Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/05/2020

Hậu Covid-19 : khủng hoảng quân sự và lương thực thế giới

Tú Anh - Thùy Dương

Địa chính trị : Sau đại dịch Covid-19 sẽ là khủng hoảng quân sự ?

Tú Anh, RFI, 01/05/2020

Hệ quả đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe, kinh tế, địa chính trị là những chủ đề chính trên Le Monde, phát hành sớm một ngày. Tất cả các đồng nghiệp khác đều nghỉ lễ Lao động 01/05/2020.

dia1

Tầu sân bay Charles de Gaulle đuy nhất của Pháp neo ở cảng Toulon (miền nam) sau khi phát hiện virus corona trên tầu. Ảnh chụp ngày 16/04/2020. Reuters - ERIC GAILLARD

Kinh tế Pháp bị cú "sốc" chưa từng có, GDP sụt 5,8% trong quý I. Kinh tế Đức suy thoái nghiêm trọng, dự báo GDP sẽ giảm 6,3% trong năm 2020, một kỷ lục trong lịch sử Cộng hòa liên bang. Trong khi đó, đại dịch vẫn tiếp diễn với những biến chứng mới được phát hiện : gây viêm cơ tim cho trẻ em.

Trẻ em : Nạn nhân mới của Covid-19

Báo động triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ em. Ngày 27/04, các bệnh viện nhi đồng ở Paris thông báo tin này với Bộ Y tế nghi ngờ có quan hệ nhân quả với siêu vi SARS-CoV-2. Cùng ngày, hệ thống bệnh viện Nhà nước Anh cũng báo động về triệu chứng viêm Kawasaki. Libération nghỉ lễ nhưng kịp bổ sung thông tin mới nhất trên mạng : Bệnh viện công, qua cuộc họp báo chiều nay, xác nhận quan hệ nhân quả giữa Covid-19 và viêm cơ tim.

Từ ngày 15/04 đến nay, sau hai tuần ở Pháp, Bỉ, Anh, Ý, ẩn số đã được giải đáp. Tất cả 21 trẻ em nhập viện ở Paris bị suy tim bất thường đều có dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài suy tim, các bệnh nhân thiếu nhi còn bị viêm mắt, sưng ngón chân, bàn tay, vỡ da... gần giống như triệu chứng mà bác sĩ Nhật Kawasaki mô tả vào năm 1967.

Đại dịch : Lợi dụng thời cơ thực hiện tham vọng bá quyền

Dịch Covid-19 còn là cơ hội để nhiều nước biểu dương lực lượng. Cho dù chương trình tập trận tạm ngưng nhưng quân đội vẫn chứng tỏ đang ứng chiến.

Le Monde điểm qua một loạt hành động phô trương thanh thế trên khắp địa cầu trong tháng Tư vừa kết thúc. Hùng hổ nhất Trung Quốc, sau khi gây sự với tàu Việt Nam và Nhật Bản, một hạm đội Trung Quốc với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh vào vùng Biển Đông. Để cảnh cáo Trung Quốc, Mỹ đưa 5 pháo đài bay chiến lược đến đảo Guam, nhưng sau đó rút về, làm các nước Châu Á lo âu.

Tại Trung Đông, Iran có một số hành động hù dọa lực lượng Mỹ trong Vịnh Ba Tư trước khi phóng lên không gian một vệ tinh quân sự.

Hải quân Pháp, bị chỉ trích sơ suất để hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle tê liệt vì siêu vi, khẳng định là lực lượng nòng cốt bảo vệ quốc gia.

Cũng tại Châu Âu, Liên Minh NATO phải đưa máy bay lên ngăn chận hai chiến đấu cơ Nga hung hăng áp sát hàng không mẫu hạm Mỹ USS Donald Cook ở ngoài khơi Litva. Matxcơva cũng loan báo lần đầu tiên trong lịch sử thả lính dù xuống Bắc Cực từ độ cao 10.000 mét.

Châu Âu coi chừng bị trễ một cuộc chiến

Song song với các hoạt động quân sự, chiến tranh mạng cũng sôi động không kém. Bị tố gây ra đại dịch, Trung Quốc chọn thái độ cứng rắn phản ứng lại mà cụ thể là qua chiến dịch tuyên truyền theo kiểu một chiều, phản dân chủ. Theo Le Monde, Trung Quốc là nước duy nhất lợi dụng đại dịch, biểu dương sức mạnh ở Biển Đông với mưu đồ rõ rệt : tuyên bố thành lập quận huyện trên quần đảo Trường sa và Hoàng sa là một quyết định chính trị, một hành động xâm lược.

Trong khi đó, Châu Âu là nơi bị thiệt hại sinh mạng nặng nhất và với số người lâm bệnh lên đến hàng triệu vì Covid-19. Chuyên gia Bruno Tertrais khuyến cáo coi chừng bị trễ một cuộc chiến : Bởi vì sau khủng hoảng y tế, lần tới sẽ là khủng hoảng quân sự.

Câu hỏi đặt ra là Châu Âu phải làm gì ngay bây giờ ? Trong khi Tây phương lo tìm khẩu trang, thì những cường quốc chiến lược như Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ duy trì tầm nhìn xa, thúc đẩy quân bài của họ đi tới phô trương gân bắp. Đã đến lúc các nền dân chủ phải có chiến lược lâu dài, theo khuyến cáo của chuyên gia địa chính trị Bruno Tertrais.

Một thế giới mới hậu đại dịch : Mọi chỉ số đều xấu

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh làm biến đổi môi trường địa chính trị một cách triệt để. Vậy thì, thế giới hậu đại dịch có tốt hơn thế giới hiện nay hay không ? Châu Âu phải làm gì trong thế giới đa cực đang chao đảo vì sự trỗi dậy của Trung Quốc ?

Le Monde nhắc lại là câu hỏi này đã được nêu lên từ hai tháng nay nhưng tìm cách trả lời là chuyện phiêu lưu. Tương lai ai biết ra sao vì ai biết đại dịch kéo dài đến khi nào và làm cách nào để chiến thắng ?

Tuy nhiên, tác giả bài xã luận cho là ngay từ bây giờ đã có thể rút ra một số bài học về tổ chức thế giới. Thứ nhất, trật tự thế giới xây dựng với ảnh hưởng của Mỹ từ sau Thế Chiến thứ hai, không còn thích nghi với tương quan lực lượng trong thế kỷ 21. Trước đại dịch, trật tự này đã lung lay rồi, có người nói nó lung lay từ khi thế giới Cộng sản sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Liên xô tan rã, Trung Quốc vuơn lên làm chao đảo một thế cân bằng dựa trên tương quan lực lượng Mỹ-Liên Xô.

Khủng hoảng y tế cho thấy rõ là sức mạnh của Trung Quốc làm tan vỡ hệ thống trật tự cũ. Thái độ chậm chạp của Tổ chức Y tế Thế giới, trì trệ báo động nguy cơ đại dịch với cộng đồng quốc tế cho thấy bàn tay của Trung Quốc khuynh đảo cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cũng như chính sách can thiệp thường trực vào tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Xung khắc Mỹ-Trung lên đến mức hai bên chỉ lo tố cáo lẫn nhau gieo rắc siêu vi, hơn là tập trung năng lượng để lo sức khỏe cho công dân mình. Bài học khác, là Hoa Kỳ không đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo thế giới của thế kỷ 20. Từ vài năm gần đây, Washington ngày càng do dự.

Còn Châu Âu ? Bị Mỹ bỏ rơi, bị Trung Quốc dòm ngó, bị Nga hục hặc, Châu Âu vẫn tin vào một thế giới đa cực .

Muốn vậy, cần phải xây dựng một thế giới hậu Covid-19. Phải bắt tay vào việc ngay từ bây giờ, tổ chức tái thiết kinh tế chung, trong tinh thần đoàn kết và dứt khoát, Le Monde kết luận.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 01/05/2022

**************

Khủng hoảng lương thực - "quả bom xã hội" thời hậu Covid-19

Thùy Dương, RFI, 01/05/2020

Trong khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có lối thoát và ẩn sau đó là những cuộc chiến địa chính trị, kinh tế, các định chế quốc tế lớn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, cảnh báo nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực dẫn đến nạn đói nghiêm trọng trên thế giới, kèm theo đó là những bùng nổ xã hội thời hậu Covid-19.

dia2

Ngày 26/04/2020, bộ trưởng Nông Nghiệp Nga - nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa mì - thông báo sẽ tạm ngưng việc xuất khẩu nhiều loại ngũ cốc. Danil SEMYONOV / AFP

Trong một báo cáo chung với Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình lương thực thế giới (PAM) ước tính số người đói ăn nghiêm trọng trên thế giới từ nay đến cuối năm 2020 có thể lên đến 250 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2019 (tăng thêm 130 triệu người). Giám đốc điều hành của PAM, David Beasley, cảnh báo : "Trong khi chúng ta đối đầu với đại dịch Covid-19, chúng ta cũng đang bên bờ một đại dịch đói".

Cỗ máy cung ứng lương thực thực phẩm của thế giới trục trặc

Hôm 22/04, báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam còn nhận định là so với cuộc khủng hoảng 2008, cuộc khủng hoảng lần này còn khủng khiếp hơn, nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng và bần cùng hóa, với những hậu quả vô cùng đáng ngại về khả năng người dân nhiều nơi phải chịu cảnh khan hiếm lương thực thực phẩm. Khác với năm 2008, lần này thế giới không có vấn đề về năng suất nông nghiệp, chúng ta có đủ lương thực, nhất là ngũ cốc. Rủi ro nằm ở sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Nói cách khác, cỗ máy cung ứng lương thực của thế giới đang bị phá vỡ.

Quả đúng là hiện nay thế giới không gặp vấn đề về trữ lượng lương thực. Đài BFMTV ngày 18/04 cho biết, ông Claude Georgelet, người phụ trách trang mạng Agritechtrade chuyên về nông nghiệp và nguyên liệu nông nghiệp, trích dẫn số liệu của Hội đồng quốc gia Pháp về ngũ cốc, theo đó trữ lượng lúa mì trên toàn thế giới hiện nay là 2,8 tỉ tấn. Thời tiết thuận lợi trong mùa đông này hứa hẹn vụ mùa bội thu, sản lượng lúa mì thu hoạch ước tính lên đến 769 triệu tấn, nhiều hơn 6 triệu tấn so với năm 2019, vốn đã là một năm rất được mùa. 

Theo ông Khuất Đông Ngọc, tổng giám đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, vấn đề trong thời buổi khủng hoảng là làm thế nào để trữ lượng lương thực này đến được bất cứ nơi nào người dân có nhu cầu, nhất là trong bối cảnh nhiều nước hạn chế công tác xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng trước hết nhu cầu trong nước. Nhật báo Pháp La Croix ngày 27/04 lấy làm tiếc là dường như những lời báo động nghiêm túc hồi đầu tháng Tư của hai định chế của Liên Hiệp Quốc về nông nghiệp và thương mại là FAO và WTO, không có mấy tác dụng. Các định chế quốc tế này lưu ý việc các nước ngăn chặn hoạt động xuất khẩu lương thực, thực phẩm có thể sẽ khiến nạn đói trên hành tinh trở nên nghiêm trọng hơn.

Thực tế cho thấy, trong hoàn cảnh bất định như hiện nay, tất cả các nhà sản xuất nông nghiệp lớn đều có kế hoạch để dành một lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa trong năm nay. Thái Lan, Cam Bốt và Indonesia đều tuyên bố cắt giảm xuất khẩu gạo, Ukraina giảm xuất khẩu dầu hướng dương, Kazakhstan giảm xuất khẩu lúa mì. Liên quan đến nước Nga, vốn là một trong những quốc gia sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới và cũng là nhà xuất khẩu đầu bảng về lúa mì, chính quyền Matxcơva ngày 26/04 thông báo tạm ngưng bán lúa mì ra thị trường thế giới cho đến tháng 07 để ưu tiên thị trường trong nước.

Để giải thích cho quyết định của chính phủ, thủ tướng Nga nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của ngũ cốc đối với thị trường quốc gia Nga. Lập luận của chính quyền Nga đưa ra không phải là không có cơ sở. Vào giữa tháng 3, giá trung bình của lúa mì thành phẩm ở Nga đã tăng lên đến "mức cao nhất trong lịch sử", cao hơn cả giá dầu lửa. Tuy biện pháp này của Matxcơva tạm thời chưa gây mất ổn định cho các thị trường, nhưng có thể để lại những hậu quả nặng nề cho các nước vốn phụ thuộc vào nguồn lúa mì nhập từ Nga.

Lãnh đạo FAO cũng nhấn mạnh việc các chính quyền đóng cửa biên giới và phong tỏa đất nước có thể cản trở hoạt động trồng trọt của nông dân và hoạt động của các nhà sản xuất chế biến thực phẩm. Ngoài ra, cũng phải nói đến việc khủng hoảng y tế đã làm gián đoạn công tác tổ chức hậu cần. Đại dịch và công tác kiểm dịch, cách ly tại các khu cảng làm giảm số lượng phương tiện vận chuyển và nhân viên chuyên chở hàng. Chẳng hạn, theo người phụ trách trang mạng Agritechtrade, ông Claude Georgelet, hiện giờ các tàu chở ngũ cốc phải chờ thêm nửa tháng ở cảng so với bình thường mới có thể được bốc hàng lên tàu, đặc biệt là ở Achentina.

Một mối đe dọa khác, theo lưu ý của đại diện của Agritechtrade : "Giống như các cá nhân mua hàng ở siêu thị để tích trữ, các nước xuất khẩu lớn cũng tích trữ nông phẩm phòng trường hợp đóng cửa biên giới". Trung Quốc, nước sản xuất và nắm giữ một nửa trữ lượng gạo trên hành tinh, mới đây đã nhập khẩu một triệu tấn lúa mì từ Pháp. Theo chuyên gia nông nghiệp và nguyên liệu nông nghiệp của Agritechtrade, điều này là hoàn toàn bất bình thường.

Thái độ nói trên đã được các nhà xuất khẩu lớn áp dụng trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Đối với FAO, những biện pháp này đã được chứng minh là cực kỳ có hại, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp và phải nhập khẩu nhiều lương thực.

Châu Phi và Trung Đông trong cơn khốn khó

Theo nhiều chuyên gia, Châu Phi và Trung Đông sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng nghiêm trọng về lương thực thực phẩm cho dù về mặt y tế, họ không phải là những nạn nhân trực tiếp và nặng nhất của dịch bệnh Covid-19. Ông Gilbert Houngbo, chủ tịch Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp FIDA cho báo Les Echos ngày 23/04 biết : "Chúng tôi đã thấy những dấu hiệu báo động về một nạn đói ở Châu Phi".

Đương nhiên, những nước có thu nhập thấp, cấu trúc xã hội, y tế và kinh tế mong manh là những nước dễ bị nạn đói tác động nhất. Ngoài ra, còn phải kể đến các nước phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu dầu lửa như Nigeria, Gabon, trong bối cảnh khủng hoảng giá dầu thô ở mức thấp chưa từng có. Giá dầu sụt giảm mạnh đột ngột trong khi giá lúa mì và gạo lại tăng cao. Đối với những quốc gia đang có xung đột hoặc vừa mới thoát khỏi xung đột thì gần như phải gánh "cú đúp" vận rủi trong cuộc khủng hoảng y tế lần này. Đây là trường hợp của nhiều nước Trung Đông. Theo chuyên gia Thierry Pouch của Viện Nông Nghiệp Pháp, được đài BFMTV trích dẫn, các quốc gia ở vùng Sừng Châu Phi vốn đang bị dịch Châu chấu tàn phá, hoặc Yemen đang hứng chịu nội chiến trong nhiều năm qua, đặc biệt bị đe dọa về an ninh lương thực.

Năm 2019, có 10 nước bị nạn đói tác động nghiêm trọng, nhất là Yemen, Venezuela, Congo, Afghanistan hay Nam Soudan, nơi 61% dân số đói ăn. Trang mạng Novethic chuyên về phát triển bền vững trích dẫn kinh tế gia trưởng của PAM, Arif Husai, theo đó cuộc khủng hoảng Covid-19 là một cú đánh vào hàng trăm triệu người khác, những người sẽ không thể mua thức ăn vì không còn thu nhập do tác động của lệnh phong tỏa và suy thoái kinh tế.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 01/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tú Anh, Thùy Dương
Read 671 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)