóng Miền Nam", thì chiến tranh nào đây? Phải đến năm 1959 hay 1960 cuộc chiến mới bắt đầu. Và Mỹ chỉ vào Miền Nam năm 1963 sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cach xa năm 1958 tới 5 năm.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)